Nỗi buồn làm thanh sạch tâm hồn chúng ta.
Nhưng trước hết, nó phải làm ta tan rã.
Em có nỗi buồn như tro
Hoang lạnh cả một thời thiếu nữ
Tôi nghĩ đến một thiếu nữ khác, ở kinh thành.
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh em cũng tợ sương mù
Người trước là Lâm Thị Mỹ Dạ. Người sau, Nhã Ca, lớn hơn khoảng mười tuổi. Cách nhau một vĩ tuyến.
Làm thế nào mà nỗi buồn có thể dẫn đến sáng tạo?
Vì khởi đầu là hỗn loạn. Sau đó là trật tự, trong thơ trữ tình.
Hỗn loạn là tình cảnh tạo ra cảm xúc ở người viết: vui buồn, sợ hãi, phẫn nộ, chết, hoa hồng. Tình trạng hỗn loạn làm chúng ta đau đớn, sầu muộn, say đắm. Yêu một người: cơn mê sảng. Phản bội một người nào hay bị phản bội: vết thương. Rời bỏ: chọn lựa cay đắng. Trở lại: thách thức.
Ký ức là đau đớn: lãng quên là liệu pháp cuối cùng.
Những chấn thương lặng lẽ làm nên hoảng loạn, tăng entropy. Chấn thương thời thơ ấu:
Mẹ sinh em ngày này
Mưa dột bầm mái tóc
Gió tê buốt hai tay
Mẹ không có cửa nhà
Em – đứa trẻ vắng cha
Như mầm cây trên đá
Biết khi nào nở hoa
Nỗi mình biết ngỏ ai hay
Bao đêm nước mắt vơi đầy, mẹ ơi!
Phản ứng của con người là đè nén xúc cảm, cân bằng xung đột, tập trung vào hành động. Thơ cho phép làm điều không được phép ấy, bộc lộ mơ ước, cho phép bạn ca hát trên nỗi buồn.
Trái tim em còn trẻ dại trắng trong
Ai cất giùm em cái nhìn già nua
Ai cất giùm em bàn tay cằn cỗi
Trong xứ sở của anh hiếm hoi niềm vui
Nỗi cô đơn khô hạn đến nao lòng
Tại sao trong xứ sở của anh hiếm hoi niềm vui?
Chị hỏi, không ai trả lời. Nỗi buồn vẫn còn đó, kéo dài từ tuổi thơ sang tuổi trẻ của tình yêu, nhưng cái tôi thứ hai vẫn sống. Bạn không biết rằng cảm giác cô độc, sự sợ hãi, sự thất vọng đang tìm cách chỉ đường cho bạn. Chúng cũng có ích không khác gì hy vọng, lạc quan, bao dung.
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chia làm hai: thơ chiến tranh, thơ tình. Ngoài ra còn có thể kể thơ thiếu nhi. Chị viết về chiến tranh không nhiều, và trong dàn đồng ca văn học cách mạng, giọng chị không vang lớn, nhưng có những bài thơ đầy sức mạnh của suy nghĩ:
Đất gầm lên rồi đất bỗng im lìm
Chiếc hầm nổ tung, chị vỡ thành ánh sáng
Máu xương chị đất đai tỏa rạng
Trong "Chuyện một cô bảo mẫu" ở vùng đất lửa Quảng Bình, chị kể chuyện:
Tôi chạy về với các em lòng như lửa cháy
Mắt trong veo, các em ngồi đấy
Ôi bầy chim nhỏ của tôi
Chiến tranh còn là còn trẻ mồ côi
Chất phác (naivety), nhưng khác thương cảm. Khi đến trước bức tường đá đen tưởng niệm chiến binh Mỹ tử trận ở Việt Nam, chị có những câu suy nghĩ, mặc dù vẫn đứng trên quan điểm chính thống về chiến tranh, hướng về sự hòa giải giữa các dân tộc:
Tôi muốn làm con nai nhỏ
Chạy hoài dưới trời cỏ xanh
Đừng bắt tôi đi vào rừng rậm
Tôi sẽ hoá thành chó sói dữ dằn
Một lần tôi đọc bài thơ tiếng Anh, bản dịch của Martha Collins và Đinh Từ Bích Thúy.
Garden Fragrance
Last night a bomb exploded on the veranda
But sounds of birds sweeten the earth this morning
I hear the fragrant trees, look in the garden
Find two silent clusters of ripe guavas
Chữ “silent” làm tôi dừng lại. Hình ảnh hai chùm ổi lấp ló sau cành lá, sau cuộc dội bom, buổi sáng chim hót. Tôi tìm nguyên tác.
Hôm qua bom nổ trước thềm
Sớm ra trời vẫn ngọt mềm tiếng chim
Nghe hương cây vội đi tìm
Hai chùm ổi chín lặng im cuối vườn
Trong nguyên tác, chữ “lặng im” dễ bị tôi bỏ qua. Nhờ bản dịch mà tôi nhìn ra nó, sự im lặng. Trong mấy đoạn trích ở trên, về chiến tranh, Lâm Thị Mỹ Dạ giữ giọng nhu hòa, tâm sự, tâm tình. Tôi đọc một nhà thơ khác, thuộc thế hệ của chị, cũng viết về chiến tranh, về Quảng Bình, quê Mỹ Dạ.
