Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỨ, CẤU TỨ - CÁC THUẬT NGỮ LÍ LUẬN VĂN HỌC VIỆT NAM

Trần Đình Sử
Thứ năm ngày 23 tháng 11 năm 2023 9:27 AM


Mọi người đều biết nhiều khái niệm lí luận văn học của Việt Nam bắt nguồn từ ngôn ngữ của Trung quốc, chẳng hạn như đạo, chí, thi, văn, tiểu thuyết, phú, tỉ, hứng, luận…Đến thời cận đại người Việt tiếp thu thuật ngữ phương Tây dưới cái võ các tư Hán Việt, như chủ đề, đề tài, nhân vật, kết cấu, hình tượng…

Điều thú vị là có một số thuật ngữ văn học, có thể thời xa xưa có cội nguồn Trung Quốc, nhưng ngày nay hoàn toàn mang nội dung Việt, như tứ, cấu tứ.

Trung Quốc không có khái niệm tứ. Chữ 思, tra Hán ngữ đại từ điển, Từ nguyên có nhiều nghĩa, nghĩa liên quan ở đây đọc là “tư” (bình thanh), là động từ, nghĩa là tư duy, điều suy nghĩ. Chữ tứ trong tiếng Việt, dùng vào văn học là danh từ. Bài văn này không có tứ. Tứ bài thơ này tứ dở. Nhưng Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ giải thích từ này chưa đạt, lẫn tứ với ý. Chữ 构思, Trung Quốc đọc là “cấu tư”, từ bình thanh, là động từ.

Tra từ điển Hán điển trên mạng thì được giải thích và ví dụ như sau: [try to find a solution;plan]∶谋划,设想, nghĩa là trù hoạch, dự kiến, ví dụ, trù hoạch xây dựng thành phố tương lai 构思未来的城市建设. Nghĩa thứ hai là 拟想主题和安排或设计情节 phác thảo chủ đề hoặc thiết kế cốt truyện. Các nghĩa đó đều chung chung, không riêng cho văn chương, và có thể được các thuật ngữ khác thay thế.

TQ cũng có từ thi tư, 诗思, (bình thanh, shī sī). được thể hiện rất nhiều trong thơ.Đọc vào thơ, theo luật bằng trắc thì phải đọc thành thi tứ.Nhưng người Trung Quốc giải thích đó là “mạch suy nghĩ khi làm thơ, là mối cảm hứng trong thơ. Cũng có thể hiểu là đem tư tưởng, tình cảm mà gửi gắm vào trong thơ”. (释义为做诗的思路、情致。也可理解为将思绪、情感寄托于诗中). Với nội dung này ta thấy không có liên quan gì đến thuật ngữ thi tứ, tứ thơ trong thói quen của người Việt.

Nhiều người viện dẫn thiên “Thần tư” trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp. Tôi xin nói nhiều người phiên là Thần tứ (dấu sắc) là không đúng. Trong bản dịch của ông Trần Thanh Đạm, bản phiên âm chỗ thì ghi thần tứ, chỗ ghi thì ghi thần tư, tùy tiện.

Còn ông Phan Ngọc thì dịch thành Cái Thần và cái Tứ, không biết dựa vào đâu. Tiếng Anh dịch là Spiritual thought or imagination, tư ở đây là trí tưởng tượng.

Trung Quốc cũng có người nói, Ông Lưu Hiệp mở đầu cho khái niệm cấu tư, nhưng nội dung, thì là một nghĩa tưởng tượng tất phổ thông. Ví như trong thiên Thần tư, Lưu Hiệp nêu các ví dụ cấu tư như: Tương Như ngậm nát bút lông mới viết thành chương, Dương Hùng xong được bài văn gục xuống mơ ác mộng, Hoàn Đàm ngã bệnh vì tu duy quá sức, Vương Sung khí kiệt vì suy nghĩ sâu xa, Tả Tư muốn làm Tam đô phú, cấu tư mười hai năm. Toàn các chuyện ngoài văn bản cả. Các nội dung này rất xa lạ với khái niệm tứ, cấu tứ, thi tứ ở Việt nam, bởi ở đây tứ là một yếu tố hay đặc trưng của văn bản tác phẩm.

Ở Việt Nam, ông Quách Tấn đem tứ đối lập với ý. Có ý chưa có thơ, phải chuyển ý thành tứ mới thành thơ được. Hà Minh Đức nói tứ là sự gặp gỡ tư tưởng vơí hình tượng, ví như mặt em và quê hương trong bài “Mặt em là quê hương” của Tế Hanh, hoặc trong bài “Lệ” của Xuân Diệu, sự gặp gỡ giữa hình ảnh trái đất với giọt lệ không lồ đi giữa không trung. Phan Huy Dũng xác định tứ thơ là hạt nhân trong kết cấu hình tượng của thơ trữ tình. Ở Việt nam nói chung không ai bàn về thi ca mà không nói về tứ.

Các từ như “tư”, “cấu tư”, “thi tư” của Trung Quốc không hề có nội dung như vậy. Chúng chỉ nói về sự tưởng tượng, thiết kế, trù hoạch, tưởng tượng chung cho mọi sáng tạo. Có thể có một vài sách lí luận văn học đưa khái niệm này vào, nhưng là cá biệt và mang nội dung khác, không có nội dung khái niệm như ở trong lí thuyết về thơ ở Việt nam. Tứ, tứ thơ, cấu tứ là thuật ngữ và khái niệm Việt Nam.

Từ điển Thi học đại từ điển của Trung Quốc năm 1993 rất hoành tráng không hề có các thuật ngữ đó. Các sách lí luận văn học Trung Quốc mấy chục năm qua mà tôi có rất nhiều không thấy có.

Tạm viết để đọc cho vui. Tôi sẽ viết kĩ sau. Đây là một vấn đề của thi học so sánh rất lí thú. Tưởng zậy mà không phải zậy.

Nguồn: Facebook Trần Đình Sử