Nhà văn Phạm Xuân Nguyên:
Hội thảo “Hoài cố nhân – kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” do Đại học Phú Yên phối hợp cùng mấy cơ quan đã được tổ chức hôm qua (24/4/2022) tại Tuy Hoà (Phú Yên). Tôi được ban tổ chức mời tham dự và đã gửi tới hội thảo bản tham luận “Những bức thư của tình thương” viết về những bức thư nhà văn Võ Hồng gửi cho tôi trong thập niên 1990. Ban tổ chức hội thảo cho biết tôi có trong danh sách những người phát biểu tham luận. Và tôi đã mua vé máy bay Hà Nội – Tuy Hoà (các diễn giả tự túc đi lại) và Tuy Hoà – TPHCM (kết hợp công việc cá nhân). Chuẩn bị cho hội thảo tôi còn mua hai tập truyện của nhà văn Võ Hồng do Nxb Kim Đồng in năm 2021 để mang đi.
Nhưng sáng thứ Sáu (22/4/22) tôi nhận được điện gọi của người trong ban tổ chức báo là công an tỉnh Phú Yên yêu cầu họ không được để tôi và hai người nữa (trong đó có nhà văn miền Nam cũ Lê Uyên Nguyên tức Trần Việt Hùng) tham dự hội thảo, bài của cả ba không được đưa vào kỷ yếu. Lý do bên an ninh đưa ra, theo người của ban tổ chức cho biết, là do tôi tham gia “Văn Đoàn Độc Lập”.
Tôi không lạ và không bất ngờ trước sự việc này đối với mình. Nhưng đây là một hành động thô bạo của công an Phú Yên can thiệp vào một hội thảo khoa học quốc gia về một nhà văn nổi tiếng của tỉnh nhà. Họ sợ cái gì cơ chứ? Trong khi cuối tháng Ba vừa rồi tôi đã được Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM mời và tôi đã tham dự và chủ trì (theo hình thức trực tuyến) một tiểu ban trong hội thảo quốc tế kỷ niệm 50 năm mất Kawabata Yasunary, nhà văn được giải Nobel đầu tiên của Nhật Bản.
Tôi không buồn cho mình, chỉ buồn cho tỉnh Phú Yên. Mà hình như ở xứ “hoa vàng cỏ xanh” những việc chơi không đẹp với văn chương như thế không phải là chuyện lạ. Tôi nhớ vụ việc năm nào với truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng đã in sách nhưng khi đăng báo “Phú Yên” bị phê phán kịch liệt làm ông TBT phải lao đao khốn đốn. Và tôi đã viết bài bảo vệ cho cái truyện ấy và việc đăng nó in trên báo “Tuổi Trẻ”. Liên hệ giữa hai việc năm trước và năm nay, chẳng lẽ xứ nẫu lại “thù” tôi dai vậy?
Thôi việc ai nấy làm. Tôi đã để hội thảo diễn ra xong xuôi mới viết mấy lời này. Bây giờ mời mọi người đọc bài tôi giới thiệu cuốn sách của nhà văn Võ Hồng mua ở Nxb Kim Đồng trong đó tôi có thông báo cả về cuộc hội thảo cho Phú Yên nữa. Bài đăng trong mục "Đọc sách cùng bạn" tôi giữ trên báo điện tử "Dân Việt" (danviet.vn) ngày 22/4/2022.
“VIẾT CHO TRẺ PHẢI TỪ CÁI NHÂN ÁI”
Tác giả: Võ Hồng
Nhà xuất bản Kim Đồng, 2021
Số trang: 154 (khổ 12,5x20,5cm)
Số lượng: 1500
Giá bán: 40.000
*
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc tập truyện thiếu nhi “Tuổi thơ êm đềm” của nhà văn Võ Hồng nằm trong tủ sách “Tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi” của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Tám truyện trong tập là những ký ức tuổi thơ của những con người sinh ra và lớn lên ở làng quê miền Trung nước Việt. Đó là cậu bé nhớ mãi người mẹ đã dạy chữ cho cậu bằng cuốn sách học vần trong những tháng ngày ít ỏi còn lại của cuộc đời mình. Để rồi khi người mẹ mất đi, đứa con vẫn thấy lại hình bóng mẹ trong cuốn học vần mà người bố tưởng như như khắt khe vẫn lén bỏ vô cặp cho cậu. Cuốn sách học vần đó đối với cậu bé như là bông hoa trắng cài lên ngực mỗi năm rằm tháng Bảy tưởng nhớ mẹ. Đó là ba chị em được người bố dẫn đi thăm mộ mẹ trong ngày đầu năm mới. Để rồi khi trở về nhà đứa con út ngồi viết thư cho mẹ trên trời, nghĩ rằng thư đó dán vào mộ mẹ sẽ tỉnh dậy đọc được. Đó là một gia đình nhà chim Sẻ làm tổ ở một ngôi nhà có hai chị em “người ta” khiến cô Sẻ Út thích thú khi được làm quen đến không muốn rời khi mẹ Sẻ muốn dời tổ. Đó là một mẹ gà và mấy đứa con vịt làm vui cho trẻ nhỏ trong nhà và cũng dạy cho chúng biết đời sống của loài vật và con người. Đó là một người bạn đồng học không may bị bệnh hiểm nghèo mất sớm khiến tác giả thương xót tiếc cho anh ra đời sớm trước khi khoa học tìm ra phương thuốc chữa những bệnh nan y như anh bị mắc phải. “Hãy đến chậm hơn nữa”, tên truyện, còn có thể đọc như một lời cầu khẩn con người ta hãy sống chậm lại để sống thật đáng giá mỗi phút giây sống ở đời.
