Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ TÚ SÓT HÓM HỈNH VÀ THÂM THÚY

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 5 tháng 2 năm 2021 8:50 AM



"Tú Sót" là bút danh, tên thật gọi Chu Thành, quê xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An), sinh năm 1930. Năm 1948 ông đi bộ đội đánh Pháp, năm 1954 được cử du học tại Đại học Bắc Kinh, rồi làm biên tập sách dịch tiếng Trung. Về già cốt cách đặc "cụ đồ". Vào dịp Tết Nguyên đán thường cùng mấy nhà thư pháp bày "mực Tầu giấy đỏ" viết câu đối chữ Hán bên cổng số nhà 60 phố Bà Triệu, Hà Nội.

Tôi hân hạnh được làm việc cùng nhà thơ Tú Sót trong Ban Văn học, Nhà xuất bản Thanh Niên gần ba chục năm, rất hiểu ông, quý trọng ông và ấn tượng sâu sắc về chất trào lộng hóm hỉnh, bình dị mà vô cùng thâm thúy trong thơ ông. Với ông, cái gì cũng có thể thành thơ và thơ nào của ông cũng đậm chất nhân văn, hàm ý khuyên nhủ chân tình.

Hồi chiến tranh chống Mỹ cơ quan tôi sơ tán về xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Tây). Phụ trách y tế là bác sĩ Huệ, một phụ nữ rất "dữ" tính, "ông xã" là bộ đội quanh năm xa biền biệt nên đôi khi tính tình rất... thất thường. Nhiều người bị xúc phạm, bất bình lắm mà phải cố chịu đựng. Một lần nhà thơ Tú Sót bệnh, phải sang tiêm thuốc kháng sinh. Tiêm xong ông thất thểu ra ngõ, tay luôn xoa mông vì buốt quá, định sẽ về bảo cu Quý (sơ tán cùng bố) lấy chai đựng nước nóng chườm, thì bất ngờ bác sĩ Huệ đuổi theo túm áo lôi trở lại. "Ông vào đây! Ông vào đây!". Tấm ruy-đô kéo roạt. Tú Sót bị bác sĩ Huệ đẩy vào và tự do khám xét, nắn hết túi áo, đến túi quần. Nhà thơ ngơ ngác không hiểu đầu đuôi ra sao. "Tôi để cái kính trên bàn, chỉ có ông vào tiêm thôi, mà mất...". À, thì ra bà ấy mất kính nghi Tú Sót lấy. Cuộc "nắn bóp" không đem lại kết quả và đối tượng bị tình nghi được thả tự do. Tối hôm ấy ông chủ nhà đi họp về trả kính, bác sĩ Huệ mới nhớ ra là ông chủ mượn mà mình quên. Biết chuyện nhiều người phẫn nộ thay: "Vào tôi, tôi cho chị ta mấy bạt tai " Tú Sót cười hóm hỉnh: "Ấy chết, ai lại thế. Đáp lại mình đã làm tặng chị ấy bài thơ". Bài thơ như sau: "Rì Huệ ơi! Rì Huệ ơi! / Kính gì (?) rì để mất đâu rồi/ Rì thấy tôi nghèo nghi tôi lấy/ Phen này khốn khổ bố con tôi/ Rì không đeo kính hóa lôi thôi/ Rì kéo tôi vào nắn gì tôi(?). Kính rì té re ông chủ mượn/ Kéo ngài chi khổ cái nghèo ơi".

Ngay hôm sau cả cơ quan đọc cho nhau nghe và thuộc lòng bài thơ ấy. Bài thơ thật hóm, châm chíc thật sâu, chơi chữ, nói lái rất tài."Rì Huệ ơi! Rì Huệ ơi!". Cái từ "rì" này Tú Sót muốn trêu, coi bác sĩ Huệ như "rì" hai, vợ lẽ của mình. "Kính gì?" - cái từ "gì" này thật là đắt, đặt ở thể nghi vấn. Tôi không biết "rì" mất kính "gì" (râm hay trắng, cận hay viễn). Không biết có nghĩa tôi không lấy, có nghĩa "rì" nghi oan cho tôi.

