Trang chủ » Văn học nước ngoài

HAI TRUYỆN NGẮN MỸ

Thu Trang
Thứ bẩy ngày 29 tháng 8 năm 2009 6:36 AM

Người mẹ ở Mannvile
Truyện ngắn của Marjorie Kinnan Rawlings (Mỹ)
 
Trại mồ côi nằm cao trên dãy núi Carolina. Thỉnh thoảng vào mùa đông, tuyết rơi theo gió cuốn dày đặc khiến từ dưới ngôi làng nhìn lên , nó bị che khuất hẳn. Sương mù ẩn sau đỉnh núi, tuyết trắng cuộn xoáy xuống thung lũng, và gió rét mướt, làm cho mấy chú bé ở trại ngày hai lần mang sữa đến lều trẻ sơ sinh, chìa những ngón tay tê cóng lên cửa, thống khổ vì giá lạnh.
- Khi tụi cháu mang thức ăn từ nhà bếp đến đấy - Jerry nói - mặt đứa nào cũng tê cóng, không còn cảm giác. Cháu có một đôi găng nhưng những đứa khác thì không.
Thằng bé bảo thích thời tiết vào cuối mùa xuân. Khi ấy, đỗ quyên nở hoa, trải tấm thảm đầy màu sắc qua sườn núi, gió tháng năm nhẹ nhàng lay động rừng cây độc cần, mà nó gọi là nguyệt quế.
- Khi nguyệt quế nở hoa, màu hồng và màu trắng chen nhau trông rất đẹp…
Tôi đến đây vào mùa thu. Tôi cần sự yên tĩnh, cô lập để viết lách, cùng bầu không khí trong lành miền núi để xua đi cơn bệnh sốt rét do sống lâu ngày ở vùng nhiệt đới. Và cũng để thỏa nỗi nhớ quê, nhớ ngọn lửa cháy rực của gỗ đốt vào tháng mười, những chiếc bánh ngô, những quả bí đỏ, những cây óc chó đen, và những ngọn đồi lô nhô… Tôi đã tìm thấy những hình ảnh thân thương ấy tại đây, khi sống trong ngôi nhà gỗ thuộc trại mồ côi, chỉ cách trại mồ côi hơn nửa dặm đường. Khi thuê ngôi nhà nầy, tôi có nhờ gọi một cậu trai hoặc một người đàn ông đến bổ củi để dùng cho lò sưởi. Mấy ngày đầu, thời tiết ấm áp, tôi đã tìm đủ củi dùng trong nhà, không thấy ai đến, tôi cũng quên khuấy đi lời đề nghị của mình.
Một trưa muộn, tôi ngước lên từ chiếc máy đánh chữ và thoáng giật mình khi thấy một thằng bé đang đứng nơi cửa. Con chó săn, người bạn đồng hành của tôi, đang đứng cạnh nó, thậm chí không sủa một tiếng cảnh báo tôi. Đứa bé khoảng mười hai tuổi nhưng trông nhỏ thó. Nó mặc chiếc quần may liền có yếm che ngực, một chiếc sơ mi rách và đi chân không. Nó nói:
- Hôm nay cháu đến bổ củi.
Tôi trả lời:
- Nhưng cô đã nhờ một người ở trại rồi.
- Thì chính là cháu đây.
- Cháu à? Nhưng cháu bé thế kia…
- Bé hay lớn không ăn nhằm gì tới việc bổ củi. Mấy đứa lớn hơn chưa chắc đã bổ được. Cháu đã bổ củi ở trại từ rất lâu.
Tôi hình dung những nhánh củi thảm hại, ít oi cho lò sưởi của mình. Tôi đang hào hứng với công việc, không muốn tiếp tục câu chuyện, và tôi cũng không tin thằng bé sẽ đảm đương nổi công việc nầy.
- Được, cái búa đây. Hãy ra ngoài và làm những gì cháu có thể làm được.
Tôi khép cửa, tiếp tục làm việc. Ban đầu, tiếng cành cây kéo lê đã quấy rầy tôi. Sau đó, thằng bé bắt đầu bổ. Những nhát bổ nhịp nhàng, chắc chắn, chẳng mấy chốc đã hòa lẫn vào dòng suy tưởng của tôi. Độ một tiếng rưỡi sau, tôi ngừng viết, duỗi người lắng nghe tiếng bước chân của thằng bé ngoài hành lang. Mặt trời đã lặn sau dãy núi xa, thung lũng đỏ tía, sẫm màu hơn cả những bụi cúc tần.
- Cháu phải về ăn tối - Thằng bé nói - Chiều mai cháu sẽ tới.
- Để cô trả công ngày hôm nay cho cháu - Tôi bảo với nó, vẫn nghĩ có lẽ nên cố nài một thằng bé lớn hơn - Nào, 10 xu một giờ, được không?
- Như thế cũng được.
Chúng tôi vòng ra sau nhà. Một đống củi đáng kinh ngạc. Đống củi được bổ từ những súc gỗ anh đào, những gốc đỗ quyên lớn, cả những súc gỗ thông, gỗ xoài được thải ra từ việc xây dựng ngôi nhà.
