Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẠM HOÀNG QUÂN, MỘT THỜI LÀM XUẤT BẢN

Lê Huy Hoà
Thứ sáu ngày 1 tháng 12 năm 2023 11:26 AM



Tôi không quên ngày vợ chồng tôi chuyển về nhà mới. Mấy ngày liền, chúng tôi vừa dọn dẹp nhà cửa, thu xếp đồ đạc, vừa lựa chọn những đồ vật đã là “kí ức”ở dạng phi “vật thể”, trong số này có những kỉ vật do bạn bè tặng vào những thời gian khác nhau, đủ loại, đặc biệt là bức thư pháp viết trên giấy gai có gân sần do một người mà 5 năm chúng tôi sống và làm việc cùng nhau, viết tặng trước ngày tôi chuyển ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, người này sau đấy cũng về quê Miền Tây “ở ẩn” và viết sách; đã lâu, chúng tôi không gặp lại … Những lúc như thế, con người ta trở nên do dự , phân vân, thiếu quyết đoán nhất bởi có nhiều kỉ vật thuộc dạng “ bỏ thì thương,mà vương thì tội ” vì nếu quyết mang theo, có những thứ, chúng sẽ chẳng mấy khi được dùng đến ở đoạn đời sau…. Khi bày biện bàn thờ, bà xã tôi sắm mới bộ hoành phi, câu đối treo trong gian thờ. Hoành phi và câu đối chạm bằng chữ Hán, thiếp vàng trên nền sơn mài màu đen, muốn hiểu nghĩa chúng, tôi cẩn trọng tra từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh, bản in lại, do chữ in mờ, lại mất nét, tôi chưa làm sao hiểu được nghĩa tiếng Việt … Trong thâm tâm, cũng định bụng sẽ nhờ ai đó trong số bạn bè rành chữ Hán giúp. Cũng thật tình cờ trong cái ngẫu nhiên, hôm ấy có anh bạn cùng đơn vị cũ tới thăm, nhìn bộ hoành phi, câu đối treo ngay ngắn sau và hai bên bàn thờ, anh bạn hỏi tôi nghĩa của chúng, tôi có đôi chút ngượng ngùng vì chính mình cũng chưa kịp hiểu…nhưng tôi sực nhớ tới người cộng sự trẻ quê Miền Tây (người tặng tôi bức thư pháp, tôi nhắc ở đầu bài viết).Tôi nói với người bạn, để tôi gọi điện hỏi chuyên gia Hán Nôm này sẽ rõ. Người tôi chợt nhớ lúc đó chính là Phạm Hoàng Quân. Anh nhắn tôi chụp và gửi hình qua zalo. Chưa đầy 5 phút sau khi gửi hình bộ hoành phi, câu đối, tôi đã có ngay toàn bộ nội dung nghĩa từ Tiếng Việt, có thể nói “chuẩn không cần chỉnh”. May mắn là câu hỏi của bạn đã có lời giải đáp, tôi như cởi bỏ được sự sượng sùng trong lòng lúc ấy!

Tôi quen biết và thuyết phục được Phạm Hoàng Quân về làm việc cho Chi nhánh Nhà xuất bản Lao Động tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng hết sức ngẫu nhiên. Đấy là lần nhà thơ Nguyễn Trung Bình(đã mất) rủ tôi qua bên Quận Tư thăm mấy bạn làm thơ. Bình giới thiệu với tôi là thơ của nhóm thơ này đang hót, nghe qua lời Bình giới thiệu, tôi không tránh được sự tò mò, cả sự hiếu kì nữa! Thơ “hót” là gì vậy? (Tôi không rõ ý nhà thơ nói theo âm tiếng Anh hay cách nói tiếng Việt chỉ động thái của chim những lúc vui, hoặc chỉ người nói lời đường mật hay thể thơ “diễn ngôn” đang thịnh hành ở Phương Tây…). Chính vào buổi chiều hôm ấy, trong căn phòng trọ “nhà lá , vách ván gỗ ép”, nằm cạnh con sông Sài Gòn xanh một màu xanh của bèo Tây (trong Nam gọi lục bình), cũng là lần đầu tiên tôi gặp các nhà thơ giàu nhiệt huyết, trong đó có nhà thơ Lý Đợi, người mà trong số chúng ta đã biết, khi ấy các anh còn trẻ lắm…Trong bữa tiệc rượu “sec” (uống rượu mà không có mồi nhắm) đãi khách, tôi để ý tới một người xem ra đứng tuổi nhất, thân hình gầy gò, dáng dấp, thần thái “ông đồ”, với gương mặt xem ra trải đời nhất, có mặt bữa ấy, qua làm quen, tôi biết anh này là Phạm Hoàng Quân. Suốt bữa nhậu, tôi không thấy ai nói chuyện thơ, mà câu chuyện chủ yếu xoay quanh