Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRƯỚC HẾT LÀ "CHẤN HƯNG" CON NGƯỜI

Nhà văn Trần Gia Thái
Thứ hai ngày 20 tháng 11 năm 2023 9:54 AM


Trước những dư luận đa chiều trong thời gian vừa qua về đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035”, tôi đã cố gắng tìm hiểu tiếp cận được toàn văn bản đề án này, cùng các văn bản tờ trình xin Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Theo đó, bản đề án dày gần 279 trang, kèm theo các báo cáo dài về công tác thẩm định dự án, thẩm định báo cáo đề xuất và tờ trình chính thức đề xuất chủ trương đầu tư.

Chúng ta đều biết khái niệm Văn hóa mang nội hàm vô cùng rộng với nhiều cách hiểu khác nhau. Nó liên quan đến đến toàn bộ đời sống vật chất tinh thần của con người, do con người sáng tạo ra. Nó được sàng lọc, chắt tinh qua thời gian, được cộng đồng xã hội chấp nhận như là một đức tính chuẩn mực lưu truyền đời này qua đời khác, xã hội này qua xã hội khác. Năm 2002 Unesco định nghĩa: “Văn hóa được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, trí thức, xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng ngoài văn học nghệ thuật cả cách sống, phương thức sống, hệ giá trị, truyền thống và đức tin. nó là sản phẩm của loài người trong quan hệ tương hỗ, qua lại giữa con người và xã hội”.

Sở dĩ phải dẫn giải dài dòng về khái niệm văn hóa là để bàn đến quy mô, tầm cỡ của sự “chấn hưng văn hóa”. “Chấn hưng” là từ dùng để chỉ việc khôi phục lại hình ảnh có thể là một triều đại, một quốc gia, một chế độ hay một phần về vật chất hay đời sống tinh thần của xã hội mà con người tạo dựng nên. Chấn hưng là làm cho hưng thịnh, phát triển, tốt lên, đẹp lên… Văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Môi trường văn hóa lành mạnh thì xã hội ổn định. Ngược lại khi văn hóa xuống cấp, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến môi trường xã hội, đời sống xã hội. Do vậy khi đất nước đang đứng trước những dấu mốc quan trọng cần động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình phát triển, tất yếu phải chấn hưng văn hóa.

Cách đây hơn 100 năm, cuộc Duy Tân văn hóa ở nước ta do Phan Chu Trinh khởi xướng, phát động năm 1906, chỉ kéo dài 2 năm nhưng tạo dấu mốc quan trọng với mục tiêu khôi phục đất nước bằng Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh. Ở vào thời điểm đó, thực dân và phong kiến đã đẩy đất nước ta rơi vào tình trạng văn hóa tư tưởng, tinh thần, lối sống đều khủng hoảng. Phong kiến + nô dịch + ngu dân đã làm đất nước ta kiệt quệ toàn diện. Chấn hưng là cần thiết và cấp bách và Phan Chu Trinh chọn khởi phát điểm là xây dựng con người, con người được khai mở bằng dân trí, dân khí, dân sinh.

Một năm sau khi khai sinh nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng xây dựng nền văn hóa mới vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đó là xây dựng một nền văn hóa DÂN TỘC, KHOA HỌC, ĐẠI CHÚNG. Đây chính là kế thừa và tiếp tục nhiệm vụ trong Đề cương Văn hóa của Đảng ta năm 1943. Xin trích một đoạn trong nghị quyết lịch sử thông qua bản Đề cương Văn hóa tại hội nghị Võng La tháng 2/1943: “Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn hoạt động văn hóa đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa phát xít thụt lùi... Ở những đô thị văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Huế… phải gây ra những tổ chức văn hóa, những tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai, đặng đoàn kết các nhà văn hóa và trí thức”...

Rõ ràng các nhà cách mạng trên đây đều khảng định chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ con người và việc chấn hưng văn hóa phải được đặt ra ở những thời điểm cấp thiết, phù hợp. Hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, khoa học, kĩ thuật, công nghệ đã thúc đẩy nền kinh tế trí thức. Mạng xã hội đã xóa nhòa ranh giới địa lí giữa các nền văn hóa trên không gian mạng, tạo ra xung đột văn hóa, thậm chí là xâm lăng văn hóa. Nó diễn ra tự nhiên theo quy luật của các nền văn hóa lấn át. Nền văn hóa của ta mang tính nhân dân, tính đại chúng, tính dân tộc sâu sắc đang phải đối mặt với những xu hướng văn hóa đa dạng, thách thức mới trước các xu hướng mới. Một số nét văn hóa không còn phù hợp với đời sống xã hội, một số cái mới, cái tiến bộ cũng chưa thực sự định hình. Vậy ta phải chấn hưng những gì, chấn hưng phần nào, mảng nào… trong cái mênh mông văn hóa?

