Trang chủ » Truyện

CHÙM TRUYỆN NGẮN

H. Thuận
Thứ sáu ngày 23 tháng 9 năm 2011 5:31 AM

 Gia sư

Thấy con gái về đến ngõ, bà Hiển vui lắm. Bà đang nhặt nốt mớ rau muống già cuối mùa. Gớm rau muống tháng 9 nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn. Bà vội vã đứng lên gọi với vào cho chồng:
- Ông Hiển ơi, cái Liên nhà mình nó về này!
Ông Hiển đang vê vê điếu thuốc định hút vội vã buông tay.Cùng ra đón con gái với bà. Bà reo lên như lâu lắm mới được gặp con:
 -Ôi Liên đã về! Bố mẹ mong con quá! Sao không gọi điện cho bố mẹ trước? Mấy hôm vừa rồi, bố gọi cứ thấy máy bận hoặc khóa máy. Thế chắc kỳ này dỗi dãi hả con? Hay chưa xin được việc làm?...
Bà cứ hỏi liên tục làm Liên không kịp trả lời. Cô vứt vội cái ba lô và túi quà rồi ngồi phịch xuống bậu cửa, trả lời mẹ qua quýt:
 -Vâng con mắc bận và cũng có vài chuyện hơi rắc rối.
Bà lại hỏi: chuyện gì mà rắc rối hả con? Bà nói đến đó bị ông ngắt lời:
 -Thôi đi bà, để cho con nó thở, uống hớp nước, rửa ráy mặt mũi, chân tay đã nào! Bà cứ hỏi dồn dập như thế, nó trả lời sao kịp. Nó đi đường xa về còn đang mệt mỏi.
Bà tính hay sồn sồn, vội vã. Bà thấy nóng ở trong ruột. Mong cô con gái từ mấy bữa nay.Người ta đã có câu thân gái dặm trường. Rồi khôn ba năm, dại một giờ. Nó ở xa bà lo lắm. Tuổi nó ở nhà đã con bồng, con bế rồi.. Hai ba, hai bốn tuổi chưa chồng con gì là ế chỏng, ế chơ. Số là có một anh ở xóm trên làm công an trên huyện, cứ thích nó. Anh còn bảo: Bác cứ bảo em học xong thích về huyện nhà, cháu xin việc cho. Nhưng nó cứ ngúng nga ngúng nguẩy còn chê bai rằng: Anh ấy có cái trán che sương, mặt đầy trứng cá. Người ta bảo người ấy thì ghê lắm. Mà con cũng chả có cảm giác yêu anh ta. Bà bảo: ôi dào, yêu với đương cái gì. Tao thấy cái anh giáo Thiển với con Sâm chả yêu nhau say đắm mấy năm trời như sam ấy! Thế mà mới lấy nhau hơn hai năm nay có một con rồi chả biết mâu thuẫn gì mà đang chuẩn bị ra tòa đấy. Nghe mẹ, cứ ở với nhau sẽ có tình yêu sau. Như tao với bố mày đấy do bố mẹ định liệu hết, có yêu đương gì mà bây giờ cũng mấy mặt con rồi. Đã khi nào tính chuyện bỏ nhau đâu, ông nhỉ! (Bà nháy mắt   cười với ông)  Cô cãi lại thời bố mẹ khác, chúng con bây giờ khác. Con chỉ muốn đổi đời. Sống ở thành phố lâu rồi, con biết. Giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố. Mẹ lại tiếp lời: thế cứ lấy thằng Sơn rồi hai đứa lên thị trấn huyện ở bây giờ có kém gì phố xá đâu.
- Ôi trời tỉnh lẻ còn chả ăn ai nữa là cái phố huyện. Với lại con chả thích công an. Công an bây giờ kém xa thời trước đủ thứ. Mặc dù lương họ được nâng cao liên tuc, thăng chức cũng nhanh. Nhưng đối với dân thì…vừa rồi bao chuyện, mẹ biết không?
- Có bố mày cũng là nghe hơi bắc nồi chõ từ thằng cháu nó xem trên mạng. Ti vi ai người ta nói. Bà đáp lại.
Cô còn nói thêm rằng ở tỉnh lẻ sau này con cái đi học đại học cực lắm. Như con đây này, sểnh nhà ra thất nghiệp. Tiền tiêu bao nhiêu cũng không đủ. Cái gì cũng phải sắm.
Bà mẹ lại ngắt lời cô: Sao bảo mày ở chung với mấy đứa?
- Chúng nó có người yêu ra ở riêng hết. Con phải thuê chỗ khác nhỏ hơn, ở một mình. Cô đáp.
Liên nhớ như in ngày cô thuê nhà ở riêng, thiếu tiền chả dám xin bố mẹ.  Cô quyết định tự mình đi quảng cáo làm gia sư.Hôm ấy cô đang loay hoay dán thông báo: “Dậy tiếng Anh cho trẻ em từ lớp 1 đến lớp 5. Hỏi cô…..Số điện thoại 098…..” Ở đầu tường một ngôi nhà tập thể. Bất ngờ cô gặp một ông già chừng 70 tuổi nhưng trông dáng ông cũng rất là phong độ, đỏm dáng. Ông mặc quần 
Soóc trắng, cái áo thun kẻ mờ. Ông đứng nhìn cô dán thông báo và đường đột làm quen:
- Này cô bé, cô nhận dậy tiếng Anh ở nhà riêng hay mở lớp?
- Dạ, thưa cháu dậy ở nhà riêng thôi, cháu không có địa điểm mở lớp ạ!
- Vậy tôi có thằng cháu- tiện đây hỏi cô luôn- Năm nay cháu 8 tuổi, cũng đang muốn tìm thầy đậy kèm tiếng Anh cho nó. Ông phân trần.
- Vâng ạ, đối tượng như thế là phù hợp với khả năng của cháu rồi, bác ạ!
- Vậy tiện đây, nếu không ngại, tôi mời cô vào nhà bàn bạc thêm. Ta thỏa thuận với nhau một số điều, nếu thống nhất được tôi sẽ ký hợp đồng luôn với cô.
