Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN NGHỆ VIỆT CHƯA LỚN ĐƯỢC

Nguyễn Thành Phong
Thứ ba ngày 7 tháng 11 năm 2023 9:18 AM

Tuần trước, đọc cái tút của anh cu đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trên FB, nhiều tờ báo dẫn lại, về chuyện phim "Đất rừng phương Nam" bị phê tơi tả, bỗng thấy thương nó ghê gớm, lại càng nhớ ông Sáng. Mình biết cu Dũng lúc nó mới là cậu trai sắp lớn. Hồi bọn mình quấn túm Văn nghệ Trẻ, bố nó, ông Nguyễn Quang Sáng, khi ra Hà Nội họp hành, hay xuống chơi với đám mình. Mà chơi sâu, chơi kỹ, ăn trưa sơ sơ xong thì đi nhậu, rượu bia tràng giang, hát hò tay vịn, đến tận đêm mới lướt khướt đưa ông về lại khách sạn. Kính lão đắc thọ, lại ngưỡng mộ chất chơi phóng túng của ông anh, dàn tay vịn ra chào, vịn nào nuột nhất, trẻ và ngon nhất, mấy thằng cùng hất mắt cho vịn ấy ngồi với ông anh. Ông Sáng điềm nhiên nhận ưu ái, ánh mắt, miệng cười, cử chỉ ga lăng hơn đứt bọn mình. Các cuộc ấy, có cuộc thì ông bao, hay thường có đàn em đi theo, hăng hái trả tiền. Mình nhớ, lần ấy, chỉ mỗi ông đến rồi dẫn Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Trần Quang Đạo và mình lên cái quán hát rất xịn ở phố cổ Hàng Giầy. Cuối buổi, bỗng Lập nói, thôi cuộc này để tụi em lo và nhìn vào mình, ra ý bảo đi thanh toán. Ông anh chả khách khí, liền gật đầu. Báo hại cho mình, trong túi chỉ còn vài đồng lẻ, mặt cứ nghệt ra. Mình đi vào toa lét, Lập hiểu ý, bám theo, đéo mang tiền a, sao sáng tôi thấy ông đứng mãi chỗ bà Thu (thủ quỹ báo Văn nghệ, hay cho mình tạm vay trước lương và nhuận bút). Mình có vào, mà quỹ hết tiền, đếch lấy được. Bỏ mẹ, giờ làm sao? Mình nói, thôi, ông cùng ông Tiến ngồi va ly nhé. Ông Đạo đưa anh Sáng về, tôi đái xong thì đi xoay tiền, được thì mang lên giải cứu. Không thì cứ ngồi yên như hai cái va ly ở đấy...
Có một bận, ông Sáng đến, dẫn theo thằng bé giống ông như lột, thấp thấp bự bự, chả cần giới thiệu cũng biết ngay là con trai của ông. Ông bảo, tui dẫn nó đến chào mấy chú vì nó mê đọc truyện, cho nó làm quen với mấy tác giả nổi tiếng nè, tên nó là Quang Dũng. Trò chuyện, Bảo Ninh dòm dòm hỏi, thế Dũng có viết văn, có muốn đi theo nghiệp bố không. Ông Sáng nhanh nhảu nói có, có đó, nó viết mấy truyện về con rùa, con vịt, bầy chim miệt vườn đó. Bảo Ninh hề hề, gửi chú đọc nhé, được thì in báo. Cu Dũng nghiêm ngắn, dạ, con thôi viết văn như ba rồi, chán òm à, để con làm cái chi đó, nhiều người xem, nhiều tiền, lại vui hơn... Tưởng ông Sáng cả giận, ai dè ông cười tươi, rạng rỡ, đù má, dzậy là mầy hơn ba mầy rồi đó con, nhớ nghe, có chí làm được nghe...
Thời gian qua đi. Ông Sáng khuất bóng, Dũng thành đạo diễn phim, có biệt danh "Khùng". Phim nào của nó ra rạp, mình cũng sắp xếp đi xem, thấy đều được cả và thú vị nhớ lại cậu bé thấp thấp bự bự khi xưa...
Giờ đến phim này, mình mua vé xem ngay đợt chiếu đầu tiên. Vẫn thấy phim hay. Đang tính viết cái tut phẩm bình thì đã thấy ồn ào trên mạng chê bôi, mà chê tơi bời thổ địa, từ cảnh quan, trang phục, đến lịch sử, văn hóa, lụy Tàu, nhẹ ta... Lại còn có người truy tìm ra cái công văn đề nghị địa phương giúp đỡ. Ôi trời, mình bỗng nhớ lại chuyện tương tự như này...
