Trang chủ » Văn học nước ngoài

Đi chúc Tết

CHU ĐẠO NĂNG (Trung Quốc VŨ PHONG TẠO dịch
Thứ tư ngày 4 tháng 2 năm 2009 8:40 PM

                              
                                        Truyện ngắn: CHU ĐẠO NĂNG (Trung Quốc)
                                                          VŨ PHONG TẠO dịch
                            
       Người xưa nói: Người lớn mong mùa màng, trẻ con ngóng ăn Tết!
Sau khi ăn Tết mồng tám tháng Chạp, tôi nằm mơ cũng bấm đốt ngón tay, mong chờ ngày đi chúc Tết.
Mặc dầu đêm ba mươi Tết phải thức “gác đêm” đến tận nửa đêm, mà trời mới tờ mờ sáng, tôi đã bật dậy, tỉnh như sáo sáo. Dụi dụi mắt, mặt còn chưa kịp rửa, đã như bị lửa đốt đít, chạy ra ngoài.
Cho đến lúc tôi đã đi chúc Tết được mấy nhà xong, thì mới gặp hai ba “đồng nghiệp”. Gặp mặt nhau, tự nhiên ai cũng vui mừng hớn hở, lôi trong túi ra những “chiến lợi phẩm”, khoe khoang như những thần tài. Rồi sau đấy, tiếp tục phát huy mở rộng “chiến quả”
Buổi chiều tối trở về nhà, tôi bèn đem từng thứ “xương máu của nhân dân” mà bòn rút được, trưng bày lên trên bàn, cô em gái ganh tị không nói làm gì, đến ngay chị gái cũng xuýt xoa thèm thuồng.
Bởi vì bố là Bí thư chi bộ đại đội sản xuất, ngày thường quản lý giáo dục con cái rất nghiêm. Cho nên không được người lớn cho phép, là bọn con cái chúng tôi “không được lấy một cây kim sợi chỉ của quần chúng nhân dân”.
Thế mà lúc này, nhìn thấy con trai đi “càn quét” về, mẹ lại cứ hớn hở tươi cười mới lạ chứ!
Sau khi chị em chúng tôi “thi giầu” xong, mẹ lấy túi ni lông ra, cho mọi thứ vào rồi buộc chặt, cất vào trong tủ, để dè sẻn ăn dần, giống như vòi nước nhỏ thì thùng nước lâu cạn.
Còn hai thứ tôi quý như bảo bối, thì tôi nhét vào túi quần, đó là kẹo và pháo tép. Lúc nào buồn miệng thì móc một cái kẹo ra bỏ vào miệng ngậm một lát, sau đó gói kẹo lại, cất vào trong túi. Có lúc không chú ý, nửa cái kẹo trôi tuột xuống bụng, cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ suốt mấy ngày liền.
Khoản pháo tép cũng vậy. Có một hôm, lúc muốn làm “một tiếng nổ kinh người”, mới phát hiện ra pháo tép đã bị nghịch ngợm làm cho pháo câm mất rồi. Tiếc đứt ruột, đành phải ngắt quả pháo ra, làm hở lớp giấy bọc thuốc, rồi châm lửa, “bụp” một tiếng, khói xanh bốc lên, rồi lại còn chúm miệng “đùng” một tiếng hoạ theo, coi như vớt vát một chút tổn thất.
Mồng một Tết hàng năm, bố đều thức dậy sớm hơn tôi, cũng đi chúc Tết, đi thăm thương binh, gia đình liệt sĩ, các cụ già, người cô đơn. Buổi tối bố trở về nhà, tôi tự nhiên lại biểu dương chiến công của bố. Nghe vậy, bố cũng cười hì hì, lại còn xoa xoa đầu tôi nữa.
Đột nhiên, bố hỏi tôi:
-Các con đã đi chúc Tết nhà chú Thọt chưa?
Giống như câu Lý Thiết Mai thường hát “Chú trong làng đếm không xuể”, cho nên bố tôi phải nói rõ “chú Thọt”, chúng tôi mới hiểu bố nói đến chú Lưu bị thọt chân.
Đã có bài vè nói về gia đình chú Lưu thọt chân, mà lũ trẻ trong làng đều biết hát:
“Lưu Thọt ngày càng thọt,
Bà vợ mắt lại chột,
Con gái nói không biết.
 Mùa hè uống nước mưa.
Mùa đông ăn cơm tuyết…”
Một gia đình không có một giọt dầu giọt mỡ như vậy, đứa trẻ nào còn muốn gõ cửa “vận động quyên góp” nữa chứ?!
Nghĩ vậy, thế là ba chị em chúng tôi đều lắc đầu.
Bố đột nhiên đập bàn, quát to:
-Một lũ thỏ con, ai dậy chúng mày có con mắt cậy thế trục lợi như thế chứ?
Chúng tôi giật nẩy mình, sợ xanh mắt, nhìn mặt nhau.
Mẹ giật nhẹ gấu áo bố, nói nhỏ nhẹ:
-Ngày Tết lớn, giận dữ thế làm gì nào? Lũ trẻ con đã biết gì đâu chứ!
Nét mặt bố dịu lại, nhưng giọng nói vẫn nghiêm khắc:
- Sáng sớm mai, ba chị em các con phải đi chúc Tết nhà chú Thọt đấy!
Mẹ nói tiếp một câu:
