Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỮU THỈNH - HOA TRÁI NGHỆ THUẬT DỌC ĐƯỜNG THƠ

Đoàn Trọng Huy
Thứ ba ngày 27 tháng 9 năm 2011 1:38 PM
 
Nhập ngũ, dấn bước đường đời, Hữu Thỉnh cũng tự mở cho mình con đường thơ. Con đường riêng ấy nhanh chóng nhập vào đường thơ lớn của dân tộc trong thời đại.
Hồn thơ tuổi học trò ấp ủ từ miền quê hương văn hóa trung du được nuôi dưỡng thành hồn thơ chiến sĩ trong môi trường cuộc chiến đấu vĩ đại đã trở thành một tâm hồn thi sĩ đích thực.
Thế giới nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh phong phú đa dạng và mang dấu ấn rõ nét. Đó là thành quả của một tư tưởng nghệ thuật chính xác, cao đẹp, một tư duy nghệ thuật mạnh mẽ, hiệu quả. Và cũng là của một bản lĩnh nghệ thuật kiên định, vững vàng, một thi pháp năng động, biến hóa, một phong cách đa dạng, sáng tạo.
Tất cả trong mối tương quan hữu cơ. Tư tưởng nghệ thuật gắn tư duy nghệ thuật. Nói thi pháp là nói phong cách theo một cách khảo sát nào đó và ngược lại.    
*
*     *
Về thi pháp, nổi bật là đặc sắc xây dựng hình tượng nghệ thuật.
Với khuynh hướng sử thi một thời, ta nhận ra trong thơ Hữu Thỉnh hình tượng cộng đồng. Đó là gương mặt, thần thái của đội ngũ. Ở chương một - Ngọn lửa chiến trường (Đường tới thành phố), tần số xuất hiện từ “chúng tôi” dày đặc. Một biến tấu khác là Đồng đội, Binh đoàn, Cánh quân. Đối chứng với “chúng tôi”, là “người hậu phương” thân cận: Mẹ, Em, Chị… và cao hơn cả là Nhân dân.
Sau chiến tranh, thấp thoáng hình ảnh của nhân vật cộng đồng mới trong hòa bình xây dựng. Ở Trường ca biển có hình ảnh nhân vật lý tưởng là người lính biển đảo - những anh hùng xuất hiện đồng thời với những anh hùng vô danh trong lao động: người lính gỡ mìn và người thợ lăn cầu Thăng Long. Mỗi nhân vật hoành tráng một vẻ. Đó là những chân dung sử thi mới trong tập thơ trữ tình.
Trong khuynh hướng thế sự, khái quát hơn cả là con người nhân thế. Thực chất đó là người công dân dân sự tiêu biểu cho cá thể cộng đồng của xã hội hiện đại. Chủ thể trữ tình là hình tượng tác giả đậm nét mang tư cách và phẩm chất nhà đạo đức, nhà tư tưởng trong tình hình thời cuộc mới.
Đã xuất hiện một nhà thơ như con người vượt lên mọi bức xúc, trăn trở, xót xa của một xã hội đối mặt với nguy cơ “mất mùa nhân nghĩa”, một tình trạng xuống cấp đạo đức của con người trong “chợ đời”. Và anh đã lên tiếng đấu tranh quyết liệt để bảo vệ nhân cách, nhân phẩm, những giá trị đạo đức cao đẹp với niềm tin mạnh mẽ. Đó cũng là gương mặt trải nghiệm, biết suy nghiệm lẽ đời để tạo ra quan điểm sống với nhân tình thế thái mới.
Xây dựng hình tượng thế giới, Hữu Thỉnh có những bước tiến nghệ thuật rất đáng kể: những không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật đa dạng, phong phú có hàm nghĩa cao trong thơ. Ta bắt gặp đủ loại không gian vĩ mô và vi mô, hiện thực và hư ảo. Đó là đất (Sức bền của đất), là biển (các chương trong Trường ca biển ), là rừng (Tiếng hát trong rừng). Không gian được tạo dựng với kích thước kỳ vĩ.
