Về tư liệu lịch sử từ xưa đến nay, khá nhiều sách báo trong và ngoài nước đã in ấn, xuất bản dưới nhiều hình thức. Báo chí thường nhắc đến công trình của TS. Nguyễn Nhã, Nnc. Nguyễn Q. Thắng và các bài viết, trả lời phỏng vấn của hai vị cựu cán bộ ngoại giao cao cấp Dương Danh Dy, Lưu Văn Lợi… Trong các bài báo, đặc biệt là khảo luận, của nhiều tác giả trên mạng toàn cầu (internet), hai bài “Hoàng Sa”, “Quần đảo Trường Sa” trên Từ điển mở Wikipedia và bài “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc” của TS. Từ Đặng Minh Thu là dễ tìm kiếm nhất và có tính tổng hợp, khái quát.
Thiết nghĩ, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là đương nhiên về mặt cơ sở lịch sử cũng như pháp lí – công pháp quốc tế. Riêng chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, tuy còn có một số yếu tố dễ gây tranh chấp, nhưng Đài Loan và Trung Quốc vẫn không thể tranh cãi, mặc dù Trung Quốc và Đài Loan hiện còn ngang nhiên chiếm đóng.
Có một văn bản nhiều người đã bàn luận và khẳng định là không có giá trị pháp lí và thực thi đối với hai quần đảo vốn ở phía nam Vĩ tuyến 17 (theo Hiệp định Genève 1954), đó là công hàm do thủ tướng Phạm Văn Đồng kí ngày 14-9-1958.
Về điểm này, tôi xin bổ cứu thêm một luận cứ: Hiệp định Genève 1954 không những xác định tính chính danh, chính nghĩa của Việt Nam dân chủ cộng hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu mà còn xác định tính chính danh của Quốc gia Việt Nam do hoàng đế Bảo Đại (hoàng đế chính thống thuộc vương triều Nguyễn) đứng đầu. Tính chính danh của Bảo Đại còn có cả mấy trăm năm lịch sử xác nhận. Nói như thế để nhằm khẳng định công hàm do thủ tướng Phạm Văn Đồng kí ngày 14-9-1958 là không có giá trị pháp lí và thực thi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn ở phía nam Vĩ tuyến 17. Mặt khác, như nhiều tác giả đã viết, ngôn từ trong công hàm ấy không bao hàm lãnh thổ, lãnh hải dưới quyền quản lí của Việt Nam dân chủ cộng hòa, vốn ở phía bắc Vĩ tuyến 17.
Việc “cướp ngôi” của Ngô Đình Diệm không khiến Hiệp định Genève 1954 mất giá trị pháp lí – công pháp quốc tế, mặc dù bản thân Ngô Đình Diệm vừa thiếu chính nghĩa (đại diện một thế lực tôn giáo có quá trình câu kết với thực dân Pháp…) lại vừa thiếu tính chính danh (trưng cầu dân ý chỉ là trò “ma giáo”).
Tôi bổ cứu thêm luận cứ và lập luận trên chỉ nhằm bác bỏ việc Trung Quốc vin vào công hàm do thủ tướng Phạm Văn Đồng kí ngày 14-9-1958 nói trên để diễn dịch với mục đích biện minh cho sự xâm lược của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Công cuộc đấu tranh, giành lại quần đảo Hoàng Sa và một số hòn đảo ở Trường Sa từ Trung Quốc và Đài Loan của chính quyền, nhân dân Nước CHXHCN. Việt Nam hiện nay cũng như của kiều bào trên khắp thế giới là hoàn toàn chính danh và chính nghĩa, không một lí lẽ nào có thể bắt bẻ, phản chứng.
Viết vào chiều ngày 12 & lúc 6:30 ngày 13-6 HB10 (2010),
tại TP.HCM.,
TXA.
Đã đăng trên Tcđttl. TranNhuongCom, sáng ngày 13-6 HB10
Bị chú quan trọng (15-6 HB10 [2010]):
Về mặt văn bản pháp lí (Hiệp định Genève 1954), hoàng đế [quốc trưởng] Bảo Đại (đại diện chính thống của vương triều Nguyễn) vẫn chính danh, vì Quốc gia Việt Nam vốn là một nước trong Liên hiệp Pháp. Nếu sau khi Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm truất phế bằng trò ma giáo trưng cầu dân ý và bản thân Ngô Đình Diệm vừa không chính nghĩa lại vừa không chính danh, (nghĩa là trong thực tế Bảo Đại không còn được cầm quyền), thì không phải vì thế mà Bảo Đại mất tính chính danh. Điều này tôi đã viết ở bên trên.
Tôi viết thêm ở bị chú này: Giả định rằng, ai đó cho rằng, sau khi Bảo Đại bị truất phế, lưu vong, bản thân Bảo Đại đã đành chấp nhận từ bỏ ngai vàng quân chủ, có nghĩa là vương triều Nguyễn cũng mất luôn chủ quyền đối với Miền Nam Việt Nam, kể cả Hoàng Sa, Trường Sa, thì ta vẫn có thể trả lời, khẳng định rằng: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vẫn thuộc về chủ quyền của nhân dân Miền Nam Việt Nam, của đại gia đình các dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng khẳng định rằng, không phải vì Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm truất phế mà công hàm 14-9-1958 (kể các văn bản tương tự khác, nếu có) do chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Miền Bắc Việt Nam) ban hành lại có giá trị pháp lí và hiệu lực thực thi.
Dẫu sao, hơn ba mươi lăm năm qua, Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, rồi chính quyền và nhân dân Nước CHXHCN. Việt Nam cũng đã và đang đấu tranh, giành lại chủ quyền đối với Hoàng Sa, đồng thời đã và đang xác lập chủ quyền, đấu tranh giành lại những hòn đảo bị Trung Quốc, Đài Loan chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
TXA.
lúc 14:08, ngày 15-6 HB10 (2010)