-Vâng ạ, cám ơn bác! Cô nhanh nhảu trả lời.
Buổi đầu ra quân cô đã gặp may. Cô dắt xe theo ông về nhà. Ông tự giới thiệu tên tôi là Toàn. Đại tá quân đội nhân dân về hưu. Ông ở nhà riêng này với con trai, con dâu và đứa cháu nội. Cháu bị mắc bệnh tự kỷ dạng nhẹ nên nó học hành cũng hơi khó khăn, nhất là đối với môn ngoại ngữ. Cô nhìn ngắm ngôi nhà thấy cũng hơi cũ những mảng tường cũng đã rêu phong. Bất giác cô hỏi:
- Thế bác gái nhà mình đâu ạ?
- À, bà nhà tôi vẫn ở Nam Định, làm công tác phụ nữ của một huyện
Lỵ. Nay về hưu rồi. Cũng có ngôi nhà xây khang trang đáo để. Bà đang ở cùng cô con gái. Nó cũng lấy chồng có con rồi. Ở đâu quen đấy. Năm thì mười họa bà ấy mới lên chơi. Ông chưa dứt câu, cô nói chen vào: Về hưu rồi không lên ở với bác trai thì sai lầm lắm. Bác trông còn phong độ thế kia mà! Được cô khen đột ngột, mặt ông thoáng đỏ lựng, vui vui…
- Thế à, vẫn trẻ trung phong độ à? Được cô khen tôi vui quá. Cám ơn cô. Ông tỏ ra lịch sự, nhã nhặn đáp lại.
Sau đó ông ký luôn hợp đồng với cô. Ông bảo cô dậy ở đâu tôi không biết chứ dậy cháu tôi, tôi cứ trả cô 200 đến 250 ngàn một buổi. Mỗi tuần 2 buổi. Có thể thứ tư, thứ sáu hoặc buổi nào đó, tùy cô. Ngoài ra, ngày lễ, ngày tết cũng có chút quà.
Cô ngẩn người nhẩm tính mỗi tháng cũng xấp xỉ  hai triệu đông bằng lương công chức nhà nước rồi. Cô vui vẻ cảm ơn và nhận lời.
Ông nói thêm bây giờ là đầu hè, cháu chưa có chương trình gì. Sau này ở trường họ xếp lịch học thêm, học nếm ta lại tính sau. Và ông không quên hỏi lí lịch trích ngang của cô. Nào quê quán, cha mẹ, anh chị em…Cô bảo cháu ở Hà Nam Ninh. Nhà quê thôi chứ không phải thành phố. Bố cháu trước cũng là bộ đội nay phục viên rồi. Ông lại hỏi thêm thế cháu có người yêu chưa? Điều này làm cô ấp úng:
- Dạ cháu có rồi nhưng cũng mới sơ sơ thôi ạ!
Học xong đại học quản trị kinh doanh, Liên quyết định ở lại Hà Nội làm gia sư hoặc việc gì đó kiếm chút tiền và để có cơ hội xin việc làm. Với cô việc ấy rất nguyên tắc trở thành bất di, bất dịch. Chưa có công ăn việc làm chưa thể yêu đương. Gương mấy đứa bạn nông nổi, hời hợt, “sống thử” với chả sống thật bây giờ đang  khóc dở, mếu dở... Mặt méo như bị rách. Bọn nó cứ đùa : Con Liên như một bà cụ non. Bây
giờ mới thấy nó thật khôn, không hồ đồ như bọn mình. Anh nào vớ được nó là tha hồ mà yên tâm. Liên cũng có một anh đang “trồng cây si” đấy! Anh ấy quê Sơn Tây cũ. Cô vẫn đang lưỡng lự vì hoàn cảnh anh ấy. Nhà có hai chị em, bố mất sớm. Chị đã đi lấy chồng.Mẹ lại bị ngã chùn xương sống nên đi lại khó khăn, phải chống bằng gậy. Anh bảo nếu lấy anh thì cả hai đều phải về gần nhà còn chăm sóc mẹ.Rất cảm thương hoàn cảnh anh ấy nhưng Liên vẫn cứ  lăn tăn. Anh cũng chưa xin được việc làm. Việc làm quảng cáo trên báo đầy nhưng Liên vẫn nghĩ: bở béo đâu đến lượt mình. Còn những việc quá “thơm” thì phải nhiều tiền lắm. Bà chủ cho thuê nhà cứ bảo:”chúng mày xin việc mất hàng đống tiền phải cảnh giác đấy. Nó lừa như chảo chớp. Làm một thời gian nó giở quẻ này, quẻ nọ…Nào là phá sản, nào hết việc làm, giải thể công ty, nào không xuất khẩu được, nào là…hàng trăm ngàn lý do để nó nhận người khác vào, để có khoản thu mới bở béo hơn ..vân vân…và vân vân…rồi  chúng mày chỉ có nước xót mà chết! Tao đã nghe nhiều bài học xương máu đại loại như thế rồi. Đời bây giờ nhiều kẻ nhẫn tâm lắm. Cần tiền đến bố mẹ, tổ tiên, đất nước, người thương yêu nhất nó cũng giết, cũng bán. Nó không có từ! Bà nhắc đi nhắc lại, giọng đầy phẫn uất. Liên ngẫm bà nói cũng phải. Nói phải củ cải cũng nghe.
 Vậy liên tiếp tục làm gia sư cho cháu ông Toàn – như đã hẹn. Cứ tạm thời như thế rồi tính sau. Ngoài ra cô còn dậy thêm vài đứa nữa Những cháu này nhà họ không trả cô được như vậy đâu! Ông Toàn dẫu sao cũng hào hiêp có phần cảm tình với cô hơn. Cô nghĩ ông là đại tá ở Hà Nội lương cũng cao. Dần dà cô thấy cháu ông học hơi kém. Nó lầm lỳ ít nói, phát âm rất khó khăn. Dậy nó quả vất vả hơn dậy mấy đứa khác. Có hôm nó ngủ gật ngay trên bàn học làm cho chương trình học bị gián đoạn hoặc khó hoàn thành. Thấy vậy ông bảo:
- Thôi trưa nay cô giáo ở lại ăn cơm với ông cháu tôi. Cơm canh sẵn rồi. Con dâu nó làm từ sáng sớm. Cơm chỉ việc cắm lại, canh và thức ăn mặn cho lò vi sóng là xong. Bây giờ chuyện ăn uống có quan trọng đâu. Vui là chính ấy mà!
