Trang chủ » Truyện

ĐÔNG LAI LIỆT TRUYỆN và KHI NGƯỜI TA THÀNH THẬT

Khiếu Quang Bảo
Thứ tư ngày 3 tháng 11 năm 2010 9:33 PM

ĐÔNG LAI LIỆT TRUYỆN
Truyện ngắn
      Tổng Biên tập quyết định xin hắn về làm phóng viên, là dựa trên một trích ngang rất đẹp: Học vấn đại học sư phạm chính quy, đảng viên, là cộng tác viên thường xuyên của báo, có nhiều tin bài viết hay, thậm chí có những phóng sự điều tra sâu sắc và có nghề. Tốt quá rồi. Nhưng người Hiệu trưởng trường hắn đang dạy học lại mỉm cười nói rằng: “- Chúng tôi không tiếc quý báo. Nhưng có điều cần nói, hắn sống sách vở và cực đoan. Đôi khi hoang tưởng. Dạy học thì tốt. Tính khí thì ngang trái. A hà!Tôi e là sẽ rách việc. Tùy quý báo!”
      Ngành giáo dục không ưa mẫu người kiểu này. Hắn là người ham cập nhật tri thức nhưng thiếu mô phạm. Hắn thích phản biện nhưng lại thiếu dân chủ với người khác. Cái gì của hắn cũng có giá hơn của người. Có thể ví dụ một ý tưởng táo bạo mà hắn đã viết thành một luận chứng gửi Giám đốc Sở và Bộ trưởng Bộ Giáo dục đề xuất “Xóa bỏ lưu ban”. Hắn dẫn một loạt nghiên cứu trong nước và ngoài nước, và lấy số liệu ở ngay chính thành phố hắn đang sống ( hồi đó còn hệ thống giáo dục 10 năm) có tỷ lệ lưu ban 3% mỗi năm. Số học sinh không được lên lớp này đã xơi trọn sản lượng nông nghiệp của một huyện ngoại thành. Nếu xóa bỏ lưu ban, sau mười năm học nhà trường có thể cung cấp cho xã hội 3% lực lượng lao động có trình độ tú tài tồi, còn hơn là 3% lao động mới chỉ có trình độ lớp 7 giỏi ( cứ cho là giỏi đi, chứ đã lưu ban rất hiếm đứa học giỏi). Tú tài tồi về nông nghiệp còn biết khái niệm thổ nhưỡng và các giống cây trồng, vật nuôi. Tú tài tồi vào nhà máy hay ra công trường còn nắm được những kiến thức cơ bản dù cho là lơ mơ về cơ-động học, sức bền vật liệu, hiện tượng trời đất biến hóa… mà các anh lớp 7 giỏi lại chưa được học qua.
      Công bằng mà nói, đó là một suy nghĩ tốt. Còn hay, thì phải bàn.
      Hắn là thế. Hắn dám phản biện và biết phản biện. Còn hơn là không có bản lĩnh. Tên khai sinh của hắn là Chí Cương. Nhưng hắn lại lấy bút danh là Đông Lai. Năng đi thành đường. Gọi mãi thành quen. Và hắn mặc định mang tên Đông Lai.
      Đông Lai ra mắt cơ quan trong một cuộc họp toàn thể biên tập và phóng viên. Tổng Biên tập giới thiệu Đông Lai rất kì vọng. Vào năm ấy, các nhà báo về làm báo phần lớn từng là cộng tác viên tích cực, có năng khiếu báo chí, tham gia viết tin bài nhiều năm cho báo, được báo xin về. Một số nhỏ có học chuyên ngành báo chí nhưng hệ trung cấp, chưa có ai có học vấn đại học. Một số mới đang theo học đại học tại chức chuyên ngành mình theo dõi.
      Đông Lai vóc người thanh mảnh, đẹp trai. Y phục anh ăn vận tề chỉnh. Đầu tóc rẽ ngôi chải mượt mà. Trông anh có thể nói là chững chạc tuy còn ít tuổi, tuổi hai lăm. Người ta cố tìm trên gương mặt Đông Lai xem có nhược điểm gì biểu lộ tính cách anh để đến nỗi người hiệu trưởng trường anh định kiến. Đôi mắt ti hí chăng? Hay đôi môi mỏng với cái miệng hơi rộng? Ông cha ta đã tổng kết bằng ca dao tục ngữ: “Ti hí mắt lươn thì hay soi xét. Mỏng môi thì hay đưa chuyện” đó thôi. Có hề gì! Đây là một tập thể tốt. Chuyên tâm về nghiệp vụ. Nhiều phóng viên là những cây bút cả nước biết tới.
       Đông Lai có lời đáp. Cảm ơn Ban Biên tập đã cho anh cơ hội trở thành nhà báo chuyên nghiệp, là đồng nghiệp của các nhà báo đang có mặt tại đây. Nhất là sự chào đón trọng thị mọi người dành cho anh. Anh nguyện sẽ gắng sức hòan thành xuất sắc công việc Tổng Biên tập giao. Anh xin mọi người an lòng, rằng anh không giống những gì cơ quan cũ nhận xét. Anh nói: “- Sáng nay, một nhà báo đang có mặt tại phòng họp này đã bắt tay tôi ngoài sảnh, chào, nói: nghe đồn cậu là một con ngựa bất kham! Tôi cảm ơn anh và thưa lại: không có ngựa bất kham. Chỉ có kẻ bất tài không thuần được nó thôi!” Nói rồi, Đông Lai nhìn vào quãng giữa phòng họp. Mỉm cười. Đôi mắt nheo ti hi, đôi môi mỏng hấp háy. Người ta đoán là ở chỗ đó có nhà báo đã nói câu lỡm anh ban sáng. Cả phòng họp cười vang. Tổng Biên tập cũng cười. Khó đoán được ông nghĩ gì sau câu nói đó.
      Đông Lai được phân công làm phóng viên Ban Văn hóa – Xã hội. Anh muốn khẳng định mình. Đề nghị trưởng ban tạo điều kiện để anh thực hiện các phóng sự điều tra. Hoan nghênh. Làm phóng sự điều tra đòi hỏi phóng viên phải kĩ càng trong thu thập và kiểm chứng tài liệu, cấu tứ bài viết chặt chẽ, tư duy mạch lạc, lập luận sắc bén, xét đoán bao dung, động cơ xây dựng. Thực ra điều tra là thể loại báo chí làm mất công tốn sức nhất mà lại ít nhận được sự hợp tác của cơ sở. Ít phóng viên ham. Nhưng thành công dễ để lại tiếng vang trong dư luận. Đông Lai khoái thể loại này, tình nguyện làm. Trưởng ban đồng ý. Để tránh những rắc rối có thể xảy ra, trưởng ban yêu cầu anh cần xây dựng đề cương chi tiết, kiểm soát những chi tiết quá lời quá nóng, và cần thể hiện theo đề cương đã được duyệt.
