Trang chủ » Tôi có ý kiến

CẦN TRỪNG MẮT ĐỂ BẢO VỆ NHÂN PHẨM

Nguyễn Quang Thân
Thứ ba ngày 31 tháng 3 năm 2009 7:44 AM
   
Nhiều người còn nhớ một bức biếm họa nhỏ nhưng để lại nhiều ấn tượng trên tờ Le Paria đầu thế kỷ trước. Bức họa vẽ anh cu li xe rách rưới, đội nón mê, kéo chiếc xe có một ông Tây, tay ông ta cầm cái roi, chân mang đôi giầy xăng đá sẵn sàng tung cú song phi lên đôi mông héo quắt của con ngựa người an-nam-mít khốn khổ.
 
Gần một trăm năm đã qua. Những tưởng sau cách mạng tháng Tám, sau hai cuộc chiến tranh giành lại độc lập tự do, cảnh người nước ngoài đánh đập thả cửa người Việt đã thành dĩ vãng nhục nhã và đau buồn, không ai muốn nhớ lại.
 
Nhưng trớ trêu thay! Sự đời không phải dễ dàng xuôi chiều và “đương nhiên” như thế. Mấy ngày gần đây, dư luận ở tỉnh Thái Bình và trên các báo bàng hoàng về việc một chuyên gia người Trung Quốc là Du Xiao-sheng chỉ vì “bực bội” mà lên cơn Kung-fu với chị Lê Thị Mười (tên thường gọi là Thúy), nhân viên Công ty Acava - Vina (Khu Công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh) khiến chị Thúy phải mổ cấp cứu lấy hơn một lít máu trong khoang bụng và hiện đang phải điều trị.
Chuyện đau lòng đó đã xẩy ra dài dài và gây ra nhiều hậu quả không hay. Ngược thời gian, vụ 750 công nhân Hansae đình công ngày 6/12/2005 cũng vì có 2 công nhân bị ông Kim Dong In người Hàn dùng chân đá vào người. Đêm 26/11/2002, tại Công ty TNHH Doanh Đức (Dĩ An, Bình Dương), khoảng 30 chuyên gia Đài Loan của công ty này đã sử dụng ống tuýp nước bằng sắt phi 34 ùa tới đánh đập túi bụi công nhân đang đình công. Còn có thể kể thêm nhiều vụ nữa. Những người bị đánh đập, chà đạp nhân phẩm thường là phụ nữ, chân yếu tay mềm, lại có đức tính giỏi nín nhịn.
Mâu thuẫn, căng thẳng, stress, là chuyện thường ngày trong lao động cũng như cuộc sống. Thay vì giải quyết vấn đề một cách văn minh, xứng đáng với thời hội nhập, nhiều ông khách nước ngoài đến làm ăn tại nước ta lại thích giở võ với công nhân nước chủ nhà. Hình như với những người này, nhân phẩm của công nhân bản địa là con số không. Họ quên mất rằng, chính những người họ coi rẻ ( kể cả tính mạng như trường hợp chị Thúy ở Thái Bình kể trên) đã giúp họ tìm kiếm lợi nhuận với tiền công rẻ mạt và đó là lý do họ có mặt ở đây. Họ đã bị lên án, đã bị trừng phạt theo pháp luật nhưng xem ra những cái đầu khùng của họ còn cần những vị thuốc đắng khác nữa.
Với chúng ta, vấn đề là tại sao lại để người ta đánh đập mình dễ dàng đến thế? Chúng ta hiểu rằng, tiền công dù rẻ mạt là do thỏa thuận đôi bên. Điều đó không có nghĩa là kèm theo giá của nhân phẩm. Giá của nhân phẩm luôn luôn cao, nhất là đối với con em những dân tộc tuy nghèo nhưng đã từng biết bảo vệ nhân phẩm của mình trong chiều dài lịch sử. Trong thời hội nhập, cái giá nhân phẩm ấy càng cần phải giữ. Liệu một gã giỏi kungfu có dám “song phi” với một phụ nữ châu Âu như đối với chị Mười? Với những phụ nữ đó, chỉ cần khen họ xinh đẹp không đúng chỗ là có thể ăn tát.
Một sự nhịn chín sự lành là điều nên làm. Nhưng chữ “nhẫn” phải được cả hai phía coi trọng và bất kể cái gì, kể cả chữ “nhẫn” cũng phải có giới hạn. Chị em ta có thể cần cù, lao động, phục vụ tận tình, dịu dàng và hiếu khách. Nhưng tại sao lúc đó chị Thúy ở Thái Bình không ném ngay bát mì vào mặt thằng khốn nạn kia? Tại sao chị lại không cho nó một cái đạp hay cái tát rất xứng đáng với nó? Chị có thể không làm được thế trước một thằng kẻ cướp có kungfu, nhưng chị phải  làm, cho nó biết chị sẽ làm. Nhiều lúc cũng cần trừng mắt để cho những kẻ khùng hiểu ngay thế nào là cái giá của nhân phẩm của người Việt trước khi chúng nghĩ tới pháp luật.
Thứ Sáu 13/03/2009