Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHAO KHÁT CUNG ĐƯỜNG

Hồ Sĩ Tá
Thứ sáu ngày 3 tháng 6 năm 2011 3:39 PM
 
Phạm Tiến Duật là một người lính,  một nhà thơ chiến sĩ.  Chúng ta biết đến thơ anh nhiều,  trong đó có bài thơ " Nhớ" làm rung động nhiều người. xin  có  đôi điều dành cho bài thơ này:
 Nhớ
Cái vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn  nằm đó chuyến xe reo
Nằm  ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo

Không phải bỗng chốc mà trong bài thơ có vỏn vẹn 29 từ tác giả dùng tới 3 chữ “nằm”, nhằm miêu tả cho sự nhàm chán của một người đi viện, nhưng lòng vẫn canh cánh bên những cung đường. Có thể nói cả bài thơ là sự miêu tả nội tâm dằng xé , trăn trở của một người lái xe  nơi tuyến lửa đang phải tạm nằm điều trị ở bệnh viện . Nhưng là của người lái xe   Phạm Tiến Duật, yêu nghề ,yêu công việc. Nó trái với không ít kẻ tìm cách  vào đây để  trốn tránh sự vất   vả nguy hiểm trên những cung đường nơi hoả tuyến.
Trong bài thơ 4 câu, thì 3 câu 7 tiếng, riêng câu thứ ba là 8 tiếng, mà bạn có nghĩ  sao cũng không bớt đi được dù là 1 từ . vì nó chính là xương sống của bài thơ, thử hình dung thiếu nó hay sai đi bài thơ sẽ ra sao?
Nằm  ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Câu thơ chính là cao trào cho sự trăn trở ,đó là nhịp của  bài thơ, xâu chuỗi từ nội tâm đến thực tại:
Cái vết thương xoàng, chữ " xoàng" ở đây là quan điểm về công việc của anh. Còn đối với một bác sĩ có nghiệp vụ chuyên môn thì việc giữ anh  lại để điều trị chắc hẳn là có lý do - vết thương đó không  " Xoàng " khi chiến trường đang cần sức chiến đấu.Nơi bệnh viện giã chiến , giường bệnh rất thiếu. Phải giữ anh lại là điều “cực chẳng đã”. Nếu vết thương “xoàng” mà đưa viện thì còn đâu chỗ cho người “không xoàng?”. Rõ ràng qua đó, cho ta thấy mở đầu bài thơ là tâm sự không thoải mái khi  đi viện của anh. Bởi với  người lính lái  xe, anh hiểu hơn lúc nào hết, từng giờ mặt trận đang cần hàng. Đó là đạn dược, thuốc men, lương thực...
Anh càng hiểu ý nghĩa của mỗi viên đạn, khẩu súng, hạt gạo ...đưa đến chiến trường . Những hạt gạo có được đâu chỉ là chuyện một nắng hai sương của các mẹ, các  chị ở hậu phương mà nhiều khi chỉ đơn giản là “Tiếng mẹ  đuổi gà”* ,bảo vệ từng hạt gạo mà anh tải vào tiền tuyến cũng làm ta canh cánh bên lòng :
Lúa đã chín, đàn gà ùa ra ruộng
Tiếng mẹ đuổi gà khản tiếng mỗi ban mai
Trên xe gạo con đi vào mặt trận
Tiếng mẹ đuổi gà còn vọng mãi bên tai.
Nằm viện nhưng anh đâu có yên lòng, chuyến hàng của anh rồi sẽ ra sao?khi anh phải nhỡ nhàng ?   Hàng còn nằm đó chuyến xe reo .Tại sao lại không phải là xe bon, xe lao hay một từ khác mà lại là xe Reo? Bởi từ Reo là xen cả tình người lẫn âm thanh . Reo đã làm tác giả nhớ đến những lần giao hàng.Niềm vui của bộ đội,thanh niên xung phong ra sao khi họ reo  hò vì  hàng đã đến. Reo cũng là tình cảm của người lái xe ngồi sau vô lăng dù nắng, mưa, đêm tối  đối chọi với cả  cái chết vẫn yêu đời. Và sau hết âm thanh của  vòng bánh xe lăn  lúc này cũng không vô hồn bằng những âm thanh khô khốc , lòng anh hát lên và cả chiếc xe yêu dấu  cũng reo lên cùng  anh. Có thể nói, phải có lòng yêu nghề, tình yêu cuộc sống thế nào, anh mới dùng được từ ấy.
