Người thi sỹ bình dị Phạm Xuân Trường vốn hàng ngày chăm chỉ chạm khắc các con chữ thơ, đặc biệt là thơ lục bát. Qúa lắm là những câu lục bát nhà quê biết nộ xung bất tuân với những bày đặt trái ngang đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Tưởng thế là cùng lắm rồi, đắc đạo thơ rồi, ấy vậy mà không. Ông không chỉ có thế. Một ngày ông lên đồng cùng với dân nghiền bóng đá, nghiền chính trị bày tỏ tình yêu qua nét vân tay chạm khắc trên mặt lá đồng để tạo ra những bức tranh chân dung tinh vi, thiện xảo. Ấy là tôi muốn nói về triển lãm tranh chân dung gò đồng các Văn nghệ sỹ và những người thân quý sẽ diễn ra chiều ngày thứ 7 này, tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, HN.
***
Trước hết kể về Tứ quý - tranh:
1). Bức tranh gò đồng chân dung vị “tướng” cầm đoàn quân tuyển bóng đá VN đánh đông dẹp bắc Park Hang Seo. Bức chân dung vị tướng cầm quân đá bóng, người Hàn Quốc sang VN lập kỳ công khiến dân ta nhớ về lịch sử xưa, mãi thời Lý – Trần, dân Việt ta cũng đã “biệt phái” vị tướng tài của mình, cụ Lý Long Tường sang viện Triều đánh giặc Nguyên Mông. Nay ngài Pak Hang Seo sang cầm quân đá bóng coi như Hàn-Triều trả nghĩa, nghệ sỹ Phạm Xuân Trường họa tranh chân dung tướng Pak cũng vì lẽ đó.
2). Bức tranh gò đồng vị Tổng thống khét tiếng Mỹ quốc Donald Trump, bắt tay đại kình địch, Chủ tịch Triều Tiên Kim Dung Un. Lại liên quan tới nước Triều Tiên ở đây. Thật cứ như ông trời mượn tay nghệ sỹ Phạm Xuân Trường đùa chơi hết cỡ.
3). Bức tranh gò đồng nhị vị nguyên thủ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro. Bức này do Hội Nhà văn đặt làm để đem sang tận Tây bán cầu tặng bạn.
4). Và giờ đây, chiều 2/12, tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bộ tranh gò đồng 154 bức sẽ được trưng bày triển lãm. Trong đó có 150 tác phẩm tranh chân dung “Quần Văn Thi Hội” cùng các người bạn, và 4 tác phẩm tranh phong cảnh.
Tôi được tác giả tiết lộ chi tiết “tuyệt mật”, bộ tranh này vốn được xuất hiện với 184 tác phẩm, song khi duyệt treo triển lãm thì Sở văn hóa Hà Nội đã loại ra 30 chân dung các nhà văn bị coi là có “vấn đề”. Rất lạ lùng cùng rất khó hiểu và rất đáng tiếc là trong nhóm 30 tranh chân dung bị loại đó thì hầu hết là các nhà văn xuất sắc của văn học nước nhà, trong đó có những tác giả đã được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, như các nhà văn Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trương Tửu…cùng các nhà văn nổi tiếng đương đại, như Nguyễn Duy, Hoàng Quốc Hải, Hoàng Hưng, Đặng Văn Sinh, Tạ Duy Anh…Thật là rất - rất - rất, “tam tự - rất” cũng chưa thể hiện hết sự khó hiểu! Đã có câu “cái nước mình nó thế”. Nghĩa là Rất Việt Nam! Coi như chuyện đùa vui nghịch dại của con người. Hì…
***
Bốn bức Tứ bình – thơ, là bốn bài thơ được người người truyền khẩu to nhỏ đọc/chép cho nhau khắp các tỉnh thành. Ở Thái Bình, nơi mảnh đất nổi tiếng bậc nhất với tên cổ xưa, làng khoa bảng Trình Phố, có một ông chủ hiệu đồng hồ kẻ biển quảng bá to đùng treo ngay trước cửa hiệu cho thi phẩm LÀM VUA của thi sỹ Phạm Xuân Trường. Thật như chuyện Bá Nha, Tử Kỳ xưa vậy. Tương tri nhường ấy mới là tương tri!
Sau đây, theo ngu ý của tôi, là BỘ TỨ BÌNH THƠ:
A). Bài CHÓ ĐÁ
(Thiết nghĩ với con người làng quê VN bao thời hằng coi ngự trên cao tít là Làm vua, dưới thấp tịt còn gì hơn Chó đá. Thơ của bậc đa tài nghệ này quả đa vấn đề, đầy tính ngụ ngôn. Thâm nho phết! Bài này cũng được dân ta thích lắm, cho ứng với mùa Xuân, bởi Xuân là tiết của lễ hội, cúng bái. Chó có lộc lá!)
