Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DÒNG SÔNG THƠ CHỞ NẶNG PHÙ SA

Ninh Đức Hậu
Chủ nhật ngày 2 tháng 10 năm 2011 7:49 PM
 
(Đọc tập thơ “Nước nặng phù sa”) của Trần Quang Hiển – NXB Hội Nhà văn 2010
 
Nước nặng phù sa/Chở ân tình cây lúa /Bỏ bãi xóm làng từ đó mà ra/Cây lúa trổ bông cây cỏ ra hoa…Và cả “Thơ” nữa cũng từ dòng nước nặng phù sa mà ra!Nhà thơ Trần Quang Hiển nghĩ thế? Có thể là thế thật, khi mà cả 64 bài thơ trong tập  thơ “Nước nặng phù sa”, dường như đều được chắt lọc từ những giọt phù sa của dòng nước dòng đời tha thiết chảy trong tâm hồn nhà thơ.
Những ngội mộ hiện hình trên biển/Biển mênh mông nên mộ tròng trành/ Các anh nằm bốn bề biển gọi/Nước vây quanh sóng gió mặn mòi/…Hàng mộ chí không là bia đá/Những hình hài sóng xóa biển xanh/…Mộ trên biển tròn vành hiện hữu…Những câu thơ, và cả bài thơ “Những ngội mộ trên biển”, ám ảnh người đọc khôn nguôi. Thật xót xa khi mỗi lần ta nghĩ đến những người chiến sĩ trên những “con tàu không số”, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, mà nay vong hồn của họ cứ bập bồng, mênh mang trên biển cả. Mỗi người mất đi đều có một nấm mộ… Mộ trên đất ngọn cỏ biếc màu xanh…Còn những ngôi mộ của các anh?Ta bâng khuâng, nước mắt trào mi lúc nào không hay. Hiện hữu song hành trong mỗi người, có sự sống “Hiện tại”, và sự sống “Tâm linh”. Ơi những vong hồn đang tròng trành khơi xa, bài thơ xin làm một nén nhang thơm, một vòng hoa thiêng gửi vào cõi  “Tâm linh” của một hồn thơ đang “Hiện hữu”.
Ngày mỗi ngày, đường phố rầm rập người, xe…Ngày mỗi ngày, các em thơ tung tăng cắp sách đến trường… Ngày mỗi ngày, trên cánh đồng lúa cứ lên xanh…Ngày mỗi ngày các đôi trai gái vẫn sánh vai nhau trên con đường tình ái…Cuộc sống thật bình yên, thật êm ả. Nhưng để có được “Ngày mỗi ngày” đó, có những người lính trẻ, phải xa con phố, phải xa làng quê, xa người bạn gái để đến…Nơi ấy đỉnh cao chót vót/…Nơi ấy biển xa hóa gần/…Đầu súng lấp lánh sao rơi…Những anh lính biên phòng trong thơ Trần Quang Hiển hiện lên là một sự dấn thân, biết quên mình vì Tổ quốc, họ chấp nhận những thiệt thòi…Cái hôn để dành gặp lại…Để vững vàng nơi…Thiêng liêng địa đầu biên giới
Thơ xuất phát từ tình yêu, thơ là tài sản của nhà thơ đóng góp với cuộc đời. Mỗi nhà thơ có mỗi cách tiếp cận với cuộc đời bằng ngôn ngữ của thơ!Thơ, và nhà thơ Trần Quang Hiển, có lẽ được…Lớn lên từ câu hát ca dao…Vượt qua…Bao nhiêu trắc ẩn ở đời…Để rồi Thơ hoàn thiện hơn, chín hơn, sâu hơn và cũng gần gũi với đời hơn. Góp cho đời của thơ  Trần Quang Hiển có lẽ là những giãi bày với “Nhân tình thế thái chăng”? Nói với “Cái bóng” của mình, nhà thơ trầm ngâm…Nỗi niềm nhân thế ngược xuôi/Dung nhan ẩn hiện bóng người lặng im/Phận đời chìm nổi, nổi chìm/Bóng ơi đo lấy trái tim hỡi người…Đời nay vẫn có cảnh trới trêu mà cười ra nước mắt. Ấy khi muốn an phận thủ thường, ấy khi muốn thăng quan tiến chức, ấy khi muốn cầu lợi ích riêng tư…Con người ta phải…Lặng thinh thôi cứ lặng thình/Chiều trên chiếu rải sân đình hầu quan…Một chút chua chát, ngẫm thấy đăng đắng đầu môi. Nhưng suy ngẫm của nhà thơ có thể còn đơn giản, còn ngẫu hững, lộng trào, song dẫu sao cũng để người đọc chiêm nghiệm về tênh tênh buồn.
