(Nhân 100 năm ngày sinh nhà thơ, nhạc sỹ Văn Cao,11-1923 - 11-2023)
Tôi có một chút kỷ niệm với Văn Cao.
Cuối năm 1973 từ đơn vị chiến đấu, trung đoàn pháo cao xạ 226, tôi được điều về Cục Chính trị Quân chủng Phòng không- Không quân tham gia viết bộ Ký sự lịch sử Phòng không- Không quân. Tôi ở cùng buồng với Đại úy Trần Duy Hợi, người thành phố Nam Định, phụ trách trị sự cho việc in sách của đơn vị. Anh Hợi từng là một trong những phóng viên nhiếp ảnh của báo PKKQ đã chụp được bức ảnh nổi tiếng về Hồ Chủ tịch thăm quân chủng, đứng nói chuyện với cán bộ chiến sĩ trước sân vận động, bóng lồng lộng trên nền trời. Một hôm anh bảo tôi đi đặt bìa sách tập 3 với anh. Hai anh em đạp xe vào thành phố, qua công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang rồi dừng lại ở một góc phố số nhà 108 của Yết Kiêu . Đến đây anh mới nói cho tôi biết đặt bìa sách cho nhạc sỹ Văn Cao. Ngày ấy tuy từ lúc còn nhỏ đã được đọc báo Nhân Văn, báo Văn của cậu tôi ở quê nhưng hiểu biết của tôi về vụ Nhân Văn Giai Phẩm còn đơn giản. Cuộc tiếp xúc với ông không để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhưng sau này tôi mới hiểu ra ý nghĩa của nó. Anh Hợi là người quen biết với Văn Cao nên anh mới tìm đến ông chứ nội dung bìa sách của chúng tôi khô khan, không phức tạp, đơn giản và tại quân chủng đang có nhiều anh em họa sỹ trẻ. Văn Cao nghỉ hưu trước tuổi đã lâu với mức lương còm cõi, sống nghèo túng vì tác phẩm không được sử dụng công khai. Ông chọn một cái nghề rất khiêm tốn là vẽ vi nhét và minh họa báo, làm bìa sách cho người quen như anh Trần Duy Hợi . Có lúc ông còn vẽ cả nhãn mác hàng hóa và vẽ bao diêm, bao thuốc lá.
Lý lịch gia đình Văn Cao
Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao sinh ngày 15-11- 1923 tại xóm Lạch Trai Hải Phòng, nguyên quán ở thôn An Lễ xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định. Tham gia cách mạng từ 1944. Đã từng làm báo bí mật, phụ trách đội danh dự trừ gian, tình báo cho Công an Liên khu 10, phụ trách công tác hội họa, âm nhạc cho Bộ Giáo dục và Hội Văn nghệ… Vào Đảng tháng 3-1948.
Văn Cao mất ngày 10-7-1995.
Năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh.[19] Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định,...
Tôi nhớ trong một bản sao lý lịch cuả Văn Cao mà tôi đã đọc gia đình ông đông con, nhiều người tham gia kháng chiến chống Pháp và cũng có ba người em của ông là liệt sĩ.
Nguyễn Văn Đan hy sinh ở mặt trận Nam Định năm 1947
Nguyễn Văn Mười hy sinh ở mặt trận Quảng Oai, Sơn Tây.
Một người hy sinh ở Hà Nam 1954.
Thấu hiểu nỗi đau xót của mẹ trong bài thơ GỬI MẸ ông viết:
Mẹ 70 tuổi rồi
Sáu đứa con xa mẹ
Nhớ con tìm học chữ
Kháng chiến chờ thư con
Một cái thư thứ nhất
Một đứa chết Sơn Tây
Môt cái thư thứ hai
Một đứa chết Nam Định
Một cái thư thứ ba
Một đứa chết Hà Nam
Một cái thư thứ tư
Mẹ không đọc được nữa
Mắt mẹ đã lòa rồi...
Hôm nay nghe tiếng chào
Biết những đứa còn lại
Đã trở về thăm nhà
2-1957
Văn Cao có 5 người con : Nguyễn Văn Thao, Nguyễn Nghiêm Bằng, Nguyễn Thương Thương, Nguyễn Ngiêm Thanh, Nguyễn Hiên Nga.
Văn Cao xuất thân từ một gia đình gấn gũi với người lao động, anh em ông cũng phải kiếm sống...Tuổi thơ của ông được sung túc mấy năm đầu khi cha ông còn là cai nhà máy nước, còn nửa sau gia đình sa sút ông phải theo học trường dòng, bỏ học rồi đi làm nhân viên bưu điện. Trong lý lịch của ông có ghi đã theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng ở chỗ khác cụ thể hơn thì lại ghi thêm là ghi tên học dự thính, nghĩa là không có tiền để theo học chính thức. Phạm Duy người bạn của ông từ lúc thiếu thời ở Hải Phòng có kể lại :
“Văn Cao có khiếu văn nghệ ngay từ khi còn đi học. Ăn ở trong một căn nhà nhỏ có cái máy bơm rất lớn nằm chình ình suốt ngày đêm hút nước từ dưới sông lên không lúc nào ngưng nghỉ. Văn Cao còn vất vả hơn nữa là phải lấy một tấm phản kê lên máy bơm để làm bàn học. Sau này nhớ tiếng máy bơm nước, Văn Cao sẽ có câu thơ:
Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Như giọng nước máy thâu đêm chảy”
Đời thanh niên của Văn Cao vừa mơ mộng vừa dữ dội. Mơ mộng vì âm nhạc, dữ dội vì ông sớm bị cuốn và dòng chảy cách mạng, với công việc thực sự đao búa, ông làm biệt động, ám sát, tình báo, mà rất ít văn nghệ sĩ thế hệ ông có gan làm.
