Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ VĂN LÊ

Minh Diện
Thứ sáu ngày 16 tháng 10 năm 2020 9:49 AM



Sáng Chủ nhật nào tôi và Ngọc Mộc,Văn Lê cũng tới nhà Ngọc Bồng uống trà. Bốn thằng lính già ngồi với nhau bên chiếc bàn kê sát cửa căn nhà hẹp cuối con hẻm nhỏ có cái chợ tạm bán rau dưa. Vẫn chén trà pha đậm chát như thời ở rừng, vẫn những chuyện thởi sự hằng ngày rồi lại quay về quá khứ thời binh lửa…Quen biết nhau từ lúc trai trẻ giữa chiến trường , giờ đầu bạc vẫn chơi với nhau thân tình , nên cứ thấp thỏm lo ngộ nhỡ hôm nào vắng mãi một thằng thì hụt hẫng biết bao! Biết rằng chuyện đó rồi sẽ sảy ra, nhưng nó vừa sảy ra nhanh quá khiến tôi cảm thấy bang hoàng!

Sáng chủ nhật 7 tháng 9, vẫn ngồi với nhau. Văn Lê mặc chiếc quần ka ki, chiếc áo thun cùng màu xám nhạt nhìn tươi tỉnh khỏe mạnh bình thường. Ngọc Mộc cho biêt Vũ Hòa ở Hà Nội mới gọi điện vào, bảo đã xin được tiền in tập hai “ Năm tháng không quên” và hối viết bài. Văn Lê bảo : “ Tớ phài hoàn thành cái tiểu thuyết Trung đoàn xin lệnh rút đã. Dự kiến ba trăm trang mới viết được hơn một trăm trang. Mà không hiểu thế quái nào dạo này khó viết quá, có trang viết đi viết lại hai mươi lần không xong…

Mới cách đây không lâu thiếu tường Bùi Quang Vinh con thượng tướng Bùi Phùng , nguyên Cục trưởng Cục hậu cần B2, từ Hà Nội vào , mời mấy anh em dự bữa cơm thân mật ở nhà hàng Ơt Đỏ giới thiệu quyển sách : “ Những cung trầm” và bàn viết tập 2 “ Năm tháng không quên” . Hôm ấy Văn Lê rất sôi nổi góp ý về tính đặc thù “hậu cần nhân dân” của Cục hậu cần B2 thời chống Mỹ . Văn Lê kề lại nhiều sự kiện , nhớ cả nội dung một số bức điện Trung ương giửi vào chỉ đạo Cục hậu cần thời đó…Sao hôm nay Văn Lê lại có vẻ trù trừ ? Câu hỏi chợt thoáng qua đầu tôi vậy thôi , không ngờ lại là một điềm báo trước chẳng lành? Cuốn tiểu thuyết “Trung đoàn xin lệnh rút” và bài viết về hậu cần B2 cùa Văn Lê chẳng bao giờ còn được ra mắt bạn đọc nữa, vì ngay tối hôm đó Văn Lê đã ra đi mãi mãi. Văn Lê vốn bình tĩnh, chỉn chu sao lại vội vã thế? Nhà Ngọc Bồng chỉ cách nhà Văn Lê mấy bước chân mà nghe kêu chạy sang chỉ kịp nắm bàn tay còn hơi âm ấm của bạn. Cháu Thủy con gái Văn Lê cho biết : “ Chiều chủ nhật bố cháu vẫn ngồi viết.Ăn cơm tối xong , cả nhà đang xem TV thì bố kêu đau ngực. Cháu gọi ngay xe cấp cứu từ bệnh viện Thống Nhất vào mà không kịp.. .”

Hơn bốn mươi năm trước , sáng 6-3-1975 , từ sóc Măng Cải , Lộc Ninh tôi tháp tùng nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đi mặt trận Xuân Lộc. Lẽ ra Văn Lê cùng đi nhưng bị cơn sốt ác tính đè bẹp. Văn Lê quấn chăn kít mít , tay chống gậy vừa đi vừa run cầm cập ra tiễn chân . Tới đầu đường Văn Lê nói với tôi : “ Thôi chúc đằng ấy đi may mắn !Tớ chuyến này bị vi trùng sốt rét đánh bại rồi không biết có sống mà vào Sài Gòn không ?”

