Trang chủ » Truyện

CHÙM TRUYỆN MINI

Hoàng Ngọc Trúc (Nam Định)
Thứ bẩy ngày 16 tháng 10 năm 2010 8:03 PM

 GHEN TỊ VỚI... NÔNG DÂN
 
Toà hỏi bị cáo:
- Trước khi Toà tuyên án, bị cáo có muốn nói gì không?
- Dạ! Bị cáo đã nhận ra tội tham nhũng của bị cáo rồi. Song... cũng là bởi hoàn cảnh...
- Hoàn cảnh là thế nào? Yêu cầu bị cáo nói rõ.
- Dạ thưa: Giới quan tham của bị cáo bị thua thiệt nhiều quá ạ!
- Các ngươi là những kẻ ăn trắng mặc trơn, lại có chức có quyền, sao lại bị thua thiệt?
-Thưa quý toà: Xử án nhiều chắc toà hiểu quá rõ: Nông dân có ai phải ra hầu toà về tội tham nhũng đâu ạ? Bởi vì họ được nhà nước hướng dẫn, phổ biến cách giầu. Sáng nào họ cũng được chuyên gia Nguyễn Lân Hùng lên đài truyền hình Việt Nam phổ biến kinh nghiệm làm giầu. Ngoài ra các nhà xuất bản còn in rất nhiều tài liệu, sách vở phổ biến kinh nghiệm làm giầu nữa. Trong khi đó, giới của bị cáo làm gì có chuyên gia hoặc tài liệu nào bày dạy cho cách làm giầu đâu. Bị cáo cũng như đồng nghiệp của bị cáo phải tự mò mẫm, vận động để làm giầu, nên sơ xuất xảy ra là điều khó tránh khỏi... Thua thiệt như vậy nên bị cáo xin toà giảm nhẹ tội.
- Toà yêu cầu bị cáo không được nói nữa. Sau đây là phần tuyên án. Đề nghị tất cả đứng dậy.
 
CHUYỆN BIẾU QUÀ ...SẾP
 
Một buổi tối tôi đang ngồi nghỉ ngơi trước hiên nhà, bỗng nhận ra một bà già đi chiếc xe đạp, sau xe chở một chiếc hộp, có lẽ là hộp bia lon. Hình như bà vừa qua nhà xếp, nhưng hẳn là trong nhà đang có khách, nên chưa tiện vào, đành đạp xe đi quá lên phía nhà tôi, rồi dừng lại chỗ bóng tối, dưới một gốc cây cách tôi vài nhà, dựng xe đứng đợi.
Lát sau, thoáng thấy khách trong nhà sếp đi ra, bà vội đứng dậy dắt xe tiến đến, song do quá vội vàng, lúng túng để chiếc chân chống xe vướng vào gốc cây đổ ầm xuống hè phố. Mấy lon bia cùng chiếc phong bì văng ra đất. Bà luống cuống cúi xuống lượm từng thứ đưa trở lại hộp. Xong đâu đấy, bà toan lên xe thì đã thấy một chiếc xe máy từ đâu đó lao thẳng vào cửa nhà xếp. Ngao ngán thất vọng, song bà không hề nản chí mà vẫn quyết tâm đứng đợi. Lúc này tôi vô tình nhìn sang bên kia đường phía trước cửa nhà xếp, thấy một đám người đứng ngồi lố nhố dưới các gốc cây, giống hệt một góc chợ bán sức lao động mà ta thường gặp ở các thành phố. Người đi xe đạp, người đi xe máy.
Nhìn bà già dắt chiếc xe đạp đang đứng co ro trước cửa, tôi trộm nghĩ: Người đến biếu xếp còn khá đông thế kia, thì tối nay, rất khó có cơ may đến lượt bà.
 
BÀ ... RÁC
 
Sau vài ngày vắng bóng, bỗng sớm nay tiếng chuông của bà Rác lại vang lên ở đầu phố. Bác đại tá về hưu hai tay hai túi rác nhìn bà nói:
- Bà đi đâu mấy hôm nay để dân phố chúng tôi sắp tắt thở vì ô nhiễm đây này.
Chị giáo viên thấy bà mặc bộ quần áo bảo hộ lao động và đội chiếc nón mới hôm mọi khi, bèn tán vui:
- Chắc hai ông bà mới đưa nhau đi nghỉ mát phải không? Giá trước khi đi, bà báo cho công ty cử người thay thì chúng tôi đỡ khổ...
Đợi người cuối cùng đổ xong xô rác lên xe, bà cắm chiếc xẻng vào sau xe rồi hạ nón, kéo chiếc khắn che mặt xuống, nhìn mọi người. Chúng tôi ngạc nhiên đến không tin vào mắt mình nữa: Ôi! Sao lại thế này? Đây là cô Rác, cháu Rác chứ không phải bà Rác... Cô Rác ôm chiếc nón vào ngực và nói:
- Kính thưa các ông bà, các cô chú, các anh chị: Cách đây mấy ngày, bà Hợi, người đi gom rác ở đường phố ta lâu nay, không may bị cảm lạnh do gặp cơn mưa bất chợt đổ xuống lúc đang làm việc, nên đã mất đột ngột. Công ty điều cháu về đây thay bà.
Cô Rác vừa dứt lời, không khí bỗng chìm hẳn xuống. Mọi người hẳn đều đang ân hận về sự vô tâm của mình đối với bà Rác - Một con người cần cù, chịu thương chịu khó, phục vụ bà con dân phố suốt hàng chục năm nay mà tận khi bà qua đời, mới biết tên bà là bà Hợi!

Hoàng Ngọc Trúc (Nam Định)