Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẮNG NGHE, CẦU THỊ

Đắc Trung
Thứ tư ngày 13 tháng 4 năm 2022 3:40 AM


"CHỦ ĐỀ LỐI SỐNG"


Sách "Luận ngữ" của Khổng Tử có câu: "Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu độn. Công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung. Sức khoẻ hơn người nên giữ bằng sự nhút nhát. Giàu có bốn bể nên giữ bằng vẻ nhún nhường".

Bách Lý Hề viết: "Bậc trí giả nghĩ nghìn điều cũng có điều hỏng. Kẻ ngu đần nghĩ nghìn điều cũng có điều được. Cho nên dẫu là lời của thánh nhân hay của phạm nhân vẫn có thể cân nhắc mà nghe, dùng".

Bởi thế đừng bao giờ thấy người khác nói trái ý mình mà ghép tội cho họ. Cậy có quyền lực trong tay bất chấp Pháp luật và Đạo lý xuống lệnh bắt thuộc cấp phải "xử lý" trừng trị.

Sĩ phu chân chính góp ý xây dựng Quốc gia bằng lời trung chứ không bằng lời nịnh. Bằng việc làm chứ không bằng đầu lưỡi. Bằng sự khảng khái, thẳng thắn cương trực. Chứ không quỳ gối khom lưng hèn hạ. Đường đường chính chính với tư chất người quân tử chứ không tâng bốc nịnh bợ như loại tiểu nhân mạt hạng.

Chí sĩ phương Đông thường ghét phô trương, ưa ẩn dật. Khôn ngoan vẫn phải làm ra vẻ dại khờ. Đấy là cái đạo để bảo toàn thân danh của các bậc hiền triết.

Lão Tử dạy: "Đại sảo nhược chuyết". Tức là kẻ tuyệt khéo phải giả vụng về.

Biết bao danh nhân tìm mọi cách dấu mình. Nuôi chí lớn ngầm chọn minh chủ.

Khương Tử Nha (nhà Chu) vào rừng ngồi câu cá ở Bàn Thạch đón vận nước. Khổng minh Gia Cát Lượng (Tam Quốc) lấy hiệu Ngọa Long (Rồng ngủ) nằm đọc sách trên lều cỏ chờ thời. Bàng Thống lấy hiệu Phục Phượng (Phượng hoàng ẩn mình) trong núi suy ngẫm đợi hào kiệt. Dao Quảng Hiếu (triều Minh) khoác áo cà sa nương nhờ cửa Phật tìm cơ hội giúp nước...

Người không tham lợi nhỏ thường có chí lớn.

Người biết giả vờ ngây dại thường thuộc loại phi phàm.

Như Tôn Tẫn giả điên. Câu Tiễn giả hèn chịu nhục mới làm nên đại nghiệp.

Chỉ tiểu nhân mới thích phô trương.

Nhất là phô trương chức tước, tiền của. Những chính khách cao quý. Những phú gia chân chính không bao giờ làm thế.

Hàng nghìn năm trước Nhà thơ Đỗ Phủ đã dạy: "Tề suy vật lý tu hành lạc. Hả dụng phù danh bận thủ thân". Cụ khuyên: phải lấy suy ngẫm để thấu hiểu sự đời làm niềm vui. Chứ chạy theo mấy thứ danh hão làm gì cho bẩn tấm thân, bẩn cả nhân cách.

Văn Thiên Tường (triều Tống) viết: "Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh. Thuỷ bất tại thâm phục long tắc linh" (núi không cần cao nếu có tiên ở sẽ nổi danh. Nước không cần sâu nếu có rồng phục sẽ thiêng).

Sách "Đạo Đức kinh" Lão Tử viết: "Có công mà không kể công. Thành công mà không ở lại. Bởi không ở lại nên không bị bỏ đi".

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê, tác giả hơn trăm bộ sách về lịch sử, triết học, văn học, giáo dục... Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu trao giải "Văn chương quốc gia" trị giá sáu chục lượng vàng. Ông công khai từ chối không nhận. Với lý do mục đích ông viết không phải để nhận thưởng. Ông khuyên đem số vàng đó giúp các nạn nhân chiến tranh.

Chỉ những nhân cách lớn mới làm được như thế.

Còn những kẻ tầm thường thì chạy chọt hết cửa này, cửa nọ van xin lạy lục. Chỉ vì thèm muốn vài trăm triệu kèm theo giải mà mất hết nhân cách. Nên nhớ "Thùng rỗng kêu to" chỉ lừa được những người nông cạn, nhẹ dạ mà thôi.

