Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẾN VỚI TÁC PHẨM “PHÁO ĐÀI” (THE FORT) CỦA TRÀN HUY QUANG

Nguyễn Thơ Sinh
Thứ hai ngày 29 tháng 8 năm 2011 10:38 PM

     1. Công tác chuyển ngữ và cơ duyên gặp gỡ nhà văn Trần Huy Quang.
      Được mời nhận phụ trách và cộng tác trong tư cách người chuyển ngữ “Tủ sách học tiếng Anh qua tác phẩm văn học”, tôi luôn vui khi nhận được bản thảo có nội dung tốt, phong phú về hình thức và mượt mà về phương diện văn học. vì tủ sách này ưu tiên trong việc chọn lọc những tác phẩm có giá trị để giới thiệu cùng bạn đọc.
     Tính đến nay, Tủ sách của chúng ta đã có một số tác phẩm của những cây bút gạo cội làng văn học thế giới như Jhon Steinbeck( Của chuột và người), Óscar Wilde ( Hoàng tử hạnh phúc), Charles A. Eastman ( Cuộc đời một đứa trẻ da đỏ), Jehudah Steinberg (Thời ấy của bọn tôi) và Emile Zola (Cơn lũ)...
    Tuy nhiên, dạo gần đây tôi nghĩ việc đưa một số tác phẩm văn học Việt Nam vào tủ sách này là một điều rất có ý nghĩa với bạn đọc. Càng đặc biệt có ý nghĩa hơn với cách chuyển ngữ từ tư duy tiếng Việt sang tư duy tiếng Anh với bạn đọc và bạn học tiếng Anh. Vì vậy, tôi đã viết hai truyện vừa (Người thợ đóng hòm và Câu chuyện buôn bên dòng sông) như một quá trình thể nghiệm cho tủ sách.
     Sau đó tôi được nhà văn Mạc Can cho phép chuyển ngữ một số truyện ngắn và một số trích đoạn tiểu thuyết của anh in thành tập “Nhà ảo thuật”. Tôi cảm thấy rất vui khi có cơ hội chuyển ngữ các tác phẩm văn học từ Việt sang Anh vốn rất khác với chuyển ngữ từ Anh sang Việt.
     Cảm nghiệm của tôi là sự phong phú học tập rút tỉa từ tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam. Sau đó tôi chợt nghĩ, nếu tôi trân trọng và có ấn tượng đẹp với văn học Việt Nam (thể hiện qua tư duy Anh ngữ) tôi tin rằng bạn đọc Việt Nam cũng sẽ thú vị khi tiếp cận văn học Việt Nam qua lối diễn trình ngôn ngữ Anh.
      Rất may cho cá nhân tôi và cho tủ sách, tôi nhận được sự giới thiệu của Nhà xuất bản Lao động về tập truyện “Pháo đài”(The Fort) của nhà văn Trần Huy Quang. Đọc sơ qua tác phẩm của anh, tôi thấy lạ, gần như có một sự lôi cuốn thu hút rất khó diễn tả, lắng đọng âm thầm chứ không ồn ào sôi động. Và càng đọc tôi càng thấy đây là một tập truyện rất thú vị. Từ đó, ban ngày tôi đi làm công việc chính, tối về tôi cắm cúi vào công tác chuyển ngữ sáu truyện ngăn chọn lựa trong tập Pháo đài của anh. Và- mặc dù tôi không chuyển ngữ truyện ngắn Pháo đài trong tập bản tiếng Việt, tôi vẫn giữ tên Pháo đài cho tập truyện trong tủ sách song ngữ của chúng ta.
     Đó cũng là cơ duyên tôi gặp gỡ nhà văn Trần Huy Quang – sự gặp gỡ trong mối lương duyên giao lưu văn chương sách vở, nhưng với riêng tôi đây là lần gặp gỡ rất dễ thương, gần gũi và khoáng đạt. Mong thay độc giả đã từng biết đến một Trần Huy Quang qua giọng văn đặc trưng của Đất Bắc sẽ thấy được cái lạ trong văn phong của anh trong phiên bản tiếng Anh. Đây cũng chính là tâm niệm của người chuyển ngữ tác phẩm của anh vậy.
   
     2. Cảm nghiệm đầu tiên. 
   
      Thú thật, khi bắt tay vào đọc văn Trần Huy Quang, tôi hơi bị choáng. Choáng bởi lối viết rất Trần Huy Quang, phải nói là tương đối khó để chuyển ngữ từ Việt sang Anh. Thế là tôi đâm lưỡng lự mất một buổi. Nói đúng ra là tôi thấy hơi nản. nhưng tôi tự dằn mình, phải cố gắng lên.
     Thật bất ngờ, càng đọc văn Trần Huy Quang, tôi mới nhận ra một điều là, cảm nhận đầu tiên khi ta đọc văn của một tác gia thực ra chưa là cái gì cả. Ngược lại, ấn tượng ban đầu tuy có hiện diện thật đấy, nhưng nếu không quá chóng chán nản, cảm nghiệm khô khan ban đầu ấy sẽ chuyển sang một sức hút bất ngờ, cảm nhận văn chương với tác giả sẽ trở thành một thứ thưởng ngoạn rất độc đáo. Vì càng đọc, tôi càng nhận ra tôi thực sự quý mến những giòng văn rất lạ của Trần Huy Quang. Quý đến độ tôi phải nói lên sự thật này về anh trong phần phân tích sau.
    