- Cháu đã làm việc như một người đàn ông. Đống củi thật là to.
Lần đầu, tôi nhìn kỹ thằng bé. Mái tóc nó vàng hoe như râu bắp, đôi mắt với cái nhìn thẳng thắn thì giống như bầu trời miền núi khi mưa giăng xám phủ đi những ánh xanh lơ huyền dịu. Khi tôi ngõ lời khen, cái ánh xanh lơ ấy bừng lên trong đôi mắt nó. Như thể mặt trời đã soi ánh chói lọi qua dãy núi xua đi những đám mây mù. Tôi đưa nó đồng 25 xu.
- Cám ơn cháu. Ngày mai cháu lại đến nhé.
Thằng bé nhìn tôi rồi nhìn đồng tiền. Dường như nó muốn nói gì nhưng không diễn tả được. Và nó quay đi.
- Mai cháu sẽ chẻ củi đóm cho cô - Nó ngoái đôi vai gầy lại nói.
Rạng sáng, tôi lơ mơ thức giấc trong âm thanh tiếng bổ củi. Cái âm thanh nhịp nhàng ngay sau đó lại làm tôi thiếp đi. Khi tôi ra khỏi giường trong buổi sáng dịu mát, thằng bé đã xong công việc và trở về trại. Một đống củi đóm đã dược chất ngăn nắp tựa bức tường. Sau giờ học buổi trưa nó lại đến một lần nữa và làm việc cho đến lúc phải quay về trại. Tên thằng bé là Jerry, 12 tuổi, đã sống ở trại mồ côi từ khi lên 4. Tôi hình dung Jerry lúc 4 tuổi với đôi mắt xanh xám, nghiêm nghị đầy tự tin. Không, phải gọi là chính trực, mới hợp. Và từ nầy với tôi rất có ý nghĩa, rất hiếm khi tôi dùng đến vì ngoài cha tôi ra, tôi chưa thấy ai có được phẩm chất đó, phẩm chất của sự trong sáng, giản dị, tinh khiết như dòng suối chảy qua khe núi. Nhưng Jerry đã cho tôi sự cảm nhận ấy. Ở thằng bé, là biểu hiện hơn cả sư can đảm, đó là lòng dũng cảm, hơn cả đức tính lương thiện là sự thuần phát tự nhiên.
Một hôm cái cán búa bị gãy, Jerry nói sẽ mang đến xưởng mộc của trại để sửa. Tôi đưa tiền công, nó không nhận.
- Để cháu trả. Cháu đã làm hư. Cháu đã không cẩn thận để vuột tay.
- Ai lại chẳng có lúc sơ ý. Tại gỗ cán búa không tốt. Cô sẽ mắng vốn người đàn ông bán cây búa nầy.
Tôi nói như vậy thằng bé mới chịu nhận tiền. Quả thật, nó không phải là đứa bất cẩn. Nó là người làm thuê tự do luôn có ý thức trong công việc. Nếu sơ sót, nó sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm không chút do dự. Ngoài việc bổ củi, thằng bé còn giúp tôi những công việc vặt vãnh. Nó tìm thấy một cái hố kín đáo bên cạnh lò sưởi mà tôi không nhận ra. Nó tự ý xếp củi đóm nhỏ và củi vừa vào đấy để tôi có chất đốt dự trữ trong những ngày thời tiết ẩm ướt. Có một viên gạch bị sút trên lối đi gồ ghề dẫn vào nhà. Nó đã đào một cái hố sâu hơn, đặt viên gạch lại vững vàng, mặc dù khi nó đến, nó thường đi con đường tắt xuyên qua rừng. Tôi nhận ra thằng bé đã làm những công việc ấy bằng tất cả tấm lòng. Khi tôi cố đáp lại sự ân cần của nó bằng kẹo hay những quả táo, nó không nói một lời cảm ơn. Có lẽ nó chưa từng được dạy dỗ để diễn đạt điều nầy, và sự nhã nhặn trong cách cư xử của nó chỉ là do bản năng. Nó thường nhìn vào món quà rồi nhìn tôi. Khi ấy như có một bức màn được vén lên, để tôi có thể thấy sâu nơi cặp mắt trong trẻo của nó sự hàm ơn, tình cảm dịu dàng, khác với vẻ ngoài trông cứng nhắc của nó.
Thằng bé thường tìm những cái cớ đơn giản để đến và ngồi bên tôi. Tôi không thể bảo nó quay về trại nếu nó không cảm thấy đói bụng. Một lần, tôi đề nghị, thời gian tốt nhất cho buổi đến thăm của nó là sau bữa tối. Sau đó, nó thường đến và đợi cho đến khi chiếc máy đánh chữ của tôi ngừng gõ. Một hôm, làm việc đến chạng vạng, tôi quên bẵng thằng bé. Khi bước ra ngoài, tôi thấy nó lững thững đi lên đồi, trong ánh hoàng hôn, hướng về khu trại. Nơi hành lang, chỗ ngồi hãy còn ấm. Có lẽ Jerry đã đến và ngồi chờ tôi rất lâu.
