Trang chủ » Truyện

MỘT NGƯỜI

Trịnh Sơn.
Chủ nhật ngày 10 tháng 10 năm 2010 2:12 PM
truyện ngắn của Trịnh Sơn.
 

Tôi bắt gặp tôi loạng choạng giữa phố. Cái nón lưỡi trai sùm sụp che mất vầng trán, chỉ để loe hoe đuôi tóc bạc xơn xởn. Chưa bao giờ tôi chải đầu, từ năm 20 tuổi. Một niềm tin nào đó vào sự dị hợm của thói lười biếng hoặc cẩu thả mà tôi phát hiện ở hắn – một gã tâm thần thời cuộc. Không dưng tôi gọi hắn bằng danh ngữ đẹp đẽ ấy. Lần nào gặp nhau, câu mở đầu của hắn cũng là : Hôm nay, có gì mới không ? Và, câu kết thúc : Không biết ngày mai có gì mới không ? Mới với hầu hết thế gian này, là một tính từ. Tôi biết, với hắn, Mới là một động từ. Trong con người luôn tự hắt hủi bản thân mình đến mức rồ dại như hắn, mọi tư tưởng tốt đẹp nhất đều trở thành hành vi đồi bại. Có lần, hắn chất vấn tôi :
Hắn : - Nếu vô cớ tao chửi vào mặt mày bằng những lời tục tĩu nhất thì sao ?
Tôi : - Thử coi !
Hắn : - Mặt chó mày !
Tôi : - Ừ, mặt chó mày !
Hắn : - Ai chửi ai ?
Tôi : - Ai chửi ai ?
Hắn đã không kiềm chế được cái nắm tay vốn dĩ yếu ớt của mình, thoi vào ngực tôi một cái đau điếng.
Tôi : - Mặt chó tao !
Hắn : - Mặt chó tao ! Hô hô hô…
Chưa bao giờ người ta thấy hắn sung sướng như lúc đó. Nhảy cẩng lên. Cái miệng tíu ta tíu tít huýt sáo như một đứa trẻ chăn bò bất ngờ tìm được quả trứng vịt giữa đồng không. Hai chúng tôi đi uống rượu. Đêm, tôi trở về nhà, còn hắn ngật ngưỡng say và nằm lại ở một góc phố nào đó, dưới một mái hiên nào đó. Ôi, tâm hồn vạm vỡ ấy có ngại gì ma cô đĩ điếm nấp bóng ngày. Chính tôi cũng không thấy lo lắng gì cho hắn. Một gã ăn mày còn tội nghiệp hắn, một ả đứng đường còn thương hại hắn – thì cớ gì tôi phải quan tâm nhiều đến hắn. Mối quan tâm lớn nhất của tôi khi gõ cửa nhà mình, lúc ấy là, đứa con tôi đã ngủ chưa ?
Vợ tôi rất đẹp. Tôi cưới nàng chỉ vì nghe nàng nói một câu rất thẳng thắn : Anh là con đực thứ 100 đến với em ! Dù mẹ cha tôi không thể nào chịu được nàng, hai chúng tôi vẫn nghiễm nhiên đẻ được một thằng cu kháu khỉnh. Nói cho chính xác, một mình nàng đẻ. Tôi chỉ đóng góp vào cuộc đời nàng một đám cưới  như một vở diễn trọn vẹn và hoành tráng. Ông bà nội yêu cháu như vàng, nhưng vẫn không tránh khỏi sự nghi kỵ hằn học mỗi lần tôi dắt hắn về nhà chơi. Kẻ tâm thần thời cuộc ấy. Chỉ vì, ông bà cho rằng, thằng cu con giống hắn như tạc. Rất nhiều lần tôi cũng nhận thấy thằng cu con giống hắn như tạc, nhưng điều này có ý nghĩa gì chứ ? Vợ tôi vẫn đón chúng tôi trang trọng và rạng rỡ hơn rất nhiều lần so với thường ngày chỉ có mình tôi bước vào nhà. Nàng pha ngay tắp lự một ấm trà ngon và thêm một đĩa bích quy thơm hảo hạng. Hắn thẳng thắn mọi lúc mọi nơi :
Hắn : - Cám ơn cô ! Nhưng tôi muốn uống rượu hơn.
