(Trích Luận ngữ Tân thư)
Truyện “lắm thầy nhiều ma“ không phải chỉ có hai nhân vật “thầy“ và “ma“, không phải chỉ đúng với “thầy“ và “ma“. .. Câu nói đơn giản ấy phải chăng đã chứa đựng cả cái lẽ huyền vi nhân thế. Ai không tin đã có câu chuyện làm chứng sau đây:
Đạo vốn là cái có sẵn trong khoảng trời đất. Thánh nhân may mắn cảm nhận được rồi phô ra. Lại để cho người đời tưởng lầm rằng thánh nhân chính là người làm ra đạo(?). Thánh nhân bất nhân là ở chỗ ấy. Đạo ấy ví như Thái sơn, không ai có thể xô đẩy hay di chuyển mảy may. Ấy thế mà người đời vì sự tưởng lầm kia nên cứ đem gọt dần, gọt dần… Gọt đến khi (đạo) chỉ còn lại bằng viên đá cuội thì bắt đầu mặc sức tung hứng, chuyền qua chuyền lại cho nhau như những anh hề trên sân khấu. Rốt cuộc lại hô hoán lên rằng chính mình đã “phát minh“ ra cái đạo (đá cuội) ấy, rằng cái giống (đá cuội) ấy là tuyệt đối đúng, tuyệt đối hay hơn mọi thứ trên đời(!)… Không những thế, còn dựa vào mớ kiến thức nhỏ bé, u tối đó mà phê phán, mà kết tội những kẻ không chịu chung ý nghĩ với mình. Thật đã đến lúc phải rác tai, lờn óc. Việc đời thường theo qui luật quân tử khởi xướng, tiểu nhân a dua. Vì thế, ban đầu dẫu tử tế đến mấy, rốt cuộc về sau đều chẳng ra gì. Huống chi…? Chẳng trách có kẻ đã coi câu thành ngữ: “đầu voi đuôi chuột“ như một thứ… triết học của muôn đời kể cũng đáng thay. Tóm lại, tư tưởng là tội đồ, chính trị là thủ phạm, nhân quần là nạn nhân. Than ôi! Phải qua cửa một loạt thầy thuốc thì con bệnh chỉ còn biết thở hắt ra. Phải học hết một rừng thầy thì học trò lên cơn điên dại…
Vẫn “Lời tựa“ trong “Luận ngữ Tân thư“. Sau đây lại xin trích một đoạn trong bộ sách đó.
Bấy giờ học thuyết nở rộ như nấm mọc sau mưa. Thiên hạ sinh ra lắm “nhà“ (bách gia), lại nhan nhản thầy (chư tử). Các thầy không những tranh nhau rao giảng đạo lý, mà thầy nào cũng cho rằng đạo của mình hay hơn, hợp (thời trang) hơn của người khác. Học trò có lúc hoang mang, không biết nên học theo thầy nào cho phải. Khổng Tử bảo: “Thế gian có ‘n’ cách cảm nhận, chẳng cách nào giống cách nào. Giả dụ một kẻ nào đó có cách cảm nhận khác ta, thì ta cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, bởi ta biết chắc chắn rằng đó không thể là cách thứ n+1“. Rồi Ngài bảo các học trò rằng đạo lý chẳng ở đâu xa, mà có ở trong chính những công việc hàng ngày của họ. Vấn đề là có nhận ra hay không mà thôi. Tử Lộ nghe vậy bèn hỏi:
“Như trong việc rèn luyện cái dũng của mình thì thế nào?“.
Khổng Tử trả lời:
“Không phải vì thiên hạ lắm kẻ ác mà thi nhau rèn luyện cái dũng, rồi đem ra thi thố, sở dĩ cũng gây được tiếng tốt nọ kia. Nhưng dũng chắc chỉ dừng lại ở đấy, khó mà tiến triển thêm được. Thậm chí dần dần sẽ thui chột đi. Rèn luyện cái dũng là để thắng chính mình, đừng bao giờ nghĩ tới việc thắng ai. Thiên hạ nhiều người dũng không có nghĩa là một nền chính trị lành mạnh, thậm chí đó là dấu hiệu của sự bất ổn. Người thấu hiểu chữ dũng không phụ thuộc vào thiên hạ nhiều hay ít kẻ ác. Giả sử cả thiên hạ chỉ còn mỗi một kẻ ác cần trừng trị, thì kẻ dũng vẫn phải không ngừng trau dồi cái dũng của mình. Như thế mới hy vọng trở thành người tử tế được“.
