Trang chủ » Văn học nước ngoài

BA TRUYỆN NGẮN TRUNG QUỐC

Vũ Công Hoan dịch
Thứ hai ngày 14 tháng 2 năm 2011 4:23 PM

CŨNG ĐỀU LÀ NGƯỜI TÀI
Phàm Di
 Công ty của ông Lý Tổng có liên hệ nghiệp vụ với nhiều ngành quan trọng. Việc này đòi hỏi phải có một tiểu thư quan hệ công cộng vô cùng xứng chức mới có thể đảm nhiệm được công việc. Ông tổng giám đốc họ Lý đã tuyển khá nhiều cô gái xinh đẹp trả lương cao, nhưng sau khi thử dùng đều không đạt yêu cầu. Các cô ấy nếu không tính cách hẹp hòi, thì nói năng biểu đạt cũng thiếu sức thuyết phục, nếu không e lệ thẹn thùng thì cũng thiếu sức chịu đựng, hoặc thiếu năng lực ứng biến… Ông Lý Tổng rất đau đầu về chuỵên này.
 Hôm chủ nhật ông Lý đang chơi máy vi tính tại nhà, đột nhiên nghe có tiếng gõ cửa. Vừa nghe ông Lý đã biết ngay lại có người đến gạ gẫm bán hàng nên không trả lời.Nhưng tiếng gõ cửa vẫn cố tình không thôi,cứ cành cạch cành cạch gõ nhẹ.  Thế là ông vểnh mặt lên ra mở cửa, nghiêm giọng bảo: Đừng gõ ở đây, nhà tôi không cần mua thứ gì. Đứng trước ông là một cô gái quảng cáo bán hàng non trẻ da mặt có phần rám nắng, cái dáng rất tinh anh tháo vát. Cô cười nói với ông Lý:  -Thưa ông, hễ mở cửa là có bảy việc, củi gạo dầu muối tương dấm trà, sao ông lại nói không cần gì? Dù sao thì cháu cũng đã quấy rầy ông,có thể lại làm mất chút ít thi giờ quí báu của ông.
 - Cô quảng cáo bán hàng gi? - Ông Lý đành phải hỏi.
 Nhìn ria mép của ông Lý, cô bàn hàng nói:
 - Trước hết cháu xin biếu ông một chiếc dao cạo râu nho nhỏ xinh xinh.
 - Không lấy tiền phải không? Tốt, cảm ơn!
 Ông biết cô gaí dở chiến thuật vu hồi, liền tương kế tựu kế nhận dao cạo râu, chuẩn bị đóng cửa. Cô gái vội vàng dơ tay ngăn lại, tươi cười nói:
 - Thưa ông, ông đã hiểu lầm, là thế này, dao cạo râu đương nhiên biếu không, nhưng với tiền đề là ông phải mua một hộp mỹ phẩm.
 - Ồ, thì ra không phải cho không!- Lý Tổng giả vờ tỏ ra không hiểu - Nhưng xưa nay tôi không dùng mỹ phẩm bao giờ.
 - Ông có thể mua cho quí bà!
 - Bà nhà tôi đã ngoài bốn mươi tuổi cũng không cần.
 - Vậy thì ông cũng có thể mua cho người tình trẻ của ông. Một người đàn ông đẹp lão phóng khoáng như ông không thể không có người tình phải không,  thưa ông!
 Ông Lý Tổng sa ầm nét mặt:
 -Đừng ăn nói bạy bạ, bà xã nhà tôi đang trong nhà, nếu bà ấy nghe thấy…  
 - Ôi! - Xin lỗi, nhưng đây càng có thể chứng minh sự ưu tú của ông, phu nhân của ông chắc chắn sẽ kiêu hãnh hạnh phúc bởi có người chồng tốt như ông! Thưa ông, ông xem trời nóng như thế này, một cô bé đứng đây nói một thôi một hồi, ông cũng nên mỏ lòng từ bi mời cháu  vào nhà uống một hớp nước phải không?
 Ông Lý nghĩ, mời cô vào nhà ư? E rằng không đạt mục đích cô, sẽ không buông tha, bèn doạ, tôi sẽ không mời cô vào trong nhà đâu, cô đi đi, không thì tôi sẽ báo cảnh sát!