Ông mời nhiều, nhiệt tình, đôi lần cô cũng ở lại. Cô nghĩ đơn giản mình ăn cơm hộp, cơm đĩa ở ngoài rồi về cũng vậy thôi. Nhưng không thể ngờ ông Toàn có ý “lửa gần rơm”…Ông cứ lân la, lúc đầu động chạm nhẹ như có ý thăm dò…Sau ông gần gũi hơn. Tính hay cả nể. Cô mặc kệ mình đã có cách  tự vệ của riêng mình. Một lần ông ôm lấy cô; “anh yêu em, thôi hãy gọi  anh cho trẻ trung nhé!” Cô khẽ đẩy ông ra. “Kìa bác đừng làm thế!”Mạnh mẽ hơn có lần ông lôi cô lên giường. Cô phản ứng, bị thằng cháu bắt gặp. Nó về mách với bố mẹ nó. Nghe từ “lên giường” cậu con trai ông nổi máu điên. Anh ta hét lên: “mày thấy như thế bao nhiêu lần rồi?” Thằng bé ấp úng trả lời :”con mới chỉ nhìn thấy một lần thôi. Còn những lần khác con không biết!” Ông bố đập tay xuống bàn: “Thôi được, tao sẽ cho cô ta thôi việc. Từ tuần sau đến trường học”. Chuyện bé xé ra to. Đến cả tai bà vợ. Cả nhà chu chéo như vỡ chợ. Nguy hiểm hơn, ông Toàn chủ quan tuyên bố với cả nhà:
- Đã thế tao sẽ lấy cô ấy làm vợ, nhà này là của riêng tao!
Thế là chuyện nọ xọ chuyện kia chuyển sang cả tranh chấp đất đai nhà cửa. Con trai ông tức quá:
 -Bố nói gì lạ thế ? Bố được chia mảnh đất 40m2 , con lấn chiếm thêm. Bây giờ thành 70 m2. Tiền làm nhà chúng con đóng góp. Giờ bố nhận là nhà của riêng bố. Bố nói vậy có ích kỷ không đấy?. Mẹ con nữa bố định bỏ, cho bà  đi đâu?
 - Mẹ mày đã có nhà dưới quê, không liên quan gì! Già rồi, ra tòa cũng được, không ra thì ly thân chả sao cả.
Bà vợ bị bất ngờ lên tiếng:
- Ông thật quá đáng! Ra từ xưa tôi cũng nghe phong phanh về ông có cô này, bà kia. Nhưng tôi vẫn tin ông.Tôi biết thế này lên đây từ khi còn trẻ. Như bà Thành ấy, thì đâu đến nỗi. Nghe cái giọng điệu của ông: Thôi em cứ ở nhà với con gái. Rồi hy sinh đời bố củng cố đời con, bây giờ như thế ư? Đúng là loại người xảo ngôn giả dối! Ra từ xưa đến nay … ngựa quen đường cũ chứ gì?
Thấy tình hình căng thẳng ông dịu giọng:
 -Thôi được, tôi sẽ thuê nhà ở riêng, rồi tính sau! Và ông lấy xe máy vù đi! Bà vợ lên phòng nằm. Anh con trai ức lắm, nói với cô vợ:
 - Cứ để cho ông già hồi xuân xem được mấy hơi không mà cứ sĩ! Mấy năm trước chả có một nhà sử học tiếng tăm, đã trên sáu mươi tuổi rồi còn rước một cô vợ trẻ mới hơn ba mươi, được đâu trên một năm thì ông ấy nghẻo! Cao hứng lên cậu còn khoe với vợ: chỗ anh đánh cầu lông có ông già hơn tám mươi…Ông kể chuyện khi mới hơn năm mươi tuổi, bà vợ đột ngột mất. Ông lấy một cô vợ mới chưa đến bốn mươi. Suốt đêm cô ấy đòi hỏi chuyện ấy. Không còn sức chịu đựng, ông nhiều lần bỏ trốn, ở lại cơ quan. Có hôm cô ấy cũng mò lên.Cuối cùng ông phải bỏ của chạy lấy người. Sau đó ông cưới một bà bằng tuổi ông. Hai người sống hạnh phúc cho đến bây giờ.
ÔngToàn lấy xe đi nhưng ông không biết đi đâu. Đến nhà Liên thì ông chưa biết . Gọi điện thì cô tất máy. Thuê nhà đâu có dễ kiếm được chỗ vùa ý, vừa túi tiền cho sinh hoạt của hai người. Vả lại ông đã kịp bàn bạc gì với cô đâu. Ông chỉ là ngộ nhận đơn phương mà thôi!
Hôm nay sở dĩ cô về nhà cũng vì lý do ấy. Cô nghĩ: mình đã thoát hiểm một cách ngoạn mục. Với lại ông ấy cứ hão huyền chứ cô cốt lõi vẫn là kiếm việc làm tạm thời .Không còn dậy cháu ông nữa cô còn đến nhà ông làm gì!Có mà điên mới đi rước một ông già bằng tuổi ông nội mình. Vả lại giữa cô và ông đã có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra đâu. Sự cố này cô cho là mình đã gặp may.Chậm ít bữa nữa tính hay cả nể…biết đâu được. Không, không thể. Cô khảng định lại lần nữa. May mà cái người cô yêu chưa biết, không thì có mà chết! Lại đoán già, đoán non, ghen bóng, ghen gió có mà trời thanh minh được. Mấy ngày nay cô trốn ông Toàn, tắt điện thoại Cần gọi cho ai cô vội vã xong xuôi lại tắt máy.
