Ông bố nhắc nhở cậu con trai út:
- Mi lười kinh! Cả tháng không thấy mi tắm, quần áo thay ra cứ để cả tuần, hôi quá, hôi đến mức chuột chù đi qua cũng phải bịt mũi, mẹ mi đành phải đem giặt… việc gì mi cũng ngại làm.
- Thì hôm qua con đã tắm, đã giặt quần áo, lại còn chăm vượt mức, tự quét nhà, đi mua gạo cho gia đình đấy thôi.
-Đấy là hôm qua, nhưng chỉ được một hôm, mà phải nhắc đến gẫy lưỡi mới chịu làm. Hôm nay lại lười, bỏ việc, vật vờ như thằng nghiện rồi. Muốn nên người, mi phải tập thành thói quen không làm việc thì bứt rứt không chịu được.
Cậu con trai út cãi bài bây:
- Úi trời, thói quen nguy hiểm lắm, bố ơi. Bố mẹ đã xem, cả nhà đều cũng đã xem phim “Thời đại tân kỳ” do vua hề Sác lô đóng, nói về một công nhân được giao nhiệm vụ cầm mỗi tay một cờ lê để vặn một bộ phận thiết bị máy móc đặt trên băng chuyền chạy không ngơi nghỉ trước mặt. Đứng mãi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác làm việc đó đâm thành thói quen, đến nỗi người ta đưa cho đĩa súp, đáng lẽ dơ hai tay bê lấy, chàng công nhân này lại dơ hai tay xoay chiếc đĩa như dùng cơ lê vặn chiếc ốc vít trên băng chuyền, làm đĩa súp đổ vung vãi vào mọi người. Chắc bố mẹ chẳng muốn con giống chàng công nhân trong phim đó, có thói quen đến mức ngồi ăn cơm, đáng lẽ tay cầm đũa gắp thức ăn thì lại cứ đẩy lui đẩy tới giống như động tác vò quần áo, không thể gắp được thức ăn, nhất là những món ăn ngon mẹ đích thân làm, có mà suy dinh dưỡng, chết toi, bố mẹ và cả nhà lại ân hận, lăn lóc khóc thương con hết nước mắt.
Anh con trai cả thương em, cũng lên tiếng che chở:
- Đúng, đúng. Thói quen nhiều khi chẳng hay ho gì. Như ông nội con đấy, từ năm 1946 lên chiến khu Việt Bắc, sống trong tập thể cơ quan, năm 1954 về Hà Nội, cũng sống trong tập thể cơ quan nên mấy chục năm quen gọi mọi người – trừ vợ con, là đồng chí. Quen miệng đến mức một hôm buổi trưa có thằng ăn trộm lẻn vào khu tập thể quơ quần áo của gia đình phơi ở sân, cụ nhìn thấy, la toáng lên: Ơ ơ, đồng chí không được ăn trộm. Bớ nhân dân bắt lấy đồng chí ăn trộm!
- Bố nói ở đây là ý nói phải rèn thói quen tốt.
- Thói quen tốt cũng có mặt không tốt, bố ạ. Có ông ở cơ quan con từ ngày còn trẻ xin vào đặt đít ngồi ghế cơ quan, đến nay đã ngót ba chục năm đều chỉ làm công tác thi đua. Nghề thi đua là nghề phát hiện điển hình tiên tiến, động viên nhân rộng điển hình đó. Vì vậy đi xuống cơ sở nào trong ngành khắp cả nước, ông ấy cũng vỗ tay và phát biểu khen ngợi, khích lệ. Mấy chục năm đâm thành thói quen, quen đến nỗi hôm cán bộ của cơ quan tài chính theo dõi quản lý ngành con bị chết, cơ quan này quan trọng ra phết đối với một ngành kinh tế như ngành con, nên cơ quan con cử ông ấy đi dự đám tang. Khi nghe đọc điếu văn xong, mọi người cúi mặt đau buồn, một số người rơi nước mắt thì ông ta theo thói quen lại vỗ tay đôm đốp, ầm vang cả nhà tang lễ.
- Ui, tệ quá, tệ quá.
- Có chuyện còn tệ hơn thế. Ấy là vừa rồi cơ quan con lại cử ông ấy đến dự hội nghị “Toàn dân tham gia an toàn giao thông”. Khi đứng lên phát biểu, ông ta nói: “Tôi rất phấn khởi khi được biết từ đầu năm đến tháng 9 này, cả nước ta có bẩy ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Đó là sự phấn đấu không mệt mỏi của toàn dân và các ngành hữu quan. - Nói đến đây, ông ta không quên ngừng lại vỗ tay rồi cao giọng động viên – Chỉ còn ba tháng nữa là hết năm, tôi đề nghị mọi người, mọi ngành, mọi cấp cùng nhau ra sức phấn đấu để không thỏa mãn, chỉ dừng lại ở mức bẩy ngàn người như hiện nay, cũng không chỉ đạt bằng mức cả năm ngoái một vạn người mà nhất quyết phải vượt mức cao hơn, càng cao càng tốt.
10 - 2011