Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI ĐÃ ĐƯA NHÀ BÁC HỌC STEPHEN HAWKING VÀ “LƯỢC SỬ THỜI GIAN” CỦA ÔNG VÀO VIỆT NAM *

Lê Huy Hoà
Thứ sáu ngày 1 tháng 12 năm 2023 11:24 AM


Khi đi tìm tư liệu cho tập bản thảo kí ức của người làm sách,thật tình cờ , tôi gặp lại những dòng đề tặng gần 10 năm trước của dịch giả Phạm Văn Thiều, một trong những người chủ chốt dựng nên “ Tủ sách Khoa học và Khám phá “ của Nhà xuất bản Trẻ ghi ở đầu trang 1 cuốn “ Lược sử thời gian “ của Stephen Hawking , bản in lần thứ 10 :”Thân quý tặng Lê Huy Hòa,người đã dũng cảm in bản đầu tiên của quyển sách này! (Phạm Văn Thiều.Hà Nội,24/03/2014) . Chắc bạn đọc quan tâm tới tủ sách kể trên, trong đó có cuốn “Lược sử thời gian “ đã được Nhà xuất bản Trẻ in tới 31 lần sẽ khó tránh được sự tò mò muốn tìm hiểu cơ duyên nào đã đưa cuốn sách nguyên tác tiếng Anh của nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh vào Việt Nam, và biết thêm về một trong những dịch giả cũng rất” can đảm” nhận lời chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt?

Tôi còn nhớ là vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước,nhiều nhà xuất bản trong nước đã chuyển hướng tìm đến các đầu sách tiếng Anh, tiếng Pháp từ các nhà xuất bản Phương Tây có tên tuổi ở Mỹ, Anh, Pháp…, trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là sách văn học với những tác phẩm “bestseller” của các nhà văn nổi tiếng để dịch và giới thiệu ở Việt Nam,và thực tế, loại sách này đã trở nên ăn khách, nhiều cuốn sách liên tục tái bản mà vẫn “cháy hàng”. Kế tiếp là dòng sách trinh thám nước ngoài, dòng sách này hấp dẫn bởi cách viết lạ, nhân vật là các thám tử tư lừng danh thế giới với các tình huống phá án li kì, hấp dẫn…và đặc biệt là các tác giả những bộ sách này tỏ ra chắc tay trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, điều mà các truyện hình sự, phá án của các tác giả trong nước chưa được quan tâm nhiều! Riêng dòng sách về kiến thức khoa học cơ bản, thường thức xem ra ít được chú ý và chưa có định hướng khai thác, dịch thuật .Cũng dễ hiểu vì ngành xuất bản cũng như các ngành kinh tế khác nước ta đã chuyển sang kinh tế thị trường. Các nhà xuất bản phải tự chủ về tài chính, không dư dả về vốn… Đề tài mà các nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân ưu tiên khai thác,xuất bản phải đảm bảo “đầu ra”, tức là sách in ra phải bán được…Riêng tôi, vẫn nghĩ, đọc sách, ngoài việc giải trí thuần túy, người đọc sách còn có nhu cầu thu nạp kiến thức, trau dồi thêm tri thức mới mọi mặt từ kho tàng tri thức của nhân loại. Hơn thế, độc giả lại thuộc nhiều đối tượng, nhiều “gu” đọc khác nhau, sách khoa học nền tảng sẽ cần cho những người say mê khám phá, tìm hiểu!