Không gian chiến trường là đặc sản của thơ Hữu Thỉnh cũng là của thế hệ trẻ thời chống Mỹ. Hùng tráng và đầy thi vị là cảnh Xe pháo ầm ì vô tận nối nhau đi. Áo tân binh xanh đẫm bến phà… Ở không gian hậu phương, nổi lên như một ám ảnh da diết là không gian quê hương - miền trung du tha thiết một đời của người lính chiến Hữu Thỉnh với đặc trưng cảnh vật: Hoa sim tím quả sim cũng tím/ Đồi treo đầy những trái mật trung du. Đó cũng là không gian văn hóa, không gian tâm linh từ cội nguồn đã thấm sâu vào tâm thức bao thế hệ: Quê ta ngày hội đất/ Đất đi đến đâu, quê hương theo đến đấy… Cây hãy gọi bàn tay về hái quả/ Võng lại về nghe lại tiếng à ơi (Trường ca biển). Không gian tâm tưởng thường gắn kết nhuần nhị với không gian hiện thực cũng là một đặc sắc trong trường ca trữ tình của Hữu Thỉnh.
Tạo dựng thời gian nghệ thuật cũng bộc lộ tài năng nhà thơ. Ấy là cảm nhận về mùa, một loại thời gian nhận biết biến ảo qua không gian: Sang thu, Thư mùa đông, Mùa hạ đi đâu, Mùa xuân đi đón. Mùa thiên nhiên nhiều khi ứng với cái thời của đời người. Sang thu của đất trời cũng là sang thu cuộc đời. Cái “đứng tuổi” của cây trời hay của cây đời? Đám mây mùa hạ chỉ tuổi trẻ, Vắt nửa mình sang thu nói sự dở dang của những khát vọng. “Sự dở dang, mất mát là một hiện thực buộc chúng ta phải chấp nhận trong cuộc sống của mình… vì thế đám mây trong thơ ấy chỉ vắt nửa mình sang thu thôi. Nửa còn lại trở thành ký ức” - Hữu Thỉnh tự bạch cũng là đề cập đến khái niệm thời gian tâm tưởng. Tâm trạng chủ thể trữ tình toát ra từ cái kiêu hùng của mùa thu qua hàng cây đứng tuổi đã và sẽ vững vàng trước mọi giông bão của cuộc đời.
Thời gian là cảm xúc xuyên suốt sáng tác của Hữu Thỉnh, nhất là qua Thương lượng với thời gian. Thường tình, càng lớn tuổi, quỹ thời gian eo hẹp lại thì con người phải biết cách ứng xử tốt nhất với thời gian. Tác giả không giấu giếm những thảng thốt: Đời nhanh quá vui buồn chưa kịp cũ. Và xa xót nữa: Đem cho. Đem cho/ Không giữ lại chút gì/ Đòi lại. Đòi lại không hề thương tiếc/ Bày ra rồi xóa đi/ Ham chơi và bỏ cuộc/ Thời gian, Ông là ai (Thời gian). Hữu Thỉnh mạnh về thời gian ký ức. Nhà thơ Mượn mùa thu một buổi để trở về kỷ niệm xưa: Ta về thăm cỏ đồi/ Tháng năm ai mài nhẵn/ Mòn sỏi trẻ con chơi... Quê hương, tuổi thơ là Biển của hồi ức với Hữu Thỉnh. Xuân Diệu thời trẻ cũng Vội vàng và một đời khắc khoải nỗi ám ảnh thời gian. Hữu Thỉnh “thương lượng với thời gian” là thương lượng với chính mình. Để mà tranh thủ tối đa cuộc sống, như muốn “mượn” cả một mùa thu, “mượn” cả các mùa.
