Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI HỌC TỪ LÃ BẤT VI BUÔN VUA

Đăc Trung
Thứ tư ngày 20 tháng 4 năm 2022 5:47 AM



Cuối thời Chiến Quốc, nước Tần nhiều lần đánh nước Triệu không thắng. Đành phải giao hảo. Hai bên giữ con tin của nhau. Vua Tần là Chiêu Tương Vương cho cháu trai của mình là Dị Nhân sang nước Triệu.
Với tham vọng bá quyền, bất chấp cam kết, cũng chẳng kể tới mạng sống của cháu mình. Không lâu sau vua Tần cất quân đánh Triệu. Bao vây kinh đô Hàm Đan.

May nhờ quân nước Ngụy sang giúp. Triệu mới đánh lui được Tần.
Vua Triệu là Hiếu Thành Vương muốn giết Dị Nhân cho hả giận.

Bình Nguyên Quân can: "Chiêu Tương Vương nhiều con cháu. Ngay Thái tử An Quốc Quân, cha của Dị Nhân cũng có đến hơn hai chục con trai. Giết Dị Nhân đối với họ chẳng ý nghĩa gì. Chi bằng giữ lại có thể dùng đến".

Thấy có lý. Triệu vương nghe.

Làm con tin trong bối cảnh ấy Dị Nhân luôn nơm nớp lo và rất khổ. Cơm ăn áo mặc cũng không đủ. Lại còn bị quan quân nước Triệu chửi mắng.

Một thương nhân lớn là Lã Bất Vi phát hiện ra tình cảnh này. Trong đầu liền nghĩ một kế. Cẩn thận ông ta về bàn với cha, cũng là thương nhân nổi tiếng. Lã Bất Vi hỏi: "Buôn đất đai có thể cho lãi gấp mấy lần?". Người cha bảo: "Mười lần". "Buôn vàng bạc châu báu lãi gấp mấy lần?". "Trăm lần". "Nếu bỏ tiền ra để lập một ông vua, chi phối, bình định một quốc gia thì lãi bao nhiêu lần?". "Nhiều không thể tính được".

Lã Bất Vi ý thức được rằng ở đời không gì lãi nhanh, lãi lớn bằng buôn quan bán chức kể cả buôn vua.

Lã Bất Vi im lặng. Rồi sau đó tìm cách gặp được Dị Nhân.

Xa xôi mào chuyện dần dà Lã Bất Vi nói: "Tần Vương tuổi đã cao, khi chết, kế vị sẽ là Thái tử An Quốc Quân, cha của điện hạ. Đã kế ngôi, cha của điện hạ sẽ lập Thái tử. Phu nhân Hoa Dương rất được ông sủng ái nhưng bà lại không có con. Hơn hai mươi người em của điện hạ sẽ một người được chọn làm Thái tử. Nếu điện hạ tìm cách để phu nhân Hoa Dương nhận làm con thì…".

Dị Nhân hiểu ý buồn bã đáp: "Thân phận tôi bây giờ không phải chết đã là phúc lắm rồi". Bất Vi nói: "Tôi sẽ có cách giúp điện hạ". "Nếu được thế thì tôi không bao giờ quên ân đức của ông".

Lã Bất Vi mang theo mấy nghìn lượng vàng đến nước Tần.

Mạo muội tìm gặp phu nhân Hoa Dương sẽ dễ bị nghi ngờ. Nên ông ta tìm đến tư dinh chị gái của bà. Tặng nhiều lễ vật quý, lại cả vàng bạc châu báu. Nói là "của Dị Nhân gửi, nhờ đem tới biếu bà và Hoa Dương phu nhân". Được hỏi Dị Nhân ở nước Triệu thế nào? Lã Bất Vi kể Tần Vương vi phạm cam kết, đánh Triệu. Vua Triệu muốn giết Dị Nhân. Nhưng nhờ các đại thần nước Triệu hết lời khuyên can mới thoát chết. Dị Nhân học vấn cao, nhân từ đức độ, hiếu thảo nên ai cũng quý trọng. Hơn nữa Dị Nhân còn thân giao với nhiều hào kiệt khắp thiên hạ và các chư hầu, họ cũng đều khuyên vua Triệu. Nếu là người khác chắc bị giết rồi.

Thấy chủ nhân nghe chăm chú. Lã Bất Vi khôn khéo nói rằng: "Hoa Dương phu nhân tài sắc vẹn toàn, lại được sủng ái, chỉ hiềm không có con. Sau này tuổi cao thì biết trông cậy vào ai. Dị Nhân là người đức tài, hiếu thảo với Hoa Dương phu nhân, mẹ đẻ lại không còn. Nếu bà nhận Dị Nhân làm con và được Thái tử An Quốc Quân lập làm đích tử thì Hoa Dương phu nhân sẽ không còn phải lo lắng gì".

Lã Bất Vi đã gợi đúng tâm lý chủ nhân.