Đã trở về những động cát gió bay
Nơi em chết giữa năm mười tám tuổi
Nơi bom nổ, trơ vơ thành Đồng Hới
Em đắp đường, áo vá, tóc vàng hoe
Giọng tỉnh táo, mà đau nhói, của Ý Nhi. Viết năm 1979, khi chị trở về chiến trường khốc liệt cũ. Tháng 3 năm 2023, đi tàu lửa ngang qua nắng chiều Đồng Hới, tôi nhớ ba chữ tóc vàng hoe.
Trong thơ cũng như trong tình yêu, người ta nhớ những chi tiết.
Mọi người yêu mến Lâm Thị Mỹ Dạ: chị đẹp, dịu dàng, sống chân thật. Tôi nhìn thấy hai con người: một phụ nữ truyền thống, yêu đời, yêu chồng thương con, thứ được ca ngợi. Một người khác, chấn thương từ nhỏ, cô độc, cô bé bị cô lập, một phụ nữ đầy ý thức về căn cước của mình, nhân vật có cá tính, kẻ nổi loạn ngấm ngầm nhưng bướng bỉnh, chưa bao giờ từ bỏ sự “nổi loạn” ấy.
Em muốn lòng kiêu hãnh trong em
Mãi tươi tốt mặc tình yêu thách đố
Chị nói về kiêu hãnh, mà cũng nói nhiều về trong sạch, trắng trong. Sự trắng. Chị dùng một số chữ lặp lại, như ám ảnh. Thơ chị là linh cảm hiểm nguy: linh cảm của một người trong sạch đối với vẩn đục, của một người đang yêu về tan vỡ, một người hiền lành về nguy hiểm. Hiểm nguy rình rập chị. Không phải hiểm nguy của bom đạn chiến tranh. Mà của người khác, trong hòa bình. Tôi chú ý đến tuổi thơ không may mắn:
Tuổi thơ tôi như ráng chiều đỏ lựng
Hắt máu xuống dòng sông đen
Linh cảm ấy là phản ứng có tính sơ khai, vô thức, từ thuở bé khi bị xã hội, người chung quanh nghi ngờ, bạc đãi, có thành kiến. Các quá trình mà phân tâm học gọi là quá trình nguyên thủy (primary process thinking), những chấn thương thơ bé, thể hiện trong giấc mơ. Phân biệt với các quá trình thứ phát (secondary), có tính ý thức, nhận thức, lý tính. Sự kết hợp giữa hai thứ sẽ tạo ra quá trình đệ tam cấp, tertiary process thinking, mang tính sáng tạo, nguồn gốc của sáng tác sau này. Không có một người nào là toàn hảo. Bạn chỉ muốn trình diện với thế giới một gương mặt toàn hảo. Không có một cặp vợ chồng nào là không cải vã, và khi cãi vã chúng ta đóng cửa lại, con cái không hay, thế gian không biết. Trước hết sự hỗn loạn tạo ra năng lượng, vì sự xúc động có nhu cầu biểu hiện. Nhưng nghệ thuật không phải là sự biểu hiện tự nhiên của xúc cảm. Nếu không có nghệ thuật, cơn giận chỉ là tiếng la hét, nếu không có nghệ thuật, nỗi buồn chỉ là tiếng khóc sau tường và sự phẫn nộ công chúng chỉ có thể gây ra hoang tàn, nạn hôi của, nhưng không bao giờ châm ngòi cho ngọn lửa cách mạng. Chính nhờ vào sự hòa hợp, nhịp điệu, mà ngôn ngữ trở thành nghệ thuật. Mỹ Dạ là người giàu tưởng tượng, hơi hoang dã:
Em chẳng là cây mận của ai
Em là cây mận của em
Năm 1998, chồng chị, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bị tai biến mạch máu não, chị dừng đi Mỹ, từ đó dành toàn thời gian chăm sóc người bệnh. Sự hy sinh: nó lấy đi của chị rất nhiều, và có bù đắp lại, tất nhiên, nhưng ít hơn.
Rồi cỏ sẽ xanh trên tên tuổi chúng ta
Dòng sông sương mù trôi mãi
Những tứ thơ không bao giờ trở lại
Tôi đã ném đi rồi qua cửa sổ đời tôi
Tiếc nuối. Vẫn giọng tâm tình nhưng đã có phân tích, can đảm nhưng lộ vẻ chua xót.
Đó là chị cố ý như thế.
Nếu Mỹ Dạ trấn áp xúc cảm, hiền lành sống và nghĩ theo đạo lý ngày xưa, chúng ta sẽ không có những vần thơ cô độc:
Bây giờ chỉ một mình ta
Một mình ta với bao la một mình
Và bí ẩn:
Ngỡ như ta đã sống
Ở thế giới nào kia
Yêu trái đất ghé lại
Ngược lại, nếu sống phóng túng, chị trở thành kẻ nổi loạn và chúng ta cũng sẽ không thấy cái câm nín bằn bặt này:
Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Rơi không thành tiếng
Trong xứ sở anh
Nhớ chị, tôi đọc lại:
Rơi không thành tiếng
Để thấy cách dùng chữ của Lâm Thị Mỹ Dạ. Tuy nhiên chị giữ lại các phê phán sắc sảo, thu cất tài năng, dành nhiều hơn cho cảm xúc, tràn lên mặt giấy. Khi tình trạnh hỗn loạn và trật tự thiết lập được cân bằng của chúng, thơ chị đạt tới ngôn ngữ đẹp, êm ả, lay động. Đó là một tình trạng sáng sủa: nó sinh ra sáng tạo. Sự lẫn lộn (confusion) thì không.
