(Nhân ngày hội lớn quê tôi)
Người dân quê tôi còn gặp nhiều khó khăn do kinh tế chậm phát triển. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng quá yếu kém. Tôi có tâm tư chuyện này với một anh bạn làm cán bộ nhà nước ở huyện. Anh này nói đùa, nhưng tôi thấy rất đau. Tại sao sau khi chia tách, tỉnh Vĩnh Phúc lại phất lên nhanh như thế. Trong Khi Phú Thọ thì cứ ì ạch với xoá đói giảm nghèo. Anh ấy bảo: So bì thế nào với Vĩnh Phúc được. Họ gần Hà Nội nhé, cơ sở hạ tầng , đường sá tốt hơn nhé. Và một điều anh bạn nói ra có phần mỉa mai: Hơn nữa quê mình ít lo làm ăn, quanh năm cúng bái. Mới giáp tết đã lo cuống lên chuyện Giỗ Tổ Hùng Vương. Mà đâu phải lo cho riêng mình đâu chứ. Lo Quốc Giỗ cơ mà, đói là phải.
Về quê mười ngày, tôi chưa một đêm được ngủ ngon giấc. Không phải vì quê tôi khó ngủ, mà là tình cảm quê hương, bạn bè thăm nom nhiều quá. Không có ngày nào là không uống rượu, cỗ tiệc. Sáng sớm, mới tinh mơ, thằng bạn thân thời cấp hai đã ngồi sẵn tại nhà rít thuốc lào ré tai chờ tôi ngủ dậy để chở lên ăn sáng ở cái tiệm tiết canh lợn. Lên đến nơi, bát tiết canh vừa chìa ra nó đã rót hai cốc rượu trắng để trước mặt. Cụng ly một cái xong nó đưa cái tay ra bắt tay tôi siết chặt. Tối, về nhà người anh họ làm gà mừng thằng em lâu năm về thăm quê. Có đến sáu bảy người trong mâm. Cứ mỗi người mời riêng tôi một cốc rượu. Cứ mỗi lần uống xong ly rượu là lại chìa tay ra bắt tay tôi, ai cũng thế.
Hôm sau, một người bạn gái cũ ở Việt Trì đánh xe lên đưa tôi đi thăm bà ngoại ở Đoan Hùng. Người cậu họ lại làm gà, lại uống rượu, và lại là điệp khúc uống rượu mời riêng từng li,và cứ uống xong là lại bắt tay. Tôi thấy lạ và hỏi ra mới biết, quê tôi là thế: “Cứ uống rượu xong là phải chìa tay ra bắt mới là người lịch sự. “Nếu có mời người bạn nào ở bàn khác thì cháu đừng có đem li rượu đến theo kiểu miền nam, họ lại phạt cho. Phải lấy rượu từ bàn của khách họ cơ. Quê mình có phong tục như vậy đó”- cậu tôi dặn kĩ.
Mãi đến hôm xuống Việt Trì nhậu, tôi gọi một người bạn ở Báo Phú Thọ đến chơi. Thử xem phong tục có đúng như cậu mình nói hay không. Đồng nghiệp ở Báo Phú Thọ nói rằng: “ Đúng đấy anh ạ đặc sản quê mình chính là cái đó ! Có chút ấm, có chút gió, thì phải có cái đó !!! Không ở đâu như quê hương Phú Thọ của mình. Cụng ly rượu xong là phải bắt tay. Một cuộc nhậu có thể bắt tay hai, ba, hay nhiều lần !”. Trời đất! Hóa là thế.
Xa quê hơn 26 năm tôi mới thấy đặc sản quê mình. Thì ra không phải là rừng cọ, đồi chè, sông Lô, sông Thao, mà chính là cái đó- Cái bắt tay mỗi người trong bàn rượu. Quê còn nghèo. Nhưng phong trào ăn nhậu, cỗ tiệc cứ mở thêm nhiều phong tục mới. Tôi thấy lo !
(Quế Hà- Báo Thanh Niên)