Trang chủ » Truyện

CHÚNG TA KHÁC CHÚNG NÓ KHÁC

Phạm Mạn
Thứ ba ngày 12 tháng 4 năm 2011 10:22 PM

Truyện ngắn

1. MỘT BUỔI THẢO LUẬN
Kỷ niệm buổi thảo luận trong đợt học tập chính sách địch vận
dưới tán rừng Hạ Hòa (Phú Thọ) của đội 104
thuộc Phòng Cung cấp (hậu cần)
F bộ 304, trước khi lên Điện Biên Phủ.
Vào chiến dịch thu đông 1953 – 1954, đơn vị trú quân dưới một cánh rừng già ở xa khu dân cư để giữ bí mật. Công việc chuẩn bị đi mặt trận được bắt đầu từ Thanh Hóa, hành quân ra đây vẫn tiếp tục. Về vật chất, từ cái mũ nan, ống tăm, hộp cao Sao Vàng cho đến sung đạn, cuốc xẻng… đã xong. Về tinh thần, đơn vị đang học tập chính sách địch vận. Lúc lên lớp thì tập trung toàn tiểu đoàn, lúc thảo luận thì chia về từng tiểu đội.
Cả tiểu đội III ngồi quay tròn trong cái lán lợp bằng lá chuối rừng để thảo luận. Cuộc thảo luận hôm nay có đồng chí Tiệp, chính trị viên tiểu đoàn xuống dự.
Tiểu đội trưởng Cừ, sau khi báo cáo riêng tình hình học tập của tiểu đội với chính trị viên, xin phép buổi thảo luận bắt đầu:
-         Báo cáo các đồng chí hôm nay có đồng chí Tiệp, chính trị viên tiểu đoàn xuống theo dõi tiểu đội ta học tập. Tôi đề nghị các đồng chí đào sâu suy nghĩ, có gì thắc mắc cứ thẳng thắn nêu ra để cùng thảo luận. Chỗ nào chúng ta không giải đáp cho nhau được, đề nghị đồng chí Tiệp giải đáp cho. Bây giờ tôi xin nhắc lại câu hỏi: “Vì sao khi bắt được tù, hang binh địch, chúng ta không được ngược đãi mà phải đối xử tử tế với chúng? Liên hệ bản than với chính sách có gì đúng, sai?”.
Cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi từ phút đầu. Nét mặt chăm chú của chính trị viên lúc rạng rỡ tươi vui, lúc đăm chiêu theo những ý kiến phát biểu của chiến sĩ. Anh là một cán bộ chính trị dầy dạn trận mạc, gần gũi an hem, hiểu sâu sắc tâm tư chiến sĩ. Thoạt nhìn, anh giống một nhà giáo hơn là anh bộ đội. Với nước da trắng trẻo, vóc dáng gầy, mắt đeo kính cận, cười để lộ hai hàm răng trắng và đều đặn, anh nói năng từ tốn nhẹ nhàng. Trước cách mạng, anh đỗ tú tài toàn phần, tham gia phong trào thanh niên một thời gian rồi đến đầu năm 1946 đi bộ  đội. Thời học sinh anh rất ham đọc sách, có kiến thức rộng. Trong những sách anh ham đọc có cả cuốn “Tư bản luận” bằng tiếng Pháp dày cộp. Cái vốn trí thức trong sang của anh được tắm trong môi trường thực tiễn hào hung của quân đội, khiến anh trưởng thành người chính trị viên vững vàng rất được bộ đội tin yêu.
Sau nửa giờ thảo luận, trong tiểu đội chia ra ba loại ý kiến: Tán thành, không tán thành, tùy trường hợp mà xử sự.
-         Tôi xin phát biểu.
-         Đồng chí Thỡn! Tiểu đội trưởng chỉ vào một chiến sĩ mới bổ sung về đơn vị đang giơ tay.
-         Tôi thì tôi không thong. Các đồng chí ở đơn vị chủ lực nên chưa thấy hết sự dã man của bọn địch. Tôi ở bộ đội địa phương vùng địch hậu, tôi biết nhiều. Bọn Tấy giết choc, đốt phá, hãm hiếp dân mình rất dã man. Ở Thái Bình tôi, chúng còn chon sống người, để thò đầu lên mặt đất  rồi cho trâu kéo bừa, bừa qua bừa lại. Bởi thế, bắt được chúng, chúng ta phải báo thù cho hả. Tôi mà bắt được chúng, tôi không bao giờ nương tay cả. Tôi sẽ xẻo chúng từng miếng thịt cho đến chết. Có thế vong lonh đồng bào ta mới hả, long tôi mới hả các đồng chí ạ…
Có mấy ý kiến nhao lên đồng tình.
-         Đúng! Đúng! Phải thế!
-         Ác giả thì ác báo! Đó là lẽ công bằng.
-         Chugs ta không phải là kẻ độc ác nhưng chúng ta phải biết làm gì với kẻ độc ác với chúng ta chứ. Độc ác như bọn Pháp thì đến loài thỏ đế cũng phải mọc nanh vuốt.
-         Tôi đồng ý với đồng chí thốn – Chiến sĩ Mai nói. Như gia đình tôi, năm ngoái, lúc giặc đột ngột càn đến làng, mẹ và em gái tôi chạy xuống cái hầm có nắp tránh máy bay ở đầu nhà. Tôi cũng chỉ chạy được đến cái rãnh nước cạnh bờ tre sau nhà, nấp ở đó. Tôi trông rõ hai thằng Tây đen, ba thằng Tây trắng xông vào nhà tôi rồi quay ra, nhìn thấy miệng hầm mẹ và em gái tôi nấp ở dưới, chúng nói xì xồ với nhau và thằng Tây trắng có bộ mặt đỏ au với hàm râu quai nón vàng như râu ngô cười man rợ và rút chốt quả mỏ vịt liệng vào hầm giết chết mẹ và em gái tôi. Tôi hỏi các đồng chí: Có thể nào tôi lại tử tế với bọn chúng được?!
Mấy ý kiến phát biểu trên đã dồn hầu hết các chiến sĩ trẻ về một phe, phe “diều hâu”. Còn một vài cựu binh từng trải tỏ ra chưa đồng tình nhưng chưa có lý lẽ sắc bén để thuyết phục các chiến sĩ trẻ.
Cậu Thái, một chiến sĩ quê ở vùng tự do, nói:
-         Tôi xin nói ý kiến của tôi. Nghĩ như đồng chí Mai, đồng chí Thốn cũng có mặt đúng, nhưng cấp trên nhất định phải sang suốt hơn chúng ta chứ. Hòi còn ở nhà, tôi được nhà trường giảng dạy về long nhân đạo của con người. Tôi kể các đồng chí nghe chuyện này nhé. Năm 1950 lúc tôi đang học trung học ở vùng tự do. Một lần bị địch ném bom, trường tôi bị sập, làm chết và bị thương hơn chục học sinh, thầy giáo. Sau đó mấy hôm, ổn định lại trường, chúng tôi tiếp tục học hành. Tôi nhớ thầy giáo dạy tiếng Pháp tên là thầy Huấn. Thầy cũng bị thương trong trận giặc oanh tạc đó. Trong cảnh đổ nát của trường lớp, vôi vữa còn bốc mùi nồng khét vì bom đạn của máy bay giặc Pháp, thầy lên lớp dạy chúng tôi bài Pháp văn: “L’humanite’ ” nghĩa là  “Tình nhân loại”. Tôi không thể nào quên được hình ảnh của thầy: Thầy đứng trên bục giảng với cánh tay trái quấn đầy băng treo trước ngực, tay phải cầm phấn viết bảng, thầy đọc lời dịch bài văn với giọng ân cần, từ tốn, trầm trầm, ấm áp như lời mẹ dặn con: “Con ơi, một ngày kia con sẽ trở nên một người lính, lúc ra trận con hãy chiến đấu cho tận lực, vì đó là bổn phận của con. Nhưng một khi trận đã tan; kẻ thù của con đã bị thương, con hãy coi họ như người an hem khốn nạn…”.
Thái ngừng lời một lát, trong anh như còn văng vẳng lời thầy Huấn đang đọc bài Pháp văn đầy diễn cảm: “Enfant, tu seras soldat un jour, s’il t’arrive de te battre tu te battras en conscience parce que c’est ton devoir. Mais une fois le combat est fini, votre ennemi est blesse’… ”.  .
Thái nói tiếp:
-         Dân tộc Pháp là một dân tộc văn minh, chính họ đã nêu lên tư tưởng: “Tự do, bình đẳng, bác ái”, có đại văn hào Hugô với những nhân vật đáng thương như Côdét, như Făngtin, dũng cảm như Gavrôsờ… Ngày nay, nhiều người như anh Hăng ri mác tanh, chị Ray mông điêng… ủng hộ chúng ta. Với tù binh Pháp, nếu ta ngược đãi họ khi họ bị bắt hoặc ra hàng, tôi cảm thấy thế nào ấy, họ là con cháu là anh em của những người Pháp ấy. Nghĩ cho cùng, dân Pháp chẳng có thù oán chúng ta. Pháp cũng có kẻ tốt kẻ xấu, ta không nên đánh đồng loạt các đồng chí ạ.
Lời phát biểu của Thái phần nào làm dịu những cái đầu trai trẻ đang bốc nóng.
Tuy vậy, tâm tư cả tiểu đội vẫn chưa thống nhất. Có ý kiến đề nghị anh Tiệp giải đáp.
Chính trị viên tiểu đoàn ân cần nói:
-         Các đồng chí ạ, chúng ta căm thù quân giặc xâm lược là đúng. Nhờ có căm thù giặc thì bộ đội ta mới có sức mạnh chiến đấu. Nhưng long căm thù giặc của quân nhân cách mạng là thứ căm thù có lý trí, có văn hóa, long căm thù sang suốt. Lòng căm thù của người cách mạng chúng ta phải hướng thiện. Lòng căm thù không đối lập với long nhân đạo, cái mà chúng ta đang chiến đấu để giành lấy.
Dừng một lát, anh nói với giọng gay gắt như bị xúc phạm:
-         Chúng ta không phải là chúng nó! Chúng ta không phải là kẻ khát máu như chúng nó! Chúng ta là những quân nhân cách mạng, chúng ta là bộ đội cụ Hồ. Chúng ta không them trả thù hèn hạ. Lòng căm thù giặc không có gì giống với hành động dã man của kẻ xâm lược, của quân thổ phỉ. Các đồng chí đừng có quên dân tộc ta là một dân tộc quật cường nhưng rất văn hiến: Đời nhà Trần khi quân Mông Cổ xâm lược nước ta, quân dân ta đánh trả kiên cường. Bị đánh đau, quân Mông Cổ là đội quân hung mạnh và tàn bạo, càng lồng lộn bộc lộ hết thói dã man trung cổ. chúng đi đến đâu giết sạch, đốt sạch, phá sạch. Nơi chúng đi qua thì không còn tiếng gà kêu, chó sủa. Bắt được quân ta, chúng giết sạch. Thế mà khi toàn thắng, ta đã cấp ngựa, cấp thuyền, cấp lương thảo cho hang vạn tù binh, kể từ tướng đến lính thường đều được về nước đoàn tụ với gia đình. Đời Lê cũng vậy. Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã thực hiện đường lối “Lấy trí nhân thay cho cường bạo, lấy đạo nghĩa mà thắng hung tàn”. Tổ tiên chúng ta đã như thế. Ngày nay chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa. Đảng Lao động Việt Nam mà bác Hồ là lãnh tụ càng đề cao tinh thần nhân đạo Việt Nam. Các đồng chí thấy đấy, sau cách mạng tháng Tám, trừ một số rrát ít người có quá nhiều tội ác, nguy hiểm cho cách mạng, còn thì từ Hoàng đế cho đến đại bộ phận quan lại binh lính chế độ cũ đều tự nguyện theo cách mạng. Phải nói, đó là chính sách nhân đạo và đoàn kết của Đảng, Bác. Bây giờ lính Pháp, lính ngụy đang đánh nhau với chúng ta cũng vậy. Trong bọn chúng cũng có kẻ thế này, kẻ thế khác; không phải tất cả bọn chúng đều là ác ôn, dã thú. Dù là ác ôn mà còn cảm hóa được ta vẫn cảm hóa. Như thế mới đúng với bản chất của dân tộc ta, quân đội ta.
Mặt khác, ờ, cứ giả định ta làm theo lời đồng chí Thốn, khi bắt được tù binh địch, cứ tùng xẻo tất cả cho hả giận. Các đồng chí ạ, nếu thế, một khi đánh nhau với ta, kẻ địch sẽ đánh đến người cuối cùng. Lịch sử đã có nhiều chuyện như vậy. Và ngay chúng ta, cũng có một ít trường hợp, an hem tự vệ chưa học tập như chúng mình bây giờ, có anh vì quá đau thương căm tù đã hành động không đúng chính sách nên mới có chuyện Tay sợ sao vuông hơn sao tròn!
Dừng một lát, chính trị viên nói như để kết luận:
-         Nhờ có chính nghĩa, có  chính sách nhân đạo, khoan hồng mà đã có và sẽ có hang trăm nghìn người giác ngộ rời bỏ hang ngũ địch, hoặc chán nản không muốn chiến đấu. Các đồng chí ạ, sức mạnh của nhân nghĩa nhiều lúc mạnh hơn cả bom đạn. Việc chúng ta chấp hành chính sách tù binh là kỷ luật của quân đội ta. Tôi mong sau khi học tập, các đồng chí đều thong suốt tư tưởng, cùng nhau chấp hành cho tốt chính sách.
Dừng lại, quay sang A trưởng, anh nói:
-         Có lẽ đồng chí tiểu đôi tcho an hem giải lao mấy phút, an hem thảo luận hăng say quá quên cả giải lao. Còn thắc mắc giù, lát nữa chúng mình thảo luận tiếp.
Giờ giải lao, các chiến sĩ hể hả vây quanh chính trị viên như đàn em vây quanh người anh cả, tiếp tục hỏi hoặc nghe những câu chuyện đầy cuốn hút. Tiểu đội trưởng Cừ hỏi chiến sĩ Thốn:
-         Nghe thủ trưởng giải đáp thế đã sang ra chưa?
-         Chuyện! Có thế thì mới sinh ra học tập chính trị chứ!
Thốn nói xong, anh vỗ vào điếu cày đánh “bộp”, nạp thuốc lào, châm đóm rít mạnh một hơi rồi phả khói mù mịt. Anh cảm thấy khoái trá nhẹ nhàng lan khắp cơ thể và tâm trí anh, người lính trẻ tràn trề sinh lực trong huyết quản và rạng rỡ sang láng trong tâm hồn…
 

2. CHIẾN CÔNG CỦA LÒNG NHÂN ĐẠO

Tại mặt trận Thượng Lào, Đại đội 6 được phân công tiêu diệt một vị trí địch trên quốc lộ 13. Mới nổ súng vài chục phút, quân địch bỏ đồn rút chạy. Đại đội tiếp tục truy kích. Thốn, Mai, Đồng và Phẫn được giao nhiệm vụ cáng một tên Pháp bị thương về trạm quân y Trung đoàn ở tuyến sau. Thốn làm tổ trưởng.
Tên tù binh bị thương cao lớn, dễ đến tám chục cân. Hắn nằm trên tấm bạt buộc túm hai đầu luồn qua ống tre rừng mới chặt còn tươi nguyên. Bốn chiến sỹ thay nhau cáng. Tên địch trúng đạn ở vai, ở đùi đã được quân ta băng bó, máu vẫn thấm ra ngoài lớp bông băng dày trắng toát. Trông vẻ mặt nó nhăn nhúm lại, răng nghiến căng cả hai bên cơ hàm, chứng tỏ nó đang đau đớn lắm. Hình như nó cố gắng nén không cho bật ra tiếng rên rỉ. Nó sợ rên lên một tiếng có thể chọc tức kẻ thù của nó. Biết đâu, chẳng vì thế mà kẻ thù sẽ  cáu lên và cho nó lãnh một viên đạn. Bởi chúng nó vẫn từng cư xử với người Việt Nam bị thương bị bắt như thế. Nó nghĩ, trong chiến tranh, tính mạng tên tù binh, nhất là tù binh bị thương nặng, không bằng cái rác là điều tất nhiên.
Chặng đường đầu tiên, Thốn và Mai cáng. Đồng và Phẫn mang súng đạn và ba lô cho Thốn và Mai. Thốn đi trước, Mai đi sau. Bây giờ  Mai mới nhìn kỹ tên địch. A! Phải chăng thằng này là thằng đã tung lựu đạn vào hầm giết mẹ và em gái của Mai. Mai càng nhìn, thấy nó càng giống, nhất là nó cũng có hàm râu quai nón màu râu ngô. Duy chỉ có da mặt là hơi khác. Nhìn kỹ, da mặt thằng này có nhiều tàn hương nhỏ và tái mét, không đỏ au như thằng địch kia. Hay là nó bị thương mất máu nhiều nên thế. Tự nhiên trong người Mai nóng bừng, chăn tay run run, cổ nghẹn, đầu lóa chóa: hình ảnh mẹ và em với căn hầm lại hiện lên… Ngọn lửa thù trong anh bốc lên ngùn ngụt. Tự nhiên anh buột miệng gầm: “đ… mẹ mày!” Thốn đang khênh khía trước hỏi: “Cậu chửi ai đấy?”.