 - Không, thưa ông,việc này liệu có đáng để ông phải ra tay báo cảnh sát? Ông có quyền có thế, đời sống giầu có, gia đình hạnh phúc, nhàn nhã tự tại, khiến người đời hâm mộ biết chừng nào, khác hắn cháu làm việc quần quật suốt ngày suốt buổi lại còn bị người ta riếc móc, ví dụ hiện giờ chẳng phải ông đang đuổi cháu ra khỏỉ đây  đó sao?
 Quả thật ông Lý không nói nổi cô, liền đổi giọng nói dối cô gái:
 - Thực ra tôi đã mất việc, không có tiền để rỗi mua thứ đồ quí giá này,
 -Ôi, ông đã mất việc rồi sao? Như thế chứng tỏ điều kiện gia đinh ông không tốt lắm, đã không tốt lắm, chắc chắn sẽ thiếu cái gì đó, ví dụ, đồ dùng thường ngày giảm giá, một số quần áo giảm chiết khấu vv…Công ty chúng cháu thứ gì cũng có, ông thử nghĩ xem, rút cuộc thiếu cái gì, ngày mai cháu lại mang đến.
 Ông Lý Tổng qủa tình không thể chịu đựng được hơn, liền quát to: Tôi không thiếu cái gì hết, trừ phi cô tìm cho tôi một cô gái biết quan hệ công cộng. Bây giờ cô hiểu ra rồi chứ?
 Nói xong ông cố tình đẩy cô gái đứng tựa cạnh cửa đi, rồi đóng sập cửa. Trở về trước máy vi tính, nghĩ lại chuyện vừa rồi, ông Lý chợt cười gượng. Cô bé này rắn mày rắn mặt thật, nhưng cũng biết ăn biết nói ra trò, năng lực ứng biến giỏi, lại rất biết chịu đựng…Nghĩ đến đây, ông Lý Tổng đột nhiên vỗ đùi cười, đúng rồi, Công ty mình hiện đang thiếu người tài như thế, tại sao không tuyển dụng cô ấy làm tiểu thư quan hệ công cộng? Một cô gái rắn rỏi bất khuất, không hề nản lòng như cô ấy đúng là hiếm thấy, mà người cũng xinh xinh, nhất định sẽ xứng chức.
 Nghĩ đến đây ông Lý Tổng bỗng dung cười ha ha, đúng là dẵm nát giầy đinh tìm chẳng thấy,tự dưng người ấy dẫn xác đến tận nhà.
 Ông Lý Tổng tin tưởng cô ấy sẽ còn đến, công việc của cô ấy không cho phép bỏ lỡ bất cứ cơ hội nhỏ nhặt nào. Hơn nừa một khi cô ấy đựơc công ty tuyển dụng, há chẳng phải mạnh hơn làm nhân viên quảng cáo bán hàng gấp trăm lần? Sau khi biết, chắc chắn cô ấy sẽ vui mừng reo quớ lên, càng say mê công tác. Ông Lý Tổng hí hửng bắt đầu viết giấy tuyển dụng.
 Hôm sau quả nhiên cô gái kia lại đến. Cô nói, chào ông, xin lỗi cháu lại quấy rầy ông. Nhưng hôm nay cháu đến  không phải quảng cáo bán hàng, mà đến báo tin vui. Nói thật, cháu đã từng gõ nhiều cửa gia đình, nhưng vẫn chưa khi nào gặp phải một con người có trái tim cứng như đá như ông. Thế này ạ, thưa ông, chẳng phải ông đã  mất việc, đang không có công ăn việc làm? Hôm qua cháu đã báo cáo với Tổng giám đốc công ty biểu hiện của ông. Công ty chúng cháu thiếu một người gác cổng như ông, ngài Tổng giám đốc đã đồng ý trả lương cao, mời ông làm nhiệm vụ gác cổng Tổng công ty chúng cháu…
 Ông Lý Tổng cứ há mồm trợn mắt không nói đựơc câu nào.

(Theo “Hóm hỉnh châm biếm” số 4 năm 2009)
 
SINH NHẬT LÃO QUÁCH
Tần Đức Long
 Hôm sinh nhật năm mươi tám tuổi, Lão Quách bảo vợ đừng nấu cơm, chúng mình đi ăn khách sạn. Vợ Lão Hỉ Trân vui mừng đến chóng mặt, vừa chải đầu vừa xoa mặt, bà Hỉ Trân chưng diện giống như một phú bà. Vừa trang điểm,bà Hỉ Trân vừa mắng con trai con gái, rõ là một lũ sói mắt trắng không có tim không có phổi, chẳng đứa nào nhớ đến  ăn mừng sinh nhật bố!
