Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN BÍNH (kì 1)

Thái Kế Toại
Thứ bẩy ngày 2 tháng 12 năm 2023 11:21 AM

Cảm quan mùa xuân
Không rõ từ bao giờ tôi cứ quyến luyến với câu thơ này của Nguyễn Bính:
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bến sông kia
Mơ hồ, rất mơ hồ tôi bị ám ảnh bởi cái khát vọng của cô gái ở bến xuân kia, khát vọng về tình yêu, nhưng trước hết là khát vọng của sức sống do mùa xuân mang lại. Mặc dù cái khát vọng ấy rất ngắn ngủi với cô lái đò rồi trở thành vô vọng với người khách tình xuân lãng tử, nhưng nó vẫn luôn ám ảnh tôi, một người hậu thế không liên quan gì đến miền quê của Nguyễn Bính, nhưng nó cứ gợi cho tôi một cảm quan về mùa xuân của thời tôi đang sống. Nó mơ hồ nhưng liên quan đến một câu thơ của tôi sau này vào thời gian sắp đổi mới:
Bỗng nghe xa tắp chân mây động
Vòng sóng mùa xuân của vĩnh hằng.
Lý lịch
Nguyễn Bính sinh ngày 13-2-1918, tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Cha Nguyễn Bính tên là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, còn mẹ ông là bà Bùi Thị Miện, con gái một gia đình khá giả. Ông bà sinh được ba người con trai là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường), Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính.
Bà Miện mất năm 1918, lúc đó bà mới 24 tuổi. Để lại cho ông Bình ba đứa con thơ, khi đó Nguyễn Mạnh Phác mới sáu tuổi, Nguyễn Ngọc Thụ ba tuổi và Nguyễn Bính mới sinh được ba tháng.
Mấy năm sau ông Bình cưới bà Phạm Thị Duyên làm vợ kế. Bà sinh được bốn người con, hai trai hai gái.
Bà cả Giần là chị ruột của mẹ Nguyễn Bính, nhà bà lại giàu có, nên bà cùng ông Bùi Trình Khiêm là cậu ruột của Nguyễn Bính và là cha của nhà văn Bùi Hạnh Cẩn, đón ba anh em Nguyễn Bính về nuôi cho ăn học. Nguyễn Bính làm thơ từ thuở bé, năm 13 tuổi Nguyễn Bính được giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng.
Trúc Đường đỗ bằng Thành chung vào loại giỏi ở Hà Nội, được tuyển vào dạy học tại một trường tư thục ở Hà Đông, bắt đầu viết văn và làm thơ. Nguyễn Bính về ở với anh và được Trúc Đường dạy cho Văn học Pháp. Từ đó Nguyễn Bính gắn bó với Trúc Đường cả về văn chương lẫn đời sống.
Năm 1932, 1933 Nguyễn Bính có theo người bạn học ở thôn Vân lên Đồng Hỷ, Thái Nguyên dạy học.
Bài thơ của ông được đăng báo đầu tiên là bài Cô hái mơ. Năm 1937 Nguyễn Bính gửi tập thơ Tâm hồn tôi tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự lực văn đoàn. Từ năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong phú, trong đó chủ yếu là thơ tình. Cũng trong năm này Trúc Đường chuyển ra Hà Nội ở và đang viết truyện dài Nhan sắc, Nguyễn Bính tỏ ý muốn đi Huế tìm đề tài sáng tác. Trúc Đường tán thành nhưng không có tiền, ông đã cho Nguyễn Bính chiếc máy ảnh và về quê bán dãy thềm đá xanh ,vật báu duy nhất của gia đình đưa tất cả số tiền cho Nguyễn Bính.
Vào Huế Nguyễn Bính Gửi thơ ra cho Trúc Đường đọc trước, rồi đăng báo sau. Cuối năm 1941, đầu năm 1942, Trúc Đường nhận được nhiều bài thơ của Nguyễn Bính trong đó có: Xuân tha hương và Oan nghiệt. Sau đó Nguyễn Bính lại trở về Hà Nội, rồi lại đi vào Sài Gòn.
Lần chia tay cuối cùng với Trúc Đường là vào năm 1943, đến năm 1945 tin tức thưa dần. Năm 1946 thì mất liên lạc hẳn. Trong thời gian này Nguyễn Bính đã gặp nhà thơ Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây,...
Cũng trong thời gian này Nguyễn Văn Thinh Thủ tướng chính phủ "Nam Kỳ tự trị" có treo giải: Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính "dinh tê" theo chính phủ sẽ được thưởng 1000 đồng Đông Dương! Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được hưởng như thế . 1000 đồng Đông Dương hồi đó là cả một cơ nghiệp. Nhiều người là bạn Nguyễn Bính viết thư "thuyết khách" mời ông vào. Hồi đó ông đang lang thang ở Rạch Giá, ngày thì ăn ở nhờ một người bạn, đêm ra đình ngủ, ông chỉ có cái bao cói để chui vào cho khỏi muỗi, nên có nhiều người tưởng ông vào thành với Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ.
Nhiều người ở Nam Bộ hồi đó biết chuyện gọi Nguyễn Bính là có chí khí của một sĩ phu yêu nước.
Năm 1947 Nguyễn Bính đi theo Việt Minh.
Một thời gian sau, nhờ sự mai mối của ông Lê Duẩn, ông kết hôn với bà Nguyễn Hồng Châu một cán bộ Việt Minh. Ông sinh một con gái với bà này, đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Sau đó ông lại kết hôn với bà Mai Thị Mới, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh và lại sinh một con gái được đặt tên là Nguyễn Hương Mai.
Năm 1954 theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính không thuộc một cơ quan nào những cũng được gọi tập kết ra Bắc. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ, sau đó ra ngoài làm chủ bút báo tư nhân Trăm hoa.
1958 Nguyễn Bính được giới thiệu liên hệ xin làm việc tại Ty Văn hóa Nam Định.
Nguyễn Bính mất đột ngột ngày 20-1-1966 tại Nam Định.
Anh em :
Cùng cha mẹ (con bà Bùi Thị Miện)
Anh ruột: Nguyễn Mạnh Phác
Anh ruột: Nguyễn Ngọc Thụ
Cùng cha khác mẹ (con bà Phạm Thị Duyên)
Em trai: Nguyễn Thiện Căn
Em trai:Nguyễn Thiện Cơ
Em gái: Nguyễn Thị Tuyết (tức Yến)
Em gái: Nguyễn Thị Nhự
Vợ :
Vợ đầu: Nguyễn Lục Hà Tức Nguyễn Hồng Châu - cán bộ Việt Minh
Vợ hai: Mai Thị Mới tại Cà Mau.
Vợ ba: Phạm Vân Thanh không chính thức, làm việc tại tòa soạn báo Trăm Hoa.
Vợ tư: Trần Thị Lai, bán hàng xén tại chợ Rồng Nam Định.
Con :
Nguyễn Bính Hồng Cầu - Con bà Hồng Châu . Bà Hồng Cầu sau là nhà thơ, Phó Giám đốc Nhà xuất bản văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Nguyễn Hương Mai con bà Mai Thị Mới. Bà Mai sau là Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, rồi Trưởng Ban Văn hóa Xã hội tỉnh Bến Tre
Nguyễn Hiền con bà Phạm Vân Thanh mất tích khi còn nhỏ.
Nguyễn Mạnh Hùng con bà Trần Thị Lai hiện đang sinh sống ở Nga
Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ... Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại. Đã in 26 tập thơ và 2 vở chèo
Ngoài những tác phẩm kể trên, còn một số bài thơ viết trong những năm 1964, 1965 và 1966 chưa kịp xuất bản.