-Phải ngồi nhà chú lâu lâu một chút, chớ có chưa ngồi xuống ghế đã nhổm dậy đi ngay, như bị gai đâm đít đấy. Đứa nào ngoan, mẹ sẽ thưởng cho đứa ấy!
Không bỏ lỡ thời cơ, tôi bèn giơ tay:
-Bố! Con sẽ ngồi nhà chú nửa ngày đấy!
Lúc ấy, bố tôi mới cười, nói:
-Được, về nhà bố sẽ thưởng cho con bánh pháo tép…
Khi đến nơi, cánh cửa cũ nát của nhà chú Lưu vẫn còn đóng chặt im ỉm.
Chú Lưu ghe thấy tiếng nói ra mở cửa, thoạt tiên chú ngớ người ra, sau khi ba chị em tôi gào lên ba tiếng “Chúc Tết”, lập tức xúc động đỏ bừng cả mặt, chân cà nhắc cà nhắc đi trước, nói to vào trong nhà:
-Lũ trẻ con của Bí thư đến chúc Tết đây!
Đi vào trong nhà, thím Lưu cứ ra ra vào vào, như tìm cái gì ấy. Cuối cùng, thím nhìn chú Lưu, ngửa hai bàn tay ra “A! a !” mấy tiếng. Chú Lưu gãi gãi đầu, miệng lúng búng:
-Làm sao đây? Cũng chẳng có cái gì cho lũ trẻ ăn…
Trước lúc ra đi, mẹ đã dặn chúng tôi:
-Các con đến chúc Tết, cái gì cũng không ăn.
Lúc này, thím Lưu kém mắt gọi chúng tôi đến bên giường, moi ở dưới gối ra một bọc vải nhỏ, giở ra từng lớp, mới lộ ra một cuộn tiền lẻ.
-Thím mừng tuổi mỗi cháu một hào, cầm lấy mua cái gì mà ăn!
Chúng tôi đều lùi lại, nói:
- Cháu không lấy đâu! Chúng cháu không lấy đâu!
Chú Lưu, thím Lưu không nói gì, một người kéo tay, một người cứ nhét vào trong túi ba chị em chúng tôi…
Trước khi đi ra, hai chú thím còn tiễn đưa chúng tôi rất xa. Gặp người làng, chú Lưu mặt đầy tự hào, nói:
-Lũ trẻ nhà ông Bí thư đến chúc Tết nhà chúng tôi đấy!
Sau khi trở về nhà, quả nhiên mẹ giận dữ nói:
-Ai bảo các con nhận chứ? Tất cả đem trả lại cho mẹ đi!
Bố nói:
-Nếu không nhận, thì họ sẽ nghĩ sao đây… Thôi đến lúc khác sẽ nói.
Rồi, bố còn dặn bọn chúng tôi:
-Chuyện chú Lưu cho tiền, không được nói với lũ trẻ khác đấy! Biết không?
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi còn chưa dậy, bốn đứa con của chú Lưu đã đến rồi. Mẹ lấy những thứ để trong quả bầu, nhét vào túi chúng nó. Trước khi chúng ra về, bố còn mừng tuổi cho mỗi đứa năm hào. Tôi nhìn, mà thấy ngứa ngáy trong lòng, hận là không được làm con của chú Lưu. Bố còn quay người lại nhúm cho chúng tôi mỗi đứa một ít lạc rang, nói:
-Nhớ đấy! Về sau đi chúc Tết nhà chú Thọt sớm hơn nhé!
Từ năm ấy trở đi, không đợi chúng tôi ra đi, sáng sớm mồng một Tết, chú Lưu Thọt đã dẫn lũ con đến chúc Tết gia đình tôi trước. Nề nếp ấy, kéo dài liên tục cho đến khi chú Lưu được người con trai đón lên thành phố, cũng vẫn không hề thay đổi.
Mùa xuân năm nọ, chú Lưu bị cảm mạo liên tục, đến hôm mồng một Tết, vẫn bảo anh con trai lái xe con, đưa chú trở về thăm làng.
Khi ăn cơm, tôi tiếp con trai của chú Lưu uống rượu. Bố tôi cùng chú Lưu Thọt ngồi bên cạnh lò lửa nhấm nháp, tâm sự.
Có một lúc, chúng tôi buông cốc, buông đũa xuống, lắng nghe hai ông già vui vẻ chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làng chuyện xóm.
Chú Lưu nói với bố tôi:
-Tình hình làng ta ông là người hiểu nhất, ông giúp tôi lập danh sách liệt kê các cụ sáu mươi tuổi trở lên, thằng cả nhà tôi nó chuẩn bị hàng năm biếu chút quà mọn cho các cụ cao tuổi, gọi là chúc Tết các cụ mà….
Tôi ngoảnh đầu lại, nhìn ông anh con cả của chú Lưu làm giám đốc ở trên thành phố.
Anh mỉm cười, gật gật đầu.
Tôi rót đầy hai cốc rượi, chúng tôi nâng cốc lên, chạm mạnh một cái, nhìn nhau cười. 
Cạn trăm phần trăm!
                                                                       VŨ PHONG TẠO dịch
                                                                       (Theo
www.xxszj.com)
** Khi cần liên hệ: Vũ Phong Tạo, Hội Nhà báo Hà Nội, 62-Trần Quốc Toản-HN
                               * ĐT: 04-38825079  *  Email:
vuphongtao.hnbhn@gmail.com