Võ Hồng viết những câu truyện giản dị, thực tế, bằng một lời kể từ tốn, ấm áp và một giọng điệu thân thương. Ông lấy chuyện đời mình ra làm truyện. Bốn bố con trong truyện chính là bốn bố con ông. Ông mất vợ sớm và ở vậy nuôi con đến già. Cái bức thư của cô con gái út gửi mẹ nói ở trên được ký tên là Võ Thị Tri Thuỷ. Ông yêu con trẻ và sống với trẻ con bằng tình yêu thơ trẻ hồn nhiên.
Vào cuối những năm tám mươi thế kỷ trước tôi có dịp được gặp nhà văn Võ Hồng và làm bạn vong niên với ông tại Nha Trang. Trong các bức thư gửi ra Hà Nội cho tôi ông kể nhiều về cách ông chơi với trẻ con. Nhà văn nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần. “Tôi yêu con nít dưới 3 tuổi.” (Thư 23.10.1989). “Tôi càng nhiều tuổi, càng chỉ chơi với con nít.” (Thư tết Tân Mùi 1991). “Tôi càng lớn càng thích chơi với trẻ con, nhất là con gái 2 tuổi, 4 tuổi.” (Thư 5.9.1991). “Khi già, người ta thích chơi với con nít.” (Thư 16.1.1992). Gần như thư nào ông cũng đều kể chuyện cuộc sống hiện tại của mình thích vui chơi với những đứa con nít như những người bạn nhỏ đưa lại niềm vui sống cho ông. “Mới hôm 21.10, tôi ra đứng nhìn cành khế, nhìn cái trái nhỏ, dài 0,5cm giữa chùm hoa li ti, nhớ con bé gái hàng xóm tên Cụi thỉnh thoảng chị nó bế lại để tôi được ngồi cạnh, một buổi. Và tôi chảy nước mắt, vì nhớ đã bế nó đứng chỉ hoa khế cho nó coi.” (Thư 23.10.1989). Và khi bày trò chơi cùng trẻ nhỏ nhà văn bảy mươi tuổi ngậm ngùi “chúng ta bỏ phí không biết Chơi với trẻ con, bày trò trẻ con Chơi thú vị.” Ông còn ngẫm ngợi xa hơn về cuộc đời khi những đứa trẻ chơi cùng ông phần nhiều là bé gái. “Những đứa nhỏ 4-5 tháng cho tới 4-5 tuổi tôi thương con gái hơn con trai. Những bé gái, sự dịu dàng, và xa hơn, sự thiệt thòi. Có Hiếu với cha mẹ là con gái, chịu thiệt thòi là con gái, là phụ nữ.” (Thư 9.4.1990).
Văn của Võ Hồng vì thế đầy lòng nhân ái đối với từ đứa trẻ đến người lớn. Ông viết văn là trò chuyện tâm sự với người đọc như những người bạn, người thân, không cao đàm khoát luận mà rủ rỉ những điều tử tế cho con người sống đời. Đọc “Tuổi thơ êm đềm” với “Vùng trời thơ ấu” của ông được nhà xuất bản Kim Đồng cho ra cùng lúc người đọc càng được sống trong bầu khí quyển tuổi nhỏ rất hồn hậu thương yêu của nhà văn. Vốn ông là nhà giáo nên ông biết cách nói với độc giả, nhất là người đọc nhỏ tuổi, theo cách dễ hiểu mà thấm thía. Chính vì thế sau 1975 sách ông vẫn dần được in lại, còn ông thì được phong danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” và được trao huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Nhà văn Võ Hồng (1921 – 2013) quê ở Phú Yên nhưng sống và viết lâu năm ở Nha Trang (Khánh Hoà). Ông đã có nhiều tác phẩm là tiểu thuyết, tập truyện ngắn được xuất bản kể từ tập truyện đầu tiên “Hoài cố nhân” ra từ năm 1959. Ngày 24/4/2022 một hội thảo khoa học quốc gia mang tên “Hoài cố nhân – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” sẽ được tổ chức tại Tuy Hoà (Phú Yên). Hội thảo bị chậm lại một năm do đại dịch Covid.
Đọc lại nhà văn Võ Hồng vào những ngày này là đọc một tấm lòng yêu thương, trân trọng con người. Và yêu thương, trân trọng tiếng Việt của cha ông, của chúng ta. Ngay trước 1975 khi chứng kiến cơn sốt học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, ở các đô thị miền Nam đến mức chà đạp lên tiếng mẹ đẻ ông đã phải lên tiếng báo động: “Là nhà văn, chúng tôi yêu mến tiếng Việt hơn ai hết, phụng sự cho tiếng Việt hơn ai hết. Nhưng khi dạy tiếng Việt cho học sinh thì thật là nản. Đến nỗi có lần tôi đã nửa đùa nửa thật mà nói với một lớp nữ sinh: "Đối với tiếng Việt, các cô là những bà mẹ chồng. Các cô hành hạ nó, giày xéo nó, vùi dập phũ phàng nó. Câu văn viết sao cũng được, bất chấp văn phạm, bất kể chánh tả. Trong khi với tiếng Anh tiếng Pháp, các cô chiu chít nâng niu, sai một giới từ nhỏ, thiếu một chữ s chữ e các cô xuýt xoa đấm đầu bứt tai như vừa phạm tội trọng.”
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.