Cái hoàn cảnh rất phức tạp ấy đã tạo nên sự đa dạng, phức tạp, nhiếu mặt đối lập trong sáng tác và tính cách cũng như số phận của ông. Nó luôn luôn ám ảnh thơ ông.
Một đoạn trong bài Ba biến khúc tuổi 65.
Những ngày buồn không nói được
Tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi
Một người cho tôi con dao găm
Không biết dùng làm gì
Đêm nhìn qua cửa sổ
Một khoảng trống đen
Tôi ném vào khoảng trống
Con dao găm ấy
Có phải đấy là sự nghịch ngợm
Bỗng nhiên có tiếng ngã ngoài sân
Một người trúng tim đã chết
Tôi không hề biết người ấy
Tôi là kẻ không muốn giết người
1988
Người con trai cả của ông, nhạc sỹ Văn Thao cho biết:
‘Văn Cao có hai con người. Con người của nghệ thuật và con người chiến sĩ cách mạng. Nhiều người muốn tìm hiểu phần con người thứ hai của ông. Nhất là những sự kiện mọi người gọi là "thành tích phi thường" ông đã làm trong thời gian phụ trách Đội trừ gian. Ông thường né tránh và ít khi nhắc đến. Có lần ông tâm sự với tôi: "… Bố đã từng giết một con người… Ông ta nhìn vào họng súng, nhìn bố với đôi mắt ngơ ngác như muốn hỏi - Sao lại giết tôi. Cho đến giờ, bố vẫn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy…"
Cùng với âm nhạc, thơ mới là sự nghiệp lớn của cuộc đời Văn Cao, mặc dù ông viết không nhiều, nhất là từ sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Tuyển tập thơ của ông do Nhà xuất bản Văn học in năm 1994 chỉ được 165 trang gồm cả 30 trang giới thiệu của Nguyễn Thụy Kha và tiểu luận của Thanh Thảo, Văn Dương Thành. Tuy vậy chỉ với trường ca Những người trên cửa biển và khoảng một chục bài thơ viết trong thời kỳ 1956-1958 Văn Cao đã trở thành một nhà thơ tiên phong trong tiến trình dân chủ của đất nước. Thơ đã đưa Văn Cao vào Nhân Văn Giai Phẩm và cũng chính thơ là một hệ lụy rắc rối nhất của đời ông. Chỉ có thơ mới nói lên được phẩm chất phản tỉnh và tâm trạng cô đơn cùng cực của con người ông.
Có lúc
Ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
Có lúc
Nước mắt không thể chảy ra ngoài được
Đợt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, ồn ã và hào nhoáng vừa qua. Làm sớm hơn để gắn vào ngày lễ Độc lập 2-9. Âm nhạc của Văn Cao được đánh bóng chói lọi. Nhưng cho đến hôm nay người ta vẫn làm như không để ý đến sự nghiệp thi ca của ông.
Ở Chuyên luận tổng quan Vụ Nhân Văn Giai Phẩm Một trào lưu dân chủ một cuộc cách mạng văn học không thành – năm 2000 và một số chân dung số văn nghệ sỹ chủ chốt của phong trào tôi có nói đến nguyên nhân tạo ra bước ngoặt tư tưởng nghệ thuật của họ là bối cảnh thời đại cuộc cách mạng dân chủ lần thứ nhất của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Cuộc sống miền Bắc Việt Nam sau 1954 đặt ra hy vọng xây dựng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, một cuộc cải cách dân chủ đường lối của đảng cầm quyền, và một thời cơ cách tân cho nền văn học nghệ thuật. Văn Cao đã sớm thấy được thời cơ cho một mùa xuân của niềm hy vọng cho dân tộc.
Cửa bể Hải Phòng và Mùa xuân 1956
Cuối bản trường ca Những người trên cửa biển in trong tập thơ Cửa biển do Nhà xuất bản Văn nghệ in cuối năm 1956 Văn Cao ghi Cả mùa xuân 1956.
Năm 1956 là một năm đầy biến động của hệ thống xã hội chủ nghĩa và miền Bắc Việt Nam.
Cửa biển là một tập thơ gồm 4 tác giả Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và Văn Cao. Cửa biển xuất hiện vào khoảng nửa cuối năm 1956. Lúc đó Giai phẩm Mùa xuân vừa mới ra đời đã bị cấm nhưng phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm vẫn đang lên.
Ngày 24-2-1956 Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô công bố các tội ác của Stalin. Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô Pha đê ép tự sát. Nhiều văn ngệ sỹ, trí thức bị kết án và bị giết hại dưới thời Stalin được phục hồi danh dự. Văn nghệ Liên Xô gọi thời kỳ này là Luồng gió ấm, thời kỳ đã để lại nhiều văn nghệ sỹ tài năng và nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh bất hủ giàu chất nhân văn.
Tại Hà Nội tháng 9-1956 Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đánh giá di hại cuộc Cải cách ruộng đất rất nặng nề, bàn về sửa chữa sai lầm trong Cải cách ruộng đất và việc tăng cường mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân. Trương Chinh từ chức Tổng bí thư Đảng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị. Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành trung ương. Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chí Minh xin lỗi nhân dân về sai lầm trong Cải cách ruộng đất.
Ngày 29-8 Giai phẩm Mùa Thu tập I ra đời
Ngày 15-9 báo Nhân văn ra mắt số 1
Ngày 8-10 tái bản Giai phẩm Mùa Xuân
Cửa biển được chuẩn bị trong không khí chính trị, văn nghệ như thế. Nó như một quả bộc phá bằng thơ tiếp thêm sức mạnh cho báo chí. Có ba trường ca và 4 bài thơ của Lê Đạt.