- Thốn ạ – Mai đáp  – thằng Tây này giống hệt cái thằng đã giết chết mẹ và em tớ. Nó cũng có bộ râu quai nón màu râu ngô. Chắc là nó đây rồi! Không sai! Tớ chỉ muốn đặt nó xuống đường phạng cho nó mấy báng súng vào mặt, rồi quẳng nó như quẳng một con chó chết!
Đồng đi sau, vai khoác hai khẩu súng, vai kia ngoắc ba lô, vỗ nhẹ vào vai Mai:
- Căm thù thì ai chẳng căm thù. Giá thử thắng này chính là thằng Tây ấy, cậu cũng phải nén lại. Chúng mình là bộ đội đã được học tập chứ có phải không được học đâu. Bây giờ là lúc chính mình đang làm nhiệm vụ ở mặt trận. Chắc cậu vẫn nhớ lời anh Tiệp nói chứ. Nên nhớ: “Chúng ta không phải là chúng nó”.
Mai đáp:
- Thông tư tưởng thì mình thông lắm rồi. Nhưng mà căm quá cậu ạ.
Đồng nói:
- Căm cứ việc căm nhưng phải giữ kỷ luật, chấp hành chính sách của quân đội.
Đồng cười, pha chút bông lơn như một lời đấu dịu:
- Anh Mai thân mến, anh cần phải nhớ là trên mũ anh có cái quân hiệu hình tròn của bộ đội chủ lực, anh vừa được học tập chỉnh quân thông suốt rồi đấy.
Phẫn là chiến sĩ mới toanh. Vốn là thanh niên xung phong đang mở đường, giữa chừng chiến dịch, anh được bổ sung về đơn vị này hơn một tuần nay. Ngoài súng đạn, xẻng cuốc ra, anh vẫn chưa kịp trang bị quân phục. Phẫn nói:
- Các anh sao dễ thông suốt tư tưởng thế không biết. Còn em, trên bắt em khênh cái thằng lợn Tây này, em thắc mắc lắm, Nó “oánh” nhau với mình, nó cố giết mình. Nay nó bị thương, mình lại cáng nó về chăm sóc chạy chữa. Em mà là tư lệnh mặt trận thì đơn giản: “đọp” cho mỗi thằng một phát là xong. Như vậy vừa đỡ  mệt lính lại vừa đỡ tốn cơm nuôi, thuốc chữa.
Thốn cười làm bộ hiểu biết:
- Vấn đề phải đâu đơn giản thế, hở chú em? May mà chú em đang lính trơn, nếu chú làm tư lệnh như thế thì hỏng bét cả… chú Phẫn ơi, tôi nói chú nghe: cái sự này mà nói có đầu có đuôi thì dài lắm. Chú còn trẻ, trình độ chú còn hạn chế, giảng một buổi thì khó mà tiếp thu hết được, vấn đề sâu và rộng lắm. Phải nó từ lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta từ hàng nghìn năm trước. Tôi chỉ nói đơn giản cho chú đủ hiểu. Thời Trần, quân Mông Cổ sang xâm lược …
Đồng xen vào:
- Thốn ạ, cậu giảng, tớ nghe hay hơn cả anh Tiệp nói, tớ mà là cấp trên, tớ đề bạt vượt cấp, cho cậu làm chính ủy trung đoàn luôn.
Mai đang trong tâm trạng căng thẳng cũng phải buồn cười. Bất ngờ, từ sau dãy núi hai chiếc khu trục Hen-cát xẹt qua lia hai chàng đạn vào tổ cáng thương rồi rút thẳng. Phẫn bị đạn sượt vào bắp chân phải. Thốn bị đạn sượt vào đùi trái. Sau khi băng bó hai anh vẫn đi được nhưng rất đau. Mép cáng phía trên ngực tên tù binh đạn xuyên 3 lỗ. Giữa đòn khiêng ngay trước mặt Mai, một viên đạn xuyên, làm đòn tre xước tóe lên như tăm. Đồng, Mai và tên tù binh không ai hề hấn gì.
Thằng tù binh tức tối xì xồ, có lẽ nó chửi mấy tên phi công, đồng đội nó.
Từ lúc nghe các chiến sĩ ta đùa cợt nhau, tuy không hiểu rõ nội dung câu chuyện nhưng tên tù binh yên tâm hơn: có lẽ 4 anh lính trẻ này không có ác tâm thủ tiêu nó. Nằm trên cáng, tên tù binh quan sát hành vi, thái độ từng người như một khán giả xem các nhân vật trên sàn diễn kịch câm. Tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng hắn cũng đoán được 40 – 50% hành động và thái độ từng chiến sĩ ta. Nó mơ hồ cảm thấy đây là những con người không nguy hiểm như hắn từng nghĩ trước đây.
Mấy chặng đường đầu mới đi, hắn rất sợ Phẫn. Hắn thấy Phẫn trẻ nhất trong bọn, lại mặc thường phục, thái độ hung hăng hơn. Thỉnh thoảng bắn bị Phẫn nói gì không hiểu, nhưng mỗi lần nói về nó có kèm theo một cái đá nhẹ vào lưng cáng. Nhưng người sợ nhất là Mai, tuy Mai không hề đụng đến nó. Trong hai khóe mắt Mai khi nhìn nó như có lửa. Nó hiểu lắm. Với con người khi trong mắt cháy lên thứ lửa đó thì người ta có thể làm bất cứ điều gì. Nó cứ nơm nớp.
Lẽ ra thời gian đi đến trạm quân y trung đoàn chỉ mất 3 giờ là đến nơi. Nhưng cả toán bị lạc trong rừng gần một ngày. Số lương khô mang theo dù chỉ đủ một bữa. Gần tối cả bọn tìm về được con đường cũ cách nơi xuất phát không xa. Vì thế cả bọn vừa đói vừa mệt. Thốn và Phẫn vì bị thương tuy không phải khênh cáng nhưng đi lâu càng mệt, càng đau. Mai và Đồng liên tục khênh cáng mệt bã người. Nhiều lúc Thốn và Phẫn giành lấy cáng đòi thay phiên, nhưng đi chưa được bao xa, bước đã loạng choạng, máu ở vết thương lại tứa nhiều, phải thôi. Tên tù binh nằm trên cáng chứng kiến những cái lạ lùng đó ở bốn người lính Việt Nam, nó suy nghĩ rất nhiều.
Trời nhá nhem tối, đi đến cái cầu cao, phía dưới là vực sâu nước suối chảy ào ào rất mạnh, Thốn bảo cả toán dừng lại nghỉ ngơi. Phẫn nói với mọi người:
- Em bàn với các anh điều này nhá. Em nói ra không phải vì em mệt, em đau mà em nói. Em rất ái ngại cho anh Mai và anh Đồng, hai anh khênh cáng đã quá mệt rồi, giá như chúng mình khênh khí tài súng đạn, khênh đất đá mở đường lại là một nhẽ, có phải cố gắng đến mấy cũng phải làm cho được. Đằng này mình lại chịu đói, chịu mệt vì cái thằng chó chết này. Chính “chúng nó” vừa bắn bị thương hai người chúng mình. Chỉ là may mắn thôi chứ gì. Giả định không may có khi chết cả 4 người ấy chứ. Đấy, thằng địch dã man như thế, em hỏi các anh: chúng ta đeo đẳng cái “của nợ” này làm gì cho khổ đời. Đã quá mỏi mệt lại xuýt “táng” mạng vì nó. Nếu cả bốn anh em còn khỏe mạnh cũng phải đi 2 giờ mới đến nơi. Bây giờ chỉ có anh Đồng và anh Mai lê lết khênh thế này chắc gì đến sáng ngày mai đã tới nơi. Theo em, ta cứ lẳng mẹ nó xuống suối này rồi về báo cáo là nó bị máy bay “cù” chết, anh em mình đã chôn nó rồi. Chứng tích vết thương ở chân anh Thốn, chân em, vết đạn xuyên cáng, xuyên đòn khiêng như vậy thì chẳng có ai nghi ngờ hết.
Nghe Phẫn nói cả bọn trầm xuống giây lát trong cái mệt, cái đói đang hành hạ. Bỗng Đồng nói:
- Làm thế không được. Cậu Phẫn ở bên TNXP mới sang chưa được học chính sách tù binh thì nói thế, có thể thông cảm. Trước đây chưa được học, chúng tớ cũng phát ngôn kiểu như cậu. Nhưng nay chúng ta được học tập rồi. Vấn đề không chỉ nằm trong phạm vi hẹp, chỉ có chúng mình với tên tù binh này mà vấn đề của cả một chính sách lớn, chính sách nhân đạo của quân đội ta, Đảng ta.