Dạo này tôi được làm quen với nhiều dịch giả,các nhà nghiên cứu khoa học là cộng tác viên cùng tham gia biên soạn các bộ sách Bách khoa tri thức.Trong số này,người mà tôi ấn tượng nhất là dịch giả Phạm Văn Thiều, dân vật lý lí thuyết,người vừa từ Đại học Kỹ thuật Quân sự chuyển ngành ra một cơ quan thuộc Viện Khoa học Việt Nam ( nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ), có trụ ở 70 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, cạnh Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật. Thời gian này, tôi là biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Tiếp xúc lần đầu với anh và mời anh cộng tác lại là mảng truyện trinh thám. Đó là hai cuốn “Những xác chết câm lặng và ” Những que diêm bí ẩn “của nhà văn Anh nổi tiếng thế giới chuyên viết truyện trinh thám hành động James Hadley CHASE (dịch qua bản tiếng Nga). Nhận bản dịch, đọc biên tập, tôi nhận thấy văn dịch của anh Thiều rất có duyên và đậm chất văn. Khi đã thành người thân thiết, tôi biết anh là người sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ: Anh. Nga, Pháp; là người rất thích đọc văn học Việt Nam, nhất là các nhà văn tiền chiến, nhóm Tự lực Văn đoàn như Vũ Bằng, Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ…, đặc biệt anh rất mê văn của Thạch Lam. Bạn hãy hình dung, Phạm Văn Thiều những lúc say đắm vào chuyện văn chương, anh có thể đọc liền mạch cả đoạn văn xuôi của tác giả này!?

Tôi còn nhớ một chuyện khá thú vị do anh Thiều kể lại – khi ấy anh là Phó Giám đốc một công ty điện tử thuộc Viện Khoa học Việt nam, - một buổi chiều rỗi rãi vắng khách,anh ngồi lật xem chơi cuốn Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì thấy rơi ra một bức thư ngỏ trong đó có một “thách đố” khá hấp dẫn: Ai phát hiện ra 3 lỗi buộc phải sửa trong cuốn từ điển này sẽ được tặng một quyển. Tò mò anh bỏ ra vài buổi xem kỹ một số mục từ mà anh ngờ dễ mắc lỗi nhất thì phát hiện ra không phải 3 lỗi mà khoảng chín mười lỗi. Sau khi gửi” góp ý” cho nhóm biên soạn từ điển,anh cũng quên khuấy luôn. Rồi bẵng đi vài ba tháng, một hôm trong lúc đang trò chuyện với mấy người bạn thân ở văn phòng công ty, thì thấy một cô gái trẻ tuổi rụt rè bước vào xin gặp anh. Cô nói, cô là người của Trung tâm từ điển đến để biếu sách và chuyển cho anh bức thư cám ơn với lời lẽ rất trân trọng. Mấy người bạn anh đùa vui: bọn tôi ngồi đây chờ được biếu từ điển lâu lắm rồi. Ba lỗi được biếu một, mà anh Thiều phát hiện ra chín mười lỗi kia mà, ít nhất phải tặng 3 cuốn chứ. Cô gái cười bẽn lẽn không biết trả lời thế nào. Tiễn cô gái ra cửa, cô rụt rè hỏi: Sao anh làm kinh doanh máy tính mà lại quan tâm tới cả từ điển tiếng Việt kia à. Anh chỉ cười không nói gì…

