Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHẠC SĨ HỒNG ĐĂNG VẪN LÊNH ĐÊNH QUA MÙA THU LẠNH

Vi Thuỳ Linh
Thứ ba ngày 27 tháng 9 năm 2011 2:50 PM

Khi những con đường Hà Nội và nhiều tỉnh thành rực lên mùi hoa sữa, Hoa sữa lại vang lên trong giai điệu tâm hồn mỗi chúng ta. Với riêng tôi, âm nhạc Hồng Đăng và con người ông, đã vươn xa, đầy chất biển. Dường như những tác phẩm thành công về biển đã vận vào cuộc đời ông. Hồng Đăng vừa qua một biến cố lớn: đại phẫu ở tuổi 75.
1. Năm 1992, khi 12 tuổi, tôi xem phim truyện nhựa Đời hát rong (ĐD Châu Huế). Âm nhạc của phim do Hồng Đăng viết, trong đó Lênh đênh - ca khúc chủ đề được nhân vật anh thương binh mù (NSƯT Trần Lực) chơi guitar hát rong cùng người yêu (NSƯT Thu Hà). Ngay lần đầu xem, tôi ấn tượng Lênh đênh và khi xem thứ hai, 1995 tôi đã thuộc. Năm ấy, tôi gặp NS Hồng Đăng và vợ ông, cô Lê Anh Thuý.
Hồng Đăng có phẩm chất thi sĩ. Ca từ ông viết có thể tách thành những bài thơ, như nhiều ca khúc ông viết cho phim vượt khỏi màn mạc, có đời sống riêng, lâu bền. Lúc nào cũng thế, vợ chồng lạc sĩ Hồng Đăng đèo nhau bằng xe máy 82, cub 70 xanh Cửu Long đến Nhà hát Lớn hay các cuộc gặp bạn bè, với nụ cười chan hoà, đôn hậu. Họ sống bình thản rộng mở, tình nghĩa, chân thành. Mỗi khi buồn hay sáng tạo, lại có cảm giác lời ca, giai điệu khắc khoải của Lênh đênh, theo suy nghĩ thiết tha khiến ta nao lòng quá đỗi: “Có một con đường như đợi một con suối/ Có một ngọn gió bay tìm một ngọn núi/ Có một cánh rừng mơ một cánh chim đêm/Tiếng hát lênh đênh mong một phút bình yên”. Người biết yêu chính là người biết trân quý từng phút giây có nhau. Được bên nhau là hạnh phúc tưởng giản dị mà không phải ai cũng có trong đời thực.
2. Hai mươi năm bên nhau, vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng luôn vượt qua khó khăn, thiếu thốn, bão tố bằng bảo bối niềm tin vào tình yêu trọn vẹn chắt chiu từng phút bình yên mỗi ngày để đối mặt với những chấn động số phận. Cuộc đại phẫu ông vừa trải qua là thử thách lớn ở tuổi 75. Cô Thuý báo hung tin: “Bác Hồng Đăng bị ngã gãy cổ xương đùi” khiến tôi xa xót. Rồi công việc cuốn đi, tới khi bác về nhà, tôi mới đến thăm được. Tối 22/9, trước mặt tôi, nhạc sĩ Hồng Đăng xanh gày, tóc buông chấm vai, chân tóc bạc trắng xoà vầng trán rộng. Vẫn miệng cười, mắt cười sau cặp kính. Trông ông vừa lớn lại vừa bé nhỏ. Bên ngoài đê, đường Hồng Hà gập ghềnh nhiều ngõ. Ngõ 1081 thả dốc, nhà đầu tiên bên trái là tư gia NS Hồng Đăng. Nền nhà trũng hơn mặt ngõ, ngõ lại thấp hơn đường, mưa lớn là nước tràn vào. Từ bàn tay trắng lấy nhau, rời khu Kim Liên, vợ chồng nhạc sĩ tùng tiệm mua được căn nhà 60m2, xây lên 3 tầng. Ngôi nhà tường có nhiều vết loang tróc của nhạc sĩ danh tiếng không có đồ đạc gì đắt giá. Khoảng sân nhỏ có 2 cái xe đạp cũ, 2 xe máy Honda cũ  xanh và nâu.  Không gian phòng khách chật, dưới bàn thờ là đàn piano cũ, hỏng để trưng chứ không chơi được. Bên bộ bàn ghế tre là TV samsung plasma, sau nó là lối vào bếp, cô chó màu tro chạy lung tung khắp nhà.
