Xin một gói kích cầu cho rác và hố xí
Có lẽ không đâu như ở nước ta có một làng suốt hàng trăm năm nay không có hố xí ( thuộc Diễn Châu – Nghệ An), dân tự phong tước quận công (hay trên quận công. Có lẽ cũng ít quốc gia, khi đi dạo đường phố thủ đô hay thành phố lớn, du khách lại ngửi được một mùi hôi thối khó tả của rác nhiệt đới với rau quả, cá thịt chế biến tại gia lẫn mùi bể phốt bốc lên từ những con kênh to nhỏ lộ thiên chảy qua lòng thành phố. Cũng không có mấy ga tàu, bến xe, đặc biệt là ga trung tâm thủ đô của quốc gia nào lại bị mùi nước tiểu nghẹt thở khống chế hàng chục năm nay, tuy có bớt dần nhưng vẫn chưa thể coi là thơm tho được. Cũng không ít thành phố trên thế giới có những đoàn xe rác đẩy bằng tay (thường là do phụ nữ!), xe rỉ sét như chưa bao giờ được sơn, không nắp đậy, lại thêm những túi nilong bốc mùi treo lủng lẳng hai bên, biểu tượng của bẩn thỉu và tồn tàn. Còn bụi và ô nhiểm các loại thì không nói mãi cũng không hết.
Dân ta có thói ở bẩn chăng? Không! Đói cho sạch, rách cho thơm là truyền thống đến tận mỗi nhà. Nhà nông dân nền đất mái tranh nhưng sạch như lau như ly, ngồi trong nhà vẫn ngửi được mùi hoa chanh hoa bưởi. Hồi mới tiếp quản, tôi thấy Hà Nội, Nam ĐỊnh là hai thành phố sạch sẽ và ngăn nắp, tuy mới bước qua chiến tranh nhưng tươm tất như nhà cửa của một gia đình có gia giáo. Vậy cái bẩn, cái hôi hám này từ đâu? Có đủ thứ nguyên nhân nhưng không thể bào chữa cũng không thể đổ thừa cho ai khác là trách nhiệm thuộc cơ quan công chính, nay là quản lý đô thị và môi trường! Nếu những cơ quan này không chấp nhận ở bẩn thì cũng bất lực trong việc giữ gìn bộ mặt sạch sẽ của thành phố. Một dẫn chứng nhỏ: đoàn xe rác có thể sơn lại cho sạch sẽ, mát mắt, có thể làm nắp kín. Làm chuyện ấy không hết bao nhiêu tiền và có thể làm mỗi năm hay sáu tháng một lần nhưng chưa thấy thành phố nào làm. Không làm vì không nhìn thấy bẩn chứ có lẽ không phải không có tiền!
Khi chợ ế ẩm, các bà buôn bán nhỏ thường tranh thủ thời gian, thậm chí đóng cửa tạm thời để lau chùi, quét dọn, sắp xếp lại cửa hàng. Trong thời suy thoái hiện nay, chính phủ quyết định đưa ra nhiều gói kích cầu để vực dậy nền kinh tế. Tiền ngân sách không phải vô tận. Nên rót tiền vào những việc thiết thực, nằm trong tầm tay.
Xin hãy dành một gói kích cầu đáng kể cho vệ sinh môi trường, trước hết là các thành phố đất chật người đông, bộ mặt của quốc gia. Ta hay nói đến văn hiến nhưng vệ sinh ( nói rộng ra là môi trường tốt ) chính là hàng đầu của văn hóa, Trong ký ức của du khách các nước, văn hóa Singapor là văn hóa sạch sẽ, vệ sinh, ngăn nắp. Cũng xin đừng quá nhiều tham vọng trong tình hình phải chữa cháy. Ví dụ chưa thể xử lý xong sông Tô hay các kênh rạch hôi hám của Sài Gòn. Xin đầu tiên hãy đi từ những việc nhỏ. Ví như làm sạch làm đẹp và đúng quy cách các xe rác, thùng chứa rác. Ví như nên có những thành phố chịu đứng ra nhận lãnh gói kích cầu này và cam đoan “đường phố và thành phố không rác”, những nhà ga bến xe không hôi, không còn cảnh đái đường đái gốc cây tự nhiên như ruồi v.v. Gói kích cầu này không lớn đến mức phải bó tay, Chỉ cần người ta không chịu chấp nhận ở bẩn mà thôi!
Nguyễn Quang Thân