Tình yêu làm chị trở nên trưởng thành, cao cả:
Những ngày không anh
Trăng về xây tổ
Ngắm cũng không đành
Tình mẹ con, thì chị nói thế này:
Rồi mai phút nào cay cực
Mẹ có còn mà gọi tên
Thơ ấy đẹp như ca dao, mà không phải ca dao.
Những vần thơ của chị tôi thấy tựa như khuôn mặt chị: kín đáo, diễm lệ. Thực ra thông điệp của Lâm Thị Mỹ Dạ, nếu có một thông điệp như vậy, sâu xa hơn khuôn mặt ấy. Đám đông ít khi chịu rời bỏ định kiến, đặc biệt định kiến đẹp. Nhân gian thất vọng khi nhìn thấy những tài tử sân khấu lúc về già: da nhăn, tóc rụng, ngực lép.
Tôi có bao nhiêu đêm trắng
Đâu phải chỉ một đêm
Cuộc đời trần gian ngắn lắm
Thức nhiều chắc được dài thêm.
Tôi có bao đêm trắng
Khổ đau, mơ mộng, giận hờn
Cuộc đời trần gian ngắn lắm
Sao người không thương người hơn
Nếu trong chiến tranh lửa đạn, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ càng trầm tĩnh, thì trong tình yêu, thơ chị lo âu. Một tâm hồn bị tổn thương, sầu muộn, muốn kể về tổn thương ấy, sầu muộn ấy. Tôi tin chị cũng đã có thời hạnh phúc khi còn nhỏ dại. Thì chúng ta đều thế: tuổi thơ không có quá khứ.
Tuổi thơ xa lắc phiên chợ làng
Ngày bé qua sông, cầm áo mẹ
Nấm, rau, tôm cá tươi xanh quá
Gạo nếp dâng đầy kẻ lại qua
Tôi đi ngơ ngác buổi chợ mai
Ổi, thị, sim, dâu thơm bước ai
Tò mò thấy một ông già lạ
Đầy tay chùm quạt, đi đi hoài
Dừng bước ông già bán quạt ơi,
Cho mua vài chiếc để bày chơi
Ông già thật giọng, nhìn tôi nói:
- Cháu chỉ nên dùng một chiếc thôi!
Thơ học trò, phảng phất thơ tiền chiến, nhưng cảm động.
Mặt khác, một trái tim được dạy dỗ hay từng trải vẫn là một trái tim hạnh phúc nhưng không ngây thơ:
Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười
Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng
Giữa tháng ngày trĩu nặng
Em đứng thẳng người
Cho anh tựa vào em
Trong các nhà thơ nữ cùng thời, khởi viết từ những năm 60 ở miền Bắc Lâm Thị Mỹ Dạ là người khác biệt. Thơ chị có tính tiểu sử và tính riêng tư bậc nhất. Tiểu sử và riêng tư là hai việc khác nhau. Tính chất tiểu sử của thơ là yếu tố khách quan, thậm chí có thể đo lường được, mang tính xã hội. Tính riêng tư là quyết định riêng của nhà thơ, mở cánh cửa rộng hay hẹp, mời hay không mời người đọc vào. Tính riêng tư là khoảng cách của sự thân mật. Khoảng cách ấy được tính bằng giọng điệu và cách chọn chữ.
Trời ơi,
Làm sao mà có một cuộc đời
Để cho tôi ném đời mình vào đó
Mà không hề cân nhắc đắn đo
Các nhà thơ nữ thường có số phận nghiệt ngã: Marina Tsvetaeva, Anna Swir, Sylvia Plath, Ngân Giang, Minh Đức Hoài Trinh, Thu Hồng, Xuân Quỳnh, nhiều người khác. Như Tuệ Mai:
Và tôi tôi với đêm sâu
chợt đau vai yếu, chợt đau sử buồn
quãng dài tanh tưởi máu xương
quê hương thí điểm, quê hương nát nhầu
Lâm Thị Mỹ Dạ đối diện với nỗi buồn riêng của mình:
Tôi tự đóng khung trong căn nhà bé nhỏ
Chuyện đời thường
Chuyện bệnh tật, thuốc thang
Những vùng đất chỉ còn trong trí nhớ
Trùng điệp cao nguyên
Xanh thẳm biển mơ màng
Ngày đêm bên chồng bệnh tật: một đức hạnh. Nhưng nghĩa cử ấy không đơn giản, nó chứa đựng bên trong những xung đột giữa cảm xúc và lý trí, vị tha và vị kỷ, tình yêu bay bổng và bổn phận đời thường, và chính tình trạng mơ hồ ấy làm nên những bài thơ hay bậc nhất của Mỹ Dạ, những câu thơ tình bí ẩn.