     3. Nhà văn có lối tả tình mượt mà và tâm lý
     
     Môi liên hệ cảm xúc giữa những dòng viết ký thác trên trang sách của một tác giả và thái độ tiếp cận của bạn đọc là mối liên hệ rất lạ, nếu không nói là có cơ duyên. Cảm thụ văn chương vì thế, không còn tuân theo bất cứ một công thức cố định nào. Mỗi tác phẩm không còn thuần túy là hay hay dở nữa. Mà đó là một tác phẩm có được nhiều sự đồng cảm hay không và cách độc giả đồng cảm với tác phẩm đó như thế nào.
     Vì thế, chẳng có điều gì ngoại lệ cả, cảm xúc của độc giả đối với giọng văn của mỗi tác giả không giống nhau, dĩ nhiên bạn đến với lối văn tả tình của Trần Huy Quang bằng cảm xúc nào vẫn nằm trong quy luật chung này.
    Với các nhân vật trong những bối cảnh tình cảm khác nhau, Trần Huy Quang vẫn có lối diễn tả thật lạ của anh. Gần như anh là một nhà tâm lý hiểu rất rõ não thức và lối suy nghĩ của các nhân vật. Ở đây yếu tố tâm lý, dù cho đó là chàng trai mới lớn, một người đàn ông đứng tuổi, một cậu bé choai choai, một anh chồng trung niên hồi tưởng về tình yêu trong quá khứ, một người đàn ông phản tỉnh trong đời sống hôn nhân hiện tại... sự thể hiện những cung bậc tâm lý, cảm xúc khác nhau, rất rõ nét. Hầu như khi viết hay xây dựng nhân vật, Trần Huy Quang đã hóa thân, nhập vai xuất sắc để lột tả cái bên trong của con người.
      Những mối tình trong văn chương Trần Huy Quang bao giờ cũng khiến ta suy nghĩ. Sự trục trặc trái ngang, những xô quật quăng lên, quật xuống của hoàn cảnh. Những bối cảnh éo le, những ngộ nhận ấm ớ, những tâm tư nhùng nhằng, vướng víu, giun không ra giun, rết không ra rết, bao giờ cũng ghì chặt, trì níu... Vì thế mà làm cho ta khó quên, cứ bị ám ảnh.
      Hầu như ta có thể nói, Trần Huy Quang không viết văn tả tình thì thôi, nhưng khi anh viết, lối văn tả tình của anh thật lạ. Nó thật. Nó gần. Giống như ai đó bẻ đôi quả na rồi bảo, Này, ăn không? Ta biết ngay đấy là quả na, vì hương thơm nồng nàn của nó, mặc dù anh mời ta ăn quả na trong bóng tối. Cái lạ, cũng là cái duyên của văn Trần Huy Quang nằm ngay ở chỗ ấy, rất gần và rất thật.
     
     Và cũng rất mượt mà. Và chỉ những khi viết về tình cảm lứa đôi, anh mới viết mượt mà như thế. Còn những phạm trù khác văn anh lại khô khan. Gần như anh thích dựng lên những khung cảnh dịu dàng (khi viết về tình cảm)  vốn chỉ có thể vẽ được bằng gam màu cổ tích. Khi anh viết về tình cảm, dù trong bối cảnh hiện tại khô khốc, cùn nhụt, nhiễu xạ với những góc cạnh xô bồ, thế mà trong căn phòng làm việc cô quạnh trên tầng năm, một ban công co giàn hoa tím trông ra con phố, một góc sân thượng trên cao có trồng một gốc dâu già, một quán cóc bên vỉa hè, một căn hộ ọp oẹp, chật chội... yếu tố cổ tích vẫn cứ ngập tràn, đong đưa, quấn cuốn, khiến cho người đọc cảm thấy mình đang trôi vào một dòng chảy bồng bềnh huyền ảo.
   
     Vì như, ăn kẹo lạc thì ai cũng đã từng ăn qua. Nhưng ăn kẹo lạc vài đêm nguyên tiêu với tách trà mạn nóng ấm, hương hoa lựu nhẹ như màn the... cái thú của vị giác đầu lưỡi run lên bần bật, nhóp nhép nhai trong lặng lẽ, mảnh trăng lõa thể ngu ngơ. Đấy- chính là cái thần trong lối tả tình độc chiêu của văn Trần Huy Quang, những áng văn rất gợi tình, đầy cảm giác.

