Tản mạn chuyện đi sáng tác
Đoàn nhà văn Hà Nội dự trại sáng tác đợt này gồm 15 người, trong đó duy nhất có 1 nhà thơ nữ là chị Bùi Kim Anh. May quá có chị Bùi Kim Anh, nếu không toàn đàn ông thì cũng kém vui.
Trong đợt sáng tác này chị Bùi Kim Anh làm được mấy bài thơ, bài nào cũng khá hay. Ví như bài “Không nâu sồng vẫn ta thôi” “Nón quai ngang vẫn nét quê/ À ơi cái ngủ vẫn lề thói xưa/ Mặc đời nắng sớm chiều mưa/ Đồng không rộng cánh cò đưa hỡi người/ Không nâu sồng vẫn ta thôi/ Mình dân quê vẫn giữ lời xóm thôn/...Đó là nỗi trăn trở của tác giả về sự mai một chất quê trong cuộc sống đô thị hóa. Quê thì còn đó mà chẳng phải người quê, nét quê đâu rồi.
Đọc thơ chị nhiều mà lần này tôi mới gặp chị Bùi Kim Anh nên không biết về chị nhiều lắm, thế nhưng thơ chị nghe hay và tâm trạng lắm. Bên trong sự ồn ào vui vẻ là bao điều trăn trở với thế thái nhân tình, với chính cuộc sống của mình nữa.
Nhà thơ Quốc Toản là trai xứ Đoàì - hào hoa, đa tài. Gặp bạn tâm giao thì phải uống rượu rồi đọc thơ một chập mới thôi. Đến trại viết lần này Quốc Toản vừa sáng tác bài mới, vừa chỉnh trang những bài đã viết. Mỗi lần chỉnh thơ anh thường tham khảo ý kiến bạn bè, nhờ thế mà nhiều câu được “nâng cấp”. Tôi thích nhất bài thơ “Bạn tôi” của anh. Đọc lên thì thấy say, thấy đau, thấy thương lắm và thấy cười cả chuỗi nữa “Về thăm bạn cùng quân ngũ/ Hỏi hết chuyện gần chuyện xa/ Hưu rồi làm gì cho xã/ Bạn cười thổi kèn đám ma …/Lắm lúc nhớ đồng đội cũ/ Chết có trống kèn gì đâu/ Tớ thổi chiêu hồn tử sĩ/ Bỗng thấy tim mình quặn đau”.
Không chỉ Sa Pa mù sương, Đà Lạt mù sương mà còn có Tam Đảo. Nơi đây cao hơn mực nước biển tới trên 1000 m. Những hôm trời ẩm, mây tràn cả vào nhà, sương phủ cả lối đi, đỉnh núi. Ra đường không nhìn xa quá 3 mét. Nắng lên thì quang cảnh tuyệt vời, những ngôi biệt thự, khách sạn, nhà nghỉ đứng chênh vênh trên sườn núi giữa bầu trời trong xanh. Nhà thơ Ngô Thế Hùng có dáng vẻ trầm tĩnh, mê mải với mây Tam Đảo: “Rừng núi giăng thành thấy đã mê/ Mây tràn xuống phố gió se se/ Bỗng dưng mù mịt mây thành sữa/ Em đứng bên tôi ướt tóc thề”. Nhà thơ Nguyễn Khôi ngẫu hứng với bài “Phố Tây Tam Đảo” thật vui: “Vi la nhà khách nhà tầng/ Phố tây sang trọng tưng bừng chen chân/ Dập dìu quan chức doanh nhân/ Phất phơ mấy chú nhà thơ lạc loài…”. Chất hài trong thơ dạo này có vẻ hiếm, gặp được một câu, một từ, một tứ hài hước thật là thú vị. Nhà thơ Phạm Đông Hưng 72 tuổi nhưng còn hăng lắm. Cụ rất thích nói chuyện thơ. Cụ lên Tam Đảo nhiều lần rồi. Mỗi lần đi sáng tác lại có một bài về mảnh đất nên thơ này “Tam Đảo sương núi mây bông/ Càng lên tới đỉnh càng không thấy gì”. Vâng, hai câu thơ ẩn dụ cao quá, đọc lên mỗi người hiểu một cách khác nhau, chẳng biết thế nào mà lần. Cụ bảo, ôi dào muốn hiểu thế nào thì hiểu, thơ mà bóc tách ra như lọc thịt lợn thì có mà dở hơi.