Nguyễn Bính được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ của ông. Có đến 19 bản nhạc, nhiều bài nổi tiếng như Tiểu đoàn 307, Cô hái mơ, Cô lái đò, Chân quê…
Tại sao thơ Nguyễn Bính quyến rũ
Cũng như nhiều nhà nghiên cứu phê bình khác tôi luôn tìm cách cắt nghĩa tại sao thơ Nguyễn Bính lại được đông đảo quần chúng yêu thích và có sức quyến rũ lâu bền.
Nhà phê bình Thụy Khuê có một bài viết công phu lý giải :
‘Thơ Nguyễn Bính kết hợp hai thể loại trên đây: thể ngâm của Cung oán và Chinh phụ và thể thoại của các truyện nôm: Hoa tiên, Kiều... Nói khác đi thơ Nguyễn Bính là tự truyện kết hợp với tiểu thuyết.
Tác phẩm Lỡ bước sang ngang cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của hai dòng thi ca cổ điển này. Nếu Cung oán và Chinh phụ là những khúc ngâm của người đàn bà thế kỷ XVIII, thì Lỡ bước sang ngang là khúc ngâm của người đàn bà đầu thế kỷ XX. Khúc ngâm nào cũng gắn bó với hai niềm đau: Tình thế bi đát của đối tượng mà tác giả đưa ra, và niềm đau nội tâm của chính tác giả. Đối tượng trong Cung Oán và Chinh phụ chúng ta đã rõ. Đối tượng trong Lỡ bước sang ngang, ở ngay trong đề, là lời than của một thiếu phụ lấy người mà mình không yêu. Và đây cũng là bi kịch chung của người phụ nữ đầu thế kỷ XX mà những ngòi bút thời ấy không mấy ai không viết, từ Hoàng Ngọc Phách đến Khái Hưng, Nhất Linh, qua TTKh. Theo Bùi Hạnh Cẩn, anh họ của Nguyễn Bính, trong cuốn Nguyễn Bính và tôi (nxb Văn Hoá Thông Tin, tái bản 1999) thì đối tượng ngoài đời của bài thơ là Th, người yêu của nhà thơ Trúc Đường, anh ruột Nguyễn Bính. Nguyễn Bính đặt tên cho người đàn bà này là chị Trúc. Chị Trúc trở thành đối tượng của nhiều khúc ngâm. Trong những giây phút đau thương nhất của đời mình, Nguyễn Bính thường làm thơ gửi cho chị Trúc, viết về niềm đau của chị Trúc như niềm đau của chính mình. Chị Trúc là một nàng thơ, là một ảnh thật và ảnh ảo chập chùng. Thân phận lỡ làng, nổi trôi của chị Trúc cũng là thân phận lênh đênh lạc loài của Nguyễn Bính.
Lỡ bước sang ngang còn là một truyện nôm. Nguyễn Du khi viết truyện Kiều đã chịu ảnh hưởng của Nguyễn Huy Tự trong Hoa tiên, và Nguyễn Bính khi viết Lỡ bước sang ngang đã lấy Nguyễn Du làm mẫu.
Chúng ta thử đọc đoạn Thúy Kiều dặn dò Thúy Vân trước khi đi vào cuộc đời mưa gió, Nguyễn Du viết:
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy, rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa, mặc em.
Nguyễn Bính viết:
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương’’
Nói về thi pháp Nguyễn Bính tức là nói về một dòng thơ không thi pháp. Nguyễn Bính đã vô hiệu hoá tất cả những quy luật về thi ca từ trước đến giờ. Bởi tất cả những lý thuyết về thơ, đại loại như: ngôn ngữ thơ phải là một thứ ngôn ngữ độc đáo phi thường, thoát khỏi phạm vi của lời nói hàng ngày. Nhà thơ phải bóp méo ngôn ngữ thông dụng bằng những thủ pháp ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ... để đạt tới ngôn ngữ thơ, mà mỗi chữ phải có một giá trị riêng biệt, khác với công dụng của nó trong ngôn ngữ hàng ngày v.v... Nói khác đi, thơ phải là những câu với lời lẽ trác tuyệt như thơ Ôn Như Hầu: Trải vách quế gió vàng hiu hắt / Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.
Tất cả những nguyên tắc ngôn ngữ thơ ấy đối với Nguyễn Bính đều vô dụng. Thơ Nguyễn Bính chính là tiếng nói hàng ngày, là ngôn ngữ chúng ta thường dùng để nói chuyện với nhau, không có gì khác cả, Thơ Nguyễn Bính là lời mẹ dỗ con gái trong buồng, trước khi nhà trai đến đón dâu:
Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc nín đi không
Nín đi mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi các chị trông”
Cùng ý như Thụy Khuê nhà văn Tô Hoài cũng nhận xét “ Nguyễn Bính có tài làm thơ bẩm sinh. Nguyễn Bính chẳng khác gì một người tài kể chuyện cứ nhẩn nha nói về mọi thứ quen thuộc quanh mình mà khiến ta phải chú ý…”
Còn một lý do nữa, theo tôi là thơ Nguyễn Bính đã rung lên đúng cái điệu tâm hồn xã hội đương thời, làn sóng đô thị hóa nông thôn đang diễn ra. Một thứ tình yêu tiểu tư sản thành thị đang lan vào thanh niên làng quê và một tâm lý lo sợ nếp sống, tình cảm con người bị xói mòn bởi bởi cái chất thành thị ấy. Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Vì thế thơ ông đã trở thành sách gối đầu giường của các tiểu thư, các bà hàng xén, bộ phận thị dân mới của thành thị…
Bản năng sống làm nên thơ và bi kịch đời thi sỹ
Nhà văn Tô Hoài người bạn thân của Nguyễn Bính nhận xét bạn mình như sau: “Con người anh trông lôm lam lắm. Tay chân thô nhám quềnh quàng, lúc nào cũng lừ đừ thủng thỉnh, như ‘’ông từ vào đền”, như người thong thả đi giữa làng. Lại lam lũ như người lướt mướt từ đồng sâu mò lên, dầu cho anh đương mũ áo chững chạc trên đường phố”.
Một người bạn thân khác, nhà văn Ngọc Giao : “Thi nhân Nguyễn Bính quả là một thi nhân rất dễ thương khi anh say lúy túy. Bộ mặt da nâu lúc nào cũng như nhẫy mồ hôi. Vẻ mặt nghiêm nghị lúc nào cũng ngậm miệng, không có chén bên tay trái mà chỉ có bút bên tay phải… Uống khó bao nhiêu thì ăn mặc, nhất là mặc, cẩu thả không ai nói được”.
Nữ sĩ Anh Thơ, ghi lại trong hồi ký Từ bến sông Thương mối tình của bà với B. Lúc đầu yêu nhau qua thư từ, rằng hai người đã “tha thiết yêu nhau” “người trong mộng, người lý tưởng, người tôi yêu bằng cả trái tim thơ tha thiết” .
Bà kể lại về lần gặp mặt: “Tôi nhớ lại cảnh Kim Trọng “lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng” gặp Thúy Kiều. Chàng là một thi sĩ thủ đô, hẳn là hết sức trang nhã, biết mọi kiểu cách lịch sự để quý yêu tôi... Bỗng từ quán nước đầu cầu sông Thương, một anh chàng thân hình lùn ngắn, cái đầu hơi to, sù lên những tóc, tay vất vội chiếc điếu cày đang hút dở, xông lại trước mắt tôi, nhe hai hàm răng đen cáu nhựa thuốc, cười sát mặt tôi...”
Rồi bà giải thích sự tan vỡ này bằng cử chỉ của Nguyễn Bính “một cái hôn bất ngờ chộp lên má tôi”, khiến bà phải “thất thanh” gọi anh bà, bởi bà là “con nhà nề nếp” cho nên "không thể nào yêu được B, nên B luôn luôn bị thất vọng, từ cô này tới cô khác, và phải tìm quên ở tiệm hút, lầu xanh”.
Với tính cách như thế Nguyễn Bính sống hồn nhiên giữa mọi người. Chỗ nào cũng sống được, việc gì tổ chức giao cũng làm, thơ về cách mạng làm lúc nào cũng được, nhất là việc nghe lời Tô Hoài, bỏ cơ quan Nhà xuất bản Văn nghệ ra làm báo tư nhân Trăm hoa, về Nam Định làm nhân viên hợp đồng cho Ty Văn hóa…Sống hồn nhiên giữa đói khổ, nghèo túng và sự rẻ rúng của cơ quan, dễ dãi với cả sự yêu đương, hôn nhân và những đứa con của mình, bỏ quên đứa con sinh ra ở Hà Nội…
Tỉnh giấc chiêm bao về thời cuộc
Khi chủ trương tiếp nhận tờ Trăm Hoa, Nguyễn Bính viết bài Tỉnh giấc chiêm bao, trên Giai Phẩm Mùa Thu, Tập I, tháng 8/1956 với những câu thơ đắng cay, hai nghĩa, có thể hiểu là sau chuyện nhân duyên trắc trở của mình là câu chuyện với cách mạng đang rạn vỡ.
Khi nghiên cứu Nhân Văn Giai Phẩm tôi được biết trong số văn nghệ sỹ tập kết ra Hà Nội tập trung ở số 2 Cổ Tân có một số người dị ứng với văn nghệ sỹ ở Việt Bắc về, với thói quan liêu, bè phái, hống hách, những căn bệnh như như hai ông Trương Tửu và Phan Khôi đã công khai phê phán trong hai bài báo Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ, Phê bình lãnh đạo văn nghệ trên các số Giai Phẩm. Một số người trong số đó đã tham gia Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm như Phan Vũ, Trần Thanh Bình…hoặc chiêu hồi sau khi trở lại miền Nam như Xuân Vũ, Phan Thế, Tô Minh Trung...
Vẫn bà Thụy Khuê viết:
“Trong Tỉnh giấc chiêm bao, Nguyễn Bính ví cuộc đời chín năm cách mạng của mình như một cuộc tình ngang trái. Từ rừng sâu người kháng chiến trở về với thực tại:
Chín năm đốt đuốc soi rừng
Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân
Và nhớ:
Anh về, luyến núi thương rừng
Nhớ em, đêm sáng một vừng thủ đô.
Nhưng quá khứ chỉ là giấc mộng, bởi mối tình đã vỡ:
Tình sao không phụ mà ra phụ tình
Duyên nhau đã dựng Trường đình
Mẹ em đã xé tan tành gối thêu...”
Cuối tháng 12/1957, Nguyễn Bính làm xong một truyện dài bằng thơ 2000 câu, tựa đề Tiếng trống đêm xuân, toàn bài không biết phiêu bạt nơi đâu, may có một trích đoạn được in trên tuyển tập Nguyễn Bính (nxb Văn Học, 1986). Và qua trích đoạn này, chúng ta có thể hiểu Nguyễn Bính đã thuật lại bi kịch Cách mạng và Nhân Văn dưới dạng hát chèo:
Hội làng đèn đuốc như sao
Đêm chèo tiếng trống giáo đầu nổi lên
Mặt hoa quạt bướm che nghiêng
Bước ra cô nữ làm duyên đưa tình
Cùng trong chiếc chiếu giữa đình
Mà bao nhiêu cảnh nhiêu tình bày ra
Đương ngục thất hoá vườn hoa
Buồng the trướng gấm hoá ra chiến trường
.....
Người xem khi giận khi thương
Khi yêu khi ghét khi mừng khi vui
Suy ra muôn việc ở đời
Rõ ràng như tấm gương soi bóng lồng
Giận thằng bán rượu Lý Thông
Tham mồi phú quý cướp công bạn hiền
Giận vua Trang dạ đảo điên
Giết người nho sĩ, ép duyên má đào
Ghét phường Lư Kỷ quyền cao
Chẳng chăm việc nước, chỉ mưu hại người
Ghét con mụ Tú già đời
Buôn người trinh tiết kiếm lời mà ăn
Khinh đồ mặt nhọ Sở Khanh
Mảnh tiên Tích Việt chối quanh được nào
Khinh tên bố vợ họ Hầu
Hối hôn con gái ra màu bạc đen
Thương nàng Thị Kính oan khiên
Đã nương cửa Phật chưa yên tội đời
Thương Kiều tài sắc vẹn đôi
Chuộc cha mười mấy năm trời gian truân”.
Nguyễn Bính trong màn kịch cuối cùng, vẫn giao lưu hai dòng thơ ngâm khúc và truyện nôm, vẫn dùng ngôn ngữ hàng ngày, cho nên ông đã tạo ra một địa bàn đời rất rộng, mà những nhà thơ đương thời, không mấy ai đạt được. Thơ Nguyễn Bính đi sâu vào sinh hoạt đời sống, vào phong tục của dân quê, đám cưới đám ma, rượu chè đình đám, vào những cuộc đi, vào địa hình sông núi. Cả đến những bức tranh thời sự, về thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm do tay ông vẽ lại, trong thơ”.
Báo Trăm hoa và Nhân Văn Giai Phẩm
Việc Nguyễn Bính tự dưng bỏ cơ quan là Nhà xuất bản Văn nghệ ra làm Chủ bút báo tư nhân Trăm hoa là việc nhiều uẩn khúc, khó hiểu với nhiều người. Có một người viết lại chuyện Nguyễn Bính khá sớm là nhà văn Tô Hoài trong cuốn hồi kí Cát bụi chân ai. Thực ra nguyên nhân là do cách trình bày của ông Tô Hoài, ông chưa dám nói thật hết bản chất sự việc.
Về báo Trăm hoa ông Lại Nguyên Ân đã có bài khảo cứu công phu. Tôi xin trích lại những đoạn cần thiết:
Trên thực tế có hai tờ Trăm hoa :
1/ Đầu tiên là tuần báo Trăm hoa do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm, ngoài tên gọi Trăm hoa ( đặt theo tinh thần "trăm hoa đua nở" đang là khẩu hiệu đương thời ở Trung Quốc, tinh thần này được nói rõ ở lời mở đầu số 1 của toà soạn) còn có phụ đề là "tuần báo tiểu thuyết", toà soạn đặt tại 15 Hai Bà Trưng, Hà Nội, gọi là tuần báo nhưng khuôn khổ lại có vẻ "tạp chí" nhiều hơn. Số 1 ra ngày 2/9/1955. Tờ Trăm hoa loại cũ cỡ nhỏ này ra được cả thảy 31 số, tồn tại từ tháng 9/1955 đến giữa tháng 5/1956; ban đầu trang bìa chỉ ghi chức danh Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Phác; từ số 11 (19/11/1955) trên tiêu đề mới xuất hiện thêm chức danh Chủ bút Nguyễn Bính.
2/ Tuần báo Trăm hoa do Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là Trăm hoa loại mới, toà soạn đặt tại 17 Lê Văn Hưu, Hà Nội; số 1 loại mới ra ngày thứ bảy 20/10/1956; sau số 11 (chủ nhật 6/1/1957) là hai số cuối cùng, đều không đánh số: Trăm hoa Xuân, và Trăm hoa số đặc biệt đầu Xuân, đều phát hành trước và sau Tết Đinh Tỵ. Trăm hoa số thường gồm 8 trang in typo 28x40cm giá bán 300đ; hai số cuối là hai đặc san: Trăm hoa Xuân gồm 24 trang giá bán 1000 đ, phát hành từ 23 Tết; Trăm hoa số đặc biệt đầu Xuân gồm 16 trang giá bán 600 đ, phát hành đầu xuân Đinh Tỵ. Gọi là ban biên tập tòa soạn nhưng thực tế chỉ có bốn người đó là: Nguyễn Bính; Nguyễn Thị Hạnh (con gái Nguyễn Mạnh Phác); Phạm Vân Thanh (vợ Nguyễn Bính); và một người được Nguyễn Bính tuyển từ Nam Định lên tên là Trần Đức Quyền, ông này lấy bút danh là Tùng Quân
Cả hai tờ Trăm hoa và Trăm hoa loại mới đều là báo tư nhân. Trăm hoa của ông anh là Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường) bị "chết" vì lỗ vốn, thì ít lâu sau ông em là Nguyễn Bính tục bản thành Trăm hoa loại mới, và tờ này cũng lại "chết" vì lỗ vốn . Ở miền Bắc khi đó báo chí và xuất bản tư nhân còn được phép tồn tại, nhưng phải chịu nhiều thiệt thòi và bị chèn ép mạnh: phải bán với giá cao vì phải mua giấy giá cao hơn so với giá cung cấp dành cho các báo nhà nước và đoàn thể; các cơ sở phát hành lớn của hệ thống "hiệu sách nhân dân" không nhận bán các báo tư nhân; ngoài ra còn một trở ngại đáng kể là cán bộ chính quyền và đoàn thể các địa phương thường gây trở ngại cho phóng viên và người phát hành các báo tư nhân.
