Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày!
1. Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong Giăng lưới bắt chim (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2006) thì “Đồng Đức Bốn xuất hiện trong làng thơ Việt Nam khoảng 10 năm nay, viết chừng 80 bài thơ, trong đó có tới trên dưới 15 bài thơ được khách sành văn chương xếp vào loại “cực hay, tài tử vô địch” (trang 97). Bài thơ Vào chùa là một trong số đó. Bài thơ này được in trong tập thơ “Trở về với mẹ ta thôi” do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2000.
Hẳn có người sẽ cho rằng bài thơ trên của Đồng Đức Bốn là bài thơ lục bát 4 câu. Tuy nhiên với quan điểm cá nhân, nhìn vào thực tiễn sáng tác thơ ca hiện đại chúng tôi thích gọi bài thơ này là thơ tứ tuyệt hơn. Và nếu chính xác hơn nữa thì đó là một bài “lục bát - tứ tuyệt” .Nếu khái niệm tứ tuyệt được hiểu với nghĩa là 4 câu thơ tuyệt diệu thì Vào chùa của Đồng Đức Bốn là một bài thơ như thế. Một bài thơ mà khi đọc lên người đọc ngay lập tức sẽ bị “ám ảnh” bởi 3 hình ảnh không thể nào quên: ăn mày, nhà sư và lá bùa. Có thể nói chỉ với 3 hình ảnh này Đồng Đức Bốn đã gợi lên cho người đọc một cảm giác vừa cay đắng, xót xa vừa u hoài ngơ ngác về kiếp người trong cõi nhân sinh.
2. Trước hết, đọc bài thơ ta thấy Đồng Đức Bốn chẳng khác gì một “đạo diễn” vừa hoàn thành một “bộ phim cực ngắn” chỉ dùng hình ảnh để tả tâm trạng nhân vật mà không cần đến lời thoại rất độc đáo. Bối cảnh bộ phim là một ngôi chùa; thời gian tiến hành bộ phim là vào một buổi trưa; nhân vật trong phim có hai người, một là gã ăn mày nghèo khổ, hai là một vị sư đang tu hành tại chùa. Mọi thứ đã được chuẩn bị xong, khi tiếng hô “diễn” vang lên, người xem thấy có một gã ăn mày áo quần rách rưới, tay cầm bị gậy, bước thấp bước cao, lê la tiến vào ngôi chùa. Nếu tinh ý sẽ thấy “đạo diễn” Đồng Đức Bốn để cho gã ăn mày vào chùa thôi chứ không nói rõ ý định của gã này vào để làm gì. Người xem không biết hắn vào để xin cơm chay hay vào để vét hết những đồng bạc lẻ xin được trên đường hành khất gian khổ mà cúng Phật? Không ai biết rõ ý định này bởi đó là những khoảng trống vô thanh và đa nghĩa. Mọi người có quyền tự do tìm cho mình một cách hiểu tùy vào bản lĩnh và khả năng của mỗi người:
Đang trưa, ăn mày vào chùa
Gã ăn mày vừa tiến vào chùa, có lẽ là tới bậc tam cấp của ngôi chánh điện thì sư trụ trì trong chùa đã thấy bộ dạng của hắn liền nhanh chóng bước ra. Sư cũng chưa kịp tìm hiểu hắn vào chùa để làm gì nhưng lúc này trên tay sư có lẽ đang cầm sẵn một lá bùa (?) vì thế, khi gã ăn mày rách rưới vừa để một chân lên bậc tam cấp thì ngay lập tức sư đã đứng trước mặt gã và chìa tay đưa cho lá bùa màu nhiệm:
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
“Đạo diễn phim”, Đồng Đức Bốn quả rất tài tình khi đặc tả cái khoảnh khắc này. Ăn mày vào, sư ra, hai động tác phải chăng là thời khắc “nhập” và “xuất” của đức Phật khi đã đắc đạo. Nhưng ai là Phật trong mắt người xem? Gã ăn mày rách rưới là hiện thân của Phật tổ muốn thử lòng chúng sinh? Hay vị sư phụ vừa cho gã lá bùa đã đạt tới cảnh giới cao nhất vì đã “ấn chứng” cho gã ăn mày khốn nạn kia nhưng hắn không hề hay biết? Không biết được, Đồng Đức Bốn chỉ tả đến đó thôi và không nói gì thêm nữa. Câu thơ gợi cho người đọc nhiều sự suy đoán và chỉ có 8 chữ thôi mỗi người đọc tùy vào “nội công” của mình mà “thẩm thấu” vậy. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi giảng bài thơ này ông cho đây là một bài thơ… “Thiền” và còn bảo rằng có một “khoảng thời gian gặp gỡ tôn giáo”, “phút “đốn ngộ” của gã ăn mày với nhà sư mà hắn không biết. Nguyễn Huy Thiệp diễn giải: “Chúng ta hãy hình dung một khách bộ hành mệt mỏi, bụi bặm râu bạc (kìa râu bạc!), nổi chán chườn âm ỉ lặn sâu ở trong đôi mắt âm thầm. Y gõ cửa nhà chùa:
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Một cử chỉ diễn ra trong im lặng. Có ai có gì mà cho! Thích Ca Mâu Ni nói: “Ta thuyết pháp trong khoảng 49 năm mà chưa từng nói một lời…”(Phật vô ngôn).
