(Về Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ)
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây cờ đại tướng,
Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi,
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, Khi cắc khi tùng,
Không Phật không tiên không vướng tục.
Chẳng Trái, Nhạc, cũng vào phường Hàn, Phú,
Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
(Lê Thước-Sự nghiệp thơ văn Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ)
Tôi đặt đề cho bài viết như thế, cũng là để duy danh định tính về một tính cách người, một “tính cách thơ” ngất ngưởng, rất khác lạ, ấy là cụ Uy Viễn, Hy Văn Nguyễn Công Trứ (1778-1858).
Cuộc đời tướng công họ Nguyễn này cũng không hoàn toàn “xuôi chèo mát mái”, Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông, rồi Lúc bình Tây cờ đại tướng, nhưng cũng có khi bị cách tuột xuống làm lính thường, lại Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên…Thăng trầm như thế, nhưng uy danh của cụ thì vang vọng tới tận bốn phương tám hướng xa xôi. Bài ca ngất ngưởng được thi nhân rất “chịu chơi” này viết, khi cụ đã xin rút lui khỏi chính trường, Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng mà về với non xanh mây trắng…
Đây là bài thơ viết theo thể hát nói, nên nó có cái khác lạ, cái riêng ở giọng điệu, từ đó mà hiểu được tính cách của người thơ. Với Nguyễn Công Trứ, có thể xem Bài ca ngất ngưởng như một sự tổng kết về cuộc đời một vị quan có rất nhiều công trạng với triều đình, với dân, với nước, nhưng cũng không ít bổng trầm điều kia tiếng nọ.
Hãy nghe ngài Hy Văn tự nói về “hành trạng” của mình: Vũ trụ nội mạc phi phận sự / Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng. Đấy là mượn lời cổ nhân, nói rằng, người ta sinh ra ở trong trời đất, chả có việc gì là không phải của mình. Rằng, kẻ nam nhi đã sinh ra ở cõi đời này, phải có nghĩa vụ, phải có trách nhiệm với đời, không thể bàng quan, lại càng không thể lẩn tránh phận sự làm kẻ trượng phu, Phải có danh gì với núi sông, như chính Nguyễn tướng công từng nói.Vậy nên, một Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng, nghĩa là một tài năng đã “tu” thành “chính quả”, và chấp nhận trách nhiệm của kẻ nam nhi trước việc đời như núi. Nhưng dẫu sao cụ Nguyễn cũng là một nhà Nho biết rõ cái “đạo” xuất xử, nên chiếc mũ Nho gia đôi khi cũng ràng buộc người ta lắm, như chiếc vòng kim cô, như con chim bị nhốt trong cái lồng vô hình đáng ghét vậy! Lận đận cửa Khổng sân Trình thời tuổi trẻ, ngoài bốn chục xuân xanh mới đỗ đạt, Cử nhân đầu bảng thôi, nhưng tài năng thì thật đáng nể. Thủ khoa, Tham tán đại thần đi đánh dẹp ở Cao Bằng, Bình Tây đại tướng, Tổng đốc Đông, tức hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, rồi Phủ Doãn Thừa Thiên, lại còn cả Doanh Điền Sứ, mở mang hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình), chưa thấy nói ở đây…Đời làm quan như thế, kể cũng mấy ai hơn, cho nên, Tài thao lược đã nên tay ngất ngưởng, thì cũng chẳng có gì mà phải ngượng mồm với thiên hạ!
Thế nhưng, cái đoạn đời sau chót, kể từ khi Đô môn giải tổ chi niên, tức cái năm cởi dây đeo ấn trả lại triều đình, về với phau phau mây trắng, mới chính là đoạn đời nhiều thú vị của tướng công. Chính ở đây, cụ Hy Văn mới hoàn toàn được tự do, theo kiểu Đạc(nhạc) ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng, rồi thung thăng Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì và thoả thích Khi ca khi tửu, khi cắc khi tùng…chẳng phải Tiên, chẳng phải Bụt, mà cũng không vướng bụi trần ai!
Nguyễn tướng công là một cá tính rất độc đáo. Cụ làm, thì làm hết mình, mà chơi, cũng chơi hết mình. Những việc cụ làm, thì người đời xưa nay ai cũng biết cả rồi. Mà cụ cũng kể ra hết cả rồi. Riêng chơi thì cụ có kể ra khá nhiều cái ngông, cái ngất ngưởng. “Em út” linh tinh, ngay cả lúc về già, cụ cũng vẫn còn ham. Hồi trước thì Giang sơn một gánh giữa đồng / Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng? Về hưu, ngoài bảy chục “xuân xanh”, cụ vẫn còn có Gót sen theo đủng đỉnh một đôi dì, lại còn cưới thêm một “em” mới có 23 tuổi xuân mơn mởn. Rồi thì khi tửu, khi tùng, khi cắc liên miên, ca sênh sủng sẻng, lại thêm Nhạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng, chẳng giống ai!...Cụ Hy Văn cho rằng, mình như giống người thượng cổ, là giống người thượng cổ, tài chẳng kém người xưa, có thể sánh với Trái Tuân đời Hán bên Tàu, với Nhạc Phi, Hàn Kỳ, Phú Bật đời Tống, cũng ở bên Tàu, nên dẫu Bụt cũng nực cười, người đời khen chê xuôi ngược, cụ cũng chẳng bận lòng, kể như gió thổi ngoài tai. Xưa nay, kẻ có tài thường có “tật”, kể cả những cái “tật” làm ra tính cách, chẳng phải ai cũng có thể làm theo, dẫu muốn!
Tuy nhiên, nếu đem bài thơ Bài ca ngất ngưởng này mà dạy cho mấy cháu học trò mặt trắng ở bậc Trung học phổ thông, thì dạy điều gì cho phải phép? Chả lẽ lại dạy cái cách ăn chơi phóng túng, bất cần đời của cụ tướng công họ Nguyễn hay sao? Chả lẽ lại dạy rằng Nguyễn Công Trứ ngoài bảy mươi tuổi rồi, dẫu chẳng phải Tiên, chẳng phải Phật, cũng vẫn còn dắt gái non lên chùa ư? Các vị làm sách giáo khoa, khi hướng dẫn giáo viên, có hơi nghiêng về ý này, thế thì bài giảng của mấy thầy cô, hoá ra phản giáo dục ư? Vậy phải hiểu thế nào? Tôi trộm nghĩ, cụ Nguyễn là người rất mê hát ca trù, lại còn sáng tác lời ca cho các ca nữ hát, nên cụ dắt theo một đôi dì, mang sênh phách lên chùa mà hát ca trù, mà “tom chát” với “tùng cắc” thôi, chứ chẳng phải cụ dắt gái chơi nhởi đú đởn ở chốn thâm nghiêm đâu. Phải xem đây là một nét sinh hoạt văn hoá, mà chính Nguyễn tướng công là người có nhiều đóng góp quan trọng. Thế thì bài thơ này mới đứng được trong sách giáo khoa, làm điển chương cho văn học nước nhà ở thời trung đại! Quý vị nghĩ sao?
Hà Nội 30-8-2011
V.B.L