LÒNG NHÀN
Cậu con trai đi làm được gần một năm, mỗi tháng tiền lương được bao nhiêu không biết. Mà mình cũng không hỏi. Hỏi để làm gì ? Ngày ngày vẫn về ăn cơm nhà một bữa. Có hôm không. Như mọi khi thôi. Nghĩ : con đã trưởng thành. Yên lòng được rồi.
Chợt một hôm cậu ta đi làm về, đặt lên bàn một gói giấy báo phồng và nói :
- Bố ngâm rượu mà uống.
Mở ra thì đó là thang thuốc bổ, nhãn đề “ cao cấp “ . Chẳng nói là biếu, cũng chẳng lý do, lý trấu, nhân dịp gì hết. Lòng nôn nao :”Con nó nhớ đến mình thế là quí lắm rồi “.
Bẳng đi ít lâu, thấy con mang về một chai rượu Tây loại đắt tiền. Bụng bảo dạ “Chắc cu cậu có việc “. Chưa kịp hỏi thì cậu con cười :”Con mua cho bố đấy “.
Đã toan nói : “Sao mà hoang thế “, nhưng nhìn vẻ mặt hớn hở, thoả mãn của con, nên mình đã cảm động thật sự và bảo :
- Để cúng ông nội con ạ ! Sắp đến ngày giỗ ông rồi. Lúc ấy mở ra có đông đủ các con…
Cậu con thủng thẳng :
- Bố cứ uống đi, Giổ ông con mua chai khác.
Một chai rượu, cả tháng lương hưu của mình mua không nổi. Lẩm nhẩm :”Giá nó cho tiền có phải hơn không ? “, Nhưng … con nói thật lòng. Lại tự nghĩ chưa bao giờ mình biếu được cụ thân sinh ra mình một món quà nào to như thế, mà bồi hồi chẳng thể nói ra ý ấy.
Bây giờ cuộc sống đã và đang đổi thay. Lòng hiếu để được thể hiện bằng nhiều cách lắm. Làm sao lại cứ y chang như ngày xưa ? Một năm , cậu con trai chỉ đôi ba lần có cử chỉ như thế thôi là đã có nghĩa.
Vậy là thanh thản. Càng thương con.
Con mà quên béng mất là mình còn có bố, thế mới đáng sợ. Chứ chai rượu Tây thì là cái gì !
PHONG THU Tạp bút Tuổi Trẻ chủ nhật 24/12/2000.
CHẬU MAI MỚI
Trên mười năm chăm sóc cây mai mọi đã nên dáng rồng bay, sai nụ.
Quà cuối năm nay dành cho ai nhỉ ? … Giám đốc ? Trưởng phòng ? … Trọn một ngày phân vân, Phong quyết định : “Thôi thì Trưởng phòng. Sếp gần vẫn hơn xếp xa “…
Một tuần sau, Gíam đốc gọi Phong đến nhà riêng :
- Nghe cậu sành chơi bonsai, hãy giúp tôi sắp xếp lại lại sân kiểng nầy. Số kiểng dạt ra tôi biêú cậu.
Bắt gặp chậu mai mọi thân quen nằm trong đám kiểng bị loại . Phong vừa mừng, vừa tủi.
BẢO HÂN Phú Yên.
CHIẾC ĐỒNG HỒ
Anh con trai đi làm được vài tháng, có dịp ghé thăm nhà. Bữa cơm chiều, anh cứ nhìn chòng chọc vào chiếc đồng hồ của cha. Người cha thầm nghĩ :”Chắc con nó cần …?”
Ăn cơm xong , người cha gọi con ra bàn uống nước , ông bảo :”Con mới đi làm , cũng cần biết giờ, biết giấc “. Rồi ông tháo chiếc đồng hồ đưa cho con.
Người con trai cầm chiếc đồng hồ, bấm lại hai nấc rồi đeo vào tay cha, rươm rướm nước mắt :
- Dạo nầy ba gầy quá, dây đồng hồ tuột xuống cả bàn tay.
VŨ ĐỨC NGHĨA AnGiang.
MẸ TÔI
Ba mất, mẹ tảo tần, lam lũ, cóp nhặt từng đồng cho chúng tôi ăn học.
Xóm giềng dèm pha : nghèo không lo, học đi mai mốt bán chữ mà ăn !
Mẹ ngậm ngùi bảo ba mẹ không có gì để lại, các con ráng học sau nầy mưu sinh.
Anh em tôi đã đứng được trong đời.
Xóm giềng khen bà ấy giỏi thật, một mình nuôi bốn đứa con ăn học thành tài.
Mẹ mĩm cười, hằn sâu những nếp nhăn.
CHÍ HƯƠNG Kiên Giang.
KHÔNG THÊM BỚT
Tôi không sáng tác lấy một chữ.
Thợ dọn nhà làm bể chậu sứ. Buổi sáng , ông Hai la mắng vu vơ. Chị đứng kế bên, nghe rõ lý sự :
- Mấy chậu sứ cùi, quí giá gì đó ! Tôi đập hết luôn cho ông coi. Già rồi yên phận cho con cháu nhờ !
Trưa về, anh mắng tiếp :
- Hồi sang ông chửi gì ? Già gần chết rồi, không để con cháu thương !
Ông Hai đứng chết trân, nghe hai đứa con ruột mắng mình.
Tôi không sang tác lấy một chữ.
VĂN VŨ (72/7 Phan văn Hân TP.HCM)
GỐI LẺ
Căn phòng cưới đã sửa soạn tinh tươm. Mẹ thấy nhức đầu, vào phòng riêng nghỉ.
Năm ngày nữa đám cưới. Con là con một, mẹ bắt rễ. Sáng nay mẹ đưa con đi mua sắm, từ bộ đồ lót, đồ ngủ của con, từ món nữ trang mẹ cho trong ngày cưới, đến gối đôi, mền kép cho hai đứa …
Con nấu bát cháo giải cảm mang vào cho mẹ. Nhìn mẹ nằm co, gối đầu lên chiếc gối đơn lạnh lẽo, con thấy chạnh lòng. Ba mất đã gần mười năm.
T.T.A.H. Cần Thơ
B A
Lớp 12 Tôi không có thời gian để về nhà xin tiền Ba như hai năm trước . Vì thế ba phải đích thân hàng tuần mang xuống cho tôi. Từ nhà đến nơi tôi trọ học cách 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba.
Tôi chuẩn bị mua hồ sơ đăng ký thi đại học, không có thời gian về, tôi lại nhắn ba. Lần nầy sau khi đưa 100 ngàn cho tôi, ba hỏi :”Còn dư được đồng nào không con ? “. Tôi đáp :”Dạ dư 4 ngàn ba ạ ! “
“Cho ba 2 ngàn để lỡ xe hư như lần trước thì có mà sửa “.
Ba đi rồi, tôi nhìn theo, nước mắt rưng rưng.
LÊ HOÀNG ĐÔNG PHƯƠNG Ninh Hoà – Khánh Hoà
LẼ ĐỜI
Bà bán quán quán trước cổng trường qua đòi trong một đêm giông gió. Những tưởng đám tang của bà sẽ rất ảm đạm và vắng tanh, bởi bà lâu rồi chỉ còn sống một thân một mình. Nhưng lũ trẻ trong trường đã đến tiễn đưa bà , hàng hàng sau linh cửu. Ngày xưa , bà bán quà cho chúng, bà hỏi thăm, nhắc nhở chuyện học hành của chúng. Và những buổi chiều tối, bà để chúng ngồi chờ bố mẹ trong cái quán ọp ẹp của bà.
CA DAO (ĐHKHXH-NV TP.HCM