Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ CỦA THI NHÂN NGUYỄN BÍNH

Đắc Trung
Thứ hai ngày 11 tháng 4 năm 2022 3:44 AM


THƯA CÁC BẠN.


Tôi có may mắn được tiếp xúc Nhà thơ NGUYỄN BÍNH thời gian ông về công tác tại Ty Văn hóa Nam Định.

Thơ ông "hút hồn" tôi.

Ấn tượng về ông rất sâu sắc.

Bằng tình cảm ấy, tôi dành hai mảng nội dung viết về ông:

1/ Số phận nghiệt ngã với thi tài NGUYỄN BÍNH.

2/ Thơ tình NGUYỄN BÍNH.

Như những dòng tri ân trân trọng gửi đến "Suối Vàng" kính dâng ông. (Đắc Trung)




Bút danh: Nguyễn Bính. Họ và tên đầy đủ của ông là Nguyễn Trọng Bính. Ông sinh ngày 13 tháng 2 năm 1918 (tức mồng 3 Tết năm Mậu Ngọ), tại quê: làng Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thân phụ ông là Nguyễn Đạo Bình làm nghề dạy học, tính tình điềm đạm, hiền lành, thường giáo huấn các con: "Nhà ta quý chữ hơn vàng. Coi tài hơn cả giàu sang ở đời". Thân mẫu là bà Bùi Thị Miện, một phụ nữ thục hiền chịu thương chịu khó. Hai anh trai Nguyễn Mạnh Phác và Nguyễn Ngọc Thụ.

Một buổi tối mẹ ra ao rửa chân bị rắn độc cắn, qua đời năm 24 tuổi. Khi ấy Nguyễn Mạnh Phác mới sáu tuổi, Nguyễn Ngọc Thụ ba tuổi và Nguyễn Bính mới chưa đầy một tuổi. Cả ba anh em được bác ruột (anh trai mẹ) là ông Bùi Trình Khiêm nhận về nuôi dạy tại thôn Vân, cùng xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản.

Ông Bùi Trình Khiêm (thân phụ Nhà văn Bùi Hạnh Cẩn) là nhà nho yêu nước. Cũng làm nghề dạy học, môn sinh đông, nhiều người trở thành cán bộ nòng cốt của cách mạng, trong đó có Trần Huy Liệu.

Mấy năm sau, gia cảnh neo đơn, ông Nguyễn Đạo Bình đi bước nữa với bà Phạm Thị Duyên. Sinh được bốn người con, hai trai là Nguyễn Thiện Căn, Nguyễn Thiện Cơ. Hai gái là Nguyễn Thị Tuyết và Nguyễn Thị Nhự.

Ba anh em Phác, Thụ và Bính vẫn nương nhờ bên ngoại trong sự nuôi dạy của bác Bùi Trình Khiêm.

Gia đình ông Bùi Trình Khiêm thuộc hàng khá giả trong làng. Nhà cửa khang trang, tọa lạc trên khu đất phì nhiêu màu mỡ, vườn rộng ao sâu. Bốn mùa cây cối xanh tốt, hoa chen lá, quả trĩu cành, ong vờn, bướm lượn và rộn rã tiếng chim.

Ba anh em Bính ở với bác được ăn no, mặc ấm, học hành chu đáo. Nguyễn Mạnh Phác và Nguyễn Bính có năng khiếu văn chương được bác rất quý. Bảy tuổi Nguyễn Bính đã biết làm thơ chữ Hán, 13 tuổi được giải nhất cuộc thi ứng khẩu hát trống quân thể thơ lục bát trong Hội làng mùa xuân. Còn Nguyễn Mạnh Phác viết truyện ngắn hay thường được bác khen.

Năm 1932, Nguyễn Mạnh Phác đỗ thành chung (đíp-lom) loại giỏi ở Hà Nội. Vào Hà Đông dạy học trong một trường tư thục. Anh có người vợ rất xinh tên là Trúc (nhiều bài thơ Nguyễn Bính đề "Tặng chị Trúc", chính là chị dâu mình). Ngoài dạy học, Nguyễn Mạnh Phác bắt đầu tập viết văn, lấy bút danh Trúc Đường. Đặc biệt mê đề tài lịch sử, nổi tiếng là vở kịch dài "Thái hậu Dương Vân Nga". Biết Nguyễn Bính có năng khiếu làm thơ, Trúc Đường đưa em lên ở với mình để kèm dạy thêm tiếng Pháp, văn học Pháp, đặc biệt ngôn ngữ và văn hóa truyền thống dân tộc.

