Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MÍT VƯỜN NHÀ TÔI

Lê Bá Thự
Thứ sáu ngày 10 tháng 11 năm 2023 10:04 AM


tản văn


Nhà tôi thường trồng mít (mít dai, mít mật) ở góc vườn, vừa để đỡ tốn đất, vừa để tán lá cây mít không làm rợp vườn. Đến mùa ra quả, trên gốc, thân và cành mít xuất hiện hai loại quả. Chúng tôi vẫn gọi là những quả đực và quả cái. Quả cái lớn dần thành quả mít to, to bằng nồi cơm điện, có khi còn hơn thế. Mít dai gai bẹt hơn, không nhọn như mít mật. Khi chín vỏ quả mít dai màu vàng, còn mít mật có màu vàng xanh, màu xanh nhiều hơn màu vàng. Sang hè hoặc thu, những quả mít mít to tròn chắc nịch treo lủng lẳng trên thân cây mít, như đàn lợn con đang leo cây, nom sướng mắt. Mẹ tôi ra vườn vỗ tay bồm bộp vào từng quả, chọn quả già nhất, to nhất, ngon nhất, rồi bảo tôi chặt mang vào nhà giấm. Để mít chóng chín và chín đều tôi vót một cái cọc tre rồi đem đóng cọc này vào cuống quả mít, cho cọc cắm sâu vào ruột quả (Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó nhựa ra tay - Hồ Xuân Hương) Những hôm trời nắng nóng, tôi đem quả mít đã được đóng cọc ra phơi ngoài sân, nhằm thúc mít chín nhanh. Độ vài hôm sau, khắp nhà tôi thơm lừng mùi mít, báo hiệu quả mít tôi đang giấm đã chín nục.

Chiều tối, xong xuôi công việc đồng áng trong ngày, cả nhà tôi ngồi quây quần quanh quả mít bày trên chiếc mâm tre, đã được bố tôi bổ làm tư, nom rất hấp dẫn. Bữa tiệc mít cây nhà lá vườn bắt đầu. Mỗi người tự tay bóc từng múi mít, vứt hột, rồi cho vào miệng ăn ngon lành, thưởng thức cái thơm, cái ngon, cái ngọt đặc trưng của mít. Nếu là mít dai thì phải nhai, còn nếu là mít mật thì có thể chỉ nhai trệu trạo rồi nuốt chửng, cho múi mít chui tuột luôn vào trong họng. Ăn mít mật không sợ nóng, dễ tiêu hoá. Mít dai thường ít xơ, ruột vàng, thịt dày, giòn và ngọt. Tôi ăn một cách say sưa, ăn liên tục, ăn không ngưng nghỉ, hết múi nọ đến múi kia. Thấy vậy mẹ tôi liền bảo: Mi ăn từ từ thôi, kẻo lại mắc nghẹn bây chừ. Biết vậy, nhưng tôi chẳng thể phanh cái sự sung sướng của tôi lại được. Mồm nhai, tay bóc, tôi ăn nhanh như một cái máy ăn mít. Thậm chí khi đã hết nhẵn, chẳng còn múi mít nào trên mâm, tôi bèn chuyển sang ăn xơ mít, mà ở làng tôi người ta gọi là kháo xơ (Còn duyên buôn cậy bán hồng/ Hết duyên buôn mít cho chồng kháo xơ). Xơ mít tuy hơi dai, nhưng vẫn ăn được, với tôi thì chẳng có vấn đề gì, tôi ăn tuốt. Chưa hết, vẫn còn một thứ có thể ăn được. Đó là hột mít. Tôi đổ rổ hột mít vào nồi, bắc nồi lên bếp, luộc chín, rồi lại đổ ra rổ. Và thế là cả nhà lại xúm vào, ngồi quây quần bên rổ hột mít vừa luộc, thưởng thức món hột, tuy toàn bột nhưng vẫn ngon lành với chúng tôi.

Như tôi vừa kể trên, đến mùa ra quả, trên thân cây mít xuất hiện hai loại quả, chúng tôi gọi là quả đực (hoa mít) và quả cái. Quả đực nhỏ, nhỏ hơn nắm tay, không lớn được, gọi là dái mít (đán mít - ngôn ngữ làng tôi), chỉ tồn tại một thời gian rồi rụng xuống gốc. Dái mít là tên gọi rất tượng hình, nó ngay lập tức cho ta mường tượng, nó giống thứ gì của con đực, kể cả của con người.

Tuy nhiên, dái mít không vô ích đối với lũ trẻ con thích chua, ưa chát chúng tôi. Vì dái mít ăn được, có vị chua vị chát đặc trưng, cho cảm giác rất thú vị. Để ý tôi còn thấy, phụ nữ có thai thời kỳ „ăn dở” cực thích món dái mít, có lẽ chị em cần bổ sung chất chua và chát cho thai nhi của mình (Em như gái dở đi rình của chua). Dái mít là những quả nhỏ, nhiều cám, màu vàng rộm. Để giảm bớt độ chát và tăng độ hấp dẫn của dái mít, trước khi ăn ta cần chuẩn bị một đĩa muối ớt, bao gồm muối trắng, một chút đường và quả ớt cay giã nhuyễn, rồi trộn lẫn với nhau. Khi ăn ta cắn nhẹ và loại bỏ một chút đầu dái mít, để dễ chấm muối ớt. Chấm dái mít vào đĩa muối ớt đỏ rực, rồi cho lên miệng, cắn, kêu cái „đốp”, nghe sướng tai. Ngay lập tức miệng ta ngập tràn vị cay, vị mặn, vị chua, vị chát đặc trưng của dái mít, món biết làm cho con người, nhất lũ trẻ con chúng tôi và các chị em mang thai đang kỳ ăn dở hết nhỏ dãi thèm thuồng.

Hồi nhỏ sống ở làng, những trưa hè nắng chói chang, tôi thường đi bắt ve sầu nhờ mủ hay nhựa mít. Một chiếc roi tre đầu nhọn quấn đầy nhựa mít là dụng cụ tôi sử dụng để bắt ve sầu. Phát hiện thấy chú ve trên cây, tôi từ từ đưa đầu roi tre quấn đầy nhựa mít dí vào cánh ve, ngay lập tức chú ve dính nhựa không thể bay đi được nữa. Tôi chỉ việc bắt chú ve to mồm nhưng vụng dại cho vào chiếc lọ mang theo. Mồ hôi nhễ nhại chẳng thể ngăn cản tôi bắt ve sầu, khi trong chiếc lọ đựng ve chưa có trên chục chú ve. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa...

Tiện thể chuyện mít, tôi xin kể, hầu các bạn, câu chuyện Anh Tây ăn mít Việt: Đến Việt Nam du lịch trải nghiệm, anh Tây được mời ăn món mít Việt. Đĩa mít bày trên bàn, những múi mít vàng, nom lạ mắt, mùi thơm hấp dẫn đập vào mũi vị khách nước ngoài. Lần đầu tiên trong đời anh Tây được tận mục sở thị món đặc sản mít Việt, thứ bên Âu châu không hề có. Anh Tây sinh lúng túng về cách ăn mít. Nhưng rồi anh nghĩ bụng, đây là thức quả, cho nên khi ăn phải bóc vỏ để thưởng thức phần ruột bên trong, như ăn chuối. Anh Tây bèn tách đôi múi mít, moi lấy phần ruột, tức hột mít, rồi cho vào miệng mút lấy mút để, tận hưởng của lạ Việt Nam...

Khi dọn bàn, chủ nhân ngã ngửa trước cách ăn mít theo kiểu “mút hột” của anh Tây.