    4. Nhà văn của con người.  
   
Có thể nói như thế về Trần Huy Quang. Anh viết, ngòi bút đã trở thành phương tiện để những giòng chữ thân thương chảy ra từ một trái tim có những vết sẹo bị cắt bởi lưỡi dao nhân thế. Nói khác đi, cái xấu, cái tốt, cái hay, cái dở, niềm vui và nỗi buồn của kiếp người, tất cả đều là những viên cuội lăn lóc vất vưởng trên thế gian, Trần Huy Quang đã nhặt nhạnh một cách cẩn thận, xâu chuỗi lại rồi trang trọng nâng lên dâng cho đời, đây là một món quà chỉ có thể của một cây bút có Tâm thực sự. Có thể nói, anh đã sử dụng khéo léo lối kết cấu, thủ thuật phối cảnh để làm nỏi bật hiệu ứng thẩm mỹ. Văn của anh là văn viết về con người, anh là nhà văn của con người, một ngòi bút rất người. Vì thế, khi đọc văn Trần Huy Quang người ta thấy anh rất tử tế và cẩn thận khi đặt cọ vẽ những đường nét chân dung cuộc sống. Đó là một điều cần thiết, nếu không muốn nói là một đức tính rất đáng quí. Nơi văn Trần Huy Quang, người ta nhìn thấy một lối viết của lòng tự trọng. Thẹn với mình thôi chưa đủ, thẹn với độc giả mới là điều cốt yếu. Cả thẹn với nhân vật của chính mình, đó chính là cái riêng của giọng văn Trần Huy Quang.
      Nhân vật trong văn Trần Huy Quang rất thực,-thực đến nỗi thế nhận ra họ- rất người Việt- chứ không hẳn chỉ là rất người. Độc giả quí mến văn Trần Huy Quang ở chỗ người Việt trong tác phẩm của anh, đặc biệt là người miền Bắc, xuất hiện một cách rất đặc trưng, không thể nhầm lẫn. Ở đây không hề có yếu tố lạm dung kỹ thuật ống kính, thủ thuật tẩy cạo, gạch xóa, bôi cho lem nhem hoặc làm cho đậm nhạt...vốn được thấy trong một số tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại của một số cây bút khác.
     Đó là những con người trong cảnh thực, trong đời thường, như thể ta gặp họ từ một mái hiên chật hẹp, như một bà hàng cao tuổi ngồi bên nồi miến lươn ở một ngách vắng, nằm sâu trong ngõ Văn Chương hay Tạm Thương gì đó của Hà Nội. Vị ngọt của nước dùng đậm đà, vị cay thơm của hạt tiêu bắc, thịt lươn rất giòn, những sợi măng khô xé nhỏ, ninh nhừ, đằm đượm... Đó là nét rất riêng, rất chuẩn khi Trần Huy Quang viết về con người.
       Nếu như Mạc Can thần thông với mớ ký ức đượm màu thời gian thì Trần Huy Quang lại rất độc đáo trong lối dựng cảnh, dựng người. Có thể đó là một mối tình lặng lẽ, là một người vợ đảm đang, một bà mẹ vơ mẫn tiệp và lo xa, một bà hàng nước cũ kỹ nhưng xởi lởi, một nữ công nhân hót rác hồn nhiên, một thằng bạn ngổ ngáo thời niên thiếu, một ông trưởng thôn hỡm hĩnh và cửa quyền, một ông lão ngồi chung chuyến đò nói  chuyện vu vơ với khách vãng lai hay một cô gái điên...tất cả được anh vẽ bằng nét cọ truyền thần, thoáng qua thế thôi, nhưng nét vẽ đâu vào đó, thần thái và ấn tượng để lại sâu đậm như một ký ức khó quên. Y như nét cọ của họa sỹ Mạc Chánh Hòa mỗi khi vẽ chân dung, đã không vẽ thì thôi mà vẽ thì một nét cũng ra thần.
      Con người trong văn Trần Huy Quang đều rất nhân hậu. Họ không có tham vọng trở thành thánh nhân, họ vùng vẫy, quăng quật, bấu víu, choài, chuội, có cả xấu cả tốt. Họ sẽ lươn lẹo nếu cần thiết, sẽ bố láo, sẽ ba gai, nếu đó là lối thoát duy nhất. Kể cả có những lúc họ ngu ngơ, lạc lõng và nhu nhược yếu đuối. Họ cũng bị va đập, cũng bất cần, văng mạng, sống cùn sống nhụt như mọi người. Cũng có lúc họ ba hoa, bán trời không văn tự, hoặc cả chuyện cần thiết phải cải lương một tý, tiểu tư sản một tý. Lại cũng đôi khi họ muốn thể hiện mình như một anh hùng, coi đó chẳng phải chuyện dị hợm... Tất cả những cung bậc thân phận này đều thuộc về con người, con người bình thường. Và như thế gọi anh là nhà văn của con người xem ra không phải là sự tâng bốc, vuốt đuôi, mà là một nhận xét chân thành. Cam ngọt thì khen cam ngọt. Chỉ thế thôi.
      5. Một lối nhìn về ngõ cụt
    