Khác Trúc Đường to cao, đẹp trai, Nguyễn Bính có lẽ do thiếu sữa mẹ từ khi còn nhỏ nên còm nhom, gương mặt rất khắc khổ. Bù lại tâm hồn Nguyễn Bính luôn đẫm thơ văn và say làm thơ đến quên ăn, mất ngủ. Nguyễn Bính làm thơ rất nhanh và hay, nhất là thể song thất, lục bát khiến Trúc Đường cũng ngạc nhiên. Một số bài được đăng trên các báo làm giới văn nghệ chú ý. Đặc biệt khi thi phẩm "Cô hái mơ" của Nguyễn Bính xuất hiện trên "Tiểu thuyết thứ 5" thì không chỉ giới sáng tác mà bạn đọc yêu thơ cũng sững sờ trước một tài năng trẻ mới xuất hiện.

Từ đấy người ta luôn săn tìm đọc thơ Nguyễn Bính.

Giữa thời kinh tế khủng hoảng, lương tháng mấy đồng bạc của Trúc Đường không đủ nuôi cả gia đình. Nguyễn Bính xin phép anh chị cho theo một người bạn lên Thái Nguyên dạy học kiếm sống. Nhưng cũng không đủ ăn Nguyễn Bính bỏ về Hà Nội bán báo ở phố Hàng Bồ.

Nguyễn Bính sống rất cá tính từ nhỏ. Chi tiêu phung phí. Buổi sáng kiếm cộm tiền buổi chiều đã nhẵn túi. Thích tự do, vui đâu chầu đấy và sẵn sàng bạt mạng liều lĩnh:

"Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi hãy hay". ("Hành phương Nam").


Ngày ngày ôm cả tập thơ đến làm quen với các Tòa soạn báo và những văn nghệ sĩ. Năm 1937, Nguyễn Bính gửi tập thơ "Tâm hồn tôi" tới dự thi và được giải khuyến khích của nhóm "Tự lực văn đoàn". Từ đó trên các báo Nguyễn Bính in với số lượng khá nhiều, đề tài phong phú. Thơ ông tả cảnh thôn quê dân giã và tình yêu lứa đôi ngọt ngào chân chất. Tiếng tăm, tên tuổi ông nổi như cồn.

Nguyễn Bính đắm mình chạy theo lối sống của các văn nghệ sĩ đương thời. Thích chu du khắp thiên hạ tìm cảm hứng sáng tác và thỏa chí giang hồ.

Năm 1940, tâm sự với Trúc Đường, Nguyễn Bính ngỏ ý muốn đi Huế để thêm hiểu biết và kiếm tìm thi hứng. Biết tính em, Trúc Đường nghĩ dù muốn cũng không cản nổi, nên đồng ý. Có điều lấy đâu ra tiền?

Trúc Đường đưa Nguyễn Bính chiếc máy ảnh, vật có giá nhất của mình và về quê bán dãy thềm bằng đá xanh được bao nhiêu cho Bính cả làm tiền lộ phí. Năm đó Trúc Đường đang viết truyện dài "Nhan sắc" hứa với Nguyễn Bính sẽ viết xong trong năm 1941. Còn Bính vào đấy, sáng tác được bài thơ nào gửi cho anh đọc trước rồi mới đăng báo.

Họ khuyến khích nhau bằng cách ấy và nghiêm túc thực hiện.

Cuối năm 1941, Trúc Đường hoàn thành "Nhan sắc" và cũng liên tiếp nhận được từ Nguyễn Bính các bài thơ "Xuân tha hương", "Oan nghiệt"...

Sau đó Nguyễn Bính trở về Hà Nội. Rồi lại đi Sài Gòn trong các "chuyến giang hồ" cùng với Tô Hoài và Vũ Trọng Can. Cả ba không một xu dính túi, vạ vật nhờ bạn bè hoặc đóng kịch, diễn thuyết văn chương bán vé lấy tiền kiếm ăn từng bữa qua ngày.