Tử Cống hỏi:
“Vậy như cái việc làm ăn, buôn bán thì thế nào?“.
Khổng Tử bảo:
“Ngươi không thấy những người dệt vải đó sao? Nếu chỉ vì thiên hạ lắm người mặc quần áo nên họ thấy lợi mà đua nhau dệt, rồi cũng thu lời được ngay đấy. Nhưng tay nghề thì dừng lại ở đó, mãi mãi họ chỉ làm ra một vài loại vải mà thôi. Thiên hạ sẵn người dệt vải không có nghĩa là ai cũng có được vải đẹp mà dùng. Kẻ say mê thuật dệt vải không phụ thuộc vào số người dùng vải nhiều hay ít. Giả sử thiên hạ chỉ còn đúng một người dùng đến vải, thì những người dệt vải vẫn phải cần mẫn nâng cao cái nghề của mình, như thế sẽ càng ngày càng có những loại vải đẹp hơn“.
Tăng Tử hỏi:
“Còn trong việc đối xử với cha mẹ?“.
Khổng Tử bảo:
“Không phải vì thiên hạ lắm kẻ bất hiếu, mà cố thi nhau thực hiện cái đạo hiếu để làm gương, để mong có được tiếng tăm ngay. Như thế chẳng qua chỉ là cái hiếu giả vờ, hiếu để làm sang mà thôi. Thiên hạ không thiếu những kẻ có hiếu không có nghĩa là đạo hiếu đang thịnh trị. Người hiểu sâu sắc chữ hiếu không phụ thuộc vào thiên hạ nhiều hay ít kẻ bất hiếu. Giả sử cả thiên hạ chỉ còn đúng một kẻ bất hiếu, thì mình vẫn cứ rèn luyện cái đạo hiếu của mình. Như thế đạo hiếu mới càng ngày càng tinh tiến được“.
Tử Hạ hỏi:
“Thế còn đối với văn chương?“.
Khổng Tử bảo:
“Không phải vì thiên hạ nhiều người thích đọc, mà đua nhau làm ra văn chương, rồi cũng được kẻ này, kẻ nọ tung hô rầm rĩ. Nhưng văn chắc sẽ dừng lại ở đó. Vì như thế có thể làm ra được thứ văn thuận tai, hợp thời đấy nhưng chẳng có gì đáng giá, cùng lắm chỉ quanh quẩn chuyện đời vặt vãnh mà thôi. Văn ấy may ra thì tồn tại được trong khoảng một đời rồi mất tích. Thiên hạ nhan nhản kẻ làm ra văn chương cũng không thể gọi đó là một nền văn trị. Thậm chí phải gọi đó là một nền văn loạn. Kẻ say mê văn chương không phụ thuộc vào thiên hạ nhiều hay ít người đọc. Giả sử cả thiên hạ chỉ còn đúng một người biết đọc, thì mình vẫn phải nghiền ngẫm mà làm ra văn chương. Văn ấy may ra mới có thể kéo dài được đến đời sau“.
Bốc Hạ hỏi:
“Với nghề thầy thuốc thì sao?“.