Có một nhà báo  nước ngoài đã nói : “Việt Nam thắng Mỹ chính là tinh thần quả cảm và yêu đời của họ”. Phạm Tến Duật cũng góp một phần nhỏ minh chứng cho điều đó...
Vì sự trăn trở nhớ những cung đường mà anh không sao ngủ được. Không ngủ được thì trở mình liên tục rồi ngồi bật dậy do cao trào của nỗi lòng. Nhưng cái hay của Phạm Tiến Duật là mỗi cử chỉ đơn giản trở mình ấy, lại để anh liên hệ đến kỷ niệm những cung đường nơi anh đã đi qua, đến những cảnh vật mà anh hằng nhung nhớ:
Nằm ngửa nhớ trăng: nằm ngửa nhìn lên  phía  trần nhà   để anh tưởng tượng sau mái nhà kia là bầu trời đầy sao sa và ánh trăng huyền ảo mà khi ngồi sau vô lăng  xuyên qua màn đêm anh hằng chiêm ngưỡng.Nằm nghiêng nhìn ra cửa sổ, ngoài  kia là những cảnh vật thân quen, phía xa kia là bờ sông , thảm cỏ lại làm anh nhớ đến những bến sông ,  trạm giao liên, trạm dừng chân bên cung đường hỏa tuyến ... Nằm nghiêng nhớ bến , phải chăng là như vậy ? Những nơi anh qua :  dừng xe , ngơi  nghỉ hay giao hàng đều chứa đầy bao kỷ niệm mà anh đã có lần tâm sự qua  tập thơ Lửa -  Đèn **:
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê  yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Qủa cây chín  đỏ hoe
Trái nhót như bóng đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè
Quả cà chua như chiếc đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng...
    Và có cả cảnh mà nơi anh đã đi qua trong lửa đạn, cuộc sống vẫn ngời lên:
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi ngày đêm giặc điên cuồng bắn phá
Nhưng ngọn đốn vẫn cứ thắp lên...
Tất cả những điều ấy làm anh không sao ngủ  được. Hai từ nôn nao  đủ nói lên tất cả ... để  anh phải ngồi dậy nhớ  lưng đèo, nhớ tới những cung đường:
Xe đi trong tầng bom rơi ***
Bao ỷ niệm ùa vào trong anh- người lái xe khao khát những cung đường hoả tuyến. Cả bài thơ theo thể liên hoàn của nỗi niềm tâm sự , đưa ta vào thế giới của tâm hồn chất đầy bao kỷ niệm. Cho ta hiểu niềm trăn trở của một người quen ngồi sau vô lăng mà những ngày nằm viện này là “hình phạt” cho nỗi khát khao của anh không thực hiện được.
Nhớ - là đề tựa chính xác cho bài thơ mà không từ nào  có thể thay thế được.
Xin dành bài viết này thay cho nén nhang thắp lên ngôi mộ đầy nắng gió nơi anh an nghỉ ở cõi vĩnh hằng. Nhớ cũng là nỗi niềm của bao người lính Trường Sơn và những người yêu thơ ca luôn trân trọng dành cho anh.  Bởi anh đã  thay họ nói lên nỗi lòng mình khi nhớ tới Trường Sơn.
Khó có  thể hình dung ra khi những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Trường Sơn vắng đi lời thơ Phạm Tiến Duật! Bởi thơ anh là một thể không tách rời của Trường Sơn hôm qua và cuộc sống hôm nay.
Hà Nội ngày 4/6/2011
    Tiếng mẹ đuổi gà*, Lửa -  Đèn **, *** những bài thơ của Phạm Tiến Duật