Bên cạnh các nhà thơ nữ cùng thời, Bắc hay Nam, Lâm Thị Mỹ Dạ đứng ở mức giữa, không quá nổi tiếng, cũng không chìm khuất. Khi một người lắng nghe bài thơ trữ tình, người ấy không những chỉ bị hấp dẫn bởi nhạc điệu, hình ảnh, giọng điệu của tác giả, mà còn hơn thế nữa, người ấy phải có khả năng hóa thân thành tác giả, và trong giây phút ấy, quên mình. Khi đọc bài “Khoảng trời, hố bom”, bạn có thể không phải là cô gái mở đường, thậm chí không chia sẻ các quan điểm về chiến tranh, nhưng bạn vẫn bị hấp dẫn bởi cách dùng chữ, hình ảnh buồn nhưng không bi lụy, sự hy sinh của những người chiến đấu vì lý tưởng của họ, không những thế bạn còn hóa thân thành một người phụ nữ đi qua hố bom, nấm mồ, thậm chí hóa thân thành nhân vật trong ấy. Chỉ những người có khả năng từ bỏ căn cước trong một lúc mới bước qua được cánh cửa của bài thơ.
Khoảng trời, hố bom
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom...
Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá,
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hóa thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.
1972
Bài thơ có cấu trúc cân đối, kết hợp trữ tình và tự sự, một kết hợp khó khăn, khi viết về người khác, không phải về chính tác giả. Thực ra, “nấm mồ” nằm bên cạnh “hố bom” là hai thực thể khác nhau, một bồi cao lên, một lõm xuống, mưa đọng lại, vì vậy:
Em nằm dưới đất sâu
Có thể trở nên không xác định (ambiguity). Tôi dừng lại lâu ở các hình ảnh này. Nhưng chính câu tiếp theo, đẹp, hợp lý, đã nâng cả đoạn thơ lên.
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Bài này được dịch ra tiếng Anh bởi Martha Collins và Đinh Từ Bích Thúy trong tập thơ Cốm non – Green rice, một trong những tập thơ dịch theo tôi rất đẹp (2). Khả năng giao cảm của người đọc, tự mình đứng vào vị trí của người khác, là một trong những tính chất quan trọng của con người có tính xã hội. Nhưng thơ không phải là phương tiện tuyên truyền, mặc dù nó có thể được dùng như thế; trước hết nó là niềm vui thú. Cũng vậy, những bài thơ khác của Lâm Thị Mỹ Dạ có khả năng tạo ra liên kết, làm tăng cường cảm xúc của người đọc. Khả năng đồng hóa của người đọc với tác giả sẽ dẫn chúng ta tới gần hơn hệ thống giá trị của người ấy. Mỹ Dạ giàu tưởng tượng, chị nhắc nhiều đến nó.
Tưởng tượng một người
Lặng im như tượng
Khổ đau vui sướng
Giấu tận đáy lòng
Thông minh tinh tế
Lặn vào bên trong
Khả năng dùng chữ khiến chị trở thành một trong những nhà thơ được yêu thích: tinh tế, giản dị, sắc bén. Chữ trong thơ không chỉ là nghĩa, là các tin tức. Chữ tạo ra âm điệu. Chị dùng những chữ quen thuộc hàng ngày, nhưng bằng cách sắp xếp lại, làm mới chúng. Chị gọi tên sự vật một cách chính xác, làm chúng hát lên trong nỗi buồn của mình, trong sự ngây thơ và lòng nghi ngại. Bằng các câu thơ, chị nói lên ý tưởng, một hình thức của tuyên bố. Những bài thơ xuất sắc của chị có ý tứ sâu, bất ngờ. Giữa các nhà thơ cùng thời, Lâm Thị Mỹ Dạ là tiếng nói thầm của tình yêu. Chị ít khi cao giọng. Trong thơ về chiến tranh, lòng dũng cảm của chị cũng là sự hy sinh thầm lặng. Thực ra cảm hứng ban đầu của Mỹ Dạ không khác mấy với các nhà thơ thời chiến tranh miền Bắc: lãng mạn cách mạng. Trong dòng chảy vui tươi mạnh mẽ, có phần giản đơn, giọng điệu của chị tách ra một cõi, trầm mặc.
Khi em sống ngang tàng cao thượng
Em thấy mình như trời xanh
Cánh chim anh không bao giờ bay hết
Nhưng nếu khi em yếu mềm hèn nhát
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân anh
Căn bệnh lãng quên tâm lý là sự trả thù của số phận. Sau này tôi biết rằng đó không phải là sự trả thù: đó là giải pháp. của một tâm hồn bé bỏng, quyết liệt.