Có một lần nhà thơ chạm vào đêm…Cái đêm…Nhạt nhòa hư ảnh/Gà bây giờ bỏ rơi tiếng gáy…Để nhà thơ được trở về với những ký ức xa xăm. Nơi có…Dáng mẹ già lưng còng gánh nắng/Gánh mưa rơi…/Gánh nước mắt bờ vai rạn nứt…Và sau rồi nhà thơ nhận ra…Chạm đêm gặp ngày…Đi đến tận cùng khổ đau là hạnh phúc!Hết mưa trời lại nắng!Bạn đọc đồng cảm cùng nhà thơ với triết lý giản dị, “Chạm vào bóng tối sẽ nhận thấy bình minh”.
Làm thơ mà quá cầu kỳ, chải truốt câu chữ, thơ dễ thành không thật. Làm thơ mà nặng về triết luận mông lung, siêu phàm thì cũng dễ thành giả dối.Thơ giúp cho người ta nhìn lại chính mình, chứ không phải xứ mệnh răn giảng. Thơ của Trần Quang Hiển phần nào đã thể hiện được sự rung cảm của tinh thần tác giả. Dẫu có nghiền ngẫm, dẫu có là suy luận, song hết thảy cũng là từ cuộc sống thực tại, những va đập trong hành trình cuộc đời nhà thơ mà có…Lẽ đời kẻ được người thua/Được thua mải miết mà chưa rõ mình…/Sao rơi tan cả bầu trời/Nước chìm ngấm cả cuộc đời truân chuyên…Đi chợ Trời trong cái thủa “vàng thau lẫn lộn”, thị trường nhộn nhạo, tác giả nhận ra chua chát…Người bán, bán cả người mua/Người mua mua cả sự lừa cầm tay…Về với biển, nhấm giọt nước biển mặn mòi, nhà thơ thốt lên…Biển sâu in trọn bóng trời/biển mặn bởi giọt mồ hôi kiếp người…Còn khi trở lại bến sông quê Trần Quang Hiển cũng băn khoăn…Trôi đi năm tháng  xóa nhiều thương đau/Ngàn đời nước chảy sông sâu/tôi về bến cũ tìm đâu bóng người…Còn trong bài thơ “Tìm người”, nhà thơ ngơ ngác…Tìm người như thể tìm ta/Chìm trong đáy nước nhạt nhòa buông trôi/Thế gian chỉ một nẻo đời/Người đi, đi giữa những lời chua cay…Những nỗi niềm trĩu nặng ưu tư của Trần Quang Hiển trong thơ “Nước nặng phù sa” chưa hẳn đặc sắc, chưa hẳn thấu đáo, nhưng dẫu sao những tâm tình chân thật, trong những câu thơ mộc mạc, hồn nhiêm của tác giả cũng để lại trong ta những trăn trở, nghĩ suy!