Đến khổ thơ thứ hai mới hay. "Rì không đeo kính hóa lôi thôi". Nghĩa đen ngụ ý rằng "rì" không có kính để đeo, nhưng nói lái hai từ này thì quả đáng sợ, vì "ông xã" của "rì" ở xa, bởi thế nó mới dễ "lôi thôi". Và cũng bởi cái sự "lôi thôi" ấy nên "rì" mới "Kéo tôi vào nắn gì tôi (?)". Cái từ "gì" này còn đáng sợ hơn. Tôi nghèo, chỉ có trên răng dưới cái... ấy, thôi thì cứ để cho "rì nắn" thật thỏa thích, có hại gì đâu. (Tú Sót đến là đa tình, đến là khôn). Tới câu kết: "Kéo ngài" nói lái là "cái nghèo". Tôi nghèo "rì" mới dám nghi, dám hành xử như thế chứ kẻ giầu, đố "rì" đấy. Chung quy chỉ tại "cái nghèo" mà bị nghi oan, bị xúc phạm. Thật chua chát làm sao! Nhưng vốn giầu lòng vị tha nhân ái Tú Sót không vì thế mà mặc cảm. Đối lại ông nâng mình lên cấp "ngài". Nghĩa là tôi nghèo nhưng tôi không hèn. "Đói cho sạch, rách cho thơm" là cái đạo của kẻ sĩ. Ở đời giầu đâu chắc đã sạch, đã thơm, chị không hiểu điều đó sao? Ý thơ từ tâm sự thành thế sự.

Tưởng rằng biết có bài thơ ấy "rì Huệ" sẽ nổi tam bành ra đòn Tú Sót. Vậy mà không. Điều rất lạ là từ đấy tính "dữ" của "rì" bớt hẳn tới bẩy, tám phần, gặp nhà thơ Tú Sót đâu cũng chào hỏi vui vẻ. Mới biết thơ châm chích của Tú Sót chứa phép màu thần dược.

Có lần một nhóm các cụ cán bộ đã nghỉ hưu, được cấp trên quan tâm tổ chức đi tham quan những danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử và có tới Đà Lạt. Tại đây các cụ được đến Hồ Than Thở, vào Rừng Ái Ân. Khi lên cao, lúc xuống thấp tuổi già sức yếu các cụ mệt quá. Nhân lúc giải lao cụ Lưu Xuân Hỷ tức cảnh liền ứng tác:

"Có cụ răng long, cụ bạc đầu/ Có còn than thở với ai đâu/ Mà đưa nhau đến Hồ Than Thở/ Chẳng thấy than, ngồi thở với nhau/ Lại dắt nhau vào Rừng Ái Ân/ Có còn đâu nữa tuổi đang xuân/ Đồi thông quanh quất lên rồi xuống/ Ngồi lại lưng đèo nắn bóp chân".

Bài thơ hay, nhưng buồn quá. Tú Sót cũng mệt không kém, tuy nhiên vốn hóm hỉnh, ông thấy lúc này cần "lên dây cót lạc quan" liền họa lại ngay:

"Dẫu đã răng long, đã bạc đầu/ Vẫn chúc các cụ cứ cùng nhau/ Cứ Hồ Than Thở, Rừng Ân Ái/ Mỏi gối chồn chân nắn bóp sau/ Khát nước, gọi hè, nuối tiếc xuân/ Thơ ngâm cuốc lủi cứ xoay vần/ Cùng nhau cò cử, cùng nhau cứ/ Cứ Rừng Ân Ái, cứ vân vân...".