Hồi mình chuyển thể tiểu thuyết "Hoa mận đỏ" của nhà văn Cao Duy Sơn ở Cao Bằng thành phim nhiều tập. Đoàn phim lên tận Pắc Bó, Hà Quảng... chọn cảnh quay phim, cũng mang cả mớ công văn đề nghị địa phương hỗ trợ. Trong thời gian quay, mình tò mò lên xem. Thấy đoàn phim thuê nhà dân ở, củi chất xung quanh, bữa ăn thì toàn xơi bánh phở đã bốc mùi chua chua. Hỏi thì được biết, đoàn phim quay cảnh chợ, cảnh mua bán củi mía, rau cỏ, cảnh tráng bánh phở bánh cuốn, dân xúm đông xúm đỏ xem, nhưng mấy chủ hàng dứt khoát không cho quay vì "tao không bán được hàng". Đoàn phim phải bao mua toàn bộ củi, mía, rau cỏ và bánh phở, bánh cuốn làm ra trong buổi ấy. Quay xong thì mang củi về xếp đấy, nấu nướng dần cả tháng, mía róc ăn thay nước giải khát, bánh phở bánh cuốn thay cơm cả tuần, chua chua là tất yếu. Lại cảnh ruộng lúa nương ngô, cũng xúm đen đỏ xem, nhưng phải đền tiền lúa ngô dập nát trước thì mới được quay. Rồi đắp giả mộ mới ở nghĩa địa, người bản bảo đất ấy thiêng lắm, không được đụng vào, phải làm lễ cúng lớn, xin rồi mới quay... Cứ thế, tiền cho làm phim đã ít, lại càng bé tí đi. Mình cám cảnh với Cao Duy Sơn cùng đi, quay về tỉnh lỵ, đến Ủy ban tỉnh, nghĩ cách xin chút tiền, may có nhà thơ Y Phương, Chủ tịch Hội Văn nghệ, nhà thơ Trần Hùng, Phó chủ tịch tỉnh, cùng ủng hộ nữa, nên cũng được chút ít, mang vào hỗ trợ, bánh phở chua vứt cho lợn, đoàn phim mua gạo mới nấu cơm nóng mà ăn...
Chỉ một chi tiết thế đã thấy khổ thế, thì làm phim nhựa, lại còn đại cảnh mênh mông, cả trăm, cả ngàn người lao động nghệ thuật ở thực địa, còn vất vả, khó nhọc đến đâu nữa chứ...
Tưởng "Đất rừng phương Nam" rồi dần dần sẽ bớt bị phê đi, vậy mà càng ngày càng lớn chuyện. Đến cả cái ông bạn thân mình, râu dài tóc rủ, bạc như tiên ông, ngày xưa cũng vài bận hát hò trong giang hồ với ông Sáng, giờ cũng đi quay tọa đàm để lên cả truyền hình phê phim cháu nó, lại còn cảnh báo chuyện "cái bẫy truyền thông". Thật, chả hiểu ra làm sao cả!
Lại nhân chuyện chả hiểu, nhớ một vụ phê phán khác ngay gần đây thôi. Là vụ bài thơ "Con chào mào" của Mai Văn Phấn. Ông Mai Văn Phấn là cán bộ hải quan có trọng trách ở Hải Phòng, cũng là nhà thơ có tiếng cả nước. Ông Phấn đã từng đưa bạn văn xuống xuồng cao tốc vút ra ngoài khơi cập mạn tàu lớn kiểm tra, rượu tây thuốc lá ngoại dùng thoải mái thì lộc lá chắc cũng không thể ít. Thế mà không tập trung vào nghề nghiệp, cứ chuyên chú làm thơ cách tân, được dịch ra các tiếng thế giới. Chào mào ngoài đời, người ta toàn thấy đầu đen, trong thơ ông Phấn thì lại là con chào mào đốm trắng, mũ đỏ, chả ai thấy ở đâu. Thông thường đầu đen thì đáng gì dụng công thơ cách tân, ai chả biết rồi. Phải là khác lạ đốm trắng mào đỏ, mới nên thơ chứ? Có thể chỉ riêng ông Phấn nhìn thấy nó ngoài đời, hay gặp trong mơ hoặc tự tưởng tượng ra, thì viết thế để có một góc nhìn khác chứ! Chim hót một kiểu của chim mà tai nghe là thuộc về muôn người, không phải ai cũng giống ai. Thế mà rồi lại thành phê phán tít mù, đến cả giọt nước thiên nhiên cũng thành giọt nhầy tính dục, mà quy kết. Cũng là chả hiểu ra làm sao cả vậy.