Thời gian này bài thơ dài Gửi người vợ miền Nam của Nguyễn Bính đã nhanh chóng được in thành sách riêng và ông trở thành một trong những tác giả nổi bật ngay từ đầu của mảng đề tài "thơ đấu tranh thống nhất". Nhưng có vẻ như ông còn sẵn sàng nhúng bút vào nhiều đề tài thời sự khác của đời sống miền Bắc, ví dụ đề tài cải cách ruộng đất. Truyện ngắn Bức thư tuyệt mệnh (TH, s.13, ngày 3/12/1955), bài thơ Hình ảnh chị (TH, s.14, ngày 10/12/1955) đều có chung mô-tip tố cáo tội ác địa chủ.
Tuy nhiên, sang năm 1956, dường như ở Nguyễn Bính có những biến chuyển nào đó, − điều này bộc lộ rõ nhất ở những số đầu của tờ Trăm hoa loại mới do Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm; thậm chí cũng đã bộc lộ ở một số bài đăng ở những số Trăm hoa cũ ra đầu năm 1956.
Có thể tin rằng một trong những lý do đưa tới biến chuyển ấy là việc Giải thưởng văn học 1954-55 được Hội Văn nghệ Việt Nam công bố (15/3/1956), gây phản ứng mạnh trong giới văn nghệ sĩ. Tất nhiên sẽ khó thấy điều đó thể hiện trên báo chí chính thống, ví dụ trên tờ Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam. Chỉ trên báo hoặc ấn phẩm tư nhân mới thấy rõ sự phản ứng ấy mà rõ nhất là bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa thu tập I. Theo bài mở đầu Trăm hoa loại mới (20/10/1956) thì Trăm hoa loại cũ cũng đã từng động đến giải thưởng này, cụ thể là đã đăng 3 bài phê thơ Xuân Diệu, hẳn là phê tập Ngôi sao, nêu nhận xét rằng tuy chất lượng kém nhưng Ngôi sao lại được trao giải nhì (3 bài phê bình này có lẽ Trăm hoa (cũ) đăng khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/1956, không nằm trong các số Trăm hoa hiện còn trong các sưu tập ở Hà Nội). Đọc một đoạn bài mở đầu ấy mang tên Hoa lại nở ở trang đầu số 1 Trăm hoa loại mới (tục bản) cũng thấy một giọng điệu khác hẳn Trăm hoa cũ.
Nguyễn Bính đã dành trang phê bình của 2 số đầu Trăm hoa loại mới cho bài viết của chính mình về giải thưởng văn học 1954-55, nhan đề: Vì những sai lầm nghiêm trọng, cần phải xét lại toàn bộ giải thưởng văn học 1954-1955; dưới nhan đề là mấy dòng chapeaux in đậm: "Đề nghị đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì. Loại tập thơ Ngôi sao và một số quyển không xứng đáng. Bổ sung một số tác phẩm khác". Đây là bài tiểu luận vào loại khá hiếm hoi trong đời văn Nguyễn Bính, trong đó tác giả đã trình bày thẳng thắn ý kiến của mình về một sự kiện đang chia rẽ giới nhà văn vừa tập hợp về Hà Nội sau kháng chiến chín năm.
Xin dừng lại kỹ hơn ở bài này của Nguyễn Bính:
Bản thảo tập thơ Ngôi sao đã đưa cho nhà xuất bản Văn nghệ xem. Toàn thể anh em văn nghệ công tác ở nhà xuất bản đều thấy là dở quá (Tô Hoài, Kim Lân, Phùng Cung, Nguyễn Bính, v.v...), không đồng ý cho in; quyển đó cứ bỏ lay lắt mãi 4 - 5 tháng. Nhưng cấp trên cứ giục phải in. Túng thế, anh em đành lựa một số bài không đến nỗi tồi lắm đưa sang nhà in Quốc gia ( lúc ấy còn coi cả việc phát hành sách báo) thì bên đó cũng không chịu in. Vì lẽ "thơ Xuân Diệu không có độc giả". Xuân Diệu lại vận động mãi với cấp trên, sau bất đắc dĩ nhà in Quốc gia nể quá mới in cho 1500 quyển. Khi in ra, tập Ngôi sao đã bị dư luận chỉ trích rất nhiều. Điều đó thiết tưởng Thường vụ Hội phải biết rõ hơn ai hết. Xin nói thêm rằng hồi cho in tập Ngôi sao là hồi mà nhà xuất bản Văn nghệ cùng đóng chung một căn nhà với Thường vụ Hội (51 Trần Hưng Đạo), Thường vụ Hội mặc dầu có bưng tai bịt mắt đến đâu chăng nữa chắc cũng phải nghe dư luận ở những anh em cùng chung một nhà ở, cùng chung một bàn ăn, đối với tập Ngôi sao. Vậy mà đến lúc chấm giải vẫn cứ để cho nó được giải. Mà lại giải nhì! Như thế thì hiền như bụt cũng phải thắc mắc.
Tập thơ Việt Bắc được giải nhất thì không ai lấy làm lạ (như đã trình bày) chứ đến như tập Ngôi sao mà đứng giải nhì thì anh em lấy làm lạ quá! Anh em lạ quá là vì anh em không thể tưởng tượng được rằng lại có một cuộc xâm phạm trắng trợn vào văn nghệ như thế ? Anh em lạ quá là vì anh em không thể ngờ ban giám khảo lại có thể khinh thường văn nghệ, khinh thường anh em và quần chúng đến mức ấy. Anh em cho đó là một cái nhục. Nhục cho anh em. Nhục cho văn nghệ. Nhục cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55. Anh em thắc mắc cao độ và thấy rằng cần phải đấu tranh. Hai ông Huy Cận và Hoài Thanh trong ban chung khảo tại sao lại "tích cực bênh vực cho tập Ngôi sao"(lời ông Nguyễn Tuân). Ông Hoài Thanh trước cách mạng đã biết chọn lọc các bài thơ hay của các thi sĩ để soạn thành quyển Thi nhân Việt Nam, có phê phán. Ông Huy Cận, tuy bây giờ là Thứ trưởng bộ Văn hoá, nhưng trước kia đã từng là một nhà thơ có tiếng tăm. Thế thì đối với một tập thơ dở như tập Ngôi sao, tại sao hai ông lại tích cực bênh vực ? Có phải tại ông Huy Cận và Xuân Diệu chỉ là một, còn ông Hoài Thanh vụ trưởng vụ nghệ thuật thì lại là cấp dưới của ông Huy Cận hay không? Theo ý chúng tôi, cái chuyện đó là bè phái rõ ràng chứ không phải nể nang luộm thuộm. Chúng tôi kết luận rằng: ở bộ môn nào thì chưa biết chứ trong việc chấm giải thơ thì nhất định là có bè phái."
Cuối cùng, Nguyễn Bính nêu những đề nghị cụ thể.