Lần cuối cùng Trúc Đường chia tay Nguyễn Bính lên tầu đi Nam là năm 1943. Tới năm 1945 tin tức thưa dần và từ năm 1946 thì mất hẳn liên lạc.

Những năm ấy cuộc sống của Nguyễn Bính vô vàn khó khăn.

Lang thang cơ nhỡ, tá túc nhà bạn bè mỗi người dăm bữa nửa tháng. Thời kinh tế khó khăn gạo châu củi quế ai cưu mang được. Nhiều đêm Nguyễn Bính phải ngủ dưới mái tam quan chùa. Nằm co quắp, tay ôm cái túi đựng vài bộ quần áo tàng, tập bản thảo thơ và mấy cuốn sách. Thắt ruột vì đói. Sáng ra bờ mương rửa mặt, dùng mười ngón tay chải tóc và lại với cái bụng lép kẹp thất thểu tìm đến các Tòa soạn báo chào bán thơ.


Thế rồi Nguyễn Bính gặp cách mạng và đi kháng chiến.

Nhà thơ Bảo Định Giang viết trong hồi ký:

"Tôi không nhớ rõ cuối năm 1947 hay đầu năm 1948, khoảng 3 giờ chiều, em bé giúp việc chạy vào báo: "Có một người xưng là Nguyễn Bính đến muốn gặp chú". Tôi vội chạy ra. Đúng là nhà thơ Nguyễn Bính, cố nhân đây rồi. Hai anh em ôm choàng lấy nhau cùng ràn rụa nước mắt... Trên thực tế Nguyễn Bính đã ra nhập Vệ quốc đoàn từ chiều hôm đó vì Bộ Tư lệnh là đồng chí Trần Văn Trà và đồng chí Nguyễn Văn Vịnh chẳng những chấp nhận yêu cầu của tôi mà còn dặn: đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả "Lỡ bước sang ngang". Cũng thời gian này lần lượt các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Ba Du, Tám Danh, Triệu An, Tư Xe hoặc các nhạc sĩ Hoàng Việt, họa sĩ Hoàng Tuyển, nhà thơ Mạc Khải, nhà văn Minh Lộc... cũng rời thành phố vào chiến khu Đồng Tháp khoác áo lính, chủ yếu làm công việc sở trường của mình... Thơ Nguyễn Bính với nội dung ca ngợi cách mạng, ca ngợi Tiểu đoàn 307 lừng danh. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc được toàn quân và toàn dân Đồng Tháp hoan nghinh như hồi kèn giục giã xung trận".


Thời gian đó Chính phủ Nam Kỳ tự trị rất muốn lôi kéo những người nổi tiếng. Nhất là giới trí thức và văn nghệ sĩ vào thành theo họ. Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh treo giải:

"Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính "dinh tê" (vào thành) theo Chính phủ sẽ được thưởng 1.000 đồng Đông Dương. Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được thưởng như thế". (1.000 đồng Đông Dương là cả cơ nghiệp lớn).

Khi ấy Nguyễn Bính đang công tác ở Hội Văn nghệ kháng chiến Nam Bộ. Để "giữ chân" nhà thơ và phản ứng với âm mưu chiêu hồi sảo quyệt của địch. Cơ quan chủ động mai mối một cuộc hôn nhân giữa nhà thơ Nguyễn Bính với Nguyễn Hồng Châu, một nữ cán bộ cách mạng.

Lúc đầu hai người còn do dự. Nhưng rồi cũng chấp nhận theo sự sắp xếp của tổ chức. Hôn lễ được tiến hành vào năm 1951. Năm sau cháu gái ra đời và họ đặt tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu.

Nhưng rồi cuộc hôn nhân ấy chỉ tồn tại được hơn một năm.

Họ ly hôn. Để lại con gái cho Hồng Châu nuôi, Nguyễn Bính đi Cà Mau. Vùng đất tận cùng Tổ quốc mà ông đã từng gắn bó từ năm 1949.

Nhiều lần qua lại ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm (U Minh), nhà thơ thường lui tới nhà cô Mai Thị Mới. Năm ấy cô Mới 19 tuổi, quê Bến Tre, theo cha là cán bộ cách mạng được điều động về hoạt động ở vùng này.