Dĩ nhiên, Jerry cũng thân thiện với con chó Pat của tôi. Có sự cảm thông kỳ lạ giữa thằng bé và con vật. Khi tôi đi nghỉ cuối tuần bên kia bang, tôi đã để con chó lại cho Jerry chăm nom. Tôi trao cho nó cái còi huýt chó, chìa khóa nhà và để lại một ít thức ăn. Thằng bé sẽ đến hai, ba lần một ngày, dẫn chó ra ngoài, cho nó ăn và chơi đùa với nó. Tôi dự định quay về vào tối chúa nhật, và Jerry sẽ đến lần cuối vào buổi trưa, sau đó để chìa khóa lại ở một nơi mà chúng tôi đã thỏa thuận. Chuyến trở về của tôi đã muộn hơn dự định, Sương mù giăng mù trên núi nguy hiểm đến nỗi tôi không dám lái xe trong đêm. Sáng hôm sau, trời hãy còn sương, vì vậy đến trưa thứ hai tôi mới về đến nhà. Con chó đã được chăm sóc và cho ăn vào buổi sáng. Jerry đến trước buổi trưa lo lắng:
- Ông giám thị nói ít ai lái xe trong sương mù. Cháu đến trước giờ ngủ tối qua mà cô vẫn chưa về, vì vậy sáng nay cháu đã mang cho Pat một ít phần điểm tâm của cháu. Cháu đã không để bất cứ điều gì xảy ra với nó.
- Cô cũng tin như vậy, và đã rất yên tâm khi để Pat lại cho cháu.
Thằng bé bận việc ở trại nên phải về ngay. Tôi cho nó 1 đô la để thưởng công. Nó nhìn đồng đô la rồi chào tôi ra về. Nhưng đêm đó, nó trở lại trong bóng tối, gõ vào cánh cửa.
- Vào đây, Jerry, sao cháu lại được phép ra ngoài vào lúc muộn màng thế nầy.
- Cháu đã bịa ra một cái cớ. Cháu nói với họ rằng có lẽ cô muốn gặp cháu.
- Đúng vậy - Tôi xác nhận và thấy ngay niềm vui bừng lên trên khuôn mặt thằng bé - Cô rất muốn biết về việc cháu đã trông nom con Pat như thế nào.
Thằng bé ngồi cạnh tôi bên lò sưởi. Nó kể về hai ngày sống chung với con chó. Con Pat nằm kề bên nó như tìm thấy sự an ủi mà nó không hề tìm thấy ở tôi. Và dường như việc ở bên con chó của tôi, chăm sóc nó đã mang lại sự gần gũi giữa chúng tôi, để thằng bé cảm thấy cũng thuộc về tôi như con vật.
- Nó luôn ở bên cháu trừ những khi nó chạy vào rừng nguyệt quế. Cháu dẫn nó lên đồi. Cả hai chạy thật nhanh. Có một chỗ cỏ mọc cao, cháu chui vào trốn nó. Cháu nghe tiếng nó lùng sục tìm. Nó lần ra dấu vết của cháu, sủa vang. Khi tìm thấy cháu, nó cứ chạy vòng quanh cháu như một thằng điên.
Chúng tôi cùng ngắm nhìn ngọn lửa. Jerry nói:
- Đây là gỗ táo. Nó cháy đẹp hơn bất kỳ loại gỗ nào.
Không khí mỗi lúc thêm thân mật. Đột nhiên thằng bé như bị thúc ép phải nói ra những điều nó chưa hề nói trước đó, mà tôi cũng không quan tâm để hỏi.
- Cô trông hơi giống mẹ của cháu, nhất là trong bóng tối cạnh ngọn lửa thế nầy.
- Nhưng cháu chỉ mới 4 tuổi khi cháu vào đây, làm sao nhớ được mẹ như thế nào hở Jerry?
- Mẹ của cháu đang ở Mannvile.
Trong giây lát, việc biết rằng Jerry có một người mẹ thật sự gây sốc cho tôi. Rồi điều ấy cứ xáo trộn suy nghĩ của tôi. Sao lại có thể bỏ rơi một thằng bé như thế nầy? Trại mồ côi phải chăng là một nơi tốt lành, với những người điều hành tử tế tốt bụng, với thức ăn thừa mứa, không có áo sơ mi rách, cùng công việc lao động nặng nề?
Có lẽ phải thừa nhận rằng thằng bé đã không cảm thấy thiếu thốn tình thương yêu của người đàn bà đã vứt bỏ đứa con bé bỏng mình đã rứt ruột sinh ra? Vào lúc lên 4, thằng bé có giống như bây giờ? Tôi nghĩ không có gì trên cuộc đời nầy làm thay đổi ánh nhìn trong đôi mắt ấy. Trỗi dậy trong tôi những nghi ngờ mà tôi không thể hỏi. Tôi sợ sẽ chạm vào nỗi đau của nó.
- Gần đây cháu có gặp mẹ cháu không?
- Mỗi mùa hè cháu đều gặp mẹ. Mẹ cháu nhắn cháu đến.
Tôi muốn kêu lên: Vậy sao cháu không ở luôn với bà ấy, sao bà ấy lại để cho cháu ra đi?