Đáng giá nhất là những bức tranh trên tường phòng khách và lối lên tầng 2, tác phẩm của Mai Long, Lưu Công Nhân, Trịnh Công Sơn, Trần Duy, Trần Huy Hoan, nhạc sĩ Xuân Oanh, nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Tại Nhà hát Lớn, hai mùa Thu liên tiếp, Hoa sữa được dựng với dàn nhạc giao hưởng. Thu 2010, hoà nhạc Toyota với tiếng hát Thanh Lam, vợ chồng ông đến xem. Chiều 2/9 năm nay, chương trình Điều còn mãi, nhạc sĩ xem Hồng Nhung hát qua TV bệnh viện. Đưa cho tôi báo TT&VH số 232, ra thứ tư 10/8/2011, ông nói: “Đúng là duyên nợ với tờ báo này. Được tin bài phỏng vấn tôi kể về Biển hát chiều nay và các ca khúc biển đăng, tôi lấy xe tới bưu điện Tràng Tiền mua báo. Mua xong, xem qua rồi về, vì đã trưa. Dắt xe trên hè mà lại bị một ông phóng ẩu đâm vào, ngã vật xuống. Xe đè lên chân trái. Đau choáng váng, anh trông xe gần đó đỡ tôi dậy thì kẻ gây tai nạn biến mất. Tôi ngồi dựa từng chân không cử động được, lấy điện thoại gọi vợ tới”. Vừa thấy chồng, cô Lê Thuý đã linh cảm sự chẳng lành, chắc chân đã gãy. Gửi xe lại, cô xốc chồng lên taxi vào Bệnh viện Hữu nghị.  Sau khi soi chụp,  GS Toàn, trưởng khoa Ngoại BV Việt Đức sang hội chẩn, quyết định phải mổ thay cổ xương đùi.
Là người giỏi tử vi, biết mệnh hay gặp tai nạn năm Mèo, NS Hồng Đăng rất chú ý cẩn thận. Ngờ đâu, ông lại phải đại phẫu ở tuổi 75, khi mang bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp nhiều năm. Chồng chất lo âu đổ lên người vợ. Cô Lê Thuý tốt nghiệp ĐH Xây dựng khoa Kiến trúc, làm Nhà nước một số năm rồi nghỉ. Cô vật lộn kinh doanh đủ thứ và 5 năm nay chỉ tập trung chăm chồng. Họ chỉ trông vào lương hưu hơn 4 triệu đồng của ông và những khoản nhuận bút không thường xuyên không đầy đủ (vì chưa nhiều người tôn trọng bản quyền). Cuộc đại phẫu hôm 15/8 là quá sức với cả bệnh nhân lẫn vợ ông. Với ông, là thể trạng; với vợ, là kinh tế. Cục xương nhân tạo thay cổ xương đùi gãy, phải mua 50 triệu, chi phí cho ca mổ là 30 triệu. Con số 80 triệu quả là lớn với khả năng của họ. ĐD Châu Huế nghe tin gửi từ Sài Gòn ra 10 triệu, cộng thêm tiền tích góp, xoay xoả vay mượn, cô Thuý trang trải xong khoản tiền mà chưa hết lo. Bảo hiểm chỉ cho giường nằm, kháng sinh truyền. Giờ đã về, thuốc uống, đồ bồi dưỡng mỗi ngày để phục hồi sức khoẻ suy yếu thiếu máu cho nhạc sĩ, quả là nan giải. Tạm thời vợ NS không sắc thuốc bổ bằng bếp than tổ ong mà chỉ tập trung cho ông dùng thuốc tây.
3. “Hai đứa như hai vầng mây xa/ Trôi trên sóng bồng bềnh bồng bềnh/ Bao tháng năm đã từng trôi qua/ Mà sao mãi lênh đênh lênh đênh”.
Lời hát nói hộ cho bao người đang yêu, bao cuộc tình trắc trở, chứa đựng cả phần đời tác giả. Những đồ vật gắn với ông rất lâu, không phải vì thói quen “dùng cho đến hỏng” của những người sống suốt thời chiến tranh, bao cấp mà vì chẳng thể thay hay “lên đời”. Ông đã giúp cho rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè bằng lòng hào hiệp, nghĩa tình, vị tha, nhưng lại “lơ đãng” với những quyền lợi của mình. Những năm Mão đều sóng gió với mệnh Bính Tuất của ông. Năm 1963 bài hát Sóng biển lang thang của ông được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác quốc tế của Tiệp Khắc. Người ta mời ông sang nhận giải, hiện kim kèm theo trị giá 3 chiếc xe máy. Song những đố kỵ, quy kết đổ tại ông là “không có lập trường, sóng biển là ai, sao phải lang thang”. Trong khi ý tưởng của NS là sóng biển như tình yêu, không bao giờ ngừng, nó nối nhau lan tràn từ nước này qua nước khác, không biên giới nào ngăn được. Sự chụp mũ ấu trĩ và các “lệnh mồm” khiến ông điêu đứng, 5 năm trời tác phẩm không được phát trên đài phát thanh THVN. Năm Mão 1975 cũng lại liêu xiêu. Năm Mão 1987 đạp xe, bị đâm ngã gãy cả 2 tay, đến giờ xương cổ tay vẫn nhô ra chứng tích. Quý trọng tài năng và nhân cách Hồng Đăng, danh ca Lệ Quyên coi ông như người anh thân thiết. Tình cảm ấy qua 22 năm cô sống tại Paris, không thay đổi, ngày càng gắn bó. Năm 2004, cô về nước làm liveshow Về lại phố xưa tại Nhà hát Lớn, ra mắt CD Có lẽ nào anh lại quên em. Lệ Quyên là người đầu tiên hát Hoa sữa của Hồng Đăng và chị hát bài này trong CD lấy tên bằng câu kết của ca khúc. Hè 2010 chị về Hà Nội thu âm CD Ký ức đêm, cũng là tác phẩm mới mà NS viết tặng chị.
Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp, qua giới thiệu của Lệ Quyên đã gửi giấy mời vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng sang Paris. Lệ Quyên cũng gửi tiền vé về. Sau lần hoãn vì bão tuyết, qua tết Tân Mão, NS lại kiêng năm hạn nên chuyến đi phải huỷ.
Tôi nhớ thời NS Hồng Đăng là Tổng biên tập t/c âm nhạc, Phó Tổng thư ký thường trực của Hội Nhạc sĩ VN nhiều năm. Phòng làm việc của ông luôn có khách.Tiếng tăm về khả năng xem tử vi của ông không kém tiếng tăm âm nhạc. Người đến tấp nập. Xin chữ ký, ý kiến, lời khuyên, nhờ xem vận hạn xuất ngoại lẫn ái tình. Vốn quản giao lại cả nể, không muốn ai buồn nên chẳng thể từ chối ai. Bàn làm việc của ông ngập công văn, giấy tờ, bản nhạc và những trang giấy vẽ sao, cung của nhiều nhân vật quên cầm theo sau khi được nghe những lời tiên tri Hồng Đăng xem rất chuẩn. Và hình ảnh khi vào phòng, thấy ông đang cầm tay ai đó, vẻ hóm hỉnh, thì chẳng bất ngờ, ông xem chỉ tay ấy mà. Rồi ông sẽ hối hả chạy theo, dúi vào tay vào túi khách nữ kẹo, bút bi; khách nam là bật lửa, bao thuốc - quà mua bằng tiền túi. Ông thích tặng quà, ai về cũng có quà.
Cảnh báo, nhắc nhở, khuyên động viên mọi người khi ông “thấy trước” tai ương họ sẽ gặp phải, Hồng Đăng luôn làm họ được trấn an bởi tính lạc quan. Nhờ bản lĩnh ấy, ông đã chịu đựng những cơn đau hơn 1 tháng tại khoa Nội A, hết tiêm, mổ, lại tiêm truyền, lọc máu. Đôi chân ông đã trải khắp VN, sang Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, đầu tháng 9/2011 lại tập đi như đứa trẻ. Vịn tay vào khung Inox, ông nhích từng bước, mỗi cử động một lần đau nhói. Tới 16/9 khi chống gậy có thể nhúc nhắc được, ông xuất viện.
Viết bài, lời tựa cho nhiều abum, chương trình âm nhạc mà tới tuổi 70, Hồng Đăng mới làm liveshow, năm 2005, tại Nhà hát Lớn. Một doanh nhân hùng hồn hứa hẹn rồi sát ngày diễn, lại bỏ ông. Vé đã bán, băng rôn đã căng, không thể lùi nữa. Bạn bè hỗ trợ, ca sĩ không lấy catsê, đáp đền lại nhiều năm ông đã tốt, giúp họ Nhà báo Kim Trung khi đó làm ở Vietnamnet, nay là Giám đốc kênh VTC 14 quay giúp chương trình. ĐD Hữu Mười dựng băng và năm 2007 album đầu tay của Hồng Đăng mới phát hành, dạng CD và VCD.
Khi về với ông, cô Lê Thuý chưa đầy 30, kém chồng 26 tuổi, có con trai nhỏ, ông đã yêu thương cậu bé như con đẻ. Bảo Long giờ đã là chàng trai 23 vạm vỡ, tay máy triển vọng của Đài VTC, tác phẩm tốt nghiệp của Long là phim tài liệu chân dung NS Hồng Đăng Giai điệu của hoa và sóng. Học trường điện ảnh là trường “nhà giàu”, Bảo Long chỉ được mẹ cho 10 triệu làm tốt nghiệp. Em rất thương ba mẹ, chăm chỉ làm thêm quay phim, chụp ảnh, mua được xe Air Blade rồi, vẫn chạy Honda nâu cũ để khỏi phải trông, cả khi quên rút chìa khoá, em rất say nghề. Bảo Long sắp xong khoá Biên kịch 1 năm theo học bổng quỹ Ford tại ĐHXH&VN, em dự định sẽ tiếp tục làm phim về ba Đăng yêu quý của mình.