Ấn tượng với câu chuyện anh kể và cảm nhận riêng những lần biên tập các đầu sách anh dịch, tôi cứ ám ảnh với suy nghĩ, anh là dân khoa học tự nhiên, một người có kiến thức rộng, có ngoại ngữ lại mê văn Việt, mê tiếng Việt - trong anh hội tụ những tố chất của người dịch thuật,nhất là dịch sách tham khảo giáo dục,mảng sách phổ biến khoa học mà ở ta còn trống vắng? – nếu dịch những cuốn sách khoa học thường thức, chắc sẽ “ đắc địa” và hợp với cái “tạng”của anh …và tôi nuôi ý định chờ dịp để kiểm chứng dự cảm chuyên môn về người cộng tác viên này. Và như lời tiền nhân: điều gì sẽ đến cũng đến. Số là, trong số những bạn trẻ yêu sách mà tôi quen và thường gặp ở Thư viện Quân đội có một chàng trai mê đọc truyện chưởng, (thời ấy nói đến Thư viện Quân đội là dân” ghiền” truyện chưởng không ai không biết ở đây có khá đủ các bộ sách loại này) là tiến sĩ Vật lý trẻ tuổi Nguyễn Hồng Chương, dân chuyên toán, và cũng là chỗ quen biết của anh Thiều. Tôi gặp Chương trước ngày cháu sang Mỹ công tác, ngỏ ý nhờ cháu tìm bên bạn có cuốn sách nào về mảng khoa học thường thức mà được nhiều người tìm đọc, cháu vốn là nguời mê sách nên vui vẻ nhận lời. Nửa tháng sau, cháu đi công tác về, nhắn tin muốn gặp. Khi tôi tới điểm hẹn, cháu rút từ trong cặp sách bản photocopy tiếng Anh cuốn “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking , cháu nói, vì không có thời gian tìm được bản in nên phải vào thư viện nhờ photocopy cuốn sách này mang về. Chương cho biết ở bên ấy, đây là cuốn sách các bạn trẻ rất thích đọc, nhất là các học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học. Bản photocopi in 2 mặt nên cảm giác cuốn sách có độ dày vừa phải, nếu chuyển sang tiếng Việt cũng chỉ chừng 300 trang khổ bỏ túi, tôi chỉ kịp nghĩ vậy khi nhận quà sách của Chương.

Khi chia tay Chương đã là cuối ngày,tôi tranh thủ ghé văn phòng anh Thiều,dù không hẹn trước nhưng tôi biết giờ này người vẫn còn ở đấy. Sau khi hai anh em uống hết tuần trà và hút chưa hết điếu thuốc,tôi liền lấy bản photocoppi cuốn sách vừa nhận,đặt trước bàn anh,nói dõng dạc: “Hàng” xách tay” mới cho ông anh đây!” Anh Thiều xoay lại tập giấy photo tôi vừa đặt trước mặt,liếc nhìn dòng chữ tên sách và nét mặt như tươi hẳn ra.Anh nói,mình nghe nhắc tới cuốn này khá lâu mà chưa đọc được. Anh hứa sẽ trả lời sớm nhất có thể. Thời kỳ này,nước ta chưa tham gia Công ước bản quyền Berne nên việc mua, bán bản quyền chưa là trở ngại trong việc đăng ký đề tài xuất bản với cơ quan quản lý nhà nước. Để giữ kín đề tài,tránh rò rỉ thông tin, tôi chưa đăng ký xuất bản với một nhà xuất bản nào,chỉ nghĩ,chờ bản thảo dịch xong sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Hai tuần sau, cũng vào cuối giờ chiều, giờ mà sau này tôi thường ghé vào uống trà với anh sau mỗi ngày làm về,tôi tới gặp anh. Anh thông báo,bọn mình sẽ nhận ký hợp đồng dịch tác phẩm này.Anh nói, sở dĩ chưa hồi âm sớm hơn vì cần tìm gặp một nhà vật lý đàn anh, một người rất uyên thâm và có một nền tảng văn hóa chung rất đáng nể mà mình coi như thầy, muốn cùng thầy dịch chung tác phẩm này( người thầy mà mà anh nhắc tới chính là GS.Cao Chi). Tôi thầm hiểu ý anh, anh là người nghiêm túc và kĩ tính trong công việc, nhất là dịch một cuốn sách của một tác giả có tên tuổi lẫy lừng như tác giả cuốn sách này.Trong thâm tâm, tôi nghĩ,việc tôi gửi gắm nơi anh coi như ổn. Và từ bữa ấy, tôi không dám hối thúc về tiến độ dịch,những muốn để anh tập trung cho công việc, mà tôi biết không dễ dàng vì đây là loại sách anh mới làm quen… Về phần mình, để chuẩn bị giới thiệu khi sách in ra, tôi tìm hiểu qua các kênh thông tin nước ngoài về tác giả và tác phẩm, hiểu được ”Lược sử thời gian” là cuốn sách trình bày những vấn đề hiện đại nhất của vật lý và vũ trụ học dưới dạng phổ biến dành cho đông đảo độc giả không cần có một hành trang khoa học nào, mà theo một biên tập viên người Mỹ, sách phải phổ biến đến mức “ có thể bán được ở các bến tàu, bến xe,…”. Hy vọng, việc dịch và giới thiệu với bạn đọc trong nước sẽ làm rõ một cách sống động tại sao tác phẩm kinh điển của Giáo sư Hawking làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về vũ trụ. Sau này,trong Lời Giới thiệu của Nhà xuất bản Trẻ cho lần xuất bản thứ 10 cuốn sách, có viết :” Kể từ lần xuất bản đầu tiên,năm 1988,trong 10 năm qua tác phẩm kinh điển “ Lược sử thời gian “ của Stephen Hawking đã tạo nên một bước ngoặt trong các tác phẩm phổ biến khoa học : hơn 9 triệu bản in,dịch sang 40 thứ tiếng và được bán trên toàn thế giới” ( Nhà xuất bản Trẻ.2012). Nhưng đấy là những tín hiệu tích cực có được khi sách đã in ra và được đông đảo bạn đọc tiếp nhận…