Bà mẹ thấy con tư lự, vội giục:
- Thôi đi tắm rửa, rồi cơm nước với mẹ, các em chắc sắp về rồi. Chúng nó bảo đi học sớm đầu tháng 9 mới khai giảng. Lần này hay con ở hẳn nhà đi. Hôm nào lên thu dọn đồ đạc sau. Thằng Sơn chủ nhật này về thế nào nó cũng xuống nhà mình cho mà xem.
- Thôi mẹ ạ, có lẽ con lấy chông Hà Tây, à quên Hà Nội mới ngày
nay. Hôm nào có điều kiện con sẽ đưa anh ấy về ra mắt bố mẹ.
Bà mẹ lườm yêu cô con gái:
- Cha bố cô người ta bảo có con mà gả chồng gần / Có bát canh cần nó cũng mang cho…Cô vội cướp lời mẹ, không đâu, mẹ ơi bây giờ đảo ngược rồi. Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng sang xin! Hai ông bà cùng cười vui vẻ. Ông nói thêm thôi tùy con kẻo sau này có điều gì không hay lại bảo tại bố mẹ.
Tháng 9/ 2011

Một mối tình

Tôi cứ tấm tắc khen:
 -Anh chị quả là đẹp đôi!
Chị đáp:
 -Có gì đâu em! Nhiều người cũng nói thế! Rổ xề cạp lại ấy mà!
Tôi vội đáp lời chị:
 -Không chị ơi, ngày xưa mẹ em hay nói: Rổ xề cạp lại nức mây / Còn hơn rổ mớ nức dây bìm bìm. Chị cười và  không quên cám ơn tôi.
 Chị say sưa kể về mối tình của chị: Bọn mình cưới nhau hơn chục năm rồi. Gọi là cưới cho oai chứ thực tình chỉ làm vài mâm cơm, mời họ hàng và bạn bè thật thân thiết thôi. Anh ấy là bạn của ông chồng quá cố của mình. Vợ chồng anh ấy bỏ nhau cũng mấy năm rồi. Nghe đâu bà vợ hơi nhiều lời lại hay nói tục, chửi bậy nữa. Vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt đã lâu. Cãi vã nhau suốt. Nhà như cái địa ngục. Con cái nó không chịu đươc. Chúng nó bảo:
 -Thôi bố mẹ không “mưa thuận, gió hòa” thì chia tay quách đi cho chúng con nhờ. Cứ thế này chúng con còn học hành , làm ăn gì được nữa.
 Tôi vừa nói vừa như lăn tăn với chính mình: Ồ con cái anh chị ấy lạ? Chả mấy đứa nó thích bố mẹ chia tay. Và tôi lại tự giải đáp: Con gái tôi có đứa nó đã nói: Không hợp nhau thì bỏ. Chả nhẽ vì đứa con mà mang vạ suốt đời ư? Bây giờ bọn trẻ chúng nó thoáng lắm.
 Chị nói tiếp: anh ấy vốn là giáo viên giảng dậy đại học. Nhiều cô theo đuổi lắm. Chả biết sao lại “cắn câu” với mình. Mọi người cứ bình luận: hàng tưởng như ế ẩm lại bán được giá cao! Thật là đào hoa! Lại nói về ông xã mình ra đi được hơn một năm. Thằng con lớn lúc ấy đã có vợ.  Vợ chồng nó muốn ở riêng vì nó làm ăn cũng được. Nó bàn với mình bán nhà cũ đi, thêm tiền mua một cái nhà mới người ta xây sẵn “hên” hơn. Cô con gái thì đi làm ăn ở Ba Lan. Thế là mình đơn phương độc mà, cuốn gói theo con về nhà mới. Nó nhường cho hẳn một phòng rộng rãi, càng thấy cô đơn. Trẻ đã qua, già thật ra chưa tới…nên đôi lúc buồn! Những lúc như thế, anh Dân đến chơi thắp hương cho ông xã mình và chia ngọt sẻ bùi với mình. Đôi lần gặp con gái mình về thăm. Con bé xem ra cũng tinh tường ra phết. Nó cứ cố ý vun vào cho hai người. Một điều chú Dân, hai điều chú Dân…Ở nước ngoài, nó thư từ  về.
`-Con thấy mẹ với chú Dân được đấy!
Mình mắng yêu nó : cha bố cô, hãy lo lấy phận mình!
 Vậy là một hôm tự nhiên anh ấy nửa đùa, nửa thật:
 -Cho anh ở đây với em được không?
Lúc ấy mình hơi bất ngờ. Sao cái điều đó lại đến nhanh như thế. Mình nói luôn:
 -Cảm ơn anh để em tính xem đã.
Thực ra mình cũng có vài người đặt vấn đề. Có anh kém mình đến vài tuổi. Vợ của họ lại mất rồi. Còn anh Dân chỉ chia tay thôi.Biết đâu có phen máu “Hoạn Thư” nổi đóa, bà ấy lại đến đánh chửi mình thì có mà chui xuống lỗ. Anh bảo: yên tâm đi, cô ấy cũng có một ông cập kè rồi. Tôi cười: thì ra các bà “rổ xề” này dắt giá khiếp!
Chị lại nói tiếp: Nhưng ở với con trai em sao tiện. Anh bần thần giây lát. Mình nói luôn hay em về với anh thì thuận hơn, nhưng cũng hơi sợ người đời dị nghị. Kể ra có nhà riêng thì hay hơn anh nhỉ! Anh ừ thế thì tuyệt vời. Con trai anh nó cũng ra ở riêng. Còn căn hộ tập thể của anh con gái xí phần để nó…sắp lấy một anhchồng tỉnh lẻ về ở cùng. Tôi nghe mà thấy ngậm ngùi. Nhớ lại câu nói của ai đó: đại khái của mình là của nó, của nó không phải là của mình, tất tần tật mọi thứ…( Tiền, nhà, tài sản…). Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi. Đời là thế!