Dường như tâm hồn cô gái dân dã chân quê, trong trắng hồn nhiên ấy rất hợp với Nguyễn Bính. Tình yêu nảy nở. Nguyễn Bính cầu hôn. Cha mẹ cô Mai Thị Mới đồng ý. Nhưng yêu cầu Nguyễn Bính phải có giấy ly hôn với người vợ trước là cô Nguyễn Hồng Châu. Nguyễn Bính xuất trình "Giấy ly hôn" do Ủy ban Kháng chiến hành chính Cà Mau cấp đề ngày 3-8-1952. Chứng thực "Hai người chia tay hoàn toàn tự nguyện" và lễ cưới được tổ chức đơn giản theo nếp sống mới.

Đầu năm 1954, cháu gái ra đời được đặt tên là Nguyễn Hương Mai:

"Hương Mai tên xóm quê nhà.

Vợ chồng liền đặt con là Hương Mai" - Nguyễn Bính.

Tám tháng sau Nguyễn Bính chia tay vợ con khoác ba lô xuống tàu ra Bắc tập kết:

"Sao hôm như mắt em ngày ấy.

Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu" - Nguyễn Bính

Tưởng rằng sau hai năm tổng tuyển cử được đoàn tụ. Nào ngờ đó là cuộc ly biệt vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.


Tập kết ra Bắc, ở Hà Nội, Nguyễn Bính làm biên tập Nhà xuất bản Văn Nghệ.

Hai năm sau, ông bỏ biên chế ra ngoài làm báo "Trăm Hoa".

Thời kỳ ấy, trên miền Bắc báo chí và xuất bản tư nhân còn được phép tồn tại. Nhưng hoạt động rất khó khăn. Bởi phải bán giá cao vì không được hưởng chế độ phân phối giấy như các cơ quan thuộc nhà nước và đoàn thể. Hệ thống phát hành cũng không nhận bán sách báo tư nhân. Việc tác nghiệp của phóng viên cũng không thuận lợi. Thậm chí gặp nhiều khó khăn khi đến các đơn vị, địa phương...

Báo "Trăm Hoa" ra số 1 ngày 2-9-1955. Trụ sở tại 15 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội do Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường - anh trai Nguyễn Bính) làm Chủ nhiệm. Mỗi số 26 trang ruột và 4 trang bìa, khổ 18 x 26 cm.

Ban đầu trên bìa chỉ ghi chức danh Chủ nhiệm là Nguyễn Mạnh Phác. Từ số 11 (ra ngày 19-11-1955) xuất hiện thêm chức danh Chủ bút Nguyễn Bính. "Trăm Hoa" ra được cả thảy 31 số. Tồn tại từ tháng 9-1955 đến giữa tháng 5-1956 thì "chết" vì lỗ vốn.

Báo "Trăm Hoa" (bộ cũ) do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm kết thúc.

Nguyễn Bính kế tiếp báo "Trăm Hoa" (bộ mới) với tư cách cả Chủ nhiệm lẫn Chủ bút. Đặt Tòa soạn tại 17 Lê Văn Hưu, Hà Nội. Thực tế Tòa báo chỉ có 4 người: ngoài Nguyễn Bính, có Nguyễn Thị Hạnh (con gái Nguyễn Mạnh Phác), Phạm Vân Thanh và một người nữa từ Nam Định lên lấy bút danh là Tùng Quân.

Số đầu tiên (số 1) ra ngày 20-10-1956. Mỗi số 8 trang, in ti-po, khổ 28 x 40 cm. Sau số 11 là hai số cuối cùng lấy tên "Trăm Hoa Xuân" và "Trăm Hoa số đặc biệt đầu Xuân". Đều phát hành trước Tết Ất tỵ. Rồi kết thúc.

Tới đây thì "Trăm Hoa" (bộ mới) của Nguyễn Bính cũng "chết" vì lỗ vốn.

(Không phải "chết" vì bị thu hồi giấy phép và phải đình bản như "Nhân văn giai phẩm").