      Phóng sự điều tra đầu tiên của Đông Lai là về phòng dịch mùa hè. Tưởng như một đề tài nhàm chán mà mùa hè nào cũng khuyến cáo nhau “ăn chín-uống sôi” biết rồi nói mãi từ khi học tiểu học. Nhưng Đông Lai đã tóm được con “cô-li”, khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy sống trong môi trường phân người, sau một giờ chuyện trò linh tinh với người bác sĩ dịch tễ của Sở Y tế. Người bác sĩ này rất đỗi ngạc nhiên khi Đông Lai rú lên: “Cô-li, tứ đây rồi!” Đông Lai đề nghị người bác sĩ tổ chức cho một cuộc thanh tra y tế các điểm ăn uống công cộng xem con cô-li có mặt ở những nơi nao. Người bác sĩ hiểu. Khen Đông Lai phát hiện tinh tường. Mà bấy lâu nay bác sĩ cũng chưa nghĩ tới. Cuộc thanh tra y tế được thực hiện, lấy tiêu bản, xét nghiệm. Kết quả: Con cô-li có ở mọi chốn mọi nơi. Trên mặt thớt có 5 con/cm2, lưỡi dao 4 con/cm2, miệng bát, móng tay đầu bếp vài con. Có 2 con trong một lít nước máy, có 20 con trong một lít nước đá cây. Kinh khủng nhất là có tới 500 con trong một lít nước kem que, 1000 con trong một lít nước mía ép đường phố…Phóng sự điều tra của Đông Lai  mang tiêu đề “Có ai biết Cô-li ở đâu?” xuất hiện ngày báo ra đã gây xôn xao dư luận bởi những dòng cuối phóng sự, rằng, ở đâu có cô-li ở đó có dấu hiệu của phân người, và, nếu bạn biết được cô-li trong một lít nước kem que tương đương số cô-li có trong một lít nước hồ Hoàn Kiếm, cô-li trong một lít nước mía ép đường phố lại tương đương số cô-li có trong một lít nước sông Tô Lịch, thì bạn không dại gì mà mất tiền mua cô-li đưa vào dạ dày mình.
      Các nhà báo ở thành phố bắt đầu chú ý tới cây bút Đông Lai, bởi sự tìm tòi độc đáo của anh.
      Phóng sự thứ hai cũng gây được sự chú ý của dư luận xã hội. Đó là phóng sự điều tra “Thành phố khát”, đề cập tới toàn thành phố có tới hơn một ngàn quán nước chè chén vỉa hè. Qủa thực hồi đó chè chén vỉa hè phát triển như nấm sau mưa. Phải chăng là thành phố khát? Theo điều tra của Đông Lai với sự hợp tác của công an đường phố, thì số người cần giải khát là có, một phần tư. Uống chè mạn với điếu thuốc lá cuộn nơi đầu phố vừa rẻ vừa có không khí vui, được nghe nhiều chuyện trên đời, từ tai nạn giao thông, cướp giật, đánh nhau…đến đời tư các nghệ sĩ, nhân sự cấp cao thành phố và trung ương, gỉ gì gi cái gì họ cũng biết, kể cả thế giới. Nhưng nó cũng là tụ điểm của tệ nạn xã hội, của kẻ đánh đề siêu nhanh theo biển số xe máy chạy qua trên đường, của kẻ trộm cắp tăm tia đối tượng, của cò mồi môi giới mại dâm, xì ke ma túy.
      Phóng sự điều tra thứ ba cũng là một phóng sự có chất lượng: “Phở quốc doanh!”. Vấn đề đặt ra là tại sao phở tư nhân thì ngon mà phở quốc doanh thì dở òm? Đông Lai đi sâu khai thác những cửa hàng phở tư nhân truyền thống  có thương hiệu nổi tiếng, đến các bà phở gánh thơm ngon sáng sáng đêm đêm nhiều người biết tới, so sánh với các cửa hàng phở quốc doanh khang trang, nguồn thực phẩm dồi dào mà nước dùng đoảng thếch. Rồi cuộc hành trình của bà Phó Giám đốc Sở Ăn uống công cộng lén đi ăn phở ngoài mỗi sáng để tìm bí quyết chỉ đạo nâng cao chất lượng phở trong. Thì ra ngòai kĩ thuật, còn một lỗ hổng về quản lí nguyên liệu, “thày ăn một bà cốt ăn hai”.
      Tổng Biên tập bắt đầu chú ý tới năng lực của Đông Lai. Nhưng cũng là sự bắt đầu xuất hiện những ứng xử cực đoan tính cách anh. Anh chê bai người này, khen người khác. Mỗi buổi sáng báo lấy từ nhà in về anh lượm ngay một tờ đọc ngấu nghiến các tin bài trong các trang, lấy bút mực đỏ đánh dấu vào những câu chữ mà anh cho là biên tập dở hoặc không kĩ, lỗi mo-rát. Thậm chí anh còn hạ bút sửa ngay vào nơi đó theo ý anh mà anh cho là viết thế mới xác đáng. Chưa hết, anh viết những mẩu tản văn hài hước châm biếm những lỗi đó dán lên bích báo nghiệp vụ với tiêu đề “Dọn Vườn Nhà”. Thực ra công việc đó là công việc cần làm, công việc mà ta thường gọi là công việc bếp núc nhà báo, vấn đề là cách thức làm. Tổng Biên tập trao đổi với Đông Lai như vậy.
      Cho tới một lần Đông Lai viết một phóng sự điều tra về chất lượng giáo dục, theo đó đặt ra những vấn đề bất cập từ định hướng giáo dục, cho đến tổ chức hệ thống ngành học, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực xã hội, mà anh đánh giá là khập khiễng, què quặt, kém hiệu quả, mà lẽ ra anh chỉ nên dùng từ mất cân đối là đủ. Thậm chí anh còn đưa vào bài cả câu thơ trào phúng về ngành giáo dục hồi đó: “Vườn ta Huyên cỗi Nho già / Lơ thơ cành Trúc la đà cành Lê”. Thư ký Tòa soạn đọc xong hạ bút ký nháy “Không dùng!” Tổng Biên tập ký nháy tiếp ngay bên cạnh “Đồng ý!”
      Hai ngày sau, trên báo tường có một bức biếm họa ký tên công khai “Đông Lai”, vẽ một Tổng Biên tập phiếm chỉ, đang bơi đua giữa mặt hồ báo chí để tới Ngọn cờ đầu, nhưng khoác đầy mình phao cứu sinh, vậy mà ông còn gọi với lên bờ cho Thư ký Tòa soạn: “- Quăng cho tớ thêm một chiếc phao nữa đi!” Thư ký chi hội nhà báo cơ quan định bóc bức biếm họa đó xuống, Tổng Biên tập ngăn: “Tranh hay. Cứ để đấy!” Cử chỉ ấy làm Đông Lai rất ngạc nhiên.