 Chị nói tiếp: ít lâu sau đó con gái mình nó bàn; con có ít tiền, bây giờ nhà đất rẻ lắm. Con mua mảnh đất, con chi cả tiền làm nhà. Mẹ và chú sẽ ra đó ở.Mảnh đất mua có 30m2.Anh chị về hưu cả, cũng rảnh rỗi. Danh nghĩa bạn bè, anh ra đào, đắp cuốc xới cũng lấn chiếm được đến 15, 16 m2 nữa. Thế là được ngôi nhà trên 45m2, ba tầng đẹp, khang trang. Anh lại bỏ ra năm mươi triệu sắm đồ nội thất. Năm mươi triệu bấy giờ to lắm.Chị cứ bảo sao mà anh điệu đàng thế sắm toàn đồ xịn. Anh bảo có gì đâu…cuối đời sắm cái gì ra cái ấy cho nó đích đáng. Chị đùa anh: thế ra anh cũng dư dả đấy chứ. Anh bảo có chút tiền tiết kiêm là anh đi dậy thêm, nay đây, mai đó. Học sinh đôi lúc nó thương thầy giáo nghèo, nó biếu thêm. Nhất là học sinh các tỉnh phía Nam. Xong xuôi nhà cửa, bọn mình cưới nhau. Chị vỗ vai tôi, này buồn cười lắm nhé, trước khi cưới, mình thắp hương lên bàn thờ cho chồng. Mình khấn rằng:
 -Anh ơi, anh sống khôn thác thiêng, hãy phù hộ độ trì cho em…và cho phép em đi bước nữa với người bạn cũ của anh. Được không anh?
Chẳng hiểu linh nghiệm thế nào, bát hương bùng cháy vì một làn gió nhẹ. Mình vã mồ hôi và bủn rủn hết cả chân tay. Mình đem chuyện đó hỏi mọi người. Mọi người đều bảo thế là ông ấy đã đồng ý. Tôi thầm nghĩ có thể anh ấy tức giân. Hoặc là vô tình thôi.Với người âm thì nói kiểu gì cũng đúng cả.
 Chúng tôi đang chuyện trò sôi nổi thì chị nghe thấy điện thoại của anh.
 -A lô Dung à? Anh ra đón em về loanh quanh một chút rồi anh đưa em đi tân gia nhà của anh bạn cùng khoa.
- Vâng, để em tự về, em đang đi bộ cùng cô bạn ở bờ hồ.
Chị đã nói thế nhưng anh nhất quyết ra đón.
Ít phút sau, tôi gặp cả anh lẫn chị. Anh Dân vẫn như xưa. Dáng dấp phốp pháp. Anh luôn đeo máy quay phim kiêm chụp ảnh nhỏ bên người. Lâu mới gặp lại tôi, anh muốn chụp một kiểu ảnh kỷ niệm. Chị bảo đấy em xem…điệu không? Đi đâu anh cũng quay phim, chụp ảnh. Này nhé:nào giỗ tết, cưới xin, bạn bè hội tụ, nào nhà mới, sinh nhật, nào du lịch, tắm biển  đó đây…Anh đi dậy Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Thái Nguyên…anh bảo mình đi tháp tùng. Cũng có lần đi, lần không. Nói chung vui lắm. Chị còn ghé sát vào tai tôi nói thầm: Anh bảo: quần chúng mà đè được đảng viên mới giỏi chứ! Tôi cười phá lên :
- Anh vui tính nhỉ!
Chị lại nói thêm: Ừ vui tính dí dỏm lắm. Còn đùa mình nhiều câu, mình không tiện nói. Tôi vội cướp lời chị:
-Em hiểu.  Chị thật hạnh phúc! Và anh chị còn rất là lãng mạn nữa.
Tạm biệt anh chị buổi ấy, tôi cứ suy nghĩ mãi về mối tình của họ…
 Từ bữa ấy đến hơn một năm sau tôi mới gặp lại anh chị. Lại trong một hoàn cảnh không mấy vui vẻ. Chị bảo bọn mình đi chơi với con gái ở nước ngoài mấy tháng mới về. Về cũng lâu lâu rồi nhưng ốm quá. Đi khám bênh bao lần chả phát hiện ra. Đến khi phát hiện thì bảo do bệnh  về đường tiêu hóa. Thuốc men đông, tây mãi chả khỏi. Bụng cứ chướng lên. Bây giờ khám lại thì họ bảo chính xác là ung thư buồng trứng. Trăm phần trăm rồi. Sắp sang giai đoạn cuối cùng. Nhìn chị gầy tọp đi. Tôi buồn quá. Chị bảo thành ra anh phải nghỉ cả dậy để trông nom chị. Tôi nói bệnh chị phát hiện sớm cắt hết đi là khỏi…
Ít lâu sau chị mất, anh thành người bơ vơ.`Trước khi mất, chi lại di chúc cho con gái. Mẹ mất, chú Dân về ở với con chú. Cái nhà này trả lại cho con. Anh nghe choáng váng, tưởng chừng không đứng vững được nữa! Lẽ ra cái việc ấy chị phải bàn với anh. Bây giờ “bút sa gà chết”, giấy trắng, mực đen, làm sao dám trái lời người đã khuất. Chả nhẽ gần hai mươi năm hạnh phúc nhường ấy chị nỡ quên sao? Chị nỡ để anh thành kẻ vô gia cư với hai bàn tay trắng sao? Chị ơi,em nghĩ cái tình người mới là quan trọng, tiền bạc, nhà cửa chẳng ý nghĩa chi?! Sao chị nỡ đối xử tàn nhẫn với anh như vậy. Lẽ ra công anh đắp đổi, thêm thắt sắm sửa vào ngôi nhà chung, giờ đây anh không có chút quyền lợi gì ư? Đã mất chị lại mất tất cả. Bọn trẻ ngày nay chúng nó thực dụng lắm. Điều tôi nghĩ hay nhất vẫn là chị di chúc lại cho con gái chị rằng hãy để cho chú Dân ở lại ngôi nhà chung của hai người…Chú hương khói cho mẹ. Chú nay cũng ngoại thất tuần rồi. Còn hơi sức mấy đâu! Khi nào chú ra đi theo mẹ thì con lấy lại ngôi nhà. Lúc ấy cũng chưa muộn .  Vả lại con chị vẫn còn đang sống ở nước ngoài kia mà!.. Hoặc là có phương án thứ hai: con lấy lại nhà , con trả cho chú ít tiền để chú phòng thân lúc tuổi già. Đừng để chú ra đi hai bàn tay trắng. Một trong hai cách đó chú cũng đỡ bẽ bàng với con cái…