- Mẹ cháu đến từ Mannvile. Hay bất cứ nơi nào mẹ từng ở. Hiện, mẹ cháu không có việc làm.
Mặt Jerry bừng lên dưới ánh lửa. Nó kể: “Mẹ cháu muốn cho cháu một con chó con, nhưng ở trại người ta không cho phép nuôi chó. Cô còn nhớ bộ quần áo cháu mặc hôm chúa nhật không - thằng bé nói một cách tự hào - Chính mẹ đã gửi cho cháu hôm giáng sinh trước - Nó hít một hơi dài như thưởng thức lại hồi ức - Mẹ còn gửi cho cháu đôi giày trượt băng nữa.
- Một đôi giày trượt băng à?
Tôi cố hình dung ra bà ta, cố gắng để hiểu người đàn bà ấy. Bà đã không hoàn toàn bỏ mặc đứa con trai nhỏ của mình. Hẳn là có nghịch cảnh gì đây. Tôi nghĩ tôi không được lên án bà nếu không am hiểu tường tận.
- Vâng, một đôi giày trượt băng. Cháu luôn cho mấy đứa khác mượn với điều kiện chúng hứa phải giữ gìn cẩn thận.
Còn có lý do nào khác hơn sự nghèo khó đã chia rẽ hai mẹ con?
- Cháu dự định sẽ dùng 1 đô la cô cho vì việc chăm sóc con Pat để mua cho mẹ cháu đôi găng tay.
Tôi chỉ có thể bảo nó :
- Điều đó cũng tốt thôi. Thế cháu có biết cỡ tay mẹ cháu không?
- Cháu nghĩ khoảng tám rưỡi - Nó nhìn đôi tay của tôi - Găng của cô cỡ tám rưỡi phải không?
- Không, găng của cô nhỏ hơn, sáu thôi.
- Cháu đoán tay mẹ cháu chắc phải lớn hơn tay cô.
Tôi ghét người đàn bà ấy. Nghèo túng, đói khổ thì sá gì so với lòng khao khát tình thương của một đứa trẻ? Và chính thằng bé bị bỏ rơi ấy lại định dùng 1 đô la kiếm được từ công sức của mình để mua găng cho đôi tay to, ngu ngốc của bà. Còn bà thì sống xa rời nó, ở tận Mannvile, tự thấy hài lòng vì đã gửi cho nó đôi giày trượt băng.
- Mẹ cháu thích găng tay màu trắng. Cô nghĩ cháu có thể mua nó với 1 đô la không?
- Cô nghĩ rằng được.
Tôi quyết định sẽ không rời nơi nầy nếu không gặp được mẹ Jerry để biết lý do bà phải để con trong trại mồ côi. Nhưng rồi, những trang viết không làm tôi hài lòng, và tôi chuyển sang đề tài khác. Tôi cần thêm tư liệu về Mê-Hi -Cô. Tôi bắt đầu lo liệu để chấm dứt công việc ở Florida. Phải đến Mê-Hi-Cô ngay, và ngồi ở đấy viết nếu có điều kiện. Sau đó, sẽ đến Alaska với anh trai, rồi có trời mà biết tôi sẽ làm gì, đi đâu nữa.
Tôi đã không có thời gian đến Mannvile để gặp mẹ Jerry, cũng không có dịp hỏi nhân viên ở trại mồ côi về bà ấy. Công việc bận rộn cho chuyến đi làm tôi xao nhãng thằng bé. Sau lần ấy, chúng tôi không nhắc đến bà ta nữa. Dù sao việc thằng bé có một người mẹ không xa nơi đây bao nhiêu, ở Mannvile, đã làm dịu đi nỗi ray rứt của tôi về số phận của nó. Nó đã không đơn độc, và tôi yên tâm về điều này.
Nó vẫn đến mỗi ngày, bổ củi, giúp tôi những việc vặt và ở lại trò chuyện. Hôm nào trời trở lạnh tôi cho nó vào trong nhà. Nó nằm trên sàn, phía trước lò sưởi, một tay choàng qua mình con chó, cả hai ngủ gà gật chờ tôi xong công việc. Những hôm khác, chúng chạy tung tăng qua những hàng nguyệt quế. Và bởi cúc tây đã tàn, nó mang về cho tôi những chiếc lá thông màu đỏ son, những cành dẻ vàng rực sũng ướt.
Tôi đã sẵn sàng để ra đi.
- Cháu là người bạn tốt của cô, Jerry ạ. Cô sẽ luôn nghĩ và nhớ đến cháu. Pat cũng thế. Ngày mai cô đi rồi.
Nó không nói một lời. Khi nó quay đi, trăng non đã nhú trên đỉnh đồi.. Tôi nhìn theo bóng nó lặng lẽ đi lên triền đốc. Ngày hôm sau, chờ mãi cũng không thấy nó tới. Việc gói ghém đồ dùng cá nhân vào xe, sắp xếp chỗ nằm cho con chó, choáng hết thời gian của tôi. Khi tôi đóng cửa ngôi nhà, mặt trời đã lặn ở hướng Tây. Tôi dừng xe trước trại mồ côi, giao lại chìa khóa và thanh toán hóa đơn cho cô Clark.