Về sự ra đời của tờ báo này theo nhà văn Tô Hoài viết trong hồi ký "Cát bụi chân ai" (NXB Hội nhà văn, 1992):

"Không biết ai đã giúp tiền cho Nguyễn Bính ra những số báo "Trăm Hoa" đầu tiên... Thế rồi "cấp trên" có sáng kiến lấy giấy và tiền Nhà xuất bản Văn Nghệ giúp "Trăm Hoa"...

Chính Tô Hoài được giao nhiệm vụ "thuyết phục một tờ báo tư nhân nhưng có tiếng nói chống những luận điệu ngang ngược của báo ”Nhân văn giai phẩm". Do sự can thiệp này mà "tờ "Trăm Hoa" rõ ra một vẻ khác. Không về bè với "Nhân văn giai phẩm", nhưng cũng chẳng đi với ai". Chính vì thế mà "cấp trên" thấy rằng "chưa đủ hơi sức để hỗ trợ cần thiết".

Tô Hoài lại cố thuyết phục Nguyễn Bính. Nhưng với tính cách "bất cần đời", Nguyễn Bính không chịu: "Trăm Hoa" phải thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách cho xong".

Tất nhiên sự "hỗ trợ" đến đây kết thúc.

"Một buổi tối Nguyễn Bính rủ Tô Hoài đến ăn ở nhà hàng Lục Quốc. Bính bảo: "Hôm nay ăn cỗ đám ma "Trăm Hoa".

"Không về bè với "Nhân văn giai phẩm", nên Nguyễn Bính không trở thành đối tượng bị phê phán trong vụ Nhân văn giai phẩm.

"Nhưng cũng chẳng đi với ai" cũng không "chống những luận điệu ngang ngược của báo "Nhân Văn giai phẩm" theo yêu cầu của "cấp trên".

Mặt khác, hai số đầu "Trăm Hoa" (bộ mới) Nguyễn Bính dành hai trang phê bình đăng bài viết của mình: "Vì những sai lầm nghiêm trọng, cần phải xét lại toàn bộ giải thưởng văn học 1954-1955" "đề nghị đưa tập thơ "Biệt Bắc" xuống giải nhì. Loại tập thơ "Ngôi sao" và một số quyển không xứng đáng. Bổ sung một số tác phẩm khác". (trong "..." là trích Hồi ký của Tô Hoài).

Cho dù kết quả giải thưởng văn học 1954-1955 đã gây nhiều dư luận, nhiều thắc mắc trong giới văn nghệ và yêu văn nghệ. Bởi trong số các tác phẩm trúng giải có nhiều quyển không xứng đáng. Thành phần Ban Giám khảo cũng như lề lối làm việc không công minh. Sùng bái cá nhân, độc đoán xa rời quần chúng bạn đọc. Nhờ dư luận ấy mà Ban Giám khảo, Thường vụ Hội Văn nghệ đã nhận khuyết điểm và xem xét lại giải.

Tuy nhiên cách viết mạnh mẽ và trực diện của Nguyễn Bính đã khiễn "cấp trên" không hài lòng.

Vì thế Nguyễn Bính vẫn bị trừng phạt.

Tuy hình thức có nhẹ hơn. Và, tất nhiên "lý lịch" không còn "đỏ" như hồi ở Hội Văn nghệ kháng chiến Nam Bộ.

Vậy là lại một giai đoạn lao đao lận đận đến với nhà thơ.


Trong thời gian làm báo "Trăm Hoa", tình cảm của Nguyễn Bính với cô Phạm Vân Thanh nảy nở. Họ chung sống như vợ chồng và có với nhau một con trai đặt tên là Nguyễn Hiền mới hơn một tuổi.

Chắc sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu Nguyên Bính không sa cơ lỡ vận.

"Trăm Hoa" "chết". Nguyễn Bính "chết" theo.

Ngoài biên chế, không ai trả lương. Thơ bán chẳng đâu mua. Lo ăn từng bữa. Bạn bè lạnh nhạt xoay lưng. Số người tốt thương tình nhưng cũng chỉ cưu mang được dăm bữa nửa tháng. Bế tắc, cùng quẫn, Nguyễn Bính giải sầu bằng rượu, thuốc lào, ngật ngưỡng chán đời.

Cô gái trẻ ở báo "Trăm Hoa", với Nguyễn Bính chẳng cưới xin gì, chẳng ràng buộc gì, có với nhau mụn con, đem trả quách là xong.

