Trên trang 2 báo “ Tuổi trẻ” số ra hôm Thứ 5 ngày 2 tháng 6 đưa một tin có thể coi là ..khá can đảm về cuộc Hội thảo “ Phát huy vai trò báo chí địa phương trong phản biện xã hội” dành cho báo chí khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên, diễn ra tại TP Đà Lạt hôm trước đó.
Tại cuộc hội thảo này, ông Vũ Văn Hà –Phó Chủ tịch Hội Nhà báo đồng thời cũng là Phó Giám đốc Đài PTTH tỉnh Đắk Nông có ý kiến rằng, báo chí địa phương thường bị dư luận cho là chỉ khen hơn chê. Rằng chuyện phản biện quá khó với báo chí địa phương bởi có thật áp lực từ các chỉ đạo lẫn sự chủ động lựa chọn an toàn, ngại va chạm của cánh làm báo cùng tâm lý “ ăn cây nào rào cây nấy”,” tốt khoe xấu che”…Tiếp đó, nhà báo Vũ Văn Hà kêu gọi báo chí địa phương cần bản lĩnh, dũng cảm, tăng tính chiến đấu, đấu tranh bảo vệ sự thật, tức phải phản biện, vì không làm thế tức từ bỏ sức mạnh của mình, “truyền thông mà không nói lên tiếng nói của người dân thì sẽ không còn tính nhân dân của báo chí cách mạng”.
Đăk Nông-một tỉnh mới thành lập, nằm trên cao nguyên Lâm Đồng, khá xa Trung ương. Báo nói, báo viết và truyền hình Đăk Nồng hẳn có ít người đọc, người xem, trừ bà con ở địa phương. Chả lẽ vì vậy mà nhà báo Vũ Văn Hà đã dám nói lên một sự thật mà nhiều nhà báo ở các báo” bự”, đài “ bự” biết cả đấy nhưng đành…im như thóc!
Trước hết cái “vấn nạn” mà ông Vũ Văn Hà nêu lên đâu phải chỉ của riêng các báo địa phương. Nó đã trở thành bệnh dịch lan chuyền trong hoạt động báo chí suốt từ Băc chí Nam, từ trung ương tới địa phương.
Sau nữa, nhà báo Vũ Văn Hà đã chỉ trúng phóc cái nguyên cớ vì sao báo nói, báo viết, báo hình vài năm trở lại đây bỗng “ nhạt như nước ốc”, giống y chang như rập từ một khuôn, chuyên lấy những chuyện nhảm nhí, tầm phào dọn lên mâm thành món ăn chính và vì thế ngày càng bị độc giả, khán giả quay lưng. Không phải vô cớ mà câu chuyện bên cốc trà, ly cà phê thường nói, đất nước có tới hơn 400 tờ báo, gần một trăm đài truyền hình nhưng chỉ có một ông Tổng Biên tập quán xuyến tất cả, chỉ đạo tất cả.
Nhiều tờ báo xem ra có vẻ rất “ hoành tráng” ở Hà nội; nhiều phóng viên của các báo này xuống cơ sở đầy vẻ nghênh ngang, phách lối. Nhưng tại TP Hồ Chí Minh, các quầy báo không thấy bày bán những tờ báo ấy. Hỏi vì sao, bà chị bán báo trả lời tỉnh queo: “ Mỗi sáng lấy có 3 số mà không bán hết à ! Dẹp quách cho khỏe!”
Nhưng thôi, những chuyện như vậy có lẽ nên bàn vào dịp khác. Sắp tới Ngày Nhà báo Việt nam rồi! Câu chuyện nói thẳng, nói thật của nhà báo Vũ Văn Hà hôm nay bỗng làm tôi nhớ tới một chuyện khác xẩy ra ..18 năm trước.