      Vào một sáng, Đông Lai hầm hập vào phòng Ban thư ký, dằn xuống mặt bàn Thư ký tòa soạn tờ báo mới phát hành, anh chỉ vào cái tít một tin đăng trang nhất, nơi anh khoanh mực đỏ hai từ “củ lạc”, ngay phía dưới anh đã viết một câu hỏi: “Qủa chứ! Sao lại là củ?”, rồi rít lên: “Biên tập ơi là biên tập!” Thư ký Tòa soạn hiểu. Trong thực vật học, kết trái từ thân gọi là quả. Kết trái từ rễ gọi là củ. Mà lạc thì kết trái từ thân nhưng lại vùi trái đó xuống đất. Thư ký Tòa soạn hạ kính mỉm cười, điềm tĩnh nói: “Thày giáo ơi là thày giáo! Vậy có quả gì mọc từ thân thày giáo mà các cụ nhà ta vẫn cứ gọi là củ không?” Hai cô gái trẻ giúp việc Ban thư ký ngồi hai bàn bên vội bịt miệng cười sặc sụa. Chuyện ấy được các phóng viên nữ sang tai nhau rất nhanh, trước khi đến tai Tổng Biên tập.
      Sau lần ấy, mọi người trong cơ quan báo nhìn nhận Đông Lai như một tay phá thối, khác người. Đông Lai cảm nhận được điều đó. Anh mất lòng tin với mọi người. Mọi người cũng ngại anh. Nói với anh thì chọn từ chọn ngữ thật kĩ. Nhất là không thể đùa. Một số đề tài anh đề xuất với Trưởng ban, Trưởng ban không còn háo hức như trước, lưỡng lự yêu cầu anh tìm hiểu tiếp và làm đề cương. Làm đề cương rồi phải chỉnh đi chỉnh lại. Góp ý rồi lại góp ý nữa làm anh ngán. Câu giờ đã làm mất tính thời sự. Anh bỏ.
      Đông Lai rơi vào trầm cảm Từ trầm cảm đến hoang tưởng. Không biết ai bày trò, các phóng viên gái trẻ ở cơ quan, và các cô ca sĩ trẻ của đoàn ca-múa-nhạc thành phố ăn chung một bếp ăn tập thể, quyết định rủ nhau tán tỉnh anh, nũng nịu anh, bày tỏ với anh những lời yêu thương hẹn hò. Trạng thái hoang tưởng của anh thuộc thể “ hoang tưởng được yêu”.
      Đến một hôm, Đông Lai xin được làm việc với Tổng Biên tập, Bí thư chi bộ và Trưởng phòng tổ chức, để trình bày một việc hệ trọng. Anh kê ra giấy một danh sách mười cô gái xinh nhất trong số phóng viên và diễn viên, và nói rằng mười cô gái này đang cùng yêu anh một lúc. Anh tóm tắt cách thức yêu của mỗi cô dành cho anh: chân thật, nồng cháy, hoặc lãng mạn. Xin lãnh đạo cho anh biết lí lịch cô nào tốt để anh cưới làm vợ.
      Trước một thái độ nghiêm túc thế, ba lãnh đạo ngồi trước anh không thể cười. Họ nhìn nhau. Tổng Biên tập gượng cười:
      - Chúc mừng anh. Trong khi chờ tổ chức nghiên cứu, lại phải làm việc với cả tổ chức Sở Văn hóa, xin anh tìm hiểu thêm tình cảm của các cô gái ấy nữa. Hôn nhân không thể vội, phải không nào?
      Chuyện mười cô gái yêu anh cùng lúc chưa qua, đã xảy ra một chuyện khác mà tầm ảnh hưởng thì lớn hơn.
      Công ty phim tổ chức họp báo giới thiệu và công chiếu phim mới “Tình yêu không biên giới” ở một rạp trung tâm thành phố. Mãn cuộc, ngay trước cửa rạp, dưới ánh đèn màu sáng trưng, Đông Lai gặp một cô gái xinh đẹp đi bên anh, có đôi môi mọng đỏ, đôi mắt long lanh ướt. Không hiểu Đông Lai nghĩ gì, anh nắm lấy tay cô làm quen, nói: “- Tình yêu không biên giới đẹp quá! Bao nhiêu?” Bốp! Đông Lai nhận một cái tát, kèm theo câu: “- Nhà quê. Đồ thô lỗ!” Bốp! Cô gái nhận lại một cái tát, kèm câu: “- Gái đĩ già mồm!” Cô gái cúi xuống tháo từ chân đưa lên chiếc guốc cao gót nhọn hoắt, dứ. Đông Lai đưa tay xuống sườn mở khóa rút ra chiếc thắt lưng quấn một đầu vào bàn tay quay quay, ứng chiến. Lời lẽ đôi bên vượt tầm kiểm soát. Cảnh sát bảo vệ trước cửa rạp can thiệp, mời cả hai về công an phường với tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Sự việc thật ra chưa nghiêm trọng, nhưng Đông Lai không hợp tác khai báo nhân thân của mình nên anh bị giữ lại qua đêm vì người ta nghi anh thuộc diện đầu gấu. Hôm đó anh lại mặc chiếc quần bò mài và chiếc áo phông có in hình chim cò.
      Nhà tập thể cơ quan không thấy anh về ngủ trong đêm hết sức lo lắng. Không lo anh bị bắt cóc, mà lo anh gặp tai nạn giao thông. Văn phòng báo cho Tổng Biên tập. Ông cũng lo, chỉ thị cho người liên hệ tới các bệnh viện quanh đó. Không có thông tin về anh.
      Đầu giờ sáng hôm sau. Văn phòng nhận được cuộc điện thoại từ một nữ phóng viên của một tờ báo khác, cho biết tin Đông Lai bị công an phường gần rạp chiếu phim tạm giữ.
      Chánh văn phòng cười ré lên: “- Đông Lai ơi là Đông Lai. Dại dột quá. Một trong ba mươi sáu chước chim gái, không may gặp gái không ngoan, thì chọn chước chuồn chứ!”
      Chánh văn phòng được cử đón Đông Lai về. Mặc dù được Tổng Biên tập chỉ thị giữ kín, vậy mà chuyện đã đến tai các cô gái trong danh sách mười cô anh liệt kê xin cưới làm vợ ngay trong ngày.
      Chờ cho câu chuyện lắng xuống. Một buổi sáng mùa thu mát trời, Tổng Biên tập cho mời Đông Lai lên phòng ông. Ông tự tay pha trà ngon. Có cả đĩa bánh đậu xanh. Mời anh. Ông khen anh có giác quan phát hiện vấn đề, xét đoán chính xác và sâu kĩ, lại có tố chất quan hệ công chúng.
      Đông Lai cảm ơn ông về những đánh giá tốt đẹp đó.
      Hai người cùng uống nước. Ông nói:
      - Báo ta rất yếu công tác bạn đọc. Anh thấy đấy, văn phòng kiêm việc này không có nghề. Tôi quyết định đột phá khâu yếu này, bằng việc thành lập tổ bạn đọc chuyên biệt nằm trong văn phòng. Đến lúc nào đó nó phải là một Ban Bạn đọc. Tôi đề bạt anh làm tổ trưởng tổ bạn đọc. Anh sẽ có hai phóng viên nữ trẻ làm việc dưới quyền anh. Anh giúp tôi chứ?