Hữu Thỉnh là nhà thơ vận dụng tài năng thi pháp thể loại. Trước hết là thành công xuất sắc về trường ca mang tính tổng hợp. Trước và sau 1975, nhiều nhà thơ khác đã có cuộc thử sức ngoạn mục ở thể loại này, với hai khuynh hướng chính: theo truyền thống là tự sự kết hợp với trữ tình, theo cách tân thiên về trữ tình. Loại thứ nhất có thể kể là Bài ca chim chơ  rao (Thu Bồn), Theo chân Bác (Tố Hữu), Con đường của các vì sao (Nguyễn Trọng Tạo). Loại có trữ tình nòng cốt xen tự sự là Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Trường Sơn của Nguyễn Đức Mậu, Trầm tích của Hoàng Cương… Chính nguồn cảm hứng của một dân tộc anh hùng trong thời đại và vốn sống thực tế của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại đã tạo tiền đề cho trường ca phát triển. Hữu Thỉnh sở trường về trường ca là hội đủ các yếu tố nói trên với nguồn cảm xúc dạt dào phong phú và trí tuệ mẫn cảm, sâu sắc của bản thân. Đường tới thành phố khái quát được toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc. Những cảm nhận, suy nghĩ, trải nghiệm cá nhân được nâng cao trong nhận thức cộng đồng đã tạo nên đặc sắc của sáng tác Hữu Thỉnh. Cái tôi trữ tình trong trường ca chính là chủ thể trữ tình mang sắc thái cộng đồng, thể hiện tính lý tưởng cao đẹp của cộng đồng. Ở Đường tới thành phố là tâm trạng điển hình của một chiến sĩ hành quân trên suốt chặng đường đất nước. Đó là khát vọng cháy bỏng về giải phóng quê hương, về thống nhất Tổ quốc. Ở Trường ca biển còn là những day dứt, suy tư, dự cảm về cuộc sống, về thân phận con người trên tinh thần nhân văn cao cả. Trường ca Hữu Thỉnh có sức chứa lớn trong một sắc thái hoành tráng, khái quát mảng sống lớn, tâm trạng, suy tưởng lớn về nhân dân, về đất nước thông qua sự đào sâu khám phá từ chính bản thân nhà thơ.
Bên cạnh thành công đó, Hữu Thỉnh còn đằm ở lục bát, một thể thơ truyền thống vốn dịu ngọt, đằm thắm. Có thể kể qua: Hai nhà, Đất ru, Ấm lạnh, Trông ra bờ ruộng, Chợ chim, Mùa hạ đi đâu… và cả những câu thơ sáu tám chêm vào những bài thơ dài, trường ca nữa. Thường là những tình cảm nồng ấm, tha thiết với quê hương, với bà, với mẹ, với chị, với người thân, “anh”, “em”, “bên ấy”, “bên này”. Có rất nhiều cung bậc tình cảm qua những lời thơ. Chút mênh mang: Bên lở, bên bồi về đâu/ Bên trong, bên đục dài lâu tình đời; chút mơ màng: Bốn phương với bốn mặt cười/ Gần xa mờ tỏ sự đời Bay-on. Nếu kể cả hiện tượng đọng lại ở một vài bài hoặc khổ thơ năm chữ, có thể nói nhà thơ đã khai thác và biến hóa được tiếng nói, giọng điệu, âm hưởng dân gian một cách tài hoa.
*
*     *
Là người trải nghiệm, Hữu Thỉnh muốn sống đến đáy các sự kiện của đời mình để mong có cái gì riêng, viết cái gì riêng. Nhà thơ nhờ vậy đã có một tiếng nói khó lẫn giữa những tiếng thơ khá ồn ào trên thi đàn hiện nay. Đó là một phong cách giàu sáng tạo và có giá trị thẩm mỹ cao với những nét phong cách đặc trưng.
Dễ thấy nổi bật trong thơ Hữu Thỉnh là cảm xúc tinh tế đôn hậu.