Mở đầu là trường ca Tiếng hát quan họ của Hoàng Cầm.
Đây là một tác phẩm quan trọng của nhà thơ sông Đuống, một bức đại cảnh về văn hóa Kinh Bắc đồng thời là bức chuyển về tư tưởng của ông sang một giai đoạn mới. Sau này những người nghiên cứu phê bình rất ít nhắc đến trường ca này có lẽ vì Hoàng Cầm lại có thêm một kiệt tác về Kinh Bắc, nhưng tập trường ca liên hoàn Về Kinh Bắc là đứa em sinh sau của Tiếng hát quan họ. Tiếng hát quan họ còn trong trẻo, giàu chất tả thực vẻ đẹp của quan họ. Về Kinh Bắc là tiếng ca vừa trải qua một cuộc bể dâu chưa có lối thoát, một giấc mơ đầy kinh hãi ám ảnh như đêm nọ “một trẻ sơ sinh đuổi giọng mèo hoang qua miếu mưa phùn “.
Nhưng Tiếng hát quan họ mang âm hưởng của thời đại. Đó là khát vọng dân chủ với những biểu tượng mạnh mẽ.
Tôi người làng quan họ
Ngập ngừng trở lại quê hương
Tiếng hát lại bắt đầu bậc giếng bờ mương
Sao em tôi chưa hồng sắc mặt
Xác lão Tiên dễ vùi chưa chặt
Lổm ngổm bò lên
Những lùm cây đen
Vẫn lò dò theo chân từng đôi đôi lứa lứa
Trời chưa sáng rõ
Sương mù úp xuống nương dâu
Tay người yêu e thẹn tìm nhau
Ai nhầm trói tay kẻ trộm
Bóng Tiên chỉ trùm khăn áo mới
Lại nghênh ngang đi tuần làng
Với một cuộc sống mới, xã hội mới nhưng vẫn có nguy cơ:
Những rớt cũ nghìn năm tăm tối
Hôm nay còn đủ sức giết người
Khát vọng của Hoàng Cầm là khát vọng cho quan họ, cho con người và đất nước:
Tôi mơ ước rồi đâyTiếng hát Quan họ
Sẽ thành trái núi khổng lồ
Ném xuống biển cồn sóng gió
Vòng nhỏ
Vòng to
Đến vòng nào nữa
Chân may mở rộng từng mùa
Trong 4 bài thơ của Lê Đạt : Máy, Đụng long mạch, Lên lâu đài Mác Ty, Cha tôi có những câu mà những người phê phán ông hay trích dẫn như:
Mỗi bước chúng ta đi về đằng trước
Có mấy nghìn năm
níu lại
đằng sau
Những hủ tục
những thói quen,
nếp cũ
Những con người ụ
Ềnh ra cản đường
……
Tôi khao khát những tình yêu như thế
Những con người dám cả gan đánh bốc
Với những già nua cũ kỹ của cuộc đời.
So với các tác phẩm trên trường ca Cách mạng Tháng Tám của Trần Dần vẫn còn dư âm hào hùng của ngày chiến thắng, đầy nhiệt huyết, ồn ào kiểu Trần Dần về cuộc cách mạng đã diễn ra mười năm về trước và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước hiện tại.
Trong thời gian trước, thơ Văn Cao chưa thực sự xuất sắc còn ảnh hưởng Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng, Huy Cận. Trong 9 năm kháng chiến hầu như ông không làm thơ. Một mặt tcảm hứng thời cuộc, mặt khác do sự gợi ý thúc giục của Hoàng Cầm, Văn Cao được bố trí trở về Hải Phòng và Những người trên cửa biển đã ra đời.
Nhưng sau khi trở về Hà Nội, sau những biến động ghê gớm của thời cuộc làm tâm trạng Văn Cao rất nặng nề.
Cũng tại thời điểm này, Văn Cao viết bài Mấy ý nghĩ thơ như một tuyên ngôn về thơ, đặt ra những vấn đề lớn về thơ hiện đại. Văn Cao đặc biệt nhấn mạnh đến tính tư tưởng của thơ: “Chúng ta đã qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác, cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?”
Ngay trong năm 1956 Văn Cao đã viết một bài thơ dữ dội về thảm kịch
Cải cách ruộng đất. Mãi đến khi gần mất ông mới đưa bài thơ cho Nguyễn Trọng Tạo và bài thơ xuất hiện lần đầu tiên trên mạng vào cuối năm 1995 sau khi Văn Cao đã mất .
Đồng chí của tôi
Người ta các đồng chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ dẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
dẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ già không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi...
(1956)
Cũng vào năm ấy, Văn Cao viết Anh có nghe thấy không. Trong lời đề từ Văn Cao ghi “Gửi một nhà thơ”. Theo tiết lộ của những người bè bạn và tâm sự của Văn Cao, đó là bài thơ nhắn gửi Tố Hữu với ý muốn rằng ý tưởng của ông có thể hành động của một người lãnh đạo văn nghệ tốt lên chăng. Ông báo động cho nhà thơ tình thế miền Bắc lúc đó đang đi trái quy luật phát triển:
"Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm xuân bắt đầu trở lại".
Văn Cao không ngại ngần nói với nhà thơ về sự biến động của xã hội hiện tại và yêu cầu thay đổi của văn nghệ:
“Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên”
“Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng
Những con mèo ngủ yên trên ghế
Trong một cuộc dọn nhà
Những con sên chưa dám ló đầu ra
Những dây leo càng ngày càng tốt lá”
Kẻ thù lớn nhất của cách mạng chính là những kẻ xảo trá, cơ hội lẫn vào hàng ngũ những người cách mạng để phá hoại tiến trình dân chủ hóa.