 Lão Quách cười bảo: “Con cái mà, đứa nào chẳng thế? Bố mẹ tổ chức ăn mừng sinh nhật cho con, vui vẻ thịnh soạn, đến lượt bố mẹ ăn mừng sinh nhật, thì chẳng có đứa con nào nhòm nghó đến”!
 Hai bố mẹ già lần lượt mắng mỏ chê bai con trai con gái một chặp, rồi khoá cửa đi ra khách sạn.Hai ông bà đã bàn nhau từ trước, gọi mấy món ăn bình dân, uống một chai rượu nhỏ, bánh ga tô không mua,nến cũng không mua, nhỏ nhẹ đơn giản, lãng mạn chút xíu.
 Vừa đến cỏng khách sạn, gặp ngay con gái Xảo Vân đang đi tới. Xảo Vân vừa cưới chồng, còn chưa nấu bếp, không ăn món nguội ở nhà hàng, thì sang ăn nhờ nhà mẹ chồng, mẹ đẻ. Trông thấy bố mẹ ở cổng khách sạn, Xảo Vân hết sức bất ngờ. Xảo Vân tươi cười hỏi “Bố mẹ đãi khách phải không?” Lão Quách nói “Con chỉ biết đi ăn nhờ, đi thôi, hôm nay mẹ con không nấu cơm, chúng ta đi khách sạn.”! Xảo Vân không tin hỏi, “Thật ư mẹ? Bố chiêu đãi phải không?” Bà Hỉ Trân nói, “đúng đấy, bố con mời cơm, mẹ bỏ tiền”!
 Xảo Vân nhẩy quớ lên sung sướng, móc điện thoại di động, gọi chồng đến, có người chiêu đãi. Bà Hỉ Trân sị mặt bảo: Sao lại có người, bố con là bố con! Xảo Vân nháy mắt làm trò bảo “đương nhiên là bố em, nhưng em không biết  bố em tại sao mời cơm?”
 Lão Quách liếc mắt với Hỉ Trân,  ra hiệu cho vợ đừng nói toạc móng heo. Ông lại sai Xảo Vân thay mình gọi vợ chồng hai con trai và các cháu nội đến, cả nhà gọi một mâm thật rôm rả.
 Rất nhanh chóng, hai con trai lần lượt dẫn vợ con, ngồi xe tát xi vù vù kéo đến. Hai đứa cháu nội còn bé, vừa đến đã trèo ghế leo bàn, giống hai con khỉ. Các con trai, con dâu, con gái, con rể hễ gặp nhau là nói chuyện cổ phiếu, chuyện bóng đá, chuyện bơi trên mạng in tơ nét, Hai bố mẹ già không chen đựơc vào câu chuyện,cứ ngồi trơ một bên.  Bà Hỉ Trân đưa mắt liếc chồng có ý trách ông không nên mở rộng phạm vi, vốn chỉ nghĩ hai ông bà ôn lại một hồi những năm tháng thơm thảo dịu ngọt, thì bây giờ  để con cháu pha loãng hết chủ đề.
 Lão Quách cứ mặc kệ, thôi thì khỏi cần nhắc đến chuyện mình tổ chức ăn mừng sinh nhật. Lão nghĩ, có các con các cháu đời sau cuốn quít bên thân cùng hưởng niềm vui cái tuổi Trời cho, chẳng phải là hạnh phúc lớn nhất đó sao?
 Trong lòng thanh thản, lão Quách đã uống thêm mấy chén.
 Các con trai con rể cũng uống hết mình, mặt đỏ như Quan Công, Xảo Vân vẫn là cô gái tế nhị cẩn thận hơn, sợ mấy ông cháu quá chén, nói thế nào cũng không chịu mở chai rượu thứ ba.
 Cả nhà ăn ăn uống uống, tiêu hết sạch năm tờ to một trăm đồng. Bà Hỉ Trân lẳng lặng đi thanh toán, lại mua thêm cho hai cháu nội mỗi đứa một lon nước ngọt.
 Ăn no, uống đủ, hai anh con trai dẫn vợ con, gọi xe ta xi, ai về nhà nấy. Con rể cũng đi xe máy về nhà lên mạng. Xảo Vân vốn định đi xe máy cùng về, nhưng nể mặt bố không nỡ bỏ đi, chỉ giặn chồng hai câu, rồi cùng với bố mẹ nhẩn nha đi bộ về nhà.