      Lời lẽ thật ngọt ngào: “Đề bạt”, “Có hai phóng viên nữ dưới quyền”, “Anh giúp tôi chứ?” Đông Lai hoang tưởng nhưng cũng đa nghi. Tổng Biên tập đang dụ anh ngồi lên một chiếc ghế bọc nhung nhưng bên dưới có đanh. Nghĩ thế nhưng anh cũng thích có vùng trời riêng để khẳng định mình, dưới một người mà trên hai phóng viên gái trẻ. Anh nhận lời.
      Tổng Biên tập thở phào nhẹ nhõm, siết tay anh:
      - Tốt quá tốt quá. Chúc mọi điều tốt đẹp!
      Đông Lai viết một tờ trình kế hoạch xây dựng tổ bạn đọc. Ở đó anh đề ra rất chi tiết, từ tổ chức đến thực hiện các công việc của công tác bạn đọc, như thăm dò công luận, quan hệ công chúng, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, các chương trình tập huấn, các chuyên mục chuyên biệt dành cho bạn đọc. Có thể nói đó là đề cương hay.
      Qúa trình thực hiện ban đầu có hiệu quả. Nhưng rồi Đông Lai đã làm cho bài vở của các chuyên mục nóng dần lên, gay gắt lên, nhất là chuyên mục Điều tra theo thư bạn đọc, đã gây phản ứng dữ dội từ một số cơ sở, thậm chí phản ứng tới tận chính quyền thành phố.
      Tổng Biên tập vội tổ chức lại, đưa tổ bạn đọc về Ban Trị sự. Trưởng Ban Trị sự là một nhà báo cựu trào. Anh có đủ bản lĩnh kìm cương Đông Lai. Trưởng Ban Trị sự đã thành công trong việc này. Trước hết anh ta giao cho Đông Lai tập trung cho công tác biên tập. Xuống cơ sở điều tra giao phóng viên làm. Thứ hai, anh ta chuốt mềm các vấn đề nóng và nhạy cảm, gọt rũa gai góc và cạnh sắc nhọn. Gia tăng diện tích cho chuyên mục quan hệ công chúng.
      Đông Lai bị hẫng hụt. Anh đã thấy “đanh” tòi lên khỏi mặt “nhung”. Trong đầu anh định hình một suy nghĩ tiêu cực, rằng Tổng Biên tập đang trong quá trình hạn chế thậm chí kìm hãm năng lực của anh. Ông đang nhào nặn và biến hóa anh theo những gì ông thích hoặc không thích. Và tính cực đoan trỗi dậy: đã “đánh” anh thì anh “đánh” lại. Đánh dã man luôn.
      Đông Lai lặng lẽ viết một báo cáo về “Chống chủ nghĩa bá quyền của Tổng Biên tập”, mà đề từ anh viết ở đầu báo cáo, là vận dụng phương pháp luận từ Luận văn tốt nghiệp Khoa Ngữ văn anh vừa bảo vệ thành công – một văn bằng cử nhân hai – học tại chức Đại học Tổng hợp. Theo đó, anh vạch ra những sai trái của Tổng Biên tập từ tổ chức bộ máy đến chỉ đạo và điều hành tác nghiệp. Phần mạng lưới duy trì bá quyền, anh vẽ một sơ đồ tổ chức cơ quan, mà ở đó cán bộ chủ chốt các ban phòng có tới 90% là tay chân thân tín, còn 10% là ngậm miệng ăn tiền.
      Trong cuộc họp chi bộ biên tập, anh công bố báo cáo mười trang này, gửi mỗi đảng viên một bản, làm tất thảy tắc lặng. Điều mọi người không ngờ tới, là anh bỏ tiền một tháng lương thuê đánh máy in rô-nê-ô, và đã ra bưu điện gửi tới tất cả các trưởng ban ngành trong thành phố, cùng tất cả các Tổng Biên tập các báo tỉnh thành trong cả nước. Tổng Biên tập sốc, ông đổ bệnh.
      Đọc. Người ta không nghĩ xấu về ông Tổng Biên tập. Người ta cầm chắc tác giả của báo cáo này là một kẻ tâm thần phân lập. Nhưng cũng không thể coi như một chuyện bình thường.
      Cơ quan ai cũng sững sờ về hành động của Đông Lai, một hành động khó lường. Và nhìn anh với cặp mắt ghê sợ.
      Sau sự kiện này, Tổng Biên tập được thành phố điều ông sang làm Giám đốc một cơ quan truyền thông khác. Chị Phó Tổng biên tập được bổ nhiệm thay ông.
      Đông Lai có nhận xét tốt về chị: Chị biết người biết việc, xử sự mềm mỏng, hy vọng một sự hợp tác dễ chịu hơn.
      Chị Tổng Biên tập điều chuyển Đông Lai về Ban Văn nghệ, biên tập số Cuối tuần. Trưởng ban của anh là một nhà văn nổi tiếng, chắc anh có cách. Lí do đưa Đông Lai về Ban Văn nghệ rất thuyết phục, vì anh có viết văn, có truyện in trên văn nghệ địa phương. Văn nghệ thì không có đúng – sai, chỉ có hay và dở. Gai góc ư? Chỉ cần nói nó không hay. Không dùng. Bỏ. Không phải tranh cãi.
      Làm việc ở Ban Văn nghệ Đông Lai thấy thoải mái hơn, dễ chịu hơn. Đơn thuần là thu thập và biên tập tin bài về văn học nghệ thuật, đặt cộng tác viên viết và sáng tác. Tranh luận văn học nghệ thuật không gay gắt, giai thoại còn cười sảng khoái thú vị hơn. Trong môi trường làm việc không còn phải bức xúc những chuyện không đâu, tính tình Đông Lai dịu dần, cởi mở và không còn mặc cảm. Anh nói với chị Tổng Biên tập rằng anh nhẹ cả người. Chuyện cũ của Đông Lai cũng được mọi người lãng quên. Bên họ, chỉ còn một Đông Lai đã biết điều, tuy đôi khi nói năng vụng dại đến tức cười.
      Trong một bữa trưa ở nhà ăn tập thể,  chị Tổng Biên tập rủ Đông Lai cùng mấy cô phóng viên trẻ ngồi cùng bàn. Đông Lai cảm động. Chị Tổng Biên tập gợi ý:
      - Anh Đông Lai lấy vợ đi, chín rồi đấy!
      Một cô phóng viên trẻ phù họa:
      - Đúng. Để cho cân bằng sinh thái.
      Cười vang. Đông Lai cũng cười. Một cô khác:
      - Anh nêu tiêu chuẩn, chúng em chọn cho.
      Đông Lai giơ bàn tay xòe bốn ngón cụp lại ngón cái:
      - Bốn! – anh vừa nói vừa cụp lại từng ngón một: Trẻ. Đẹp. Đại học. Đảng viên.
      Chị Tổng Biên tập khẽ cười. Còn các cô gái trẻ cười vỡ tung, bắn cả cơm trong miệng ra bàn. Một cô thốt lên:
      - Ôi! Cao quá. Tuổi sinh viên sao là đảng viên được?
