Nguyễn Nguyên Bảy đò đưa thơ Trần Vân Hạc
1/ Tôi thực không biết mình lên Tây Bắc trước hay sau Trần Vân Hạc, và cũng không biết Trần Vân Hạc lên và ở lại Tây Bắc vì duyên cớ gì, còn tôi, vì bốn câu thơ hoành tráng, thúc gọi trí trai của Chế Lan Viên, mà mon men lên Tây Bắc /Tây Bắc ư? Có gì riêng Tây bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tầu/ Khi Tổ Quốc bốn bề lên tiếng hát / Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu / ( 4 câu thơ này tôi thuộc trong trí nhớ, nếu sai với nguyên gốc xin bạn đọc thể tất).
Lần thứ nhất, khoảng 1963-64, lúc ấy, tuổi sức hai mươi, hùng hổ tưởng mình chân đi sóng gió, vậy mà mới qua vài cua vùng biên Tây Bắc, từ Yên Bái đi Nghĩa Lộ, trên xe hơi chở khách, vào đến Nghĩa Lộ thì tôi ơi đã say xe “mướt cò bợ” và đổ gục tại Nghĩa Lộ, được nàng tiên người Kinh Tây Bắc, quen dọc đường, đánh gió cháy lưng, cò bợ tôi mới oai hùng trở lại theo nữ tiên ra suối rửa mặt tắm hôi. Và, một kỳ lạ của lần đẩu lên Tây Bắc ấy, đã ùa vào tâm khảm tôi, mà sau này Trần Vân Hạc gọi là Huyền thoại tắm tiên Tây Bắc. Đây là một tản văn ngắn của Hạc, văn chưa lung linh, nhưng ảnh thì Hạc đã có những giây phút xuất thần, những khoảnh khắc bấm máy Trời cho, những tấm ảnh tiên tắm đã nâng tầm bài viết của Hạc lên ngọn đỉnh của Hay và Đẹp. Dù bài viết này post lên mạng đã lâu, nhưng cho đến hiện thời, vẫn là dạng thể bài “ hot” của nhiều trang mạng. Hình ảnh tắm tiên lần đầu lên Tây Bắc ấy đã theo tôi về đồng bằng và đã thăng hoa vào thơ tôi / Thời nào các nàng tiên bay về đây tắm mát/ Những đêm trăng/ Giếng tiên trăng ngát một vùng / Đêm nay trăng vằng vặc/ Bên giếng một mình em…
(Thơ NNB) Tắm tiên này làm gì có thật, làm sao dám so bì với tắm tiên trắng ngần thịt da Tây Bắc của Trần Vân Hạc.
Lần thứ hai và nhiều lần tiếp sau, đó là thời kỳ thả phai công trình thủy điện Thác Bà, tôi lên Tây Bắc cùng các chuyên gia Liên Xô (cũ) với vai trò thông dịch tiếng Nga. Tây bắc cũng ùa vào thơ tôi, nhiều lắm, nhưng mới rồi in sách chỉ chọn lại được hai bài. Một bài bảo là Tây Bắc chỉ bởi có địa danh Tây Bắc / Đường vào Thác Bà / Rừng trúc chen rừng trúc/ Uốn câu/ Câu gì thế trúc ơi?/ Câu thời gian/ Đại loại vậy, mượn Tây Bắc để nói cái muốn nói của mình. Bài thứ hai, cũng vậy, mượn Tây Bắc để ngợi ca những người làm thủy điện Thác Bà, bài thơ hơi dài, mời đọc khúc kết / Giã sử Thác bà lời kể thương tâm/ Vợ chồng nhà bè cầu thủy thần phù hộ/ Gạo rắc xuống sông/ Nghe con thuyền vỡ/ Con bè lao/ Tiếng hồn oan chìm trong tiếng thét gào/ Dân làng lập thác chồng, thác vợ/ Người chỉ huy già khoanh ngôi sao đỏ/ Cội sông Đà/ Nghe Thác Bà miên man sóng vỗ/ Xóa xóa tóc hoa ban/ Xóa xóa tiếng cười thật trẻ…/( Thơ NNB).
Thơ Trần Vân Hạc khác hẳn. Anh như đã hòa tan hồn vào Tây Bắc, để Tây Bắc như / Một dòng sông tím lặn vào thơ tôi/ Câu thơ hay thế thực không dễ viết. Mời đọc thêm /…Sương giá mà người không đến/ Trời cài then cửa từ lâu/Gùi trăng tủi hờn xuống núi / Nghẹn ngào nấc buốt ngàn sâu.