  Rất nhiều cây bút viết về ngõ cụt. Có lẽ phàm đã làm người, ai ai cũng một lần đối diện với ngõ cụt, không hình thức này thì cũng hình thức khác, thứ ngõ cụt tạm thời hay ngõ cụt chung mẹnh. Người xưa có câu, sông có khúc người có lúc. Đã là người ai cũng có thời bĩ cực, có phút thái lai. Trần Huy Quang đã để lại những nét cọ rất ấn tượng về phạm trù này, anh viết về ngõ cụt rất khác người.
    Ngõ cụt trong văn Trần Huy Quang rất trần trụi. Gần như nó là một điều rất thật. Cảm nghiệm của anh về ngõ cụt là một cảm nghiệm men ủ, đậy lên bổng thành rượu, thứ ruợu uống vào dễ thấy chuếnh choáng...Trong truyện ngắn Đạo của Tình yêu (The Way of Love) với ngõ cụt của cô giáo độc thân đứng tuổi, ta gặp một lỗ đen sâu hoắm. Một ngõ cụt được nuôi dưỡng bằng ký ức trong Em là hoa thủy tiên (I am a daffodil) của một viên chức trung niên quèn, ta thấy từng giọt thời gian sống mòn. Hay ngõ cụt của một anh chàng bộ đội phục viên trong Thời gian (Time) là tật nghiện rượu vừa đáng được thông cảm vừa đáng trách.
    Ngõ cụt trong văn Trần Huy Quang là thứ ngõ cụt chọc thủng được hoặc xé toạc được. Nhưng con người lại không có can đảm chọc thủng. Lý do ư? Anh không liệt kê ra. Có lẽ đây là phần anh trao cho độc giả tự nghiền ngẫm lấy. Vì vậy, yếu tố nhân bản trong văn chương của anh thể hiện qua những tâm trạng ngõ cụt rất ngoằn ngoèo mà cũng rất đẹp và nhân văn.
    Có thể nói, Trần Huy Quang không có cái gan ăn cắp những mơ ước mong manh (từ những nghịch cảnh đau khổ trong cơn bĩ cực nhất của nhân vật) vốn được coi là cơ hội vàng để khắc họa nỗi đau tàn khốc ( được không ít những cây bút đã khai thác triệt để và khai thác một cách rất thành công).
     Trần Huy Quang không như vậy. Anh ngông hơn. Có thể là anh ương ngạnh. Anh như một bà hàng phở gàn bướng, đã gọi là phở thì không thể thiếu được thảo quả và hành lá, và nặng nhất là thà chết chứ bà không chịu ăn phở với giá đỗ sống.  Không chịu phở hàng bà nấu thì xin mời đi sang hàng khác. Viết văn như thế, chẳng biết đây là thế mạnh hay là điều cần khắc phục(?) nhưng với Trần Huy Quang, nó bạch thoại ngồn ngộn ra như thế đấy.     
     Với anh, sự khai thác về mảng đề tài những giấc mơ bị biển thủ, bị bóp nghẹt hình như không còn quan trọng nữa. Anh là anh. Trần Huy Quang là Trần Huy Quang.  Ngõ cụt của anh bao giờ cũng có một lối thoát hiểm. Nhảy lầu thì bên dưới có lưới giăng chờ sẵn, hỏa hoạn vừa xảy ra thì đã có xe cứu hỏa chầu chực từ lâu, vừa va phải người xấu thì vấp ngay người tốt... Đó là một nét “không giống ai” trong lối viết về ngõ cụt của nhà văn này.
   
   6. Chân dung người lính – nhà văn của giới võ biền. 
    
Trần Huy Quang có giọng văn của giới võ biền. nếu anh từng tham gia phục vụ trong quân đội, hẳn nhiên đây là một thế mạnh của anh. Khi đọc văn anh, chẳng cần đoc kỹ lắm, cũng đã thấy hình bóng người linh.
    Truyện “Một người gặp may”(A Person who met luck) của anh, hình  ảnh những người lính không thể lính hơn. Từ cách ăn nói, từ phong thái, hành động, cho đến tư duy cũng là tư duy của anh lính. Và như vậy, khi anh viết về người lính, ta không nói đến những điều triết lý, quan điểm mênh mông khác, ta chỉ nói về bản chất lính thôi, não thức của người lính trong văn anh là não thức đặc trưng. Có thể người lính ở đây hơi ngỗ ngược, gàn vụng, có khi bướng bỉnh, hơi bất thường. Chẳng hạn như trong truyện “Thời gian”(Time) anh lính biên phòng ấm ớ, không có thắt lưng liền cắt quai bi đông lam thắt lưng liền bị cấp trên bạt tai. Xuất ngũ rồi anh còn hậm hực, thậm chí còn nuôi hận trả thù, mặc dù anh đang sống trong bế tắc.  
    Rồi những người lính phục viên, vụng về, bộc toạc, những cá tính trà trộn đủ mọi cung bậc, đủ mọi cấp độ...nhà văn đã viết được như thế, thử hỏi làm sao chúng ta không thể không quí anh ở chỗ cây bút trong tay anh là một cây bút thẳng, những giòng chữ anh viết ra cũng sẽ thẳng thắn như cá tính võ biền của anh vậy.
      Viết về người lính không khó nhưng để viết được những trang sách về người lính như Trần Huy Quang không dễ.
  
    7. Ngôn ngữ và thủ pháp.  
   
  Đọc Trần Huy Quang, cái hay của giọng văn nơi anh là ở chỗ mạch cảm xúc lên xuống thất thường. Mạch cảm xúc trong văn anh không hề có công thức nhất định, rất khó suy đoán, lắm lúc ngất ngưởng như đang say, có lúc như ngái ngủ, có lúc dềnh dàng, có lúc khiến người đọc vỗ đùi khoái trá, lại có lúc khiến người ta phải chửi đổng mách tục...Viết để người đọc rơi vào lỗ đen cảm xúc như thế, âu cũng là một cái hay mà người cầm bút cảm thấy rất vui sướng khi nhận ra độc giả đã đối xử rất thịnh tình với văn của mình như thế.
    Là người cầm bút, ai cũng thấy mạch văn có thể nói là quan trọng như chất lượng sản phẩm mang nét riêng của ngòi bút mình. Hàng có lạ, có độc đáo, có quí hiếm hay không, có tạo được ấn tượng hay không, đều nằm ở chỗ đó.
     Hiển nhiên trong văn đàn rộng lớn, mỗi cây bút chỉ có thể góp được một tiếng nói riêng, một cách nhìn mới, một thủ pháp mới, một đinh hướng riêng, thì cũng đã quí lắm và thành công đáng khích lệ lắm rồi. Trần Huy Quang đã khẳng định được mình với tư cách là người cầm bút có bản lĩnh. Anh chinh phục người đọc bằng một giọng văn rất rau tươi và sạch, như thịt luộc thái dày, lối thái thịt ăn ở nhà, không phải lối thái thịt làm hàng bày biện khách sáo và màu mè như quán cơm ngoài chợ.
    Lối viết của anh thường được tỏa ra một cách tự nhiên, khiến người đọc nghĩ anh viết từ một cấu tứ cơ bản. Chỉ cần có thế, sau đó anh triển khai, đắp da đắp thịt lên bộ xương, không quá đỗi dị dạng như một nhà đắp tượng. Mạch văn đổ ra như nước trong vại tràn trên nền xi măng, chỗ nào trũng nước sẽ dồn vào đó làm đầy trước. Vì thế mạch văn trở nên rất tự nhiên, một lối kể chuyện ngẫu hứng, Trần Huy Quang viết giống như anh đang khề khà chén thù chén tạc trong tiệc rượu. Văn không còn là văn nữa, mà là một giới cảnh ngôn từ nào đó cứ như đùa, như thật, vô tình người đọc cảm thấy giữa anh và họ trở thành một đôi bạn tâm giao tha hồ ba hoa, bù khú.
    Có người nói văn Trần Huy Quang “đong đưa” (Văn Chinh- Lời giới thiệu tập Pháo đài), điều này rất có lý. Văn anh là vậy, nó đẹp một cách tự nhiên, xuề xòa cũng tự nhiên. Y như tán lá một gốc vối mọc hoang trên đồi, ngọn gió trên cánh đồng đã khiến cho những nụ vối văn chương đong đưa.
   Vậy điều gì khiến văn anh đong đưa như thế? Phải chăng anh viết một cách tự nhiên, viết những điều cần viết, đáng viết, kể cả những hư cấu trong khả năng cho phép, luôn phù hợp với quan điểm sáng tác trung thực. Đứa con tinh thần nào của anh cũng mang nhiễm sắc thể của bản chất rộn ràng, (tuy cũng tràn đầy những tâm sự trắc ẩn) của một Trần Huy Quang hồn nhiên, có lúc xem ra rất đỗi “phổi bò”.
    
8. Con hạc trắng trong khu vườn Văn chương            
  
  Có lẽ để thẩm thấu về anh kỹ càng hơn, người ta phải đọc toàn bộ tác phẩm của anh. Nếu chỉ đọc một hai truyện ngắn, dăm ba ấn phẩm tiểu thuyết khác, người ta sẽ mất đi cơ hội thẩm thấu văn chương Trần Huy Quang toàn diện nhất.
    Trần Huy Quang là nhà văn với lối viết tạo rất hiệu ứng mưa dầm thấm lâu, một thứ trái lạ, một quả sầu riêng khó ăn với người lần đầu thưởng ngoạn, nhưng khi đã quen, nó là thứ trái cây ấn tượng nhất, được ưu ái nhiều nhất bởi cả hương lẫn vị.
    Văn Trần Huy Quang giống như một con hạc màu trắng trong khu vườn Văn chương vậy.  Có lúc khung cảnh văn chương của anh đầy cổ tích, pha chút lung linh huyền hoặc, rất gần với Oscar Wilde. Có lúc hài hước đáng yêu ( truyện Xuất xứ của bài thơ), cũng có lúc gay cấn, trắc trở, bấn bức như giọng văn G.G.Marques ( truyện Thời gian). Có khi anh có chút dễ mến của Tô Hoài, có hơi hướng liêu trai của Bồ Tùng Linh (Tiếng hat của cô gái điên) và anh cũng gần với Mạc Ngôn (truyện Một người gặp may).
    Nhìn chung Trần Huy Quang có khả năng viết ở những dạng đề tài và những kênh sử dụng thủ pháp khác nhau rất phong phú. Anh là con hạc trắng trong khu vườn văn chương vì khả năng chuyển tải phong phú đó. Con hạc, nó có thể bay trên bầu trời, có thể bơi lội trên mặt nước, có thể đi trên mặt đất. Một con vật quẳng vào đâu cũng sống được. Và Tràn Huy Quang cũng vậy.
 
