Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGỒI HỌP VỚI "CỤ" THÀNH CHƯƠNG

Dạ Thảo Phương
Thứ sáu ngày 1 tháng 4 năm 2022 3:57 AM

Họa sĩ Thành Chương: Vẽ tranh trâu kể chuyện làng quê Việt - Hànộimới

😎
Thành Chương, lúc nào nghiêm trọng thì chúng tôi gọi “anh”, còn lúc bình thường thì gọi anh là “cụ”.
Lần đầu tiên tôi gặp cụ ở hành lang Văn nghệ Trẻ, tầng 3 của báo Văn nghệ.
😎
Hồi ấy, Văn nghệ vẫn là “đền thiêng” văn chương nghệ thuật của cả nước, người làm ở đó toàn các “đấng“ tên tuổi lẫy lừng tôi chỉ được đọc trong sách giáo khoa hoặc trên “đền thiêng”. Tôi thì mới thi tốt nghiệp xong, ngơ ngơ ngác ngác, ngoài trưởng ban Văn nghệ Trẻ Nguyễn Quang Thiều và TBT Hữu Thỉnh ra, tôi chả biết mặt ai.
😎
Hôm đó, tôi thấy một người đàn ông thấp đậm, đi từng bước chắc nịch về phía mình. Đầu sáng bóng, kính đen tròn xoe. Ông này mặt rất hình sự, lạnh te. Tôi tin những vị hoàng thượng ngày xưa trước khi tuyên án tử cho ai mặt cũng chỉ lạnh như vậy. Ông ta lừ lừ như thiết giáp, đến gần tôi cũng không thay đổi tốc độ, hành lang chật, anh Thiều lại đứng chắn phía sau, tôi luống cuống nghĩ giờ chỉ còn nước nhảy khỏi lan can tầng 3 thì mới không thất lễ. Anh Thiều giới thiệu: “Đây là hoạ sĩ Thành Chương. Còn đây là em Dạ Thảo Phương”. “Biết rồi”- Thiết Giáp trầm giọng, không thay đổi tốc độ, quay đầu đi. Được nửa chừng, Thiết Giáp đột ngột quay lại, giọng vẫn trầm trầm như đe doạ: “Này, tớ vừa vẽ minh hoạ cho Tiếng Dế” đấy. Mồ hôi sợ của tôi chưa kịp toát ra, Thiết Giáp đã lừ lừ đi mất. Lần này thì đi thật.
😎
Tiếng Dế là một cái gì đó tôi mới viết. Tôi nghĩ nó là thơ. Anh Nguyễn Huy Thiệp thì nói đây là tản văn. Khi gửi Văn nghệ Trẻ thì anh Thiều bèn in vào mục... truyện ngắn. Nói chung là một cái gì đó rất ngơ ngác của một đứa ngơ ngác.
😎
Hoạ sĩ Thành Chương thì tôi rất biết, tôi nhìn thấy tên anh trên Văn nghệ và các triển lãm hoài. Nhưng như thế nào mà một ông Thành Chương tên tuổi đáng sợ như vậy lại bước ra từ trang báo và những bức tranh, vẽ minh hoạ cho một cái gì rất ngơ ngác của một con gì rất ngơ ngác?!
😎
Ít lâu sau tôi về làm Văn nghệ Trẻ, thế là thường xuyên ra chào cụ vào chào anh với Thiết Giáp.
😎
Thiết Giáp Thành Chương như cây đa đầu làng, chả ai biết mọc từ bao giờ nhưng thiếu bóng cây đa không ra cái làng, thiếu bóng Thành Chương thấy không khí báo Văn nghệ bị thiêu thiếu nhàn nhạt đi. Thiết Giáp hồi đó chưa đổ đốn áo hoa nhiều màu như hoạ sĩ trẻ Thành Chương bây giờ, cụ chỉ toàn diện đồ màu sẫm đứng đắn.
😎
Ở cái thời tranh sơn mài của nhiều hoạ sĩ có tiếng treo triển lãm đính giá mấy trăm ngàn/ bức, thì tranh cụ Chương nghe nói toàn bán cho bọn tư bản phản động giá 2-3000 đô. (Cho bọn tư bản chảy máu đô, giãy đành đạch hết đi).
😎
Ở cái thời đàn ông cả hành tinh VN chỉ có 2 mùi là mùi thuốc lá và mùi hôi nách, thì cụ Chương đi đâu cũng phát ra một cái mùi rất khó hiểu như mùi của một hành tinh khác (Sau này tôi mới biết là mùi nước hoa toàn loại đầu bảng của Pháp).
😎
Cụ Chương chả kiêng nể ai. Cụ không kiêng nể các sếp đã đành (các sếp có sợ cụ thì sợ), cụ còn không kiêng nể luôn bạn bè đồng đội của cụ.
😎
Hồi đó cụ rất thân với nhà thơ Bế Kiến Quốc, thư ký toà soạn của Văn nghệ. Suốt ngày hai vị này dìu nhau hết đi ăn trưa, đi cà phê, đi tám với cộng tác viên, rồi lại dìu nhau về phòng thư ký, đóng cửa cả ngày, rồi, cứ cho là làm báo đi (ối giời, như pê đê, đấy, dư luận họ bảo).
😎