- Cô làm ơn gọi Jerry giùm để tôi từ giã nó.
-Tôi cũng không biết thằng bé đang ở đâu nữa. E rằng nó không được khỏe. Nó đã bỏ bữa trưa. Một đứa khác thấy nó đi lên đồi, vào rừng nguyệt quế. Trong khi tới phiên nó phải đun nước trưa nay. Chưa bao giờ nó xử sự như vậy cả. Nó vốn là đứa đáng tin cậy.
Tôi thấy nhẹ nhỏm. Tôi biết mình không nên gặp lại thằng bé, điều ấy sẽ dễ dàng hơn là phải nói lời chia tay với nó.
- Hổm rày tôi rất muốn gặp cô để hỏi thăm về mẹ thằng bé, về lý do bà phải gửi nó ở trại. Tôi còn muốn gặp mẹ nó nữa nhưng bây giờ tôi phải đi rồi. Tôi muốn gửi cô ít tiền, nhờ cô mua quà cho thằng bé nhân giáng sinh hay sinh nhật của nó. Chính tôi gửi quà cho nó thì hay hơn, nhưng tôi e mình sẽ gửi thứ mà nó đã có như giày trượt băng chẳng hạn.
- Giày trượt băng à, ở đây có ai dùng giày trượt băng đâu.
Vẻ ngây người của cô khiến tôi ngạc nhiên. Tôi lặp lại:
- Ý tôi muốn nói là tôi không muốn mua cho thằng bé những thứ mà mẹ nó đã gửi cho nó. Có lẽ tôi đã chọn giày trượt băng, nếu tôi không biết rằng mẹ nó đã gửi cho..
Cô ta ngó tôi trân trân:
- Tôi không hiểu - Cuối cùng cô ta nói - Thằng bé không có mẹ. Nó cũng không có giày trượt băng.
Thu Trang
(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
 
 
Thế giới dưới bóng cây bàng

Truyện ngắn của KRISNASWAMI NARAYAN
 
Làng Somal, ẩn khuất trong dãy rừng Mempi, có số cư dân không quá ba trăm người. Xét về mọi phương diện, đó là ngôi làng mà những người có tư tưởng cải cách nông thôn đến mấy cũng cảm thấy chùng lòng.
Bể chứa nước ở giữa làng dùng để uống, tắm giặt cho người, cả gia súc nữa, là nơi phát sinh bao mầm bệnh sốt rét, thương hàn và có trời mà biết còn những thứ bệnh tật gì khác nữa. Những túp lều mọc tràn lan, đường làng ngoằn ngoèo uốn lượn và đan chéo lẫn nhau. Người dân ở đây sử dụng con đường chính làm nơi đổ rác. Sau mọi nhà cống rãnh tù đọng thành những vũng nước xanh.
Rasipuram Krisnaswami Narayan sinh năm 1906 tại Madras (Ấn Độ). Ông là nhà văn Ấn sáng tác bằng tiếng Anh. Ông dạy học, viết báo và viết văn. Năm 1935, ông xuất bản tập tiểu thuyết đầu tiên Swami và những người bạn, sau đó nhiều tiểu thuyết và tập truyện ngắn của ông liên tiếp được ấn hành.
Những nhân vật trong tác phẩm của ông thường đương đầu với những mâu thuẫn trong việc bảo tồn truyền thống dân tộc và những gì họ thừa hưởng từ nền văn minh Anh trong suốt những năm Ấn Độ là thuộc địa của đế quốc Anh.
Làng là như vậy. Có thể người dân ở đây không nhận thức được môi trường chung quanh, nhưng cũng có thể họ không bao giờ để ý đến những điều đó vì họ luôn sống trong sự mê hoặc triền miên. Người bỏ bùa mê họ bằng những câu chuyện kể là Nambi, một ông lão khoảng sáu, bảy mươi tuổi. Cũng có thể ông đã tám mươi hoặc một trăm tám mươi? Không ai có thể nói chính xác tuổi của ông.
Ở một nơi hoàn toàn tách biệt như Somal (nơi mà trạm xe buýt gần nhất cũng cách khoảng mười dặm) thì việc tính toán không phải là cách thông thường để đo lường thời gian. Nếu ai đó hỏi Nambi bao nhiêu tuổi, ông thường nhắc đến một nạn đói đã xảy ra lâu lắm rồi, một cuộc xâm chiếm hay việc xây dựng một chiếc cầu nào đó và chứng tỏ cho mọi người biết ông đã có mặt trên đời khi những sự việc ấy xảy ra.
Nambi mù chữ, chữ viết với ông là một điều hoàn toàn bí ẩn, nhưng ông có thể bịa ra mỗi tháng một chuyện và từng chuyện có thể kể mất mười ngày.
Nhà của Nambi là một ngôi đền nhỏ ở cuối làng. Không ai có thể giải thích bằng cách nào ông lão đã tự nhận mình là chủ của ngôi đền ấy. Ngôi đền là một kiểu kiến trúc nhỏ, với những bức tường có những vệt đỏ và hình tượng bằng đá của nữ thần Shakti đặt nơi chính điện. Phần trước của ngôi đền là nhà của Nambi. Thật ra bất cứ nơi đâu trong làng cũng có thể là nhà của ông. Ông không có của cải tài sản gì.