Nghe xong các cụ vỗ tay rôm rốp tán thưởng và như được tiếp thêm sinh khí hăng hái đứng dậy nhằm Rừng Ân Ái bước, còn vừa đi vừa bình hai bài thơ: hợp cảnh, hợp người, ý nặng tình sâu, tâm sự và thế sự, chơi chữ rất hóm, rất duyên. Đọc xong cười vô tư sảng khoái. Nhưng rồi cứ thấy bâng khuâng luyến tiếc cái gì đấy vừa mơ hồ vừa cụ thể.

Chồng nhà thơ, vợ làm công nhân Nhà máy thuốc lá Thăng Long, lại có đến năm con. Đúng là "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi". Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 người ta thì tặng vợ kỷ vật quý, ít nhất cũng bó hoa đẹp. Tú Sót băn khoăn, tiền không có biết tặng gì? Nhìn "bà xã" ngồi khâu vá, ông liền ứng tác: "Hôm nay mồng 8 tháng 3/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi/ Tôi phần bà nửa đĩa xôi/ Sợ bà yếu bụng tôi...xơi hộ bà". Nhận bài thơ từ tay ông tặng "bà Tú" đọc xong cười rất tươi. Thì ra hạnh phúc cốt ở cái tâm cái tình đối với nhau chứ đâu cứ phải tặng vật sang quà quý.

Có lần Tú Sót được một ông bạn cũ mời đến nhà chơi. Bạn cũ từ thời cùng là bộ đội đánh Pháp, đã từng "thương nhau chia củ sắn lùi", chia cả lửa, cả máu nữa. Nghĩa tình thuở ấy sâu nặng lắm. Có điều bây giờ kẻ làm quan to nhà cao cửa rộng, người chỉ là nhà thơ nghèo rớt mồng tơi. Đôi lần gặp Tú Sót nhận ra cái vẻ cao ngạo cậy phú khinh bần của anh ta nên ông thường xa tránh. Lần này phải đến là bất đắc dĩ vì có mấy bạn đồng ngũ mãi từ Nghệ An ra chơi rủ nhau tề tựu ở nhà vị quan nọ. Chắc chẳng muốn tiếp đâu, nhưng tình thế khiến anh ta không thể từ chối. Tú Sót đến, mọi người hồ hởi đón, tay bắt mặt mừng, mấy ông bạn từ quê ra cứ bô lô ba la rất tự nhiên như thời xưa cùng là lính. Chủ nhân hôm ấy cũng cố tỏ ra vui vẻ tiếp đãi chu đáo. Bia chai cả két, mồi nhậu tha hồ. Tuy nhiên Tú Sót vẫn nhận ra sự lãnh đạm trong lòng anh ta. Tú Sót lần lượt đề tặng các bạn tập thơ của mình vừa xuất bản. Để tỏ rằng mình cũng am hiểu văn chương và cũng có dụng ý thử tài Tú Sót, chủ nhân đề nghị Tú Sót ứng tác ngay một bài thế sự. Nhìn xuống nền nhà lát đá hoa sạch bóng, rồi chỉ mấy đôi dép bị hắt hủi vứt chỏng chơ ngoài hiên Tú Sót đọc liền: "Gian lao vất vả cùng đi/ Giường cao, chiếu sạch anh thì bỏ tôi!". Mọi người tấm tắc khen ý tứ sâu xa thâm thúy. Tú Sót nhận thấy chủ nhân tái mặt mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt nâng cao cốc bia chúc mừng.