Gần đây còn có một vụ phê phán nữa, mà mình lờ mờ hiểu được căn nguyên. Đó là vụ cuốn sách "Còn có ai người khóc Tố Như" của Võ Bá Cường. Ông Cường là nhà văn cao tuổi, có nhiều đầu sách, trong đó mấy cuốn viết về những nhân vật có số phận lừng lẫy, bi tráng, như tướng Trần Độ, nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang. Bản thảo về Nguyễn Hữu Đang, mình tiếp cận sớm, không xuất sắc nhưng là cái tình viết về một con người có công lớn. Mình đã biên tập, chỉnh lý kỹ càng, rồi cho đăng nhiều kỳ trên báo điện tử Dân Sinh. Vừa mới được mấy kì thì mình bị "đánh" cho "giập mặt", báo bị phạt tiền, đình bản hàng tháng. Vụ này rồi mình sẽ kể sau. Cụ Cường viết tiểu thuyết về Nguyễn Du, cái đoạn mười năm gắn bó Thái Bình, cũng là một đề tài đáng khai thác về thi hào và quê hương. Nhưng tác giả đã ngoài 80 tuổi, viết phóng bút về chuyện từ cách đây đã mấy trăm năm, chưa đọc thì cũng đoán được là sẽ nhiều bất cập, hồ đồ. Thế mà sách cụ Cường có cái lễ ra mắt to quá cỡ, quan hệ thế nào mà nhiều quan chức lớn đến dự, có cả tứ trụ nữa. Thế là chơi hơi trội... Ghét quá đi thôi! Văn tài Việt hiếm lắm, đã có ai lừng lững để chính giới phải cầu đến? Mà chính giới ta cũng chả tinh thông chữ nghĩa đến mức biết rõ các cỡ người văn để mà đến cầu! Có được quan tâm là do quan hệ sao đó chứ không thông thường. Ngay hôm ra sách, đã thấy có người treo trên FB cái ảnh hai câu thơ Nguyễn Du, mình đã nghĩ chuyện chả đơn giản. Cụ Cường đã hồ đồ lại đi nhờ ông Văn Chinh, một người chữ nghĩa đáo để, nhưng đã tuổi 75, cũng bắt đầu hồ đồ, nhớ lẫn, thế là trích sai thơ. Sau đó thì ồn ào... Mình đọc những phê phán nội dung sách cụ Cường, thấy đều lý đúng cả, nhưng mà hơi nhẹ cái... tình. Văn chương cần phẩm bình chứ chớ nên chê mắng.
Nghĩ về ba vụ việc trên, thì thấy các tác giả này còn may mắn chán so với tiền nhân. Phim của Dũng Khùng vẫn đang chiếu, doanh thu tốt, còn được dự giải. Cụ Cường da chắc vẫn đỏ đắn, phẩy tay quạt mát vườn quê. Mai Văn Phấn thì lặng lẽ, chả nói năng gì...
Văn nghệ Việt suốt gần 70 năm qua, đã có bao nhiêu án văn bi thảm, cũng bắt đầu bằng cách phê văn rồi sau sang quy kết chính trị, phản động, rồi tù đày, treo bút. Từ thời thơ Trần Dần "chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ", thơ Phùng Quán "Lời mẹ dặn" và các tên tuổi lớn thời Nhân văn giai phẩm những năm 50, chỉ vì muốn tự do tư tưởng mà thành ra bị khép án chính trị phản động. Tiếp đến thời xét lại những năm 60, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn đi tù đằng đẵng, sau đó là những cay đắng, như Hoàng Cát "Cây táo ông Lành", Ngô Văn Phú "Sẹo đất", Phạm Tiến Duật "Vòng trắng" những năm 70. Sang những năm 80 còn Hoàng Cầm, Hoàng Hưng đi tù vì "Lá Diêu bông" với "Về Kinh Bắc". Chưa hết, vẫn còn những "Nói với con" của Thạch Quỳ, "Học phí trả bằng máu" của Nguyễn Khắc Phục, "Linh nghiệm" của Trần Huy Quang...
Bây giờ có vẻ nhẹ hơn từ chính giới, thì lại nặng lên từ những người gọi là cùng giới văn nghệ, nghiên cứu, báo chí, là cùng "có chữ" với nhau. Từ phía nào thì cũng thấy văn sỹ Việt chưa lớn được. Cũng phải thẳng thắn nói rằng phim "Đất rừng phương Nam" chưa phải là tác phẩm điện ảnh tầm cỡ, "Còn có ai người khóc Tố Như" không nhiều dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật, thơ Mai Văn Phấn hay, lạ, nhưng chưa mang tải tâm trạng và xúc cảm xã hội. Thế nhưng phải có nền thì mới có đỉnh được. Cứ cái tình trạng phán xét phân ly tứ tán như thế này thì chỉ làm mất cảm hứng sáng tạo, dẫn đến nghèo nàn, càng ít cái hay để xem để đọc. Văn sỹ Việt chả lớn được thì Văn nghệ Việt làm sao mà lớn lên?