Nhà thơ Lê Lâm tự sự trong bài “Nhà văn lên Tam Đảo”: Để lại gia đình nhà cửa ở phía sau/ Những phố thị ồn ào/ Những cánh rừng chót vót/ Những cánh đồng vàng đang mùa gặt/ Trút bỏ cả công việc thường ngày/ Nhà thơ đi nghỉ mát ?/ Cả khi đã báo hiệu đông về…”., Nhà thơ Vũ Quang Tần thì đau đáu lo cho số phận những con bìm bịp trong vườn cấm quốc gia Tam Đảo: Những con bìm bịp nô nức chuyền cây/ Luồn rừng, đêm tìm ánh đèn cao áp/… / Khi bìm bịp trong rượu hũ/ Mới bình tâm ngẫm nghĩ dã tâm người”. Đến Tam Đảo đâu cũng thấy người ta mời mua bìm bịp, thôi thì đủ loại, bìm bịp nguyên con để trong tủ lạnh giá 150 ngàn/ con, bìm bịp ngâm rượu giá 200- 300 ngàn/ bình. Bìm bịp hay bim bíp ? Bim bíp rất giống con bìm bịp về hình thức, chỉ khác đuôi không dài, mắt không đỏ, mỏ không quặp bằng con bìm bịp. Theo người dân thì bim bíp sống chủ yếu ở vùng Thái Nguyên, có mùi hôi, tuy nhiên khi đã ngâm trong bình rượu thì rất khó phát hiện.
Nhà thơ Trần Minh nói chuyện có duyên, anh hay nói về gia đình, về vợ con. về nước Nhật khá hấp dẫn, sau chuyến đi thăm con gái, con rể đang công tác ở Nhật. Trần Minh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Hỏi em” với phong cách tươi trẻ hơn so với tuổi của anh: Buổi chiều ấy có còn trong em/ Giọt hoàng hôn lăn qua cửa sổ/ Tan vào ly cà phê... Đề tài tình yêu có lẽ là mảng lấn lướt trong thơ anh. Nhà thơ Phùng Thanh Lịch cũng thả hồn vào Tam Đảo, cũng không cưỡng được vẻ đẹp như mơ của thung lũng này: “Tam Đảo biển mây/ Nàng Tiên giáng thế/ Yểu điệu thướt tha/ Khoác áo tơ trời/ Tắm mát hồ thơm…phố núi”.
Nhìn chung nhiều nhà thơ, dù là lần đầu tiên hay lần thứ 2, thứ 3 đến Tam Đảo thì vẻ đẹp mây trời của nơi này vẫn cứ làm những tâm hồn thơ xao động. Vẻ đẹp thiên nhiên cũng giống như một cô gái đẹp, biết ngắm bao nhiêu lần mới chán, nhất là qua lăng kính thơ. Các nhà văn Trần Hữu Tòng, Bùi Việt Sĩ miệt mài với trang tiểu thuyết. Nhà văn Lê Tự tham dự đợt sáng tác này với quyết tâm kết thúc cuốn tiểu thuyết “Chuyện gia đình tôi”. Các nhà thơ như Quang Khải, Lê Lâm, Đỗ Qúy Bông, Nguyễn Đức Trọng không chỉ làm thơ mà còn đang viết truyện ngắn, tiểu thuyết gì đó
Nhà sáng tác Tam Đảo được khởi công xây dựng từ năm 1990 trên nền một ngôi biệt thự cổ từ thời pháp. Đến năm 1994 thì khánh thành, từ đó đến nay năm nào cũng có đoàn các nhà văn nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ…lên sáng tác. Nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng đã đến đây, và cũng có nhiều tác phẩm có giá trị được khởi thảo hoặc chỉnh sửa ở nhà sáng tác ngày.