Lần khác cánh báo chí, xuất bản chúng tôi được mời đến nghe một vị "quan chém gió" đăng đàn diễn thuyết ở Trụ sở Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật số 51 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Chẳng cần biết thính giả trình độ học vấn thế nào, ông ta thao thao bất tuyệt cóp nhặt toàn những thứ lý luận rẻ tiền. Sau giải lao hội trường quang hẳn. Tôi và Tú Sót cũng bỏ về. Tôi bảo: "Thằng cha ấy đúng là điếc không sợ súng". Tú Sót nhìn tôi mỉm cười gật gù. Tôi đoán chắc sẽ có bài thơ thú vị đây. Quả nhiên chiều hôm sau ông đưa tôi xem bản nháp bài "Cái ống nhổ" : "Thân eo, bụng rỗng, mồm loe/ Nhớp nhơ cái bụng còn khoe cái mồm/ Bị người phỉ nhổ cho luôn/ Thế mà vẫn cứ dơ mồm ra khoe". Tôi vỗ vào vai ông đánh đét: "Hay! Rất hay!". Thơ Tú Sót bình dị mà không bình thường, cứ như tia lửa điện tóe ra từ ngòi bút.

Tết Bính thìn (1970), đã quá ngày "ông Táo lên Trời" mà trong nhà tiền hết, gạo cạn. Không có vài tấm bánh chưng thì gọi gì là Tết, là Xuân, nhất là cu Sành (5 tuổi), cu Sơn (9 tuổi) háo hức chờ mong nhắc nhỏm từ hai tuần trước. Thôi thì cố xoay xỏa lấy vài cân gạo nếp, mấy lạng đậu xanh... Nhưng chất đốt đâu ra? Phiếu dầu đã hết, than củi thì đắt. Cậu cả Chu Hồng Quý (tài thơ nổi tiếng cùng thời Trần Đăng Khoa với tập "Nối dây cho diều", bây giờ là họa sĩ) buộc cái xẻng quân dụng vào sau chiếc xe đạp cà cộ phóng ra ngoại thành ngược phía Đan Phượng. Chiều về đem theo đoạn gốc phi lao khô còng queo và tua tủa rễ. Sau khi ngắm nghía, Quý bảo bố: "Đem đun thì phí quá, bố ạ. Bộ rễ cây này tạo hình rất tự nhiên hệt con Rồng. Hay là ta để lại, sửa sang chút ít đặt lên bàn thay hoa Tết. Năm nay là năm con Rồng mà". "Nhưng còn bánh chưng thì sao? Liệu cu Sơn, cu Sành có chịu không?". Quý thủ thỉ: "Con sẽ tạm ứng tiền nhuận bút tập "Nối dây cho diều" ở Nhà xuất bản Kim Đồng mua bánh chưng, dù chỉ hai tấm thôi cũng đủ hương vị Tết". Nhà thơ Tú Sót nghe con nói có lý, ông gật đầu.

Sau khi Chu Hồng Quý tỉa tót chút ít cái gốc phi lao đã hóa Rồng, gắn vào chiếc đế gỗ hình chữ nhật trông rất đẹp. Nhà thơ Tú Sót ngắm nghía. Vốn lòng đầy ưu tư thế thái, ông ứng tác ngay hai câu thơ vịnh: "Tưởng rằng cá chép hóa Long/ Nào ngờ rắn đã hóa Rồng, Rồng ơi!". Thật là thâm thúy. Chua chát thay cái thời buổi cá chép hóa Rồng thì ít mà rắn đội lốt Rồng lại nhiều!

Ngày 27-3-2006, bệnh trọng, nhà thơ Tú Sót thanh thản về với tiên tổ, ông có để lại một vế "thách đối" như sau: "Ông chủ đói cho meo, đầy tớ vẫn vênh vênh vui đầy tớ/ Vui đầy tớ, vơ đầy túi, túi đã đầy vơ vẫn cứ vơ".

Hơn mười năm qua rồi, nhà thơ Tú Sót không còn ngồi viết câu đối Tết bên cổng nhà 60 phố Bà Triệu, Hà Nội, để lại khoảng trống vắng nhân tình, nhưng vế "thách đối" của ông vẫn còn chờ đó và ý nghĩa xã hội cũng vẫn nguyên giá trị.

ĐẮC TRUNG

ĐT: 0913236372 - Email: dactrung.j@gmail.com

Đ/C : số 10 ngõ 73 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội.