Thân Nhân Trung trong một bài văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có một câu mà ngày nay trong giới trí thức không ai là không biết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Muốn đất nước mình cai trị luôn được hưng thịnh, chống được thù trong giặc ngoài, bậc đế vương nào cũng muốn chọn cho được người hiền tài trong thiên hạ ra phụ giúp mình cai quản đất nước một cách hữu hiệu nhất. Từ đó cho thấy triều đại nào cũng coi việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài là một việc cấp thiết. Người xưa coi việc tìm người hiền tài ra giúp mình dựng nghiệp đế như khát nước. Nhất là khi đất nước trước họa xâm lăng, sự mất còn ngôi báu trong gang tấc hoặc khi đất nước lâm vào khủng hoảng thì việc kêu gọi nhân tài ra cầm quân hoặc gánh vác trọng trách được coi là khẩn thiết và thực tâm. Trong lịch sử nước ta đã có những cuộc tuyển chọn nhân tài đáng để ngàn đời sau ngẫm nghĩ. Trước họa xâm lăng của giặc Ân, nhà vua đã trọng dụng cậu bé Phù Đổng, dù chỉ mới là cậu bé. Dùng và tin, không chút nghi ngờ và vì vậy mà cậu bé Phù Đổng bỗng trở thành chàng trai phù Đổng quét sạch giặc như quét lá rụng. Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn nâng Yết Kiêu, Dã Tượng lên hàng tướng tài, giao cho chỉ huy hàng ngàn quân lính mà không hề ăn khoăn Yết Kiêu, Dã Tượng thuộc dân nghèo, không cùng “giai cấp”. Vân vân...
Như vậy, qua việc dùng người hiền của các bậc tiền nhân, ta có thể thấy mấy điểm:
a/ Người có tài là được dùng, được giao trọng trách mà không phân biệt họ thuộc “giai cấp” nào.
b/ Chọn người tài để cứu nước, xây dựng đất nước chứ không phải tìm người tài để phục vụ hay củng cố cho một giai tầng, phe phái cầm quyền nào.
c/ Đã dùng là tin, sự tin cậy này chắp cánh cho tài năng bay bổng.
Tuy nhiên không phải triều đại nào cũng tin dùng nhân tài như vậy. Trong sự biến thiên của lịch sử, trải qua bao nhiêu triều đại, vẫn xảy ra biết bao bi kịch cho những bậc hiền tài. Chỉ trong những lúc nguy nan, ngôi vị một mất một còn trong gang tấc thì nhân tài trong thiên hạ mới được trọng dung một cách xứng đáng. Lúc ấy quyền lợi giai tầng vua quan cùng với quyền lợi đất nước, nhân dân là một. Mất nước cũng đồng nghĩa với mất ngôi vị của mình. Nhưng khi vương triều không ở trong tình huống nước sôi lửa bỏng ấy thì tầng lớp thống trị hay quí tộc đều thực hiện một lựa chọn an toàn cho mình hơn là phồn vinh quốc gia. Tức là hai vế của cán cân được đặt lên một bên là an toàn cho giai tầng mình, bên kia là phồn vinh quốc gia. Sự lựa chọn được đánh dấu cho sự an toàn vương triều đang cai trị. Sự lựa chọn này là sự lựa chọn gốc, nó chi phối mọi hoạt đông, mọi lề luật của thể chế, tất cả đều xoay xung quanh cái trung tâm này. Ở đây sẽ xảy ra hai tình huống. Nếu là Thể thức An toàn thì chọn ai? Chọn người trung thành. Nếu là Thể thức Phồn vinh quốc gia thì chọn ai? Chọn người thực tài.
Qua lần lựa chon thứ nhất, lựa chọn gốc, chỉ có những người trung thành được sử dụng. Đến lượt lựa chon thứ hai, lựa chọn thứ cấp; chọn những người tài năng trong số những người trung thành này. Những người tài này, qua hai lần lựa chọn, đã mất hẳn tính toàn quốc, tức không có tính toàn quốc, nó là một trên bộ phận chứ không phải một trên toàn thể. Thực tế sẽ có rất nhiều tài năng bị gạt ra ngoài sau lần lựa chọn gốc, tức là anh không ở trong số những người trung thành. Cho nên mới có tình trạng ở nơi coi thịnh vượng quốc gia là trên hết thì anh là tài năng đặc biệt nhưng ở nơi coi việc duy trì sự thống trị của tầng lớp chóp bu là trên hết thì anh trở thành kẻ vô dụng, không hợp với thể chế, chỉ vì anh là người của toàn thể chứ không phải của bộ phận, anh là người tài năng chứ không phải là trung thành, anh không vượt qua được lần lựa chọn gốc. Cuối cùng những bi kịch của người trí thức vẫn kéo dài đến vô tận. Câu “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn”( Người trí thức thì lăm hoạn nạn) vẫn ám ảnh suốt đời các tài năng...
Tuy nhiên rồi thời nào “Hiền tài cũng là nguyên khí quốc gia”, và người ta vẫn luôn luôn kêu gọi người tài, đi tìm người tài ra giúp nước. Và công việc ấy vẫn luôn được coi là cấp bách.
Thế mới biết người tài trong thiên hạ đã hiếm mà người được trọng dụng còn hiếm hơn nữa./.