Giám đốc Nhà sáng tác là nhà thơ Lương Cao Bằng, ông là người gắn bó với ngành văn hóa, rất có thiện cảm với các nhà thơ nhà văn. Ông có một hũ rượu ngâm thuốc, ai đến chơi lại rót mời. Nhà sáng tác Tam Đảo tình người đậm đà nhưng cơ sở vật chất xuống cấp rồi. Bao nhiêu điều kiện cần có để các văn nghệ sĩ có thể yên tĩnh làm việc cần sửa sang, bổ xung. Nào mỗi người 1 phòng riêng nhỏ thôi mà tiện nghi sinh hoạt, phương tiện truyền thông như đường truyền intenet, máy tính, máy in…
Đoàn nhà văn tham dự trại đợt này có đội tuổi tương đối cao, trẻ nhất có lẽ là nhà thơ Quốc Toản sinh năm 1957, có 3 cụ trên thất thập rồi, nhà thơ Nguyễn Khôi 74 tuổi là cao nhất. Tuy nhiên, đúng như nhân gian nói, tuổi tác không có nghĩa gì với người đang yêu và yêu thơ. Ngồi với nhau trong mâm cơm nói chuyện thơ, ngồi uống nước chè cũng nói thơ. Chuyện tào lao chi khươn, đủ chuyện trên đời, rồi cũng quay lại với thơ văn, ai đó ngẫu hứng đọc một câu thơ, người thứ 2 sáng tác tiếp một câu, thế là thành bài thơ vui hoàn chỉnh.
Anh chị em chúng tôi cùng nhau đi đến đền thờ Chúa Thượng Ngàn, đền Thánh mẫu Giao trì, rồi đền thờ Đức Thánh Trần vừa vãn cảnh chùa vừa thắp hương khấn nguyện.
Chợ dân sinh trong khu du lịch Tam Đảo khá là hấp dẫn. Nào các loại thuốc nam như chuối rừng, dứa rừng, giả cổ nam… Và nhiều nhất là thịt lợn mán, rau su su. Riêng ngọn su su thì có 2 loại, loại trồng ngay trên đất Tam Đảo thì đắt hơn vì là rau sạch, còn loại chở từ dưới xuôi lên thì ngọn dài, không xanh mượt và giá 1 cân rẻ hơn. Những hàng trứng nướng, thịt xiên nướng, khoai và mía nướng quây dọc ngã ba đường. Trứng luộc chín, khoai luộc chín nướng cho khách ăn nhanh. Trứng tươi, thịt tươi quạt tai quán cho khách sành ăn. Không nhiều mặt hàng, nhiều loại đồ ăn nhưng khách chơi ngắn thời gian thì như thế cũng đem đến sự tấp nập cho 1 góc Tam Đảo nên thơ
Chiều 11-4 đẹp vô cùng, nắng chan hòa khắp thung lũng. Nắng vàng vã lên những ngọn núi xanh, bầu trời trong vắt. Ngồi trong nhà sáng tác ngắm những ngôi biệt thự chênh vênh tường vàng, mái ngói cũ ngả màn sương thật đẹp. Các nhà thơ nhà văn xuống đường thi nhau chụp ảnh, cuộc sáng tác ảnh thú vị làm sao.
Vui lắm chuyện 2 nhà thơ, một già một trẻ được ghép chung phòng. Mỗi người một kiểu sinh hoạt. Thế rồi vào một đêm không thể dung hòa nổi, nhà thơ trẻ đành lặng lẽ ôm chăn gối, nằm co ro ngoài sảnh, “đánh một giấc” ngon lành. Chuyện một nhà thơ ra chợ, bà bán hàng duyên dáng mời mua ngẩu pín dê, nhà thơ thấy ngẩu pín dê to quá liền mua ngay, 700 ngàn mua 600 mang về chiêu đãi anh em trong đoàn. Ngẩu pín được nhà bếp luộc kỹ nhưng dai quá. Hóa ra là ngẩu pín bò, khổ thế đấy! Sáng hôm sau, ông ra chợ, bà bán hàng lại đon đả mời chào…
Trại sáng tác đầu tiên do Ban chấp hành khóa mới của Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại Tam Đảo thật vui vẻ đầm ấm. Để lại cho mỗi chúng tôi niềm cảm hứng sáng tạo mới.
Lê Tự
Ảnh: Trời mây Tam Đảo; Trại sáng tác