Ở cái thời buổi tình người như nước lã, chả nên trách ai. Nguyễn Bính âm thầm nhận đứa con, mặc dù chẳng biết sẽ sống ra sao. Cả hai cùng còm nhom dặt dẹo ốm đói.

Một buổi tối, trời mưa phùn gió rét. Người bố say xỉn ngồi trên xe xích-lô gà gật. Đứa bé ngủ thiếp bên cạnh. Cả hai co ro dưới miếng vải bạt cũ căng trên cái khung sắt dùng làm mái che. Đến dốc Hàng Kèn, cuối phố Bà Triệu (Hà Nội) người bố ra hiệu dừng xe, xuống, lảo đảo bước đi. Rồi mất hút vào một con hẻm tối tăm.

Sáng hôm sau, tỉnh cơn say, quờ tay tìm con thì chẳng thấy con đâu. Người bố ôm đầu nhớ lại, nhưng vô vọng. Ai biết mà hỏi, đến đâu mà tìm. Đau đớn tột cùng. Chỉ mong thằng bé gặp được người tử tế cưu mang thì nó đỡ khổ.

Nỗi đau mất con dằn vặt Nguyễn Bính suốt cuộc đời. Mỗi khi nhớ lại bao giờ ông cũng khóc.

Giữa thời bao cấp cuộc sống của nhà thơ Nguyễn Bính vô cùng khốn khó.

May sao, không biết nhờ đâu, giữa năm 1964 ông được về làm việc ở Ty Văn hóa Nam Định do Nhà văn Chu Văn lãnh đạo.

Trong lời bạt cuốn "Tuyển tập Nguyễn Bính" (NXB Văn học và Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh hợp tác xuất bản, 1986) Chu Văn kể:


"Nguyễn Bính về Nam Định, tuổi gần năm mươi, gầy, đen, tóc cắt ngắn gần như trọc. Anh ăn mặc thật giản dị: một sơ-mi nâu, một quần ka-ki bạc màu và đôi dép cao su. Toàn bộ hình thức ấy không gợi một vẻ gì một nhà thơ lớn trước - sau này người ta gọi là "thi nhân tiền chiến". Anh cười, đôi mắt nâu, sắc sảo, ánh hơi lạnh và nụ cười khô, hàm răng ám khói thuốc lào".

Có được nơi tương tựa tin cậy Nguyễn Bính như sống lại, lạc quan, yêu đời và viết rất khỏe. Trong mấy năm ở Ty Văn hóa Nam Định nhà thơ liên tục cho ra đời các tác phẩm: "Đêm sao sáng", "Người lái đò Sông Vỹ", "Cô Son", "Bài ca quê hương", "Có Nguyễn Du và có một truyện Kiều"...

Tâm trạng Nguyễn Bính ngày ấy được Chu Văn viết:


"Hai mươi năm, nỗi xót xa cô đơn, đem hình hài trả nợ áo cơm, tất cả mùi tục lụy cay đắng gặp trên bước đường phiêu lưu vô định. Những dằn vặt về cuộc sống, ấm lạnh về tình đời, tình người, qua những cảnh huống bơ vơ lạc loài... mỗi khi gặp nỗi bất đắc chí lại tha thiết nhớ cố hương, nhớ người thân, ôn lại những kỷ niệm êm đềm đã qua nơi thôn quê hẻo lánh với những phong tục thuần hậu, những thú vui quê mùa, cảnh cấy gặt tất bật, tiếng trống chèo mùa Xuân".


Qua bao nhiêu năm phiêu bạt giang hồ, Nguyễn Bính nhận ra rằng không ở đâu bằng nơi thôn dã đã sinh ra mình, nuôi sống mình bằng hạt thóc, củ khoai, con cua, con cá, cùng tâm hồn những người "chân quê" đáng tin và đáng kính... Bây giờ ông lại được trở về nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình và càng cảm nhận sâu sắc chân giá trị của mảnh đất thiêng liêng này:

"Đi đã mười năm mới trở về

Tâm tình tràn ngập bước đường quê

Nghe sao nao nức như hồi trẻ

Níu áo theo cha buổi hội hè...

