- Xin chào Vành Móng Ngựa! Xin được hỏi, bạn có mặt khắp nơi trên thế giới tại các phiên tòa xét xử tội phạm hình sự phải không?
- Vâng, đúng. Thế thì sao?
- Tôi cũng đang muốn hỏi tại sao? Loài người chọn bạn đặt ở đó làm gì?
- Như bạn biết đấy, tôi chỉ có mặt tại phiên tòa hình sự, chứng tỏ tôi là biểu tượng của một kiểu hình phạt. Thời sơ khai của luật hình, người La Mã đã xử tội chết bằng cách dùng dây trói buộc vào tứ chi phạm nhân rồi cột vào chân ngựa, quất cho ngựa lồng lên để xé xác người phạm tội. Về sau, thấy việc xử tội kiểu voi dày ngựa xéo tàn khốc quá, vả lạị sự việc phạm tội, mức án phạt cũng khác nhau mà bộ luật hình ra đời và loài người đã chọn Vành Móng Ngựa làm biểu tượng cho sự nghiêm mình của luật pháp để đặt tại các phiên tòa hình sự.
- Vậy là đã rõ. Bạn là hàng rào phân cách ranh giới giữa quan tòa với bị cáo đồng thời cũng xác định vị trí người phạm tội, khoanh một vùng “cảnh báo nguy hiểm”, nhắc nhở mọi người ý thức tuân thủ pháp luật, phòng tránh vi phạm. Người ta có thể nhìn vào bạn mà đặt niềm tin vào sự nghiêm minh và công lý, đúng không?
- Bạn nhầm! Luật pháp sinh ra tôi chứ tôi không sinh ra luật pháp. Công lý ở bộ luật hình, những tinh hoa nhân loại cũng nằm ở đấy và điều quan trọng là người áp dụng các điều khoản trong bộ luật ấy ra sao. Mỗi chế độ chính trị có các bộ luật của riêng mình phục vụ lợi ích thế lực cầm quyền và mục đích tối thượng là bảo toàn trật tự xã hội. Sự văn minh của một quốc gia một phần thể hiện qua những bộ luật của họ, chặt chẽ bởi ngôn từ chỉ có một nghĩa.
- Không có hay ít có chỗ hở để người phạm tội và người xử án…lách vào?
- Đúng! Những câu chữ đa nghĩa sẽ tạo nhiều kẽ hở. Từ “lách luật” dường như chỉ phổ biến ở quốc gia chậm phát triển. Thiếu khoa học nên luật không đi vào cuộc sống, thể hiện hạn chế của việc lập pháp. Luật pháp không được thực thi nghiêm chỉnh nên quản lý xã hội bất cập dẫn đến tiêu cực, quản lý không nổi thì ra lệnh cấm.
- Là người luôn đứng đối diện với bị cáo dù phiên tòa xử kín hay xử công khai, xin bạn cho biết cảm nhận chủ quan của mình.
- Có những phiên tòa dường như bị cáo đã cầm chắc mức án của mình.Việc xét xử chỉ còn là hợp thức hóa mức án phạt mà thôi. Nhìn vẻ mặt bị cáo có thể đoán biết
- Nghĩa là xử không đúng người đúng tội?
- Vâng. Hậu trường vụ án tiềm ẩn tiêu cực, chạy án, mớm cung, thay đổi nội dung hồ sơ… “Án tại hồ sơ” mà!
- Còn những trường hợp khác?
- Nhiều bị cáo tỏ ra ăn năn hối hận hoặc khổ sở tột cùng hoặc không tâm phục khẩu phục với bản án đã tuyên và với các quan tòa. Rất có thể nhiều oan sai.
- Để hạn chế oan sai có lẽ phải rất quan tâm chuẩn hóa hình luật từ khâu điều tra, kiểm tra giám sát đến năng lực phẩm chất những người thực hiện và nhất là phải có cơ chế…
- Thôi, xin đừng nhắc đến cơ chế nữa. Trước tiên hãy nhìn vào những người thi hành luật pháp kia, họ đại diện cho ai và đời sống của những người thanh liêm thế nào!
- Vâng. Cám ơn Vành Móng Ngựa