  9. Giọng văn khô nhưng đượm hương vị y nghĩa.  

Văn Trần Huy Quang tự nhiên nhưng quả là những áng văn khô. Nhiều bạn dọc thích loại văn mềm, dễ tiêu hóa, dễ đọc. Văn Trần Huy Quang tuy không nhiều những xương cá, vỏ cua hay gai tôm song văn anh khô.có thể hơi khó nuốt nhưng giống như ăn cay, khi đầu lưỡi đã quen, không có ớt, ăn cơm sẽ kém ngon hẳn đi.
    Thôi thì cứ xin được nói thẳng với nhau như thế, vì thực ra văn khô cũng chẳng có gì xấu cả. Viết văn khô cho người thích đọc văn khô. Viết văn ướt cho người thích đọc văn ướt. Đó là cái duyên giữa một người thợ chữ và độc  giả của mình. Chợ văn bày bán đủ mọi loại hàng. Nếu đã có the, có đũi bày ra thì cũng nên có lụa, có lĩnh chen vào cho phiên chợ thêm phần rôm rả.
    Hẳn nhiên không phải lúc nào văn Trần Huy Quang đều khô cả. Nhưng khi văn anh đi vào thế giới khô khan, đó là cái khô rất đặc trưng. Ai đã từng ăn miến nấu măng khô? Ai đã từng nhâm nhi củ kiệu muối ngày tết với vài con tôm khô.? Đó là những món ăn từ các thức khô nhưng rất khoái khẩu. Cái khô của Trần Huy Quang là cái khô như thế. Nó là cái khô để người ta nhớ. Để người ta lưu luyến. một giọng văn khô nhưng đậm đà hương vị ý nghĩa.
   Quả nhiên, văn của anh là vậy. Phải chăng anh là nhà văn võ biền, dù  chất hài trong văn anh vẫn dồi dào. Kể cả những lúc anh viết về tình cảm, những pho tình sử rất đẹp, thế mà có lúc nó vẫn khô. Có lẽ khô vì sự khắc khoải, vì thái đọ lưỡng lự, nhùng nhằng, một thứ văn rất khô được kết tinh từ sự tươi mát trong quá khứ, quả hồng lãng mạn khi những cơn nắng hanh khô khốc đi qua, trở thành mứt ngọt.
    Trong giọng văn, trong từng câu chữ, từng truyện của Trần Huy quang đều mang cả cuộc đời (Văn Chinh). Phải chăng vì tận tụy và mẫn tiệp, trăn trở với chính mình, văn anh đã hóa khô. Cái khô của mái tóc hao gầy, của làn da mồi nhăn nheo, của bàn tay chai sần và của những u nần căn bệnh thoái hóa xương khớp...Cái khô để người đời ngậm ngùi, cảm thương, trân quí.
    
10. Nhà văn đồng hành với thời gian.
    
Trần Huy Quang có khái niệm khá linh hoạt về thời gian và xử lý thời gian và không gian trong tác phẩm của mình. Anh sử dụng bối cảnh xã hội, cũng như từng hoàn cảnh cá nhân, những chi tiết được quan sát vào nghệ thuật dường như trung thực, tôn trọng sắc thái đời thường để đưa vào tác phẩm. Văn anh không nhiều mỳ chính (bột ngọt) và chất phụ gia. Có lẽ vì thế mà nó không xoa dịu những đòi hỏi vị giác gấp gáp của cái đầu lưỡi cảm thụ văn chương đại chúng, như những cây bút khác. Ta không bàn đến sự hơn kém cao thấp ở đây. Chỉ là cách nấu nường và thói quen ẩm thực. nếu người đọc những ai không thích lối văn tra mỳ chính thì sẽ rất thích văn chương kiểu nước rau luộc của anh, một thứ ngọt tự nhiên, đậm đà, dịu dàng, lành mạnh.
   Vì thế Trần Huy Quang viết về từng giai đoạn lịch sử một cách sức bén, nóng hổi tính thời cuộc. đọc những truyện ngắn anh viết trong những thời điểm khác nhau như “Một người gặp may”(1980), ”Xuất xứ bài thơ”(1981), ”Tiếng hát cô gái điên”(1983), “Em là hoa thủy tiên”(1990), “Đạo của Tình yêu”(2001), “Thời gian”(2003), gần như bạn đọc sẽ nhận ra những biến cố xã hội được thể hiện khá trung thực. Nghĩa là đọc tác phẩm của anh ta thấy được sự biến đổi của hiện thực xã hội và ý thức xa hội. Khả năng xử lý thời gian bằng những khối lập thể, nơi đó thời gian trở thành kênh diễn đạt, trong tay anh thời gian như một cây đũa thần.
  