Tháng Bẩy năm 1993, tại Liên hoan Truyền hình diễn ra tại TP Đà Lạt Đài PTTH tỉnh Cao Bằng mang dự thi một phim phóng sự khá độc đáo. Phim kể câu chuyện sau: một quỹ tài trợ quốc tế giúp cho bà con dân tộc ở huyện Trùng Khành hay Quảng Bạ gì đó mỗi hộ 50 dollar góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhưng chính quyền đã phát cho người dân bằng những lưỡi cuốc cùn mẻ, những tấm lưới bắt cá bị chuột cắn nát, những bơ hạt giống sâu mọt, những con gà còi sợi sán đang lòng thòng ở lỗ đít mà trừ vào khoản dollar kia. Phim kể theo cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ mộc mạc, chân chất của bà con người Tày nên rất sinh động, rất chân thực và cũng đau lòng buốt ruột biết bao! Tôi còn nhớ rõ, anh Giám đốc Đài PTTH Cao Bằng vào thời điểm đó cũng là một anh bạn người Tày vô cùng đáng yêu ( lâu ngày không trao đổi thư từ nên tôi đã quên cả tên anh). Thời đó, cánh phóng viên báo chí chúng tôi còn chiếm khá đông trong thành phần Ban giám khảo ( chứ không như những năm sau này, Ban giám khảo mỗi Liên hoan truyền hình đều là người “ nhà đài” hoặc thêm một vài “ cánh hẩu” cái đầu quen gật gù theo một gợi ý). Cánh nhà báo nhất trí trao giải Vàng cho phim của Cao Bằng. Ấy thế nhưng xem ra vài vị quan chức của Bộ Văn hóa nằm trong Ban Giám khảo có vẻ “ rét”. Vì vậy , sau một bữa cơm trưa, chúng tôi quyết định công kênh anh trưởng đoàn Đài PTTH Cao bằng đi vòng quanh khu vực diễn ra liên hoan và hò reo cổ súy công khai cho thiên phóng sự của Cao Bằng. Lẽ đương nhiên, thiên phóng sự mang sức nặng tố cáo tệ nạn tham nhũng, bênh vực người nghèo của Cao Bằng nhận được Giải Vàng và báo chí trong Nam ngoài Bắc đua nhau đưa tin ngợi ca.
Chỉ khoảng một tháng sau, anh Giám đốc Đài PTTH Cao Bằng gửi thư vào TP Hồ Chí Minh báo cho tôi hay, vì chính bộ phim phóng sự ấy nhận được Giải Vàng, anh đã bị tước mất chức Giám đốc Đài, bị chuyển sang công tác tại Hội nhà báo tỉnh. Tôi quá sửng sốt vì tin này, vội gọi điện thoại đường dài hỏi thăm anh, vì sao, vì sao? Anh trả lời, lãnh đạo tỉnh kết tội bộ phim đã bôi xấu Cao Bằng khắp cả nước. Lãnh đạo Đài ( là anh) còn vui vẻ a tòng. Tôi vội nói, phim gửi đi dự thi bao giờ chả được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duyệt trước? Anh bạn người Tày trả lời buồn so: “ Nó bảo ừ thì nó đã duyệt rồi, nhưng vì nó xem chưa kỹ, thêm vào đó nó cũng không nghĩ rằng phim lại được báo chí tung hô như vậy(?!)”
Kể lại chuyện trên để lưu tâm đồng nghiệp nhà báo, nhà văn của tôi xin thỉnh thoảng hãy gọi điện vào Đăk Nông hỏi thăm xem anh bạn Vũ Văn Hà còn giữ nguyên chức Phó Chủ tịch Hội Nhà báo, Phó Giám đốc Đài PTTH tỉnh không? Hay sau lần phát biểu bộc trực, thẳng thắn tại cuộc Hội thảo vừa rồi đã được các cấp lãnh đạo tỉnh “ ưu ái “cho đi dự một khóa bồi dưỡng chính trị dài ngày hoặc điều động sang một cơ quan trồng rừng hay chế biến lâm sản nào đó…