 Có lẽ trời đã phạt anh. Tôi chịu không hiểu nổi.Cứ bảo ở hiền gặp lành. Luật trời cũng lắm gian truân. Có những kẻ rất ác độc, nó vẫn thăng hoa…Tôi cứ nghĩ ngẫm mãi điều này, với nhiều người khác nhau. Ví dụ: công nương Đi a-na  vợ cũ của Thái tử nước Anh, xinh đẹp, trẻ trung, nhân hậu là thế. Vậy mà chồng chẳng yêu, ông lại trở về với bà người yêu cũ năm xưa.Tuổi đời ngang ngửa với ông. Một cô cháu khu tôi cũng vậy kém chồng 7, 8 tuổi cũng xinh đẹp, tính tình sôi nổi, hai đứa con trai ngoan, học giỏi, đang đi học nước ngoài…Bỗng dưng chồng cũng bỏ đi ở với một bà hơn cả tuổi  mình…Nhiều ví dụ lắm. Tôi nghĩ tình yêu thì khó lý giải, còn  nghĩa tình vợ chồng ắt phải có trước có sau. Người ra đi trước nỡ lòng nào tàn nhẫn với người đi sau. Trước hay sau là do trời định mà? Ai mong muốn được đâu?Nhất là những người đã có học hành như chị dĩ nhiên quá hiểu chứ!.Cộng với những năm tháng hạnh phúc anh đã đem lại cho chị…
  20/8/2011
 
 Nhà chiêm tinh
Trời mưa rả rích đã mấy hôm nay. Đúng là tiết tháng 7 mưa dầm sùi sụt. Bầu trời đen đặc xám xịt. Thỉnh thoảng có những đám mây trôi lững lờ như thách thức, mời gọi những cơn mưa về. Vẳng bên tai bà vẫn là tiếng đứa con trai thứ hai. Thằng đến là đẹp trai, cao to lừng lững trông như một ông Tây.
- Con sẽ đi! Con sẽ thuê nhà ở với cô ấy.
Câu nói của nó như con dao cứa sâu vào da thịt bà thêm rỉ máu. Bà đưa mắt nhìn. Chuyến này thì bà bất lực thật sự.
- Thế mày định bỏ ngôi nhà này sao? Con mày, vợ mày, mày bỏ rồi. Còn mẹ mày mang nặng đẻ đau mày cũng nỡ bỏ tao già cả, côi cút trong ngôi nhà vắng lạnh này ư?
Nó đáp ráo hoảnh: Vợ con nó đã bồng bế nhau về bên ngoại rồi. Con sẽ thu xếp việc đó sau. Chúng con sẽ ra tòa. Hai đứa con một trai, một gái, nó nhận nuôi đứa nào cũng được. Lúc này bà không giữ được bình tĩnh nữa. Bà quát toáng lên:
 -Không đứa con nào nó thèm ở với mày. Một thằng chồng, một người cha bội bạc, vô trách nhiệm, không tình, không nghĩa. Mày đang tâm bỏ lại đằng sau tất cả để đi theo một con điếm chân dài. Cái chân nó quặp vào cổ lôi mày đi phải không? Thằng anh mày đã làm cho bố mày chết oan, chết uổng. Còn bây giờ mày giết tao nốt đi! Để mày rảnh tay đi theo con đĩ! Đến đó, tưởng kích động lòng tự trọng nó sẽ quay lại an ủi bà, nhưng không, nó vẫn đằng sau quay! Bà nhìn theo nó dàn dụa nước mắt và đổ sập xuống giường.
Cái giường mà trước đây hai ông bà thường nằm chung. Ông lão bất ngờ chết. Người ta bảo bỏ đi nhưng bà nhất định không! Bà cho đó là vật kỷ niệm thiêng liêng của cả hai người. Khốn nỗi ông lão chết rất đột ngột và cay đắng. Bà chẳng sợ. Bà chỉ mong mơ thấy ông để xem ông có nói được với bà thêm điều gì còn giang giở trên cõi đời. Cái chết của ông sau này bà mới vỡ lẽ. Hồi ấy khi thằng con trai thứ nhất học gần xong đại học kinh tế quốc dân. Đột nhiên nhà trường báo về rằng nó nghiện ngập, bỏ trường, bỏ lớp nhiều lần, nhiều đợt. Và lần này thì đi lâu hơn. Họ hy vọng nó về nhà nên nói với ông bà. Nhưng khốn nỗi nó có về đâu. Nó mắc nghiện và buôn
bán ma túy với mấy thằng gần biên giới phía Bắc. Ông bà cũng nghe phong phanh. Bán tín, bán nghi. Có lần nó về ông  hỏi đột kích nó:
- Nghe nói mày mắc nghiện phải không con? Trông sắc mặt mày xanh xao và hơi gầy, đúng không? Tuy hỏi vậy nhưng cả hai ông bà cùng không muốn đó là sự thật. Một cái sự thật đầy trớ trêu và đau đớn. Đáp lại ông bà nó trả lời tỉnh queo:
- Ăn uống bằng tiền chu cấp của bố mẹ, với thời giá cả cứ tăng hàng ngày- con không chết đói là phúc. Còn lấy đâu mà béo tốt hồng hào được. Ông nghĩ nó nói cũng có lý. Học hành bây giờ tiền đóng
gạo góp tốn kém đủ mọi đường. Nào tiền học phí, nào tiền ăn, ở, tiền chạy điểm, chạy môn thi, tiền tết lễ thầy cô giáo…Tết thì rõ lắm âm lịch, dương lịch, Trung thu, 20/11. Rồi sinh nhật bạn bè, thầy này, cô kia v…v..Mỗi tháng ông bà cho nó trên 3 triệu đồng. Nó bảo chả bõ dính mép.Vậy thôi, biết làm sao. Ông thì giáo viên về hưu. Bà ấy chạy chợ kiếm cũng khá. Muối cả dưa cà bán ngay ở nhà. Ấy chứ hai ông bà là cán bộ về hưu có mà chết đói đầu nước.