…Còn nhớ những ngày chờ đợi bản dịch,tôi có trao đổi với dịch giả Đoàn Tử Huyến,lúc bấy giờ anh cũng là người làm sách,tổ chức bản thảo thị trường có “số má” trong giới làm sách.Anh có những suy nghĩ rất thực tế về đề tài này và khuyên tôi nên tìm mời một đối tác phía Nam cùng bỏ vốn in và phát hành cả hai nơi.Anh có giới thiệu Trần Đình Sơn,một “đại gia” sách ở Thành phố Hồ Chí Minh,một người chuyên làm sách liên kết và phát hành sách tham khảo giáo dục .Qua giới thiệu của anh Huyến,tôi nghĩ,cuốn sách tôi đang tổ chức bản thảo cũng sẽ là một dạng sách tham khảo,cần cho tuổi trẻ học đường.Nghĩ vậy nên tôi cũng cảm thấy yên tâm về “đầu ra” cho cuốn sách và hy vọng đón đợi.

Ba tháng sau,anh Thiều báo tin,bản thảo “ Lược sử thời gian” đã dịch xong và hẹn tôi tới nhận. Anh nói tôi yên tâm,những người dịch đã kỹ lưỡng,kiểm tra chéo bản dịch,có tham khảo,đối chiếu các bản in tiếng nước ngoài khác. Ban đầu, tôi có ý định đăng ký đề tài này ở nhà xuất bản nơi tôi làm việc nhưng sếp của tôi khuyên nên chuyển sang nhà xuất bản khác phù hợp với đối tượng cuốn sách hơn. Người ông giới thiệu là Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật,là bạn thân của ông. Tôi thầm cám ơn ông, nhưng vẫn cảm thấy bị “sốc”vì lẽ, ông không nghe tôi giải thích vì sao tôi muốn in cuốn sách này ở nhà xuất bản của mình! Khi tôi mang bản thảo tới gặp Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, tôi càng thêm bất ngờ vì khi nhận bản thảo, ông ta nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, nói với giọng thông cảm: thật tình mình nghĩ, cậu in sách này e khó bán đấy! Tôi không quên cám ơn ông và nói đại ý, tôi tin ,bạn đọc nước ngoài yêu thích cuốn sách thì chắc bạn đọc trong nước cũng sẽ chung niềm yêu thích ấy.