Thế mà chính cụ Chương lại là tác giả của tác phẩm sống mãi với thời gian- “Bế Kiến Quốc mơ gì”. Theo tác phẩm này, nhà thơ Bế Kiến Quốc ngủ trưa ở toà soạn mà cứ nghiến răng kèn kẹt, rồi nhai như thế này, nhai như thế kia, trẹo cả hàm, rất hãi. Bế Kiến Quốc mơ gì mà nghiến răng nghiến hàm khiếp thế? Mơ thấy Đỗ Bạch Mai đang ở trong miệng mình (nhà thơ Đỗ Bạch Mai làm cùng báo Văn nghệ, là nàng thơ, là vợ của nhà thơ Bế Kiến Quốc).
😎
Nhà thơ Bế Kiến Quốc nghe xong cứ cười hưng hức, không ngừng nổi để cãi được câu nào. Thế là xong, sáng tác một bước đi luôn vào lịch sử.
😎
Cụ Chương không nói thì thôi, chứ cụ mà đã sáng tác thì chỉ có để đời (ai không tin cứ xem măng sét cụ sáng tác cho tờ Văn nghệ thì biết).
😎
Cụ cũng chả kiêng nể gì cộng tác viên. Hôm ấy có điện thoại gọi đến toà soạn. Cụ đang trên đường vi hành vào toilet, tiện tay nhấc máy. Vẫn chất giọng trầm hình sự, cụ thầm thì: “A lô. Không, nhầm máy rồi nhé. Đây là phòng điều tra xét hỏi của Bộ Công an”. Phía bên kia chắc đánh rơi máy. Cụ điềm nhiên gác máy rồi vừa tiếp tục vi hành vào toilet, vừa ngúc ngắc cái đầu bóng lộn: “Suốt ngày nhầm máy, chả làm sao cả”.
😎
Nhưng cụ toả hương Thành Chương mạnh mẽ nhất là ở trong các cuộc họp cơ quan. Vì ở đó có TBT Hữu Thỉnh.
😎
Báo Văn nghệ hồi đó có ba người nói tuyệt hay. Người thứ nhất là Nguyễn Quang Thiều. (Nhưng anh này chỉ nói khi ở trong phòng Văn nghệ Trẻ, còn ở cơ quan chung thì anh chỉ nhìn, mắt to như hai cái chén tống).
😎
Người thứ hai là Hữu Thỉnh, và người thứ ba là Thành Chương. Hai người này làm nên một cặp bài trùng, làm mọi cuộc họp của Văn nghệ giống như khúc Cao sơn Lưu thuỷ. Họp Văn nghệ mà thiếu một trong hai người này, thì cuộc họp chỉ còn là một… cuộc họp mà thôi.
😎
Cùng có ma lực cuốn hút người nghe, nhưng Hữu Thỉnh hay dùng cách diễn đạt đầy kịch tính, còn Thành Chương thì ngôn ngữ lạnh lùng, giọng Hữu Thỉnh lên ghềnh xuống thác, giọng Thành Chương phẳng đều như đá tảng. TBT Hữu Thỉnh nói những gì mọi người muốn ông nói, còn hoạ sĩ Thành Chương nói cái gì cụ thích nói. Hữu Thỉnh đứng ở đâu nơi đó thành quảng trường, ông là người vừa nói vừa ý thức mình đang nói cho đám đông. Còn Thành Chương thì chỉ lẩm bẩm cứ như chỉ nói cho mình mình nghe.
😎
- Hữu Thỉnh (trầm bổng): Tôi nói với các anh các chị nhiều lần rồi, bài gì liên quan đến Hồ Chí Minh là phải cẩn thận cho tôi, chứ một vài lần sót lỗi thế này thì chết cả nút.
- Thành Chương (lạnh lùng): Thấy chưa, không viết về Bác chưa chắc chết, nhưng viết là chắc chết. Thế mà lại cứ thích viết cơ. Cho chết, chết cả nút.
😎
- Hữu Thỉnh (ôm đầu đau khổ): Các anh các chị làm báo thế này thì chết tôi, rồi đến nửa báo đi tù, nửa báo đưa cơm à.
- Thành Chương (nhún vai): Đưa cơm thì đưa cơm, chả sao cả.
😎
- Hữu Thỉnh (trầm bổng): Chúng ta phải đẩy mạnh phong trào sống và học tập theo đạo đức Hồ Chí Minh.
- Thành Chương (nghiêm nghị): Bác Hồ không bao giờ nói bậy. Bao giờ cần đề cập đến vấn đề này thì Bác… vẽ.
😎
- Hữu Thỉnh (15 phút phê bình toà soạn về vấn đề chính trị, hết sức căng thẳng, lúc nhăn mặt đau đớn, lúc nhíu mày như nước mắt sắp rơi, rồi đột ngột hạ giọng sâu lắng). Rồi, các đồng chí có ai có ý kiến gì không?
Cả toà soạn đông đá, lặng phắc.
- Thành Chương (Hăng hái, nghiêm túc): Tôi xin có ý kiến.
- Hữu Thỉnh (giọng xúc động): Xin mời đồng chí Thành Chương.
- Thành Chương: Tôi có ý kiến là không có ý kiến gì. Tôi hoàn toàn nhất trí với lãnh đạo. Xin hết.
😎😎😎😎😎
Nguồn: Theo F nhà văn Tô Hoàng