Hỏi tên nhận mặt nhớ ra rồi

Mừng tủi bâng khuâng khóc lẫn cười

Trẻ xóm mười năm giờ lớn bổng

Mười năm mất mát biết bao người...

Xuân này vui Tết lại vui quê

Lại chuyện làm ăn, chuyện hội hè

Xanh biếc đầu xuân nương mạ sớm

Dậu tầm xuân nở, bướm vàng hoe

Vào đám làng tôi mở trống chèo

Bay cờ lộng gió đỏ đuôi nheo

Lớp nàng Thị Kính nuôi con mọn

Tôi biết người xem lệ chảy nhiều

Bữa ấy tôi đi nắng ửng vàng

Bời bời ngõ cũ tím hoa xoan

Xóm giềng tiễn biệt cô đưa cháu

Đến mãi đầu thôn cạnh giếng làng" ("Trở về quê cũ").


Nguyễn Bính say mê sáng tác và tận tụy với công việc cơ quan giao.

Rồi Nguyễn Bính gặp một người phụ nữ tên là Trần Thị Lai, tuổi ngoài ba mươi, tính tình hiền thục siêng năng chịu khó. Chị tần tảo buôn bán nhỏ ngoài Chợ Rồng. Khi mớ rau con cá, khi trái na, quả mít, múi bưởi... mùa nào thứ nấy bòn nhặt từng hào lo cho mình và cho cả nhà thơ tài hoa mà bất hạnh.

Rồi hai nguời nên vợ nên chồng. Năm 1965 cậu con trai ra đời được đặt tên là Nguyễn Mạnh Hùng. Chiến tranh, sơ tán về Hà Nam, vợ con ở xã Nhân Hậu, Nguyễn Bính theo cơ quan ở xã Nhân Nghĩa, cách xa mười lăm cây số, cuối tuần mới gặp nhau. Nhưng cuộc sống thật đầm ấm, hạnh phúc.

Tưởng rằng những năm cuối đời được sống trong bình yên thư thái tĩnh tâm lo chuyện văn chương.

Nào ngờ định mệnh đối với nhà thơ quá nghiệt ngã.

Nguyễn Bính có người bạn tên là Đỗ Văn Hứa quê làng Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) làm nghề bốc thuốc Đông y. Rất yêu thơ, đặc biệt thơ Nguyễn Bính. Cũng thích làm thơ lấy bút danh là Tân Thanh.

Vợ chồng Tân Thanh coi nhà thơ Nguyễn Bính như người anh lớn trong gia đình và rất kính trọng. Cuối năm 1966, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, Nguyễn Bính rời bệnh viện nơi sơ tán, ghé lại nhà Tân Thanh nghỉ dưỡng mươi ngày.

Một hôm Nguyễn Bính nói với Tân Thanh: "Chú Hứa này, anh coi số tử vi, biết năm nay anh chết đấy. Nếu qua được thì anh sống thêm chục năm nữa". Tân Thanh gắt: "Bác nói gở. Chết làm sao được mà chết. Tử vi với tử vấn".

27 tháng chạp, Nguyễn Bính dắt chiếc xe đạp Phượng Hoàng ra bơm hơi, sửa sang để chuẩn bị về ăn Tết với vợ con. Thấy vậy cô Sang, vợ chú Tân Thanh bảo: "Bác ở lại ăn Tết với vợ chồng em. Sức bác còn yếu lắm, đường xá lại gập ghềnh ổ gà, ổ voi nhỡ ngã thì chết". Chú Tân Thanh cũng nói góp vào: "Cô ấy nói phải đấy. Bác ở lại đây ăn Tết khi nào khỏe hãy về".

Thế là Nguyễn Bính bằng lòng ở lại.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 20-1-1966, tức 29 tháng chạp giáp Tết, Nguyễn Bính ăn được một bát cơm đầy với tép rang. Ăn xong vắt chiếc khăn mặt lên vai thủng thỉnh đi ra cầu ao. Lát sau bỗng nghe tiếng gọi: "Tân Thanh!". Tân Thanh vội chạy ra thì đã thấy nhà thơ Nguyễn Bính gục đầu thổ huyết cạnh gốc mít bên bờ nước. Tân Thanh bế nhà thơ về đặt lên chiếc giường cá nhân rồi thuê hai người võng đi bệnh viện cách đó vài cây số.