Tất cả những thứ ông có là một cây chổi dùng để quét đền, một cặp dohti (*) và áo khoác ngoài. Hầu hết thời gian trong ngày của ông là ngồi dưới bóng râm tỏa rộng của cây bàng phía trước ngôi đền. Khi cảm thấy đói ông đi đến bất kỳ ngôi nhà nào ông thích, cùng ăn với gia đình đó. Khi Nambi cần quần áo mặc, người làng mang đến cho ông. Hầu như không bao giờ ông phải ra ngoài để tìm kiếm bầu bạn, bởi vì bóng râm cây bàng đã là một câu lạc bộ, nơi tụ tập của cả dân làng.
Suốt ngày người ta tìm đến các bạn của Nambi và ngồi dưới bóng cây. Nếu Nambi cảm thấy hứng thú, ông sẽ lắng nghe câu chuyện của họ, làm dân làng vui thích bằng những lời nhận xét hay những câu chuyện kể của ông. Khi nào không thấy hứng thú, ông nhìn những người khách với vẻ cau có và hỏi: “Các người nghĩ ta là ai? Đừng có trách ta nếu như mùa trăng tới ta không có chuyện để kể cho các người nghe. Trừ phi ta nghĩ ra cách nào đó nữ thần có thể ban cho ta câu chuyện. Bộ các người nghĩ rằng chuyện luôn có sẵn, trôi dạt trên không trung à?”. Và ông đi một hơi ra bìa rừng, ngồi đấy trầm ngâm ngắm nhìn cây cối.
Vào những chiều thứ sáu, dân làng tụ tập tới đền để cúng kiếng và cầu nguyện. Nambi thắp hai mươi ngọn đèn trát bùn, sắp xếp chúng quanh ngưỡng cửa đền. Ông trang hoàng tượng nữ thần bằng những bông hoa dại mọc ở sân sau ngôi đền. Nambi đóng vai người tu sĩ dâng lên nữ thần trái cây và hoa do dân làng mang đến.
Vào những đêm Nambi có chuyện để kể, ông thắp một ngọn đèn và đặt trong cái hốc cây trên thân cây bàng. Buổi tối, người làng đang trên đường về nhà thấy ngọn đèn, bảo với vợ con: “Nào, nào, nhanh lên, chuẩn bị cơm tối nhanh đi, ông kể chuyện đang gọi chúng ta đấy”. Khi ánh trăng nhô lên sau đỉnh đồi, nam phụ lão ấu đã tụ tập đông đủ dưới gốc cây bàng. Người kể chuyện vẫn chưa xuất hiện. Nambi ngồi nơi bệ thờ, trước tượng nữ thần, mắt nhắm nghiền, chìm sâu trong nghĩ ngợi.
Ông cứ ngồi như vậy bao lâu tùy thích và khi bước ra ngoài trán ông sáng rực lên với bột tro và bụi sơn màu đỏ. Ông đến ngồi trên bệ đá trước đền, chỉ tay về một hướng xa xăm và thường bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: “Một ngàn năm trước, về hướng cách đây một tầm đá ném, các người nghĩ nơi đó là gì? Không phải chỉ có cỏ dại bao phủ những đống phân cho những con lừa lăn vào, cũng không chỉ là những hố tro như bây giờ.
Đó chính là thủ đô của một vì vua”. Nhà vua ấy có thể là Dasaratha, Vikramaditya, Asoka hoặc bất cứ ai mà ông lão nghĩ ra. Còn thủ đô thì được gọi là Kapila, Kridapura hay bất kỳ cái tên nào đó cũng do Nambi đặt. Sau khi đã mở đầu câu chuyện như vậy, ông lão nói liên miên suốt ba tiếng đồng hồ. Khi ấy cung điện của nhà vua được xây dựng dần dần từng viên gạch một. Căn phòng nơi diễn ra các buổi triều kiến của vua qua sự diễn tả của ông lão hiện lên, uy nghi, chói lọi với hàng trăm chư hầu, tể tướng, quần thần.
Ở một góc cung điện, tất cả các nhạc sĩ trên thế giới tụ tập và hát. Hầu hết các bài hát đều được người kể trình bày lại trước khán giả. Ông lão còn miêu tả chi li đến những hình ảnh, huy hiệu gắn trên bức tường cung điện. Câu chuyện được xây dựng theo phong cách sử thi. Ngày đầu tiên, bối cảnh của nó vẫn chưa được kể hết. Khán giả của Nambi vẫn chưa biết nhân vật nào sẽ được đưa vào câu chuyện. Khi ánh trăng lặn khuất sau rặng cây khu rừng Mempi, Nambi nói: “Nào các bạn, nữ thần nói hôm nay kể đến chừng này đã đủ rồi”. Ông lão đột ngột đứng dậy, đi vào trong nằm xuống, ngủ ngon lành trước khi tiếng ồn ào của đám đông tan dần.