 Cây già nhiều rễ, người già lắm lời, Lão Quách nhìn con gái Xảo Vân đã không gĩư được im lặng. Lão nói: “Xảo Vân, chẳng phải con muốn biết tại sao hôm nay bố chiêu đãi đó sao? Con hỏi mẹ sẽ biết!”
 Bà Hỉ Trân khoác một cánh tay chồng nói: “Việc của mình sao ông lại sai tôi nói? Tôi không nói đâu!”Lão Quách bảo: “Bà không nói, vậy tôi  nói, nhưng bà chớ trách tôi, tôi càng nói càng nhiều”.
 Xảo Vân cố tỏ ra ngây thơ nói: “Bố mẹ đừng nói, để con đoán thử xem!”
 Lão Quách giục “ Con đoán đi, đoán trúng sẽ có thưởng”.
 Xảo Vân làm ra vẻ, bắt đầu đoán “Mua vé sổ số trúng thưởng” – không đúng! “Nhận được thư nhà” - Không đúng! “.Lên lương” – Không đúng!. “Được lên vô tuyến truyền hình”! Không đúng! Xảo Vân đoán một lượt đều sai. Bà Hỉ Trân ở bên cạnh không nhịn nổi, dí ngón tay vào trán con gái nói: “Con ngố ạ, hôm nay bố con ăn mừng sinh nhật”.
 Vừa nghe Xảo Vân đã reo lên: “Sao không nói trước? Chà chà, không có bánh ga tô sinh nhật, cũng không đốt nến sinh nhật”. Vừa nói Xảo Vân vừa móc điện thoại di động, bấm một thôi một hồi, lần lượt nói với hai anh trai: “Ông bố hôm nay ăn mừng ngày sinh!”
 Hai anh con trai xuýt xoa không biết nói những gì. Lão Quách nhìn tận mắt, hiểu tận lòng, khỏi cần nói gì hơn, không cần nói gì nữa! Cả hai đứa con trai, không đứa nào nhớ ngày sinh của lão, thậm chí không đứa nào dùng điện thoại di động nói với bố một câu, dù chỉ là một câu “Chúc bố sinh nhật vui vẻ” cũng được, nhưng đều không nói.Lão Quách càng giận hơn khi Xảo Vân vừa gọi xong điện thoại, lập tức nhận liền hai tin nhắn, hai đứa cháu đích tôn gửi đến, cùng một nội dung, đều là một câu: “Ông ơi, cháu muốn ăn bánh ga tô sinh nhật!”

                     (Theo “Nhật báo Trịnh Châu” 
 
 
YÊU ĐIÊN CUỒNG
Lỗ Tây Tây
 Rất nhiều năm trước, lần đầu tiên Mễ Lạp đọc truyện của Triều Huy trên tạp chí, đã mê mẩn bởi những câu chữ vừa hóm hỉnh vừa sắc sảo, Mễ Lạp đã yêu ngay con người xa lạ làm rung động linh hồn cô. Từ đó cô tìm kiếm khắp nơi và cứ đọc đi đọc lại từng tác phẩm của Triều Huy như không sao cưỡng nổi. Sau đó cô đã viết cho anh hết lá thư này đến lá thư khác.Nhưng chưa bao giờ cô được hồi âm.
 Một hôm cô được biết trên mạng, Triều Huy sẽ kí tên bán sách trong siêu thị, trái tim son trẻ của cô bỗng chốc háo hức vô cùng.
 Hôm đi tham dự ngày hội kí tên bán sách của Triều Huy, Mễ Lạp ăn diện hết sức nổi bật.
 Triều Huy là một người đứng tuổi bề ngoài rất bình thường. Vừa nhác trông Mễ Lạp đã thầm thất vọng. Nhưng nỗi thất vọng ấy đã tan biến ngay. Xét đến cùng thì cô khác với những kẻ theo đuổi ngôi sao, chạy theo thần tượng nông cạn, cô yêu tư tưởng của anh, tài hoa của anh.
 Khi đến lượt Mễ Lạp, cô len lén dúi cho anh một mẩu giấy ghi số điện thoại của mình, Triều Huy chợt ngần người nhìn Mể Lạp, lẳng lặng nhận mẩu giấy.
 Ngay tối hôm ấy Mễ Lạp nhận được điện thoại của Triều Huy. Giọng người đàn ông đứng tuổi thấp trầm.
 -Xin chào Mễ Lạp, tôi là Triều Huy.