chuyện vẽ tranh, trưng bày tranh, các trường phái hội họa trong nước và thế giới, và người nói nhiều nhất chính là nhà thơ Lý Đợi. Tôi ghé tai Bình, hỏi nhỏ: sao không thấy có thơ? Bình lim dim, nhìn qua cặp kính cận, nói vừa đủ hai người nghe, giọng Quảng Nam, tôi vừa nghe, vừa đoán: Ở đây, họ sinh hoạt theo chuyên đề sếp ạ. À ra vậy! Lúc ấy tôi cũng kịp nghĩ, bữa nào cũng tụ họp, cũng nhậu, lấy đâu ra lắm chuyên đề vậy mà đưa ra luận bàn, trao đổi? Suốt buổi, tôi chỉ im lặng và ngắm nhìn từng người và hình dung, vài ba năm nữa, họ sẽ như thế nào…Khi nói chuyện riêng với Quân, tôi biết thêm, anh cũng là dân ngụ cư, từ Tiền Giang lên thành phố, làm việc bán thời gian cho một tiệm bán tranh ở Chợ Lớn. Thời gian này, do có chút năng khiếu hội họa, anh làm thêm nghề vẽ, chép tranh. Cũng nhờ có biết chút ít chữ Hán từ thời học phổ thông nên anh dễ dàng làm quen với các bạn người Hoa ở Chợ Lớn, trau dồi thêm vốn liếng chữ nghĩa qua con đường thực hành, đi sâu tìm hiểu về thư pháp, hội họa Trung Quốc. Chính nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã khích lệ, động viên anh viết bài biên khảo đầu tay về lịch sử thư pháp, hội họa người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn,in chung trong Văn hóa & Nghệ thuật người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh ( 2006). Hồi trước đó, sách “Thư pháp chữ Hán - lý thuyết và thực hành”- tác giả Phạm Hoàng Quân, ra đời năm 2004, như một sự khởi phát cho ý tưởng nghiên cứu lịch sử mỹ thuật và văn hóa Trung Quốc, và từ đó, anh bắt đầu có ý thức dành dụm, tích cóp từ số tiền tiết kiệm ít ỏi kiếm được dùng vào việc mua, xin sách, tài liệu từ chính những người Hoa kiều anh quen cho chủ đích của mình. Và cũng chính họ đã giúp anh tìm mua những tài liệu quý hiếm bên chính quốc, điều mà với anh, người mình khó mần được!... Cuộc vui cũng đến lúc kết thúc. Trước khi chia tay, tôi mời Quân có dịp tới thăm văn phòng Chi nhánh, nơi tôi làm việc…

Từ ngày tôi vào tiếp quản, trụ sở của Chi nhánh nhà xuất bản vẫn tọa lạc trên lầu 6, trong khuôn viên Nhà khách Công đoàn (có tên giao dịch là Nhà khách B Công đoàn Việt Nam), 85 Cách mạng Tháng Tám, Quận 1. Khu nhà khách 9 tầng này trước năm 1975, vốn là cơ quan ngoại vụ của người Mỹ. Các phòng làm việc trước đây, nay chuyển đổi công năng làm nhà khách, hầu như vẫn giữ nguyên, cầu thang máy cũ kĩ, chẳng ngày nào không gặp sự cố, lúc mất điện, khi thang máy bị kẹt…Những ngày mới vào tiếp quản, tôi cũng cảm thấy bị “sốc” với cái gọi là văn phòng đại diện của một cơ quan xuất bản vào hàng cao tuổi nhất trong các nhà xuất bản trung ương là Nhà xuất bản Lao Động, cơ quan xuất bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - (1 phòng 16m2 trên lầu 6 của chung cư cũ có từ thời VNCH, công trình phụ chung giống như ở các khu tập thể ngoài Hà Nội thời bao cấp…). Trong khi đó, nhiều nhà xuất bản ở tuổi mẫu giáo bé, mầm non còn có cơ ngơi khang trang ,có quầy giới thiệu sản phẩm ngay giữa trung tâm thành phố hơn 10 triệu dân này. Có trời mới biết, chủ quản của chúng tôi nghĩ gì, có lẽ với họ, xuất bản phẩm mà nhà xuất bản “in ra” không thuộc ngành hàng”thiết yếu” (như cách gọi thời đại dịch Covid - 19), khác với sản phẩm báo in quan trọng hơn nhiều. Bằng chứng là văn phòng đại diện báo của cơ quan chủ quản trông rõ bề thế, tọa lạc ở chính giữa trung tâm. Ai trong hoàn cảnh như chúng tôi chắc cũng cảm thấy bị tổn thương bởi sự ghẻ lạnh đến với mình