Đối chứng thơ với thơ ở trên, Nguyễn Nguyên Bảy tôi ngộ ra điều tôi đơn thuần chỉ là kẻ lãng du qua Tây Bắc, hái trộm thơ Tây Bắc, còn Trần Vân Hạc khác hẳn bản chất, anh sống ở Tây Bắc, nếu không muốn nói anh là người Tây Bắc tự tay gieo trồng và hái thơ Tây Bắc. Thế giới nghệ thuật trong thơ Vân Hạc đậm đặc chất Tây Bắc không thể lẫn đi đâu được. Thơ Vân Hạc dầy đặc những chất liệu của bản mường Tây Bắc, những búi tóc “tằng cẩu” độc đáo; “áo cỏm” duyên dáng; những sắc hoa đào, hoa ban; điệu khèn điệu pí , những dòng suối mông mơ, những con đèo hút gió chỉ có ở Tây Bắc; những làn điệu dân ca Thái… những điệu xòe mê hồn… Tất cả lung linh sống động trong thơ anh.
2/ Trần Vân Hạc sinh năm 1952, là lính Trung đoàn Bông Lau (38) từ năm 1971, từng chinh chiến ở Quảng Trị năm 1972 vô cùng khốc liệt. Xuất ngũ, về sống và dạy học ở Tây Bắc 30 năm, chủ yếu ở vùng đồng bào Thái. Ba mươi năm là nửa đời người, sống và dạy học ở vùng đồng bào Thái, thì việc người Thái coi anh là “đồng bào” của họ có gì lạ. Anh sinh ở Gành Hạc, Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú thọ nên có tên là Hạc nhưng tiếng Thái Hặc có nghĩa là yêu thương, nên người Thái luận nhận họ hàng, tên anh đích thị là Trần Yêu Thương. Mà này, Kinh Thái có gì quan trọng phải không Vân Hạc? Chúng ta đều là dòng giống Lạc Hồng.
Trần Vân Hạc là hội viên Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam, là người sưu tầm nghiên cứu văn hóa Thái Tây Bắc, là người sáng lập trang web vanhac.org, trang web duy nhất viết nhiều về văn hóa Thái. Anh đã giúp một số sinh viên làm luận án cử nhân và thạc sĩ… đề tài văn hóa Thái.
Năm 2007 Trần Vân Hạc cùng nghệ nhân Lò Văn Biến ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái biên soạn thành công: “Bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò” cho Bộ Nội vụ dùng làm chương trình khung dạy cho cán bộ viên chức đang công tác ở 7 tỉnh có đông người Thái, bây giờ đã triển khai rộng khắp.
Khi biết tôi có ý định lên Tây Bắc hái thơ cùng anh, anh bẽn lẽn (có lẽ Hạc Thái thật, ba muơi năm sống giữa núi rừng Tây bắc, nay về chốn thị thành, tiếp xúc với ai anh cũng khẽ khàng bẽn lẽn chứ không riêng gì với người băm bổ như tôi) bẽn lẽn Hạc bảo: Anh gọi em là người sưu tầm nghiên cứu văn hóa Thái Tây Bắc, em xin nhận, chứ lãnh vực thơ thì em chỉ là dân tay trái. Tôi định xổ định nghĩa thơ của riêng mình: thơ là tiếng lòng thì làm gì có tay phải tay trái, nhưng do Hạc bẽn lẽn và tôi tôn trọng bẽn lẽn ấy nên cũng đành coi thơ Hạc là khu vực tay trái. Dịp khác chúng ta sẽ vào khu vực tay phải, khu vực văn hóa Thái của Hạc. Và chúng tôi (tôi và Hạc) cùng bước vào địa hạt thơ Tây Bắc của Hạc đàm luận suốt dọc đường qua Yên Bái, qua Lào Cai, vào Sapa, lên công trời cầu Hỉ Thần năm mới.
3/ Từ máy ghi âm chép lại.B: Thơ Tây Bắc làm nhiều thế, cho nghe một bài thật thích được chăng?
H : Trước khi đọc anh nghe bài “ Gọi bạn tình” cho em thưa vài lời. Bài này sau khi đăng báo, em cứ nghe thấy người Thái hát như dân ca của họ. Thậm chí các nhà báo bảo đây đích thị là dân ca Thái, thì ra thơ của mình đã có chỗ đứng và được bà con thừa nhận.