Thốn nói:
- Đúng! Không thể làm thế được. Chúng ta khác, chúng nó khác! Có những việc mà chúng nó làm thường nhật nhưng chúng ta không bao giờ làm là những việc tàn bạo thất nhân tâm, vô nhân đạo. Ngược lại, có những việc ta làm được mà chúng nó không bao giờ làm được như cái việc chúng ta đang chịu đựng gian khổ để cứu mạng một tên tù binh. Nếu bọn giặc cũng làm được như ta thế này thì giặc chẳng còn là giặc nữa. Đồng chí Phẫn ạ, đồng chí phải luôn nhớ:Chúng ta khác, chúng nó khác.
Mai nói chen vào:
- Câu mới về đơn vị. Tinh thần cậu rất tốt, ở đơn vị lây ngày cậu sẽ hiểu. Kỷ luật quân đội là kỷ luật sắt. Kỷ luật sắt nghĩa là thứ kỷ luật bắt buộc mọi người triệt để chấp hành và chấp hành một cách tự nguyện tự giác. Dù có hay không có cấp trên ở đây, chúng ta vẫn tự giác chấp hành đủ mệnh lệnh trên giao. Đồng chí Phẫn ạ, đó cũng là lý do mà chúng ta không được làm cái việc thủ tiêu tù binh.
Thốn đứng dậy khoát tay động viên.
- Thôi nhé, mọi người  cố lên! Chúng ta phải tự giác thực hiện chính sách tù binh. Đây cũng là một trận đánh, chúng ta là lính cụ Hồ, phải thắng trận này. Trăng lên nhất định chúng ta sẽ về đến trạm quân y trung đoàn.
Tên tù binh tuy nghe không hiểu. Nhưng quan sát thái độ của từng người, nó hiểu là mọi người đang bàn một vấn đề gì đó rất nghiêm trọng có quan hệ đến nó. Lúc thấy Phẫn nói, mắt anh nhìn nó, ta anh chỉ xuống suối đang chảy ào ào, nó chợt hiểu hết: chắc chắn là giờ tận số của nó sắp đến. Từ đó, nó cứ rờn rợn, lấm lét nhìn từng người, tai nó nghe tiếng suối chảy ào ào đầy hăm dọa. Cho đến khi được khênh đi, nó mới phần nào yên tâm.
Cả chặng đường dài, nằm trên cáng, tên tù binh cảm nhận được những gì đang xảy ra: ở chặng đi ban đầu là những bước chân chắc chắn, thoăn thoắt của người khênh cáng. Nằm trên cáng, thân thể nó cũng nhịp theo bước chân người khênh, khá êm ái. Nhất là khi qua những đoạn đường bằng phẳng. Càng về sau, càng nhiều dốc lên dốc xuống. Nằm trên cáng nó nghe rõ tiếng thở phì phò và cả mồ hôi chua loét của người khiêng cáng đi trước. Gặp chỗ dốc nhiều, người khênh trước phải còng lưng thật thấp hoặc hạ đòn xuống hai cánh tay mà gồng; Hai người đi sau phải dùng bốn cánh tay đầy đòn cao qua đầu mà đi. Có những cái dốc khiến tên tù binh bị dồn về sau tưởng như nó sắp bị tuột khỏi cáng. Lúc chiến sĩ ta bước lên  những tảng đá mấp mô, bước cao, bước thấp làm vết thương hắn đau chói. Về cuối ngày, vết thương tên tù binh sưng tấy nhiều trong khi những người khênh đã quá đói, quá mệt, bước đi cập quạng, nhiều lúc khịu gối. Tên tù binh cố nuốt tiếng rên vào trong. Bởi vì nó biết các chiến sĩ ta lúc này cũng đang bị hành hạ chẳng kém gì cái thân xác nó.