Nhưng nhà thơ không qua khỏi.

Mồng 2 Tết, Nhà văn Trúc Đường cùng con gái về Nam Định.

Đến gần nghĩa trang Cầu Họ thấy một đám ma không kèn trống, rất ít người tiễn đưa.

Ông đâu có ngờ đó chính là đám tang em trai mình, nhà thơ Nguyễn Bính từng được người đời tôn vinh là "Thi nhân tiền chiến" (!) .

Vậy là kết thúc cuộc đời một tài năng mà số phận vô cùng long đong: mồ côi mẹ khi chưa đầy một tuổi phải sống nương cậy bên ngoại. Không được đến trường chỉ nhờ người thân kèm dạy và tự tìm tòi nghiên cứu. Học vấn uyên thâm mà không bằng cấp. Cuộc sống phiêu bạt giang hồ suốt từ Bắc chí Nam. Đói, khổ, nghèo xác nghèo xơ. Bốn lần lấy vợ, bốn mặt con (*) mà ngăn cách phân ly không có được một mái ấm gia đình ổn định. Tài năng như "thánh thi" mà sự nghiệp thì thăng trầm chìm nổi. Có lúc bị cuộc đời ghẻ lạnh đối xử bất công. Khi chết lại đúng vào ngày giáp Tết nơi đất khách quê người không ai ruột thịt. Cho đến phần mộ của ông sau này cũng bốn lần di chuyển từ nghĩa trang Cầu Họ (Nam Định) đi nghĩa trang Tam Điệp (Ninh Bình). Rồi từ Ninh Bình về quê đặt tại khu Mả Quán, làng Thiện Vịnh. Cuối cùng lại đưa từ khu Mả Quán vào mảnh đất vốn là nhà của bố mẹ ông, nơi ông cất tiếng khóc chào đời.

Bốn người vợ, ngoài cô Phạm Vân Thanh bỏ ông, trả con cho ông. Rồi nghe đâu gắn bó với một họa sĩ, mở quán ca-fe ở đầu phố Cửa Nam kiếm sống. Còn ba người khác đều đảm đang đôn hậu. Bốn người con, ngoài cháu Hiền bị lạc mất tích còn lại: nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu giữ chức phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ (thành phố Hồ Chí Minh), cô giáo Hương Mai làm Trưởng ban Văn hóa - Xã hội thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh Long An. Nguyễn Mạnh Hùng sống ở miền Bắc không tránh khỏi ảnh hưởng "lý lịch" của bố, học xong lớp bảy phổ thông làm thợ xây dựng. Mãi sau năm 1986 khi Nhà xuất bản Văn học hợp tác với Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh ấn hành cuốn "Tuyển tập Nguyễn Bính". Một hình thức minh oan cho nhà thơ, Nguyễn Mạnh Hùng mới được phép đi xuất khẩu lao động và hiện sinh sống tại Liên bang Nga. Nguyễn Bính Hồng Cầu với tư cách chị cả đã bỏ thời gian, công sức tìm gặp và quy tụ các em thành một mối huyết thống. Đặc biệt chị dành hai mươi năm sưu tầm, biên soạn với biết bao công sức để có bộ "Nguyễn Bính toàn tập" (1.400 trang) xuất bản vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh người cha tôn kính của mình đã để lại cho hậu thế hơn 20 thi phẩm nổi tiếng.

Điều ấy chắc chắn là niềm an ủi lớn với anh linh nhà thơ tài năng đang yên nghỉ chốn vĩnh hằng. Đáp ứng lòng mong mỏi của các thế hệ bạn đọc suốt thế kỷ qua cũng như mãi mãi sau này.


(*) Có lẽ nhà thơ Nguyễn Bính còn một người phụ nữ nữa có con với ông căn cứ vào lời bài "Oan nghiệt" làm năm 1941 khi ông đang ở Huế:

"Hôm nay bắt được thư Hà Nội

Cho biết tin Dung đã đẻ rồi

Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận

Bao giờ tôi mới gặp con tôi?".


Phải chăng đây vẫn là dấu hỏi cho các nhà nghiên cứu?