Nếu được vẽ chiếc hôn dưới mặt trời
Tôi sẽ vẽ chiếc hôn như lá
Thơ chị thật. Nhưng nhiều khi thơ không phải chỉ là thật. Thơ là các ảo tưởng về sự thật. Sự thật của nhà thơ phải là sự thật của các con chữ, của nhịp điệu, hình ảnh, ở khả năng thuyết phục của chúng. Không phải khi nào chị cũng đạt được điều ấy, và có những bài giống người khác:
Biển chìm trong đêm thâu
Ðể chân trời lại rạng
Khát khao điều mới lạ
Ta đẩy thuyền ra khơi
Đó là tiêu biểu của thơ hiện thực những năm sáu mươi. Chị lại viết những câu này năm 1974, khi cuộc chiến tranh dường như không bao giờ chấm dứt:
Tuổi trẻ chưa qua
Đã thành thiếu phụ
Tính tiên báo.Lâm Thị Mỹ Dạ thách thức các quan hệ nam và nữ, trong tình yêu, trong hôn nhân. Trong thơ Việt, chị là một trong những người đầu tiên viết về hôn nhân một cách chi tiết.
Một mình lắng, một mình nghe
Ơ kìa cái cõi - đi - về gang tay!
Một mình cho hết đêm nay
Ta ngồi với bóng ôm đầy nhân gian.
Vào lúc này, giọng không còn tâm sự dịu dàng, mà triết lý, và từ trong bóng mờ của đời sống phẳng lặng ngôn ngữ chị chiếu rọi thứ ánh sáng ít gặp. Thơ chị là câu chuyện kể được nâng lên thành bài hát, là bài hát đã trở thành câu chuyện kể. Một bài thơ tồn tại trong thời gian: để tồn tại trong thời gian, nó cần những chữ lặp lại. Những chữ lặp lại trong thơ Mỹ Dạ làm quá khứ kéo dài ra, làm ký ức trở lại. Thơ chị là cố gắng chống lại quên lãng, điều mà về cuối đời chị phải đối diện.
Ngay cả khi tình yêu đã chết, bổn phận vẫn còn, và những bài thơ về hạnh phúc vẫn, đôi khi, trở lại. Một cuộc đời lặng lẽ buồn rầu là chỗ trú ẩn của một tâm hồn giông bão. Hay ngược lại?
Này tôi ơi có phải
Làm một người đàn bà
Người ta phải nhỏ bé?
Tại sao người ta đọc thơ? Vì bài thơ muốn trở thành bài thơ của bạn, nhưng nó không làm được.Tại sao thơ chị buồn?
Vì nỗi buồn là cánh cửa mở vào bên trong. Niềm vui là cánh cửa mở ra bên ngoài. Với một vẻ ngoài dịu hiền trong đời thực, một ngôn ngữ cũng vậy, phía sau lại là tư duy quyết liệt:
Đi cuối đất cùng trời mới tìm ra ngôn ngữ
Ngôn ngữ thơ, đau đáu những đêm trường
Thơ có vần, nhưng đó là vần tự do, thoáng, đủ sức dung chứa tính đối thoại, tính kịch, ý thức, sự mô tả, tỉ mỉ. Ngôn ngữ cũng có tính chất tượng trưng. Chị nói về các sự kiện, cây lá, hoa cỏ, bom đạn, tất cả sự vật trong thơ chị đều giản dị, ngời sáng. Nhà thơ thương tiếc những mất mát trong chiến tranh, sự đau khổ của người mẹ mất con, vợ mất chồng, cái chết bi thương, của sự hi sinh can đảm của người lính, các nữ chiến binh. Chị ca ngợi cuộc chiến tranh mà chị tham dự, nhưng số lượng viết về đề tài này không nhiều, mặc dù có những bài xuất sắc; chiến tranh không phải là đề tài duy nhất trong thơ chị. Đời tư và tình yêu sẽ ám ảnh chị lâu dài hơn. Những vết thương nào trong đời Lâm Thị Mỹ Dạ?
Một lần ở Huế, chị kể lại cho tôi về tuổi thơ khốn khó của mình. Chị lớn lên với mẹ, không có cha. Cha chị đã vào Sài Gòn từ 1949. Và sau đó đã trở lại quê nhà để mang mẹ chị vào Nam, nhưng bà từ chối vì muốn ở lại săn sóc mẹ già. Thời kỳ ấy ở miền Bắc, con cháu địa chủ, lại có một người cha vào Nam là một bản án nặng nề, không bao giờ được phán xử. Chị bị đời ghẻ lạnh. Khi tham gia vào chiến tranh, tuy vậy, chị lại tự nguyện. Điều ấy có vẻ khó hiểu, nhưng nhà thơ Ngô Minh bảo tôi rằng tự nguyện tham gia chiến tranh là giải pháp. Ngô Minh viết:
“Lâm Thị Mỹ Dạ phải chịu một lúc hai nỗi đau cực lớn: tuổi thơ thiếu vắng tình thương của cha và là cháu nội của đại địa chủ (ông nội Mỹ Dạ đang ở Sài Gòn nên bị tịch thu toàn bộ ruộng đất, nhà cửa ở Quảng Bình), rồi con của một “kẻ đi Nam theo địch”. (2)
Những chấn thương tâm lý sẽ còn ảnh hưởng lâu dài và chúng tìm cách thể hiện bất cứ khi nào bạn bị chấn thương lần nữa, trở nên yếu đuối, quyết làm bạn gục ngã. Đây là những cố gắng vô cùng lớn của Lâm Thị Mỹ Dạ. Vào những lúc chị hoàn toàn muốn buông xuôi, đầu hàng.
