Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUỐC ẢNH

Lê Phú Khải
Thứ sáu ngày 3 tháng 6 năm 2011 10:20 AM
 
Bức ảnh chụp người phụ nữ  giơ nắm đấm thét lên trong cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược biển đảo nước ta tại Hà Nội năm 2007 là bức ảnh rất ấn tượng. Từ khi nó xuất hiện đến nay, mỗi khi nhắc đến sự phẫn nộ của nhân dân Việt Nam trước sự ngang ngược của Trung Quốc, các trang mạng  đều đưa bức ảnh này lên làm biểu tượng. Hành động điên rồ của Trung Quốc vừa qua trong  việc tấn công phá hoại tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam đã làm rộ lên làn sóng phản đối của nhân dân Việt Nam, thì tấm ảnh đầy ấn tượng về người phụ nữ đi biểu tình ở Hà Nội năm xưa lại xuất hiện trên các trang mạng như một lời kêu gọi khẩn thiết, như nhắc nhở hơn 80 triệu con dân Việt Nam về nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc của mình. Tác giả Nguyễn Minh Tâm thật đúng lúc khi anh có bài thơ cảm tác về bức ảnh này trên trang mạng Trannhuong.com.

BÀI THƠ ĐỀ ẢNH

Chị rướn người về phía trước
Tay giơ nắm đấm lên trời
Khuôn mặt tím bầm giận dữ
Miệng gào lên gọi : BIỂN ƠI!!
 
Hàng ngày sao chị hiền thế
Nuôi con, nội trợ, thờ chồng
Đột nhiên hóa thành nữ tướng
Tượng hình trong dáng núi sông !!
 
Ngẫm câu Quốc gia hưng vong...
Tủi mình Sất phu hữu trách!!

Cũng giống như bức ảnh, sau khi bài thơ xuất hiện, nó được hưởng ứng rất nồng nhiệt với cả ngàn người vào mạng đọc ngay trong ngày đầu. Là một người đọc, tôi lại xin phép tác giả Minh Tâm và trang mạng trannhuong.com có đôi câu bình về bài thơ này.

Bốn câu thơ đầu, Minh Tâm nhìn vào bức ảnh và nói lên cảm xúc nhận xét của mình. Bức ảnh bỗng thét lên tiếng gọi : Biển ơi !! hay chính nhà thơ đã thét lên “Biển ơi” cùng người trong ảnh ? Sức truyền cảm của câu thơ lan tỏa đến muôn người. Leona de vinci (1452-1519), danh họa của nước Ý đã nói một câu bất hủ : “ Họa là thơ nhìn thấy, thơ là họa cảm thấy”. Bức ảnh (cũng gần với ngôn ngữ của hội họa) đã làm đúng thiên chức của nó là cho người ta nhìn thấy một bài thơ ở phía sau nó. Bốn câu thơ sau của Minh Tâm chính là bài thơ mà bức ảnh đã gợi cho người xem cảm hứng để viết ra nó như lời của Vinci. Và, Minh Tâm đã xuất thần khám phá ra người phụ nữ trong ảnh chính là : Tượng hình của Tổ Quốc, của núi sông, của lòng yêu nước của phụ nữ Việt Nam : “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh” ! Mà giặc đã đến thật rồi, nên các bậc mày râu phải biết “Tủi mình sất phu hữu trách”!

Đọc bài thơ bình bức ảnh xúc tích của Minh Tâm trong giờ phút này, tôi bất giác nghĩ đến chủ trương đi tìm “Quốc tửu”, “Quốc hoa” mà người ta đã xướng lên và chỉ thấy bùi ngùi. Chế Lan Viên từng viết : “Thừa bốn nghìn năm mà thiếu một ngày độc lập, thì trống đồng đào được lại chôn đi” ! Nếu biển của ta từ ngàn năm nay mà bây giờ đồng bào Quảng Ngãi, đồng bào Miền Trung ra khơi đánh cá là bị cướp bóc, bắn giết thì bức ảnh “Tượng hình trong dáng núi sông” kia có đáng được gói là “Quốc ảnh” không ? Nó xứng đáng gắn liền với chữ “Quốc” hơn ngàn lần cái quốc hoa, quốc tửu vớ vẩn kia !
Hãy tìm cho ra ai là tác giả của bức “Quốc ảnh” đó để vinh danh.

Sài Gòn, chiều 02/6/2011
Lê Phú Khải