Vẫn nặng lòng với nỗi ám ảnh về sự mất mát của cuộc kháng chiến trong bài Những nét mặt trên báo Văn số 33, Văn Cao nhắc đi nhắc lại điệp khúc “Những người đi buổi ấy Bây giờ còn lại bao nhiêu”
Những nét mặt gặp trong đêm tối
Những ánh đuốc in nửa má nghiêng nghiêng
Những cặp mắt nhìn lặng lẽ
Những bàn tay che nửa mặt im lìm
Những nụ cười dấu trong tà áo
Những khuôn mặt soi lòng giếng sửa khăn
Những chiếc nón che nửa vành cổ trắng
Tôi gặp ở đâu lúc nào không nhớ
Mà sao còn nhớ cả
Giọt nước lòng khe đá
Xuống bàn tay
Những người đi buổi ấy
Còn lại bao nhiêu suy nghĩ những gì
Có lẽ tình yêu vô bờ với thành phố biển, tinh túy thơ ca và nhiệt huyết cho cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới Văn Cao đã trút hết cho Những người trên cửa biển.
Nguyễn Thụy Kha viết:
“Ngọn lửa thơ của Văn Cao sung sức và bùng cháy nhất chính ở thời điểm ông viết trường ca Những người trên cửa biển năm 1956. Cảm xúc sôi trào. Ý tứ sắc sảo. Câu thơ hoạt. Hình tượng thơ gây nhiều ám ảnh. Từ thời điểm này về trước, Văn Cao thiên về cảm xúc, cảm giác và những hình ảnh lãng mạn. Sau thời điểm này, Văn Cao chuyển dần sang ẩn dụ, tượng trưng với những hình ảnh biểu tượng hết sức sâu sắc và những suy tư mang nhiều cay đắng.
Ở trường ca này, Văn Cao lấy Hải Phòng làm một hoán dụ như “Việt Nam thu nhỏ”. Hải Phòng hiện lên trong thác lũ của chiến tranh và trong mơ ước nhào nặn lại hình hài của mình vươn đến cuộc sống mới. Và cũng chính ở đây, bên cạnh những thành công và mơ ước, Văn Cao đã không ngại ngần đề cập đến những hiểm họa khó trừ trong hàng ngũ những người cách mạng.
“Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẫn trong hàng ngũ
Những con bói cá đậu trên những dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người”
“Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm dài trong cuống…”
“Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn cây to che cớm mầm non”.
Và ông cũng đã thấy những bi kịch lặng thầm:
“Không có tiếng vỡ trong không gian
Sao có tiếng vỡ trong lòng tiếng vang âm rên rỉ”.
Bản lĩnh Văn Cao, sự trung thực của ngòi bút, tính dự báo sâu sắc bắt đầu được thể hiện mãnh liệt. Và hẳn nhiên, điều này làm cho không ít người có quan điểm hẹp hòi, thích che đậy lấy làm khó chịu.”
Sau những ngọn sóng trào, tiếng sóng biển sôi sục Những người trên cửa biển vẫn còn dư âm đầy hy vọng ở thời cuộc. Cuộc đời chưa đến khúc bi quan. Văn Cao nhen nhóm:
Tôi giờ đây liếm môi nóng bỏng
Nhìn ra biển bao la
Lòng hãy còn nhiều khát vọng
Còn rất nhiều khát vọng
Biển thành người khổng lồ kêu khát suốt ngày đêm
Suốt ngày đêm kêu khát
Những ngọn sóng trên cát khô sủi bọt
Ngày đêm
Mãi mãi
Dưới chân tôi
Nước ngọt của ngàn sông
Bao giờ đổ đầy lòng biển.
Cái hình tượng về khát vọng tự do dân chủ của ông mãi mãi sống trong thi ca Việt Nam hiện đại.
Sang năm 1957, Văn Cao thấy mình như “Người coi đèn biển” cô đơn xung quanh chỗ nào cũng thấy những con mắt hiện lên đốt cháy khô kiệt cuộc đời của ông.
Làm người coi đèn biển
Hải đăng anh nhìn
Bọn chúng nó sống như những con dán
Ép mình trong những trang sách thánh
Ảo tưởng về sự nghiệp
Giống như một người chỉ có cái đầu to
Mà tay chân thì quá nhỏ.
Bài Mùa xuân không nở Văn Cao cho thấy tâm trạng của ông thật là u ám:
"Có bao giờ tôi sống thật mùa xuân của tôi
Khi tuổi hai mươi đã qua đi mất
Nhưng các mùa xuân không nở được hoa".
"Mùa xuân qua đi không nở được
Còn giữ lại cái mầm trong suốt đời tôi
Để phải mọc lên trên mồ hôi những bông hoa trắng nhất
cho tuổi trẻ ngày sau thấy một mùa xuân đã mất"…
Cho tuổi trẻ ngày sau thấy một mùa xuân đã mất
Đó là quan niệm nhân sinh mà cũng là quan niệm nghệ thuật của Văn Cao, không né tránh cái giá của chiến tranh.
Năm 1959, bài Trong mùa xuân đời tôi cho biết nhận thức của ông về sự thật của cuộc kháng chiến, một cuộc chuyển biến tư tưởng nhân văn, dân chủ, đoạn tuyệt với chủ nghĩa giáo điều và công thức trong nền văn nghệ mang màu sắc Mao it.