Làm sao anh đủ rộng
Che mát cho đời em
Làm sao anh đủ cao
Để thấy em cho hết
Cuộc đời bao nhọc mệt
Cuộc đời bao dịu êm
Người đàn bà bước lên
Người đàn bà lùi lại
Cái đẹp trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không chỉ là cái đẹp. Chúng là các biểu tượng của tâm hồn. Trong những khổ đau của cuộc đời, tâm hồn tựa như ánh sáng ẩn trong cỏ dại, trở thành niềm hi vọng. Không phải khi nào chị cũng hồn nhiên. Chị có những giây phút đầy nỗ lực, lo âu, yếu đuối gần tuyệt vọng. Chị thường xuyên đối diện với cô độc, không tìm thấy xung quanh sự che chở.
Không có một tình yêu hay hôn nhân nào mà không có một khởi đầu tốt đẹp. Vậy đau khổ của người ta đến từ đâu? Nỗi niềm nào mà họ giấu kỹ? Những ràng buộc gia đình và xã hội nào bịt miệng người phụ nữ? Trong một xã hội mà người đàn ông đóng vai trò thống trị ở cả miền Bắc và miền Nam trước năm 1975 và trong cả nước sau này, tiếng nói nào cất lên ở Lâm Thị Mỹ Dạ?
Góc khuất nào người đời không thấu được?
Chị hỏi.
Lâm Thị Mỹ Dạ là người để lại nhiều câu hỏi trong thơ. Thật ra sự khổ đau của mỗi cá nhân tạo ra khuôn mặt của cá nhân ấy, giọng nói, dấu ấn, nhân vật. Nghệ thuật dùng chữ của chị chính xác, nhiều câu tự nhiên, dường như không thể viết khác được. Cách dùng chữ của chị có thể sánh với Xuân Quỳnh và Ý Nhi. Theo tôi, đó là ba nữ tác giả quan trọng nhất, thuộc thế hệ 1960 đến 1980, ở miền Bắc. Bên cạnh cái đẹp, chị ám ảnh sự thật. Đối với chị, sự thật không phải là một phát minh mà là lời an ủi.
Đêm qua
Tôi mơ thành tôi
Tôi mơ thành chim
Tôi mơ thành giấc mơ
Có thể trong thực tế không có một giấc mơ nào thế cả. Giấc mơ là một ẩn dụ. Nhưng tại sao chị muốn mơ thành chính mình? Vì cuộc đời lấy đi của chị quá nhiều. Từ khi bé dại đến khi sắp lìa đời. Thơ là một đời sống được xem xét lại, được làm cho cao quý hơn là chính nó.
Tôi tiếc rằng, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thay vì là một cố gắng thể hiện những bi kịch của đời mình, của số phận, của tình yêu, của hôn nhân và vì thế có thể trở thành một tiếng nói dũng cảm của người phụ nữ, thay vì thế, trừ một vài trường hợp, hầu hết chị chỉ nhắc đến số phận một cách ý tứ, cay đắng. Sự quyết liệt của chị chưa đến mức phản kháng số phận, mới là sự khẳng định quyền được sống, được yêu.
Thật kỳ lạ cái cách chúng ta muốn trong đời sống này. Chúng ta có thể gặp một tình yêu mới, nhưng chúng ta không nỡ rời bỏ người cũ, chúng ta muốn có tự do nhưng chúng ta cùng chúc nhau bình an. Tư duy thơ ở Mỹ Dạ đặc biệt: lớn lên trong môi trường không thuận lợi, một đứa bé gái sẽ có một ao ước mãnh liệt được nói, được viết, được bày tỏ nhưng ngược lại chính con người ấy sẽ tự kiểm soát chính mình. Những chữ độc địa sẽ bị cắt bỏ bởi bản thảo, những câu thơ sắc như dao sẽ bị làm mòn đi. Nỗi ngọt ngào của tiếng Việt, của nữ tính, đôi khi cũng làm hại chúng ta. Tuy vậy, ngôn ngữ chị không phải là tiếng khóc, không phải là lời rên rỉ, oán than, đó là ngôn ngữ đẹp,các chữ tách bạch. Đọc tiểu sử, chúng ta thương xót. Nhưng có lẽ chị không cần sự thương xót ấy: nó không thể làm nên một thay đổi nào. Sự hiểu biết mới có thể.
Thơ là cân bằng giữa âm nhạc và chuyện kể. Viết là cách trả lời cho bi kịch, tự làm nên sự kiện. Đối với thơ Mỹ Dạ, mỗi câu là một đơn vị. Thơ chị có thể đọc trong im lặng, có thể đọc lớn lên, nhiều bài ngâm được. Đó là thứ tượng trưng mới. Thơ thân mật: khoảng cách giữa người viết và người đọc rất gần. Khi khoảng cách ấy ngắn, nhà thơ không quan tâm đến có bao nhiêu người nghe mình, đôi người là đủ.
Tưởng tượng một người
Bao dung - bản lĩnh
Cho tôi úp mặt
Khóc to một lần
Khóc như trẻ nhỏ
Chẳng cần giấu quanh!
