Nói đến quản lý đô thị, ta thường đặc biệt quan tâm đến chuyện đảm bảo điện, nước, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường , quy hoạch xây dựng... Nhưng có một chuyện tưởng như là nhỏ mà lại gây bao phiền toái cho người dân thì bao năm nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo - đó là chuyện đánh số nhà trên nhiều tuyến phố Thủ đô.
Xin đơn cử một ví dụ trên Đường HOÀNG QUỐC VIỆT, một đường phố trẻ, khá hoành tráng của Thủ đô hiện nay. Chỉ cần đi vài trăm mét đầu đường bên số chẵn là đã thấy cảnh tượng dở mếu, dở cười.
Nhà đầu tiên bên phải chắc chắn phải được đánh số 2. Nhưng ở đây ta thấy 3 ngôi nhà liền cùng mang số...10 ! Đó là : Bia Phong Hưng, Ngân hàng NN & PTNT, Gốm nội ngoại thất. Tiếp đó số tụt xuống thành... 6 (Nội thất - Két bạc), rồi lại trồi lên thành 10A (Dịch vụ cầm đồ).
Các số nhà tiếp theo có vẻ như là có trật tự cho đến sau Cửa hàng Vật liệu xây dựng, số 24, thì bỗng đột ngột ... rơi xuống thành... số 2 (lẽ ra là phải gắn với ngôi nhà đầu phố !). Đó là tòa nhà cao tầng đồ sộ VIGLACERA, nơi một Chi nhánh của Ngân hàng VIBank (Quốc tế) và nhiều cơ quan khác lấy làm trụ sở. Tiếp đó số tăng vọt lên thành 14A (Cà phê Trung Nguyên), sau Ẩm thực Vân Hồ (số 16), số lại nhẩy tót lên 34 (Nhà sách Vạn Niên).
Đi thêm vài chục mét ta gặp cơ quan danh giá Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được mang số ... 8; khu nhà rộng lớn liền bên cạnh lại mang số 18, là một trong những nơi tập trung trí tuệ của đất nước - Viện Khoa học & Công nghệ Quốc gia...
Nhưng đáng kinh ngạc nhất là cách đầu đường Hoàng Quốc Việt đến gần 3 kilomet, ở cuối phố này, nơi giáp đường Phạm Văn Đồng, phía lẽ ra phải là số lẻ (và to) thì ta lại gặp Khu Triển lãm Nông nghiệp hoành tráng cũng mang ... số 2 , là số mà Ngân hàng VIB phía đầu đường bên kia đang mang ! Thật là vô lý hết biết !
*
Xin tạm dừng ở đây, không muốn đi tiếp về cuối đường phố dài tới gần 3 km này và không mấy tin rằng đoạn đường tiêp theo, các số nhà sẽ tự nhiên đi vào quy củ , nền nếp. Tôi cũng dám đoan chắc rằng tình trạng số nhà lộn xộn đó còn có thể thấy ở nhiều tuyến phố khác nữa của Thủ đô, như Lạc Long Quân, Hào Nam, Giảng Võ, Cát Linh, Tây Sơn, Tạ Quang Bửu, Thái Hà, Chùa Bộc, Đê La Thành v.v...
Một điểm đáng lưu ý là ở các phố hình thành ổn định từ trước 1954 thì ngoài chuyện hầu như không có úng ngập sau mưa, các số nhà cũng có trật tự nghiêm chỉnh hơn.
Rất mong các nhà quản lý đô thị, trong khi nồng nhiệt nói những lời to tát hô hào mọi người xây dựng Thủ đô văn minh, giầu đẹp, hiện đại , nghìn năm văn hiến v.v..., hãy dành chút thì giờ vàng ngọc quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xóa bỏ một khiếm khuyết có vẻ như là nhỏ nhoi nói trên.
Nên chăng trong Chương trình hành động của nhiệm kỳ UBND TP Hà Nội vừa mới được bầu có phần dành cho việc này ?
Một việc có thể làm ngay là dựa vào tai mắt của dân lập một trang Web mang tên sonhabathoply ("Số nhà bất hợp lý") để thu thập các thông tin cần thiết./.