Ơn Trời, hơn tháng sau Văn Lê đã tung tẩy ở Sài Gòn cùng bạn bè, nghênh nghênh cái cổ cao , nhoẻn cái miệng rộng rãi cười nói tếu táo : “ Đến Mỹ còn phải bỏ chạy huống hồ mấy chú vi trùng sốt rét !”

Ngay ngày đầu vào Sài Gòn , anh Nguyễn Trọng Oánh và anh Thanh Giang hối thúc chúng tôi đi tìm con gái nhà văn Nguyễn Thi. Chúng tôi đã tìm được cháu ở nhà bà ngoại số 81 Bis đường Lê Văn Duyt . Trong bữa cơm sum họp , không kìm được xúc động anh Thanh Giang đã k li nhng năm tháng nhà văn Nguyn Thi bmột người từng được anh cưu mang rổi lên làm lãnh đạo đối xử rất tệ … Mọi người nghe đều phẫn nộ. Văn Lê đọc bài thơ tôi còn nhớ mấy câu : “ Sống giữa nơi gọi nhau là đồng chí, mà anh cô đơn như Rô- bin- sơn… Anh ra đi gửi lại những trang viết dở dang. Những trang viết ám mùi than củi ướt…”

Sau ít ngày sum họp ở Sài Gòn , tờ Văn Nghệ Quân Giải Phóng giải thể , bạn bè mỗi người rẽ một ngả : Ngọc Mộc, Thái Vượng, Lê Văn Vọng… đi học Nguyễn Du, Văn Lê , Trần Ninh Hồ , Trần Mạnh Hảo sang báo Văn Nghệ Giải Phóng , tờ báo ra đời từ chiến khu do anh Hoài Vũ làm Tổng biên tập. Hình như tờ báo này cố trụ lại một thời gian để trao cái giải thưởng văn học đầu tiên mà cũng là cuối cùng : Văn Lê được trao giải nhì thơ, tôi được giải nhất bút ký và Lệ Thu giải nhất truyện ngắn … Cô sinh viên văn khoa Sài Gòn ấy chính là người yêu , người vợ mà Văn Lê đã chọn , chấp nhận những hệ lụy sau này…

Đêm rằm tháng Tám năm 197 7, khi các em thiếu nhi cả nước đang rước đèn Trung Thu thì bọn lính Pôn pôt từ bên kia biên giới Cam Pu Chia đã lẻn sang giết hại giã man mấy chục em học sinh và cô giáo trường tiểu học Tân Lập, huyện Sa mát , Tây Ninh. Tôi là phóng viên báo Tiền Phong , đang công tác ở tỉnh đoàn Tấy Ninh , nghe tin vội chạy lên Sa Mát đã thấy Văn Lê ở đó rồi. Văn Lê nói với tôi : “ Chiều hôm qua bọn chúng nó còn sang đánh bóng chuyền với bộ đội ta ở đồn biên phòng cửa khẩu ,thế mà nửa đêm lẻn sang giết tróc kinh khủng thế này. Quân khốn nạn !”

Văn Lê đã quay lại quân đôi ngay khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam vừa bùng nổ. Bấy giờ nhiều nhà văn nhà thơ ở khu, ở Hà Nội vào Sài Gòn xông xáo kiếm nhà, kiếm xe,có người kiếm được hai ba căn nhà lầu xe hơi, có ông còn bắt giám đốc công ty du lịch Dương Văn Đầy giành cho nguyên một phòng VIP khách sạn Bông Sen để ăn nhậu và chơi gái…Thế nhưng Văn Lê và Trần Văn Tuấn quay lại quân đội, khoác ba lô ra biên giới , sang chiến trường K đầy máu lửa và bất trắc. Hôm gặp nhau ở Snun , tôi hỏi Văn Lê : “ Nghe nói N Kh… hứa phong quân hàm vượt cấp cho các ông tái ngũ phải không?” Văn Lê đáp : “ Đằng ấy nhìn tớ vẫn đeo lon thượng sỹ đây này! Tớ quay lại quân đội đâu phải vì lời hứa hão của NKh… !”