Bài thơ “ Nguyên chất” là một bài thơ đặc trưng cho khuynh hướng thế sự- trữ tình.
Nguyên chất
Người ta cắt những con cò bằng giấy
buộc vào nhau đưa sào vít lên cao
Muốn bắt cò thật phải làm cò giả
Trí khôn con người - buồn làm sao?
Đàn cò giả cánh bay chấp chới
tung tẩy nghiêng chao, lui tới, lượn lờ
Xúm xít bầy đàn hớn hở
Đâu biết mình nhờ gió đẩy, dây chăng
Chú cò thật một mình cặm cụi
một mình thôi như dáng mẹ tảo tần
Bên bờ ruộng kiếm mồi lặng lẽ
Đâu biết mang danh mình sự giả dối lượn bay
Chú cò thật
nguyên chất lời mẹ hát
nguyên chất bùn
nguyên chất lúa
nguyên chất ca dao
Trắng muốt thân cò lặn lội
nghìn năm vẫn giữ nguyên màu
Tôi đi qua cái thật cái giả
Nghe xót lòng một nỗi đắng cay
Thương cò trắng trắng mình đơn lẻ
Nguyên chất ơi,
khan hiếm thế đời này!?
Chị đang nói về sự thật ngày càng bị hủy hoại. Ở Mỹ Dạ có một cảm hứng lớn hướng về cái tuyệt đối, cái cao cả. Một người như thế ắt không thể không gặp những bi kịch trong đời riêng. Một người như thế ắt không thể không gặp một tình yêu lớn, vượt ngoài các quy ước lễ giáo, chống lại các tập tục đời đời ở một làng quê hay ở một kinh đô cổ kính. Tôi hình dung thời thơ ấu chị đã im lặng nhẫn nhục. Tôi hình dung thấy sự im lặng ấy. Tôi hình dung thấy chấn thương. Khi sống với người chồng bệnh tật của mình, sau này, chị cũng hy sinh tất cả.
Chiếc đồng hồ tích tắc
Ta tự sát bằng thời gian
Không màu, không vị, không đau đớn.
Sự hy sinh ấy được đánh giá đúng, nhưng chưa đủ. Chúng ta chưa lắng nghe: chị đã nói nhiều về cái giá phải trả. Đó là tình yêu còn lại, lòng thương xót hồn hậu. Đó là sự hy sinh không cam lòng.
Nghiêng vai đặt gánh qua cầu
Hạnh phúc thì mỏng khổ đau thì dày
Lệch người biết gánh sao đây
Đường đi chưa hết kiếp này chưa qua.
Chị cam phận hay chị cố gắng chống lại số phận? Giọng nói là một vấn đề đặc biệt trong thi học, đôi khi là phong cách, đôi khi là nhân cách. Giọng nói gần với giọng điệu (tone), nhưng đó là hai điều khác nhau. Giọng điệu liên quan đến điều mà bạn nói, còn giọng nói liên quan tới cách mà bạn nói. Các nhà nữ quyền ngày nay sẽ đọc lại trong các nhà thơ nữ từ những quan điểm khác, giữa những nhóm thiểu số: phụ nữ, thiếu niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thua trận, người tị nạn. Tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe trở lại. Các lý thuyết hậu thực dân cũng sẽ nhìn nhận thơ ca trong thời kì chiến tranh dưới những góc độ khác. Như vậy, các tự sự về chiến tranh và hoà bình, các số phận cá nhân cũng sẽ liên tục được nhìn lại. Trong thời kỳ của Lâm Thị Mỹ Dạ, tiếng nói cá nhân riêng tư có thể bị chìm khuất giữa các tiếng nói cộng đồng. Và đó là điều dễ hiểu, trong thời chiến, càng về sau chúng càng được lắng nghe. Chúng ta lắng nghe tiếng nói của họ, giọng điệu của họ, chia sẻ các giá trị mà người làm thơ để lại. Chúng là những tài sản quý báu của tiếng Việt. Thơ trữ tình cũng có các nhân vật, và tác giả cũng có thể nói thay họ, nhưng ở Mỹ Dạ hầu hết người nói là tác giả. Lắng nghe chị là lắng nghe một con người cụ thể, một số phận, một tình yêu, hạnh phúc và khốn khổ. Chúng ta định nghĩa trung thành và phản kháng như thế nào? hạnh phúc và khốn khổ như thế nào? Định nghĩa một giọng nói cũng khó khăn. Giọng nói được tạo nên bởi các chữ, các câu, cú pháp, giọng điệu, được tạo ra bởi tài năng, sự lắng nghe cần mẫn. Lắng nghe một giọng nói không phải chỉ là lắng nghe một con người, mà một nền văn hoá. Chúng ta lắng nghe thơ như thế để chống lại các tiếng động và tiếng ồn khác của phim ảnh, của vô tuyến truyền hình, của xe cộ và đường phố, tiếng còi xe cứu thương và tiếng còi xe cứu hoả, lắng nghe cái đẹp để chống lại sự trống rỗng của đám đông ngày càng lớn lên, hỗn loạn, trống rỗng.