"Những đêm đi trong những ngọn đèn
lửa đốt nhà dài từng cây số
Tôi đã nhìn thấy chung quanh tất cả
những con người và con vật
Dũng cảm và hèn nhát"
Cao quý và ti tiện
Trung thực và bất lương…
Bóng người ám ảnh Văn Cao
Văn Cao sống cô độc nhưng có một số người bạn vô cùng tâm huyết. Đó là Phạm Duy, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Hoàng Cầm, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Sãng, Bùi Xuân Phái, Dương Tường. Họ là những tài năng nhưng có chính kiến, chung thủy với tình bạn của ông. Với mỗi người ông dành cho họ một bài thơ.
Trong thơ Văn Cao nếu để ý xem xét kỹ hơn có thể thấy bóng dáng một nhân vật như một bóng ma ám ảnh trùm lên số phận của ông. Một người nắm trọng trách trong bộ máy đảng trị về văn nghệ. Có một số giai thoại để lại về mối quan hệ bất đồng căng thẳng của Văn Cao với Trường Chinh và Tố Hữu xung quanh quan niệm về nghệ thuật và thái độ với người làm văn nghệ. Văn Cao không ngần ngại diễn đạt thái độ, chính kiến của mình bằng thơ như trong bài Anh có nghe thấy không viết ngày 1-10-1956:
Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở
…
Những người của chúng ta
Đang dần dần xuất hiện
….
Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không
Vào cuộc đấu tranh mới
Để mở tung cánh cửa sổ
Mở tung cả cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta
Sự thật đã diễn ra thật tàn nhẫn, kết cục niềm hy vọng của Văn Cao và những người đồng chí hướng với ông đã không được nghe thấy, không được thực thi như một chính sách quản trị xã hội tiến bộ. Cửa không được mở, đàn áp đã xảy ra. Bao nhiêu là bi kịch cho cuộc đời mỗi nhà tiên tri dậy sớm.
Còn con người nhà thơ ấy vẫn ám ảnh Văn Cao suốt đời
Tôi gặp lại anh
Im lặng như bức ảnh
Người anh dẹt như một con dao
Gây nhiều vết thương cho bạn hữu
Anh mang trong tôi nhiều bộ mặt
Đâu là cái cuối cùng
Chỉ riêng hai con mắt
Trắng dã không thể dối lừa.
Một chỗ khác anh ta là một cuộc nguyệt thực đối với Văn Cao nhưng cũng là nguyệt thực suốt đời:
Bỗng nhiên
Bóng người ấy che khuất
Nửa mặt tôi…
Một con mắt tôi
Lặng lẽ lấp lánh
Sau bóng đen người ấy.
Rồi Văn Cao không chịu đựng được mãi, đến lúc ông phải nói ra mối quan hệ bằng những tình huống cụ thể :
Tôi đi trên phố
Bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
Một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
Tôi chạy Tôi chạy
Tại sao Tôi chạy? Tôi không hiểu tôi
Cả phố đuổi theo tôi xe cộ đuổi theo tôi
Tôi chạy bạt mạng
Gần hết đời
Tới chỗ chỉ còn gục xuống
Tỉnh dậy mồ hôi chảy
Tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội
Và đây là hình ảnh cuối cùng rất trừu tượng nhưng rất cụ thể cái con người kia đã tạo ra ông trong một bức tranh từu tượng:
Tôi rơi vào mạng nhện
Mạng nhện cuốn lấy tôi
Không còn cách gì gỡ được
Tôi như con sâu tằm
Cuộc đời cứ như thế
Muốn phá cái mạng nhện
Tôi không đủ tay
Năm 1981, Việt Nam phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca nhưng sau đó không công bố kết quả, cuộc thi cũng không được nhắc lại. Bài Tiến quân ca vẫn là quốc ca của Việt Nam. Nhưng mọi người thừa biết một âm mưu hạ bệ Văn Cao đã thất bại. Không biết đứng sau sự kiện này có phải cái người vẫn ám ảnh Văn Cao không.
Văn Cao bị phản bội
Dân gian ta vẫn nói Dậu đổ bìm leo. Khi các thành viên Nhân Văn – Giai Phẩm lâm nạn họ liền bị bạn bè vốn cùng cơ quan văn nghệ đã chia ngọt sẻ bùi trong chín năm kháng chiến trở mặt. Cuộc đánh hội đồng diễn ra. Tên tuổi Văn Cao bị bôi nhọ trên nhiều diễn đàn, trên nhiều bản tố cáo, báo , tạp chí nhưng có lẽ vu cáo nhât, thóa mạ nhất là bài của Xuân Diệu. Bài Tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao đăng trên tạp chí Văn Nghệ.
Nhưng trong mắt Xuân Diệu, Văn Cao lại như một “đại ca” nằm vùng, “giả dối như một con mèo, kín nhẹn như một bàn tay âm mưu trong truyện trinh thám”, “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt”, “hiểm độc”, “một cái giọng cao đạo, ra vẻ bác học, thông thái”, “giọng tiên tri”, v.v… Tất nhiên, điều chính yếu mà Xuân Diệu phải vạch ra bằng được ở Văn Cao là “cái duy tâm chủ quan, cái cá nhân chủ nghĩa bế tắc, cái tìm tòi lập dị, cái khinh thường quần chúng, một mớ cặn bã tư tưởng cũ rích”! Xuân Diệu cảnh tỉnh Văn Cao mà như có ý đồng thời tự căn dặn mình:
“Nhà văn trước tiên phải ôm lấy tư tưởng đúng, phải ôm lấy quần chúng vạn năng, phải ôm lấy Đảng vĩ đại, chứ nếu chỉ ôm lấy một mớ chữ, theo lối Văn Cao tán thưởng, thì chỉ là ôm lấy tro tàn thuốc lá hay cặn rượu mà thôi. Huống chi mớ chữ đó lại còn phản động, thì nhất định tiêu ma sự nghiệp.”