 …Sau cái thông báo nhà trường vào một ngày giữa tháng hai thằng anh đột ngột khoác ba lô về nói:
- Con không học nữa. Con bỏ. Ông bị sốc, ngất lịm. Sau tỉnh lại tự nhiên ông lầm lì, ít nói hẳn. Một buổi tối, cơm nước xong xuôi, vợ lên phòng nằm xem ti vi. Ông gọi con trai xuống phòng khách. Tay ông cầm hai chén: một là chén thuốc sâu, ông pha sắn; chén thứ hai là chén trà bình thường. Ông dõng dạc gọi nó vào và nói:
- Bây giờ tao tuyên bố thế này: nếu mày không bỏ ma túy, tiếp tục xin nhà trường để học nốt năm cuối, thì có hai chén đây: một chén thuốc độc, một chén nước trà…Mày nhận chén nào? Nếu mày không chết thì tao chết. Nghĩ rằng bố chỉ hù dọa. Nó trả lời ráo hoảnh:
- Bố thích chết thì cứ việc chết. Con chả tội gì mà chết. Con sẽ không học tiếp nữa. Đời ối đứa học xong có xin được việc làm đâu. Con ông cháu cha, nó chả học, nó cũng có việc làm thơm tho. Thời bây giờ một người làm quan cả họ được nhờ. Sống Hà Nội mãi , con thừa biết. Con sẽ tự quyết định cuộc đời mình. Nói chưa dứt câu, nó lảng ra ngoài đi lang thang. Đêm ấy nó về rất muộn.
Giận con, ông uống luôn chén thuốc độc và nằm bất tỉnh. Bà vợ không hay chuyện đó. Nên cứ nghĩ ông bị tim hay lên cơn huyết áp mà chết bất đắc kỳ tử. Nằm trên phòng tầng 3, xem ti vi rồi bà ngủ quên. Lúc tỉnh dậy quờ tay không thấy ông đâu, bà vội vã xuống phòng khách thì hỡi ôi!.. Thằng con gần sáng mới về. Cả nhà đưa bố đi cấp cứu thì đã muộn. Tuyệt nhiên nó bí mật về cái chết của bố. Mãi sau này nguôi ngoai rồi nó mới kể. Nó tỏ ra ân hận nhưng cứ nghĩ bố chỉ dọa mà thôi. Ít lâu sau nó phải vào trại cai nghiện. Hết nơi này đến nơi kia. Con dại cái mang. Bà cơm đùm, cơm nắm, tay nải gió đưa đi thăm nom nó. Có những trại nghe nói người ta còn bán cả ma túy cho. Lại thế nữa. Nối giáo cho giặc. Trời đất ơi, bây giờ cái gì cũng đều có thể. Vì cái túi tiền họ mất cả nhân tính. Dẫu sao mình thấp cổ bé họng đành chịu chớ sao. Có những chuyện đất đai nhà cửa của những người lân cận kia. Họ muốn làm dự án này nọ, họ trả ít tiền. Chủ nhà không nhất trí thế là họ cưỡng chế như cướp không. Đơn từ kiện cáo cấp nọ, cấp kia họ cũng vứt sọt rác. Có tiền mua tiên cũng được, trái đến mấy cũng thành phải. Đời bây giờ lắm chuyện lố lăng. Bà lại lùi về dĩ vãng nhớ lại những chuyện xưa. Bà nhớ như in: một lần bà cho hai đứa con trai đi chùa Hương. Bà bế một đứa và dắt một đứa. Hai đứa con trai bà phải nói là đẹp như trong tranh. Lúc ấy phải qua một rãnh nước hơi khó khăn. Bỗng có một ông già đầu râu tóc bạc như ông tiên.  Ông xuất hiện trước bà và có giọng nói âm vang:
- Đưa ta dắt hộ một đứa nào! Con có hai đứa con trai kháu khỉnh quá, sau
nàycó một đứa nó sẽ làm khổ con suốt đời đấy! Bà nghe ông nói mà rờn người, choáng váng. Bà hỏi luôn: “Thưa cụ, cụ cho con biết đứa nào ạ?” Ông già vừa trả lời, vừa đi:
 -Ta nói để con hắt hủi nó à, thôi cứ biết thế!
Bà nghiệm thấy bây giờ cả hai đứa cùng làm khổ bà. Đứa kiểu này, đứa kiểu nọ. Đời đúng là bể khổ.
 Trời đã hửng nắng. Đang lim dim bà nghe thấy tiến chuông gọi cửa của bà hàng xóm.
 -Bà Nhiên ơi ra bờ sông đi bộ một lát cho dẻo chân đi!
Bà tỉnh dậy, mắt nhắm mắt mở, được tôi đi với bà. Bà bạn tuy không thân lắm nhưng gần gũi hàng xóm, láng giềng. Bà làm giáo viên về hưu có hai cô con gái. Một cô ở tít bên Đức đã có chồng con. Một cô cũng nối nghiệp ông bà làm giáo viên, lấy chồng và ở ngay gần đấy.Họ sống với nhau rất hạnh phúc. Ông trời kể cũng buồn cười thật. Kẻ được cái này thì mất cái kia. Nhiều lúc bà cứ suy tị: Bà Hải thế mà sướng. Con gái như bà thật tuyệt vời. Tôi mong đứa con gái chả được. Bà Hải lại cười toe toe: Tôi thì ước con trai cũng khó. Tôi cứ bảo tại ông đấy! Đàn bà như cái ao , đàn ông thả con cá nào thì bắt con cá ấy! Đấy là mình nói nôm na chứ khoa học thì Y với chả X nhiều, ít ấy mà! Tôi bị nạo mấy lần chứ không cứ đẻ 4, 5 lần thế nào chả có một đứa. Thời ấy sinh đẻ kế hoạch có ngặt nghèo gì đâu. Ông ấy nhà tôi chỉ lo đói khát. Hồi ấy học hành chữa bệnh có mất tiền đâu. Nuôi con cái còn thuận lợi gấp tám vạn lần bây giờ.