và rõ là nếu cố nuôi hy vọng điều thần kì nào sẽ tới để thay đổi điều kiện tốt hơn sẽ là ảo tưởng! (Sau này tôi được biết, lãnh đạo nhà xuất bản đã nhiều lần đề nghị cấp trên về việc cấp chỗ làm việc mới hoặc hoán đổi xuống tầng trệt chung cư để tiện giao dịch nhưng đều bị khước từ, như một sự “bất khả kháng”!). Nhưng công bằng mà nói, cũng nên “ chia sẻ” với các cấp lãnh đạo bởi những vị trí có thể cấp làm văn phòng cho Chi nhánh đang được nhà khách cho thuê làm siêu thị, cửa hàng café…với hợp đồng có thời hạn chắc không ngắn! Phía bên đường, ở góc công viên Tao Đàn, mấy lô đất nền xẻ thịt công viên nghe nói giao cho một số cán bộ chủ chốt của Nhà khách quản lí, giờ được khoác lên mình chúng biển tiệm thời trang, áo cưới, về đêm đèn nhấp nháy trông rõ là vui mắt! Đứng trước hoàn cảnh ấy, chúng tôi tự nhủ, phải tìm nguồn năng lượng mới, tích cực trong công việc chuyên môn, tự khẳng định vị thế của mình trên bản đồ văn hóa đọc, chiếm trọn niềm tin yêu của bạn đọc cả nước như các bậc tiền bối đã làm.

Mấy ngày sau Quân tới thăm văn phòng tôi. Nhìn ông khách mới dáng đi xiêu vẹo, gần như kiểu “chân nam đá chân chiêu”, áo sơ mi ướt sũng, chưa kịp hỏi vì sao, Quân đã thốt ra, em vừa leo bộ lên đây. Tôi hiểu ngay, có lẽ do thang máy lại gặp sự cố. (Thang máy thuộc dòng cũ, Nhà khách chưa có điều kiện để thay mới, hơn nữa, ở đây thường đông khách đặt phòng ) . Lúc này vì mới tiếp quản nên nhân sự của Chi nhánh còn mỏng, chỉ có 1 biên tập viên, 1 nhân viên làm vi tính, sửa bài kiêm kế toán. Trong câu chuyện, tôi giới thiệu qua về tôi và nhân viên. Quân nghe xong, anh nói, trước khi tới đây, em đã tìm hiểu qua, thấy nếu chỉ là cộng tác viên, sẽ không có vấn đề gì…Trước lúc chia tay, tôi ngỏ lời mong muốn Quân suy nghĩ về làm việc ở Chi nhánh. Quân ậm ừ nói, cái này để em tính rồi trả lời anh sau…Tôi cũng đoán trước việc tôi mời về sẽ khiến anh “kẹt”, nếu nể nhau mà về cùng làm việc, có khi làm khó cho cả hai! Tôi được biết bấy giờ, đã có mấy nơi “ngon nghẻ “ hơn mời anh về: cơ quan báo chí có số má, mấy nhà xuất bản địa phương, cả Chi nhánh nhà xuất bản trung ương trên địa bàn …nhưng Quân chưa quyết định về nơi nào. Mấy ngày sau, trong tôi cứ quẩn quanh với ý nghĩ: anh này là dân”ngâm cứu”, người như thế thường kĩ tính, nhớ dai và ”sống chậm” (nói theo cách nói của giới trẻ bây giờ) và đặc biệt họ không muốn lệ thuộc vào bất cứ quy định, quy chế nào cả. Tôi dự tính trong đầu, nếu Quân quyết định về đầu quân cho Chi nhánh, tôi sẽ trao đổi, bàn bạc với anh về “chế độ đãi ngộ” : Chi nhánh sẽ trả khoản lương “cứng” thỏa thuận giữa hai bên, ngoài ra là hưởng phần trăm doanh thu sau phát hành áp dụng với những ấn phẩm cá nhân tự khai thác, tổ chức bản thảo, Chi nhánh đầu tư tự in và phát hành ; đối với bản thảo viết, sáng tác, nếu Chi nhánh kí hợp đồng tự in sẽ áp dụng như các cộng tác viên bên ngoài. Thời gian làm việc không quy định trong Hợp đồng lao động… Không hiểu sao, sau khi phác thảo “quy chế” có tính nội bộ này, trong tôi vẫn tràn đầy hy vọng, và tin rằng, Quân sẽ chọn về làm việc chỗ tôi! Quả là nhờ có thần giao cách cảm, ít ngày sau, Quân lại đến văn phòng Chi nhánh, và anh nói muốn về làm việc chỗ chúng tôi. Tôi như không tin điều Quân vừa nói, nhiều ngỡ ngàng nữa. Tại lần gặp lần này, tôi cũng trao đổi rõ ràng với Quân về quy chế mà tôi đã xây dựng mấy ngày vừa qua. Tôi thấy Quân chỉ cười và nhất trí kí vào bản Hợp đồng lao động giữa hai bên.