      Đông Lai không còn nóng tính. Nhưng chứng hoang tưởng thì vẫn.
      Năm năm sau, chưa gặp được đối tượng, anh hạ bớt một tiêu chuẩn: chưa đảng viên cũng được. Nhưng cần hội đủ điều kiện về lí lịch để có thể phấn đấu trở thành đảng viên.
      Thời gian tiếp tục trôi. Năm năm rồi năm năm nữa, Đông Lai vẫn ở vậy chờ gặp một cô gái hội đủ tiêu chuẩn. Nhưng mừng là anh không gặp rắc rối gì thêm.
      *
      Tôi nhận được quyết định về làm Tổng Biên tập báo. Thay chị Tổng Biên tập đến tuổi nghỉ hưu. Đông Lai vui vẻ tìm đến cơ quan thăm tôi, chúc mừng. Bởi hơn mười lăm năm trước tôi là Trưởng ban của anh. Anh vừa nghỉ hưu.
      Đông Lai già đi nhiều. Nhưng tóc lại đen khác thường. Có lẽ anh nhuộm không khéo. Xa nhau lâu. Rất nhớ. Với Đông Lai càng nhớ.
      Mặc dù vẫn nghe tin đầy đủ về anh, nhiều khi ngỡ giai thoại, rằng anh đã lấy vợ, cưới một cô gái trẻ, đẹp, lại đang là sinh viên như ý anh đề ra, tôi vẫn hỏi thăm để nghe anh xác thực:
      - Chuyện gia đình anh ra sao rồi?
      - Đã li dị!
      Tôi giật thót người như bị bỏng nước. Xin lỗi Đông Lai vì đã chạm tới nỗi đau nơi anh. Anh nói không sao. Anh tình nguyện mà. Tôi càng ngạc nhiên. Công phu đợi mấy chục năm ròng. Anh kể, và tôi hình dung ra thế này.
      Trong một cuộc triển lãm hàng tiêu dùng Việt Nam, anh đã gặp một  cô gái đang làm nhiệm vụ tiếp thị ở một gian hàng thủ công mỹ nghệ. Cô xinh đẹp, duyên dáng, giới thiệu rất hay, am tường ngành nghề truyền thống ở các làng nghề. Anh làm quen, tự giới thiệu là nhà báo.  Cô gái rất vui. Hỏi chuyện, anh được biết cô là sinh viên ngành tài chính kế toán Viện Đại học mở, nhận làm bán thời cho Công ty mỹ nghệ lấy tiền ăn học. Qủa là một cô gái giàu nghị lực. Hết ca, anh mời cô về nhà anh thăm, căn nhà bốn tầng anh mới xây rất đẹp, có khuôn viên vườn xanh tươi. Cô gái nức nở khen anh có con mắt kiến trúc hiện đại, tạo một không gian sống thoáng đãng và tiện nghi. Phong thủy tuyệt vời. Lại đến lần anh khen cô gái am tường kiến thức kiến trúc. Cả hai cùng cười âm vang căn phòng khách. Anh hỏi kĩ thêm, lòng tràn đầy xúc động khi biết cô sinh viên đã gặp nhiều khó khăn về tài chính, đã phải dừng học một năm xin bảo lưu kết quả học tập ở năm thứ hai, đi làm tích lũy tiền mới mong học tập tiếp hai năm cuối. Hoàn cảnh thật xót thương và quý trọng. Anh bày tỏ lòng mình khâm phục cô, yêu quý cô, nếu cô cho phép, anh xin tình nguyện giúp cô vượt qua khó khăn này để cô hoàn thành chương trình học tập của mình. Anh rưng rưng nói: “- Có công trồng cây mới hái quả. Thì tình yêu ấy mới là đích thực!”
      Cô gái cúi đầu cắn móng tay út, mặt đỏ dựng, e thẹn. Rồi ngập ngừng khẽ gật đầu “Vâng”. Anh định thuê xe đón cô về, nhưng cô một mực từ chối “để em tự đến”. Và cô đã mang đồ đến ở nhà anh ngay đêm hôm đó.
      Anh đưa cô tới trường xin học tiếp. Nộp học phí cho cô cả năm. Sắm cho cô một chiếc xe tay ga phân khối lớn để cô tới trường. Trang bị cho cô một chiếc iPhone để hai người tiện liên lạc. Những bộ đồ mặc đi học, mặc ở nhà, mặc đi chơi…mỗi tuần đi shopping khuân về không tiếc đắt. Anh chiều chuộng một cô gái trẻ kém anh ba chục tuổi sắp là vợ anh là xứng đáng quá. Trai tơ gái tơ. Còn cô, đi học về là siêng năng việc nhà, lau dọn, giặt giũ quần áo, nấu cơm. Có cô, anh có bữa ăn ngon, có quần áo là phẳng đứng. Anh tự hào về người vợ tương lai gần. Anh càng quý trọng cô hơn khi anh nài ép, cô đã khuyên anh đừng vội, sớm muộn là của anh rồi, và cô kiên quyết giữ trọn mình chờ tới ngày cưới dành cho đêm tân hôn thiêng liêng. Anh thật mãn nguyện. Rồi cưới. Cô mang thai. Sinh cho anh một chú cún con vào đầu năm học thứ tư, mặc dù thiếu tháng nhưng cún con vẫn khỏe mạnh tới ba cân tám. Cô lại phải xin bảo lưu kết quả học tập chờ nuôi con một năm. Rồi lại quyết tâm học. Có anh, cô đã vượt qua kì thi tốt nghiệp. Một cử nhân kinh tế.
      Nhờ bạn bè giúp, anh xin cho vợ vào làm ở một ngân hàng thương mại cổ phần. Thật đẹp. Anh mừng rỡ mở tiệc. Bạn bè tới chúc phúc đông vui. Nhiều người bây giờ mới có dịp ngắm nhìn đôi vợ chồng mà rất khó nhận ra anh chênh với vợ về tuổi tác. Bởi anh đã tới Spa chỉnh trang kĩ lưỡng.
      Anh có hai năm hạnh phúc. Đi đâu cũng cặp kè bên nhau, tuyệt vời nhất là khi shopping và ăn hiệu.
      Rồi một hôm anh đi làm về sớm hơn lệ thường. Bắt gặp vợ tiếp bạn trai trong nhà. Một chàng trai trẻ và mạnh mẽ. Chàng trai trẻ đó bế cún con lên tâng tâng trên đầu cười đùa âu yếm rồi hôn chút chít. Vợ anh thì quàng tay qua eo chàng trai cười nói điều gì đó rất chi âu yếm.