"Muốn cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55 có giá trị toàn vẹn, chúng tôi có ý kiến đề nghị cụ thể như sau :
Về giải thơ: Nên đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì; tập thơ ấy tuy có giá trị thật, nhưng chưa xứng đáng được giải nhất, vì lẽ nó chưa hẳn là một tập thơ tiêu biểu. Loại tập thơ Ngôi sao và tập Thơ chiến sĩ ra khỏi giải thưởng. Tập thơ Chú Hai Neo và tập thơ của Tú Mỡ nên để xuống giải khuyến khích. Cả tập ca dao của Nguyễn Hiêm cũng nên loại ra khỏi giải thưởng.
Về giải bút ký và kịch : Nên loại tập bút ký Nam Bộ mến yêu và cái kịch Việt ơi! ra khỏi giải thưởng.
Về giải tiểu thuyết : Nên loại tập truyện Cái lu ra khỏi giải thưởng. Xét lại tập truyện Đất nước đứng lên xem nên để giải nhất hay nên cho xuống giải nhì, vì tập truyện ấy chưa đúng nội dung một quyển tiểu thuyết. Xét lại thứ bậc quyển tiểu thuyết Anh Lục.
Về ngành nhạc xin nhường ý kiến cho các nhạc sĩ. Tôi vốn không rành về nhạc nên không dám có ý kiến. Và nên bổ sung một số tác phẩm có giá trị, cụ thể như những quyển tiểu thuyết Người người lớp lớp, tập thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, v.v..."
Tờ Trăm hoa loại mới của Nguyễn Bính còn theo đuổi việc thảo luận về giải thưởng văn học này ở những số sau, chẳng hạn số 3 (4/11/1956) đăng ý kiến một cây bút miền Nam tập kết là Phạm Tường Hạnh, cho rằng bài nói lại của Nguyễn Tuân (tổng thư ký Hội Văn nghệ và trưởng ban giám khảo) bênh vực hai cuốn Nam Bộ mến yêu của Hoài Thanh và Ngôi sao của Xuân Diệu, "vô hình trung đã phủ nhận dư luận của anh chị em văn nghệ sĩ" về hai cuốn đó. Đến cuối năm 1956, có lẽ nhận thấy những hứa hẹn sửa lại giải thưởng đã gần như trở thành lời hứa hão, số 6(2/12/1956) trong mục "Chuyện làng ta",Tường Vi nhắc lại câu hỏi: sau góp ý của văn nghệ sĩ và của dư luận, số phận giải thưởng văn học 1954-55 có gì thay đổi không, nhất là đối với cuốn bút ký Nam Bộ mến yêu và tập thơ Ngôi sao ?
Nói chung, đọc lại tờ Trăm hoa, nhất là Trăm hoa loại mới, người nghiên cứu thời nay sẽ thấy rõ tờ báo này có vai trò bổ sung đáng kể cho một đời sống văn học đang bị độc tôn hoá, chính thống hoá, phiến diện hoá, với cách làm sẽ trở nên phổ biến về sau là trong khi một số thông tin được tập trung tô đậm làm nổi bật thì khá nhiều thông tin khác bị cố tình ém nhẹm vào bóng tối. Vai trò bổ sung này thể hiện ở nhiều bài mục, từ đưa tin và điểm tin văn nghệ, đăng bài điểm sách hoặc phê bình, đăng sáng tác mới, đến "nhặt sâu hoa",− tên đề mục khá hay, lại gắn với tên ký giả Trại Hàng Hoa (hẳn vẫn là Nguyễn Bính?) dành riêng cho mục này. Không có tờ báo loại này hẳn hậu thế không thể hình dung được rằng Tú Mỡ cũng bị phê phán đích đáng vì những chữ dùng "kém cỏi, tối tăm" trong thơ trào phúng (số 4, 11/11/1956). Không có loại báo này sẽ ít ai biết là hồi ấy đã xuất hiện lối xin-cho sẽ rất phổ biến những năm về sau: Hội Văn nghệ định cử Hoàng Cầm vào đoàn văn nghệ sĩ đi thăm Liên Xô, nhưng lại thôi, "chắc tại Hoàng Cầm còn bận việc viết báo Nhân văn", lại định cử Hồ Dzếnh và Mộng Sơn đi thay, rồi lại thôi, "chắc tại Hội đã trả hai người lại cho văn nghệ sĩ Hà Nội rồi", nghe nói sẽ cử Nguyễn Văn Bổng và Anh Thơ đi, vì hai người này "không bận viết báo như Hoàng Cầm" (bài của Tần Hoài trong mục "Việc làng việc nước", số 5, 25/11/1956). Không có loại báo này sẽ ít ai biết chuyện hồi ấy một Ty Văn hoá nọ cố tình trao giải nhất một cuộc thi thơ cho một bài thơ kém cỏi chỉ vì tác giả của nó là một công nhân (bài của bạn đọc Bích Lục từ Nam Định, đăng TH số 4). Trước sự kiện một Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1956 ra mắt, nếu không có loại báo này hẳn sẽ rất khó lọt đến tay bạn đọc những bài điểm sách như bài của Lưu Thuỷ (số 7, 9/12/1956, Lưu Thuỷ có lẽ cũng là một bút danh khác của chủ nhiệm Trăm hoa?), cho biết dư luận trong giới thấy tuyển tập này thể hiện tinh thần "thiếu đoàn kết", hầu như chỉ có bài của những ai từ kháng chiến về, những ai ở trong biên chế; và không thể biết có bao nhiêu bài thơ hay bị bỏ quên, bao nhiêu bài thơ dở choán chỗ không hợp lý trong tuyển tập này, một tuyển tập mà "cái dở của một số thơ cũng như số lượng thơ dở trong tuyển tập rõ rệt quá"!
Vai trò bổ sung nói trên bộc lộ rất rõ ở việc báo Trăm hoa của Nguyễn Bính lên tiếng về trường hợp bài thơ dài Chiếc lược của Thụy An. Bài thơ kể chuyện một cô gái nghèo đi ở cho địa chủ, chỉ ước có cái lược chải tóc mà không thể có ; một bữa nọ cô mượn trộm chiếc lược của mụ chủ chải tóc để đi dự hội làng, bị mụ bắt được, lấy dao cau gọt sạch tóc mai cô khiến cô không dám đi hội, cũng không dám đến chỗ hẹn gặp người yêu ; khi cải cách ruộng đất thắng lợi, mụ chủ bị đấu tố, cô gái được người yêu tặng chiếc lược mà anh ta lấy được ở chỗ chia quả thực. Trăm hoa in toàn bộ bài thơ này (số 3, 4/11/1956) với phụ đề "Một bài thơ bị vùi dập" và sau đó có các bài nói rõ thêm. Nguyên tại lớp học chính trị cho một số văn nghệ sĩ, một cán bộ của Uỷ ban CCRĐ TƯ đến nói chuyện, có kể câu chuyện một chị cố nông lúc chia quả thực nói chỉ ước ao được một cái lược chải đầu vì từ bé tới giờ chị chưa hề có; cán bộ ấy nói thêm: câu chuyện này khiến Hồ Chủ tịch xúc động và tỏ ý nhắc văn nghệ sĩ khai thác đề tài này. Thuỵ An dự nghe buổi ấy, xúc động với câu chuyện, hăm hở ngày đêm viết xong bài thơ này, nhưng đưa đến Hội Văn nghệ chỉ được khen là khá rồi giới thiệu cho phòng văn nghệ quần chúng của vụ nghệ thuật, cơ quan ấy lại bảo rằng loại thơ này ở đây vô thiên lủng và trả lại, rốt cuộc bài thơ để lay lắt gần một năm không được đăng. Lưu Thuỷ không bảo đây là tuyệt tác, là toàn bích, "nhưng ít nữa nó vẫn cứ hơn, hơn hẳn những loại thơ "tình Bắc Nam" của ông vụ trưởng Đào Duy Kỳ mà vụ văn hoá đại chúng đã cho in hàng vạn cuốn”; Lưu Thuỷ bảo rằng bài như thế của Thụy An thì bị hết cửa nọ đến cửa kia từ chối in, kể cả Hội Văn nghệ, thế mà "biết bao nhiêu bài thơ, chưa nói đến văn, dở òm và nhạt phèo của Xuân Diệu, của Nguyễn Đình Thi, của Huy Cận, vẫn được in ra một cách vô tội vạ";
"Chẳng cứ gì một bông hoa của chị Thụy An bị vùi dập. Vì cái tinh thần bè phái đương ngự trị trong đầu óc một số ông phụ trách báo và sách văn nghệ và văn hoá đại chúng, và trên hết là vì cái tinh thần bè phái ở ngay trong cơ quan lãnh đạo Hội. Tất cả rắc rối (hạn chế tài năng của cá nhân, kìm hãm sự tiến triển của phong trào, thiếu đoàn kết, gây phản ứng...) do đó mà ra cả"( bài của Lưu Thủy, TH số 4, 11/11/1956).