Thực tình,tôi muốn in ở Nhà xuất bản Quân đội ,một mặt vì muốn nhà xuất bản mở rộng biên độ đề tài, bộ đội có thêm sách giải trí trí tuệ,nhất là với cánh lính trẻ, mặt khác, sách in ở đây, biên tập viên không bận tâm về đầu ra cho sách. Tôi nộp bản thảo cho Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật và chờ được duyệt và cấp phép.Tôi có nói chuyện này với anh Thiều, anh có chút ái ngại vì như vậy tôi phải lo kinh phí in ấn, phát hành. Đọc được ý nghĩ của anh , tôi nói đã mời được đối tác đầu tư cho chi phí in, việc phát hành sách sẽ cùng tổ chức hai miền. Nói vậy để anh bớt lo, nhưng thực ra lúc bấy giờ tôi đã kịp làm việc với đối tác cụ thể nào đâu. Bước tiếp sau là công việc chế bản bản thảo, ra can và đọc soát lỗi morat (trên giấy can), anh Thiều là người cuối cùng giúp chúng tôi công đoạn này. Bìa sách được chính Hoạ sĩ Văn Sáng thiết kế.Có thể nói, nếu có chương trình bình chọn bìa sách Đẹp của năm,bìa cuốn “Lược sử thời gian” năm ấy chắc chắn nằm ở tốp đầu!

Mọi công việc chuẩn bị đưa bản thảo đi in đã hoàn tất,tôi liên hệ trực tiếp với “ nhà đầu tư” Trần Đình Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh vui vẻ nhận lời và không quên nhắc tôi gửi Giấy phép và bản can vào sớm nhất có thể ( tôi đoán việc này anh Đoàn Tử Huyến đã trao đổi trước với anh Sơn). Bản can,phim bìa và Giấy phép xuất bản cuốn sách được gửi phát chuyển nhanh theo đường Bưu điện ngay sau đó.Lại là những ngày chờ sách in ra…1 tháng,2 tháng,sang tháng thứ 3 vẫn không thấy bên anh Sơn hồi âm.Tôi linh cảm có điều gì đó không bình thường ...Những ngày này,tôi cũng không thường xuyên gặp anh Thiều vì cảm thấy có chút e ngại,biết nói gì khi mà anh cũng trong cảnh chờ đón sách ra như tôi?Mấy lần tôi chủ động gọi điện hỏi thăm anh Sơn về tiến độ in sách,lần nào anh cũng nói đang in,ráng chờ thêm ít bữa vì đang thời vụ in sách tham khảo theo đơn đặt hàng của các đại lý nên in sách có chậm so với kế hoạch…Cũng thật tình cờ,nhân có anh bạn cùng cơ quan vào Nam công tác,tôi biên thư cho anh Sơn,đại ý nói,nếu bên anh khó xếp việc in,tôi muốn nhận lại bản thảo và tổ chức in ở ngoài Hà Nội.Cũng không biết cuộc gặp giữa anh bạn tôi và anh Sơn thế nào,tôi đoán chắc do tài thuyết khách của anh bạn tôi đã kích hoạt được tư duy kinh doanh của anh Sơn nên anh đã chủ động đưa cuốn sách vào diện in nhanh!

Khi nhận được sách gửi ra nộp lưu chiểu,tôi mang 1 cuốn tới anh Thiều để nhờ anh đọc kiểm tra giúp lần cuối trước khi giao nhà xuất bản.Anh Thiều nhận sách,tôi thấy anh rất vui,cảm động… khác với những lần trước anh nhận sách.Tôi nghĩ,rất có thể,cuốn sách anh dịch lần này đã đưa anh sang một bước ngoặt mới trên hành trình kiếm tìm và đặt móng cho một tủ sách mới nào đấy đang hình thành trong anh! Tôi chợt có ý nghĩ như vậy nhưng không nói với anh. Có một điều thú vị ,ngay trong ngày sách phát hành ,một buổi trưa Hà Nội, đi trên đường ,qua ngã tư Phố Huế - Lê Văn Hưu ,lúc chờ đèn tín hiệu giao thông, tôi ngó sang một khách đi đường cưỡi trên chiếc xe máy Win 125,ở tay lái có treo một túi sách nilon màu trắng ,trong túi tôi thấy có 3 cuốn “Lược sử thời gian”, nhìn ngang thấy chủ nhân là một chàng trai, đoán chừng U.40, tóc để kiểu “đầu đinh”,gương mặt sáng. Thấy tôi chăm chăm nhìn túi sách của anh,anh nhìn sang tôi , đầu gật gật…Còn tôi chỉ kịp cười vui! Trong đầu tôi nghĩ, cuốn sách chắc chắn sẽ phát hành tốt.

