Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT BIỂN THÔNG TIN (*)

Trần Đức Tiến
Thứ ba ngày 12 tháng 4 năm 2011 11:10 AM
 
 1. Động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ ở mấy nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản là tin tức được cả thế giới quan tâm nhiều tuần qua. Bên cạnh sự lo lắng, chia sẻ hoạn nạn với đồng loại, người ta còn ca ngợi tinh thần dũng cảm, sự điềm tĩnh, tính tổ chức cao của người dân đất nước mặt trời mọc. Nhưng tình cờ trong trang mạng nọ mình lại thấy: thật ra thì dân Nhật cũng hốt hoảng, náo loạn; nhưng truyền thông của họ tuyệt đối bỏ qua chuyện này; và đây cũng chính là “bài học” đáng giá với truyền thông nước ta. Mình chẳng biết thực hư thế nào nên không bình luận.
 Mình chỉ bị ám ảnh về những đám mây phóng xạ từ Nhật đang tản ra trên bầu trời. Các nhà khoa học trấn an: độ phóng xạ từ những đám mây này rất thấp (ở Việt Nam nó còn thấp hơn cả nghìn lần so với tiêu chuẩn để có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người - tất nhiên là tiêu chuẩn Việt Nam). Nhưng mỗi sáng ngủ dậy, ra sân tập thể dục, mình đã bỏ thói quen hít thở. Mặc dù hết sức mơ hồ, nhưng vẫn có, cái cảm giác không khí xung quanh mình bị nhiễm bẩn.
 Chờ mãi mà chưa thấy bác Nhật nào xin lỗi mình nhỉ?
 
 2. Chuyện cụ Rùa ở Hồ Gươm tốn bao nhiêu là giấy mực. Hồi trước còn ở Hà Nội, mình đã tận mắt thấy cụ (hay là mấy cụ chả biết) nổi lên vài ba lần. Nhưng không thấy xúc động gì mấy. Bây giờ cũng thế thôi. Quan trọng hay không quan trọng tùy từng người. Chính vì thế nên mình từ chối cuộc phỏng vấn của cô bạn làm tổng biên tập một tờ tạp chí. Mình thấy trong vụ này có cái gì đó bị cương lên, và khá khôi hài. Người ta phải mất cả tháng họp hành, bàn bạc, lập kế hoạch…, mới bủa được xuống hồ mẻ lưới đầu tiên. Ai ngờ răng cụ Rùa quá khỏe và quá sắc, soạt một cái lưới thủng, cụ tót ra mất. Lại mất cả nửa tháng sau (hình như hơn?), người ta mới đưa được cụ vào khu điều dưỡng tích cực. Thế là lập tức phát sinh hàng loạt vấn đề mới: cụ là giống cái hay giống đực? Cụ thọ bao nhiêu tuổi? Cụ có phải độc quyền hiếm quý, độc quyền thiêng liêng ở Hồ Gươm hay không, vì hình như dưới hồ còn vài ba cụ khác? Con cháu cụ có còn người nào nối dõi? Quan hệ giữa cụ với đám lưu manh rùa tai đỏ đã nhập cư ồ ạt vào hồ? V.v… và v.v… Hẳn bác Hà Đình Đức, nhà Rùa học lừng danh, nghiên cứu đến hết đời cũng chưa hết đề tài.
 3. So với chuyện cụ Rùa nhiều chất hiếu kỳ thì chuyện bão giá sát sườn với dân chúng hơn. Giá cả tăng cứ gọi là méo mặt. Lâu nay mình vẫn thích ăn sáng ở nhà. Hôm thì mì ăn liền. Hôm thì bánh mì bơ, đường. Có hôm làm tạm bát cơm nguội cũng xong. Sáng qua chạy ra ngoài mua hộp sữa đặc có đường “Cô gái Hà Lan” về pha cà phê, mới hôm nào còn 16 nghìn, giờ vọt lên 25 nghìn. Mua một hộp trứng gà công nghiệp 10 quả, giá 24 nghìn (cách đây mươi ngày còn 18 nghìn). Ghé qua cửa hàng bánh, mua một bịch sandwich trứng, vẫn 16 nghìn. Mình hỏi con bé bán bánh: chưa tăng giá à? Nó cười hỏi lại: chú thích tăng không? Ô, con bé này cũng biết đùa! Phóng xe đi được một đoạn, mình lại nghĩ: tháng sau tăng lương, lương cơ bản từ 730 nghìn tăng lên 830 nghìn, cỡ như mình thêm được khoảng 400 một tháng. Lúc ấy giá cân gạo, quả trứng, mớ rau… lại không còn như bây giờ nữa. Nói chung chuyện tăng lương xưa nay vẫn là chuyện như đùa thôi mà.
 4. Trong văn chương, những vụ “đạo” văn bỗng rộ lên, được mùa chưa từng thấy! Cầm nhầm mấy câu thơ, mấy đoạn văn chỉ là chuyện nhỏ. Bây giờ, người ta ngang nhiên ăn cắp cả cái truyện ngắn, thậm chí hàng dăm bảy truyện của người khác rồi ký tên mình như trường hợp bà Lê Thủy, trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đak Nông. Lúc đầu bị phát hiện, có người hỏi thì ông Chủ tịch Hội (sếp của cô Thủy) trả lời: đây là âm mưu bôi nhọ danh dự của cô Thủy cũng như của Hội. Báo chí dấn thêm phát nữa, thì ra ông chủ tịch Hội vốn là bộ đội, sau chuyển về địa phương làm công tác Đảng, rồi được tổ chức điều sang làm Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập tạp chí văn nghệ của Hội. Quá giỏi! Theo mình biết, ở nước mình còn không ít ông quan văn nghệ giỏi như ông này. Hoan hô công tác tổ chức.
 Vụ cô Thủy chưa xẹp đi thì lại bùng nổ vụ ông Đỗ Ngọc Yên “thuổng” văn ông Vũ Từ Trang. Ông Trang đã có thư tố giác gửi đến mấy trang web, trưng ra 2 đoạn văn - một của ông, một của ông Yên - giống nhau gần như nguyên vẹn. Khốn khổ khốn nạn, cái đoạn văn giới thiệu đôi nét về thân thế nhà văn Hoài Anh vừa mất ấy có gì đặc sắc, phức tạp, khó khăn lắm đâu mà cũng phải cóp của nhau? Văn của ông Trang đăng trên tạp chí Thơ, văn ông Yên đăng trên báo Văn Nghệ - cả hai tờ báo đều là của Hội Nhà văn, ra cách nhau chưa đầy năm! Thế mới trắng trợn, thế mới kinh! Cho đến giờ này, chưa thấy ông Yên động tĩnh gì. Mọi người còn bán tín bán nghi ông có phải là Đỗ Ngọc Yên vừa viết phê bình vừa làm thơ, gần đây “chơi” cả cuốn tiểu thuyết Mạt vận hơn 400 trang, và được kết nạp vào Hội Nhà văn năm vừa rồi hay không?
 5. Giữa biển thông tin sôi sục hàng ngày, mình chú ý đến cái tin bé tí tẹo đăng trên một tờ nhật báo: cô người mẫu (người Israel) vào chơi vườn bách thú, quàng lên cổ con trăn đã được thuần hóa, nhưng bất ngờ con trăn giở chứng táp vào vú cô một phát. Cô người mẫu vá lại ngực - không hề gì. Nhưng con trăn, sau vài ngày ốm vật vã thì lăn ra chết. Té ra cu cậu bị ngộ độc silicon.
 Xưa nay chỉ nghe chuyện trăn rắn cắn chết người. Giờ thì hãy coi chừng! Mọi chuyện đã bắt đầu vượt qua giới hạn của sự tưởng tượng.
     T.Đ.T
-------------------------------------------------------------------------------
(*): Mượn nhan đề một truyện ngắn của Phan Triều Hải.