Cần phải biết rũ bỏ tất cả những gì vô bổ không thực tế và không cần thiết. Thì mới thành "Người tử tế" được.

Ở đời "Hữu xạ tự nhiên hương".

Là nhân vật lịch sử, đặc biệt yếu nhân lịch sử. Thì dù đứng đâu cũng là chỗ đứng của nhân vật lịch sử. Của yếu nhân lịch sử. Và, ngược lại.

Không ai có thể tranh công cho mình, đổ lỗi xuyên tạc nhằm hạ bệ người khác để trở thành nhân vật lịch sử, hoặc yếu nhân lịch sử. Người thảo văn bản đầu hàng cho ông Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam cộng hòa đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975 là Trung tá Bũi Văn Tùng. Thì Trung tá Bùi Văn Tùng là nhân vật lịch sử chứ không thể là Trung tướng Phạm Xuân Thệ bịa chuyện cướp công.

Quạ thì mãi mãi là quạ. Không thể thành đại bàng. Quả trứng giống hòn đá. Nhưng trứng không phải đá. Cũng là tướng. Nhưng có người là Hùng tướng. Có kẻ là hèn tướng. Có người là Danh tướng. Có kẻ là mạt tướng. Sức mạnh quân đội không phụ thuộc số lượng tướng. Mà ở chất lượng. Việc phong tướng phải xuất phát từ yêu cầu củng cố Quốc phòng và phát triển quân sự. Chứ không phải để đáp ứng "tâm tư" của những kẻ hám danh lợi. Cũng là tướng. Có người nói một câu đời đời lịch sử ghi nhớ và tôn vinh. Như Trần Bình Trọng dõng dạc thét vào mặt kẻ thù: "Ta thà làm ma nước Nam. Chứ không thèm làm vương đất Bắc". Có vị cũng là tướng, cũng nói một câu, mà ngay giữa nghị trường Quốc Hội, khiến cử tri và lòng dân ngao ngán: "Thấy mọi người từ trẻ con đến người lớn đều ghét Trung Quốc. Tôi thấy lo lắng lắm". Trong khi quân đội Trung Quốc ngang nhiên chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Nên nhớ rằng tất cả sẽ được lịch sử và lòng dân phán xét.

Lịch sử và lòng dân luôn là thước đo chân giá trị.

Sách cổ "Hàn Thi ngoại truyện" có đoạn: "Là bậc thông minh tài trí chớ nên khinh ngạo. Có sức khoẻ chớ nên đè nén người. Còn kém thì phải học, chưa biết thì phải hỏi. Đối với họ hàng, làng xóm phải biết giữ cái trật tự trên dưới. Đối với người nhiều tuổi phải biết giữ cái lễ con, em. Đối với người bằng lứa phải giữ cái tình bầu bạn. Đối với trẻ thơ phải dạy bảo, khoan dung. Tâm, tình luôn rộng rãi thênh thang như trời đất bao la".

Giáo huấn về sự khiêm tốn, cầu thị Tăng Tử viết: "Giàu mà không khinh nghèo. Có địa vị cao sang mà biết trọng kẻ thế cô. Học nhiều thông thái mà biết hỏi, biết nghe kẻ ít học bất tài. Nhiều tuổi từng trải mà biết đề cao kẻ còn trẻ ngây thơ. Bị xúc phạm mà biết kiềm chế. Đó là cái đạo nên theo".

Khổng Tử viết: "Những lời gièm pha nói xấu. Cũng như sự vu cáo đau nhức tận cốt tủy đều không làm ảnh hưởng gì đến bản lình của mình. Được vậy có thể coi là người sáng suốt biết nhìn xa trông rộng".

Quan trọng không phải người ta nói gì. Mà là lương tâm mình nói gì. Phải biết kiềm chế mới thấu được chân lý.

Tuân Tử dạy: "Người khen ta mà khen đúng là bạn. Người chê ta mà chê đúng là thầy".

Trong lịch sử, hầu hết các triều đại oanh liệt đều dưới quyền các bậc Minh chủ biết khiêm tốn cầu thị. Tìm chọn nhân tài làm quân sư và chịu nghe can gián.

Lịch sử cũng chứng minh những ông vua kiêu căng tự phụ. Cho mình hơn tất cả, đặt mình trên tất cả. Ngộ nhận rằng không có, hoặc chưa có ai thay thế được mình. Không chịu nghe can gián. Quyết bám ghế quyền lực nhằm vinh thân phì gia. Đều bị giới sỹ phu khinh ghét, lòng dân coi thường và đều phải chuốc họa.