Một buổi chiều mùa khô ở Pratvihia, Cam phu chia , Văn Lê rủ tôi đến thăm anh Nguyễn Danh Giảng chính ủy trung đoàn 317 đang đánh nhau với quân Pon pot . Anh Giảng cho biết , từ khi chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam , trung đoàn anh đã hy sinh hơn ba trăm cán bộ chiến sỹ . Anh bảo cuộc chiến tranh này hy sinh không kém cuộc chiến tranh chống Mỹ. Anh kể lại cho chúng tôi nghe chuyện một trung đoàn trong chiến dịch Mậu Thân 1968 , khi được lệnh rút khỏi ven đô Sài Gòn chỉ còn đúng một người. Những người lính hi sinh lúc đó cũng đều trẻ như những chiến sỹ của anh hôm nay… Văn Lê đã nung nấu câu chuyện đó suốt mấy chục năm qua , làm xương cốt cho tiểu thuyết “ Trung đoàn xin lệnh rút” , vậy mà mới chỉ viết được hơn một trăm trang thì vội vã ra đi.

Hôm lễ tang Văn Lê , nhà thơ Trần Manh Hào đọc bài điếu rất hung hồn và cảm động . Có điều anh Trần Mạnh Hào đem Văn Lê so sánh với các anh Hữu Thỉnh, Trần Văn Thủy và tỏ ra cay cú thay cho Văn Lê vì không được nhận những danh hiệu và phần thưởng tương xứng khiến có người hiểu nhầm Văn Lê. Tôi biết Văn Lê chưa bao giờ ganh tỵ với người này người kia, Văn Lê quý trọng anh em, bạn bè , không xúc xiểm, cũng không nịnh hót ai. Văn Lê có cách nhìn sòng phẳng, bao dung trong các mối quan hệ . Có lần tôi đã hỏi Văn Lê : “ Với những đóng góp của ông tôi thấy xứng đáng được phong Nghệ sỹ nhân dân và nhận Giải thưởng nhà nước? Văn Lê cười : “ Anh Hữu Thỉnh bên Hội nhà văn và mấy anh bên Hội điện ảnh bảo tôi làm đơn , nhưng tôi không làm!” Rồi Văn Lê tâm sự với tôi : “ Chúng mình nhờ có chút tài vặt được rút lên cơ quan chứ ở dưới đơn vị thì ngỏm lâu như bao nhiêu anh em đồng đội rồi! Thế là may mắn lắm còn đòi hỏi gì nữa !” Văn Lê có những nỗi buồn và day dứt thỉnh thoảng tâm sự với bọn tôi , nhưng không phải vì chuyện danh vọng , bổng lộc.

Nhà văn Hàn Quốc Bang Hyun Suk đã viết về Văn Lê : “ Tôi hoảng hốt vì đã mất anh! Tôi không tìm được người nào thay thế anh . Anh đã dạy tôi rất nhiều điều!”.

Từ một học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba , Văn Lê gia nhập quân đội vào thằng chiến trường B2 bám trụ suốt 10 năm, từng bị thương, bị sốt rét ác tính tưởng không sống sót. Sau ngày giải phóng trở về đời thường chẳng được bao lâu Văn Lê lại tái ngũ ra biên giới Tây Nam và sang chiến trường K ác liệt không kém thời chống Mỹ nhưng ít người biết tới. Từ trong máu lửa Văn Lê đã thấm tình đồng đội, hiểu số phận con người và trui rèn bản lĩnh và lòng trắc ẩn của mình , và nó đã được thể hiện một cách trung thực qua hàng chục tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết , kịch bản phim của ông…

Văn Lê ra đi để lại một khoảng trống hụt hẫng và nỗi tiếc thương trong lòng rất nhiều người. Hơn hai trăm vòng hoa hầu hết của bạn đọc và bạn bè và gần một ngàn người đã đi bộ một quãng đường dài tiễn Văn Lê đến đài hóa thân Bình Hưng Hòa đã nói lên điều đó !

Từ hôm Văn Lê mất, tôi và Ngọc Mộc, Ngọc Bồng vẫn ngồi với nhau vào mỗi buổi sáng chủ nhật. Cái ghế Văn Lê ngồi đề trống , trên bàn chúng tôi đặt ly trà pha đậm và châm một điếu thuốc cho Văn Lê.

MINH DIỆN