Ngay ngày hôm sau, Quân đến văn phòng, chúng tôi tạm xếp một chỗ ngồi làm việc cho Quân, tôi nói với anh, chúng tôi đã liên hệ thuê một phòng riêng để anh làm việc cho tiện, vừa làm chỗ ở và tiếp khách. Anh tỏ ra rất vui, có phần cảm kích, nhìn thấy đôi mắt nhấp nháy như cười. Và ngay ngày hôm sau, chúng tôi xúm tay giúp chuyển đồ cho Quân vào phòng mới, cùng lầu, liền kề với văn phòng Chi nhánh. Mọi việc bước đầu tạm ổn. Trong phòng làm việc của Quân bài trí gọn gàng tới độ tối giản:1 mắc treo quần áo, 1 hòm gỗ mốt cũ đựng đồ . Trên bàn làm việc có 1 hộp đựng bút, cạnh đó có bộ bút lông và đĩa để mài mực tầu, (Quân là dân viết thư pháp có tên tuổi trong giới ông đồ ở thành phố này), mấy cuốn sách tiếng Hoa xếp ngay ngắn, giữa bàn là 1 chiếc kính lúp nhỏ, xinh xắn. Tôi hỏi Quân có cần mua sắm gì cho công việc, Chi nhánh sẽ đáp ứng trong khả năng, chỉ thấy anh tủm tỉm cười. Một lúc sau, anh nói, hiện cá nhân có gửi người bạn một số lượng sách công cụ, đặt hơi xa với chỗ làm việc mới này. Tôi bàn với Quân, tìm thuê 1 phòng xép mà nhà khách dùng làm kho chứa đồ ở lầu trên với giá thuê hợp lí, như thế khi cần đến sách, vừa tiện và không mất thời gian qua lại. Quân có phần cảm kích.Mấy ngày sau đấy, kho sách tư liệu không thể thiếu của nhà nghiên cứu trẻ tuổi đã được chúng tôi chuyển về “nhà” mới.

Suốt một tuần sau ngày Quân đến, tôi hầu như không bàn chuyện công việc, phần vì muốn để anh thoải mái lo việc cá nhân, thu xếp việc gia đình… Các buổi trưa, từ ngày có thêm cán bộ mới, mọi người trong Chi nhánh tổ chức ăn trưa tại chỗ, đồ ăn thuộc hàng “xách tay” mọi người mang theo, chỉ có cơm nấu tại văn phòng. Thời gian đầu nhà khách chưa có quy định cấm nấu ăn tại nơi làm việc, nhưng sau đấy xảy ra vụ chập điện ở lầu trên (khu vực dành cho con em các lãnh đạo trong hệ thống ở các địa phương lên thành phố đi học và nhân viên Nhà khách còn độc thân, ưu tiên cho thuê với giá nội bộ), Ban quản lý nhà khách ra quyết định cấm sử dụng điện vào việc bếp núc, chúng tôi ra ngoài ăn cơm bụi. Những ngày đầu đến với nhà nghiên cứu tài hoa khi trở thành một công chức nhà nước “hưởng lương” đã diễn ra như thế! (Xin phép độc giả vì người viết có chút dông dài ở đoạn đời đầu của nhà nghiên cứu, cũng có ý, sau này lớp hậu sinh muốn tìm hiểu làm biên khảo về anh sẽ có thêm tư liệu). Vì tôi cũng sống cảnh “độc thân”, ngủ tại văn phòng, nên tôi thấy bất ngờ về thói quen sinh hoạt của Quân, anh thường thức khuya… dậy sớm làm việc, phải chăng vì ban ngày ở đây, khách khứa ra vào đông, đủ dạng…và có muốn ngủ nướng cũng khó thực hiện được. Nhưng để ý thấy anh vẫn bình thường, không có biểu hiện mệt mỏi do thiếu ngủ!