Đọc đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035”, tôi thấy về mốc thời gian của đề án này không nhất quán. Báo cáo của hội đồng thẩm định thì nói “giai đoạn 2026-2030”. Ở một vài văn bản khác trong đó có Tờ trình Chính phủ thì lại đề “giai đoạn 2025-2035”. không biết bản nào mới là chuẩn? Điều quan trọng là mốc thời gian thực hiện của đề án đặt ra làm chúng tôi giật mình kinh ngạc, bởi chỉ trong khoảng 5-6 năm mà đã thực hiện xong chấn hưng, phát triển văn hóa (!?). Con người là trung tâm, là chủ đạo, là quyết định sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Để có con người ưu tú xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong hội nhập và toàn cầu hóa phải tính bằng đời người, bằng thế hệ và phải thực hiện đồng bộ từ gia đình, nhà trường, cơ quan, đoàn thể, tổ chức… và toàn xã hội với một đường lối giáo dục chuẩn mực. Chả lẽ những người làm đề án không hiểu vấn đề này? Cho nên, tên gọi của đề án chỉ là cái vỏ bọc đao to búa lớn “chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam…”, còn gói trong đề án là đầu mục các dự án về cơ sở vật chất cho văn hóa mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thưởng gọi là “thiết chế văn hóa”. Theo đó, đề án nêu cụ thể đến năm 2030 đạt các mục tiêu cụ thể sau: 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, cấp huyện cấp xã có Trung tâm văn hóa thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, các vùng các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa... Còn nữa: “100% các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất; trong đó có 5 trường đại học trọng điểm và 2 viện nghiên cứu được tập trung đầu tư để nâng tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”...

Như vậy, “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” chỉ dừng ở số tiền khủng là xây dựng các trung tâm văn hóa thể thao, nhà văn hóa, nhà hát, sân vận động, nhà thi đấu, thư viện, đền chùa, khu vui chơi giải trí… cùng các trang thiết bị cơ sở vật chất đồ dùng sinh hoạt cho các đơn vị công lập trong ngành... Theo đó, các tác giả của đề án quy ngay ra tiền rất rõ ràng rành mạch: giai đoạn 2025-2030 là 182 nghìn tỉ; giai đoạn 2031-2035 là 168 nghìn tỉ; tổng cộng là 350 nghìn tỉ. Người ký đề án này là bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu trong thảo luận tổ tại kì họp thứ 6 quốc hội khóa XV: “Chương trình mục quốc gia chấn hưng văn hóa có 9 mục tiêu gắn với các dự án, thành phần thực hiện trên toàn quốc, từ xã, đến huyện và lên đến tỉnh và một số trung tâm văn hóa Việt Nam đặt ở nước ngoài” (?!).

Thì ra là vậy! Trong khi đất nước còn vô vàn khó khăn, một bộ phận nhân dân còn nghèo đói, thiên tai dịch bệnh bấp bênh, tham nhũng hoành hành, hàng loạt các công trình cho thể thao văn hóa đầu tư còn chưa khai thác hết để hư hại xuống cấp khiến dư luận vô cùng bức xúc. Hãy nhìn ngay các công trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong khu vực Hà Nội: Nhà hát chèo Kim Mã đèn tắt quanh năm suốt tháng; Khu văn hóa dân tộc biến thành khách sạn cuối phố Đội Cấn; làng Văn hóa các dân tộc Hòa Bình cỏ mọc bời bời... Lãng phí lớn đồng nghĩa với tội phá hoại!

Nên chăng, quý bộ hãy rút gọn đề án này, chỉ tập trung vào một phần thiết yếu trong chiến lược xây dựng con người văn hóa Việt Nam. Trước hết, phải kiện toàn đội ngũ những người làm công tác quản lý văn hóa là những người sáng về đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, đủ trí tuệ và bản lĩnh trong hội nhập. Chúng tôi tin rằng Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm những bài học đắt giá từ Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao gần đây để thận trọng xem xét, cân nhắc, đặt vào bối cảnh chung của đất nước mà điều chỉnh hợp lý để tránh lãng phí cho đất nước và tránh mất thêm cán bộ.


Nguồn Văn nghệ số 46/2023