“Sự giả dối đã thành bản chất của Văn Cao, nên những cái lạc hậu, thoái hoá của Văn Cao cứ nghiễm nhiên mặc áo chân lý và tiến bộ. Cũng là một thứ văn thơ "giật gân", giật gân đến một độ rất nguy hiểm; thà cứ như cái thùng sắt tây Lê Đạt, thà cứ ngổ ngáo cao bồi như Trần Dần: dễ thấy; đằng này cứ như triết gia ban phát đạo lý nghìn đời; người nào đã biết thế nào là chân lý chân chính, đọc một số thơ và những bài văn, tựa của Văn Cao, có thể tức tối đến đau óc, bởi cái giả dối ở đây nó chằng chịt thật là khó gỡ, nó đã thành máu thịt của Văn Cao, nó nói cứ như thánh, và còn biết nhoẻn miệng cười duyên nữa!
Người ta lấy làm lạ rằng: những tư tưởng văn nghệ của Văn Cao, bóc trần ra, chỉ là một mớ bùng nhùng bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản, tại sao nó không phát ngôn ra ngay cuối thời Pháp thuộc, mà Văn Cao để dành ấp úng mãi, vừa rồi, đã mười mấy năm sau cách mạng, mới níu lấy "thời cơ" mà phất nó lên thành cờ, thổi nó ra thành kèn, hòng tập hợp văn nghệ sĩ sau lưng mình? Những thứ quan điểm đó, nếu mà đưa ra trong thời Pháp thuộc, cũng đã bị lạc lõng chẳng ai muốn nghe. Cũng như bọn xét lại hiện nay tái bản chủ nghĩa xét lại cũ rích hàng năm, sáu chục năm trước, trên cái đà của Nhân văn-Giai phẩm, Văn Cao lôi những cặn bã tư tưởng nằm giấu trong mình, chưa có dịp tuyên ngôn trong thời Pháp thuộc, nhảy vào hòng làm chủ trường phái trong văn học hiện nay. Nhiều nhà văn lớp trước vào với cách mạng, đã và đang tiếp tục tẩy gột những cái sai lầm tiền kiếp, mà vẫn thấy hãy còn chưa sạch; thì Văn Cao từ trong làng nhạc sang làng văn, vội lặn hụp vào vũng nước tống ra kia, và cho thế là thơm, là mới! Văn Cao, nhầm lịch sử rồi!...
Mấy bài thơ năm 1946, 1948 của Văn Cao, có dụng ý tốt, nhưng cũng bộc lộ cái tính chất nghệ thuật của Văn Cao, thích khúc mắc, khó hiểu, thích loè lên lấp lánh, pha với sự lập dị, chộ người, toát ra một màu vị tan rã, như bài "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc", hay như bài "Ngoại ô mùa đông 46" (Văn nghệ số 2, tháng 4-5/1948):
Ta đi trong nhà đổ
Nghe thời gian đã nhạt khúc ân tình
Tuy phòng the chiếc áo trẻ sơ sinh
Còn xiêm hài dành hương phấn cũ...
...........................................................
Chữ Phạn, La-tinh nhường máu tô diệt Pháp
Gió lạnh khi qua viện tàng thư
Cháy cong queo, bìa giữ chút di từ
Kierkegaard, Heiddeger và Nietzsche...
Văn Cao đã đi bước thứ nhất trong Giai phẩm mùa Xuân thì Văn Cao đi tiếp bước thứ hai trong cái báo Nhân văn. [3] "Thơ Văn Cao" góp vũ khí chống Đảng, chống chế độ với bọn Nhân văn. Một lời toà soạn rất là xông hương trình diện rất là trịnh trọng một đoạn thơ dài của Văn Cao; họ đã nhè ngay cái "trái tim thuộc về Nhân văn" của Văn Cao mà trích. Tiếp theo lề lối của bài "Anh có thấy không" trên kia, Văn Cao bảo: "Kẻ thù của chúng ta xuất hiện" mà không đả động gì đến Mỹ-Diệm, chỉ nói đến những con rồng đất, những con bói cá, những con bạch tuộc một cách lập lờ ám muội. Văn Cao đặt tất cả lòng thù địch vào chữ "chúng"; chúng nào "muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng" ? chúng nào "làm rỗng những con người lụi dần niềm hy vọng" ? Ai là "những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc" ? Văn Cao không nói rõ, mà dùng lối ám chỉ thâm độc, đổ các thứ tội cho Đảng, cho cán bộ. Đó là cái lối gài mìn chống phá Đảng và nhân dân; những bài thơ, đoạn thơ trên đây rõ ràng là những sự việc chính trị.”
Trên báo Dân Trí điện tử Lãng du cùng Văn Cao tác giả Hương An cho biết
“Chính Xuân Diệu là người giới thiệu bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” của Văn Cao trên tạp chí “Tiên Phong” năm 1946.
Và cũng chính Xuân Diệu đã phải phê phán Văn Cao dữ dội thời “Nhân văn – Giai phẩm”. Ông đã đến đây, đã nhìn thấy quê mẹ Xuân Diệu. Phải độ lượng thôi. Văn Cao đã viết trong “Quy Nhơn 2”: “Những nhà thơ tôi đọc – Bích Khê, Yến Lan, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử...” Văn Cao đâu có ngờ vào cuối 1985, ông lại ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của tôi đến 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội, đứng trước linh cữu Xuân Diệu. Họ đã không nói được thêm điều gì với nhau từ hồi ấy. Nhưng đã biết lượng thứ cho nhau, qua thời gian.”