Hữu Thỉnh là một hồn thơ nhạy cảm, biết rung động những cảm xúc tinh tế, vi diệu, mạnh về trực giác, trực cảm. Tạo vật thiên nhiên được cảm nhận theo cách riêng của nhà thơ: Gió thổi dài ẩm ướt về khuya/ Con sóng nói nhịp chèo cũng nói/ Đêm giáp ranh có cái gì đầm đậm/ Ở đầu môi, ở trong tóc, khắp làn da (Chuyến đò đêm giáp ranh). Nhà thơ sớm nhận biết những tín hiệu chuyển mùa từ trạng thái có khi còn mơ hồ, bảng lảng của mùi hương, làn gió, đám mây, cơn mưa… (Sang thu). Bất ngờ rồi tri giác, cảm nhận. Có khi cảm giác còn pha lẫn ảo giác, đó lại chính là sở đắc của nhà thơ: gắn được cái thực với cái ảo, cái hữu hình với cái vô hình và ngược lại để tạo những hình ảnh thơ mới lạ, thú vị: Chiều thu sang sông thất tình loang bóng… Chim đầy mùi trời/ Trời đầy mùi thiên hạ. Cái tạng thi sĩ của Hữu Thỉnh cũng  bộc lộ: dễ xúc động, dễ mủi lòng, yêu người, thương người chân thành. Tất cả nói lên một trái tim hồn hậu, một tấm lòng từ ái. Đôi khi nhà thơ cao giọng có vẻ như chì chiết, riết róng, đay đả cũng vì để thương yêu. Thông điệp rành rẽ vẫn là tiếng nói nhân văn. Có gì mới? Ngày đi hay cát đến?/ Có gì vui? Gió thổi lấy lòng cây/ Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây/ (...) Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng. Im lặng ở đây chính là nói rất nhiều, là tin rất nhiều ở mây trắng – biểu tượng của sự tinh khiết, trong sạch, sự thanh bạch của thiên nhiên hay chính lòng người. Những câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời.
Nhà thơ là vậy. Có giây phút hoang mang, có chút hoài nghi, thậm chí có thoáng bi phẫn, nhưng biết chờ đợi, biết nhẫn nhịn. Mảng thơ thế sự thấy rõ nhất: Nghẹn, Bất hạnh, Bóng mát, Ngẫu cảm, Vô thanh… Nhưng rồi để theo tiếng nói hồn hậu, Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay nghìn đắng (Lời mẹ), cố gắng vượt qua cơn bão người, để thanh lọc: Cặn lắng, cặn lắng/ Tôi cố lách qua cặn lắng của đời mình (Cặn lắng).
Một nguồn mạch lớn của tâm hồn thơ là cảm hứng hồn nhiên dân dã.
Điều cốt yếu là cách cảm nghĩ dân gian, tư tưởng nhân văn bắt nguồn sâu xa từ truyền thống văn hóa dân tộc. Rồi từ hồn điệu đến cách nói hồn nhiên dân dã qua ngôn ngữ đời thường. Thơ Hữu Thỉnh gần với ca, mang âm hưởng lời ru, tiếng thơ là điệu hát tâm hồn. Có những câu thơ có thể coi như ca dao hiện đại.
… Ra sông lấy sóng mà yêu
Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin
Hình như Hữu Thỉnh nặng lòng với một vẻ đẹp nền nã, nhuần nhị - vẻ đẹp cổ điển giàu giá trị nhân văn mà lại rất hiện đại: Em mang thiên lý về thăm mẹ/ Sông vẫn ba đào, trúc vẫn xinh. Cùng với hình ảnh, ngôn ngữ là một giọng điệu có nhiều ảnh hưởng dân gian. Ngay cả trong thơ có khuynh hướng tự do, ta cũng thấy hồn sắc dân gian thấm đượm. Như kiểu giọng vè đanh sắc: Người xanh, người đỏ/ Gánh gió leo dây/ Bắc thang hỏi trời/ Đèn khêu trước bão… Trong cái đa thanh của ngôn ngữ giản dị tự nhiên, khỏe khắn nổi bật một giọng thơ chủ đạo tình cảm, nhỏ nhẹ, đằm thắm đôi khi tài hoa nữa.