Một tuần sau ngày Quân về Chi nhánh làm việc, vào buổi sáng đầu tuần mới, tôi pha trà, loại trà đặc sản Thái Nguyên, mua sẵn 2 bao thuốc “Lạc đà”,- loại thuốc Quân thường hút: 1 bao có đầu lọc, 1 không lọc – và mời Quân sang phòng bàn “thử việc” như thông lệ với nhân viên mới. Quân vận áo phông màu đen, cộc tay, hàng hiệu, quần kaki màu kem, mái tóc xem ra cũng được chải gọn gàng. Tôi hỏi chuyện dưới quê, vì tôi biết, anh mới về thăm nhà vừa lên chiều hôm trước. Vài chuyện xã giao cho bớt không khí trang nghiêm. Tôi đặt vấn đề, nhà xuất bản có ý định xây dựng một tủ sách nghiên cứu, biên khảo về văn hóa, nghệ thuật, nhưng chưa tìm được người tổ chức thực hiện. Tôi cũng nêu mấy cái tên đặt cho tủ sách này để anh tham khảo, tôi còn bàn sâu hơn, chọn vùng nghiên cứu để tập hợp công tác viên viết, biên khảo, dịch thuật... Thấy Quân rất hào hứng, tôi có cảm giác đã khơi trúng mạch nguồn của nhà nghiên cứu này. Anh chọn tên cho tủ sách “Khơi lại nguồn xưa”, tôi hỏi lại, tên tủ sách vậy có hàm ý “gây sự, thách thức” không. Anh nhếch mép vẻ ý nhị, và liếc mắt nhìn sang phía tôi, cười hiền. Rồi chúng tôi cùng thống nhất tên tủ sách như thế. Bàn việc tiếp sau, tôi muốn anh dành sự quan tâm tới các công trình nghiên cứu, biên khảo… của các tác giả người Việt đang định cư ở nước ngoài (tôi tránh chữ “hải ngoại”, coi thấy có khoảng cách địa - chính trị). Tôi nói với Quân, tủ sách này hãy xem như một dấu mốc có ý nghĩa trong tiến trình “hòa hợp, tình tự dân tộc” đấy! Tôi thấy Quân tròn mắt mà không nói gì, chắc anh nghĩ, tôi nói cốt cho zui! Quay lại bàn tiếp về tủ sách, Quân nói, riêng tủ sách này, nếu bỏ công tổ chức thực hiện, ta làm cả năm không xuể! Cuốn sách đầu tiên có mặt trong tủ sách “Khơi lại nguồn xưa” của Nhà xuất bản Lao Động,xuất bản vào năm 2006 do Chi nhánh phía Nam tổ chức và thực hiện chính là cuốn “ Khơi lại dòng xưa” (Nghiên cứu – biên khảo văn hóa dân gian) của tác giả Nguyễn Dư. Cuốn sách được Nhà sách Hà Nội có địa chỉ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ,Q.1 độc quyền phát hành. Bấy giờ sách được bao trọn gói khi in ra đã là chuyện “xưa nay hiếm” trong giới làm sách ở Thành phố Hồ Chí Minh! Các bài viết trong tập sách này, chúng tôi còn trích đăng trên tờ Tạp chí “Văn nghệ công nhân” mà Nhà xuất bản vừa giao cho Chi nhánh tổ chức thực hiện, sau khi người phụ trách nội dung tạp chí về nghỉ chế độ. Tôi vinh dự làm người nhận bàn giao việc này, giờ nghĩ lại vẫn thấy có chút máu liều, vì tạp chí không được hỗ trợ tài chính và tự lo “đầu ra”. Tôi giao cho Quân gác chuyên mục “Nghiên cứu- biên khảo” của tạp chí từ ngày ấy. Như thế, quả là “ một công, đôi việc” : anh vừa có thêm một khoản thu nhập, mà tạp chí lại không cần tuyển người mới. Trong thời gian này, ngoài việc trực chuyên mục, lo bài vở cho mỗi số tạp chí, anh còn viết loạt bài về những vấn đề nóng, bất cập trong quản lý văn hóa, lễ hội dân gian… đang bị biến tướng ở các vùng miền, đặc biệt là các công trình cá nhân, tập thể về các đề tài Nhà nước đặt hàng mang tính tổng kết chuyên đề văn hóa, lịch sử còn nhiều “ lỗ hổng” trong học thuật,cả sự võ đoán, dễ dãi khi xử lý tư liệu nguồn… Các bài viết của anh thường được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, một tờ báo có số lượng phát hành lớn. Những bài viết này, trước khi gửi tòa soạn, anh thường đưa tôi coi trước. Được đọc những bài báo khi còn ở dạng bản thảo cảm thấy có cái thú riêng, tôi đặc biệt thích cách đặt vấn đề đầy tính trực diện bằng một phương pháp lập luận cô đọng, hàm xúc, lối diễn đạt sắc bén khi ”chỉ mặt,vạch tên” sự việc…và quan