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
Thật tiếc cho kẻ tha nhân vội vàng! Y không nhận ra dấu hiệu ấn chứng nhiệm màu! Từ giây phút ấy y đã biến đổi mà chính y không hay biết! Đồ bội bạc nông cạn! Kẻ tha nhân đã bước sang một cảnh giới khác mà y chẳng hề xúc động quái gì! Gớm thay cho đứa vô thần! [1]
Nhân chỗ này chúng tôi muốn dừng lại trao đổi với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp một chút. Có lẽ ông là người rất “mê” Thiền nên ông đã đem Thiền ra lí giải. Thế nhưng, có khi nào nhà thơ “kiêm” “đạo diễn” Đồng Đức Bốn đã cố tình muốn “thử sức” bạn đọc bằng 3 hình ảnh đậm màu tôn giáo: ăn mày, nhà sư và lá bùa không? Và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thấy những hình ảnh này đã vội vã chạy đi tìm… Thiền mà “vận” vào nên đã bị một “quả lừa”? Nào là “Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp “vô ngôn”; kẻ tha nhân đã được “ấn chứng nhiệm màu” mà không hay biết”… nghe sao mà “linh thiêng” quá! Thật ra không có “Thiền” gì ở đây hết; tất cả chỉ là “đời”, là “thử thách” dành cho những kẻ đang “học đạo” và “hành đạo” mà Đồng Đức Bốn nhân một lần vào chùa đã tình cờ chứng kiến và đã khái quát lên thành 4 câu tuyệt diệu, thế thôi.
Trở lại với “bộ phim cực ngắn” của “đạo diễn” Đồng Đức Bốn khi ông quyết định đặc tả tâm trạng của gã ăn mày - một hạng người tiêu biểu cho những số phận đau khổ và bất hạnh nhất trong cuộc đời ở hai câu thơ sau. Khi nhận được lá bùa tư tay sư phụ, có lẽ gã rất hiểu sư phụ muốn nói gì, vì thế sư phụ và hắn đã cùng quay lưng đi, không ai nói với ai lời nào. Sư phụ thì trở vào chánh điện còn hắn thì trở ra cuộc đời:
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày
Hai câu thơ sau hoàn toàn chỉ để đặc tả tâm trạng của gã ăn mày. Có lẽ, nhà sư sau khi đưa lá bùa cho hắn rồi quay vào chánh điện một cách thanh thản và điềm nhiên vì nghĩ rằng mình vừa làm xong một việc thiện và có ý nghĩa. Với công năng tu hành và trí tuệ mẫn tiệp sư phụ hẳn thừa hiểu tâm lý của những người nghèo nhất là những kẻ ăn mày. Người nghèo hay gã ăn mày nào không tin vào những điều kì lạ như: ngủ một giấc thức dậy bất ngờ trở thành tỉ phú; hay trên đường đi tình cờ nhặt được ví tiền; hay trúng 1 tờ vé số độc đắc… Phải chăng vì thế mà sư phụ nghĩ lá bùa của mình sẽ là “cái phao linh thiêng” nhất để những con người bất hạnh bấu víu vào? Thế nhưng, nếu thế thì thật đáng tiếc là sư phụ lại quên một điều rất thực: nếu gã ăn mày có vào chùa cầu xin điều gì đi nữa thì trước hết, có lẽ điều hắn cần lúc này là cơm trắng ăn với đậu hủ hoặc không thì vài quả chuối, nắm xôi hay vài đồng bạc lẻ bởi hắn đang đói, đang cần tiền (để sống cho xong kiếp này) chứ không phải là cái “lá bùa” huyền bí nhưng mơ hồ và viễn vông kia. Cho nên, mới có chuyện:
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày
Có thể thấy, cầm lá bùa bước ra khỏi cổng chùa, gã ăn mày nghĩ nó không có “ý nghĩa và giá trị thực tiễn” gì đối với mình ngay lúc khốn khó này cả, mình làm gì với nó bây giờ (Lá bùa chẳng biết làm gì)? Quẳng nó đi chăng? Không phải, không thể quẳng đi được, Đồng Đức Bốn để cho gã ăn mày nhét lá bùa vào túi rồi tiếp tục cuộc đời hành khất. Cái động tác cầm lá bùa trên tay với vẻ mặt suy tư không biết làm gì sau đó lại nhét vào túi áo cho thấy gã ăn mày này không phải là kẻ “bội bạc nông cạn”. Động tác này của hắn nếu thật sự có Phật tổ trên cao chứng giám chắc chắn kiếp sau hắn sẽ không còn phải bị gậy lê la ăn mày nữa. Hắn sẽ được “ấn chứng” để thoát kiếp ăn mày! Và nếu hắn thoát kiếp ăn mày thì vị sư phụ đưa hắn lá bùa còn lâu mới đạt thành chính quả! Lá bùa của Đồng Đức Bốn quả là ghê gớm thật. Vì thế mà Nguyễn Huy Thiệp đã bị một “quả lừa” chăng?! Ông chỉ lo đi tìm “Thiền” mà quên không thấy cái giọng điệu của Đồng Đức Bốn có vẻ như muốn nhạo báng kẻ tu hành là vị sư nào đó ở thời đại này mà đi cứu rỗi chúng sinh bằng đạo bùa… mê tín (bởi vì, theo tôi triết lý căn bản và cốt lõi của Phật giáo là con người tu để tự giải thoát mình khỏi bể khổ cuộc đời; là nhân-quả và nghiệp báo nên mấy chuyện “bùa chú” chẳng qua chỉ là sản phẩm của bọn “đạo sĩ” và “thầy cúng” dỏm muốn lợi dụng niềm tin tôn giáo của người đời để lừa gạt họ kiếm chác, triết lý Phật giáo và Thiền làm gì có chuyện “bùa chú”?). Giọng điệu này của Đồng Đức Bốn khiến ta liên tưởng tới cái giọng khá “tếu táo” của nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ Đò Lèn:
Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất
Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn!
Trong thời khắc khó khăn nhất (bom Mỹ giội nhà cửa, đền đài, chùa chiền bay mất cả) Thánh với Phật cũng “rủ nhau đi đâu hết” luôn chỉ còn lại duy nhất một “bà tôi” còm cõi nghèo khó hàng ngày phải “đi bán trứng ở ga Lèn” nuôi tôi khôn lớn. Thánh với Phật lúc này cũng đâu giúp bà tôi được gì đâu?
3. Tóm lại, nếu nhìn Đồng Đức Bốn ở góc độ như một “đạo diễn phim” thì đó là một đạo diễn kì tài với “bộ phim” Vào chùa cực ngắn nhưng cực hay vì không cần lời thoại, ông xứng đáng được mọi người kính nễ với tác phẩm này. Bài thơ nếu chỉ khai thác ở khía cạnh kết cấu và sử dụng từ ngữ ở cách lặp từ thôi cũng cho thấy Đồng Đức Bốn là một nhà thơ “siêu hạng”. Ví như từ ăn mày được sử dụng đến 3 lần; lần thứ nhất ăn mày là một danh từ, lần thứ hai ăn mày cũng là một danh từ nhưng đến lần thứ ba ăn mày đã trở thành một động từ. Chính cái động từ này là một chất keo dính đã khép chặt đời gã ăn mày mà không cách nào rứt ra được – cái kiếp người bất hạnh nhất trong cõi người. Có thể hình dung kết cấu bài thơ qua sơ đồ của một vòng tròn luẩn quẩn: Ăn mày → Sư→ Lá bùa → Ăn mày.
Đây phải chăng cũng là cái tuyệt diệu của tứ tuyệt?
Nguyễn Trọng Bình
[1] Nguyễn Huy Thiệp - Giăng lưới bắt chim. Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2006
--------------------------------
Bài đã đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay