Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỌC SINH GIỎI Ở MỸ

Nguyễn Thị Bích Hậu
Thứ bẩy ngày 4 tháng 11 năm 2023 11:47 AM



Tối qua mình có trao đổi với một thầy giáo có 30 năm kinh nghiệm ở Mỹ. Thầy là một nhà sư phạm tận tâm và rất quý các học sinh châu Á. Câu chuyện mình và thầy nói tới là thế nào là một học sinh giỏi. Bởi thói thường thì ta sẽ cho rằng học sinh nào có điểm cao, thành tích tốt tức là giỏi rồi. Nhưng thầy nói rằng ở chỗ tôi thì quan niệm cũng như các tiêu chí để giáo dục một học sinh giỏi không dừng ở đó.

Thứ nhất, theo thầy thì giáo dục Mỹ coi học sinh giỏi phải là một học sinh toàn diện. Ví dụ như các em đó học giỏi, có thành tích cao về 1 khía cạnh nào đó, nhưng đồng thời cần có sức khỏe thể chất tốt và có tâm hồn cao thượng. Bởi vì nếu chúng ta chỉ có những người học giỏi mà thân thể yếu ớt, tâm hồn khô cằn, tham lam và hư hỏng thì rất tai hại.

Do đó ở trường của chúng tôi, việc giáo dục đạo đức, phát triển tâm hồn được coi trọng. Chúng tôi không dạy đạo đức thành môn riêng, bởi tất cả các bài học, đặc biệt là các bài học về khoa học xã hội và văn chương đều thấm đẫm tinh thần đạo đức. Chúng tôi cũng phát triển tâm hồn cho các em bằng việc dạy nghệ thuật như âm nhạc, kịch nghệ và hội họa trong lớp và các câu lạc bộ. Còn thể dục thể thao thì mỗi ngày các em sẽ có một giờ là tối thiểu tại trường để học và tham gia vào tất cả các câu lạc bộ thể thao, các sân vận động và phòng tập gym trong trường. Tùy sở thích mà các em có thể chọn lựa.

Kế đó, chúng tôi tập trung vào 10 đặc điểm của một học sinh giỏi để có thể đào tạo các em. Mà theo đó là các điểm sau:

1/ Học sinh giỏi phải là người luôn dám đặt câu hỏi nghi vấn cho bất cứ gì mình chưa hiểu, hay chưa hiểu kỹ càng. Vì vậy chúng tôi dạy học trò bằng cách luôn yêu cầu các em đặt câu hỏi. Chỉ có biết đặt câu hỏi thì mới biết câu trả lời.

2/ Học sinh giỏi cần chăm chỉ. Dù thông minh hay không thông minh cho lắm, thì chăm chỉ vẫn là một đức tính vô cùng quan trọng. Những người bình thường có thể đi rất xa và mỗi ngày một giỏi hơn nếu cần cù và chăm chỉ. Chúng tôi luôn nêu gương chăm chỉ cho các em.

3/ Học sinh giỏi cần nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội hay cộng đồng, các dự án chung. Bởi vì đây chính là cách học tập, rèn luyện mọi mặt nhanh chóng nhất. Do đó chúng tôi rất coi trọng các hoạt động này, như một tiêu chí tuyển sinh.

4/ Học sinh giỏi nên làm lãnh đạo, cho dù là lãnh đạo một nhóm nhỏ hay một tập hợp lớn đều tốt. Làm lãnh đạo tức là nêu gương, thúc đẩy và hỗ trợ mọi học sinh khác cùng làm tốt công việc chung. Vì vậy mỗi thày cô trong trường chúng tôi phải nêu gương lãnh đạo.

5/ Học sinh giỏi cần biết tạo động lực cho mình trong mọi hoàn cảnh. Những em giỏi nhất là những người có động lực để thành công. Trong khi những học sinh thiếu động lực là những người khó tiếp cận nhất, thường xuyên gặp rắc rối và cuối cùng là bỏ học. Vì vậy chúng tôi dạy các em cách tạo động lực.

6/ Học sinh giỏi là những em biết giải quyết vấn đề. Như vậy các em có thể đương đầu với mọi rắc rối của cuộc sống một cách tốt nhất. Chúng tôi dạy các em biết điều đó.