Cùng những người tham gia Nhân Văn Giai Phẩm Văn Cao cũng chịu án kỷ luật nặng, bị khai trừ khỏi Ban chấp hành Hội Nhạc sỹ, bị treo bút thời hạn 3 năm, bị cho thôi chức Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật trở thành cán bộ nghiên cứu của Ban nghiên cứu âm nhạc, tiền thân của Vụ nhạc múa, Bộ Văn hóa. Năm 1963 Văn Cao được nghỉ hưu trước tuổi với mức lương cán sự 3, 63 đồng. Tuy treo bút thời hạn 3 năm nhưng cái án đó kéo dài tới 30 năm cho tới khi có đổi mới. Như ở trên đã nói để nuôi được gia đình đông con Văn Cao đã phải vẽ minh họa, vi nhét cho các báo, làm nhãn hàng hóa, bao thuốc lá, bao diêm, gói chè…
Niềm khao khát một mùa xuân trọn vẹn
Càng về sau, Văn Cao làm thơ như là một cuộc độc thoại với chính mình. Trước đây có lần ông muốn hét to lên, cảnh báo về những hiện trạng nguy hiểm đang dần dần lộ diện trong đời sống, nhưng chẳng ai nghe thấy, tiếng thét của ông tựa như gặp một triền núi dựng đứng chắn lại. Một nỗi bi quan về sự vô vị của những lời dự báo của văn nghệ .
“Khi tôi hú lên thật to
Không nghe tiếng tôi nữa
Như viên đá rơi vào im lặng
Những ngọn núi dựng lên đen trũi
Bờ một cái vực khổng lồ
Nơi cả mặt trời mặt trăng
Thường lặn xuống không tiếng động”.
(Lòng núi)
Nửa đời sau của Văn Cao thật buồn bã. Ông rơi vào sự cô đơn.
Bài thơ "Có lúc" (1963):
Có lúc
một mình một dạo giữa rừng đêm không sợ hổ
có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được.
Ấn tượng bị xua đuổi, đè nén một cách phi lý, không thể biện giải, còn theo Văn Cao đến cuối đời, như ông ghi lại trong bài thơ "Ba biến khúc tuổi 65":
Vũ trụ thu dần vào một gian phòng nhỏ
Một chậu cá, một lồng chim
Một ít hoa, một màu xanh nghỉ ngơi nhè nhẹ
Tôi không muốn nói to, không muốn người nói lớn
Không còn một chiều thứ bảy, một sáng chủ nhật
Không chọn một màu áo, không chải một nếp tóc
Tất cả sự sống bên ngoài của bao tuổi trẻ
Chỉ vang lên nhè nhẹ dĩ vãng trong lòng tôi
Và hiện tại của các anh các chị
Chỉ là dĩ vãng của tôi
Đến cuối năm 1975, đất nước thống nhất mang lại cho ông cũng như nhiều người bạn Nhân Văn – Giai Phẩm khác niềm hy vọng mới về sự tha thứ, sự cứu rỗi ở lãnh đạo, Văn Cao viết Mùa xuân đầu tiên. Theo VnExpress " ca khúc được đăng ngay lần đầu tiên trên báo Sài Gòn Giải Phóng số mừng xuân Bính Thìn, đồng thời lập tức được dịch lời và in ở Nga.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Thеo lời kể của nhà thơ Nghiêm Bằng – con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao: “Đó là một đêm vào giữa tháng 12-1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết Kiêu. Mùa đông Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy, tôi nghе có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn piano – đối diện với chiếc đivăng tôi đang ngủ. Một giai điệu khе khẽ vang lên, nó được đàn bởi một bàn tay phải. Cũng phải nói thêm là cha tôi đã đàn trên chiếc đàn vốn được Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho thuê lại với giá 7 đồng rưỡi một tháng (lương cha tôi hồi đó là 63 đồng, còn tiền thuê nhà là 15 đồng). Đến năm 1974, nhân ngày kỷ niệm 30 năm Tiến Quân Ca, chiếc đàn mới được tặng hẳn cho cha tôi, thì lúc đó cha lại rất ít có dịp dùng đến. Bài hát đã được báo Sài Gòn Giải Phóng số năm mới 1-1-1976 in trang trọng ở bìa 4 và thu thanh ngay sau đó, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nếu tôi không nhầm thì do ca sĩ Trần Khánh và đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày. Bài hát được phát khoảng mươi lần trong chừng một tháng (hồi ấy ca khúc được truyền bá chủ yếu qua sóng phát thanh), rồi không hiểu sao lặng lẽ chìm đi, như thể bị quên lãng.”
Số phận long đong của Mùa xuân đầu tiên phải kéo dài tới 20 năm, thật sự là phải đến sau ngày Văn Cao mất (ngày 10 tháng 7 năm 1995), bài hát mới được phổ biến rộng khắp nơi. Vào dịp giỗ 49 ngày của ông, trong hội diễn toàn quốc diễn ra ở Đà Nẵng, một đêm nhạc Văn Cao diễn ra với sự trình diễn của tốp diễn viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội, mà trong đêm ấy, Mùa xuân đầu tiên đã được một tốp ca nữ trình diễn.