 Mễ Lạp bỗng chốc giống như con chim nhỏ sung sướng lích cha lích chích dốc hết nỗi lòng hâm mộ của mình:
 -Anh có biết không, em đã đọc tất cả tác phẩm của anh, trước kia em còn viết cho anh nhiều thư…
 Triều Huy nói:
 - Thế ư? Tôi không nhớ lắm.
 Mễ Lạp nghĩ, anh ấy là một nhà văn, biết bao nhiêu người viết thư cho anh ấy, đương nhiên không nhớ được mình.
  Buổi tối đó Mễ Lạp và Triều Huy nói chuyện hơn hai tiếng đồng hồ, nói tới khi máy điện thoại di động nóng bỏng, mới lưu luyến tắt máy.
 Hôm sau,Mễ Lap và thần tượng của mình cùng ăn một bữa cơm tây. Khi đi ra khỏi nhà ăn, Mễ Lạp và Triều Huy tay dắt tay, đã bắt đầu yêu.
 Có lần Mễ Lạp hỏi Triều Huy một cách ngây thơ, liệu em có xuất hiện trong tác phẩm của anh?
 Triều Huy đáp: “Có chứ, em là vai chính tốt nhất của anh.”
 Nhưng Triều Huy đăng rất nhiều tác phẩm mới, Mễ Lạp không khi nào xuất hiện trong đó.Triều Huy cũng chưa bao giờ nhắc đến  chuyện kết hôn với Mễ Lạp.
 Mễ Lạp cứ suy nghĩ mãi, cuối cùng cô đã ngửa bài nói thẳng với Triều Huy: Anh phải lấy em.
 Triều Huy im lặng lâu lắm rồi nói một cách rất khó nhọc: Anh đã có vợ. Anh quyết không thể cắt đứt vợ, nếu em không muốn có thể sẵn sàng xa anh.
 Lẽ ra Mể Lạp nên nghĩ, Triều Huy đã có tuổi, lại tài hoa tràn trề như thế làm sao có thể sống đơn thân. Nhưng nghe Triều Huy trả lời, cô cảm thấy hẫng hụt như trời sập đất lở.
 Trong đau khổ, Mễ Lạp dần dần bình tĩnh, lại nêu ra với Triều Huy đòi hỏi khác. Cô muốn gặp vợ anh, người đàn bà không động đến một quân một tốt mà đánh bại Mễ Lạp một cách thảm hại.
 Suy đi nghĩ lại  mãi, Triều Huy đã nhận lời.
 Bước vào cửa nhà Triều Huy, một mùi khai khai nồng nồng phả vào mặt.
 Trong nhà tối tăm và ẩm thấp, một người đàn bà đang nằm liệt trên giường.Triều  Huy vội vàng bế đỡ thân thể vợ để thay chiếc ga trải giường bị nước đái ướt sũng. Đầy vẻ thuần thục và âu yếm, anh lau chùi thân thể cho vợ. Bận mải tíu tít một hồi toát hết mồ hôi,anh mới giới thiệu với Mễ Lạp, đây là vợ mình, đồng thời cũng giới thiệu Mễ Lạp với vợ, một đọc giả đến nhà thăm em.
 Người đàn bà kia, kẻ thù giả tưởng trong trái tim Mễ Lạp xem ra không kham nổi một quả đấm, chị nhìn Mễ Lạp gật đầu một cách yếu ớt.
 Khi Triều huy tiễn Mễ Lạp ra khỏi nhà, Mễ Lạp nói một cách đau khổ:
 - Tại sao anh không nói sớm với em?
 Triều Huy thở dài nói:
 - Vợ anh không thể dời khỏi anh, xuất phát từ đạo nghĩa, anh không thể bỏ vợ, nói ra hỏi có tác dụng gì?
 Mễ Lạp nói: Anh có thể lấy một người vợ cùng trông nom chị ấy.
 Triều Huy đáp: Không được, như thế là một đòn chí mạng đánh vào tinh thần cô ấy.
 Từ sau ngày đó, Mễ Lạp không dời Triều Huy, cô càng yêu Triều Huy. Một người đàn ông tốt như thế, Mễ Lạp cảm thấy ông Trời không công bằng. Anh ấy nên là của mình, chứ không phải thuộc về người đàn bà vừa già vừa bệnh hoạn. Chị ấy không có quyền dùng bất hạnh của mình khoá chặt Triều Huy, cướp đoạt hạnh phúc suốt đời của Triều Huy.