Thơ là sự chia sẻ, là sự cảm thông, là sự tôn vinh…nhà thơ dùng ngôn ngữ để biểu đạt tình cảm, và dường như tình cảm thiêng liêng của nhà thơ bao giờ cũng dành cho Mẹ và cho Em. Trần Quang Hiển không phải là ngoại lệ, bởi vậy thơ của ông dành cho Mẹ, cho em thật đằm thắm mà cũng rất đỗi ngọt ngào.
Đời mẹ bạc phếch mái gianh/Trả hết cho đất có lành được đâu…Ngày nay, công nghiệp đang lần dần đất ruộng, nông thôn đang bị thành thị hóa. Chỗ nào cũng vậy, nơi đâu cũng thế, “Đất” đang trở thành vấn đề  “nóng” mang lại lợi nhuận cao. Nhà thơ xót xa cho vuông đất mẹ nằm nơi nghĩa địa…Mẹ ơi! Giữa nghĩa địa này/Mà sao đã thấy căng dây cắm sào…Ruộng mất dần đi, trong cái cảnh xe hối hả lấp đồng thì hình ảnh người mẹ…Lưng mẹ còng ngắt vội nắm rau lang…thì ta không thể không chạnh lòng.Người mẹ tần tảo, một đời lam lũ, người mẹ của nhà thơ…Được mâm cỗ cao, xin cảm ơn trời/gói tấm bánh chưng dâng tổ tiên ngày tế/Ăn bẩy làm mười để hạt giống mùa sau…
Viết cho Mẹ, nhà thơ chắt lọc ngôn từ, còn viết về Em ngữ âm của nhà thơ xem ra khoáng đạt hơn, tuy nhiên cũng không hề dễ dãi. Nhà thơ có  “Một miền yêu”…Ngày thắp sáng một lửa vầng lửa đốt/Đêm hòa tan một giấc mơ màng/…Thương em nhiều phấn bụi thời gian…Miền yêu dấu ấy là chỗ dựa vững chắc, là xuất phát điểm của mọi thành công trong sự nghiệp của nhà thơ. Một tuyên ngôn thủy chung…Em lặng lẽ còn anh sôi bóng nắng/Để đêm về tha thiết một miền yêu. Khi người đàn ông “thiếu em” là khoảng lặng cô đơn khủng khiếp nhất. có người “quậy phá”, có người lặng lẽ “chết mòn”… Riêng với Trần Quang Hiển thì Thiếu em “rót biển vào chai”/Còn tôi uống cả hết hai phận người…Nồng nàn và mãnh liệt đến thế!Nhưng cũng nhiều khi thất vọng đến không tưởng tượng nổi, ấy là …Người ở gần tình ở xa/Bàn tay nắm chặt hóa ra buột mình…Thơ viết cho Em là thơ viết về tình yêu. Có lẽ không nhà thơ nào là không có thơ về tình yêu! Và xem ra Trần Quang Hiển muốn dâng hiến hết mình cho tình yêu. Em sẽ là cứu cánh, là ánh sáng, trong những mong mỏi…Rét đầu mùa cái rét chờ mong/Que diêm cháy lòng ta ấm lại/Em đến rồi! Hoa trái mùa đông.Trong rong ruổi kiếm tìm Em, người thơ nhún mình xuống…Tìm em anh lại tìm anh/Tìm nhau mới tỏ ngọn ngành lời yêu/Biết là cay đắng mỹ miều/anh xin làm kẻ nhà nghèo tìm khoai…
Người đọc thơ Trần Quang Hiển đôi khi có cảm giác bùi ngùi, ấy là khi chạm vào những bài thơ tác giả đề cập tới phận người. Như cái rổ, cái rá, cài giần, cái sàng…phận người mong manh quá…Vui buồn thế thái nhân duyên/Thương cho mặt đất truân chuyên kiếp người. Rồi nữa là … Thế gian chỉ một nẻo đời/Người đi, đi giữa những lời chua cay…Hay như…Một chiều rụng ánh trăng ngà/Tan trong một kiếp phù hoa phận người…Có một chị bán cá, bán ở nơi…Người dân vùng này cũng chài lưới như nhau…Và chị…Không thể bán trời/Và chẳng dám bán biển khơi/Chị bán cá mỏi nhừ con mắt…Chị cứ kiên nhẫn, nhẫn lại, cho đến khi…Nắng xế đầu/Bóng chị tròn vào mẹt cá…Sự vất vả, khốn khó ấy là cũng của phận người. Đọc những câu thơ tức tưởi này thấy cay cay mắt. Nhưng dĩ nhiên ở một góc độ nào đó thơ của Trần Quang Hiển không lụy bi, mà có chăng đó là từ cái bản ngã của ông, từ cái nhìn cảm thông của ông với cuộc đời, với phận người, và ở đây ta nhận ra những câu thơ, bài thơ ấy đến gần với nước mắt, ấy cũng được coi là thành công của thơ!