Đây là chân dung Văn Cao trong những ngày ấy, ở căn nhà nhỏ số 108 Yết Kiêu, Hà Nội, một địa chỉ đã đi vào huyền thoại, dưới sự khắc hoạ của Trịnh Công Sơn: "Anh Văn ngồi. Ngồi ở sạp gỗ cũ kỹ như đã ngồi hàng trăm năm. Ngồi tóc bạc phơ, râu cũng bạc phơ. Chỗ ngồi đã mòn. Lưng dựa đã mòn. Ngồi như thế có ích gì, anh Văn... Cho đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái không khí ảm đạm, cô đơn của những mùa thu đông ở Hà Nội, với hình ảnh một Văn Cao ngồi một mình với cốc rượu trước mặt ngày này qua ngày khác. Anh ngồi đó mà như một sự vắng mặt trước cuộc sống. Ngồi hơn hai mươi năm như một cái bóng. Ly rượu cũng biến thành cái bóng. Cái bóng của hai người. Người và ly-rượu-người. Thân thiết và chia sẻ cùng nhau những nỗi đời riêng, hiu quạnh, không còn ai khác có thể san sẻ giùm".
Những thay đổi có lẽ chỉ đến với Văn Cao từ cuối thập niên 80, khi nhiều ca khúc lãng mạn của ông lần lượt được tái hồi tại các sân khấu nhạc Hà Nội và trên toàn quốc, dưới sự thể hiện của nhiều giọng ca mới, trong số đó đáng kể nhất là Ánh Tuyết. "Lá", tập thơ duy nhất của ông, in sơ sài trên giấy xấu, đầy lỗi chính tả và in ấn và thiếu một số bài thơ tâm đắc của tác giả, nhưng cũng là sự an ủi muộn mằn phần nào cho Văn Cao trong những năm cuối đời.
Công cuộc đổi mới của đất nước đã làm hồi sinh dòng thơ của Văn Cao, cùng với Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng.. Khi Phùng Quán công bố lần đầu tiên hồi sinh Trường ca cây cà trên báo Quảng Nam- Đà Nẵng thì Văn Cao công bố bài thơ dài Năm buổi sáng không có trong sự thật trên tạp chí Sông Hương. Tuy ghi sáng tác 1960 nhưng đây là bài thơ đầu tiên Văn Cao trở lại công khai trên văn đàn.
Tác giả bài Nhà thơ Văn Cao: còn những tiếng rạn vỡ trên Vnvn.net phân tích :
Bài “Năm buổi sáng không có trong sự thật” là một thành công quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa thơ của Văn Cao. Bài thơ mở ra cái thế giới của tưởng tượng, của giả tưởng. Buổi sáng thứ nhất, khi tỉnh dậy bỗng “cả phố biến đâu mất” “Mặt đất đỏ màu gạch nung/ như miệng quả núi lửa”. Buổi sáng thứ hai tỉnh dậy “không nghe tiếng chim hót”, không nghe tiếng chân đi, “không ai nhìn miệng tôi gào thét”. Tất cả chỉ có im lặng. Và nhà thơ cảm thấy “Hình như nơi đây bị đày trong im lặng”. Buổi sáng thứ ba, nhà thơ thấy “không phải mình thức dậy/ một người nào đó trong tôi đang thở”, thế rồi từ đó, bao nhiêu điều khủng khiếp đã diễn ra. “Từ khi ấy, chúng tôi hai người suy nghĩ/ Hai kẻ thù nhau/Hai thái cực tâm hồn/ Hai người ấy trong một người chịu đựng/ mưu hại lẫn nhau”. Buổi sáng thứ tư, cả phố phường như mở hội. “Mọi con người đeo mặt nạ đi chơi” nhưng nhà thơ lại nhìn thấy “Nước mắt mồ hôi / chảy ra trên từng mặt nạ”. Bài thơ kết lại bằng buổi sáng thứ năm ấm áp. Trong căn phòng trong suốt thủy tinh, “Em ở đây với anh” “Da thịt em cho anh sưởi” “Chúng ta đi vào bí mật của mùa xuân”. Năm buổi sáng là năm tình huống, năm cung bậc của cảm xúc, suy tưởng, tưởng tượng. Dù nó được vẽ nên mang màu sắc giả tưởng nhưng lại không xa lạ với hiện thực. Bài thơ khép lại mà sức gợi của nó không dứt, tựa như một chất xúc tác nhào nặn lại những suy nghĩ của độc giả.
Bạn đọc đón nhận Văn Cao với niềm hy vọng ở một cuộc hồi sinh của một cánh chim đại bàng trong bầu trời âm nhạc và thi ca Việt nam. Nhưng thật tiếc, khi được “cởi trói” Văn Cao đã vào tuổi 70. Ba mươi năm cô đơn, lao khổ, bệnh tật đã bào mòn tuổi trẻ và sức sống của ông.
Lê Thiếu Nhơn trong một bài viết đăng trên báo Báo Công an nhân dân có tổng kết: "Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với Việt Nam thế kỷ 20 nhiều biến động, để lại cho thế hệ sau không ít câu hỏi không dễ trả lời. Câu hỏi rộn ràng về cống hiến nhọc nhằn, câu hỏi cồn cào về thế sự ngổn ngang, về mệnh kiếp lênh đênh. Một Văn Cao đa tài không thể che chở một Văn Cao lận đận. Một Văn Cao danh vọng không thể bênh vực một Văn Cao cay đắng. Một Văn Cao hào hoa không thể an ủi một Văn Cao cô độc. Những ngày tháng Văn Cao đã sống, cứ đổ cái bóng gầy hắt hiu và trắc ẩn vào lòng công chúng, mà những bài hát của ông không lý giải được, những bức tranh của ông cũng không lý giải được. Chỉ còn lại thơ, xoa dịu và tỏ bày giùm Văn Cao."
Tháng 8- 1994 trong bài thơ cuối cùng Tôi ở ông viết :
Đến mùa gió Nam thổi
Tôi lại đi theo những chiếc lá
Phiêu du
Tới bao giờ tôi gặp được biển
Cuối cùng ông vẫn là Người suốt đời đi dọc biển nhưng không bao giờ gặp biển.
Hà Nội 10-11-2023