Trăm hoa ( số 6, 2/12/1956) còn cho biết, lúc bài thơ nằm mãi không được phổ biến, "chị Thụy An lấy làm ức lắm. Chị có làm ngay một bài thơ khiếu nại lên Hồ Chủ tịch, vì lẽ cái đề tài này Hồ Chủ tịch có nhắn nhủ anh chị em văn nghệ nên sáng tác". Tiếp đó báo đăng toàn bộ bài thơ kiêm thư khiếu nại ấy, ký Thụy An tức Phương Thao, mà thực ra tác giả còn chưa gửi đi vì sợ làm phiền cụ Hồ. Đây là đoạn cuối :
Chuyện tờ Trăm hoa của Nguyễn Bính đưa ra ánh sáng một bài thơ không được đăng dù rất thích hợp về nội dung tuyên truyền đương thời, đã hé ra những phương diện khác của một cơ chế văn nghệ lúc ấy đang đi trên hướng nhà nước hoá, quan liêu hoá, với sự thao túng của những cá nhân nhất định, vốn là nhà văn nhưng đã trở thành quan chức cai quản guồng máy văn nghệ, hành xử theo lối ban phát, cho đăng hoặc không cho đăng, không chỉ căn cứ vào nội dung tác phẩm mà còn căn cứ vào "thành phần" tác giả (ví dụ Thụy An, Hồ Dzếnh, Ngân Giang... là nhà văn ở trong thành thời tạm chiếm, không được đối xử ngang bằng với nhà văn đi kháng chiến trở về) hoặc tuỳ thuộc những ác cảm, thiện cảm và định kiến cá nhân.
Trăm hoa loại mới của Nguyễn Bính chủ yếu là tờ báo về văn nghệ, diện tích trang in dành cho đề tài đời sống xã hội không nhiều, tuy vậy vẫn thấy khá rõ xu hướng bảo vệ cái không gian tự do của sinh hoạt dân sự bình thường khi ấy hoặc đang bị thu hẹp dần hoặc lúc thắt lúc nới. Chẳng hạn, báo đăng ý kiến "Chúng tôi đề nghị bỏ lệ khai báo trong chính sách quản lý hộ khẩu"(số 1); báo nêu chuyện báo bạn đã nêu: tố cáo một vị thủ trưởng cấm một đôi trẻ ở cơ quan mình kết hôn với nhau với lý lẽ: "anh" xuất thân nông dân, "chị" là con một tiểu chủ; hoặc báo tố cáo một thủ trưởng khác đòi kiểm thảo một đôi trẻ tìm hiểu nhau bằng thư từ lại còn gửi kèm những bưu ảnh Tháp Rùa tặng nhau, cho thế là tiểu tư sản!(số 2); báo đăng bài vè của bạn đọc trách mấy ông cán bộ dân phố cứ khuyên người ta đừng mua báo tư nhân (số 4), v.v... Báo cũng thường đăng ý kiến bạn đọc kêu ca tình trạng cửa quyền của mậu dịch quốc doanh. Tranh biếm hoạ thường nhắm vào đề tài này: diễu thói "chụp mũ"(Bùi Xuân Phái vẽ, số 2); diễu kẻ tự xưng cán bộ khi đòi mua 2 gói Đại Tiền Môn ở quầy bách hoá nhưng lúc xông vào nhà dân hành hung người ta lại chỉ "lấy tư cách cá nhân" (Bùi Xuân Phái vẽ, số 3); tả nỗi mừng của các bà nội trợ từ nay khỏi phải dấu con gà con vịt mua được xuống đáy rổ tránh con mắt dò xét của cán bộ thuế và hộ khẩu như trước (Bùi Xuân Phái vẽ, số 4); nỗi mừng của người đàn ông từ nay tối về ngủ chỗ vợ khỏi lo trình báo hộ khẩu (Tê Hát vẽ, số 5), tả anh chàng lảo đảo như trúng gió khi vừa chen mua hàng mậu dịch (Văn Tôn vẽ, số 7), mô tả "quái vật hai đầu", một đầu nịnh trên, một đầu nạt dưới (Trần Hưởng và Văn Tôn vẽ, số 10), v.v...Mục "Hoa cười" ở các số Trăm hoa cũng thường có các mẩu chuyện cười tương tự như vậy.
Trăm hoa loại mới của Nguyễn Bính chỉ tham gia một số ít chủ đề chính trị, ví dụ rõ nhất là đưa tin Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại hội nghị lần thứ 10 ra 3 bản thông cáo (1/ nhận định kết quả và nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm trong công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức; 2/ cử lại Tổng bí thư sau khi cựu tổng bí thư Trường Chinh tự kiểm thảo và xin từ chức; 3/ thi hành kỷ luật 2 uỷ viên TƯ là Hồ Viết Thắng và Lê Văn Lương), bày tỏ sự hoan nghênh nhiệt liệt trước "thái độ dũng cảm và chân chính cách mạng" của TƯ Đảng LĐVN "đã công khai tự kiểm điểm và đề ra những biện pháp cụ thể" để sửa chữa những sai lầm đã mắc phải, bày tỏ nhiệt liệt tin tưởng tài đức của Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ mới: Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư (bài của Trần Nguyên, số 3 và số 4). Tiếp tục chủ đề này, Trăm hoa có những bài khẳng định Toàn đảng toàn dân đoàn kết là yếu tố quyết định sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. "Phải nói rằng một trong những nguyên nhân mắc phải sai lầm là mũi nhọn chuyên chính đã chĩa cả vào ta và bạn" ... "Máu và nước mắt đã chảy nhiều trong cuộc chiến tranh cách mạng. Máu và nước mắt của một số người lại chảy trong cải cách ruộng đất. Nỗi đau khổ của một số đồng bào nông dân, của một số đảng viên bị xử trí oan không phải là không chính đáng" ... "Những hiện tượng rạch mồm, chửi bới, đánh xé, doạ nạt, những hiềm khích giữa nông dân và cốt cán, giữa nông dân với nhau, những mâu thuẫn ở trong Đảng ngoài Đảng lúc này đều không lợi cho việc sửa sai, cho việc củng cố miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất"(bài ký Trăm Hoa, số 5). Cũng trên chủ đề này còn có bài báo dài 2 kỳ (số 6 và số 7) của Trăm Hoa (ký tên toà soạn nhưng chưa rõ ai viết) Để phát triển chế độ ta, phải bảo đảm cho nhân dân được tham gia quản lý kiểm soát tích cực mọi công việc của Nhà nước, không những đặt vấn đề tiếp tục sửa sai trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, trong công tác kinh tế tài chính, mà còn nêu vấn đề "xây dựng một chế độ pháp trị dân chủ".