Càng về sau này, thơ Hữu Thỉnh càng đi sâu vào suy nghiệm thế sự và càng nổi bật nét phong cách đáng quý: trầm tư, hàm súc, sâu lắng.
Với khuynh hướng sử thi một thời là sự thấm đượm những suy tưởng về số phận cộng đồng, về sự nghiệp chiến đấu chung. Cảm hứng lớn về Nhân dân và Đất nước bao trùm. Về thế sự, sâu đậm là những câu thơ giàu suy ngẫm, triết lý nhân thế. Có những câu thơ đằm nặng: Sống một ngày lội qua cả kiếp người. Có những câu da diết: Anh xa em/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ/ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn (Thơ viết ở biển). Vẻ đẹp minh triết qua vần thơ: Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng/ Cõi thiện xa xăm/ Câu kinh vượt dốc/ Bao nhiêu kỳ quan không che kín những gì lầm lạc/ Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người (Ngẫu hứng). Điều phân biệt Hữu Thỉnh với những người khác, là làm triết lý mà không triết luận dông dài, triết lý một cách hồn nhiên, tự nhiên. Khác hẳn với khuynh hướng triết luận của Chế Lan Viên đã đành, cũng khác với Nguyễn Khoa Điềm, trầm mặc chiêm nghiệm một cách uyên bác, trí tuệ.
Với lối diễn đạt súc tích và hình ảnh mang nhiều tính ẩn dụ, nhà thơ gói ghém, nén chặt những ý tưởng thâm trầm, sâu lắng trong cái dung dị, hồn nhiên bên ngoài: Cây mát cho người, người mát cho nhau (Tiếng hát trong rừng); Câu thơ đứng giữa trời/ Vó nhện cất sương rơi (Tạp cảm).
Có thể thấy Hữu Thỉnh phấn đấu tạo ra phẩm chất giản dị, hài hòa của phong cách nghệ thuật thơ. Ta hiểu đó là cái giản dị qua rất nhiều tinh lọc. Như kết hợp phong vị dân gian với cốt cách Đường thi trong cảm thụ thiên nhiên, tạo vật, như đối ngẫu hoặc “đảo phách”, kết cấu ngược thể hứng trong tương quan tâm trạng và thiên nhiên, trong cảm xúc dân dã và cổ điển.
Có thể nhận thấy sự hài hòa trên nhiều phạm trù, nhiều phương diện: tri thức hiện đại với trí tuệ dân gian, trữ tình công dân và trữ tình cá nhân, vật thể và ảo giác… Cũng là hài hòa trong cảm quan quân bình, nhìn tạo vật để thấy cuộc đời, cảm thức khoan hòa, nhìn người nhận thấy đối trọng thiện, ác… Để đạt tới sự hài hòa tổng thể, hồn nhiên mà thâm trầm, suy tư sâu sắc và cảm xúc dạt dào, tràn đầy, dồn nén, cô đọng và tung hoành bứt phá trên toàn bộ thi pháp thể loại, ngôn ngữ, hình ảnh…
Không ai nói thơ Hữu Thỉnh là toàn bích nhưng phải ghi nhận nhà thơ đã có những thành tựu đặc sắc rất đáng trân trọng. Hữu Thỉnh chọn thơ, và thơ đã chọn đúng tài năng. Dọc đường thơ, Hữu Thỉnh đã nỗ lực tìm kiếm, khám phá không ngừng theo định hướng đầy triển vọng. Đó là đổi mới sáng tạo từ truyền thống đến hiện đại, thích ứng tiến bộ nghệ thuật với lý tưởng nhân văn cách mạng cao đẹp.
 
Nguồn: Vannghequandoi.com.vn