Phong tục Thái xưa, thanh niên trai gái có tục “chọc sàn” – Những đôi nam nữ thanh niên chưa vợ chồng đã quen nhau qua hội xuân, qua những đêm “Hạn khuống” – nơi trai gái hát đối đáp giao duyên (còn gọi là “sàn hoa hạn khuống” ), nam thanh niên đến nhà người yêu tấu một khúc sáo – “pí”, hoặc khèn rồi nhẹ nhàng đến nơi cô gái nằm chọc nhẹ lên sàn nhà, cô gái đã chờ đợi từ lâu và cùng nhau lên phần sàn nhà nhô ra ngoài trời – gọi là “chan” để tâm sự rất lành mạnh, nhiều đôi nên vợ nên chồng. Trong bài thơ em để chàng trai dùng đầu khèn chọc sàn cho thi vị chứ thực tế chỉ dùng ngón tay… vì khèn làm bằng nứa tép dễ vỡ.
Bài thơ GỌI BẠN TÌNH
.
Dậy đi em
Dậy đi em
Anh hồi hộp nâng khèn
Trăng vàng sóng sánh
Dặt dìu dòng suối âm thanh
Nhà sàn đợi chờ thao thức
Đầu khèn
chạm vào hò hẹn
Sao hôm đậu xuống mái nhà
Đêm trở mình da diết nhớ sàn hoa
Đầu khèn
chạm vào đợi chờ
Sao mai lung linh cửa sổ
Hội hái hoa ban nọong ơi
Trái tim chung đôi e ấp lời bầy tỏ
Đầu khèn
chạm vào mong nhớ
Trăng neo khau cút bâng khuâng
Trinh trắng hoa ban
Thắm tình hoa mạ
Cầu thang rạo rực rung rinh
Em như nàng tiên mùa xuân
Bước ra từ câu khắp
B: / Đầu khèn/ Chạm vào hò hẹn/ Sao Hôm đậu xuống mái nhà/ Đêm trở mình da diết nhớ sàn hoa/ Còn cần bình gì thêm những câu thơ làm nên Trần Vân Hạc này nhỉ?
H. Anh thích?
B: Không thích làm sao thuộc ? Câu thơ hay khi chạm vào hồn, nó như con triện ấy, đóng một dấu son. Mà này,viết bài Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc hay thế, có bài thơ nào viết về tắm tiên ?
H: Tắm tiên tuyệt vời anh nhỉ? Nhưng em còn vụng thơ, nên Tắm tiên vào thơ em chỉ mới là Hoa Bên Suối. Tôi nhắm mắt nghe thơ Hạc mà như thấy
Hoa – Tiên đang tắm suối.
/Tóc búi vai trần/ Ngọc ngà trong trắng/ Mắc pém nồng say/ Ngực trần tỏa nắng
Nước dần dâng cao/ Rạng ngời dòng biếc/ Trào lên cỏ mướt? Sóng lòng em ơi
Làn nước – áo em/ Khép hờ tà nắng/ Nõn nà sỏi trắng? Trăng chiều đắm say
Núi đồi nghiêng chao? Chim rừng ngưng hót/ Đất trời Tây Bắc/ Trắng ngần da em
Suối tuổi ngàn năm/ Bỗng hóa suối Xuân/ Suối Tiên dào dạt/ Như là câu khắp/ Như là cổ tích/ Như là… Nọong ơi !
B: / Noọng ơi… Đất trời Tây Bắc / Trắng ngần da em/ Cho nghe thêm một bài nữa đi.
H: Dạ. Anh nghe thêm bài “Đường Thêu Mùa Xuân” nữa nhé. “Piêu” là khăn thổ cẩm đội đầu hoặc choàng vai, cổ của con gái Thái, khi dệt vải thêu piêu người con gái đã gửi tình vào đường kim mũi chỉ. Người con trai được tặng “piêu” coi như được nhận lời trao duyên.
Gặp em sao ngỡ như mơ
Bến xuân mong đợi bến chờ người ơi
Khăn piêu ai vắt ngang trời
Cho câu khắp bỗng đâm chồi nở hoa
Giấu câu thơ trong nụ hoa
Cài lên mái tóc hương thoa má hồng!
Bây giờ biết có còn không
Áng mây thắp lửa nhuốm hồng bình minh?
4/ Một đời theo thơ, hái được đôi ba câu thơ hay đã là mừng lắm, Trần Vân Hạc không chỉ hái được nhiều nhiều những câu thơ hay, mà anh cón hái được nhiều bài thơ hay, và chùm chùm quả thơ Tây bắc của anh có thể coi là trái quí hiếm. Nói quí hiếm là bởi, những nhà thơ khác là người Kinh hái thơ Thái, hái thơ Tây Bắc, còn Hạc anh hóa thân mình là người Thái hái thơ Thái, hái thơ Tây Bắc. Nói vậy là bởi khi viết về Tây Bắc, về văn hóa dân tộc Thái, ở anh tiềm ẩn một cách riêng, cách thô mộc Thái, cách dung dị Thái, cách hồn nhiên Thái, thật như đếm, thẹn như trăng non và tình như / Giấu câu thơ trong nụ hoa.
