Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUẢN LÝ NGHỆ THUẬT Ở NƯỚC ANH - DƯỚI GÓC NHÌN CỦA MỘT NGƯỜI VIỆT

Phan Hồng Giang
Thứ sáu ngày 3 tháng 6 năm 2011 3:11 PM
 
Thời gian qua, được sự giúp đỡ của Quỹ Ford và tổ chức Visiting Arts, chúng tôi đã hoàn thành một chương trình khảo sát nghiên cứu về một số vấn đề quản lý nghệ thuật tại nước Anh. Chúng tôi đã được thăm các cơ sở nghệ thuật ở thành phố London đẹp đẽ và cổ kính như South Bank Centre, Royal National Theatre, Hayward Gallery, Royal Court Theatre, British Museum, Tate Modern…; làm việc với cơ các quan như Department of Culture, Media & Sport, Arts Council of England…; thăm một số cơ sở nghệ thuật tại thành phố Manchester nổi tiếng về bóng đá  với đội MU huyền thoại...
Khó có thể nói hết những ấn tượng tốt đẹp về một đất nước đã từng đi đầu thế giới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ thế kỷ XIX. Một xứ sở không còn nhiều sương mù (như người ta vẫn thường hay nhắc tới theo một nếp mòn), với những con người cởi mở, chân thành  (không như cái tính từ “phớt Ănglê” mà cũng theo nếp mòn người ta đã hay gán cho người Anh…) Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ngắn gọn một vài nhận xét sơ bộ về vấn đề quản lý nghệ thuật ở nước Anh mà chắc là sau ít năm vừa qua không có thay đổi gì nhiều.
 1. Nước Anh đã xây dựng rất hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, từ các công trình kiến trúc (bảo tàng, nhà hát, trung tâm giải trí, nhà trưng bày…) đến việc hình thành một tầng lớp công chúng thưởng thức nghệ thuật đông đảo, có trình độ thẩm mỹ, trình độ hiểu biết sâu, mức thu nhập cao. Ở Anh đã xây dựng được các hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho hoạt động nghệ thuật (hướng tới bảo đảm tự do sáng tạo nghệ thuật tối đa trong khuôn khổ những điều luật pháp không cấm; nhờ có những giá trị nghệ thuật  luôn được cách tân mà công chúng mới quan tâm tới nghệ thuật, sẵn sàng bỏ tiền túi để được đáp ứng các nhu cầu tinh thần ngày càng cao và luôn luôn thay đổi của mình; thừa nhận sự tồn tại đa dạng của các thị hiếu nghệ thuật, không áp đặt một cách thưởng thức nghệ thuật nào (vẫn thường hay tự nhận là mẫu mực!); cố gắng tạo ra sự hưởng thụ nghệ thuật tương đối công bằng giữa các nhóm dân cư,  các lứa tuổi và vùng miền, đặc biệt quan tâm đến nhóm người chịu thiệt thòi vì khuyết tật...
Không có những cơ sở hạ tầng (nhìn thấy được và không nhìn thấy được) trên đây, khó có thể nói đến sự quản lý văn hóa nghệ thuật trong kinh tế thị trường.
2. Các cơ sở nghệ thuật ở nước Anh (bảo tàng, nhà trưng bày, nhà hát, rạp chiếu bóng, trung tâm giải trí…) đều có cơ chế thoáng để hoạt động, được mở ra nhiều kênh để tăng thêm nguồn thu, thoát khỏi sự lệ thuộc đơn nhất vào nguồn tài trợ của ngân sách. Các nguồn thu phổ biến của các cơ sở nghệ thuật là: nguồn tài trợ từ ngân sách (một phần lớn trong khoản đóng góp này được thu từ các hoạt động xổ số), nguồn thu từ bán vé, từ dịch vụ bổ sung (như bán đồ ăn uống, đồ lưu niệm, gửi xe…).
Những nguồn thu này được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm được các chi phí về lương, thù lao cho nghệ sĩ tổ chức biểu diễn, duy trì bảo dưỡng kiến trúc của cơ sở…
Cơ chế tổ chức của nhiều đơn vị nghệ thuật khá linh hoạt: nhiều nơi không có đội ngũ diễn viên cố định mà thường chiêu tập các nghệ sĩ theo dạng hợp đồng vụ việc, tránh được biên chế cồng kềnh.
Có thể thấy mục đích của mọi hoạt động nghệ thuật là hướng tới công chúng, hướng tới khán giả, người tham quan. Có nghĩa là các hoạt động nghệ thuật được diễn ra hoàn toàn không nhằm đáp ứng yêu cầu và sở thích của các quan chức đã đứng ra cung cấp kinh phí từ ngân sách hoặc được tổ chức chủ yếu nhằm phục vụ đủ loại hội diễn (rất ít khán giả thực sự) để rồi lại “cất vào kho” sau các hội diễn tốn kém.
Để đạt được mục đích này, chính sách giá vé hợp lý được xây dựng kỹ lưỡng, nhằm thỏa mãn tối đa cả hai phía - bên biểu diễn và bên người xem - đặc biệt có giá vé ưu đãi cho một số nhóm người khác nhau như trẻ em, người già, sinh viên v.v…
Ở Anh việc sử dụng tài trợ từ  ngân sách cho các hoạt động nghệ thuật được xem xét sau khi kết thúc việc tiêu tiền (hậu kiểm) và các cơ sở nghệ thuật chỉ được xét cấp ngân sách tiếp tục khi thực sự có hoạt động hướng tới công chúng (tức là có khán giả, vé bán được nhiều). Liên hệ với nước ta, nhiều khi có tình trạng ngược lại: không có người xem mới được nhận tài trợ từ ngân sách, còn có nhiều người xem, bán được nhiều vé thì … cắt tài trợ!
3. Các cơ quan quản lý văn hóa của Chính phủ (như Bộ  Văn hóa, Truyền thông  và Thể thao, Hội đồng Anh, Hội đồng nghệ thuật…) chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, nghĩa là chỉ xác định hàng lang pháp lý, vạch ra các hướng hoạt động vĩ mô, phân bổ ngân sách, điều tiết bằng chính sách thuế, bảo vệ bản quyền tác giả… Các cơ quan  đó không làm sự nghiệp, không bao biện, ôm đồm làm thay các việc của cơ sở (như tổ chức hội diễn - festival, triển lãm, trại sáng tác, tổ chức cuộc thi nghệ thuật, tu bổ các kiến trúc v.v…). Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhờ vậy đã và đang diễn ra theo hướng chuyển về cơ sở, về các địa phương với sự trợ giúp đáng kể của các nguồn ngân sách tại chỗ.
Vậy là với xu hướng phân cấp, phân quyền, phi tập trung  hóa mạnh mẽ, bộ máy quản lý nhà nước trở nên gọn nhẹ, hiệu quả, loại bỏ được từ gốc các phiền hà mà các quan chức có thể gây ra cho các cơ sở hoạt động nghệ thuật, tránh được sự “rơi vãi” ngân sách do tiền được rót thẳng từ ngân sách trung ương tới tài khoản của nơi trực tiếp tiêu tiền.
4. Ở Anh có thể thấy các hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính hai mặt rõ ràng: vừa là hoạt động ở lĩnh vực tinh thần, đáp ứng nhu cầu tinh thần mang tính văn hóa - không chỉ nhằm mục đích thu lợi nhuận, vừa là hoạt động thu hút đông đảo công chúng quan tâm bỏ tiền ra để được hưởng thụ nghệ thuật (mà nhờ đó đem lại nguồn thu lớn).
Nhờ vậy mà các ngành công nghiệp văn hóa (như sản xuất phim, nhất là phim truyền hình, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật v.v…) đã phát triển khá mạnh và đóng góp phần quan trọng (có thể tới 6%) tổng sản phẩm quốc dân.Có thể thấy rõ, nếu được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển hợp lý, văn hóa không còn là lĩnh vực tiêu tốn tiền mà chính là một ngành kinh tế quan trọng.
5. Để có thể quản lý nghệ thuật tốt trong  kinh tế thị trường, ở Anh rất chú trọng đến việc đào tạo các cán bộ quản lý. Nhiều trường đại học ở London, ở Manchester đã có khoa quản lý nghệ thuật đào tạo tới bậc thạc sĩ. Học viên được tuyển từ những người đã từng hoạt động nghệ thuật hoặc đã có  kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh nhưng lại có sự gắn bó với nghệ thuật. Nhờ vậy mà ở Anh hình thành được một đội ngũ cán bộ vừa am hiểu hoạt động nghệ thuật đặc thù, vừa biết kết hợp với kinh doanh sao cho nghệ thuật không bị sa đà vào quá trình thương mại hóa và cũng ngăn cản không cho nghệ thuật biến thành “thú chơi xa xỉ và vô bổ” của một số ít người.
Nghệ thuật đã và đang trở thành tài sản quý giá bậc nhất của một xã hội luôn tự đổi mới, tự hoàn thiện chính mình trên những nền tảng luân lý, đạo đức, thẩm mỹ bền vững./.