Khổng Tử bảo:
“Không phải vì thiên hạ lắm người có bệnh, mà mình treo bảng hành nghề, rồi cũng kiếm ăn dễ dàng, cũng mua sắm được thứ nọ thứ kia… Nhưng như thế không những tay nghề dừng lại, mà tất có khối kẻ nhân cơ hội ấy cũng a dua theo để bịp bợm, móc túi thiên hạ. Nền y học trong đời cũng vì thế mà dẫm chân tại chỗ. Thiên hạ đầy rẫy thầy thuốc không có nghĩa là mọi người luôn luôn được khỏe mạnh, thậm chí có khi ngược lại. Kẻ yêu thích nghề y không phụ thuộc vào thiên hạ có nhiều hay ít con bệnh. Giả sử thiên hạ chỉ còn đúng một người có bệnh, thì mình vẫn ra sức trau dồi kiến thức, tìm cách phát huy đến những chỗ tột cùng, tinh vi của nghề nghiệp. Như thế y học mới có thể đạt tới mức tinh thâm, ảo diệu được“.
Các học trò có vẻ ngơ ngác chưa hiểu. Khổng Tử nói tiếp:
“Các ngươi chưa tin ư? Hãy xem chính cái nghề dạy học của ta đây. Không phải vì thiên hạ lắm kẻ vô học, mà mình chưa chi đã hí hửng đem đạo ra dạy, rồi cũng có khối kẻ theo học, dạy mãi vẫn không hết học trò. Đạo của mình vì thế cũng sẽ dừng lại ở đó mà thôi. Bách gia, chư tử có khi hay, có khi không hay. Vì chính sự phát triển của tri thức, mà từ đó sinh ra nhiều “nhà“, nhiều thầy thì đó là một nền giáo dục chân chính, sáng sủa. Song chỉ vì có nhiều học trò mà sinh ra lắm “nhà“, lắm thầy, thì đó là một nền giáo dục con buôn, ngu tối. Kẻ am hiểu đạo lý giáo dục không phụ thuộc vào thiên hạ có học hay vô học, cũng như không phụ thuộc vào thiên hạ có nhiều hay ít học trò. Giả sử thiên hạ chỉ còn đúng một kẻ vô học, thì ta vẫn cứ phải trau dồi cái đạo của mình. Như thế đạo của ta mới càng ngày càng rực rỡ lên được…“.
Khổng Tử vừa nói đến đó thì Cáo Tử đi qua. Cáo Tử hỏi:
“Thế còn nghề ăn cắp thì thế nào?“.
Khổng Tử trả lời:
“Chẳng phải vì thiên hạ lắm người hớ hênh nên mới sinh ra chứng ăn cắp. Ăn cắp vốn có sẵn trong mỗi con người, chỉ chờ dịp là thi triển ngay. Ăn cắp hạ đẳng thì mắt la mày lét, là thò tay móc túi hoặc lừa đảo nhì nhằng. Ăn cắp thượng đẳng thì mặt mũi oai nghiêm, là nhân danh thiên hạ, coi của thiên hạ chính là của mình, hoặc đợi người ta phải tự giác đem của cải đến dâng. Đạt tới mức thượng đẳng ấy, suy cho cùng cũng từ triết học mà sinh ra cả. Đó gọi là một nền chính trị a dua. Chính trị a dua tuy cũng là ăn lộc thiên hạ, song không giống ăn mày, mà giống ăn cắp, (nhiều lúc còn giống ăn cướp) hơn. Thiên hạ toàn kẻ cắp không có nghĩa là cuộc đời đã cạn hết đạo lý. Kẻ thạo nghề ăn cắp không phụ thuộc vào thiên hạ nhiều hay ít người hớ hênh. Giả sử thiên hạ chỉ còn đúng một người hớ hênh có thể ăn cắp được, thì (kẻ đó) vẫn cứ nghiên cứu, phát triển cái thuật (ăn cắp) của mình thành trăm phương ngàn kế. Như thế không những vẫn ăn cắp được của cải, mà còn có thể ăn cắp được cả ý nghĩ, thậm chí thu được cả linh hồn của người khác vào trong tay mình. Đạt đến trình độ xuất quỷ nhập thần rồi, thì không những chỉ ăn cắp được những gì có ở trong đời này, mà còn có thể ăn cắp được của cải, linh hồn ở cả những đời sau…“.
Mùa Xuân – 2006
Phạm Lưu Vũ
@ Phamluuvu Blog