trọng sau những vấn đề, vụ việc đưa ra để nhận diện, phê phán, anh thường mạnh dạn đề xuất những giải pháp khắc phục hết sức khoa học, cụ thể và giàu tính thuyết phục, khiến người ta cảm thấy tâm phục, khẩu phục, người được tiếp nhận phê phán không cảm thấy “đau”!...Ngoài ra, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, vào dịp các cơ quan nghỉ Tết, người ta lại gặp một anh đồ trẻ tuổi vận khăn xếp áo phông, mũ catket trắng ngồi xếp bằng ở ngã tư đường Điện Biên Phủ - Bà Huyện Thanh Quan, Quận 1 miệt mài “bán chữ” Nho cho khách có nhu cầu…để có thêm khoản tiền mang về sắm Tết cho vợ con dưới quê…

…Tiếp đà thắng lợi, ngay trong 2 năm đầu ra mắt tủ sách, chúng tôi in thêm bốn cuốn thuộc dòng nghiên cứu này, có thể liệt kê như sau : Dấu tích Thăng Long ( Hồ Viên dịch từ nguyên tác Hán văn “ Hà Thành kim tích khảo “ của Sở Cuồng Lê Dư (2007).(Cuốn này cho tới giờ tôi nhớ không quên, có lẽ người dịch chính là người đứng tên biên tập, đã kí tặng em gái “mưa” của mình kèm cam kết giao sở hữu độc quyền bản quyền tác phẩm. Vì sự tế nhị, tôi biết mà ngại hỏi vì không muốn là người tọc mạch!- bấy giờ chỉ nghĩ, anh chàng nho sĩ này đâu có khô khan như vẻ ngoài!); Cổ sử Việt Nam – một cách tiếp cận mới (2007) ; Kinh đạo nam – thơ văn giáng bút của Vân Hương đệ nhất Thánh Mẫu ( Liễu Hạnh) và các vị nữ thánh – Đào Duy Anh khảo chứng – Nguyễn Thị Thanh Xuân phiên âm và chú thích (2007) ; Khoa học soi sáng lịch sử - Nguyễn Đức Hiệp (2007). Sau mỗi lần ra sách mới, chúng tôi thường ngồi với nhau rút kinh nghiệm, luôn nhắc nhau lưu ý những gì là “nhạy cảm chính trị’ ở trong nước, vì những sách này nếu xuất bản ở nước ngoài, vấn đề đặt ra về “rào cản”tế nhị ấy không có gì đáng quan ngại! Điều chúng tôi luôn nhắc nhau cần thận trọng với vấn đề “nhạy cảm” đã đến với cuốn sách của Nguyễn Đức Hiệp. Chúng tôi nhận được Quyết định dừng phát hành cuốn sách này từ cơ quan quản lí nhà nước, với lí do phải đưa Phần 10 ra khỏi tập sách. Phần 10 có tựa: “ Đài Loan và cội nguồn Bách Việt”. Từ những rủi ro khi làm nghề của cá nhân cũng như đồng nghiệp trong nghề làm sách, tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ : con chip phát hiện “nhạy cảm” hình như được cài cắm ở mọi bản thảo vậy! Bản thảo tập sách này trước khi kí duyệt, tôi đã bàn với Quân tìm người có chuyên môn đọc giám định, vậy ý kiến người được nhờ đọc giám định ấy bây giờ thế nào? Quân chỉ khẽ lắc đầu, đã kiếm hoài… mà không ra! Tôi nhớ người Quân nhờ đọc bản thảo là một nữ tiến sĩ ngành khảo cổ học, một người làm khoa học rất có uy tín trong giới lúc bấy giờ. Tôi chỉ biết chị qua các tản văn chị viết với một giọng văn hồn nhiên, trong trẻo…mà chưa có vinh dự được tiếp diện. Chúng tôi chỉ còn cách thực thi quyết định tạm dừng phát hành, cũng chẳng nên trách cứ ai, bởi lẽ, sống trên đời, như các cụ khuyên răn “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” mà. Từ bữa ấy chúng tôi ít gặp người ấy…cũng chỉ biết tự an ủi nhau, sau này nếu nhờ người đọc cũng phải cân nhắc xem người ấy là…ai! Trong dự kiến kế hoạch đề tài của tủ sách, chúng tôi đã tổ chức thêm 5 đề tài (tất cả đã có bản thảo trên bàn biên tập), có thể kể tên như sau: Truyền thuyết Hùng Vương – Nguyên Nguyên; Văn bia chùa Huế -Lê Nguyễn Lưu ; Kinh tế -Thương mại – Tài chính Việt Nam dưới triều Nguyễn – Nhiều tác giả ; Địa lý hành chính đồng bằng sông Hồng thế kỉ I đến thế kỉ VI SCN – Dịch từ bản Anh ngữ của tác giả người Úc – Jennifer Holmgren ; Quan hệ Việt - Nhật thế kỉ XVI – XVII – Phạm Hoàng Quân, Vĩnh Cao Phan Thanh Hải dịch từ nguyên tác Hán văn của Sở Cuồng Lê Dư.