 Nhưng từ sau hôm ấy, thời gian hẹn gặp nhau của Triều Huy và Mễ Lạp ít hơn nhiều so với trước. Lần nào cũng vậy, hễ trời vừa tối là Triều Huy đã nôn nóng đòi về:
  - Không hiểu sao từ hôm gặp em, vợ anh bắt đầu nghi ngờ giữa anh và em có vấn đề. Hiện nay hễ anh ra khỏi nhà là cô ấy cứ văn hỏi.
 Mễ Lạp càng bắt đầu giận dữ bất bình:
 -Rõ ràng là chị ta mắc nợ anh, chị ta không thể đem lại hạnh phúc cho anh, dựa vào đâu chị ta đòi hởi ở anh nhiều thế?
 Triều Huy đáp: Không, đúng là anh không thể phản bội cô ấy.
 Triều Huy càng yêu vợ thắm thiết, Mễ Lạp hận vợ anh càng sâu. Cô bắt đầu tin người đàn bà kia là con ma ngăn trở tình yêu của hai người.
 Hôm mồng bảy tháng bảy âm lịch, Mễ Lạp và Triều Huy đã hẹn sẵn  cùng đón tết người tình của Trung Quốc. Ngay từ sáng sớm Mễ Lạp đã mua rất nhiều thức ăn, lại còn thắp nến trong nhà. Kết quả Triều Huy đến chưa ngồi nóng chỗ đã bị người đàn bà kia gọi điện thoại bảo về. Mễ Lạp tức giận gạt một phát đổ hết mọi thức ăn bày trên mâm chưa hề động tới rơi xuống đất. Cô không hiểu, một bậc đại tài trai, một nhà văn lớn như anh tại sao lại để một mụ đàn bà đau yếu nằm trên giường sai khiến như vậy. Nếu đây là tình yêu, thì tình yêu ấy cũng quá ư dị dạng. Đây là ý nghĩ đầu tiên Mễ Lạp muốn giúp Triều Huy giải thoát. Cô không muốn anh ngày ngày đêm đêm bị người ta hô gọi mất hết tự do. Cô không muốn yêu thầm trộm nhớ, mò trong bóng tối, bằng sự điên cuồng của mình, cô phải cứu người yêu khỏi cuộc đời tuyệt vọng.
  Buổi trưa hôm ấy, Mễ Lạp dùng chiếc chìa khoá trong tay Triều Huy mà mình đã len lén phục chế đến mở cửa nhà anh. Cô đi vào buồng ngủ, người đàn bà kia dùng chiếc gối đỡ nửa người, đang vụng về sử dụng máy vi tính xách tay.
 Nghe thấy có người đi vào, người đàn bà ngẩng lên hỏi một cách lo lắng và căm ghét “Cô đấy ư, Mễ Lạp?”
 Mễ Lạp im lặng, cầm chiếc gối… Người đàn bà ấy đúng là rất yếu đuối, sau hai phút, tất cả đã kết thúc.
 Khi Mễ Lạp quay người đi ra, cô tuỳ tiện liếc nhìn chiếc láp tốp đổ nghiêng sang một bên, cô đã trông thấy tác phẩm người đàn bà đang viết dở.
 Đó là thứ văn phong Mễ Lạp quen thuộc nhất, viết về một người đàn bà sau khi bị liệt nặng bắt đầu thưởng thức sáng tác trên máy tính điện tử, kết quả đã giành được thành công bất ngờ. Để tránh phiền hà đi lĩnh tiền nhuận bút, tất cả các tác phầm của mình, chị đều luôn lấy tên chồng, về sau cũng tiện thể chị  bảo chồng lấy danh nghĩa của mình đi dự trại viết, nhận giải và kí tên bán sách, có một bạn đọc tên là Mễ Lạp đã từng hiểu nhầm chị là đàn ông, luôn luôn viết thư tình cho chị. Bởi đây là một sự hiểu lầm đẹp, chị không viết thư trả lời và cũng chưa từng giải thích. Nhưng rất nhiều năm sau, chồng chị đã dẫn một cô gái tên là Mễ Lạp về nhà…
  Trong giờ phút này,Mễ Lạp tuyệt vọng không hiểu cô đã giết chết tình địch hay thần tượng của mình.
                                                               Vũ Công Hoan dịch
                              (Theo “cố sự gia ” bán nguyệt san tháng 4 năm 2009)