      Anh kiềm chế, bỏ đi. Thật khác với Đông Lai trước đây, nếu như thế này thì “lành làm gáo vỡ làm môi”. Từ xa theo dõi. Vợ anh tiễn bạn trai ra cửa, thấy xe anh dựng ở sân thì hoảng hốt. Chờ cho tối muộn anh mới về, coi như không có chuyện gì xảy ra. Vợ anh đã soạn một bữa ăn thịnh soạn khác thường. Ăn, anh tấm tắc khen ngon. Anh để ý thấy vợ anh có gì đó bất an. Đúng. Cô chờ đợi một trận nổi cơn thịnh nộ lôi đình đập phá tung tóe của chồng. Nhưng không. Về khuya, nằm bên vợ, anh mới âu yếm, nói:
      - Anh biết cả rồi. Nhưng thế này được không? Em hãy chấm dứt mối quan hệ ấy. Sắp xế chiều với anh rồi. Anh muốn một cuộc sống ổn định. Xin em và con ở lại với anh. Đừng đi!
      Nỗi sợ hãi đã thành lòng kính phục. Vợ anh bỗng ôm chầm lấy anh òa khóc. Khóc nức nở, khóc như cào xé tâm can, làm Đông Lai không kìm nổi lòng mình, cũng ôm ghì lấy cô vợ trẻ. Vợ anh càng khóc nấc lên, nói trong thổn thức:
      - Vơ…âng! Em xin lỗi. Đã lừa dối anh. Làm tổn thương tình yêu anh!
      Đông Lai phải vỗ về mãi cô vợ trẻ mới nguôi lòng.
      Tưởng đã êm. Bỗng một tháng sau Đông Lai nghĩ lại, quyết định li hôn. Anh nói với vợ trong trạng thái rất buồn:
      - Em ạ. Thật không dễ dàng gì với anh. Nhưng anh không thể ích kỉ cầm giữ em. Vô lí quá! Tài sản, anh sẽ dành cho mẹ con em một nửa.
      Vợ anh khóc. Xin anh đừng làm thế. Hãy tha thứ cho cô. Giờ thì cô yêu anh thực sự. Hãy tin cô. Anh đã mủi lòng. Nhưng rồi kiên quyết.
      Hôm sau. Vợ anh dậy sớm làm bữa sáng cho anh. Trong nước mắt nói lời từ chối tài sản anh chia, chỉ xin anh số quần áo anh đã mua cho cô. Và xin anh tha thứ.
      Đông Lai trao cho cô một bọc giấy trong đó có 500 triệu đồng, và nói cũng trong nước mắt:
      - Vậy em cầm lấy cái này. Phía trước, mẹ con em còn nhiều khó khăn.
      Tôi hỏi Đông Lai:
      - Sao anh lại làm thế?
      - Dẫu sao cô ấy cũng đã từng là vợ mình.
      - Anh kiếm đâu ra tiền. Số tiền không nhỏ?
      - Cho thuê một nửa căn nhà. Nửa ấy là của cô ấy mà!
      Ngồi trước mặt tôi giờ là một Đông Lai khác hẳn Đông Lai ngày xưa. Thể tất nhân tình. Độ lượng bao dung. Thì ra tình yêu đổi đời anh sau khi đã trải qua bao sóng gió cuộc đời mà anh đã không còn tin cậy ở tất cả. Tôi thấy mình có lỗi. Trong những năm ấy tôi đã chẳng làm được gì cho anh, bởi tôi nằm trong số 10% ngậm miệng ăn tiền.

     
     
KHI NGƯỜI TA THÀNH THẬT
Truyện ngắn của
KHIẾU QUANG BẢO

      Nước. Trên 0 độ là thể lỏng. Dưới 0 độ là thể rắn. Không có thể sột sệt. Giống như đen hoặc trắng. Như trái hoặc phải. Như chính hoặc tà. Như đúng hoặc sai. Chỉ có hai.
      Tính tôi vốn nhát. Thích ôn hòa. Muốn được lòng tất cả. Nên giữ mình trung dung. Là ba. Là anh “Ba Phờ”, đồng nghiệp gọi vui thế. Giữ được thăng bằng khi đứng trên một sợi dây căng ngang thật khó khăn.
      Suốt nhiều chục năm công tác tôi nhận ra điều đó. Không có gì lớn lao nhưng nhiều khi khó xử. Trong cuộc họp, tôi sợ nhất là biểu quyết giơ tay. Ủng hộ cách bỏ phiếu kín. Chẳng ai đọc được ý nghĩ mình. Tới thăm một đồng nghiệp bệnh nặng tôi mới kể chuyện này.
      Thực ra chuyện này rất nhỏ. Đáng quên. Nhưng tiền nhân Lão Tử lại dạy “Cần nhớ những điều đáng quên”. Chuyện xảy ra ở Đài truyền hình Thành phố nơi tôi làm việc. Ai sẽ được bổ nhiệm làm Giám đốc kế nhiệm ông Giám đốc đương nhiệm ba tháng nữa sẽ nghỉ hưu? Chỉ có vậy thôi mà xôn xao.
      Ai làm Giám đốc cũng thế cả. Đâu phải lần đầu. Từ ngày thành lập Đài Truyền hình Thành phố tới nay đã năm mươi năm tuần tự đã có gần chục lần thay đổi người lãnh đạo. Có người một năm, ba năm. Có người năm, sáu năm. Nhiều nhất có người tại vị chục năm. Lại cũng có trường hợp ra đi rồi lại trở lại. Phần lớn người ta quan tâm vì tò mò, và cũng để kiểm nghiệm dự đoán của mình. Tất nhiên “tân quan tân chính sách” ai cũng quan tâm, bởi vì nó là cuộc sống sát sườn. Nhưng đâu phải là người lãnh đạo quốc gia mà ta kỳ vọng những thay đổi tiến bộ nhìn thấy ngay sau một trăm ngày cầm quyền như ở các nước phát triển?
      Bởi có hai người “ đồng chí” của mỗi bên đối trọng, thì họ đợi chờ và hồi hộp thực sự là điều dễ hiểu. Đó là hai người phó trước đó đã được đưa vào diện quy hoạch cán bộ tại chỗ kế nhiệm Giám đốc. Mà tôi ( không biết có ai nữa không) lại trung dung. Sống bằng nghề thì dưới quyền ai cũng sống được.
      Sự hồi hộp đó đã ở đỉnh điểm vào một buổi chiều lúc ba giờ, diễn ra một cuộc họp gồm các trưởng phó ban, trưởng phó phòng - tức là các cán bộ chủ chốt trong cơ quan - để Đoàn của Tổ chức Thành uỷ xuống lấy phiếu tín nhiệm.
      Không có gì mới cả. Đó là cách làm thông thường của công tác tổ chức cán bộ, lấy ý kiến từ cơ sở để Thành phố có thêm một kênh thông tin tham khảo làm cơ sở cho việc bổ nhiệm cán bộ, vừa tránh được những sai sót, và cũng chặt chẽ về quy trình dân chủ.
      Ai cũng biết đó là chuyện thông thường, nhưng sao tâm trạng mỗi người dự họp lại khó đoán định. Có thể là Đoàn xuống hơi đông, đủ các ban của Thành uỷ dưới sự chủ trì của vị Thường vụ Thành uỷ - Trưởng Ban tổ chức. Lại có thể là trong phiếu thăm dò ý kiến, ngoài tên hai ông Phó Giám đốc B và C - đối tượng trong quy hoạch đào tạo cán bộ tại chỗ - lại có thêm trường hợp thứ ba: Nguồn từ Thành phố bổ nhiệm.