Cuối năm ấy, tôi được điều động ra Hà Nội nhận bàn giao nhiệm vụ mới, và Quân cũng chia tay Chi nhánh trở về quê chăm sóc gia đình. Chúng tôi chia tay nhau và cũng chia tay tủ sách mang nhiều ý nghĩa như thế đấy! Cả hai chắc cùng nghĩ, chưa thấy “hòa hợp, tình tự” đến đâu, chỉ biết hai đứa đã mỗi người, mỗi ngả…Thương quý bạn và thấy tiếc cho một tài năng nghiên cứu đang độ chín của sự nghiệp, nếu có điều kiện làm việc ổn định chắc anh sẽ còn nhiều đóng góp có giá trị cho lĩnh vực nghiên cứu cổ sử mà anh tự nguyện dấn thân, tôi có giới thiệu anh với một đồng nghiệp là giám đốc nhà xuất bản chuyên xuất bản sách khoa học xã hội và nhân văn để tuyển anh về giữ gôn Chi nhánh bên anh ở Thành phố Hồ Chí Minh, (tôi được biết, người gác đền cũ đã ra nước ngoài sống với con, giờ ở đấy vẫn còn chưa tìm được người thay ). Nhưng chỉ thấy anh này ậm ừ, không mặn mà lắm? Có thể, anh là dân tay ngang, được lãnh đạo Viện đưa về tăng cường cho cơ quan cấp 2, anh đang phải gồng mình cho sự tồn tại của nhà xuất bản nơi hậu phương nên cũng chẳng tha thiết với đứa “con rơi” là Văn phòng chi nhánh, hơn nữa, lại phải mất công tìm hiểu người mới, không khéo lại mang “lửa” về cơ quan, điều này xem ra cũng dễ bề thông cảm với anh! ( Tôi chưa có dịp nói với Quân về sự sốt sắng này của tôi). Kể lại câu chuyện về Phạm Hoàng Quân bén duyên với nghề xuất bản những năm tháng đã qua, dù sao với chúng tôi, cũng là những kỉ niệm khó quên, và có thể, chính có những tháng ngày trải nghiệm như thế, chúng ta mới có một nhà nghiên cứu có một phương pháp làm việc khoa học và tinh thần trách nhiệm cao đối với học thuật, chưa kể đức tính kiên trì, nhẫn nại…mà chính tôi đã sớm nhận ra từ lần đầu biết và quen anh.