Bởi từ lâu bà cũng đã nghĩ rằng Hoa Dương phu nhân không có con. Sau này rất khó trở thành Thái hậu. Mà dù có được cũng không vững chắc. Nhất là lập một đứa con vẫn còn mẹ đẻ làm Thái tử thì càng nguy hiểm. Dị Nhân có đức, có tài, là người hiếu thảo lại không còn mẹ đẻ. Nếu nhận nó làm con, sau lập làm Thái tử thì quả là đại phúc. Bà nhận lời sẽ bàn với em gái.

Quả nhiên Hoa Dương phu nhân rất vui. Thấy không còn cách gì hơn. Rồi sau đó An Quốc Quân sai Lã Bất Vi tìm cách đưa Dị Nhân về nước. Không chỉ thế, còn lập làm đích tử. Là con vợ chính thất để tránh sự tranh chấp với anh em khác.

Về nước Triệu, Lã Bất Vi kể. Dị Nhân nghe như kẻ chết sống lại.

Do Hoa Dương phu nhân là người nước Sở nên Lã Bất Vi bảo Dị Nhân đổi tên là Tử Sở và mặc quần áo nước Sở. Ông ta mời Tử Sở đến nhà chơi và cho một mỹ nữ tuyệt sắc tiếp rượu khiến Tử Sở mê mẩn. Đó là Triệu Cơ, thiếp của ông ta. Lã Bất Vi còn mai mối tác hợp để Tử Sở kết duyên với Triệu Cơ.

Rồi Triệu Cơ sinh con trai đặt tên là Triệu Chính.

Thật ra Triệu Cơ đã có thai với Lã Bất Vi. Triệu Chính là đứa bé ấy.

Tất cả sắp đặt này đều do tính toán của Lã Bất Vi. Thấy ở lâu nước Triệu bất lợi. Lã Bất Vi dùng vàng mua chuộc tên tướng coi thành Hàm Đan và bí mật đưa vợ chồng Tử Sở cùng Triệu Chính về nước Tần an toàn. Tần vương rất hài lòng. Tử Sở được ở trong cung Hoa Dương phu nhân.

Không lâu. Chiêu Tương Vương lâm bệnh qua đời. An Quốc Quân kế vị hiệu là Hiếu Văn Vương, lập Tử Sở làm Thái tử. Mấy năm sau Hiếu Văn Vương qua đời Tử Sở kế vị hiệu là Trang Tương vương.

Trang Tương vương bị bạo bệnh, băng hà Triệu Chính mới 13 tuổi nối ngôi.

Đó là Tần Thủy hoàng.

Lã Bất Vi làm Tể tướng được coi như trọng phụ quyền bính rất lớn.

Vậy là ý đồ của Lã Bất Vi hoàn toàn được thực hiện. Bỏ tiền lập một ông vua để có cả quốc gia.

Tưởng là phúc. Lã Bất Vi không lường hết được họa.

Vua tuổi nhỏ, Thái hậu Triệu Cơ chấp chính và vẫn tư thông với Lã Bất Vi. Bà ta là người cuồng dâm. Sức yếu Lã Bất Vi không đáp ứng nổi, phải tìm một gã đàn ông cường tráng là Lao Ái. Dùng tiền đút lót quan Chủ quản Cung hình (hoạn thiến) làm chứng giả cho Lao Ái là hoạn quan. Bắt nhổ râu, nhổ lông mày, bôi son phấn như thái giám vào hầu hạ Triệu Cơ.

Triệu Cơ rất mãn nguyện. Lấy cớ cần yên tĩnh, chuyển tư dinh ra ngoài thành, biệt lập và canh gác cẩn mật. Dần dần họ sống như vợ chồng có với nhau hai con trai mà không ai biết.

Lợi dụng Triệu Cơ chấp chính. Lao Ái âm mưu thâu tóm dần quyền lực. Có ý định giết Triệu Chính lập con mình lên ngôi vua.
Triệu Chính lớn dần bộc lộ tư chất quân vương. Mong manh biết chuyện về Lã Bất Vi, Lao Ái và Thái hậu. Nhưng để bụng chờ thời cơ.

Đến tuổi trưởng thành. Sau "Lễ gia miện". Thái hậu phải giao quyền chấp chính.

Tần Vương Triệu Chính lập tức ra lệnh điều tra. Biết khó thoát khỏi tội chết Lao Ái nổi binh làm phản. Thất bại, bị giết cả họ cùng hai con trai. Thái hậu bị đầy khỏi Hàm Dương, sang Đất Ung rồi chết. Lã Bất Vi bị cách chức. Bất lực và nhục nhã phải uống thuộc độc tự tử.

Kết cục thật bi thảm cho những kẻ tham gia vào việc kinh doanh chính trị. Buôn quan bán chức bất nhân phi nghĩa.


Câu chuyện trên là điển hình của mối quan hệ giữa thương mại và chính trị trong lịch sử. Thương mại và chính trị đan xen vào nhau, đồng hóa lẫn nhau, bổ trợ cho nhau, hoặc thông đồng cấu kết với nhau.