   11. Chuyển ngữ văn Trần Huy Quang sang tiếng Anh.
  
Chuyển ngữ văn Mạc Can sang Anh ngữ là một kinh nghiệm rất khác so với chuyển văn Trần Huy Quang. Ở đây, ngoài phong cách, nội dung, bối cảnh, cách chọn từ vững để diễn tả, có sự khác biệt nằm ở chỗ tính triết lý trong văn Trần Huy Quang sâu lắng và có phần Tây hơn rất nhiều. Vì vậy, chuyển ngữ văn Trần Huy Quang vất vả hơn nhưng cũng sướng hơn(?).
      Một lần nữa ở đây không có sự phân biệt cao thấp giữa hai tác giả, song lối tiếp cận xử lý cũng như cách diễn trình có sự khác biệt bởi nhãn quan và khả năng sàng lọc giữa Mạc Can và Trần Huy Quang. Nếu nói như cụ Nguyễn Du trong cách tả vẻ đẹp của hai cô gái họ Vương, mỗi người một vẻ thì sự phong phú của Mạc Can và nét riêng độc đáo của Trần Huy Quang là hai cõi xa lạ.
     Trong văn Trần Huy Quang la liệt những tính từ trừu tượng, động từ cũng trừu tượng nốt, thành ra chuyển ngữ văn của anh là một trải nghiệm rất thú vị. Nhưng khi đọc lại văn bản tiếng Anh tập The Fort tôi lại  thấy thích. Thực tình ban đầu đọc văn anh, tôi khựng, vấp, đã toan quẳng sách đi nhưng lại không vứt được. Có một thứ rào cản nào đó trong phút ban đầu gặp gỡ, vướng víu, lôi kéo giữ chân tôi lại. Văn của anh không nhập cuộc vồ vập song là một sự hẹn hò khó tính, cuối cùng nỗi nhớ lại dằng dai, trói buộc. Lậm vào lúc nào cũng không biết. Rồi thì không dứt ra được nữa.   
    Đọc Trần Huy Quang ta như thấy mình đang đọc những điều tâm sự chín chắn. Mặc kệ những bước chạy khởi đông đầu tiên, anh viết như chạy việt dã. Bền bỉ chứ không ồn ào sôi động. Thành tích là sự phấn đấu với bản thân mình chứ không phải ganh đua, giành giật. Anh không cần khua khoắng, gào thét, la ó. Lối viết không cần khuấy động lúc ban đầu. Anh lặng lẽ trong trang viết đầu tiên của mỗi truyện nhưng cuối cùng là sự tăng tốc, lôi cuốn, xô đẩy.
   Anh đủ bình tĩnh để biết mình là ai. Giống như ta đã nghĩ về anh như một bà hàng phở gàn, lập dị, khó tánh. Một bà hàng cóc cần biết đến chuyện lỗ lãi, chỉ biết nấu phở và bán phở, ai ăn thì quí, không ăn cũng chả sao. Cá tính ương ngạnh pha trộn chút ngang tàng của Trần Huy Quang là thế.  Anh biết rõ chất lượng hàng của mình, gần như trong quá trình viết, anh đã có những bạn đọc tri âm tưởng tượng trong đầu, và anh đã viết riêng cho những độc giả đó.
     Vì vậy, văn Trần Huy Quang tương đối kén  người đọc, cũng như người kén sẽ chọn đọc văn anh. Mỗi nhà văn đều có một lối thể hiện riêng, không ai giống ai. Có người viết rất bình dân, như Mạc Can chẳng hạn. có người viết chữ nghĩa sang trọng, ấn tượng như Trịnh Bích Ngân, có người viết nhẹ nhàng như Hồ Biểu Chánh, có người viết riêng cho thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh hoặc cho mọi người như Tô Hoài. Trần Huy Quang viết cho giới người đọc có chút triết lý đồng cảm giống anh. Vậy nên văn Trần Huy Quang như thứ văn hò, văn hẹn, thứ văn người ta không thể nói toạc ra là thích hay không thích. Một thứ văn mà người viết lẫn người đọc phải có chung chút khẩu vị văn chương tối thiểu nào đó.
    Chuyển ngữ văn Trần Huy Quang sang Anh ngữ tương đối khó nhưng thú vị. Tôi thực sự rất vui khi có cơ hội chuyển ngữ tác phẩm của anh.  Lạ lắm.  Đọc văn anh, tôi có cảm giác mình đọc phiên bản tiếng Việt của một tác phẩm văn học của một tác gia nước ngoài nào đó. Tôi không nói văn anh vọng ngoại, lai căng, gồng gượng, song tôi muốn nói đến tính triết lý đã chín tới, đủ ngọt, đượm mùi thơm riêng, đặc biệt hấp dẫn với những ai ghét loại văn chương dễ dãi, sính đọc văn chương ướp ít nhiều hương vị triết lý.
  