 Bà Nhiên lại kể chuyện ban sáng về thằng con thứ hai cho bà Hải nghe.Nghe xong bà Hải phán một câu xanh rờn:
- Bà cứ vô tư đi, sống nốt quãng đời còn lại. Cuộc đời sẽ dậy cho chúng nó những bài học đích đáng. Tôi cam đoan với bà thằng thứ hai nhà bà ở với con ca ve đó sẽ không được lâu đâu. Sớm muộn cũng sẻ , tan đàn. Bà cứ ngẫm lời tôi mà xem. Vì con  mắt xanh mỏ đỏ đã có một thằng con trai riêng, không bố. Ngữ ấy dậy dỗ sao được con. Nó sẽ bỏ của chạy lấy người. Tôi đảm bảo thế nào cũng quay lại với bà và vợ con nó. Còn chuyện vợ nó có tha thứ hay không là quyền của nó. Thằng đầu, thôi bà cứ kiên trì đi thăm nom nó.  Bảo ban tình cảm lúc lên bổng, lúc xuống trầm, lúc khóc mếu, lúc xẵng giọng với nó. Lúc phải lôi quá khứ ra mà thẽ thọt: vì mày mà bố như thế, như thế…Bây giờ em đã vậy mày có còn thương mẹ không? Mày có muốn mẹ sống hay chết theo bố mày cho nhẹ nợ..v..v. và vân vân. Nghe bà nói thằng ấy nó cũng tình cảm.
Hai bà cứ mải mê chuyên. Mặt trời đã lên cao. Bà Hải bảo:
  Thôi vào nhà tôi , tôi nấu bát canh cua với cà, ăn cơm. Ông ấy nhà tôi hôm nay đi dậy dỗ gì học trò, nó lại chiêu đãi cơm rượu rồi. Bùi tai
bà Nhiên nghe bà an ủi liền  OK! Bà Nhiên nghĩ bà Hải nói cũng có lý. Bà ấy là giáo viên văn ít nhiều cũng có chút kiến thức về tâm lý. Bà thấy yên lòng, cố sống vui vẻ và suy ngẫm. Nghĩ cho cùng mình cứ buồn bã đau khổ cũng có giải quyết được gì đâu?…
Sau thời khắc đó bà Hải cùng chồng đi chơi với con ở bên Đức. Chúng nó làm giấy tờ giữ dịt hai ông bà đến hơn hai năm mới về. Nhà cửa đứa con gái bé trông nom.
Bẵng đi hơn 2 năm sau, bà Nhiên thấy lời nói của bà Hải ứng nghiệm. Đứa con trai lớn của bà được  rời trại cải tạo. Vốn đẹp trai, dẻo mồm nên được một cô bé “xin chết”. Con bé bảo với thằng anh nhà em có người làm ở Vũng Tầu cũng to to. Em vào trong ấy xin việc làm. Anh có vào với em không? Vào để thay đổi không khí anh ạ! Nhưng với điều kiện anh phải cai nghiện hoàn toàn. Anh hứa đi. Nếu còn nghiện bằng giá nào em cũng bỏ. Cậu cả hứa nhất định. Đúng là không có gì  bằng sức mạnh tình yêu. Giờ chúng nó đã làm xong lễ cưới. Nghe đâu con bé có bầu rồi. Cả hai cùng có công ăn việc làm tử tế.
Còn thằng hai ở với con chân dài. Nó hơn cậu tới 4 tuổi. Nhưng nhờ son phấn, nó hớp hồn cậu. Cậu bỏ vợ, bỏ con ở với nó. Thằng con riêng nó lớn hơn con cậu. Nó tác oai, tác quái, nó cãi cậu. Nó bảo ông không phải bố tôi đừng có mà lên mặt dậy đời. Chối lắm! Và nó còn nói: Mèo mả gà đồng, hơn đếch gì mà dậy nhau. Cô ta thì ít học. Có chút nhan sắc nên làm “gái gọi” cao cấp, kiếm chác ít tiền bẩn thỉu. Vớ được cậu là để có chỗ dựa ra oai với thiên hạ. Cậu bị ăn quả lừa hơi bị đau.  Mẹ bảo “mày vô phúc bập phải con cave rồi con ơi!”.Cậu ức lắm bảo mẹ ăn nói vớ vẩn, xúc phạm người ta. Cô ấy làm nhân viên ở sân bay Nội Bài. Nhiều khi giờ giấc thất thường. Hỏi thì cô ấy bảo làm ca kíp.Anh thấy sân bay máy bay, bay có giờ giấc nào đâu. Cậu tin sái cổ. Bây giờ vỡ lẽ mới ân hận vì mình quá tin người. Nhan sắc, sự ngọt ngào, chiều chuộng làm cậu mê mẩn. Chứ chung chạ với gái điếm làm ô uế đời cậu…(Thực ra có những cô gái điếm cũng đáng thương. Hoàn cảnh tạo ra số phận. Nhà nghèo, thất học, không việc làm, chót đâm lao phải theo lao. Còn với cô này thì lại khác. Ăn chơi lười biếng không chịu học hành.) Nay mọi thứ rõ như ban ngày. Cậu tính bài :chuồn và thuê nhà bí mật ở riêng. Cậu đi làm cũng kiếm được kha khá. Vợ con vẫn ở với  với ông bà ngoại, ngoại thành Hà Nội. Bà Nhiên đã vào Nam sống với cậu cả.
Bà Hải đã về và xin số điện thoại bà Nhiên. Hai bà liên hệ được với nhau. Xem ra bà Nhiên vui lắm. Giọng nói của bà rất hồ hởi và không quên cảm ơn bà Hải. Bà còn gọi với thêm rằng: Bà Hải ơi, bà quả là một nhà chiêm tinh hơi bị siêu đấy! Tôi cám ơn bà nhiều!
Tháng 8/2010