Nhạc sĩ tạm biệt tôi lên gác nghỉ dù mới 20 giờ, ông đau mệt. Tôi nao lòng nhìn theo ông, từng bước, khó nhọc, tay trái vịn cầu thang, tay phải chống gậy, phải có vợ dìu như lúc xuống.
Người vợ cao 1m65, mắt cận 4 độ ấy, đã từng chở ông trên chiếc Honda cũ và sẽ tiếp tục là “xe ôm trọn đời” của chồng. Từ nay ông không thể lái xe được nữa. Trong ngôi nhà đơn sơ, có người chị vợ không lấy chồng, sống cùng. Bác Thân cũng đã 62 tuổi, ngày ngày bán báo vỉa hè trước nhà số 2 Thợ Nhuộm nơi em gái từng thuê mở phòng vé máy bay.
 Khắc khoải của NS Hồng Đăng, có một cây đàn piano tử tế, đến giờ vẫn chưa thành thực. Ông mong muốn năm 2012 làm được một live show để đời cống hiến sự nghiệp âm nhạc đa dạng và đặc sắc, ngặt không có tài trợ. Đã liêu xiêu suýt phải bán nhà vì đêm nhạc trước, giờ ông không dám liều và không thể tự mình lo nữa. Ông chẳng còn đủ sức để chạy xin tài trợ. Các doanh nhân, mạnh thường quân vẫn hát ca khúc Hồng Đăng từ liên hoan tới karaoke, cài nhạc chuông điện thoại, song chưa ai quan tâm khát vọng chính đáng của ông.
4. Yêu nghệ thuật, văn hoá và quý mến chân tài âm nhạc Hồng Đăng, nhà bình luận thời sự quốc tế hàng đầu VN Hồ Quang Lợi đã dành những lời sâu sắc khi nhắc tới đồng hương xứ Nghệ: “Hồng Đăng là nhạc sĩ mà tôi quý trọng và có nhiều dịp gần gũi. Tôi đã thuộc Lênh đênh ngay khi xem phim mà quên nhìn tên tác giả trên générique. Sau đó, tôi mới biết là sáng tác của anh Hồng Đăng. Tôi đánh giá đây là tác phẩm đỉnh cao của anh, trên cả Biển hát chiều nay, Hoa sữa. Nó có tầm triết học và mang vẻ đẹp cao cả chất chứa nỗi buồn miên viễn về thân phận con người. Mỗi chúng ta thật nhỏ nhoi giữa vũ trụ này, cứ lênh đênh mãi cùng khát vọng. Và những người yêu nhau đều thấy mình trong nhịp sóng sao”.
Hơn cả trăm tình ca đã viết, cuộc đời nghệ thuật của Hồng Đăng là triệu nốt nhạc kết dệt từ khát vọng yêu thương. Ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội ĐAVN, viết nhạc cho hơn 70 phim các loại: tài liệu, truyện, hoạt hình, hơn 10 năm nay ông không viết nhạc phim nữa. Nhuận bút trả quá thấp, một người luôn kỹ tính không thể dựng tác phẩm viết cho khí nhạc bằng âm thanh organ sơ sài.
Lại dâng lên trong chúng tôi những lời tha thiết của giai điệu Lênh đênh: “Anh đã đi suốt dọc chân mây/ Xa xôi lắm mặt trời mặt trời/ Câu hát xưa đã từng mê say/ Đời như mãi bâng khuâng bâng khuâng”. Những bài hát của Hồng Đăng đã được hát ở nhiều quốc gia, có sức sống lâu dài. Còn lúc này đây, tác giả của chúng chỉ lênh đênh, những ý nghĩ, dự định trong căn phòng nhỏ. Bác sĩ yêu cầu đặt stell tim 5 năm nay, mà ông ngại phẫu thuật. Trái tim ấy đã dung chứa truyền đi bao nhịp yêu thương và hy vọng qua những bản nhạc đời. “Trời xanh thế/ Đời xanh thế / Lênh đênh những vì sao sa/ Lênh đênh những vầng mây xa...” 

Vợ chồng NS Hồng Đăng trên chiếc xe máy cũ, dịp đại hội Hội NSVN, 2010
ảnh: Nguyễn Đình Toán