Tập thơ “Nước nặng phù sa” của Trần Quang Hiển ra mắt bạn đọc vào dịp cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bởi vậy bạn đọc không lấy làm ngạc nhiên khi trong tập có nhiều bài thơ viết về Hà Nội. Hà Nội thủ đô yêu dấu của chúng ta đã có 1000 năm tuổi, trong mỗi con tim người dân nước Việt đều có một phần Hà Nội. Thăng Long – Hà Nội có được là từ Hoa Lư!... Vào thu năm ấy mưa nhiều/Trường Yên ướt đẫm trơi xiêu xiêu lòng/Hoa lư tựa núi nhìn sông/Tiễn vua tiễn cả thuyền rồng cùng đi…Người dân Hoa Lư lưu luyến, dời bỏ kinh thành để trở thành Cố Đô, nhưng hơn ai hết người Hoa Lư hiểu rằng…Dời đô về đất Thăng Long/Ý trời vận nước thế rồng bay cao…Giờ đây đứng bên…Tháp rùa giữa hồ Hoàn Kiếm…tác giả thấy Hà Nội bây giờ rộng dài…nhưng…Đền tháp vẫn nguyên sơ…Thật ấm lòng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vẫn phảng phất hào khí Hoa Lư…Hà Nội của nghìn năm thủa trước/Nét kinh kỳ tìm ở nếp ăn…/Cái kiêu kỳ lịch lãm Tràng An…/Hà Nội bây giờ/Hà Nội mai xau/Thấp thoáng nét kinh kỳ thủa ấy…Đến bên Cột cờ Hà Nội nhà thơ xúc động …Thiêng liêng hồn của núi sông/Hồn của dân tộc cha ông dựng nền…Đi thăm công viên thế giới ở Trung Quốc nhà thơ gặp Hà Nội Gặp chính Dân tộc mình đó là ngôi chùa một cột được mô phỏng tại đây, niềm tự hào về Hà Nội, về Hoa Lư trào dâng…Một khoảng trời Thăng Long/Ngôi chùa duy nhất trụ/Phảng phất miền Hoa Lư
Trước tập thơ “Nước nặng phù sa” nhà thơ Trần Quang Hiển đã có: “Chiều tím ” “Bến sông quê” “Bên này con sóng ” “Gió ngàn lau”. Hầu như thơ của Trần Quang Hiển  là nỗi niềm là xúc cảm chân thành của ông với quê hương, với những người thân yêu, bởi vậy thơ của ông dễ đi vào lòng bạn đọc. Dẫu thơ của Trần Quang Hiển chưa có giọng điệu riêng, chưa có những khám phá mới lạ, đôi khi có những còn đơn giản mộc mạc…Song vượt lên hơn cả ấy là sự giản dị trong sáng, ấy là sự sàng lọc ý và tứ thơ, ấy là sự lao động nghệ thuật cần cù, nghiêm túc, để chắt lọc từng giọt phù sa dâng tặng đời những vần thơ da diết
 Ninh Đức Hậu.