Đối tượng mua, bán, trao đổi, đè đen hớt đỏ, chụp giật, thậm chí cướp đoạt không chỉ là hàng hóa thông thường. Dù quý như vàng bạc châu báu, vũ khí, tài nguyên khoáng sản. Mà bao gồm cả những tổ chức tình báo, quân đội, tướng lĩnh, quan lại, thậm chí cả vua chúa, bộ máy nội các, đến đất đai, núi non, biển đảo của quốc gia khác.

(Ở nhiều nước. Trong đó có nước ta. "Chủ nghĩa tư bản thân hữu" khuynh đảo cả kinh tế và chính trường. Sự cấu kết của bọn "tà doanh" với lũ "tà quan" hình thành "nhóm lợi ích" đang là vấn nạn. Chúng tàn phá Đất nước đến mức đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ. Mấy năm trước tại Hà Nội có xử một vụ án. Bị cáo là Thuyết "buôn vua". Một dạng Lã Bất Vi "buôn vua" ở Việt Nam. Nhưng luật pháp đã bất lực không răn đe nổi. Nên ngày nay khắp nơi vẫn nhan nhản Lã Bất Vi "buôn vua". Với đủ loại nhãn mác. Chúng len lỏi ở mọi nơi mọi chốn. Trong bộ máy chính trị, hệ thống công quyền, tổ chức đoàn thể xã hội, tập đoàn kinh tế... Thậm chí với danh nghĩa "trợ lý" của những người có chức vụ cao, kể cả cao nhất. Chúng thao túng lũng đoạn quyền lực. Chạy chức, chạy quyền, chạy vào danh sách cán bộ "quy hoạch" từ cấp cơ sở đến "cấp chiến lược", chạy án, chạy tội, chạy dự án... "Cáo mượn oai hùm" chúng tha hồ vơ vét kiếm chác. Chúng lôi kéo, hối lộ, khóa miệng, vô hiệu hóa cấp trên bằng mọi thủ đoạn. Chúng như một thứ siêu vi trùng tàn phá tất cả mọi lĩnh vực của xã hội. Bọn "tà doanh" còn cấu kết với lũ "tà quan" với chiêu bài phát triển "Khu Văn hóa tâm linh". Chiếm dụng hàng ngàn héc-ta đất vàng. Thực chất chúng kinh doanh tín ngưỡng. Xuyên tạc, phỉ báng tôn giáo. Xúc phạm Trời, Phật, Thần, Thánh. Nhằm mục đích kiếm lời và né tránh sự kiểm soát.

Lã Bất Vy "buôn vua" không chỉ có ý nghĩa con người cụ thể. Mà nó đã trở thành một khái niệm mang tính điển hình của một loại người (như nhân vật Chí Phèo trong tiểu thuyết "Sống Mòn" của Nhà văn Nam Cao) chuyên "kinh doanh chính trị" kiếm lời một cách phi pháp, phi đạo lý. Bằng tiền của, bằng quyền lực, bằng quan hệ "thân hữu", bằng thủ đoạn. Với nhiều biến tướng rất tinh vi. Nó khuynh đảo chính trường. "Chất" Lã Bất Vy "buôn vua" như một độc tố. Đã nhiễm vào máu không ít cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành, mọi chức vụ. Khiến họ thoái hóa biến chất trở nên hư hỏng.

Có thể nhất thời họ vênh váo với những gì thu được. Nhưng chớ vội mừng.

Hãy đợi đấy. Quả báo sẽ giáng vô cùng thê thảm).


Lấy chính trị làm đối tượng kinh doanh đã hình thành ở Trung Quốc hàng nghìn năm trước. Với đầy đủ kinh nghiệm và lý luận khiến cả thế giới phải luôn luôn đề phòng cảnh giác.

Ngây thơ, cả tin họ đồng nghĩa với thất bại, thậm chí mất nước.

Đó cũng chính là bài học sâu sắc mà người Việt Nam. Nhất là những ai nắm trọng trách Quốc gia không bao giờ được quên khi kết giao và làm ăn với họ.

Kết cục đau đớn, nhục nhã của Lã Bất Vi "buôn vua" và đồng bọn nói lên rằng. Thương trường cấu kết với chính trường làm điều phi pháp không chỉ ở Trung Quốc. Mà ở bất cứ đâu.

Tuy nhiên nếu mục đích và động cơ bất chính. Thì dù thực hiện bằng thủ đoạn tinh vi sảo quyệt đến mấy. Nhất thời có thể giành thắng lợi. Nhưng lưới trời lồng lộng. Cuối cùng nhất định thảm bại. "Luật Nhân quả" luôn đợi sẵn. Hơn thế mãi mãi để lại vết nhơ trong lịch sử.

Bọn "tà doanh" và lũ "tà quan" hãy xem kết cục của Lã Bất Vi "buôn vua" mà tu tỉnh. Kẻo hối không kịp.