      Vậy là những đồn đoán bấy lâu diễn ra trong cơ quan, hoặc ở  bên bàn trà nơi căn phòng đóng kín cửa, hoặc ở hành lang khuất vắng, hoặc ở tiệm cà phê và quán bia ngoài cơ quan, là có lý.
      Ông Trưởng Ban tổ chức Thành uỷ có gương mặt khả ái, phong thái đĩnh đạc. Sau lời nói đầu về ý nghĩa, mục đích và cách thức lấy ý kiến tín nhiệm này, ông mong các cán bộ chủ chốt của Đài nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn vị trí người đứng đầu một cơ quan báo chí của một Thành phố lớn có tầm quốc gia - Cơ quan ngôn luận của Thành phố. Và ông cũng khẳng định rõ ràng rằng, sự tham khảo ý kiến này chỉ là một kênh trong nhiều kênh thông tin để Thành phố chọn lựa.
      Phiếu được trao cho mỗi cán bộ dự họp. Người ta lướt đi rồi lướt lại đọc nhanh trang giấy. Rì rầm một vài hội ý nhỏ với người ngồi bên. Chưa một ai vội đặt bút viết ngay. Có lẽ còn cân nhắc. Hai ông Phó Giám đốc B và C ngồi ở hai hàng ghế đối diện nhau, hình như đã ghi xong quyết định của mình, vì cây bút của cả hai người đã đặt ngay ngắn trên trang giấy trước mặt, cho thấy công việc đã hoàn tất. Ông Giám đốc đương nhiệm ngồi giữa hai ông Trưởng Ban tổ chức và Phó Trưởng ban tuyên huấn ghé sát vào nhau nói vài lời trao đổi gì đó, rồi cả ba cùng cười khẽ khàng.
      Không thể nói không khí cuộc họp căng nặng, mà cũng chẳng thể bảo là nó thoải mái.
      Bỗng nhà báo Minh Đ, trưởng một ban biên tập, xin hỏi. Ông Trưởng Ban tổ chức Thành uỷ “xin mời”. Nhà báo Minh Đ nói:
      - Xin đồng chí cho biết, trong quy hoạch cán bộ, Đảng uỷ đài đã thống nhất khi Giám đốc A nghỉ hưu, người kế nhiệm sẽ là Phó Giám đốc B. Vậy quy hoạch đó có còn… ý nghĩa không?
      Ông Trưởng Ban tổ chức Thành uỷ cởi mở cười, và nhẹ nhàng đứng lên:
      - Vâng. Đó là vấn đề đáng quan tâm. Thành uỷ cử chúng tôi xuống đây chính là để xin ý kiến của đồng chí về điều đó đấy!
      Rồi ông nói tiếp:
      - Nào, mời những ý kiến khác.
      Ông vẫn đứng như chờ để trả lời những câu hỏi tiếp theo.
      Vẫn là nhà báo Minh Đ, anh hỏi tiếp:
      - Nếu tôi có ý kiến khác với ba nội dung ghi trong phiếu thì sao? Thưa đồng chí.
      - Ở  cuối phiếu có mục “đề xuất”, đồng chí hãy viết vào đấy.
      Nhanh và gọn. Cuộc họp kết thúc sau ba mươi phút kể từ lúc bắt đầu cho tới sau khi chị nữ thư ký đoàn mủm mỉm cười, nhẹ nhàng lướt theo ba dãy bàn xếp hình chữ U để thu lại ba mươi ba tờ phiếu đã phát ra:
      - Thưa Trưởng đoàn, đủ! Ba mươi ba.
                                                       *
      Sau cái buổi chiều ấy đã để lại trong cơ quan không khí vui vẻ của một game show “dự đoán kết quả”. Tất nhiên, dự đoán là phải phân tích. Đã phân tích không thể không đề cập tới mặt mạnh, điểm yếu của từng ứng viên. Và điều đó khó tránh khỏi đôi khi quá lời, lỡ lời. Cái oái oăm  là các khả năng đều để ngỏ. Trong một bữa nhậu nhóm các nhà báo thạo tin (thường được gọi đùa là Thông tấn xã vỉa hè) gặp nhau dưới danh nghĩa một “bữa cơm văn phòng” tại quán bia Hải Râu, lại do nhà báo Trưởng biên tập Minh Đ mời. Chắc anh bức xúc, muốn “rút lưỡi” họ. Nhà báo Minh Đ là người tâm phúc của Phó Giám đốc B, và anh cũng được ông ưu ái hơn người.
      Một nhà báo nói:
      - Tớ nghe có tin đồn khá chắc. Thành uỷ xin một Trưởng ban - Uỷ viên Bộ biên tập ở một tờ báo lớn về. Nhưng anh ta từ chối, vì ở đó chân Phó tổng đang khuyết, mà nhân vật này lại là một ứng viên sáng giá.
      Một nhà báo khác:
      - Mình còn nghe được một tin từ một nguồn đáng tin cậy. Con người này có thể từ một Đài Truyền hình lớn sang. Nhưng cũng tắc ở chỗ, một vị lãnh đạo cơ quan Trung ương muốn lấy anh ta về làm người phát ngôn.
      - Thật nhiễu - một nhà báo thứ ba nói - Người ta còn đồn sẽ là một Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin sang nữa cơ.
      Một nhà báo ít lời nhất trong nhóm, giờ mới điềm tĩnh, góp chuyện:
      - Tào lao làm bia mất ngon. Chính những điều chúng ta vừa bàn tới, há chẳng phải nằm trong những kênh thông tin mà những nhà tổ chức thường “up” lên mạng để rồi “down load” sao? Biết đâu, lại là một ông Phó trưởng Ban tuyên huấn như đã từng. Thôi! Cạn!.
      - Nhưng …
      - Nhưng gì?
      - Họ không phải là nhà báo! - Minh Đ Thẳng thắn nói.
      - Vậy anh chắc anh là nhà báo đích thực chứ? Chúng ta đều là viên chức làm báo ăn lương ngân sách. Thử không có lương xem anh còn là nhà báo được không?
      Lời nói của Minh Đ: “Họ không phải là nhà báo”, đã gợi lại trong tôi chuyện cũ của Đài cách nay mười năm. Khi Giám đốc đương nhiệm được bổ nhiệm từ Ban tuyên huấn Thành uỷ về đây, rồi ứng cử vào Ban chấp hành Hội Nhà báo thành phố, Hội Nhà báo Việt Nam,  một nhà báo của Đài đã có đơn gửi Hội Nhà báo Việt Nam khiếu nại ông chưa từng là nhà báo. Khái niệm này đã nổ ra tranh cãi từ cơ sở đến các cấp hội. Ông là Phó Ban tuyên huấn nhưng chuyên theo dõi khối báo chí thành phố. Trước khi về đây ông còn được tu nghiệp ở nước ngoài chín tháng chương trình quản lý các đài Phát thanh - Truyền hình địa phương. Đủ chưa? Mười năm qua ông lãnh đạo xây dựng Đài Thành phố phát triển lớn mạnh có tầm quốc gia, quốc tế. Người ta thường nghĩ một mà chưa nghĩ tới một trăm, một nghìn, một vạn…
      Nghĩ thế, nhưng khi nhà báo ít nhời nhất hỏi tôi: “- Còn cậu nghĩ sao? Ba Phờ?” tôi giật mình suýt phun ngụm bia vừa tớp. Ho!