Nếu nói riêng về thái độ của Trăm hoa đối với báo Nhân văn và các cuốn Giai
phẩm của nhà xuất bản Minh Đức, thì ngay từ số đầu Trăm hoa loại mới đã có bài, không cổ vũ cũng không đả kích mà chỉ trêu chọc, cười cợt. Chẳng hạn số 1 đã có hí họa của Tê Hát "minh hoạ bài của Trương Tửu trong Giai phẩm mùa Thu tập II", vẽ Trương Tửu quỳ khấn trước 5 thần tượng (1/ Mác-Lênin, 2/ Khơrutsốp, 3/ Đảng Lao động VN, 4/ Đại hội 20 ĐCS Liên Xô, 5/ Lục Định Nhất với khẩu hiệu "trăm hoa đua nở") xin được chư vị "phù hộ" để mình "choảng" bọn họ một trận cho mất cái thói sùng bái cá nhân! Cũng ở số 1 trong mục "Việc làng việc nước", Trăm Hoa đùa Phan Khôi: trong bài Ông bình vôi đăng trên Nhân văn, ông bảo cái gì người ta sợ thì người ta gọi bằng ông, vậy gặp ông (Phan Khôi) bây giờ biết gọi bằng gì? Ngay khi thử đặt ra để giải đáp nghiêm túc câu hỏi : “trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ, ông Phan có nói xấu chế độ không?” Hàm Tiếu (mục "Việc làng việc nước", số 2) đem dư luận đang ồn ào về bài ấy so sánh với những lời bình "bách nhân bách khẩu" của hàng phố khi đứng xem cặp vợ chồng già nhà nọ cãi nhau. "Vậy thì ông Phan Khôi có nói xấu chế độ không? Có. Ông ví von chế độ dân chủ cộng hoà của chúng ta với chế độ triều Gia Long Tự Đức gì gì đó, thế là quả nhiên nói xấu chế độ rồi. Giấy trắng mực đen còn rành rành, ai mà cãi cho ông được! Nhưng nếu gán ghép cho ông tội này tội khác, thì cũng chẳng khác mấy người đứng xem cãi nhau lúc nãy lên án bà hàng xóm của tôi là đa ngôn đa quá, cố tình phá phách gia đình ruồng rẫy chồng con! Và có kẻ còn toan gieo tiếng cho bà là có cả chuyện ngoại tình (!) Không tin xin cứ đợi ông Phan Khôi đi Trung Quốc về mà hỏi, hay hỏi bà láng giềng tôi xem có phải mặc dầu có quá lời có mỉa mai soi móc chồng nhưng rồi lại mỉm cười với chồng, lại lọm khọm đi chợ xa mua sắm lại những thứ chính tay mình đã trót đập vỡ để bày biện lại cửa nhà cho đẹp? Hay, nói mới lạ làm sao chớ? Quên nhau làm sao cho nỡ! Ai bảo họ quên nhau được nào?" Những tin tức về việc báo Nhân văn bị cảnh cáo được Trăm hoa (số 4, 11/11/1956) nói rõ với bạn đọc của mình: đó là vì nhân viên của báo này quên nộp lưu chiểu 3 số liền "chứ không phải tại báo Nhân văn nói mạnh quá, chứ không phải tại báo Nhân văn dám "xúc phạm" Nguyễn Chương tiên sinh của báo Nhân dân. Và cũng không phải tại sở Báo chí có thành kiến với báo Nhân văn đâu !"
Một thái độ khác hẳn, ngược hẳn thái độ trên đây, đối với báo Nhân văn và các cuốn Giai phẩm và Đất mới, đã xuất hiện trên Trăm hoa từ số 8 (16/12/1956). Điều này thật ra là hơi muộn nếu so với thời điểm báo Nhân văn ra số 5 (20/11/1956), số cuối cùng được phát hành, và ngay sau đó một chiến dịch phê phán Nhân văn được phát động mà cả giới báo chí phải hưởng ứng.
Chỉ có 3 số Trăm hoa có bài phê phán Nhân văn, Giai phẩm, Đất mới. Đó là bài của Thạch Lựu: Báo "Nhân văn" nên thành khẩn tự phê (TH số 8); bài điểm sách của Trần Nguyên: Phê bình "Đất mới" tập I (số 9); thư của bạn đọc Hoàng Đình Kính ở Hải Phòng phê bình Đất mới tập I: Độc giả vui lòng hoan nghênh các bạn nếu các bạn thành thực nhận khuyết điểm (số 10). Bên cạnh đó Trăm hoa đăng tải những thư từ kiến nghị của nhiều nhóm cán bộ các ngành, của một số tập thể văn nghệ sĩ, tố cáo báo Nhân văn ("gieo rắc tư tưởng lạc hậu, gây bi quan hoài nghi chế độ ta, khuyến khích những hành động tự do vô kỷ luật; lợi dụng chủ trương mở rộng dân chủ, bịa đặt một số việc không có thật, xuyên tạc một số sự việc khác, thổi phồng một số khuyết điểm nhỏ để đả kích vu cáo các cơ quan lành đạo của Đảng, chính quyền, quân đội, văn nghệ, công an, mậu dịch", v.v...), kiến nghị đình chỉ cho phép xuất bản báo Nhân văn, đưa báo này ra trước pháp luật để trừng trị thích đáng, v.v...
Sau 3 số trên, Trăm hoa số 11 (6/1/1957) dành trang đăng văn kiện kỳ họp Quốc hội thứ 6 và không nhắc gì đến chuyện phê phán như đã làm ở 3 số trước nữa.
Như thế, câu chuyện Tô Hoài kể trong Cát bụi chân ai (1992) về việc báo Trăm hoa của Nguyễn Bính nhận tiền tài trợ (bằng giấy in báo) để viết và đăng bài phê phán báo Nhân văn,− nếu câu chuyện ấy là sự thật, thì ngày nay người nghiên cứu đối chiếu sẽ thấy rằng, báo Trăm hoa của Nguyễn Bính thực hiện việc được giao ấy khá muộn, hầu như chỉ thực hiện vào lúc phong trào phê phán đã được phát động, khi hầu hết báo chí nhà nước và đoàn thể đã lên tiếng hưởng ứng. Và quả thật Trăm hoa đã làm việc đó một cách khá tắc trách, ít hiệu quả, "chưa đủ hơi sức hỗ trợ cần thiết", như cấp trên của Tô Hoài nhận xét.
Sau 3 số báo kể trên, Trăm hoa không còn được hỗ trợ giấy in, nhưng Chủ nhiệm Nguyễn Bính vẫn gắng tìm đường sống cho tờ báo. Số Tết đinh dậu (tức Trăm hoa Xuân) gộp 3 số thường lại (12, 13, 14) như một đặc san, một món quà Tết cho độc giả, với các sáng tác của Nguyễn Bính, Đoàn Giỏi, Yến Lan, Tô Hoài, Trúc Đường,...đồng thời thông báo dự định cải tiến tờ báo: sẽ đăng đều kỳ bản dịch tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa Hồng lâu mộng. Bài của Đặng Thai Mai (rút từ Tập san Đại học sư phạm số 2, tháng 6&7/1956) nói về những tranh cãi mới diễn ra cách đó ít lâu ở Trung Quốc xung quanh tác phẩm này, được Trăm hoa Xuân in lại, khởi động cho dự định ấy. Nhưng dự định đã không thành sự thật. Số tiếp theo, tức là số 15 và 16, được gọi là Trăm hoa số đặc biệt đầu Xuân, cũng là một đặc san với các sáng tác của Nguyễn Bính, Phùng Cung, Tạ Hữu Thiện, Yến Lan, Trúc Đường..., đồng thời gửi đến bạn đọc thông tin không vui: ý định cải tiến nội dung và hình thức báo đã không thể làm được; nhiều khó khăn mới cộng vào những khó khăn cũ (giá giấy cao, công in tăng, giá sinh hoạt đắt đỏ, các nhà in đều bận những việc được đặt trước, Trăm hoa không có nhà in riêng, không tìm được nơi nào in báo hằng tuần, việc phát hành lại khó hơn trước...); toà soạn công bố dự định khác: chuyển Trăm hoa thành tạp chí ra hằng tháng. Tất nhiên đây chỉ là dự kiến thuần tuý, cũng tương tự một vài dự định khác, bộc lộ qua những khung chữ thông tin trên các trang báo này, ví dụ dự định lập nhà xuất bản Trăm Hoa! Trên thực tế, Trăm hoa kết thúc ở đấy.”