Tôi : - Trà tốt hơn chứ !
Hắn : - Tốt cái mặt chó mày !
Tôi : - Hừ, tốt cái mặt chó mày !
Và, chúng tôi nhảy bổ vào nhau. Căn hộ ghép đôi với gia đình tôi, là của mẹ cha tôi. Họ đang bận xem ti vi hoặc nghe ca cổ. Hoặc, họ chỉ có thể nghe thấy tiếng thằng cháu nội khóc thôi, giữa vô vàn thanh âm cuộc đời. Chúng tôi tự do vật nhau huỳnh huỵch trên sàn. Vợ tôi đứng cười ngặt nghẽo. Lâu lâu lại châm vào : Chết mày này ! Chết tao này ! Nàng châm như châm trà. Người Nhật rất sành về trà, tại sao họ lại sành về trà nhỉ ?
Không còn cách nào khác, hắn xin tôi bằng một câu như hơi :
Hắn : - Mày tha ngay cho cái mặt chó tao !
Tôi : - Uhm, mày tha ngay cho cái mặt chó tao !
Tấm gương đặt úp mặt sáng vào tường không thể nhìn thấy ba chúng tôi lại ngồi uống trà thân thiện. Thường, vợ tôi mười ngón tay mân mê tóc tai tôi còn bàn chân nàng thì di di trên mặt sàn tìm bàn chân hắn. Thề với Chúa, tôi không hề ghen. Tâm trí tôi lúc ấy bận rộn vô cùng với câu hỏi : Hắn là con đực thứ 99 hay 101 của nàng ?
Hai mươi năm ròng như vậy. Cái bụng gã công chức quèn của tôi có chiều hướng phình to hơn bụng vợ tôi lúc có bầu. Hậu quả của Ngồi và Uống. Nhưng, hắn cũng ngồi như tôi, cũng uống như tôi mà sao hắn ngày càng teo tóp. Thưa thớt dần những lần tôi dẫn hắn về nhà mình. Thằng cu con đã vào đại học. Nó làm tôi nhớ hắn ghê gớm. Hình như, cha mẹ và vợ tôi còn nhớ hắn hơn tôi nữa. Một lần, đứng ngoài cửa chưa kịp vào nhà, tôi nghe họ nói chuyện với nhau.
Vợ tôi : - Hắn dạo này đi đâu ấy nhỉ ? Lâu không thấy cái mặt dễ ghét ấy ghé chơi nhà.
Mẹ tôi : - Cô muốn hắn lắm à ? Kể ra, đàn bà con gái yêu kiểu người như hắn nhiều lắm.
Ba tôi : - Còn trẻ, bà có yêu thằng nào như hắn không ?
Con tôi : - Ông nói lạ nhề. Chưa chắc ông là người đầu tiên của bà. Con muốn trở thành một người đàn ông như hắn.
Tôi ngượng vô cùng khi bắt buộc phải chườn cái mặt mình vào giữa những kỷ niệm về hắn. Con cún con háo hức mừng hơi chủ, còn mọi người vẫn ngồi yên. Ai đó hỏi :
-       Hắn không về cùng à ?
Tôi quay lưng ra khỏi nhà. Không ai gọi tôi lại. Hàng bông giấy gọi tôi lại bằng một nhát gai cứa rách tay áo. Phải tìm ra hắn cho bằng được. Kẻ tâm thần thời cuộc ấy. Không, hôm nay phải gọi hắn là Kẻ tâm thần kỷ niệm mới chính xác.
Không khó gì nhận ra hắn giữa quán rượu ồn ào khói thuốc và tiếng động. Thân hắn gầy nhom bị bao quanh bởi mấy tấm thân đầy đặn thịt da. Ngó tôi bằng nửa con mắt, hắn không thèm chào hỏi gì, tay giơ cao ly bia nốc ừng ực. Tôi khó chịu ra mặt.