Không lâu sau,điều bất ngờ thú vị nữa lại xuất hiện. Chắc chẳng ai ngờ,tác giả “ Lược sử thời gian” đã có mặt ở Việt Nam,ông và người vợ là khách “VIP” của Khách sạn Metropol,Hà Nội trong chuyến sang tìm và nhận con nuôi. Chuyện này tôi được một người bạn làm ở tờ “Hoa học trò” kể lại: Nhà báo có cô em họ làm việc tại Khách sạn này tình cờ phát hiện ra nhà bác học ngồi trên chiếc xe lăn đặc biệt có gắn các thiết bị giúp ông giao tiếp với thế giới bên ngoài…chính là nhờ tấm ảnh ông in trên bìa cuốn “Lược sử thời gian”, cuốn sách mà cậu con trai của chị coi như cuốn sách gối đầu giường! Khi nhà báo nhận được thông tin này lập tức đến khách sạn tìm gặp ông, nhưng vợ chồng nhà bác học nổi tiếng đã trở về nước ít giờ trước đó! Tôi kể chuyện này với anh Thiều, cả hai chúng tôi đều cảm thấy ngỡ ngàng, không ai giấu được sự tiếc nuối. Giá như…sẽ là cuộc giao lưu lịch sử giữa nhà bác học nổi tiếng, dịch giả và bạn đọc nước nhà…Và như thế, tác giả “Lược sử thời gian” sẽ hiểu vì sao, cuốn sách của ông đến Việt Nam lại nhận được một tình yêu lớn lao như thế!

Cuốn sách “ Lược sử thời gian” sau này tái bản nhiều lần, có cả những bản sách “nối bản” ngoài luồng. Dịch giả Phạm Văn Thiều cùng các cộng sự, những người bạn làm khoa học cơ bản, tâm huyết đã hợp lại và xây dựng Tủ sách Khoa học và Khám phá ở Nhà xuất bản Trẻ. Sau 15 năm tủ sách ra đời, nối tiếp “Lược sử thời gian”, các anh đã “cắt rốn” thêm hàng chục đầu sách, đưa chúng đăng ký hộ khẩu trong ngôi nhà tri thức tại Đường sách. Cuốn sách được đánh số 1 của Tủ sách này đã vào tuổi 35, và đến nay riêng ở Nhà xuất bản Trẻ, nó đã được in tới 31 lần, người anh Cả ấy vẫn sống mãnh mẽ bên đàn em sống động và lôi cuốn nhiều thế hệ bạn đọc… Sau này anh Phạm Văn Thiều trở thành người tiên phong dịch một cách có hệ thống hàng loạt sách phổ biến khoa học nổi tiếng , được trao Giải thưởng thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh về dịch thuật và hai Giải thưởng sách Quốc gia. Trộm nghĩ, phải chăng anh Thiều đã đạt được những thành tựu như thế là do cái duyên anh đã khởi đi từ cuốn “ Lược sử thời gian “ của Stephen Hawking?

Kể lại những chuyện bên lề về cuốn sách sau khoảng thời gian khá dài, cả những điều bây giờ mới có dịp nhớ lại, tôi nghĩ,hành trình mỗi cuốn sách đi vào Đường sách có những số phận khác nhau,cũng như hành trình của những người làm sách,viết sách, dịch sách… lắm chông gai nhưng hẳn ai cũng có niềm tin, những công việc hết sức lặng lẽ ở nghề này vẫn mang nhiều ý nghĩa , đem đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Người đọc sách, yêu sách hẳn cũng thầm biết ơn họ về những đóng góp thầm lặng mà giàu chất nhân văn…


------------------------------

Rút trong cuốn “Lạc vào cõi sách”. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. H.2024.