Suốt chặng đường, nằm trên cáng nó nghĩ miên ma. Lúc dễ chịu thì nó nghĩ về vợ con. Giờ đây vợ nó, con nó đang làm gì ở cái ngoại thành Toulouse thanh bình thân thuộc. Có lúc nó nghĩ về đồng đội, về cấp chỉ huy, giờ này đã tháo chạy đến đâu. Tóm lại nằm trên cái cáng của Việt Minh, nó tha hồ phóng tầm suy nghĩ đến bất cứ đâu. Về sau, thấy chiến sĩ ta quá mệt mỏi, bơ phờ, nó tự hỏi: Tại sao lại có những người lính dẻo dai như vậy. Có gì trong những cơ bắp ấy, trong những tâm trí ấy suy nghĩ gì mà sức chịu đựng của họ ghê gớm đến thế. Nó chẳng thể hiểu nổi. Những việc làm như việc cứu rỗi một tù binh bị trọng thương thế này, đối với chúng nó chỉ là chuyện hoang đường. Càng về sau, nó thấy chiến sĩ ta càng suy kiệt sức lực, nó chợt nghĩ và lo sợ. Liệu những người lính trẻ kia có bị gục ngã không? Và khi những người lính nhỏ thó đó không thể lê được bước nữa chắc họ sẽ loại trừ cái nguyên nhân đang hành hạ họ bằng một phát đạn vào đầu nó. Bởi vì theo lô gích nó nghĩ thì không thể khác được. Bất giác nó nhếch mép cười chua chát: Với chúng nó làm gì có chuyện khênh cáng kẻ thù như thế này. Đứa nào không lê được ư? Cho nó một cú đá, một cái đạp, một quả thoi là phải cố mà đi. Và nếu  thực sự vì kiệt sức không thể đi nổi thì một phát đạn là xong. “Ô là là” rất đơn giản!
Và cái phát đạn mà nó chờ đợi, mà nó lo sợ đã không đến với nó. Nửa đêm, tổ cáng thương cáng tên tù binh về đến trạm quân y trung đoàn. Bàn giao tên tù binh cho trạm xong, bốn chiễn sỹ cảm thấy trút hết mệt mỏi. Họ nhìn tên tù binh không còn là kẻ thù nữa. Tên tù binh như một chứng tích về thành quả, về thắng lợi của nhiệm vụ trên giao mà bốn anh em đã đổ mồ hôi và cả máu nữa. Lúc này lòng nhẹ nhõm, họ nhìn tên tù binh với tấm lòng đầy vị tha như nhìn “một người anh em khốn nạn” mà bài học tiếng Pháp của cậu Thái nói.
Lúc này tên tù binh đã nằm trên sạp lán chờ cán bộ quân y tới làm thuốc. Thốn, Đồng, Mai và Phẫn đến bên nó. Thốn xoa cái đầu tóc xoăn rối bù của nó, nói: “Yên tâm điều trị nhé!” Nó không hiểu Thốn nói gì, nhưng nó hiểu đó là một cử chỉ chia tay thân thiện. Tên tù binh nhìn các chiến sỹ ta với cặp mắt u buồn và hiền lành của một con người. Miệng nó thốt lên hai lần câu gì đó không ai hiểu. Hai mắt nó hoe đỏ.
Trăng hạ tuần đã treo cao, tỏa sáng mờ dịu.
Mấy dòng viết thêm:
Truyện ngắn đã kết thúc, bút tôi còn muốn viết nốt những ý nghĩ trong đầu:
Gọi câu truyện ngắn trên là “truyện ngắn” nhưng đọc ở thời điểm đầu thế kỷ 21 này, nó giống những dòng chép sử hơn là trang văn chương. Bời vì truyện được tổng hợp từ nhiều nguyên mẫu ngoài đời trong thời kỳ Kháng chiến chống xâm lược Pháp. Thời ấy, họ còn rất thanh xuân; hành trang tư tưởng vào đời của họ nhẹ nhàng, đơn giản mà thánh thiện; họ yêu thương nhau như anh em ruột thịt; họ thân ái và gửi tin cậy vào cấp chỉ huy hơn cả với cha anh; họ tự giác chấp hành kỷ luật triệt để; khi được giác ngộ, lòng họ nhân ái vô bờ …
Họ là tinh thể cấu thành sức mạnh của đội quân thiện chiến và tất thắng với cái tên không chính quy nhưng vô cùng hiền thục trong lòng nhân dân: Bộ đội cụ Hồ.
Ngày nay, đất nước Việt Nam đang mạnh mẽ đi lên với màu sắc của thời nay, ở độ tuổi lão niên, nhớ về các đồng đội năm xưa, tuy không quen viết văn, tôi vẫn phải chép mấy trang để nhớ về họ, nhớ về một thời chưa xa đang lùi vào lịch sử ./.
Ngày 01 tháng 4 năm 2001
Phạm Mạn
Đ.thoại: (0350) 3866357
DĐ: 01646278767