Đầu làng thì thụp khói hương
Mặt trơ trán bóng gió sương dãi dầu
Chẳng hề được một tiếng gâu
Thản nhiên tọa hưởng cau trầu thế gian!
*
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm chó đá mặt còn trơ trơ
Bao giờ cho đến bao giờ
Ô hay phận chó mà thờ cũng thiêng!
B). Bài LÀM VUA
(Bài thơ này nói tới ngôi cao thượng đẳng, ứng với mùa Hạ - tượng mặt trời, cực dương, chí tôn. Hè chói chang, tràn trề năng lượng, tỏa ánh sáng, sức nóng chiếm hữu vùng ảnh hưởng của mình. Thế thì tất phải Làm Vua, chứ còn gì nữa!)
Rủ nhau vô Huế làm vua
Vương triều cũ hóa trò đùa hôm nay
Tôn nghiêm rẻ đến thế này
Thì ta chân đất điếu cày lên ngôi
Vàng son, ờ cũng thế thôi
Chia tay Huế ngổn ngang trời mưa…mưa…
1996
C). Bài ÔI, CÔNG NÔNG
(Bài này đề cập tới một phương tiện xe máy, phành phành ình ình nhênh nhang khắp mọi nẻo đường làng quê, gây niềm kinh sợ cỡ “Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì!) một thời. Ấy là nói với nghĩa đen vừa, còn nghĩa đen hơn thì…thì…hì, khó nói. Bài này ứng với mùa Thu, mưa buồn, lá vàng, và rơi rụng. Nghe giang hồ đồn người chép thơ này trong sổ đen dầy lắm!)
Thôi rồi ba bánh, công nông
Bây giờ nặng nhẹ lại gồng lên vai
Trở về cái thuở sơ khai
Đồng sâu ruộng cạn rạc dài nông sâu
Công nông đấy đi về đâu
Còng lưng cha lại làm trâu trên đồng
Nước lã thì đổ ra sông
Bao giờ xếp xó công nông đi đời
Một thời mày đã lên ngôi
Giờ thành phế liệu về ngồi gốc đa
Đường làng cho đến phố xa
Người ta đắp chiếu làm ma cho mày
Lệnh ban sửng sốt từ nay
Ra đường cấm thấy mặt mày: công nông.
D). Bài CHÔN DỌC
(Bài tứ bình này thì cực văn kỳ nổi tiếng. Cái mảnh đất hình chữ S vốn đã nhỏ, thế mà ông bạn 16 chữ vàng vẫn cứ phải xin xà xẻo bớt đi phần Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, bên trong thì con cháu tranh nhau từng mi ni mét. Thế nên nhà thơ nghèo mới phải lo, phải di chúc cho con sau bố mất thì đem chôn dọc. Học ông Từ Hải, ván đặt dựng đứng! Ấy là nói dỗi cho nó tuyệt lời vời ý. Thế mới thật là thơ, dân nghiền đọc nó mới đã đời, mới truyền tụng. Bài này ứng với mùa Đông)
Bố chết con đừng chôn ngang
Bây giờ tấc đất tấc vàng con ơi!
Ngửa mặt nhìn chỉ thấy trời
Chôn dọc cho bố nhìn đời thẳng cong
Để mà thấu rõ đục trong
Mấy ai gan ruột thật lòng với ai
Và ai trong cuộc đứng ngoài
Lựa màu gió thổi đậm, phai sắc hồng
Ai về sau bão sau giông
Những hòn máu đỏ nuôi không thành người
Ai từ muôn dặm trùng khơi
Trở về ban phát nụ cười cho quê
Kìa ai nửa tỉnh nửa mê
Trắng tay còn một câu thề chặt đôi
Đất đai giờ đã lên ngôi
Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời
Đất đai đã hoá vàng mười
Chôn ngang tốn đất cho người chết sau
Sống thì làm khổ lẫn nhau
Bố không mong có kiếp sau luân hồi
Ngày 4/1/2005
___________
KẾT LUẬN: Xin trân trọng nhắc, bạn bè/bạn đọc mến mộ thơ và tranh gò đồng của người nghệ sỹ tài hoa độc lạ này, thì nhớ cho điểm hẹn:
“BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM, NGUYỄN THÁI HỌC, BA ĐÌNH, HÀ NỘI, LÚC 16H CHIỀU THỨ 7, NGÀY 2 THÁNG 12 TA CÙNG GẶP NHAU Ở ĐÂY NHÉ”.
Trân trọng giới thiệu!
Thủ bút ĐTKhơi