      Nhà báo ít nhời nhất không chờ tôi trả lời, biết thừa tôi ho là để tránh trả lời, anh quay sang nhà báo Minh Đ:
      - Mà cậu cũng vụng dại lắm cơ. Hôm nọ ấy. Lại đi hỏi về quy hoạch. Tổ chức họ rất tinh. Cậu đã cho họ thấy cậu là ai.
      Tôi nhớ, hồi còn trẻ được xem một bộ phim có tên “Người cá”. Đại ý phim nói rằng: Thấy cuộc sống quá phức tạp, quan hệ giữa con người và con người tham lam và dối trá, nhà bác học nọ đã cấy cho con trai mình một hệ hô hấp một phần ba thở bằng phổi còn hai phần ba thở bằng mang, để con trai sống dưới nước là chính, tránh xa xã hội con người. Nào ngờ, chàng trai con nhà bác học ấy một lần lên bờ, đã đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp ngay khi anh gặp cô ở một công viên cô đang đứng ngắm bức tượng cá voi phun nước. Vậy là xã hội con người vẫn kéo anh chàng “Người cá” lên bờ để hẹn hò. Và một bi kịch đã xảy ra, chàng trai chỉ ở được trên mặt đất mười lăm phút, lại phải xuống nước thở bằng mang khi mà cuộc tình tự còn dang dở. Cứ thế làm cho chàng trai kiệt sức héo mòn. Tôi nghĩ hoàn cảnh mình cũng không hơn gì chàng trai “Người cá”.
                                                                 *
      Cứ như một hội chứng, người ta đếm ngược thời gian chín mươi ngày cho đến cái ngày công bố Giám đốc mới. Rồi cái ngày đó đã đến.
      Hôm đó là ngày cuối tuần và cũng là ngày cuối tháng, để quyết định bổ nhiệm có hiệu lực ngay vào ngày mồng một tháng sau. Đối tượng dự họp vẫn là các cán bộ chủ chốt.
      Đoàn cán bộ Thành uỷ do Phó Bí thư thường trực dẫn đầu, với ba cán bộ cấp cao khác của Thành phố cùng dự: Phó Chủ tịch Thành phố, Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban tuyên huấn Thành uỷ…
      Trước khi công bố quyết định bổ nhiệm, Phó Bí thư Thành uỷ diễn giải đại ý rằng, Nghị quyết của Thành uỷ là, cần cơ cấu các cán bộ cấp uỷ Thành phố cho khối Văn hoá - Thông tin - Báo chí. Thành uỷ đã trao đổi chủ trương này với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, với lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin. Lãnh đạo Hội - Cơ quan quản lý nghề nghiệp, và lãnh đạo Bộ - Cơ quan quản lý Nhà nước đối với báo chí, đều rất hoan nghênh và ủng hộ chủ trương của Thành uỷ, bày tỏ cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Thành uỷ với hệ thống báo chí của Thành phố ta. Do đó, Thành uỷ quyết định bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyên N, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, nguyên Hiệu trưởng Trường đào tạo chính trị, về làm Giám đốc Đài.
      Rồi ông công bố quyết định bổ nhiệm.
      Tiếng vỗ tay rộn vang phòng họp khi Tiến sĩ Nguyên N đứng lên khẽ khàng cúi đầu chào mọi người, rồi sau đó đón cái bắt tay siết mạnh của ông Phó Bí thư Thành uỷ. Người xúc động nhất lại là ông Giám đốc đương nhiệm, ông bày tỏ niềm vui sướng bằng một động thái ôm hôn người Giám đốc kế nhiệm.
      Thật bất ngờ, vào phút chót. Công tác tổ chức cán bộ luôn là thế. Dự đoán rồi dự đoán mà chẳng một ai đoán trúng cả. Nhưng mọi người thấy hài lòng về sự lựa chọn bổ nhiệm này.
      Duy có nhà báo Minh Đ không vui. Ứng viên cận kề là Phó Giám đốc B có thể không vui đã đành. Anh bực bội về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, cho là một trò giả dối.
      “Ơ hay! Sao anh lại cạn nghĩ thế khi chính anh đang là Trưởng Ban thăm dò công luận của đài? Ở  đây, là nói không hết sự thật, và như vậy không có nghĩa là nói dối!”
      Ngược lại, Giám đốc đương nhiệm lại có cảm nhận khác mà ông đã có lần tâm sự với tôi, rằng Thành uỷ đã đánh giá cao ông trong mười năm qua, đã xây dựng và phát triển truyền hình Thành phố từ không đến có, từ nhỏ bé đến trưởng thành,  nay đang đứng ở tốp bốn đầu bảng các đài truyền hình trong cả nước. Để tương xứng, Thành uỷ đã bổ nhiệm một người kế nhiệm, về hình thức có tầm cỡ cao hơn ông. Cho đến sau này ông vẫn thường tự hào về điều ấy…
                                                    *
      Hai năm sau, nhà báo Minh Đ nghỉ hưu ở tuổi sáu mươi cùng lượt với tôi. Bẩy năm sau Minh Đ qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Trong một “Tin buồn” in trên báo, tin buồn ấy lại ghi nhà báo Minh Đ hưởng thọ bẩy mươi tuổi. Sao lại thế? Minh Đ cùng về hưu với tôi một năm, và cho rằng báo in nhầm. Sáu mươi bảy thôi. Tuổi Nhâm Ngọ. Về viếng Minh Đ tại quê ở một xã phía nam thành phố, tấm “Cáo phó” dán ở cổng nhà Minh Đ cũng ghi anh hưởng thọ bẩy mươi tuổi. Có nghĩa là tuổi thật của Minh Đ nhiều hơn ba so với tuổi lưu trong lý lịch cơ quan. Chuyện này chỉ có tôi biết, không nói lại với ai. Thắp một nén nhang cho nhà báo Minh Đ, tôi cảm nhận trong đáy lòng mình, thật xin lỗi, rằng chỉ khi lâm chung, người ta sẽ thành thật hơn.
      Về nhà. Tôi tự nhủ mình, cần dọn linh hồn trước, sớm hơn đi, đừng chờ tới phút lâm chung. Trên xa vời là Thiên đường, và dưới sâu kia là Địa ngục, mơ hồ  một cõi trong tâm trí tôi về sự trừng phạt. Lúc này, tôi thấy cần thành thật thú nhận rằng, hôm ấy, cái hôm bỏ phiếu tín nhiệm ấy, tôi đã bỏ phiếu trắng.