…Tôi gặp lại Phạm Hoàng Quân lần anh ra Hà Nội nghiệm thu bộ sách “ Minh thực lục” và “ Thanh thực lục’ (2 cuốn)- Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản, do nhà nghiên cứu gốc Việt - Hồ Bạch Thảo dịch và chú giải, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trực tiếp hiệu đính. Biết tin anh được mời hiệu đính bộ sách này, nhiều người trong giới làm sách vẫn nghĩ anh là dân nghiên cứu ở một cơ quan trung ương, ngay tại Thủ đô, chứ ít ai ngờ,người đứng tên hiệu đính bộ sách nổi tiếng lại là nhà nghiên cứu độc lập trẻ tuổi người Miền Tây! Riêng tôi, tôi chỉ biết tâm phục người đồng nghiệp “cao tay” đã chọn và mời anh cộng tác làm người hiệu đính cho bộ sách vào loại lớn nhất trong các loại sử thư Trung Hoa lần đầu được dịch, chú giải toà

n bộ những điều mục liên quan đến lịch sử Việt Nam và cuộc chiến chống quân Minh - Thanh của cha ông ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước…Trước ngày về quê, anh đến thăm tôi ở cơ quan. Cả ngày hôm đó, tôi đưa Quân đến những nơi anh muốn đến. Qua tìm hiểu, tôi được biết, từ ngày hồi hương, có nhiều thời gian, anh đã lần lượt công bố nhiều đầu sách nghiên cứu, biên khảo. Có thể kể tên như: Hoàng Sa – Trường Sa, Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc ( 2015)- cuốn sách đã nhận Giải B,Giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam 2016 ( Giải nay mang tên Giải Sách Quốc gia) ; Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale ( dịch và chú giải 2016) ; Xiêm La quốc lộ trình tập lục ( Giao thông thủy bộ Việt – Xiêm năm 1810, dịch, chú và giới thiệu , 2017); Những mảnh sử rời ( biên khảo 2019 ) ; Gia Định thành thông chí ( dịch, chú và khảo chứng ,2019) ; Mục lục đề yếu phần Hán văn tạp chí Nam Phong 1917 – 1934 ( 2019)… Anh cũng đang hoàn thành cuốn Thư mục đề yếu – Thư tịch Trung Quốc quan hệ đến lịch sử Việt Nam,từ khởi thủy đến năm 1949.Anh cũng dành nhiều thời gian cho công trình về lịch sử địa danh các đảo trên Biển Đông và địa danh Nam kỳ Lục tỉnh trong tư liệu Hán Nôm,… Có thể thấy, với tư cách là một nhà nghiên cứu về chủ quyền biển đảo Việt Nam từ hệ thống tư liệu Trung Quốc và nước ngoài, mọi vấn đề nêu ra, anh luôn hướng đến”cách hiểu đúng đắn”, gần với ý nghĩa chân xác của tư liệu nguồn. Anh quan niệm : Chúng ta nên cố gắng xử lý tư liệu cổ của họ thật đúng đắn, dẫu ít, dẫu chậm nhưng chuẩn mực đàng hoàng, tránh sa vào cực đoan như họ (các học giả Trung Quốc).

Năm 2015, do có những đóng góp xuất sắc qua nhiều bài viết cùng những công trình nghiên cứu về cổ sử Trung Quốc liên quan đến Biển Đông ,tiêu biểu như : Phân tích tổng quan nguồn sử liệu Trung Hoa liên quan đến Biển Đông Việt Nam; Những ghi chép liên quan đến Biển Đông Việt Nam trong chính sử Trung Quốc; Những ghi chép về tình hình mặt biển Quảng Đông Trung Hoa và mặt Biển Đông Việt Nam trong Đại Thanh thực lục,đối chiếu Đại Nam thực lục ; Những ghi chép liên quan đến Biển Đông Việt Nam trong phương chí Trung Hoa…nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân đã được trao Giải Nghiên cứu của Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh.

Trong cuộc đời làm sách,tôi có thói quen sưu tập những bài diễn từ của những người nhận Giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa,văn nghệ trong nước cũng như trên thế giới, bởi ở trong đó thường gặp những đúc kết về quan niệm, tư tưởng sáng tác ,biên khảo, dịch thuật…những bài học quý báu từ công việc khám phá, sáng tạo cùng khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong tương lai… của các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch thuật…Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích một đoạn trong Diễn từ của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đọc tại Lễ trao Giải Nghiên cứu của Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm 2015 mà tôi thấy tâm đắc : “ …Từ hoàn cảnh của mình,tôi thấy rằng dù cá nhân hay tập thể, muốn có thành tựu nghiên cứu tốt phải hội tụ đủ 3 yếu tố là : tinh thần khoa học ,năng lực nghiên cứu và sách vở tài liệu, hay nói rõ hơn, sách cùng với tài liệu là vốn liếng cơ bản, năng lực là tay nghề, là trình độ và tinh thần khách quan khoa học là không thiên về cảm tính hoặc bị chi phối bởi tinh thần dân tộc “. - Với một quan niệm về nghề sáng rõ và chân thành như thế, cùng với những thành tích anh đạt được trong 20 năm qua, chúng ta có niềm tin chắc chắn: anh sẽ có những thành công mới trong lĩnh vực nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo… và đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện hoạt động học thuật còn nhiều bất cập ở ta trong vài chục năm qua đã cho thấy…