Ngọn đèn trong hốc cây được thắp sáng hai ba ngày sau và nó cứ hiện lên suốt nửa mùa trăng. Vua chúa, anh hùng, những tên bất lương, những phụ nữ đẹp như tiên, những thiên thần mang hình hài con người, các vị thánh, những kẻ giết người, tất cả cùng chen chúc trong thế giới được tạo ra dưới gốc cây bàng.
Theo giọng kể lúc trầm lúc bổng của Nambi, ánh trăng và thời khắc nhuốm cho câu chuyện màu huyền bí. Dân làng cười với Nambi, khóc với ông ấy, thờ phượng những người anh hùng, chửi rủa những tên đểu cáng, than thở khi những kẻ mưu đồ tạo phản thành công bước đầu và họ cùng cầu nguyện thần linh, lời cầu nguyện chân thành sao cho câu chuyện kết thúc tốt đẹp.
Vào ngày câu chuyện chấm dứt, cả đám đông cùng tụ tập đi vào đền nằm dài trước tượng nữ thần cầu nguyện.
Đến khi vầng trăng non bắt đầu ló dạng trên đỉnh đồi, Nambi lại sẵn sàng bắt đầu một câu chuyện khác. Chưa bao giờ ông lặp lại những chuyện mà ông đã kể trước đó, cũng như chưa bao giờ có một nhân vật nào trùng lắp trong chuyện kể của ông. Dân làng xem Nambi như một hiện tượng kỳ diệu, họ dẫn lại những lời nói thông thái của ông, cùng sống trong sự tán dương, ngợi ca, mặc dù ở phương diện khác cuộc sống của họ đầy rẫy khó khăn buồn tẻ.
Như thế câu chuyện cứ kéo dài năm này qua năm khác. Một mùa trăng, Nambi thắp ngọn đèn trên cây. Khán giả đến. Ông lão ngồi xuống và bắt đầu câu chuyện: “Vào thời trị vì của vua K., tể tướng của ông là...”. Ông lão ngừng lời. Đột nhiên ông không thể kể tiếp được. Ông bắt đầu lại câu chuyện: “Có một vì vua...” rồi cứ ấp úng mãi điều gì không rõ. “Chuyện gì đã xảy ra với ta vậy?”. Ông lão hỏi một cách thương tâm. “Ôi, Mẹ, Mẹ vĩ đại, sao tôi lại ấp a ấp úng thế này. Tôi biết câu chuyện kia mà. Tôi đã có toàn bộ câu chuyện cách đây một phút. Nhưng đó là câu chuyện gì? Tôi không hiểu điều gì đã xảy ra”. Ông lão cứ lắp bắp như vậy, trông thiểu não đến nỗi khán giả của ông phải kêu lên: “Cứ thong thả. Có lẽ ông mệt đấy thôi”.
Nhắm nghiền mắt lại, ông lão kêu lên: “Tôi có mệt không? Hãy đợi một chút. Tôi sẽ kể ngay thôi”. Nhưng sau câu nói ấy là một khoảng yên lặng kéo dài. Những khuôn mặt nôn nóng hướng về ông lão. Ông giận dữ kêu lên: “Đừng có nhìn tôi như vậy!”. Ai đó đưa cho ông một bình sữa. Khán giả kiên nhẫn chờ đợi. Điều này chỉ mới xảy ra lần đầu. Một số người bày tỏ sự thông cảm với ông. Số khác bắt đầu quay ra nói chuyện riêng.
Những người ngồi bên ngoài đám đông thì lặng lẽ lẻn ra về. Dần dà gần nửa đêm, những người khác cũng bỏ về nốt. Nambi ngồi nhìn trừng trừng xuống mặt đất, đầu cúi gằm nghĩ ngợi. Lần đầu tiên ông lão nhận ra mình đã già. Ông cảm thấy rằng sẽ không bao giờ ông còn kiểm soát được những suy nghĩ của mình và diễn đạt chúng một cách mạch lạc. Khi Nambi ngẩng lên, mọi người đã bỏ về hết trừ Mari, người thợ rèn, bạn của ông. “Mari, sao ông không đi như những người khác?”.
Mari nói như bào chữa cho mọi người: “Họ không muốn làm cho ông mệt, vì vậy họ mới bỏ đi”. Nambi đồng tình: “Ông nói đúng. Ngày mai tôi sẽ kể tiếp câu chuyện. Ôi tuổi tác... Tôi bao nhiêu tuổi rồi? Sao nó lại đến với tôi một cách đột ngột như vậy!”. Ông lão chỉ tay vào đầu và nói: “Cái đầu này nó đang bảo với tôi: “Tên già ngu ngốc, đừng tưởng ta sẽ làm đầy tớ cho ông suốt đời. Từ rày trở về sau ông sẽ là tôi tớ của ta”. Nó không còn vâng lời mà đã phản bội tôi”.
Ngày hôm sau Nambi lại thắp ngọn đèn đặt trong hốc cây. Đám đông cũng tụ tập dưới gốc cây bàng một cách trung thành. Nambi đã trải qua trọn cả ngày trầm ngâm nghĩ ngợi. Ông lão đã nhiệt thành cầu xin nữ thần đừng bỏ rơi ông. Ông bắt đầu câu chuyện và nói suốt một giờ không ngừng. Ông cảm thấy hết sức nhẹ nhõm, đến mức phải dừng câu chuyện lại để nhận xét: “Ồ, các bạn, Mẹ luôn tử tế.
