Sợ trách nhiệm
TP - Có câu chuyện vui: Ba anh chàng, một làm thợ bánh mì, một làm ở ngân hàng và một làm kỹ sư xây dựng. Họ hỏi nhau đối với nghề nghiệp của từng người thì bộ phận nào quan trọng nhất.
- Tôi cần khéo léo để làm nên những chiếc bánh mì không những chất lượng mà còn đẹp. Nên quan trọng nhất là đôi bàn tay và ý thức nghề nghiệp! - Anh thợ bánh mì nói.
Còn nghề của tôi cần nhất là chính xác, bộ phận quan trọng nhất là ngón trỏ và ngón cái, để đếm tiền ấy mà - Anh ngân hàng trả lời.
Tôi thì chẳng cần thẩm mỹ, chẳng cần chất lượng, cũng chẳng cần chính xác, quan trọng nhất chỉ là ngón trỏ! - Anh xây dựng đáp.
Hai anh kia ngạc nhiên: “Sao ngón đó lại quan trọng nhất?” “À, để công trình có sập thì còn chỉ qua người khác chứ”.
Nói vậy để thấy không chỉ các quan nhà ta hay đùn đẩy, mà đến những anh cấp nhỏ cũng rất sợ trách nhiệm.
Một nghịch lý khác là ai cũng thích quyền lực thật lớn nhưng khi sai phạm lại đùn đẩy và tồi tệ hơn là đổ hết trách nhiệm cho người khác, cấp trên, cấp dưới...
Khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, lập tức các cấp liên quan đổ lỗi cho cơ chế, dưới đổ do trên, trên bảo do dưới, lộn tùng phèo...
Bao vụ việc xảy ra nhưng cứ “sờ” tới bác nào thì bác ấy chối đây đẩy, rằng không nằm trong sự quản lý của mình, không thuộc lỗi của mình? Vậy thì lỗi do ai? Chẳng lẽ nhân dân? Chẳng hạn phát hiện được lỗi ở đâu thì dân là người chịu thiệt trước- “Được vạ má sưng”.
Gần đây một loạt sai phạm trong tất cả các lĩnh vực được báo chí phanh phui, nhân dân phản ánh nhưng xử lí chưa thỏa đáng làm người dân bức xúc. Nhà không phép, chất độc trong thực phẩm...
Hỏi: “Ai phải chịu trách nhiệm?” Không ai trả lời được! Vậy thành lập Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP... làm gì? Người dân tự trả lời hoặc ngửa cổ mà than, còn có kiện thì cũng chỉ là “con kiến kiện củ khoai” mà thôi!
Có lẽ chỉ ở ta mới vậy, còn nước khác hẳn các vị có chức đã xin trả ghế. Từng bảo, nếu địa phương nào để xảy ra tai nạn giao thông nhiều thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm!
Tai nạn không giảm nhưng có thấy vị nào chịu? Rồi địa phương để dịch cúm lan tràn cũng thế.
Để tình trạng “ngồi nhầm lớp” xảy ra nhiều, lãnh đạo phòng, Sở Giáo dục cũng sẽ chịu trách nhiệm(?!). Nghe kể cũng hay hay nhưng xem ra có vẻ mơ hồ!
Phải chăng tất cả là do quy định chưa rõ ràng về quyền và trách nhiệm của từng ban ngành, từng đơn vị, cá nhân?
Khi mà ta đang hiện đại hóa đất nước, cần lắm tinh thần xây dựng và một đội ngũ lãnh đạo sáng suốt, có trách nhiệm với những hành động, lời nói của chính họ. Để người dân không mất lòng tin nơi các cấp chính quyền.
Cấn Thị Phương
nguồn: tienphongonline