7/ Học sinh giỏi là người biết nắm bắt mọi cơ hội học tập. Chính vì vậy chúng tôi khuyến khích các em học tại nhà, tại thư viện, trong lớp, ở cộng đồng và các nhóm yêu thích các môn học trên mạng... Tất cả đều là cơ hội, hãy tận dụng cơ hội của mình để học hỏi không ngừng.

8/ Học sinh giỏi là học sinh biết tôn trọng kỷ luật, và tôn trọng mọi người. Chúng tôi luôn nhắc nhở và khuyến khích các em làm như vậy.

9/ Học sinh giỏi là học sinh tìm ra được hệ thống hỗ trợ cho mình, ví dụ như thày cô, cha mẹ, bè bạn khi cần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện. Chúng tôi giúp các em có một hệ thống đó tốt nhất có thể.

10/ Cuối cùng, một học sinh giỏi cần là một người đáng tin cậy. Em đó cũng là một người trung thực, tử tế, đáng mến. Chúng tôi luôn khen thưởng những người như vậy và sẽ trừng phạt những ai có đạo đức xấu và vi phạm trong sự nghiêm minh và công chính.

Thày nói tiếp là trong các yêu cầu trên đây, bạn sẽ thấy chúng tôi không coi trọng thành tích và điểm số, cũng không đặt nó lên hàng đầu. Vì nếu cứ làm tốt tất cả những gì cần thiết thì thành tích và điểm số tốt sẽ tự tới. Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp các em chỉ học khá, hay thậm chí chỉ đạt yêu cầu, nhưng các em khỏe mạnh, có tâm hồn trong sáng, có đạo đức tốt, lại có kỹ năng tốt trong đời sống thì các em vẫn là những học sinh rất tốt. Những em này ra đời sẽ sống khỏe, có việc làm và lương thiện, và sẽ phát huy tốt nhất theo năng lực của mình.

Thầy cũng nói thêm rằng đó là lý do mà bạn sẽ thấy các trường học của chúng tôi không tiết lộ điểm số. Mọi điểm số là bí mật của từng học sinh, ai học nấy biết. Và chúng tôi thường chào đón các học sinh giỏi mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh. Ví dụ thể thao, văn nghệ, hoạt động cộng đồng, hay đơn thuần là những người thân thiện, dễ mến, đáng tin, vui vẻ, tử tế. Vì như vậy là rất giỏi rồi. Thành tích học tập chỉ là một trong số đó, chứ không phải là tất cả.

Mình có hỏi thêm thày là vậy theo các tiêu chí đó thì trường của thày có nhiều học sinh giỏi không?

Thày nói chúng tôi có rất nhiều học sinh giỏi. Vì quan niệm này không giới hạn số người giỏi của nhà trường. Nên bạn sẽ thấy các học sinh của chúng tôi khi vào các trường Ivies chẳng hạn, có những em vào được vì có điểm số tuyệt đối, nhưng số này ít hơn những em vào được vì có điểm số vừa phải nhưng lại có tài năng nổi bật. Ví dụ như trường của chúng tôi có một học sinh vào được Harvard và nhận học bổng lớn dù điểm số không quá cao, nhưng em có tài nhảy múa rất giỏi và là một người từng tổ chức nhiều giải nhảy múa cho học sinh ở bang và khu vực xung quanh.

Chúng tôi nghĩ rằng xã hội sẽ cần những người giỏi đa dạng như vậy, vui vẻ và hạnh phúc như vậy, chứ không chỉ cần những em có điểm số cao và thế là chấm hết.

Đó là lý do chúng tôi không cho rằng học sinh giỏi chỉ có được qua các kỳ thi năng khiếu môn nào đó, và cũng không luyện chưởng ép các em thi bằng được. Cái đó chỉ là một trong số các tiêu chí thành học sinh giỏi thôi. Nên em nào đam mê thì cứ việc thi thoải mái. Bất cứ thày cô nào của chúng tôi cũng có nhiệm vụ dạy học sinh cho chúng ngày càng giỏi lên và bất cứ học sinh nào cũng có thể trở thành giỏi.

Theo FB Nguyễn Thị Bích Hậu