Chị viết: “Với tôi – thơ là cái đẹp – mãi mãi như vậy” (4). Khoảng cách giữa Lâm Thị Mỹ Dạ và người đọc rất gần, nhưng chính ở khoảng cách gần ấy mà các ý tưởng trong thơ chị tác động một cách bí ẩn. Chị không chơi chữ, không có ý định làm mới ngôn ngữ, nhưng tâm hồn chị, hoàn cảnh riêng tư, bi kịch, đã tìm được tiếng nói. Mỹ Dạ không ở trong nhóm các nhà thơ cách tân thời hậu chiến: Thi Hoàng, Ý Nhi, Hoàng Trần Cương, Dư Thị Hoàn, chị mải miết đi trên con đường của mình, về chốn thăm thẳm, buồn nhiều hơn vui, một cõi, nhưng cái bóng của chị hắt lên trời không lẫn.
Nếu biển đau, mong chi người chia sẻ
Vết thương kia xin trả lại ta nào
Sóng trắng xóa vỗ vào bờ nhè nhẹ:
Ta mặn lắm rồi người không hiểu ta sao?
Những hạnh phúc và đau buồn ấy giữ chị lại bên này của đời sống. Sự giữ lại ấy vừa là một chọn lựa tốt đẹp, vừa là một bi kịch tâm hồn. Chị gieo xuống trang thơ những tín hiệu của mình, như người đi đường. Người đi sau sẽ đọc các tín hiệu ấy một cách khác nhau. Người thì cho đó là sự đầu hàng số phận, kẻ cho đó là đòi hỏi trong tình yêu. Người cho đó là đức hạnh của phụ nữ, kẻ cho đó là sự nổi loạn chống lại các quy ước xã hội. Kẻ thương xót, người ngờ vực, kẻ vô tư bỏ qua, người ngẫm nghĩ.
Bạn bè tôi chưa được gặp em
Gương mặt em bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng
Đó là chiến tranh, nhưng không phải chỉ là chiến ttranh. Bí mật của thơ là bạn không nhất thiết phải nói mọi điều phải chăng, đúng đắn, thích hợp, ai cũng đồng ý.
Cám xúc và suy tư, với giọng nói như sợi chỉ đan kết chúng lại với nhau, mô tả một thời đại và một số phận, của mùa, của cái chết, của cái chết của thi sĩ, của nụ hôn đầu, buổi tối. Mỹ Dạ tên chị có nghĩa là buổi tối đẹp. Tôi hiểu chị chỉ làm thơ trữ tình, loại thơ trước hết viết cho mình. Nhưng trong khi bộc lộ đời riêng, dù trong tình yêu say đắm, hay trong chiến tranh, hay trong hôn nhân, hay trong tuổi thơ buồn tủi, chị đã nối kết những giấc mơ của những người phụ nữ khác, chịu hy sinh, thương khó, thương tổn, chấm dứt sự câm lặng, bước ra khỏi bóng tối, lên tiếng về những hy sinh và những tổn thương ấy, do chiến tranh gây ra, và do đời sống hoà bình, thứ lâu dài hơn, vẫn tiếp tục gây ra.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Chú Thích:
1. Các trích dẫn thơ trong bài là từ nhiều nguồn trên mạng, và từ tập thơ “Hồn đầy hoa cúc dại” mà nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ tặng tác giả bài này.
2. Cám ơn nhà văn, dịch giả Đinh Từ Bích Thúy (Hoa Kỳ, trong Ban biên tập tạp chí Da Màu và Asymptote journal, respectively), đã cung cấp các thông tin về tập Green Rice, Cốm Non, bản dịch tiếng Anh của Martha Collins và Đinh Từ Bích Thúy. Sự hợp tác giữa Lâm Thị Mỹ Dạ và Đinh Từ Bích Thúy, do những cuộc gặp mặt ngoài đời của hai vị ở Boston trong năm 2000 và những liên lạc thư từ sau đó, đối với tôi, còn có tính biểu tượng."
Bomb Crater Sky
Lam Thi My Da
They say that you, a road builder
Had such love for our country
You rushed out and waved your torch
To call the bombs down on yourself
And save the road for the troops
As my unit passed on that worn road
The bomb crater reminded us of your story
Your grave is radiant with bright-colored stones
Piled high with love for you, a young girl
As I looked in the bomb crater where you died
The rain water became a patch of sky
Our country is kind
Water from the sky washes pain away
Now you lie down deep in the earth
As the sky lay down in that earthen crater
At night your soul sheds light
Like the dazzling stars
Did your soft white skin
Become a bank of white clouds?
By day I pass under a sun-flooded sky
And it is your sky
And that anxious, wakeful disc
Is it the sun, or is it your heart
Lighting my way
As I walk down the long road?
The name of the road is your name
Your death is a young girl's patch of blue sky
My soul is lit by your life
And my friends, who never saw you
Each has a different image of your face
From Green Rice by Lam Thi My Da. Translated by Martha Collins and Thuy Dinh.
(https://poets.org/poem/bomb-crater-sky)
3. Ngô Minh: https://ngominhblog.wordpress.com/2016/05/29/lam-thi-my-da-nuoc-mat-lan-vao-trong-2
4. Tuyển tập Lâm Thị Mỹ Dạ, Lời mở đầu, NXB Hội nhà văn, 2011.