Tuy Tô Hoài nói vòng vo nhưng có chỗ ông trót nói thật việc Nguyễn Bính lỡ dại làm báo Trăm Hoa. Trang 56 bản in Cát bụi chân ai năm 1992, lần in đầu tiên, ông viết: ‘Trên có sáng kiến lấy giấy và tiền Nhà xuất bản giúp Trăm Hoa. Tôi được giao thuyết phục một báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo Nhân Văn. Công tác không khó khăn đối với tôi, nhưng đã thuộc tính lung tung của Nguyễn Bính, liền kéo cả anh Trúc Đường đến. Nguyễn Bính cảm kích được sự giúp đỡ. Trúc Đường đã có kinh nghiệm làm báo lâu năm, từ Ích Hữu đến Đàn Bà và rồi Công Dân ở đồng bằng sông Hồng trong kháng chiến. Chúng tôi bàn về Trăm Hoa lâu dài và cả từng số báo. Tôi “mua hộ” giấy in , xe đến.’’
Như vậy Tôi Hoài làm theo lệnh cấp trên, tuy lấy giấy và tiền của Nhà xuất bản Văn Nghệ nhưng là của cấp trên, cho nên ông mới để chữ mua hộ trong ngoặc kép. Cấp trên của Tô Hoài chỉ có thể là Tố Hữu. Điều này phù hợp với đoạn bổ sung của ông Lại Nguyên Ân.
[Ông Hoài Việt, người mà nhà riêng ở gần toà soạn Trăm hoa và đương thời là một trong những cộng tác viên thường xuyên gặp gỡ Trúc Ðường và Nguyễn Bính ở toà soạn báo này, vừa sáng nay 23/12/2005 đã cho tôi biết 2 việc: 1) chính Nguyễn Bính kể với Hoài Việt rằng người khuyến khích Nguyễn Bính tục bản Trăm hoa là Tố Hữu với cái lý: cần tiếng nói của báo chí bên ngoài (tức là không phải báo chí nhà nước) cự lại giọng điệu Nhân văn; như vậy người “cấp trên” mà hồi ký Tô Hoài nói đến chính là “anh Lành” của chàng Tô; 2) nguồn tiền mua giấy để làm hầu hết các số Trăm hoa tục bản là Nguyễn Bính vay của ông Quách Phác ở phố Hàng Khoai; đây mới là nguồn chính, còn lại, nguồn giấy do Tô Hoài đưa tới, nếu có, cũng là về sau và vì là nguồn trợ giúp có điều kiện nên cũng rất ít và sớm bị cắt như chính Tô Hoài đã nói trong hồi ký của ông. − người viết bổ sung ngày 23/12/2005]
Như vậy có thể nói Tô Hoài không thể không vô can về bước ngoặt quyết định dẫn đến bi kịch cuộc đời của Nguyễn Bính. Đằng sau ông còn cả một cơ chế kiểm soát văn nghệ rắc rối mà Tô Hoài chỉ là một mắt xích trực tiếp.
Trong đời Nguyễn Bính, đây có lẽ là dịp duy nhất ông là chủ báo. Một tờ báo tư nhân. Ngay trước lúc báo chí tư nhân bị xoá sổ lâu dài trên miền Bắc.
Tô Hoài cho rằng chỉ là giai thoại (lời đồn đại chứ không phải sự thật) những chuyện "Nguyễn Bính bị đầy phải xuống xin việc dưới quê, Nguyễn Bính chỉ được biên tập ca dao hò vè". Theo Tô Hoài thì giản dị là "Nguyễn Bính về Nam Định rồi quyết định ở hẳn dưới ấy chỉ vì Nguyễn Bính đã sắp nên vợ nên chồng với cô hàng cà phê thành Nam. Khi Trăm hoa hết tiền phải đình bản, Nguyễn Bính không còn ở biên chế nào thì Hội Nhà văn đã giới thiệu Nguyễn Bính về Nam Định"; "thời kỳ ở Nam Định, Nguyễn Bính đã in nhiều sách trên nhà xuất bản Phổ Thông ở Hà Nội. Trường ca Tiếng trống đêm xuân, lại vở chèo Cô Son đương công diễn. Mỗi lần lên lấy nhuận bút kha khá, tôi được Nguyễn Bính và Trúc Đường rủ đi đánh chén" (Tô Hoài, Chiều chiều, Hà Nội: Nxb Hội Nhà Văn,1999, tr.228).
Nguyễn Bính không bị một kỷ luật chính thức nào trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, trong hồ sơ người ta không xếp ông vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Ông vẫn được công bố tác phẩm, tuy nhiên với những bài phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền. Ông vẫn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng biện pháp xử lý ông thì cũng nặng. Nguyễn Bính không được trở lại Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa thành lập 5-1957. Ông bị buộc cư trú tại quê hương từ đầu 1958, không được trở lại biên chế, phải tự xin việc và hưởng lương theo chế độ hợp đồng. Chu Văn đã giải quyết cho ông 50 đồng lương một tháng. Thời ấy đối với kiểu người như Nguyễn Bính thì biện pháp trừng phạt này thật là nghiệt ngã. Đó là giai đoạn sống khó khăn nhất của cuộc đời Nguyễn Bính.
Tương tự việc Nguyễn Bính bị buộc cư trú tại Nam Định, cũng có một số văn nghệ sỹ khác là Lê Đại Thanh về Hải Phòng, Nguyễn Khắc Dực, Trần Lê Văn về Hà Tây, Hoàng Tố Nguyên về Thái Bình, Nguyễn Văn Tý về Hưng Yên, Văn Tôn về Quảng Bình, Như Mai về Quảng Ninh và bên Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội các sinh viên xuất sắc đã được giữ lại làm trợ lý cho các giáo sư Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường như Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ, Bùi Quang Đoài, Ninh Viết Giao, Thúc Hà cũng đều được đưa về làm giáo viên tại nhiều địa phương…
Thực tế đó là một biện pháp nghiệp vụ để không cho số đối tượng gọi là nguy hiểm sống và hoạt động ở Thủ đô.
Vậy Nguyễn Bính bị kết tội gì?
Nguyễn Bính có bài đăng cho Giai phẩm Mùa Thu tập I. Bài Tỉnh giấc chiêm bao là một biểu tượng cho sự tan vỡ của mối tình giữa nhà thơ và thực trạng xã hội. Có phải vì lý do đó không mà về sau cho tới hiện nay bài thơ này như bị bỏ quên, không được đưa vào các tuyển thơ của Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính có thái độ ủng hộ Nhân Văn Giai Phẩm như ông Lại Nguyên Ân đã phân tích.
Nguyễn Bính đã bênh vực bài thơ Chiếc lược của Thụy An.
Ông đã phê phán mạnh mẽ lãnh đạo Hội Văn nghệ việc chấm giải Văn học năm 1954-1955, đòi hạ bệ tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu.
Nguyễn Bính còn ủng hộ những bài phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và đòi bỏ giải hạng Nhất của tập thơ này, đưa nó xuống hạng nhì. Đấy là sự “xúc phạm” Tố Hữu !.
Nguyễn Bính đã nhận lời, nhận tiền làm báo Trăm Hoa giúp cho Đảng đánh Nhân Văn Giai Phẩm nhưng không thực hiện lời hứa, dùng báo Trăm Hoa như một thứ “gậy ông lại đập lưng ông”.
( Còn tiếp)