Tôi : - Này, anh kia ! Anh không nhận ra tôi à ?
Hắn : - Mày tự trả lời luôn cho tiện !
Tôi : - Chứ không như mọi khi à ?
Hắn : - Thay đổi cả rồi. Tao có cần thiết gì hỏi mày mới với cũ. Tao có cần thiết gì lê la qua cuộc sống gia đình mày. Tao có cần thiết gì phải ì ạch chờ đợi mày ngày về hưu. Thay đổi cả rồi. Cút đi, đồ khốn !
Tôi : - Thay đổi cả rồi ? Thay đổi cả rồi ư ? Sao tôi không biết ?
Hắn : - Mày biết thì mày là tao rồi à ? Cút đi.
Đồng thời với đôi mắt trợn ngược lên, hắn nắm cổ áo tôi lôi ra đường và nện liên tục vào đầu vào ngực vào bất cứ chỗ nào có thể trên cơ thể mập mạp tôi. Hai bàn tay tôi vụng về che lấy mặt, tôi không sợ đau, tôi chỉ sợ phải vác cái dung mạo sưng húp dị dạng lết từ phố về nhà. Tôi quên mọi cách chống đỡ có thể. Tôi nằm rạp trên nền gạch lát. Những viên gạch hình con sâu đỏ đỏ vàng vàng không ngừng nhảy múa, không ngừng đan chen kít vào nhau và nhốt tròng mắt tôi vào trò thôi miên quỷ quái của chúng. Tôi tỉnh dậy ở phòng giam.
Cảnh sát : - Anh là một công chức nhà nước mà lại hủ bại như vậy à ? Còn gì mặt mũi của tổ chức nữa ? Còn gì là tấm gương đạo đức nữa ?
Tôi : - Tôi đã làm gì ?
Cảnh sát : - Đã làm gì anh còn không biết nữa, thật là hết nói nổi. Thôi, ngồi đó chờ đi.
Tôi : - Chờ gì ạ ?
Cảnh sát : - Hoặc là gia đình anh lên đóng phạt bảo lãnh về. Hoặc là bệnh viện tâm thần đưa xe tới đón.
Gã nói xong, ném tập hồ sơ lại trên bàn và bước vội ra ngoài. Tôi đọc được trên tờ giấy đầu tiên : …Biên bản tạm giữ… Họ và tên :… Có hành vi thoát y ( trần truồng, không một mảnh vải ) giữa thành phố, vừa la ó vừa thủ dâm, gây náo loạn công cộng, có ít nhất vài vụ đụng xe vì tài xế mất tập trung…
Không còn cách nào khôn ngoan hơn là tự giải thoát chính mình. Cánh cửa sổ chỉ gài khuy hờ, tôi vội vàng mặc bộ đồng phục giống tên kia ai đã máng sẵn trên ghế và len lén chui ra. Phía ngoài vắng tanh, mấy tên cảnh sát đứng hút thuốc ở hành lang thấy tôi, hỏi : Đi chơi đêm hay sao mà thậm thụt vậy ? Sao không thay đồng phục ra cho tiện ? Tôi chỉ nhè nhẹ cười và chuồn êm.
Vẫn không thoát được. Ngay cổng chính, hắn đứng thẳng thóm cùng đầy đủ cha mẹ vợ con tôi, họ đồng thanh la lên :
-       Bắt hắn lại !
Tôi ù chạy. Chạy mãi chạy miết cho đến khi cầm cuốn sổ hưu trí và loạng choạng bước giữa thành phố quen thuộc này. Góc vườn nào đó, ai sẽ chờ tôi cùng ấm trà nóng và những nụ quỳnh thơm xẻ đêm. Hắn ư ? Tôi đã giết hắn trong một lần khôn dại nhất cuộc đời mình.
 
ngày 09/10/2010
TS