Tôi đã bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi ngu ngốc”, rồi mới kể tiếp. Nhưng chỉ sau vài phút ông lại cảm thấy mọi ý tưởng như đã bỏ ông mà đi. Ông cố gắng một cách vất vả. “Và rồi... và rồi... Chuyện gì đã xảy ra vậy?”. Ông lão cứ ấp a ấp úng. Yên lặng kéo dài cả tiếng đồng hồ. Khán giả đứng dậy, không nói một lời lặng lẽ ra về. Ông lão vẫn ngồi trên bệ đá trầm ngâm cho đến khi gà gáy sáng. “Ta không thể trách cứ họ bất cứ điều gì - ông lão nói thầm với chính mình - Họ có thể ngồi ở đây và ủ rũ suốt cả đêm sao?”.
Hai ngày sau, ông lão lại kể tiếp đoạn kế câu chuyện. Nhưng đoạn kể này cũng chỉ kéo dài được vài phút. Đám đông bắt đầu tản dần, càng ngày càng ít người chú ý đến ngọn đèn trong hốc cây. Ngay cả những người đến đó thì cũng chỉ vì họ cảm thấy có bổn phận phải đến. Nambi nhận ra rằng chẳng ích lợi gì cho việc kéo dài sự cố gắng vật vã này. Ông kết thúc câu chuyện nhanh chóng dù nó vẫn chưa hoàn chỉnh.
Ông lão biết chuyện gì sẽ xảy ra và âu sầu khổ sở khi nghĩ đến sự thất bại của mình. “Nếu như ta chết cách đây vài năm chắc hẳn ta hạnh phúc hơn - ông lão nhủ thầm - Hỡi Mẹ, sao người lại làm cho tôi trở nên câm nín thế này?”. Ông lão cứ giam kín mình trong đền đài, hầu như không ăn uống và ngồi bất động, trầm ngâm suốt cả ngày.
Mùa trăng tiếp đến ló dạng trên đỉnh đồi. Nambi lại thắp ngọn đèn trong hốc cây. Dân làng khi trở về, lại trông thấy ánh đèn nhưng chỉ vài người đến đó. “Thế còn những người khác đâu? - ông lão hỏi - Chúng ta hãy đợi xem”. Nambi ngồi đợi. Trăng lên. Số khán giả ít ỏi cũng ngồi chờ một cách kiên nhẫn.
Sau đó ông lão nói: “Tôi sẽ không kể câu chuyện, hôm nay cũng như ngày mai tôi sẽ không kể nếu như cả làng không đến đông đủ. Tôi đã quyết định như vậy. Đây là một câu chuyện tuyệt vời. Mọi người cần phải nghe nó”. Hôm sau, ông lão đi tới lui trên con đường làng và la lên: “Hôm nay tôi có câu chuyện rất hay để kể. Tất cả mọi người hãy đến, đừng có bỏ qua...”. Lời kêu gọi trực tiếp có một tác dụng rất lớn. Buổi tối, toàn bộ dân làng lại tụ tập dưới gốc cây bàng. Họ rất vui vì người kể chuyện đã hồi phục lại năng lực.
Nambi ra khỏi đền khi mọi người đã yên vị và nói: “Chính là nữ thần, người đã ban cho ta năng khiếu này và chính người đã lấy nó lại. Nambi chỉ là một gã khờ. Ông ta chỉ nói khi nữ thần cần có điều gì phải nói và ông ta trở nên câm lặng khi nữ thần không còn gì để nói nữa. Nhưng hoa nhài còn có ích lợi gì khi đã mất đi mùi hương? Và ngọn đèn còn để làm gì một khi dầu đã cạn?
Hãy tạ ơn nữ thần. Đây là những lời cuối cùng của ta trên thế gian này và đây cũng chính là câu chuyện vĩ đại nhất của ta”. Ông lão đứng lên, chậm chạp đi vào đền. Khán giả hầu như không hiểu những gì ông vừa nói. Họ vẫn ngồi đấy cho đến khi cảm thấy mệt mỏi. Sau đó một vài người đứng lên, đi vào trong đền. Họ thấy người kể chuyện đang ngồi, hai mắt nhắm nghiền. “Bộ ông không kể cho chúng tôi nghe câu chuyện sao?”. Ông lão mở mắt ra, nhìn họ và lắc đầu. Ông phác một cử chỉ ra dấu rằng ông đã nói những lời cuối cùng rồi.
Khi Nambi cảm thấy đói, ông đi đến bất cứ căn lều nào, lặng lẽ ngồi xuống và sau khi đã ăn xong, lặng lẽ bỏ đi ngay. Ngoại trừ điều đó, hầu như ông lão không có gì đòi hỏi ở những đồng loại của mình. Về cuối đời (ông lão còn sống thêm vài năm nữa) Nambi hoàn toàn im lặng.

Thu Trang
(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
Bản gửi cho trannhuong.com