   12.  Chia tay nhà văn Trần Huy Quang
    
  Trước khi chia tay nhà văn Trần Huy Quang, tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ của bản thân, hoàn toàn không liên quan hoặc ăn nhập gì với Trần Huy Quang cả. câu chuyện tôi kể để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm mến của tôi với nhà văn Trần Huy Quang, một người có nhiều thành tích với tờ báo Văn nghệ rất có uy tín.
     Năm 1987, hồi đó tôi vừa học xong bậc phổ thông trung học nhưng thi trượt đại học. Tôi thi khối C, thiếu mất một điểm, vì diện chính sách gia đình, tôi cũng không được xét duyệt vào đại học. Tôi trở về nhà làm rẫy, trồng cà phê với gia đình. Dạo ấy, chị gái tôi có một tiệm tạp hóa, chị có bán cả báo cũ theo cân để người ta mua về lót ổ cho phụ nữ lúc sinh con. Lần ấy tôi thấy trong đống báo cũ có nhiều số Văn nghệ và tôi đọc những  bài viết, những truyện ngắn trong mớ báo cũ ấy. Tôi mê man đến độ chểnh mảng cả công việc đồng áng, cơm nước đuễnh đoãng, ngủ nghê ba cọc ba đòng bị mắng suốt.
     Khi nhận được bản thảo tập Pháo đài, có cơ hội làm việc với văn Trần Huy Quang, một nhà văn đất Bắc, có thể nói tôi vô cùng xúc động khi nghĩ bản thân mình đã có duyên nợ nay được gặp gỡ những trang viết của anh.
      Chất văn của anh tự nhiên rộn  ràng, trong sáng, hiền hòa, tất cả đều  mộc mạc, chân tình, chan chứa một thứ tình nồng nàn.
      Trên văn đàn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, tôi đã có dịp đọc một số cây bút tiêu biểu của Văn học Việt Nam, tôi quí mến tất cả những cây bút có tâm huyết với Dân tộc, với Đất nước và Con người Việt Nam, riêng với Trần Huy Quang, tuy tôi đọc anh chưa nhiều, mới qua hơn hai chục truyện cuả tập Pháo đài, tôi thực sự xúc động. Gần như mỗi một câu chuyện anh kể, như cây nhà lá vườn, mạch văn tự nhiên, tình chân thực, thế mà với tôi sau lần gặp vội vã ấy, cứ quyến luyến bịn rịn mãi.
Người về em nhắn tái hồi
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai (Quan họ)      
Văn Trần Huy Quang là sự nồng nàn ẩn chìm. Vẫn là cái duyên ngầm ngúng nguẩy, nhưng đằm thắm, hồng ra hồng, lựu ra lựu... Ở văn anh, sư nhất quán trong triết lý định hình rất rõ, bất kể trong tình huống hay thể loại nào, anh viết bằng một giọng văn của một Trần Huy Quang không thể nào nhầm lẫn. một lối nói chân tình, mộc mạc, không màu mè nhưng lại rất ám ảnh. Giống như người đi nhiều nơi, sành ăn nhiều món nhưng nhất định sẽ không bao giờ quên được hương vị đặc biệt của phở Hanoi, mùi mỡ bò ngầy ngậy béo, hành lá thái nhỏ, mùi thảo quả vương vấn, cùng với cái lạnh cuối đông, gió bấc thổi nhẹ, tất cả đã trở thành một vùng ký ức  thăm thẳm mà đầy lưu luyến.
    Mong thay, khi gấp trang sách cuối cùng của tập Pháo Đài, chúng ta sẽ có những cảm nhận chung với tác giả chuyển ngữ.
    Riêng với tôi, trong tư cách là một người chuyển ngữ tác phẩm của anh, tôi thực sự xúc động và vui, cảm thấy mình may mắn được làm việc  với tác phẩm của anh. Tôi quí trọng lối viết chọn lựa từng con chữ, cách sử dụng chúng, cách anh sắp xếp đề tài, và cách anh để cho mạch cảm xúc trôi tự nhiên theo mạch truyện. Tôi cảm ơn anh đã viết vê nông thôn, về người lính, về phố xá, và về những con người...Nhất là khi anh viết bằng cả tấm lòng của một người thợ chữ rất lương thiện.
    Cảm ơn một Trần Huy Quang đã viết những điều để tôi có thể hiểu thêm về con người Việt Nam, hiểu thêm về đồng bào đất Bắc – Đó là lời cảm ơn tôi nghĩ mình có trách nhiệm phải nói- cũng như tôi có trách nhiệm cảm ơn những người đã âm thầm tận tụy, nhặt nhạnh, tích cóp lưu cữu, để rồi cạm cụi với ngôn từ dâng đời những hương vị vắt ra từ lương tri và tâm huyết của một người thợ chữ nặng lòng với xứ sở nơi mình sinh ra và lớn lên.

  Fort Worth, Texas - 12 tháng 08 năm 2010 
N T S
Một ngày hè cực oi...