Hạng Vũ (thời Hán - Sở tranh hùng) bỏ ngoài tai lời khuyên của Phạm Tăng nên đại bại phải tự vẫn mà chết. Ngu Công (nước Ngu) không nghe lời can ngăn của Cung Chi Kỳ mà mất nước. Ở nước ta vì không nghe lời can gián của Cao Lỗ. An Dương Vương mắc mưu Triệu Đà mà quốc gia lâm vòng nô lệ. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vì thiếu đức khiêm tốn cầu thị, xa bỏ trung thần, không nghe can gián, ưa phỉnh nịnh. Dùng gian tế giết cả con cháu họ hàng. Đến nỗi cơ đồ nhà Trần rơi vào tay Hồ Quý Ly.

Mới biết mọi độc quyền, độc tài dù tư tưởng hay hành động. Đều là nguyên nhân dẫn đến suy vong.

Cho nên hãy mở rộng lòng mình. Tiếp nhận giao lưu trao đổi. Tôn trọng tự do ngôn luận và giải phóng sự sáng tạo.

Có như thế mới phát hiện và thâu nạp được trí tuệ tài năng khắp thiên hạ.

Trong cuộc sống người thông minh thường nhún nhường, khiêm tốn và ham học hỏi. Kẻ ngu dốt lại thích khoe khoang và không chịu nghe ai. Kẻ xấu thường tự cho mình là tốt. Người tốt lại luôn nghĩ mình còn xấu. Kẻ bất tài luôn coi mình nhiều tài. Chẳng có công lao gì nhưng luôn tìm cách tranh công. Người tốt tài giỏi thật nhưng không nhận mình tài giỏi. Công lớn mà không nhận mình có công. Người tài thường tự trọng, thích suy nghĩ độc lập, quyết định độc lập và dám chịu trách nhiệm. Người tài rất ghét bị áp đặt, bắt nghĩ, bắt nói, bắt làm theo người khác như cỗ máy. Người tài thích trao đổi bình đẳng. Thắng thua không quan tâm. Nhưng thật giả. Đúng sai phải rõ. Người tài thích lối sống quân tử tôn thờ chân lý và sẵn sàng chết vì chân lý. Người tài trọng nhân cách luôn quan sát, suy ngẫm để hoàn thiện mình. Người tài khi biết con đường mình đi là đúng vì Tổ quốc, vì Nhân dân, vì cộng đồng thì dù chông gai nguy hiểm cũng quyết vượt qua. Nếu nhận thấy con đường sai, phạm Luật trái Đạo. Thì dù có được trải thảm chào mời cũng quyết tránh. Dù có bị gươm kề cổ, súng kề tai cũng không khuất phục.


Người tài trong thiên hạ thời nào cũng có.

Thần dân hết lòng vì giang sơn đất nước không bao giờ thiếu.

Họ mong có người xứng đáng làm Minh chủ. Biết và thành tâm chiêu hiền, đãi sĩ là sẵn sàng sả thân vì Tổ quốc.

Những người nắm rường cột xã tắc được bổ nhiệm theo tài năng, đạo đức và nhân cách. Họ có nhiệm vụ quản lý điều hành Quốc gia theo Luật và Đạo. Người dân tôn trọng Luật và Đạo mà chấp hành sự điều hành của họ. Chứ không phải bởi chức vụ quyền lực ở họ. Quyền lực đó không phải của họ. Mà của Nhân dân trao cho để họ phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Họ làm đúng Luật không trái Đạo thì dân tuân. Họ làm sai Luật và trái Đạo thì dân có quyền kháng. Bác Hồ dạy: "Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ". ("Hồ Chí Minh toàn tập". Tập 5 - NXB Sự Thật).

Giữa quan và dân phải cùng đồng tâm nhất trí. Muốn được vậy cả hai đều cần tôn trọng nhau, lắng nghe nhau, khiêm tốn cầu thị học hỏi lẫn nhau.

Lấy "Dĩ công vi thượng" làm nguyên tắc ứng xử.

Cho nên khiêm tốn và cầu thị luôn là phương châm sống đối với tất cả chúng ta. Nhất là những người được giao nắm rường cột xã tắc. Từ trung ương đến địa phương. Từ người nắm chức vụ và quyền lực cao nhất nước trở xuống.

Những người nắm rường cột xã tắc tin và biết lắng nghe dân.

Thần dân cũng tin và biết lắng nghe những người xứng đáng nắm rường cột xã tắc.

Quyền dân chủ được phát huy tối đa. Rồi lấy Luật và Đạo làm căn cứ để quyết đoán.

Được thế nước sẽ thịnh, dân sẽ an, Quốc gia hùng mạnh.

Đó mới chính là Hồng phúc của Dân tộc.