Hạc bảo: Hạc chỉ là người làm thơ tay trái. Anh khiêm tốn vậy thì ta nghe vậy, thực ra thơ anh đã có hồn và đã có sức rung cảm lan tỏa lòng người nghe. Tay trái mà được thế kể cũng là hiếm. Trong cái khiêm tốn đó của anh cũng ẩn cái không khiêm của anh về cái tay phải nghiên cứu và khảo luận văn hoá Thái. Dịp khác chúng sẽ bàn về cái tay phải tự tin này của Hạc. Về phần mình, tôi tin vào sự đam mê của Hạc và những hy sinh, trả giá cho đam mê ấy, nhất định được đền bù, nhất định được thành quả.
Tôi mở máy ghi âm để chúng ta cùng nghe và chia sẽ tâm sự nao lòng của Hạc:
Trần Vân Hạc: Năm 1992 do hoàn cảnh em nghỉ 176 về sửa đồng hồ ngoài đường nuôi con ăn học. Được vài năm em bị bệnh dị ứng điên cuồng, cứ tưởng bị chất độc mầu da cam, có lúc đã tiêu cực, vợ em ôm mà khóc: ‘Em và các con cần anh vô cùng”! vậy là em vẫn sửa đồng hồ với bộ mặt lở loét không nghỉ một buổi, điều chỉnh chế độ ăn uống và tịch cốc tuyệt đối một ngày/ tuần, được 49 ngày thì sức khỏe hồi phục, hồi đó em tịch cốc hơn 60 ngày và các bài viết bắt đầu từ đó, có lúc cộng tác với mấy chục báo, tạp chí. Bây giờ cũng hơn chục báo, tạp chí trong cả nước. Khoảng gần 200 bài viết ra đời trong ngăn kéo tủ sửa đồng hồ:”Tôi là thợ sửa đồng hồ/ Ngăn kéo dùng làm bàn viết/ Khách đến sửa kiếm cái thực/ Khách đi lại tiếp bạn thơ…
Đoạn băng khác, đoạn Hạc tâm sự về thơ.
Trần Vân Hạc: Em thích bài “Thơ đã ra đời như thế nào?” trong loạt bài Thủng Thẳng Về Thơ của anh. Riêng em, thơ em ra đời từ quan sát đời thường, nhiều bài em thành công từ quan sát đời thường ấy. Ví dụ: “Gửi người con gái Mường Lò xa quê”. Cứ gần tết đoàn người tứ xứ tha phương cầu thực lại về, họ nhiều thành phần, nghề nghiệp nhưng quê hương lúc nào cũng dang tay đón và ấm áp, từ con đèo có thực tên là: “Ách”, qua con đèo là Mường Lò – Nghĩa Lộ thường bên nắng ấm, bên kia mưa, em nghĩ… quê hương dẫu có chưa hài lòng với một người, một hành vi nào đó thì vẫn độ lượng bao dung…
5/ Trần Vân Hạc giờ đây đã về xuôi, nhưng Tây bắc vẫn là quê anh, gần như quí nào anh cũng một đôi lần bò tầu hòa lên miền Tây Bắc hái thơ. Chuyến đi mới rồi anh hái về nhiều thơ lắm : Câu Khắp hồn quê / Tóc em Mường Lò / Tiếng Khèn/ Tình còn hội xuân… Mời đọc bài thơ mới nhất của anh trước khi khép lại bài viết này.
Bài thơ TIẾNG KHÈN (Bài này đã được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái trao giải)
Vút lên từ con tim
Rộn ràng như vó ngựa
Chuốt chọn từng sợi gió
Thông vi vút non ngàn
Gom muôn ánh trăng rằm
Sóng núi dâng mê mướt
Chắt bình minh chợt thức
Lửa tình đầu tinh khôi
Anh hái cả sao trời
Đợi chờ đêm thao thức
Khèn ngân rung tha thiết
Cháy bỏng lời yêu thương
Anh gửi vào mênh mông
Núi mờ sương đồng vọng
Tiếng đơn côi day dứt
Vấp lẻ loi chơi vơi
Lọc tiếng thác trào sôi
Lựa bão giông chớp giật
Chợt tiếng lòng xanh biếc
Đàn môi em thì thầm
Tiếng khèn chạm má hồng
Vụt nở hoa tươi rói
Nhịp đất trời hôi hổi
Phập phồng lời yêu trao
nguyễn nguyên bảy <
nguyenbaybnn@yahoo.com.vn>